Đọc truyện Tiểu Lý Phi Đao – Chương 1: Cái túi giết người
Gió lạnh như từng ngọn dao chém xuống. Vạn vật y hệt những con cá nằm trên thớt tuyết, chết lạnh cứng đơ.
Ngàn dặm tuyết rơi, bầu trời như một biển muối mênh mông trắng xóa.
Tuyết cứ tiếp tục rơi, gió lạnh không ngừng.
Một cỗ xe ngựa vượt đường từ phương Bắc, bánh xe nghiến lên băng giá rào rào bắn văng từng loạt hoa tuyết rơi lỗ chỗ kín cả vệ đường.
Tiếng xe khua, tiếng vó ngựa dù dập dồn, nhưng vẫn không lay động được khung cảnh rịch mịch tiêu sơ. Khung cảnh cũng đã trùm khăn xô tang tóc.
Lý Tầm Hoan hắt hơi mấy liền mấy cái, hắn ngay chân và khẽ vặn mình.
Ngồi trong xe, phủ rèm da báo tuy ấm áp dễ chịu, nhưng cuộc đời ngang trái dường như cứ đẩy con người vào cái cảnh mà chính lòng họ không muốn bao giờ.
Lý Tầm Hoan chép miệng thở dài :
– Con người sinh ra là đã đắm mình vào mâu thuẫn, bất cứ một ai cho dù không muốn cũng chẳng biết phải làm sao!
Hắn cúi xuống góc thùng xe, lôi ra bầu rượu, mở nút, nheo mắt nhìn vào và vươn cổ nốc cạnh một hơi.
Giọt rượu cuối cùng chạy vào cổ, Lý Tầm Hoan cúi đầu ho sặc sụa, tiếng ho kêu dài làm hắn phải gập mình.
Tiếng ho sù sụ không ngừng làm cho da mặt trắng xanh vì khí trời lạnh lẽo đã phải đỏ dần.
Hắn ho nổi cả gân cổ, ho như một chứng bệnh kinh niên.
Lý Tầm Hoan chong bình rượu lên để xem còn giọt nào trong đó nữa không và rút ra một con dao mỏng như lá lúa, dùng mũi khắc lên bầu rượu.
Như một nhà điều khắc chuyên môn, mũi dao thoăn thoắt uốn quanh một cách thành thục và chỉ thoáng qua làn nét điêu khắc đã lộ lên một hình dáng người đàn bà, người đàn bà không những đẹp mà nét khắc còn làm nổi bật lên vẻ thuỳ mị đoan trang, sống động.
Không phải nét khắc đã cho hình nhân một linh hồn mà có lẽ linh hồn người khắc đã lồng vào hình khắc. Chỉ có tâm sự người nghệ sĩ hoàn toàn ký thác, tác phẩm mới có thể có thần như thế.
Khuôn mặt của Lý Tầm Hoan hình như không phải là con người và đuôi mắt hắn đã xâu chùm những đường nhăn như đuôi cá, mọi đường nhăn đều hằn đậm nét phong trần, biểu hiện đầy bất hạnh.
Còn đôi tròng mắt, đôi tròng mắt trong và lóng lánh của hắn thanh minh rằng hắn không phải là người đã về già, đôi mắt ngời ngời đó nói rằng hắn vẫn còn trong lứa tuổi thanh niên.
Đôi tròng mắt sáng mà dịu hiền, linh động và sâu thẳm, đúng là ngưỡng cửa đi vào tận đáy tâm tư. Đôi mắt ưa nhìn chứ không làm cho người ta khó chịu.
Hình khắc đã hoàn thành, hắn nhìn hình khắc thật sâu chứ không phải nhìn sững và hắn vụt xô cửa xe nhảy xuống.
Gã đánh xe vội ghì mạnh dây cương, cỗ xe chao qua và dừng hẳn lại.
Gã đánh xe là một gã có râu quai nón, đôi mắt gã bén nhọn như mắt chim ưng, nhưng khi đúng vào mặt Lý Tầm Hoan, lập tức tia mắt hắn dịu lại như xót thương, như trìu mến. Đôi mắt sáng quắc nhưng hiền hòa, y như một con chó dữ nhìn vị chủ nhân. Lý Tầm Hoan nhìn quanh, dùng con dao nhỏ khoét một lỗ sâu trên mặt tuyết đã đóng băng để bình rượu có khắc hình người xuống và gom đùn mặt tuyết vun lên như một ngôi mộ con. Hắn đứng sững nhìn ngôi mộ tuyết bằng đôi mắt lờ đờ thăm thẳm.
Tay cân, da mặt tuy đã bị khí lạnh làm cho xanh tím, cả thân mình hoa tuyết đơm đầy, nhưng Lý Tầm Hoan không tỏ ra một chút gì lạnh lẽo, hắn đứng trước ngôi một tuyết như một người đưa kẻ thân thiết nhất đến nơi yên nghỉ cuối cùng mà sinh mạng của kẻ còn lại dường như không còn ý nghĩa.
