Đọc truyện Tiểu Hà Sơn – Chương 1: Nhạn bắc về 1
Nhạn thành, năm 2010
Hôm nay là Tết âm lịch, 28 tháng Chạp là ngày tuyết lớn, trên đường tuyết rơi lầy lội, khắp nơi đều là những cành cây trơ trụi lá.
Ra cửa gặp gió lớn, trên đường thì kẹt xe, cả đám người đều chậm chạm nhích từng bước như ốc sên, khiến lòng người thêm bực bội.
Nhị Nha ngồi trong xe, chán nản lấy ngón tay vẽ trên mặt kính mờ tuyết, thấy mọi nhà, mọi cửa hàng đều dán những chữ Phúc đỏ hồng, rụt cổ thở dài: Haizzz…
Lại sắp tới Tết.
Buổi sáng ở khách sạn Hòa Bình có cuộc họp, đàm phán kinh doanh, người phiên dịch không đủ nên Nhị Nha được gọi đến bổ sung, làm một buổi được 2.000 đồng, tiền này không cần tranh giành mà vẫn có được.
Cô vốn là một phiên dịch gà mờ, năm đó thi đại học thành tích bình thường, trường đứng đầu thì không đủ khả năng để vào, trường phổ thông bình thường thì còn có thể chọn lựa, hỏi cô muốn học gì, cô nói gì cũng được.
Người nhà tư vấn, hay kế thừa theo ông nội học ngành kỹ thuật đi? Cô nghiêng người, nói không thích học số. Bác cả nói, hay học kế toán tài vụ đi, con gái làm kế toán tài vụ ổn định. Cô lại nghiêng người, cắm đầu xuống đất: không thích kiếm tiền.
Nói mấy cái, bà cô nhỏ này đều bĩu môi không chịu, cuối cùng người trong nhà ném quyển sách tư vấn ngành học xuống, cái này không được cái kia không chịu, thật sự không ai chịu nổi.
Nói rồi bỏ mặc không thèm để ý nữa, Nhị Nha mặc quần hoa xoay người trên giường, chỉ lung tung lên cuốn sổ cẩm nang, chỉ đúng vào học viện ngoại ngữ nói: con học cái này.
Mơ hồ lẫn lộn vào đám sinh viên, mỗi sáng mắt chưa mở đã ôm theo ổ chăn dậy luyện nghe, mùa đông ngồi xổm ở thư viện học từ đơn, ngữ pháp, Nhị Nha chưa bao giờ nghĩ tới sự lựa chọn tùy tiện lúc trước lại hành tội mình tới vậy, cô bắt đầu hối hận nha, khổ sở quá nha, hai mắt chứa nước mắt mà muốn chuyển qua học mỹ thuật, nhưng mà người nhà không đồng ý.
Nguyên văn là: “Cho con ăn cho con uống, trường học là con tự chọn, chuyên ngành cũng do con tự lựa, cả nhà không ai can thiệp, bây giờ con cũng là người lớn, người lớn rồi! Phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình!”
Ngày mùa đông, Nhị Nha hít nước mũi, ôm một chậu quần áo mới giặt vừa đi vừa khóc.
Chịu trách nhiệm cái gì mà chịu trách nhiệm, cô đến trường sớm hơn người khác một năm, còn chưa tới sinh nhật cô nữa.
Khóc thì khóc, ngày hôm sau vẫn vác cặp mắt sưng đỏ như hai trái đào thành thành thật thật đi tới lớp. Buổi tối ngồi đọc truyện tranh dưới ngọn đèn bàn, cô tự an ủi mình: Thôi quên đi, đã vậy rồi thì cứ yên ổn mà chịu.
Cứ lăn lộn vậy mà tốt nghiệp xong đại học, bạn học đều xuất ngoại để học chuyên sâu hơn hoặc là thi vào làm viên chức, cạnh tranh có vẻ khá quyết liệt.
Nhị Nha đứng trước dòng nước lũ nhìn trái nhìn phải, vỗ mông đưa ra quyết định —
Về nhà ông nội!!!
Thành phố lớn cạnh tranh quá, quay về xây dựng quê hương đúng là kế lớn.
Cứ vậy, cô làm nghề phiên dịch.
Nhạn thành là thành phố công nghiệp nặng, kinh tế phát triển tương đối lạc hậu, cạnh tranh cũng không nhiều, huống hồ cái vòng lẩn quẩn này lại lớn như vậy, phiên dịch thôi, năng lực nghiệp vụ không đòi hỏi nhiều, dùng ai cũng là dùng. Nhị Nha tốt nghiệp ở trường khá có tiếng, hình tượng tốt, lại có khả năng nhạy bén.
