Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá

Chương 16: Ngày Về


Bạn đang đọc Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá – Chương 16: Ngày Về


– Này, chị đó có vẻ…!
– Vẻ gì cơ? – Tôi cầm chiếc điện thoại, tự nhiên nhìn số bà Nữ Tặc mà cười vu vơ. Đúng là lâu rồi mới gặp lại bạn cũ khiến cho tâm trạng tôi thoải mái hơn hẳn.
– Có vẻ thân với cậu nhỉ?
– Ừ! – Tôi sao nhãng gật đầu.
– Thế cậu cũng từng đánh nhau à…?
Tôi sững người lại.
– Ờ…cũng có! – Tôi thầm nghĩ trong bụng, không những có mà mấy lần ấy chứ.
– Cũng du côn quá hen! – Thương ngúng ngẩy đi lên trước.
– Ờ, thì con trai mà, đụng tay đụng chân là chuyện thường thôi.
Thương ậm ờ cho qua, hai đứa lại tiếp tục đi về phía con đường kí túc. Như một thói quen, đến giữa đường về, Thương rẽ vào những dãy kí túc trên, tôi cũng chẳng thèm thắc mắc mà đi theo như quán tính.
Thói quen muôn thuở của cô nàng: Ăn kem!
– Này, ngày xưa sao đánh nhau? – Thương đột ngột dừng lại.
– Ờ,thì mấy chuyện con nít ấy mà!
– Kể nghe đi! – Thương lộ cả vẻ tò mò ra khuôn mặt.
– Định điều tra gì à? – Tôi hất hàm dò hỏi.
– Không,tự nhiên muốn nghe thôi!
Dù gì cũng hết chủ đề để bàn tán, tôi hắng giọng kể lại chiến tích của tôi về vụ đánh nhau, tuy nhiên lý do vì sao tôi dám cả gan đụng tay đụng chân với đàn anh thì giấu biệt, cũng chẳng hay ho gì những nông nổi tuổi trẻ : Đánh nhau vì một cô bạn gái.
– Thế, sao cái ông đó lại đánh cậu! – Thương ngậm muỗng kem hỏi tiếp.
– Ờ,thì chắc là chướng mắt hoặc cái gì đó, không vừa lòng nên thế.
Thương gật đầu ngẫm nghĩ rồi lại hỏi tiếp:
– Chắc liên quan đến chị vừa nãy chứ gì?
– Sao lại thế, làm…làm gì có. Chỉ là chị đơn thuần thôi, có gì mà phải gây xích mích chứ! – Tôi xua tay chối quanh.
– Thế là có rồi! – Thương nhất mực dồn ép.