Nếu là một ai khác chứng kiến hành động của Lý Tầm Hoan, nhất định sẽ cho là kỳ dị, nhưng tên đánh xe có vẻ đã quen rồi. Gã chỉ nói một cách dịu dàng :
– Trời sắp tối rồi, mà đường hãy còn xa, thiếu gia hãy lên xe cho sớm.
Lý Tầm Hoan chậm chạp quay mình lại đến bây giờ hắn mới phát giác một hàng dấu chân sát bên xe, dấu chân này cũng cùng chiều với vết xe của hắn.
Giữa con đường trống vắng mênh mông, hàng dấu chân đơn độc như dấu bèo trôi trên mặt bể.
Dấu chân rất sâu, chứng tỏ con người đó đã trải qua một quãng đường xa lắm. Đôi chân đã sức cùng lực kiệt, nhưng kẻ ấy vẫn không chịu dừng bước.
Lý Tầm Hoan khẽ thở dài :
– Trong giờ cuối của ngày, giữa khi trời lạnh lẽo, một con người cô độc vượt đường trường hoang vắng, ta nghĩ kẻ ấy là một người cô độc đáng thương.
Gã râu ria đánh xe không nói gì, nhưng tia mắt gã đã nói lên điều suy nghĩ :
– Thiếu gia không phải là người hiu quạnh đáng thương sao? Tại sao lại cứ phải nghĩ đến người khác mà quên mất thân phận mình?
Cỗ xe lại chuyển mình, bánh xe lại nghiến trên mặt tuyết đóng băng nghe rào rào.
Lý Tầm Hoan lại tiếp tục khắc. Nhiều khúc tòng già rắn chắc ngổn ngang trên thành xe, không biết hắn đã khắc biết bao nhiêu và còn bao nhiêu chưa khắc. Chỉ thấy được rằng mũi dao cứ đi theo chiều quen thuộc của bàn tay tinh luyện, trước sau hắn chỉ khắc một mẫu giống nhau : hình người đàn bà đẹp.
Đường càng đi càng hun hút, tuyết đông trên đầu cây, tuyết phủ trên mặt đất trắng xoá một màu. Trong khung cảnh tịch mịch hoang vu, chợt nghe có tiếng chân bước.
Tất nhiên, tiếng người bước đi không phải là tiếng khua động lớn, nhưng đối với thính giác tinh nhậy, với sự cố ý đợi chờ, tiếng bước chân đủ khẽ, Lý Tầm Hoan vẫn nghe rõ mồn một.
Hắn xô vẹt rèm cửa bằng da beo để nhìn ra phía trước.
Một bóng người hiện rõ, một bóng đen trên nền tuyết trắng mênh mông.
Người đó đi thật chậm, nhưng bước chân đều đều, tuy nghe tiếng xe khua nhưng tuyệt nhiên không hề quay đầu nhìn lại.
Tuyết xuống như mưa phùn, đầu hắn không đội nón, tuyết rơi xuống tóc, tuyết bám vào mặt, nước chảy theo cổ hắn xuống lưng, xuống ngực, ướt đẫm chiếc áo mỏng mà hắn mặc trong mình.
Ngồi một chỗ khô ráo, gió cũng lạnh buốt da, nhưng hắn vẫn như không, lưng hắn vẫn đứng như da thịt của hắn là đồng sắt. Nhìn vào dáng điệu của hắn, người ta có cảm tưởng đến một con người không hề than vãn, không hề biết khuất phục là gì.
Mãi cho đến lúc bánh xe vượt qua cạnh hắn, Lý Tầm Hoan mới trong rõ được mặt hắn – một gã thiếu niên mày rậm, mắt to, vành môi mong mỏng khép lại như một làn chỉ hồng viền quanh khéo miệng.
Gương mặt hắn lạnh băng như giá tuyết y như không việc gì có thể làm cho hắn quan tâm, luôn cả sự hiện diện của hắn, hắn cũng xem như không có.
Hắn còn trẻ quá, bằng phương cách tuổi tác đó, chưa có thể gọi là người lớn nhưng sắc diện và dáng dấp của hắn lại có đủ một mê lực hấp dẫn lạ lùng, nhất là đôi mắt xếch long lanh.
Lý Tầm Hoan nhìn hắn bằng chuôi mắt, mỉm cười và co chân đẩy tung cửa xe :
– Lên đi, tôi chở cho một đỗi.
Một câu nói rất thường, nhưng có một sức mạnh như truyền loan vì giữa vùng băng tuyết mênh mông, mời một khách bộ hành lên xe quả là một đề nghị không ai có thể từ chối được.