Cái gọi là nhạy bén chính là biết nhìn ánh mắt, nhìn tổng quan tình hình.
Giống như kiểu của cô là không có công ty phiên dịch cố định, thường là do người khác giới thiệu, người ta trong bữa ăn thường nói một câu “À, tôi quen một người, tốt nghiệp trường XX, triển lãm ở hội chợ của chúng tôi mấy năm nay đều do cô ấy phiên dịch, năng lực rất tốt”. Nói xong thì “rèn sắt khi còn nóng” đưa danh thiếp hoặc phương thức liên lạc cho bên kia, còn hạ giọng nói, anh/chị yên tâm, công ty chúng tôi đã hợp tác nhiều năm, anh/chị cứ nói là do tôi giới thiệu thì giá phiên dịch sẽ thấp hơn bên ngoài.
—-
Đều là “người trong giang hồ”, mượn tình mua bán, gặp Nhị Nha thì bên kia cũng nói là lúc trước được chị Lưu giới thiệu, nói cô làm rất tốt, giá cả lại rất tốt vân vân mây mây…
Nhị Nha khiêm tốn cười, ngoài miệng đồng ý đồng ý liên hồi, sau khi nhận thù lao thì cũng tìm cơ hội mua món quà, tặng cho người giới thiệu. Có khi là chai nước hoa, có khi là khăn lụa.
Lúc đưa quà, cô cũng không nói rõ là cảm ơn người ta đã giới thiệu mối làm ăn cho mình, chỉ nói chuyện làm đẹp, thời tiết, thường xuyên qua lại cho quan hệ gần gũi, hai người ngồi ở quán café, người ta thấy cô thân thiện sẽ nói thêm chút chuyện nhà. Nào là chồng không làm việc nhà, nào là con không nghe lời, nào là mẹ chồng hầu hạ chăm sóc tốt vẫn không có sắc mặt dễ nhìn, Nhị Nha là cô gái hết ăn lại nằm, một bạn trai chính thức còn không có, làm sao có thể thực sự hiểu được cái gì là “trên có già dưới có trẻ”, phiền muộn tuổi trung niên, nghe thì chỉ biết phối hợp gật đầu, người ta thở dài, cô cũng thở dài, người ta ứa nước mắt, cô kịp thời đưa hai tờ khăn giấy.
Người ta xả hết tâm sự trong lòng ra rồi sẽ hỏi lại cô, cha mẹ làm gì? Cô tốt nghiệp trường ngoại ngữ, tại sao không ở lại thành phố lớn?
Lúc này Nhị Nha mới trưng bộ mặt buồn bã, dáng vẻ đáng thương: “Cha mẹ từ bé đã không còn…”
Chỉ nói vài câu, đối phương tự vẽ ra viễn cảnh một cô bé nhỏ mất cả cha lẫn mẹ, tự mình phấn đấu vươn lên, rất có hình tượng một thanh niên tích cực, trong lòng tràn ngập tình thương, trước khi đi còn không quên xem lại lịch làm việc cho cô: “Em yên tâm, trung tâm triển lãm của chúng ta hàng năm đều có hội chợ nước ngoài, có cơ hội chị sẽ giới thiệu cho em, nhưng mà em phải cố gắng nỗ lực, cố gắng trau dồi trình độ, người ta hỏi thì chị cũng dễ nói chuyện hơn.”
Làm nghề hai năm, mặc dù không nổi bật nhưng cuộc sống của Nhị Nha nói chung là dễ chịu. Có đồng nghiệp mới vào ghen tị, lén mắng cô nịnh nọt, nói khó nghe: cô gái còn trẻ thế lại thành thạo đạo lý đối nhân xử thế, cả người sặc mùi con buôn, xì!
Những sinh viên mới ra trường, vừa vào đời đều ra vẻ thanh cao, trong quan niệm vẫn xem mình là trung tâm thế giới, chưa biết cách hòa nhập giữa người với người.
Không biết trong văn phòng có người nói trong lòng: các người đều là trẻ con, người ta có thể thuận lợi là do tấm lòng, còn chuyện con buôn thì đó là bản tính.
Nhắc tới Nhị Nha, người xảo quyệt nhất cũng thấy buồn bực trong lòng.
