Đọc truyện Tiếng Cười Trong Bóng Tối – Chương 1
Ngày xửa ngày xưa ở Berlin của Đức có một người đàn ông tên là Albinus. Ông ta giàu, hạnh phúc, đáng kính; một ngày nọ ông bỏ vợ để theo một người tình trẻ tuổi; ông ta yêu; không được yêu; và cuộc đời ông kết thúc trong thảm họa.
Đó là toàn bộ câu chuyện và đáng ra chúng ta đã có thể dừng tại đây nếu không phải vì việc kể chuyện này sẽ mang lại lợi ích và thú vui; và dù có một tấm bia mộ viền rêu có rộng chỗ để khắc lại bản tóm tắt cuộc đời một người đàn ông, người ta luôn mong được biết chi tiết.
Chuyện là vào một đêm nọ, Albinus có một ý tưởng tuyệt vời. Đúng ra, ý tưởng này không thật sự là của ông, bởi vì nó được gợi ý từ một câu viết của Conrad (không phải ông Conrad nổi tiếng người Ba Lan[1] mà là Udo Conrad, người viết cuốn Hồi ký kẻ hay quên và một cuốn khác về nhà ảo thuật giả tự làm mình biến mất bí ẩn trong buổi biểu diễn giã biệt.) Bất kể thế nào, ông đã biến ý tưởng đó thành của mình bằng cách yêu thích nó, chơi đùa với nó, để nó ngày càng chiếm nhiều cảm tình nơi ông, và chừng ấy là đủ để hợp pháp hóa một tài sản trong thành quốc tự do của tâm trí. Là một nhà phê bình nghệ thuật và chuyên gia về hội họa, ông thường thích thú với việc gắn mác danh họa này và danh họa kia với những phong cảnh và khuôn mặt mà ông, tức Albinus, gặp trong đời thực: điều này đã biến cuộc sống của ông thành một phòng trưng bày tinh tế gồm những bức tranh giả hấp dẫn, bức nào cũng vậy. Rồi, một đêm, khi ông đang cho bộ óc có học của mình nghỉ ngơi và viết một bài tiểu luận về nghệ thuật điện ảnh (không có gì đặc sắc cho lắm, ông không có tài năng gì xuất chúng mà), thì ý tưởng tuyệt vời đó nảy ra trong đầu ông.
[1. Chỉ Joseph Conrad, nhà văn Anh gốc Ba Lan nổi tiếng.]
Ý tưởng này liên quan đến thể loại phim hoạt hình màu vừa mới xuất hiện vào thời kỳ đó. Thật hấp dẫn làm sao, ông nghĩ, nếu người ta có thể sử dụng phương pháp này để tái tạo hoàn hảo trên màn hình một bức hình nổi tiếng nào đó, hay nhất là một bức thuộc trường phái Hà Lan, trong màu sắc rực rỡ và thổi vào đó sự sống – những chuyển động, cử chỉ được triển khai sinh động, hài hòa trọn vẹn với trạng thái tĩnh của chúng trong bức tranh: ví dụ như, một quán rượu với những hình người nhỏ bé đang say sưa uống quanh những chiếc bàn gỗ, và hình ảnh thoáng qua của một mảnh sân ngập nắng với đàn ngựa thắng yên – tất cả bỗng trở thành một cách sống khi người đàn ông nhỏ bé mặc áo đỏ nọ đặt chiếc cốc vại xuống, cô gái đang bê chiếc khay kia vặn mình để thoát ra, và một con gà mái bắt đầu mổ lên ngưỡng cửa. Cảnh đó có thể tiếp tục bằng cách đưa những nhân vật nhỏ bé ra ngoài đời, đi xuyên qua một bức phong cảnh của chính họa sĩ ấy; cảnh đó có thể có bầu trời màu xám với con kênh đóng băng, và những người đi những đôi giày trượt lạ mắt đúng ở thời đó, đang trượt thành những đường lượn tròn kiểu xưa gợi lên bởi bức tranh; hay cảnh đó có thể có một con đường ẩm ướt trong sương mù và một cặp hai người cưỡi ngựa – kết thúc là quán rượu lúc trước, rồi từng bước từng bước các nhân vật và ánh sáng được khôi phục theo đúng trình tự và được ổn định đâu vào đó, đại khái là mọi thứ cuối cùng quay về như trong bức tranh ban đầu. Sau đó, ta cũng có thể thử dùng tranh của các họa sĩ Ý: mảng màu xanh hình nón của một ngọn đồi ở phía xa, một con đường mòn màu trắng lượn vòng quanh, dòng người hành hương nhỏ bé đang uốn khúc đi lên. Và thậm chí ta có thể dùng cả tranh theo chủ đề tôn giáo, nhưng chỉ những bức với nhân vật thu nhỏ. Và người họa sĩ làm phim không những phải hiểu biết sâu về nhà danh họa và thời đại của ông, mà còn phải đủ tài năng để tránh mọi tương phản giữa chuyển động mới thêm vào và chuyển động được nhà danh họa thời xưa làm ngưng lại – để làm việc đó họa sĩ kia phải lấy cảm hứng từ bức họa – ờ, việc này cũng khả thi đấy. Còn màu sắc… màu sắc thì nhất thiết phải thật tinh tế hơn màu sắc trong phim hoạt hình. Câu chuyện được kể sẽ thú vị biết bao, câu chuyện về trí tưởng tượng của một nhà danh họa, một chuyến du hành ngây ngất của đôi mắt và cây cọ vẽ, một thế giới toát lên phong cách của nhà danh họa và tràn ngập những gam màu do chính ông tạo nên!
