Đọc truyện Tiểu Khanh – Chương 17
Cứ mỗi giữa tháng Cố Tiểu Khanh sẽ đưa Âu Lâm Ngọc đến viện điều
dưỡng của thành phố C. Tính đến nay, cô đã đưa anh đi hai lần. Lần nào
cũng vậy, anh đều nán lại ở đó suốt buổi chiều.
Âu Lâm Ngọc
không phải là tuýp người để lộ cảm xúc ra ngoài. Nhưng mỗi khi anh quay
lại, Cố Tiểu Khanh vẫn cảm nhận được nỗi đau mà anh đang che giấu dưới
cặp mắt lạnh lùng thường trực.
Một buổi chiều trước ngày ba mươi Tết, Cố Tiểu Khanh chở Âu Lâm Ngọc tới trước cửa viện điều dưỡng. Cô
nhìn anh đi vào, trên tay cầm những chiếc túi mua quần áo hàng hiệu.
Túi lớn túi nhỏ trong tay, Âu Lâm Ngọc đi thang máy lên thẳng tầng bốn của
viện điều dưỡng. Đây là khu vực phòng chăm sóc đặc biệt, rất yên tĩnh và sạch sẽ. Lúc anh đi ngang qua phòng trực y tá, một cô y tá trẻ ra chào
hỏi: “Anh Âu, anh đến thăm mẹ phải không?”
Âu Lâm Ngọc lạnh nhạt gật đầu rồi đi một mạch đến cuối hành lang. Cả dãy lầu rộng lớn tĩnh
mịch chỉ có tiếng bước chân anh lẻ loi cô độc. Mỗi một âm thanh trống
rỗng vang lên tựa như một mũi kim đâm vào tim anh đau nhói.
Nhân sinh có mấy ai chưa một lần trải qua va chạm, dù nặng hay nhẹ, thể nào
trên người cũng lưu giữ chút vết thương. Nếu nói như vậy, những thân thể láng mịn không tì vết thì sao? Trả lời: Nhất định sẽ có vết thương
trong lòng. Đối với Âu Lâm Ngọc, mẹ chính là một vết thương trong lòng
anh.
Mẹ Âu Lâm Ngọc – Ngô Mạn Thanh – là con gái nhà tướng. Bà
đã sống những năm tháng thơ ấu và thanh xuân vô cùng hạnh phúc và thuận
lợi. Mãi cho đến khi gặp ba Âu Lâm Ngọc, kiếp nạn của cả cuộc đời bà từ
đây bắt đầu.
Ba Âu Lâm Ngọc – Âu Kỳ Nhan – là con út của một đại gia tộc chưa kịp chạy thoát vào ngày giải phóng Thượng Hải. Sống trong
xã hội Trung Quốc thời bấy giờ, mặc dù cả nhà họ phải chịu đựng vô số
gian khổ, nhưng nguyên tắc dưỡng dục con cái từ đời xưa vẫn được họ giữ
gìn nghiêm ngặt.
Mẹ Âu Lâm Ngọc gặp Âu Kỳ Nhan giữa những năm
bảy mươi. Giai đoạn này, đất nước lâm vào cảnh túng thiếu, đa số người
dân phải sống cảnh nghèo đói khốn khổ. Năm đó, Ngô Mạn Thanh đến chơi
nhà bạn học, và rồi ở đại tạp viện*, bà đã trông thấy Âu Kỳ Nhan.
Tướng mạo của Âu Lâm Ngọc hoàn toàn được kế thừa từ ba anh. Hãy thử tưởng
tượng xem, nàng thiếu nữ đôi mươi Ngô Mạn Thanh đang độ yêu đương mơ
mộng, bỗng tình cờ bắt gặp hình ảnh chàng trai Âu Kỳ Nhan áo sơ mi trắng nổi bật giữa sắc áo xám ngắt buồn tẻ của người dân thời ấy. Giây phút
đó, trái tim cô gái trẻ rung động biết nhường nào.
Mặc cho cảnh vật xung quanh tồi tàn xập xệ, sợi tơ lòng cứ thế vấn vương.