Nhưng gã thiếu niên mắt xếch chẳng buồn nhìn lại, chân hắn cứ bước đều đều không mau hơn mà cũng chẳng chậm hơn y như không nghe thấy có gì ở kế bên cả.
Lý Tầm Hoan nói :
– Điếc à?
Gã thiếu niên chầm chậm kéo tay đặt vào cán kiếm mang lủng lẳng bên hông.
Cử động của hắn rất chậm, nhưng cũng y như bàn tay cầm dao khắc hình của Lý Tầm Hoan, bàn tay đặt lên cán kiếm của hắn rất chuyên môn tinh luyện.
Lý Tầm Hoan bật cười :
– À, như thế là không điếc. Mời lên xe, mời lên uống một chén rượu cho ấm bụng, một chén rượu, dù đối với một người nào cũng chẳng có hại chi mà.
Gã thiếu niên đáp cộc lốc :
– Ta không thể uống!
Những đường nhăn ở chuôi mắt Lý Tầm Hoan vẫn gợn lên nét cười :
– Ta mời uống không phải trả tiền mà.
Gã thiếu niên vẫn cộc cằn khó thương :
– Không phải vật của ta, ta không giữ, không phải rượu của ta, ta không uống. Ta nói thế cũng khá rõ chứ?
Lý Tầm Hoan gật đầu :
– Rõ, khá rõ!
Gã thiếu niên nói tiếp :
– Tốt, vậy thì cứ đi đi.
Lặng thinh một lúc, Lý Tầm Hoan chợt cười :
– Tốt, ta đi, nhưng đến lúc rượu của túc hạ mua thì túc hạ có mời ta một chén không?
Gã thiếu niên nhìn lên :
– Tự nhiên.
Lý Tầm Hoan cười vẫy tay :
– Vậy xin tạm biệt.
Cỗ xe lại bắt đầu lăn bánh. Bóng gã thiếu niên dần dần mất hút ở phía sau.
Lý Tầm Hoan nói với gã đãnh xe :
– Ngươi thấy gã thiếu niên ấy có lạ không? Riêng ta nghĩ, hắn nhất định không phải con người lịch lãm tầm thường, không ngờ lời lẽ của hắn hết sức là trung thực, trung thực đến ngây thơ.
Gã đánh xe điềm nhiên :
– Hắn cũng chỉ là cậu bé có tánh quật cường như bao cậu bé quật cường khác, có thế thôi.
Lý Tầm Hoan lại hỏi :
– Ngươi có thấy thanh kiếm hắn đeo bên hông không?
Gã đánh xe cười :
– Cái đó mà cũng có thể gọi là thanh kiếm sao?
Đúng như gã đánh xe nói. Vật mà tên thiếu niên đeo bên mình không thể gọi là thanh kiếm, mà cũng không thể gọi là thanh đao. Nó là một thanh sắt dẹp dẹp, không mũi nhọn, không lưỡi bén, không có cán. Cái gọi là cán chỉ là hai miếng gỗ mỏng kẹp vào một đầu của thanh sắt mà thôi.
Gã đánh xe cười nói tiếp :
– Theo tôi thấy thì đó là món đồ chơi con nít.
Lý Tầm Hoan không cười mà lại thở ra :
– Theo ta thấy thì món đồ chơi con nít ấy cực kỳ nguy hiểm, tốt hơn hết là không nên đùa với hắn.
Gã đánh xe lặng thinh. Cỗ xe cứ thế bò nốt quãng đường xa.
Cuối cùng đến một thị trấn nhỏ.
Thị trấn nằm sát vùng biên giới, vừa nghèo nàn, vừa heo hút, nhưng lữ khách lại đông vầy. Một khách điếm duy nhất đã nhỏ mà khách lại rất đông, làm cho bầu không khí rất ồn ào.
Vì hầu hết những khách ngược xuôi trên con đường này đều lấy thị trấn đó, khách điếm đó làm chỗ nghỉ chân sửa soạn cho con đường sắp tới, hoặc chuẩn bị lại con người cát bụi, chuẩn bị lại cho hàng hóa để xâm nhập vùng dân cư đông đúc, hoặc vượt đường trường ra biên giới xa xăm.
Thành ra, bất cứ người từ ngoài vào, hay từ trong ra, không ai có thể bỏ rơi nơi này.
Trước khách điếm là một khoảng sân rộng, nhiều cỗ xe tải hàng của một tiêu cục nào đó sắp thẳng một hàng, đó là những cỗ xe trống, có lẽ đã đưa hàng đến nơi xong cả.
Phía trước khách điếm là nơi ăn uống, không rộng lắm mà khách vẫn ra vào không ngớt. Hầu hết là người lực lưỡng, áo choàng da thú, họ là những khách giang hồ xuôi ngược, họ là những nhân viên tiêu cục tải hàng.