– Sao lại nghĩ thế? – Tôi giật mình, cố gắng lấy lại nét mắt lầm lì giả tạo.
– Thì mối liên quan duy nhất là chị đó, rồi bình thường thì Tín rất ít khi giải thích, thế mà giờ bất thường thế kia. Người ta gọi đó là…!
– …! – Tôi im lặng lắng nghe.
– Có tật giật mình, đúng là có tật rồi! – Thương quơ cái muỗng kem lên hư không, tăng thêm tính thuyết phục của việc buộc tội.
– Vớ vẩn! – Tôi cười nhẹ, nhún vai.
Tấtnhiên, những suy đoán của Thương đều đúng hoàn toàn, kể cả việc nắm bắt tâm lý người khác thì cô nàng cũng là người cao tay chứ chẳng phải giỡn chơi. Chị Xuyến với tôi, ngoài mối quan hệ chị em cùng trường, ngoài mối quan hệ Nữ tặc – nạn nhân ra, còn một mối quan hệ không rõ ràng. Nó không quá mãnh liệt để cả hai có thể cảm thấy rõ, cũng không quá mờ nhạt để quên đi nhanh chóng.
Quý mến hơn bình thường, nhưng chưa đủ để gọi là yêu nhau, thế đấy!
– Này,vậy là về sớm thật hả?
– Ừ, chứ giờ này làm gì ở đây nữa.
– Thật là không còn gì để làm à?
– Ừ! – Tôi gật đầu.
– Ừ, chán nhỉ? – Thương buồn rầu, cảm thán không phải để hưởng ứng.
Hôm nay, cô nàng mới cho tôi trả tiền, vì hậu tạ chuyện cho tôi mượn vở để photo. Thương cũng chẳng có tâm trạng giành giật với tôi như mấy lần trước. Đi sánh đôi bên nhau, cô nàng đột nhiên nói nhỏ:
– Giá như quay lại lúc mới vào trường thì hay biết mấy!
– Làm gì, viễn vông!
– Ừ, thì ít nhất cũng có nhiều điều muốn có cơ hội làm lại ấy mà! – Thương tự nhiên cười nhẹ, vẻ mặt ủ rũ bay đi đâu mất. Dường như cô nàng cứ tưởng điều ước đã trở thành sự thật rồi thì phải.
Tôi thầm nghĩ trong đầu, đó có thể là chuyện Thương từ chối thằng Trung về chuyện tình cảm, hoặc cũng có thể nếu được trở lại,Thương sẽ cách xử sự khôn khéo hơn.
– Này,nhanh lên nếu không tớ bỏ cậu lại đấy!
– “Con gái là chúa rắc rối”!
Tôi nhún vai rồi bước vội theo Thương. Mới đây thôi đã nửa năm trôi qua rồi, cảm giác thật chóng vánh. Tôi cũng đã trở thành sinh viên được một học kì, cũng đã trưởng thành để ý thức và trách nhiệm với những việc mình làm.
Và trong tâm trạng những người mới lớn, một phần nào đó tôi cũng mong muốn giống Thương, có lẽ còn tham vọng hơn Thương. Tôi muốn trở lại những thời còn là một thằng nhóc lớp mười, một thằng nhóc có thể biết trước được mọi điều nó sẽ phạm phải để còn thay đổi, để không phải tự ân hận với chính mình.
Nhưng biết làm sao được, khi đó là quy luật cuộc sống, đôi khi sai lầm cũng là một thứ gì đó cần thiết.
– Mày nhắn tin cho ai mà ngồi cười hoài vậy mày!
Thằng Việt đang học bài thì ra cầm cây côn múa vài đường để giãn gân giãn cốt. Bất chợt thấy tôi khẽ cười một mình.

– Ờ, nhắn tin cho bà chị ấy mà!
– Xạo mày, bà chị nào mà cười hí hửng vậy?
– Có à, sao tao không thấy tao hí hửng chút nào vậy?
Cả phòng sáu đứa, tôi là đứa thi xong đầu tiên nên có thể an tâm thoải mái, năm đứa còn lại vẫn quyết tâm dùi mài kinh sử ghê lắm. Thằng Tuấn là đứa lo hơn cả, khi ngày mai là nó thi môn cuối cùng.
Gập điện thoại, tôi nằm trên giường gác chân khe khẽ hát. Ban đầu là khe khẽ, giọng tôi bắt đầu to dần lên, to dần lên:
– Im mày, hát dở mà hát hoài! – Thằng Tuấn ôm đầu càu nhàu.
– Im cho anh em còn học! – Thằng Khánh cũng chẳng còn xưng bá võ lâm trong game nữa,cũng bò ra cả bàn nhăn nhó, khi tôi làm mất tập trung.
– Vậy tao làm gì bây giờ?
– Thôi mày đi đâu chơi đi – Thằng Tuấn xua tay đuổi khéo.
– Chơi với ai?
– Sang rủ Thương kìa, có mỗi hai đứa mày là thi xong chứ nhiêu! – Thằng Trung nói tỉnh bơ.
– Ê, mày, bậy…?
– Có gì đâu, mày con nít thế nhỉ? – Giọng thằng Trung cực kì nghiêm túc.
Tôi mặt tối xầm với cái jean trên thanh để đồ mặc vào, lầm rầm đi ra khỏi phòng. Nhìn năm thằng bạn với ánh mắt choé lửa.
Cô gái trồng cây trong những chai nước đang ngồi trước hiên nhà.
– Ê,Thương, đi!
– …? – Thương ngước lên nhìn tôi ngơ ngác.
– Đi thôi, bị mấy thằng tâm thần nó đuổi! – Tôi cố quay mặt vào cửa phòng hét lớn, rồi kịp chạy thật nhanh ra cái ghế đá ở phía xa, trước khi những câu chửi đáp trả kịp vang lên.
– Giờ đi đâu đây? – Chính tôi cũng chẳng biết đi đâu để giết thời gian cả.
– Hay lên sân bóng đi! – Thương tỉnh bơ trả lời.
– “Lên sân bóng giờ này?”
Cái sân bóng trên kí túc xá vào buổi tối thật im ắng. Tôi và cô bạn ngồi cạnh ghế đá, im lặng, cũng chẳng hiểu Thương cần gì ở cái khoảng trời tối thui này.