Ngô Mạn Thanh là người mang tâm hồn văn thơ lãng mạn. Có thể nói, cuộc hôn
nhân giữa bà và Âu Kỳ Nhan tất cả do một tay bà sắp đặt. Lúc đó, một
người đội trên đầu cái mũ tư bản phản động, còn một người là con nhà
tướng. Bởi địa vị xã hội giữa hai bên quá chênh lệch nên bên yếu cho dù
không đồng ý cũng không dám nói một lời phản đối.
Ngô Mạn Thanh
tuy sinh trưởng trong gia đình có thế lực nhưng không hề kiêu ngạo. Sau
khi kết hôn, bà không ở nhà mẹ ruột mà đến ở tại đại tạp viện gia đình
Âu Kỳ Nhan đang sống, sớm chiều giặt giũ nấu nướng, an phận trở thành
một người nội trợ bình thường. Bà yêu Âu Kỳ Nhan, nhưng trước hôn nhân
vì những điều kiêng kị đối với con gái về nhà chồng nên họ không có cơ
hội gặp mặt, việc bàn tính hôn sự từ đầu đều do anh trai Ngô Mạn Thanh
ra mặt.
Đến khi chân đã bước lên thuyền, khi bị chồng ngày qua
ngày ghẻ lạnh hắt hủi, bà mới ê chề nhận ra bóng dáng bà thầm thương
trộm nhớ và con người bằng xương bằng thịt khác biệt đáng sợ. Ấn tượng
sâu sắc nhất ông để lại trong lòng bà là cái cảnh ông ngồi trên nóc nhà
ngước lên nhìn trời, vẻ mặt ưu sầu thất thế, còn bà thì ngậm ngùi đứng
thật xa nhìn ông. Dù muốn hay không, bà cũng phải thừa nhận một sự thật
đau đớn: Trái tim ông, vĩnh viễn không có bà.
Cuộc sống vợ chồng ngột ngạt kéo dài hơn năm năm. Khi đất nước chuyển sang công cuộc cải
cách đầu những năm tám mươi, cũng là lúc Âu Kỳ Nhan nhận được tin tức
của gia tộc từ Mỹ truyền về. Một năm kia, Âu Kỳ Nhan lấy danh nghĩa sang Mỹ thăm người thân. Ngày ông đi, Ngô Mạn Thanh đã mang thai.
Âu Kỳ Nhan đi biền biệt năm năm rồi trở về với một người phụ nữ và hai đứa bé bên cạnh. Nghiệt ngã hơn, ông trở về mục đích là để đón cha mẹ,
“nhân tiện” ly hôn cùng Ngô Mạn Thanh.
Năm năm Âu Kỳ Nhan biệt
tăm nơi xứ người, Ngô Mạn Thanh ở nhà vừa sinh con vừa chăm sóc ba mẹ
chồng. Mà ba mẹ Âu Kỳ Nhan trải qua khốn khổ nhiều năm liền nên thân thể cũng đã già yếu. Rốt cuộc, một mình Ngô Mạn Thanh một tay bồng bế đứa
con còn đỏ hỏn, một tay quán xuyến chuyện gia đình. Hơn nữa, để giữ thể
diện cho ba chồng, trong lúc khó khăn nhất, bà cũng không chạy đến nhà
mẹ ruột xin giúp đỡ, mỗi ngày chỉ cắn răng cam chịu nhọc nhằn không sao
kể xiết.
Kỳ thật, bà vốn là người phụ nữ yếu đuối. Mẹ bà là tiểu thư con nhà thế gia vọng tộc ở Thượng Hải thời xưa nên từ nhỏ bà đã
được dạy dỗ tri thức lễ nghĩa. Đó là lý do tại sao người con gái có trái tim mỏng manh, tâm hồn tinh tế lãng mạn vẫn dũng cảm sống cuộc sống bần cùng qua ngày đoạn tháng suốt năm năm. Thế mà, kết quả của năm năm
trông ngóng là đức ông chồng quần áo chỉnh tề đem theo người đàn bà xinh đẹp và hai đứa con của họ, ngang nhiên nói muốn ly hôn cùng bà. Lúc đó, thần trí bà sụp đổ.
