Đọc truyện Tiếng Người – Chương 22
Hai tuần sau khi trở lại Hà Nội, Duy được giao đi Sài Gòn. Anh kiên nhẫn chờ đến ngày lên đường. Anh cố kiềm chế niềm vui mới xuất hiện, cứ âm ỉ sôi lục bục trong người anh.
– Anh lại đi công tác à? – M hỏi.
– Xong việc anh về ngay – anh cười, xoa xoa cánh tay M. Và tự nhủ: “việc” tức là “công việc”.
– Em không thích ngủ ở nhà một mình – M nói.
– Hay em đi với anh?
Anh nói xong thì lập tức phấp phỏng.
– Hay em đi với anh nhỉ? – M cắn môi – Thực ra em cũng chẳng bận gì…
Anh chờ. Anh nhìn thẳng vào trán M, cố gắng xuyên thấu vào trong óc nàng.
– Nhưng mà thôi… – M nói.
Anh đến văn phòng ở Sài Gòn hàng ngày. Ngày nào cũng gặp Hoàng. Cứ nhìn cách anh ta thoải mái và tự tin đi lại trong cả văn phòng, đủ biết về ảnh hưởng và vai trò không tuyên bố mà Hoàng giữ ở đây. Sự lịch lãm và khéo léo được tiết chế chính xác đến mức trở thành một thứ bản năng làm cho những người xung quanh anh ta vừa nể sợ, lại vừa bị hấp dẫn.
– Tôi kể cho ba tôi là tôi gặp anh – Hoàng nói khi họ tình cờ đi chung thang máy ngay ngày đầu tiên anh tới – Ổng vẫn nhớ anh. Ổng bảo khi nào bớt ốm, ổng sẽ ra thăm ba anh.
– Anh cho tôi gửi lới hỏi thăm ông cụ – anh nói lịch sự và ngẩng đầu theo dõi những con số báo tầng lần lượt sáng lên.
– Tôi sẽ nói lại – Hoàng cười – Ba tôi chắc mừng lắm. Ổng bảo anh rất giống ba anh.
“Anh rất giống ba anh” – cái câu anh đã nghe quá nhiều lần và trở nên miễn dịch với nó, khi nghe từ miệng Hoàng bất thần như một vết kiến cắn, nhói một cái trong tâm tưởng. Duy thấy anh lại vừa bị nắm vào cổ chân lôi tuột xuống một tầng nước tối – cái thế giới mà ở đó anh nhất định phải nín thở.
Vẫn còn hai tầng nữa.
– Ai cũng bảo tôi như vậy – anh trả lời.
Thang máy mở ra.
– Tôi vào làm nốt việc – Duy nói.
Rồi anh lập tức bước đi trước khi Hoàng kịp nói gì. Cả ngày hôm đồi lì trong văn phòng, ép mình làm việc. Giờ ăn trưa, anh từ chối ra ngoài cùng văn phòng. Khi về lại khách sạn, anh lập tức vào nhà tắm, xả nước lạnh. Anh để nguyên quần áo đứng dưới dòng nước lạnh rất lâu, để nước xối thẳng vào mặt anh cho đến lúc hai vạt da cạnh sống mũi và trán tê bại vì bị nước đập. Anh tự nhủ anh sẽ không bao giờ lại gần Hoàng nữa.
Nhưng buổi sáng hôm sau, khi anh không nghe thấy tiếng cười tự tin của Hoàng trong hành lang, anh bắt đầu băn khoăn anh ta đang làm gì. Khi hỏi giám đốc chi nhánh, anh được biết Hoàng đang đi gặp một nhà đầu tư Thụy Sĩ.
– Cái này vẫn đang còn là thông tin nội bộ thôi. Họ đang thăm dò để xây dựng khu tổ hợp âm nhạc giải trí. Đầu tư khoảng 100 triệu đô chưa tính tiền đất. 20 hécta. Giờ phải chuyển hướng dần sang dân sự chứ làm mấy cái hạ tầng mệt quá.
Duy quay lại phòng làm việc. Anh đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài. Từ đây, có thể nhìn ra cầu Nguyễn Tất Thành, một phần cảng Sài Gòn và một góc Quận Nhất. Những chiếc cần cẩu shore, ship-shore và crawler đứng nổi trên nền trời xanh. Hai cần cẩu Gottwald đang bốc những côngtennơ 20 feet từ một chiếc cầu lớn lên cầu cảng. Những chiếc côngtennơ đung đưa trong không trung theo chiều xoay của những cánh tay cẩu dài. Mực nước buổi chiều trên sông Sài Gòn xuống thấp, để lộ vạch nước bám trên thân con tàu và hàng chữ ASEAN PREMIER ở mũi. Mũi tàu dốc đứng, vát một vạt nước chéo trên mặt nước đục.
Có một lúc nào đó, xa xôi, anh cũng đã lao vào những thứ này. Anh đã từng nghĩ là anh sẽ say mê xây dựng… hoặc say mê bất cứ cái gì mà con người chinh phục những thứ lực lượng to lớn, dị hợm.
Hoàng. Giá mà anh có cái toan tính “phấn đấu” chân thành như Hoàng. Giá mà anh yêu tiền được như họ. Giá mà anh say mê quyền lực và ảnh hưởng được như họ. Giá mà anh đừng có cái năng lực trí tuệ bẩm sinh mà anh đang có, một khi anh đã có sự khái tính bẩm sinh mà anh cũng không thể chối bỏ. Giá mà anh không biết cái điều anh đã cảm thấy vào mùa đông đó khi anh và M sống trên phố La Salle. Giá mà…
Duy quay lại bàn làm việc. Hôm đó, anh là người rời khỏi văn phòng cuối cùng. Anh làm xong các chỉ dẫn xây dựng mới và bỏ nó vào phòng giám đốc chi nhánh.
Ngày hôm sau, chính Hoàng lại đến tìm anh.
– Tôi có việc muốn hỏi anh – Hoàng nói với vẻ nghiêm trọng.
Duy cảnh giác.
Nhưng liền đó, Hoàng bắt đầu hỏi anh về công việc của anh ở Mỹ. Về các loại vật liệu mới. Về cách tổ chức công việc. Về sự bực bội khi phải làm việc với những khách hàng “không có tí đầu óc xây dựng nào nhưng lại thích chỉ huy”. Rồi họ nói sang những năm tháng ở nước ngoài.
– Tôi nhớ lần đầu tôi theo người ta đi thay cửa kính – anh nói – Hồi đấy tôi mới có 19 tuổi. Anh có biết họ làm thế nào không? Cực kỳ đơn giản. Họ lấy dao để cắt khung. Cắt thẳng vào tường xốp trát ximăng. Những khu chung cư giá rẻ bên đó đều dùng vật liệu xốp từ lâu rồi. Họ dùng xà beng bóc cả tảng. Họ đặt khung mới vào. Cưa nẹp gỗ bằng máy tại chỗ. Đinh cũng dùng máy đóng. Bắn một giây thì nẹp xong một thanh gỗ vào tường. Xong rồi sơn. Quét sơn đến đâu, khô đến đó. Chưa đến 30 phút là xong một cả một cái cửa lớn. Hoàn chỉnh. Nghiệm thu tại chỗ. Không quay lại lần thứ hai.
Đây là lần đầu anh hào hứng nói chuyện công việc với một ai đó trong công ty. Khi anh nhận ra rằng mình đang hào hứng thì gần một tiếng đã trôi qua. Anh lập tức đứng dậy, rời khỏi phòng.