Dĩ nhiên là cô tính cách hoạt bát, nhưng ở tuổi cô, cái miệng nhỏ nhắn biết ăn nói lanh lợi, ánh mắt lại trầm tĩnh linh động, dúng là vượt qua những người cùng lứa tuổi về khoản thành thục lõi đời.
Cô gái nhỏ như vậy hoặc là do cha mẹ buôn bán nên từ nhỏ đã mưa dầm thấm đất. Hoặc là đứa bé đã qua đau khổ rất lớn, trong lòng hết sức tự ti!
“Hắt xì!!!”
Một cái hắt xì vang dội bị Nhị Nha vội vã che mũi ngăn lại.
Cô lấy khăn giấy lau lau mũi, ai lại ở sau lưng nhắc tới cô?
Buổi sáng hôm nay dự buổi đàm phán liên quan đến việc hợp tác kinh doanh hàng không, vì để cảm ơn những nhà đầu tư nước ngoài nên giữa trưa có bữa chiêu đãi, toàn là rau với điểm tâm ngọt, Nhị Nha không quen ăn những món Âu, bưng dĩa tặc tặc lưỡi, không có hứng ăn uống gì, chỉ nhăn nhó chờ tan cuộc để về nhà.
Theo thông lệ thì hàng năm cô đều tới nhà ông nội đón giao thừa, một nhà già trẻ nam nữ tụ tập lại cũng hơn mười mấy người, rất ồn ào vui vẻ.
Vất vả chịu đựng tới khi kết thúc, Nhị Nha huýt sáo ra khỏi cửa khách sạn, vui sướng mở cửa chiếc xe Tiểu Hồng về nhà.
Nói tới cái xe này, lúc đó cũng gà bay chó sủa một trận. Nguyên nhân là vì cô đi xe bus bị trật chân, mắt cá chân sưng lên như cái bánh bao, mỗi ngày ở nhà đều đau tới nước mắt lưng tròng, ông nội cô thấy cháu gái đáng thương, nóng đầu lên nói ra: “Hay là mua cho con chiếc xe?”
Nhị Nha đang mặt nhăn mày nhó đau khổ, nghe vậy thì sáng mắt lên. Nhưng mà xe gì cũng càng xem càng vượt xa khả năng cô có, ban đầu chỉ nghĩ tầm ba bốn vạn có thể khỏi đi bộ, ai ngờ xem thử thì đơn giản cũng gần mười vạn.
Trong sổ tiết kiệm của cô không có nhiều vậy, Nhị Nha tính keo kiệt lầm bầm hơn nửa tháng, cuối cùng ông nội chịu không nổi: “Trời ơi, thôi đừng nhìn nữa, mua đi mua đi, không đủ ông cho thêm con.”
Nhị Nha vỗ đùi nói thầm, con chờ ông nói những lời này bấy lâu nay!
Cho nên ông cháu hùn vốn mua một cái xe ô tô, Nhị Nha coi như đó là cục cưng của mình.
Theo đường đi dưới cầu, quẹo vào con đường có hai bên bờ tường cũ kỹ, con đường thông ra phía ngoại thành, bởi vì đường này ít người đi nên khi chờ đèn đỏ, Nhị Nha cảnh giác nhìn vào kính chiếu hậu, phía sau có một chiếc xe đi theo.
Chiếc xe này khác biệt so với chiếc xe bẩn của cô. Là một chiếc xe màu đen bình thường, thân xe bóng lưỡng, cực kì sạch sẽ.
Có vẻ là biết người phía trước nhìn mình, chiếc xe màu đen chạy nhanh lên song song với cô thì hạ kính xe xuống. Ngồi ở ghế lái là một người mặc áo quần đơn giản, mỉm cười nhìn cô.
Nhị Nha vội vàng mở kính xe, miệng thở ra hơi khói: “Sao giờ anh mới về?”
Người đó cười tươi, có vẻ rất quen thuộc với cô: “Đơn vị bắt tập trung, cùng lãnh đạo đón tết. Em làm gì vậy? Màu sắc sặc sỡ thế?”
Nhị Nha cười hắc hắc, biết ý anh chỉ chiếc xe mình: “Năm nay năm tuổi, muốn có màu đỏ hồng cho may.”
Đúng rồi, năm nay cô hai mươi bốn tuổi, cầm tinh con hổ, năm tuổi của cô.
Đèn xanh bật.
Người ngồi trong xe vuốt cằm nhìn cô: “Em đi trước đi, tôi theo em.”
Nhị Nha gật đầu, chạy trước, chiếc xe phía sau như hộ tống, hai người một trước một sau chạy về phía cuối đường, có một tòa nhà màu xám.