Hầu hết những kẻ đặt chân đến đây, đặt chân đến một vùng biên giới xa xôi, hình như khung cảnh đã gợi cho họ một nếp sống ngang tàng, cho nên người nào cũng nốc rượu như uống nước và nhiều kẻ ngực áo lại phanh ra, như muốn chứng tỏ với người khác rằng ta đây là kẻ màn trời chiếu đất, chưa từng sợ lạnh là gì.
Lúc thầy trò Lý Tầm Hoan đến đó thì phòng ăn khách điếm không còn phòng nào trống cả. Họ lý phải chật vật lắm mới vào được chiếc bàn trong kẹt, một chiếc bàn tồi tàn để những đĩa ớt thừa và những chai dầu lung tung. Có lẽ vì vậy mà nó còn bỏ trống, ai cũng chê. Lý Tầm Hoan ngồi xuống nhìn ra ngoài, những cỗ xe tải hàng trống lổng giăng giăng, mỗi nóc xe đều có cắm một cây cờ thêu hình một chiếc đầu, không biết đầu hổ hay sư tử.
Lý Tầm Hoan gọi rượu, hắn uống chậm rãi hết chén này sang chén nọ và cứ cạn một ngụm là lại cong mình ho sặc sụa.
Gã đánh xe râu quai nón đi vào, tiến đến cạnh chủ khẽ thưa :
– Một cái phòng góc phía Nam trên gác đã sửa soạn sạch sẽ, bao giờ mệt xin thiếu gia lên đó nghỉ.
Hình như biết trước gã đánh xe sẽ làm việc đó, Lý Tầm Hoan chỉ gật đầu nhưng không ngó lại.
Một lúc sau, tên đánh xe vụt nói :
– Kim Sư tiêu cục có khá đông người trong khách điếm này, dường như là họ mới giao hàng xong trở về.
Lý Tầm Hoan hỏi :
– Ai là kẻ cầm đầu của chuyến chở hàng này?
Gã đánh xe đáp mau :
– Nghe nói như là “Cấp Phong Kiếm” Gia Cát Lôi.
Lý Tầm Hoan khẽ cau mày, nhưng rồi lại cười :
– Hừ, tên ấy sống đến ngày nay thì kể ra cũng không phải dễ.
Tuy nói chuyện với người sau lưng, nhưng đôi mắt của Lý Tầm Hoan cứ ngó chầm chập ra phía cửa, hình như đang chờ đợi một ai.
Gã đãnh xe nói ngay vào sự mong đợi ấy :
– Chú bé ấy không đi lẹ, có lẽ đến đây cũng phải quá canh đầu.
Lý Tầm Hoan cười :
– Hắn không phải là không đi lẹ được nhưng tại vì hắn không muốn phí sức. Ngươi có thấy một con chó sói đi thong thả bao giờ chưa? Nếu phía trước không có con vật cho nó đuổi và phía sau không có con vật rượt theo thì nó nhất định không bao giờ nó đi nhanh, vì nó không muốn phí bỏ sức lực một cách vô ích, có lẽ nó hà tiện sức để chờ cái cơ hội hữu dụng bất chợt chẳng biết thời gian nào.
Gã đánh xe cũng cười :
– Nhưng chú bé ấy không phải là con sói.
Lý Tầm Hoan không nói nữa vì hắn đang bận ho.
Ngay lúc đó, có ba người từ phía sau đi vào phòng ăn. Họ nói chuyện với nhau rất lớn. Họ đang nói với nhau về những câu chuyện không đầu không đuôi, những câu chuyện sôi máu giang hồ.
Họ cũng không quên khéo léo tự xưng y như là sợ người khác không biết họ là người của Kim Sư tiêu cục, không biết họ là đại đầu lãnh của một tiêu cục nhiều uy thế ấy.
Lý Tầm Hoan nhận ra ngay một trong ba người ấy là “Cấp Phong Kiếm” Gia Cát Lôi nhưng ba gã ấy không buồn để mắt vào một ai cả.
Họ ngồi xuống là rượu thịt đã kề bên miệng. Gia Cát Lôi hào khí hừng hừng :
– Triệu lão nhị, có nhớ vụ “Thái Hành tứ hổ” ở Thái Hành sơn không?
Người bên trái nói :
– Sao lại không. Cái câu nói xấc xược của bọn “Thái Hành tứ hổ” là khó quên hơn hết. Họ nói sao hè? À, à họ nói “Chỉ cần đại ca bò ba vòng dưới đất thì họ cho qua núi bằng không thì chẳng những hàng hóa, mà luôn cả cái thủ cấp của đại ca họ cũng mượn lại luôn”.
Người bên phải phì cười :
– Thế mà họ vừa rút đao là kiếm của đai ca đã xuyên qua yết hầu họ rồi.