Cuối cùng, hai người kia không thể kết
thành vợ chồng, bởi Ngô Mạn Thanh đã hóa điên, bác sĩ chẩn đoán bà bị
tâm thần phân liệt. Ngay cả ba mẹ Âu Kỳ Nhan cũng kiên quyết phản đối
chuyện Âu Kỳ Nhan đòi ly hôn. Thấy tình hình rối rắm không thích hợp tổ
chức hôn lễ, Âu Kỳ Nhan liền đưa ba mẹ sang Mỹ. Lần này ra đi, không hẹn ngày về.
Trong ký ức của cậu bé năm tuổi Âu Lâm Ngọc, mẹ là
người phụ nữ dịu hiền, sớm hôm tần tảo. Cậu nhớ hoài bóng lưng mẹ dưới
ánh đèn nhập nhoạng mỗi khi chợt tỉnh giấc lúc nửa đêm.
Hơn năm
tuổi một chút, cậu đến ở nhà ngoại. Bệnh tình mẹ lúc tốt lúc xấu. Lúc
tốt, bà như một người bình thường, thích ngồi yên chờ đợi. Lúc xấu, bà
sẽ thừa lúc mọi người không để ý chạy đi mất. Ban đầu không biết bà đi
đâu, cả nhà phái bảo vệ đi khắp nơi tìm kiếm. Bấy giờ, cậu bé Âu Lâm
Ngọc lờ mờ biết được mẹ ở đâu liền dẫn bà ngoại trở về đại tạp viện
trước đây, quả nhiên bắt gặp cảnh mẹ cậu đang bận rộn quét dọn, làm vệ
sinh bên trong. Sau đó, bà ngoại sẽ khóc òa lên, chạy đến giật lấy thứ
gì đó trong tay mẹ cậu, nói: “Bọn họ đi rồi, con còn ở đây làm gì?”
Mãi mãi cậu không bao giờ quên, bà ngoại vừa nói ra, cả người mẹ cậu phút chốc đờ đẫn, vẻ mặt trống rỗng, bi thương.
Bệnh tình Ngô Mạn Thanh tốt xấu thất thường lây lất năm năm. Vào năm Âu Lâm
Ngọc mười tuổi, lúc đó gần đến Tết, mấy ngày ấy tinh thần Ngô Mạn Thanh
rất tốt, bà bảo muốn dẫn Âu Lâm Ngọc ra ngoài mua quần áo mừng năm mới.
Người trong nhà thấy bà tỉnh táo liền phái người bảo vệ lái xe chở họ
đi. Trên đường về cả ba người gặp tai nạn, xe Jeep của họ và một chiếc
xe tải đâm vào nhau. Lái xe tử vong tại chỗ. Tai nạn ập đến trong chớp
mắt, Ngô Mạn Thanh theo bản năng lấy thân mình che chắn cho con, kết quả bà bị đè ép gãy hai chân.
Sau cú va chạm, xe họ nằm lật nghiêng trên đường. Ngô Mạn Thanh hoàn hồn nhìn lại dưới thân thì thấy Âu Lâm
Ngọc mặt mũi máu me đầm đìa, không còn hơi thở. Bà hét lên thảm thiết
rồi hôn mê bất tỉnh.
Hai mẹ con được đưa đến bệnh viện. Hóa ra,
Âu Lâm Ngọc không bị thương tổn gì, chỉ vì bị mẹ cậu ép chặt quá nên
không thở được, qua khỏi cơn sốc, cậu lại khỏe mạnh như thường. Nhưng,
mẹ cậu từ đó về sau đã điên hoàn toàn.
Ngô Mạn Thanh cho rằng
con mình đã chết, vì vậy, bà không còn muốn nói chuyện với ai. Thậm chí
Âu Lâm Ngọc đứng trước mặt bà cũng không nhận ra cậu. Sau này lớn lên,
Âu Lâm Ngọc càng không thể xuất hiện trước mặt mẹ, bởi càng lớn cậu càng giống ba. Thời điểm mẹ bình thường thì không sao. Lúc đầu óc hỗn loạn,
mẹ sẽ đánh cậu bằng bất cứ thứ gì vớ được trong tay, mắt nhìn cậu trừng
trừng đầy căm hận.