Một thời gian sau, Albinus có dịp nói đến chuyện đó với một nhà sản xuất phim, nhưng ông này không một chút hào hứng – ông ta nói rằng ý tưởng này sẽ cần đến một công việc tinh xảo đòi hỏi những cải tiến mới trong phương pháp làm phim hoạt hình, và sẽ tốn một núi tiền; ông ta nói rằng vì thiết kế quá công phu, độ dài hợp lý của một bộ phim như thế sẽ không thể nhiều hơn vài phút; và kể cả nếu được chiếu, bộ phim cũng sẽ làm đa số khán giá chán đến tận cổ và ai cũng sẽ thấy thất vọng.
Rồi Albinus lại bàn chuyện đó với một nhà điện ảnh khác, và ông ta cũng gạt bỏ đề xuất này. “Chúng ta có thể bắt đầu bằng một bộ phim khá đơn giản,” Albinus nói, “một cửa sổ nhà thờ kính màu bỗng trở nên sống động, một huy hiệu chuyển sang hoạt hình, một hoặc hai ông thánh nho nhỏ.”
“Tôi e rằng đây không phải là ý tưởng hay,” ông ta đáp. “Chúng tôi không thể liều làm một bộ phim quá cầu kỳ.”
Nhưng Albinus vẫn ôm giữ ý tưởng của mình. Cuối cùng thì ông nghe nói đến một anh chàng thông minh, Axel Rex, một tay cực giỏi vẽ những bức tranh quái dị – trên thực tế tay này từng làm bộ phim dựa trên một câu chuyện cổ tích Ba Tư làm giới trí thức ở Paris thích thú và cũng đồng thời làm phá sản người bỏ vốn cho vụ kinh doanh mạo hiểm này. Vì thế Albinus cố tìm gặp hắn, nhưng được biết hắn vừa trở lại Mỹ để vẽ tranh biếm họa cho một tờ báo ảnh. Một thời gian sau, Albinus tìm được cách liên lạc với hắn và Rex có vẻ quan tâm.
Vào một ngày tháng Ba, Albinus nhận được một lá thư dài của hắn, nhưng lá thư lại đến vào đúng lúc chuyện đời tư – rất riêng tư – của ông đang trải qua một cơn khủng hoảng đột ngột, cho nên ý tưởng tuyệt vời đó (mà lẽ ra đã có thể sống dai dẳng và biết đâu sẽ tìm được một bức tường để bám vào rồi đơm hoa kết trái) vừa héo khô rồi teo quắt lại một cách lạ lùng trong tuần trước đó.
Rex viết rằng việc tiếp tục cố thu hút dàn Hollywood chỉ là vô vọng thôi, rồi hắn thản nhiên đề xuất rằng Albinus là người có của cải, thì nên tự bỏ vốn để thực hiện ý tưởng của mình; trong trường hợp đó, hắn, tức là Rex, sẽ chấp nhận một khoản tiền công như thế như thế (một số tiền nghe mà giật mình) mà một nửa phải trả trước, để thiết kế một bộ phim, ví dụ lấy cảm hứng từ bức Thành ngữ của Brueghel[2] chẳng hạn, hay bất cứ thứ gì khác mà Albinus muốn hắn dựng thành hình ảnh động.