Người ngồi bên trái càng nói lớn tiếng hơn :
– Vậy mà dám xưng là “Tứ hổ” chứ. Đáng lý gọi họ là “Tứ rùa” mới đúng.
Người bên phải nhịp bầu rượu khua um lên bàn :
– Nói không phải mình tự khen, chứ tôi dám cam đoan rằng trong thiên hạ, không ai có thể lẹ tay hơn đại ca nhà mình đâu.
Gia Cát Lôi nốc đánh trót một chén rượu đầy, cười ha hả.
Nhưng giọng cười của gã tắt ngang khi thấy hai người khoát rèm cửa bước vào.
Hai tà áo choàng đỏ rực mau máu theo chiều gió hất lên, đầu họ đầu đội nón rộng vành, cả hai bóng dáng in hệt như nhau làm cho mọi người nhìn sững.
Tuy chưa thấy rõ mặt nhưng bằng vào thuật khinh công và khí thế uy mãnh của hai người mặc áo choàng đỏ, ai cũng đều biết họ không phải là kẻ tầm thường.
Nhưng đôi mắt của Lý Tầm Hoan cứ đăm đăm ngoài cửa chứ không nhìn hai người ấy, vì gió đưa rèm cửa phất lên, đôi mắt họ Lý bắt gặp ngay bóng của con người mà mình đang chờ đợi : Gã thiếu niên mắt xếch.
Hắn đến nhưng lại không vào, hắn ngó bằng bộ mặt ngơ ngơ e ấp. Hình như hắn ngại chỗ đông người.
Lý Tầm Hoan chợt nghe lòng thương hại.
Hai tên áo choàng đỏ đứng ngay giữa cửa, thong thả cởi áo choàng và thong thả gấp lại và chầm chậm lột nón xuống.
Mọi người lại một phen kinh dị vì cách ăn mặc của họ. Cả hai đều mặc quần áo đen có nhiều viền đường trắng, y phục lại bó sát thân người, thêm vào đó, thân hình cao lêu nghêu của họ làm cho họ y như hai con rắn.
Nhất là bốn con mắt, bốn con ngươi xanh rờn như mắt rắn lục cườm, gắn trên hai bộ mặt, một thì trắng bệch, một y như lọ chảo, tóc họ lại hoe hoe như sáp.
Nếu không có hai nước da khác biệt, thì cả người ấy khôn ai phân biệt nổi.
Cởi áo, xếp áo, lột nón xông xuôi, cả hai bước thẳng tới bàn của Gia Cát Lôi, họ đi hơi chậm nhưng tia mắt rực lên hung ác dị thường.
Gia Cát Lôi hơi chột dạ, nhưng cố đứng dậy mỉm cười :
– Tướng cao danh quí tánh là chi, xin cho.
Gã mặt trắng cắt ngang :
– Người là “Cấp Phong Kiếm” Gia Cát Lôi?
Giọng nói của hắn không lớn lắm nhưng nhọn quắt gai gai. Gia Cát Lôi chợt thấy rùng mình :
– A… a… chính là tại hạ…
Gã mặt đen cười nhạt :
– Lẹ lắm sao mà dám xưng là “Cấp Phong Kiếm”?
Hắn cho tay lên vai, một thanh kiếm ngời ngời dịu quật như lá lúa rút theo, chót mũi kiếm rung lên bần bật, chỉ thẳng vào mặt Gia Cát Lôi :
– Để bao đó từ biên giới mang về thì ta tha cho mạng sống?
Tên Triệu lão nhị đứng lên cười mơn :
– Như vậy thì sợ nhị vị đã lầm. Chuyến này chúng tôi giao hàng đã xong, bây giờ một dãy xe không đang đậu ngoài trước, hẳn nhị vị cũng thấy.
Vút!
Y như một ngọn roi da, thanh kiếm dịu nhíu quấn ngang cổ lão Triệu lão nhị, tên mặt đen gạt tay một cái, đầu Triệu lão nhị văng lên và một vòi máu phun theo tận trần nhà rồi mới tua xuống như ngọn pháo bông tưới ướt cả đầu mình Gia Cát Lôi và tên còn lại.
Tất cả những người có mặt trong quán rượu chợt nghe hai đầu ngối nhịp vào nhau nghe cộp cộp.
Gia Cát Lôi thò tay vào lưng móc một chiếc túi màu xám ném mạnh lên bàn :
– Tai mắt của nhị vị thật là sáng. Chúng tôi quả có mang vật này từ biên giới về dây, nhưng việc mang đi sợ các vị không làm được.
Gã mặt đen hỏi :
– Tại sao không được?
– Bởi vì vật này có chủ, nếu các vị đi mà không có gì lưu lại thì chúng tôi biết ăn nói làm sao?
Gia Cát lôi vừa nói vừa thụt lui rút văng kiếm thanh kiếm.