Mấy năm gần đây, ông bà ngoại tuổi tác càng
cao, thân thể càng yếu dần. Không ai có thể chăm sóc Ngô Mạn Thanh, bản
thân Âu Lâm Ngọc không thể đến gần mẹ nên liền đưa mẹ đến viện điều
dưỡng. Cho dù vậy, Âu Lâm Ngọc vẫn không dám thường xuyên đến thăm mẹ.
Có mấy lần vừa trông thấy con trai, Ngô Mạn Thanh đã lập tức kích động
lên cơn co giật.
¤¤¤
Âu Lâm Ngọc đi đến phòng bệnh cuối hành lang, gõ nhẹ cửa hai
tiếng. Đứng trước cửa một lúc vẫn không nghe thấy tiếng động bên trong,
anh liền nhẹ nhàng vặn tay nắm.
Phòng bệnh sơn màu cam, bài trí
ấm áp và thoải mái. Một người ngồi trên xe lăn quay mặt ra cửa sổ, mái
tóc sau lưng đã điểm hoa râm.
Âu Lâm Ngọc bước đến phía trước xe lăn ngồi xổm xuống, nắm bàn tay của người phụ nữ, gọi khẽ: “Mẹ.”
Người phụ nữ nhìn ngoài cửa sổ không chớp mắt. Nếu quan sát kỹ gương mặt bà
thì sẽ thấy bà chưa già, và với độ tuổi của bà hẳn cũng chưa đến lúc đầu đầy sợi bạc như bây giờ. Có vẻ như bà đang nhìn thế giới ngoài kia,
nhưng đôi mắt thì cứ ngây dại.
Âu Lâm Ngọc kéo ghế ngồi xuống
bên cạnh, lấy tay mát xa chân cho mẹ. Sau tai nạn đó, chân sau Ngô Mạn
Thanh tuy được chữa khỏi nhưng giờ lớn tuổi, đi đứng bắt đầu bất tiện.
Âu Lâm Ngọc im lặng xoa ấn, trong phòng bệnh rất yên tĩnh. Anh nói: “Mẹ
ơi, sắp Tết rồi, hồi đó mẹ thích nhất là mặc đồ đẹp, con mua cho mẹ rất
nhiều quần áo. Lát nữa mẹ bảo y tá giúp mẹ thử nha?”
“Ông ngoại, bà ngoại đều khỏe cả. Cậu đến Mỹ ghép tim, bây giờ đang ở bên đó dưỡng bệnh, năm nay chắc không kịp về ăn Tết rồi.”
“Mẹ này, mẹ có nhớ bà ngoại không? Bà nhớ mẹ lắm, nếu mẹ đồng ý, ngày mai con đến đón mẹ về nhà ăn Tết được không?”
Không ai trả lời anh, Âu Lâm Ngọc tự nói chuyện một mình. Anh đang cúi đầu
chuyên chú vào lực đạo trên tay, bất thình lình bàn tay bị Ngô Mạn Thanh bắt lấy. Âu Lâm Ngọc kinh ngạc ngẩng đầu, Ngô Mạn Thanh đột ngột từ
trên xe lăn đứng lên nhào tới đánh anh.
Âu Lâm Ngọc đã quen với
tình huống này. Anh ôm ngang mẹ, quay người bấm đèn báo khẩn cấp đầu
giường. Ngô Mạn Thanh ở trong ngực anh vừa cười ha hả vừa khàn giọng gào thét, bà giãy giụa cuồng loạn, với tay cào lên mặt anh đến xướt máu.
Âu Lâm Ngọc ôm chặt Ngô Mạn Thanh bất lực nói: “Mẹ, mẹ, là con đây, con là Âu Lâm Ngọc mà!” Bác sĩ và y tá tiến vào rất nhanh, hợp sức tách hai
người ra. Âu Lâm Ngọc ngoảnh lại, mẹ anh còn tiếp tục giãy giụa, trong
con mắt nhìn anh ngập tràn sự thù hận. Thấy mẹ thế này, ruột gan anh
quặn thắt đau đớn.