– Nhìn xa xa giống biển! – Thương hít một hơi dài như trước mặt có sóng vỗ bờ vậy.
– Biển thì không có cỏ thế này, có cát thôi!
– Đầu óc không biết tưởng tượng là gì? – Thương lại vươn vai hít một hơi dài nữa.
Tôi trầm ngâm nhìn cô bạn, dù trước mặt Thương cố tỏ vẻ vui bao nhiêu, thì tôi vẫn nhìn thấy những nét buồn thoang thoảng bám quanh cô bạn. Những giây phút trầm tư, rồi những câu đầy triết học đã tố giác .
– Cậu không muốn về nhà à?
– À, ừm, sao biết! – Thương gỡ cái gọng kính cận xuống, đôi mắt trong veo lại sáng lên trong đêm tối.
– Đoán thế, chắc là chuyện của chị Thương chăng?
– Thương không có chị! – Thương đưa đôi mắt trong veo sang thản nhiên nhìn tôi há hốc miệng.
– Chẳng phải…?
– Chỉ là để Vi khỏi bắt bẻ thôi!
Hoá ra, Thương cũng là cô gái lắm chiêu trò, chứ không hề đơn giản như tôi tưởng. Từ đầu năm chỉ là một cô bạn ít nói và hơi đểnh đoảng, còn khi tiếp xúc nhiều thì tôi nhận định, Thương không hề như vậy, kĩ tính, nắm tâm lý rất tốt và đặc biệt cũng rất nguy hiểm.
Ít nhất, tôi cũng mừng vì Thương không phải sống một cuộc sống, hoặc có người thân sống như thế, một kiểu sống vô hồn.
– Này, hồi trước tớ lên đây xem cậu đá bóng này!
– Biết rồi, fan hâm mộ âm thầm! – Tôi phá lên cười lớn.
– Xí, xem thôi, cậu đã cũng tàm tạm!
– Tàm tạm hả, thật không!
– Thật!
– Tưởng là dở chứ!
Thương cứ thơ thẩn mãi với bãi biển trong mơ, tôi trở thành một tay lính gác bất đắc dĩ, chỉ mong cho cô bạn sẽ kết thúc giấc mơ sớm.
– Về thôi!
– Ờ, về thôi! – Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng về không có nghĩa là về phòng, mà có nghĩa là về quán kem.
– Ăn không?
– Nữa hả?
Thương gật đầu một cách hiển nhiên.
Kể từ ngày chơi thân với Thương, tôi bắt đầu biết sợ ăn kem là như thế nào.
Có lẽ đó là đêm cuối cùng của năm đó, tôi còn ở kí túc xá, ngồi nói chuyện với cô bạn. Bọn cùng phòng tôi cũng chẳng phải đuổi khéo kẻ ồn ào ra khỏi phòng để khỏi phiền chúng trong lúc ôn bài nữa.
– Về sớm mày? – Thằng Tuấn thấy tôi lục đục thu dọn đồ đạc gom vào balo.