Ai cũng tưởng hắn sẽ giao đấu với tên mặt đen không ngờ hắn chỉ đưa mũi kiếm hất văng đĩa bánh tiêu, bốn chiếc bánh văng lên, hắn đưa kiếm phát ngang một đường, bốn chiếc bánh đứt làm tám mảnh.
Điều hay hơn hết là tám miếng bánh đó y hệt như bị thanh trường kiếm điều khiển, nên lại rơi ngay vào trong đĩa.
Gia cát Lôi hất mặt :
– Nếu nhị vị có thể nhanh tay hơn thì tại hạ xin dâng cái túi này. Bằng không xin mời nhị vị đi ra.
Lý Tầm Hoan mỉm cười, nụ cười nói lên rằng Gia cát Lôi chỉ có thể chém bánh tiêu, chứ không thể chém đầu người bằng cách đó.
Tên mặt đen cười khanh khách :
– Đó là thủ thuật của những tay nấu bếp. Nhưng thôi, ta cũng theo cho vui. Lời chưa dứt, hắn đã đưa mũi kiếm hất đĩa bánh tiêu lên, tám miếng bánh văng tung lên, ngọn kiếm rung lên chơm chớp.
Thay vì chém tám miếng bánh như Gia Cát Lôi, gã mặt đen lại dùng mũi kiếm xuyên qua từng miếng một, cả tám miếng xâu vào mũi kiếm như cầm từng miếng xỏ vào.
Gia Cát Lôi mặt xám như đất sét, vừa thụt lùi vừa run giọng :
– Nhị…. nhị vị là ai… là “Bích Huyết song xà”?
Nghe đến bốn tiếng “Bích Huyết song xà” gã tiêu sư còn lại đứng cạnh Gia Cát Lôi vụt tụt mình xuống chui tuốt dưới gầm bàn, run cầm cập.
Luôn cả gã đánh xe đứng sau lưng Lý Tầm Hoan cũng khẽ cau mày.
Cả một giải lưu vực Hoàng Hà, trong giới Hắc đạo võ lâm, phải kể về lòng hung hãn cũng như công lực, thì ít ai chẳng nghe đến tiếng “Bích huyết song xà”, nghe đồn hai chiếc áo choàng của họ cũng nhuộm đỏ bằng máu.
Sự thật thì đó chỉ là lời đồn đãi, chứ chưa một ai mục kích vì những kẻ thấy được hành động của “Bích Huyết song xà” thì chẳng người nào còn sống được một. Vì khi thấy thì phải chết liền theo.
Tên Hắc xà cười sằng sặc :
– Khá, ngươi còn nghe danh của bọn ta thì kể như ngươi còn may mắn lắm đấy.
Gia Cát Lôi nghiến răng :
– Hai vị đã cần đến cái túi ấy rồi thì… thì tại hạ biết nói sao đây. Vậy xin tùy tiện mang đi vậy.
Bạch Xà rùn vai :
– Bây giờ thì đã trễ rồi, đáng lý ngươi phải chết, nhưng thôi, gọi là lưu lại chút tình, ngươi hãy bò quanh bàn ba vòng rồi ta sẽ tha cho. Nếu không, túi mất mà đầu ngươi cũng mất.
Thật là trớ trêu. Câu nói vừa rồi bọn Gia Cát Lôi nói ra của bọn “Thái Hành ngũ hổ” để tự khoe mình, thế nhưng bây giờ.
Bây giờ thì. Gia Cát Lôi vùng thụp xuống bò đủ ba vòng xung quanh bàn.
Lý Tầm Hoan thở ra, lầm bầm :
– Tính tình hắn biến đổi đến cả cong lưng ra như thế này, thảo nào mà hắn còn sống đến ngày nay.
Bích Hyết song xà quả thật thính tai, Lý Tầm Hoan lầm bầm dù rất khẽ, nhưng cả hai đều nghe thấy và đều quay phắt lại.
Bạch Xà cười sằng sặc :
– Té ra nơi đây còn có cao nhân, thế mà xem tí nữa bọn này hóa ra kẻ vô tình.
Hắc Xà cười theo hô hố :
– Cai túi này do ngươi tình nguyện giao cho nhưng nếu có ai không bằng lòng, thì bọn này sẵn sàng nhường lại.
Bạch Xà cho tay lên vai, một thanh kiếm dịu quặt được rút theo ra.
– Chỉ cần nhanh tay hơn kiếm hơn, thì bọn này không những bằng lòng để cái túi này, mà còn bằng lòng để luôn chiếc đầu.
Hắn nói mà tia mắt hắn bắn thẳng vào mặt Lý Tầm Hoan, nhưng anh thợ điêu khắc này y như không nghe, vì tay anh đang mải mê chạm trổ.
Nhưng kẻ khác đã lên tiếng :
– Chiếc đầu đó đáng được bao nhiêu lượng bạc?