Y tá đứng ở cửa nói với anh: “Anh Âu này, hay là anh về đi, anh đi rồi bác sẽ ổn thôi.”
Âu Lâm Ngọc mệt mỏi vuốt mặt, nói: “Tôi có mua cho mẹ tôi quần áo. Ngày
mai là Tết, cô xem bà thích mặc gì thì thay cho bà. Làm phiền cô nhé.”
Y tá lanh lợi đáp: “Không thành vấn đề, anh yên tâm đi.”
Âu Lâm Ngọc nhìn mẹ lần cuối rồi xoay lưng ra khỏi phòng bệnh. Xuống dưới
lầu, anh thấy Cố Tiểu Khanh yên lặng ngồi đợi trong xe. Nghe tiếng động
cô ngoảnh đầu nhìn về phía anh, lúc thấy rõ khuôn mặt anh, cô lộ vẻ sửng sốt, nhưng không nói năng gì mà chỉ quay lại khởi động xe.
Âu
Lâm Ngọc sau khi ngồi vào xe, im lặng chống cằm, ngón tay xoa nhẹ đôi
môi ngẩn người nhìn bên ngoài cửa. Mùa đông ở thành phố C trời tối rất
nhanh, mới năm giờ chiều mà sắc trời đã ngập một màu đen u ám.
Cố Tiểu Khanh không biết anh gặp chuyện gì, nhưng cô biết hiện tại nỗi đau thương đang hoành hành trong lòng anh. Cho nên anh không nói đi nơi
nào, cô cũng biết ý không hỏi. Xe chầm chậm lăn bánh hướng về trung tâm
thành phố.
Viện điều dưỡng ở ngoại thành thành phố C, lúc xe vào đến nội thành, đèn hoa đã giăng khắp phố phường. Chốn thành thị phồn
hoa rực rỡ ánh đèn, nơi nơi náo nhiệt rộn rã.
Cố Tiểu Khanh nhìn thoáng qua kính chiếu hậu phát hiện Âu Lâm Ngọc vẫn giữ nguyên tư thế
từ lúc lên xe đến giờ. Cuối cùng, cô buộc lòng mở lời trước: “Tổng giám
đốc Âu, anh có muốn tôi đưa anh về nhà không?”
Qua thật lâu cô mới nhận được câu trả lời từ người ngồi phía sau: “Chở tôi đến chỗ nào uống rượu.”
Cố Tiểu Khanh không khỏi ngỡ ngàng quay đầu liếc anh một cái.
Âu Lâm Ngọc biết ý cô, giải thích: “Tôi chỉ uống bia, không bị dị ứng như rượu.”
Cố Tiểu Khanh không đáp. Cô lái xe dừng trước một quán bar khá trang nhã
nằm ở một góc đường không mấy nhộn nhịp. Trước đây, Cố Tiểu Khanh thường ghé đến đây ngồi một lúc, bên trong tương đối thanh tịnh.
Xuống xe, Âu Lâm Ngọc hỏi cô: “Cô có bận việc gì không?” Cố Tiểu Khanh lắc đầu.
“Vậy vào uống một ly với tôi đi.” Nói rồi Âu Lâm Ngọc sải bước đi trước.
Cố Tiểu Khanh theo sau Âu Lâm Ngọc vào quán bar. Ở đây có một sân khấu
nhỏ, mỗi buổi tối chỉ có duy nhất một ban nhạc nghiệp dư biểu diễn. Hai
người đến ngồi ở vị trí gần sân khấu.
Hiện tại chưa tới giờ biểu diễn, các nghệ sĩ đang điều chỉnh nhạc cụ, chốc chốc âm thanh đơn điệu
lại vang lên. Âu Lâm Ngọc cởi áo complet khoác ngoài, tháo cravat, nới
cổ áo. Thoạt nhìn anh có vẻ chán chường.
Âu Lâm Ngọc gọi chai bia, Cố Tiểu Khanh chọn một loại nước giải khát. Hai người trầm mặc ngồi đối diện nhau.