[2. Pieter Brueghel (1525-1569): họa sĩ và nhà đồ họa in ấn người Hà Lan. Bức Thành ngữ Hà Lan, còn gọi là Áo choàng xanh, là một bức tranh lớn minh họa nghĩa đen của nhiều thành ngữ, trong đó trung tâm là một người đàn bà khoác cho chồng mình chiếc áo choàng xanh, có nghĩa là cắm sừng chồng.]
“Nếu là anh, tôi sẽ thử mạo hiểm. Các phim thông thường khác tốn tiền hơn… Ý tôi nói những bộ phim về chiến tranh có các tòa nhà sụp đổ,” ông em vợ của Albinus tên Paul, một người béo mập và tốt bụng, với hai cái bút chì và hai cái bút máy gài ở túi áo ngực, nhận xét.
“Ờ, với những bộ phim như thế người ta sẽ thu hồi được vốn, còn tôi thì không.”
“Hình như tôi nhớ,” Paul nói trong khi rít một hơi xì gà (họ sắp kết thúc bữa ăn tối), “anh dự định cúng vào đó một món tiền đáng kể – không ít hơn số tiền công hắn đòi là bao. Thế thì tại sao, vấn đề là gì vậy? Trông anh không còn vẻ hăng hái như cách đây không lâu. Anh không định bỏ cuộc đấy chứ?”
“Hừm, tôi cũng chẳng biết nữa. Cái khía cạnh thực dụng này làm tôi hơi khó chịu; chứ nếu không, tôi vẫn thích ý tưởng của mình.”
“Ý tưởng gì vậy?” Elisabeth hỏi han.
Đó là một trong những thói quen vặt của bà – hỏi về chuyện đã được bàn bạc thấu đáo khi có mặt bà. Đó hoàn toàn là do bà bồn chồn, chứ không phải do bà chậm hiểu hay thiếu tập trung; và quá nửa số lần, ngay khi đang hỏi, đang lỡ buột ra câu nói không dừng được nữa, tự bà vẫn nhận ra mình luôn biết câu trả lời. Chồng bà biết rõ thói quen vặt này mà không lấy làm bực mình, ngược lại, ông thấy cảm động và thích thú. Lúc thường, hẳn ông sẽ bình thản tiếp tục câu chuyện bởi ông biết chắc (còn chờ đợi nữa là khác) rằng bà sẽ đưa ra được lời giải đáp cho câu hỏi của mình. Nhưng vào cái ngày tháng Ba đó, Albinus đang trong cơn bực dọc, bối rối, khổ sở, đến độ ông không còn giữ được bình tĩnh nữa.
“Mới từ cung trăng rơi xuống à?” ông cộc cằn hỏi, và vợ ông liếc nhìn móng tay mình rồi nói xoa dịu:
“Dạ vâng, em nhớ ra rồi.”
Đoạn bà quay sang cô bé Irma tám tuổi đang ngấu nghiến một đĩa đầy kem sô cô la mà la lên:
“Đừng ăn nhanh như thế, con yêu, mẹ xin đấy, đừng ăn nhanh như thế.”
“Tôi cho rằng,” Paul lên tiếng trong khi rít điếu xì gà, “mọi phát minh mới…”
Bị cuốn trong dòng cảm xúc lạ lùng, Albinus nghĩ: “Mình quan tâm đến cái tay Rex này làm cái quái gì nhỉ, cả cái cuộc đàm luận ngớ ngẩn này, cả cái món kem sô cô la này…? Mình đang phát điên lên đây mà chẳng ai biết gì. Còn mình thì không dứt ra được, có cố cũng chỉ vô vọng, và ngày mai mình sẽ lại đi đến đó ngồi như một gã điên trong bóng tối om… Không thể tin nổi.”
Điều đó chắc chắn là không thể tin nổi – càng không thể tin nổi khi mà trong suốt chín năm làm chồng, ông luôn kiềm chế được bản thân, chưa bao giờ, chưa bao giờ… “Thực ra,” ông nghĩ, “mình phải nói với Elisabeth về chuyện đó; hay là chỉ cần đi đâu với cô ấy một thời gian ngắn; hay là đi khám bác sĩ tâm lý; nếu không thì…”
Không, người ta không thể rút súng bắn chết một cô gái họ thậm chí còn không quen, đơn thuần chỉ vì bị cô nàng cuốn hút.