Câu nói đó làm cho Lý Tầm Hoan giật mình, vì nó phát lên từ ngoài cửa, và gã thiếu niên mắt xếch đã bước vô.
Trên mình gã hãy còn ướt đầm, mái tóc rối bời, bông tuyết hãy còn đưom. Nét mặt hắn vẫn lạnh lùng cô độc.
Đôi mắt hắn thật trong sáng nhưng hơi man dại, đôi mắt lúc nào cũng sẵn sàng dịu dàng mà lúc nào cũng sẵn sàng chém giết.
Nhưng, cái làm người ta chú ý hơn hết lại là một thanh kiếm đeo lủng lẳng bên hông hắn.
Nhìn vào thanh kiếm đó, sự kinh dị, giận dữ của Bạch Xà chợt biến thành giọng trêu đùa :
– Câu vừa rồi là ngươi nói đấy chứ?
Gã thiếu niên gật đầu :
– Phải?
Bạch Xà hỏi :
– Ngươi muốn mua chiếc đầu của ta à?
Gã thiếu niên lắc đầu :
– Không, ta muốn hỏi coi giá đáng bao nhiêu để bán lại cho ngươi đấy chứ.
Bạch Xà trố mắt :
– Bán lại cho ta?
Vừa hỏi, Bạch Xà vừa ngắm thiếu niên từ đầu đến chân rồi hắn vụt bật cười sặc sụa, y như trong đời hắn chưa gặp một chuyện nào tức cười như thế.
Gã thiếu niên vẫn đứng như trồng, mắt gã có vẻ ngơ ngơ man dại, hình như gã không biết Bạch Xà đang cười cái gì.
Gã đánh xe đứng sau lưng Lý Tầm Hoan khẽ thở dài, gã cảm thấy tên thiếu niên này y như có vẻ thật khùng.
Bạch Xà cũng cười lớn :
– Cái đầu của tại hạ ngàn vàng cũng không mua nổi.
Gã thiếu niên lắc đầu :
– Ngàn vàng hơi nhiều, ta chỉ thấy đáng chừng năm mươi lạng.
Bạch Xà bật ngưng tiếng cười, hắn cảm thấy gã thiếu niên này không điên, gã nói có vẻ thật lắm.
Hắn lại nhìn sững gã, nhìn sững thanh kiếm kỳ cục rồi lại bật cười hô hố :
– Được, nếu tay kiếm ngươi lẹ như ta, ta sẽ đưa cho ngươi năm mươi lượng.
Hắn chấm câu bằng cách loang loáng thanh kiếm dịu, ánh kiếm y như chơm chớp trước ngọn bách lạp trơ trơ.
Mọi người ngơ ngác, không hiểu tên Bạch Xà này định múa trò gì, ngay lúc đó hắn chợt thổi ra một hơi, cây bạch lạp bỗng rơi ngã từng đoạn một.
Thì ra, khi lia mạnh thanh kiếm dịu, hắn đã phát ngang mấy lượt làm cho cây bạch lạp đứt làm bảy khúc, nhưng lưỡi gươm bén quá và hắn lia quá nhanh không ai thấy được, ngọn bạch lạp vì thế cứ đứng yên.
Đến lúc hắn thổi ra, ngọn bạch lạp rơi từng đoạn một thì hắn lại đưa kiếm nhấn tới, từng khúc bạc lạp bị mũi kiếm xuyên sâu vào và ngọn bạch lạp vẫn cháy tỏ như thường.
Biểu diễn xong một đường tuyệt diệu, Bạch Xà hất hàm ngạo nghễ :
– Sao? Như thế có lẹ không?
Gã thiếu niên gật gù :
– Lẹ lắm!
Bạch Xà cười sằng sặc :
– Ngươi có lẹ được như thế không?
Gã thiếu niên điềm nhiên :
– Kiếm của ta không dùng để chặt sáp.
Bạc xà hỏi ngay :
– Vậy thì thanh sắt dẹp của ngươi dùng để làm gì?
Gã thiếu niên mằn mằn cán kiếm :
– Kiếm của ta dùng để giết người.
Bạc xà cười khanh khách :
– Giết người? Mà ngươi giết được ai?
Gã thiếu niên nói một cách tỉnh khô :
– Ngươi.
Tiếng “Ngươi” phát ra cùng một lượt với tiếng thép rít trong gió nhưng không một ai thấy bóng dáng gì cả, mà tiếng khua trong gió cũng thật ngắn ngủn, khi mọi người chớp mắt thì thanh sắt dẹp đã chĩa ngay yết hầu của Bạch Xà.
Không biết thanh thép đã lún vào hay mới chỉ ấn sát lên làn da, vì thanh sắt dẹp hình dáng bằng đều không có mũi mà cũng không có máu vọt ra.