– Ừ, về sớm thôi, chán rồi!
Tôi vỗ vai thằng bạn, chúc nó ăn Tết vui vẻ trước. Đi ra khỏi phòng, tôi chẳng thấy Thương đâu nên đành tặc lưỡi bỏ qua.
Bến xe miền Đông chật cứng người, tôi bon chen lắm mới cầm được cái vé trên tay. Cái vé đưa tôi về với gia đình thân yêu, chỉ sau một giấc ngủ. Tám giờ tối, xe bắt đầu lăn bánh, để lại thành phố ồn ào phía sau lưng, tôi mỉm cười chào tạm biệt.
Sáng sớm, những tiếng động, tiếng đánh thức các hành khách xuống trước khiến tôi choàng tỉnh dậy. Đây rồi, làn sương mờ buổi sáng, cảm giác se lạnh áp vào da đến tê người. Đây rồi những màu xanh bạt ngàn của những vườn cà phê hoà vào màu đỏ của đất, quen thuộc đến nỗi tôi tưởng nó đã được khảm vào lòng tôi.
– Cho con xuống đây chú ơi!
Xe dừng bánh, tôi chẳng giữ nổi bình tĩnh bước xuống nữa. Nhảy từ trên xe xuống một cách nhanh gọn, đặt balo xuống đất, tôi vươn vai hít một hơi dài. Cái chất đặc trưng của không khí trong lành vùng Tây Nguyên thật thú vị.
Tôi lững thững tản bộ trên con đường quen thuộc về nhà. Gần Tết có khác, khi những con đường được dọn dẹp trông thật quang đãng, những hàng rào gọn tắp chạy dài thành một dải. Đâu đó những cậu học sinh tiểu học đang chí choé nô giỡn, rượt nhau trên đường đến trường. Tôi phì cười nhớ lại khoảng thời gian của mình, khi tôi cũng là cậu học sinh lớp bốn thò lò mũi xanh.
– Này, cắn lén tao xong chạy à! – Tôi hét lớn khi thằng Nhân đen đánh vào lưng tôi rồi đắc chí chạy cách một khoảng.
Thằng Nhân với tôi lúc ấy chưa phải là bạn bè chiến hữu như thời cấp ba. Hồi đó, vì tinh thần xóm trên – xóm dưới nên hai chúng tôi đều coi nhau là kẻ thù, chỉ cần có cơ hội là sẽ ra tay với đối phương.
Thằng Nhân đắc chí, chổng mông vào kẻ bại trận, một hình thức sỉ nhục không có gì đau đớn bằng.
Tôi tháo dép, chọi thẳng vào nó. Cái dép bitis liệng một đường cong
– Bốp! – Trúng ngay vào đầu thằng nhóc đen xì.
Nó ré lên khóc rồi vừa chạy vừa mếu máo tìm đồng minh. Tôi thì hả hê đắc chí trong lòng:
– “Dám chơi tao à!”
Nguyệt đi bên cạnh thì lắc đầu liên tục:
– Cậu suốt ngày đánh nhau, tớ không chơi với cậu nữa!
Nhanh thật, mới đó cũng đã mười mấy năm. Và giờ đây, tôi lại đang nhìn đứa nhóc kế thừa thù hận truyền thống “xóm trên – xómdưới” một cách hồn nhiên và đầy ngây thơ.
Làn sương mỏng phủ xuống con đường trông nó thật hư ảo. Đâu đó xa xa, những bóng người lờ mờ đang đi lại. Ánh mặt trời nhú lên cũng bị phai màu ít nhiều. Tôi đã chờ quá lâu để lại được thấy cảm giác này.
Cái đầu tiên chạm vào mắt tôi là cánh cổng gỗ nằm nổi bật giữa hàng rào phủ dây tầm gửi. Khẽ đẩy cửa cổng, tôi bước vào khoảng sân rộng trước nhà. Ngôi nhà quen thuộc hiện ra trước mắt.Tiếp theo là khuôn mặt đầy vẻ bất ngờ của Ba, Mẹ tôi khi thằng con trai về không báo trước. Mẹ tôi thì hỏi han liên tục về nhìn tôi từ đầu cho đến chân, chắc bà đang hi vọng tôi không bị sứt mẻ chút nào. Ba tôi thì bình tĩnh hơn, khi ông chỉ bóp nhẹ vào cánh tay tôi và cười.
Không khí sum họp Tết đoàn viên bao giờ cũng thế, một hạnh phúc lớn lao.
– Về lúc nào đó thằng kia! – Lão anh tôi chống nạnh hất hàm.
– Mới!
– Học hành sao rồi?
Nhìn cái mặt nham hiểm là tôi đủ biết lão anh chẳng phải tử tế quan tâm tới thằng em trai như vậy.
– Chắc rớt một môn!
Ba tôi khẽ nghiêm mặt lại, Mẹ tôi thấy thế nên xua tôi đi ra rửa mặt, nhằm cứu vãn tình thế. Tôi biết ý nên phóng lẹ, không quên dứ nắm đấm về phía ông anh tôi.
Cảm giác về nhà bao giờ cũng tuyệt vời như vậy!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.