Đúng tám giờ, tiếng nhạc trên sân khấu vang lên. Một cô gái mặc váy dài
quyến rũ cầm micro cất tiếng hát khàn khàn trầm ấm. Cô ấy hát một bài
tiếng nước ngoài, Cố Tiểu Khanh không hiểu ca từ có ý nghĩa gì. Chỉ biết rằng, giọng hát của cô thong dong truyền cảm nghe thật dễ chịu.
Âu Lâm Ngọc khoát cánh tay trên thành ghế, nghiêng người xem biểu diễn.
Một lát sau, anh tựa hồ không hứng thú, quay về cúi đầu lặng lẽ uống
bia.
Cố Tiểu Khanh nhận ra tâm trạng Âu Lâm Ngọc đang rất tệ. Cô nghĩ, có lẽ anh đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Cô uống một ngụm nước. Lúc này cô ca sĩ đã kết thúc bài hát, Cố Tiểu Khanh bất ngờ nói với anh: “Tổng giám đốc Âu, tôi hát cho anh nghe một bài
nhé.”
Âu Lâm Ngọc hơi ngạc nhiên nhìn cô, Cố Tiểu Khanh không
đợi anh trả lời, đi thẳng lên sân khấu. Cả ban nhạc đều tò mò nhìn người khách đột ngột bước lên.
Cố Tiểu Khanh không ngại ngùng, tự tin đề nghị với họ: “Mọi người có thể cho tôi mượn sân khấu năm phút không? Bạn tôi hôm nay tâm tình không tốt, tôi muốn hát một bài an ủi anh ấy,
được không ạ?”
Thành viên ban nhạc thấy cô nói chuyện lịch sự
khách sáo, hơn nữa cũng không phải chuyện gì to tát nên dễ dàng gật đầu. Cố Tiểu Khanh thấy họ gật đầu lại đi đến anh chàng đang ôm cây ghi ta
nói: “Đại ca, cho tôi mượn đàn ghi ta của anh dùng một chút được không?”
Chàng trai đàn ghi ta trẻ măng cười vui vẻ đưa ngay cho cô. Cố Tiểu Khanh cám ơn một tiếng rồi chuyển chiếc ghế của anh ta đến giữa sân khấu.
Cô ngồi xuống, điều chỉnh micro, canh lại dây đàn, gãy thử hai tiếng tìm âm điệu rồi cất lời hát.
Vẫn là bài hát duy nhất mà cô biết – “Đậu đỏ” – giọng hát khàn khàn truyền
qua micro. Quán bar vắng khách, tiếng nói chuyện không lớn, không khí
tĩnh lặng. Tiếng hát của cô vừa vang lên đã thấm vào tai mỗi người.
Tiếng hát đơn sơ, thuần túy, chân phương. Mặc dù không rung động lòng người nhưng vẫn có nét đặc biệt rất riêng.
Ngay từ đầu Âu Lâm Ngọc không quá để ý hành động của Cố Tiểu Khanh. Cho đến
khi giọng cô vang lên anh mới quay mặt nhìn lên sân khấu.
Cố
Tiểu Khanh bình thản đàn hát, không để dư một ánh mắt hay động tác nào.
Âu Lâm Ngọc lắng tai nghe, giọng cô rất mộc mạc đơn thuần, nhưng nghe
được một lúc anh cảm giác có điều gì đó khác thường.
Bài hát của cô dịu dàng như vỗ về an ủi. Âu Lâm Ngọc chợt sáng tỏ, Cố Tiểu Khanh
đang an ủi anh sao? Hiểu được rồi anh lại dở khóc dở cười. Anh, Âu Lâm
Ngọc, từ khi nào đã cần người khác rủ lòng thương?
Nghĩ đến đây, anh cảm thấy nhạt nhẽo, đứng lên cầm áo khoác ra ngoài. Cố Tiểu Khanh
nhìn lại thấy anh đã đi xa, không quan tâm bài hát còn dang dở, vội vàng trả cây đàn ghi ta, cúi người chào ban nhạc nói lời xin lỗi rồi nhanh
chóng đuổi theo Âu Lâm Ngọc.