Nhưng Bạch Xà đã trơn trừng đôi mắt, hai tay lẩy bẩy run, lưỡi hắn thè dài và máu theo đầu lưỡi trào ra.
Gã thiếu niên khẽ nhướng mắt :
– Kiếm của ngươi lẹ hay của ta lẹ?
Bạch Xà vẫn trừng trừng đôi mắt, tiếng ằng ặc từ cổ họng y không ngớt phát ra.
Hắc Xà run run thanh kiếm trên tay nhưng chưa dám động đậy, trán hắn bong bóng mồ hôi.
Gã thiếu niên rút thanh sắt lại, máu từ yết hầu Bạch Xà bắn vọt một vòi và thân hình hắn đồng thời ngã sấp xuống, tay chân giật giật mấy cái rồi im lìm.
Gã thiếu niên quay lại ngó Hắc Xà :
– Trả năm mươi lạng đây.
Hắn nói bằng giọng thật thà, thật thà y như đứa trẻ đòi nợ với trang lứa mình.
Nhưng giọng thật thà đến ngây thơ đó bây giờ không làm cho ai cười được nữa.
Hắc Xà mấp máy đôi môi :
– Ngươi… ngươi thật vì năm mươi lạng vàng mà giết hắn à?
Gã thiếu niên gật đầu :
– Đúng vậy.
Hắc Xà nhăn mặt, không biết khóc hay cười và hắn vụt trở mũi kiếm rọc vào thân áo.
Những thỏi bạc, thỏi vàng rơi lổn cổn trên mặt đất và hắn rống lên :
– Đó, trả cho ngươi đó.
Rồi y như một kẻ điên, hắn càn lên bàn, lên ghế chạy bay ra khỏi cửa.
Gã thiếu niên không rượt mà cũng không lộ vẻ gì, hắn thong thả cúi xuống lượm bạc và ném lên mặt quầy, hỏi tên quản lý :
– Đủ năm mươi lượng không?
Không đếm cũng không cân, gã quản lý rụt đầu líu lưỡi :
– Dạ… dạ… đủ quá… dạ đủ quá.
Bây giờ Lý Tầm Hoan mới nhìn lại gã đánh xe :
-Ta nói có sai đâu?
Gã đánh xe rùn vai :
– Cái món đồ chơi ấy quả là nguy hiểm.
Gã đánh xe nhìn tên thiếu niên trân trối, vì hắn đi lại phía bàn của Lý Tầm Hoan. Không ai chú ý đến Gia Cát Lôi cả.
Bỗng Gia Cát Lôi từ dưới gầm bàn, chui ra và bất thần lao theo gã thiếu niên, phóng kiếm đâm mạnh vào lưng gã.
Thanh kiếm còn cách lưng gã thiếu niên độ chừng hai lóng tay, Gia Cát Lôi vụt khựng lại, hai tay bụm lấy yết hầu.
Máu của hắn nhỏ tong tỏng xuống đất theo hai cùi chỏ, mắt hắn trừng trừng nhìn Lý Tầm Hoan.
Lý Tầm Hoan vẫn mân mê khúc cây khắc hình người, nhưng lưỡi dao nhỏ trên tay không còn nữa.
Gia Cát Lôi kêu ặc ặc trong cổ họng và hai tay bụm lấy yết hầu cố gắng giật mạnh ra.
Một vòi máu bắn vòng cầu. Gia Cát Lôi ngã xuống dãy đành đạch trên mặt đất. Con dao khắc cây của Lý Tầm Hoan từ trong tay còn ướt máu hồng của hắn văng ra.
Nhưng không một ai thấy con dao từ tay Lý Tầm Hoan bay đến yết hầu hắn từ bao giờ.
Gia Cát Lôi đang giãy vụt ngẩng đầu lên nói như rống :
– Thì ra… thì ra là ngươi.
Lý Tầm Hoan thở ra :
– Chỉ tiếc khi nhận ra ta quá trễ, phải nhận được sớm hơn, chắc ngươi không dại gì làm cái trò hạ tiện đâm lén người như thế.
Gia Cát Lôi cố gắng ngóc mặt cao hơn nữa, nhưng lại ngã vật xuống im lìm. Câu nói sau cùng của Lý Tầm Hoan với hắn, có lẽ hắn không còn nghe được.
Gã thiếu niên quay lại nhìn xác Gia Cát Lôi, mắt hắn thoáng lộ niềm kinh ngạc. Có lẽ hắn không dè con người ấy lại muốn giết mình.
Nhưng chỉ nhìn lại một cái thật nhanh, hắn lại tiếp tục tiến đến chiếc bàn của Lý Tầm Hoan, từ đôi mắt hoang dại của hắn tóe lên nụ cười, và hắn hơi thấp giọng :
– Bây giờ thì rượu tôi mời các hạ.