Bạn đang đọc Tiệm Trà Sữa Của Tôi Toàn Là Dân Nằm Vùng Hệ Liệt – Chương 91: Phiên Ngoại Chỉ Riêng Mình Ta
Tôn Bách Nhật đút USB vào ổ cắm của chiếc Chrome Book mới cáu.
Cơn đau bao tử do ăn uống thiếu điều độ và sự căng thẳng thần kinh đã khiến cho hắn gần như không ngồi nổi, nhưng vì người cha quá cố, hắn đã gượng dậy được.
Một lần nữa lại gượng dậy được…!
Hà Nhất Hương không gạt hắn! Đó là dấu hiệu đáng mừng đầu tiên.
Cha của hắn vẫn còn sống! Đó là dấu hiệu đáng mừng tiếp theo.
Nhưng…!
Cha của hắn sống để làm gì?
Cụ già đang ngồi ôm chiếc bình sứ có kiểu dáng như hũ tro cốt trong đoạn băng đã xấp xỉ bảy mươi, luôn miệng lảm nhảm cái tên ai đó.
Cái tên đó…!là của một vị thám trưởng.
Vị thám trưởng đó đã bị chặt đầu do nhất quyết không khai ra tên của gã gián điệp hai mang đang trà trộn trong băng đảng.
Cha…!Cha của hắn là một người đồng tính.
Thảo nào mà diện mạo của hắn và cha chưa từng có lấy nửa điểm giống nhau.
Bởi vì vốn dĩ hai người không phải là cha con ruột.
Tôn Bách Nhật không khóc nổi.
Hắn ngồi thừ người cả buổi trên giường, rồi rút chiếc USB ra, đoạn tắt laptop.
Đi ngủ.
Việc gì tới thì sẽ tới.
oOo
Viện dưỡng lão vẫn an tĩnh như mọi khi, mặc cho mùa xuân đã kéo đến trước cổng rào.
Dường như thời gian và mùi hương ở đây luôn đuộm màu ảm đạm, nên khách ghé qua thường dễ cảm thấy bức bối kỳ lạ, như thể bước qua cánh cổng tương lai và nhìn thấy tình cảnh của mình khi hết đát vậy.
Chiếc SH với nước sơn đen tuyền trầm lắng dựng ở trong góc khuất nhất của nhà xe một cách bất đắc dĩ.
Bác bảo vệ bảo rằng nếu để gần cổng quá thì dễ bị “rinh” đi lắm.
Nên là dù muốn dù không, Tôn Bách Nhật cũng phải để xe theo sự gợi ý của ông bác bụng phệ này.
Bụi cây sơn trà ngăn cách sân chơi với khu vực hành chính của viện dưỡng lão, nhằm ngăn chặn tình trạng bắt cóc tống tiền đối những bậc lão niên có con cái giàu có.
Thật là buồn cười khi nghe đến vấn nạn này, song đây là một sự thật trăm phần trăm.
Tôn Bách Nhật rảo bước đi theo con đường được lát gạch đỏ cam, khói bụi nhân gian đã phủ một tầng xám trắng lên chúng, biến cho những viên gạch đỏ cam như được khoác thêm lớp vải mỏng vậy.
Hắn phó mặc cho sự dẫn đường của nó, đến phòng nào thì tùy, tới khu gì cũng mặc.
Cứ thế hắn bị con đường mê hoặc, rồi càng lúc càng dấn sâu vào khoảng thông tầng kết nối giữa hai khối nhà bằng một cây cầu suôn đuột.
Khoảng thông tầng khá lớn, nom như một con hẻm vậy, có điều chiều ngang rộng hơn rất nhiều so với các con hẻm mà hắn thường đi qua.
Hắn có thể khẳng định điều đó bởi vì đã nhìn thấy chiếc Container giao thuốc đang nằm chễm chệ phía cuối đường.
Và trước đó mươi – mười lăm mét về phía bên trái, một chiếc xe cấp cứu đang nằm theo hình bình hành với chiếc Container; khoảng trống mà hai chiếc xe tạo ra đủ để dựng thêm một chiếc xe hơi bốn chỗ mà không sợ choáng lối đi của khách bộ hành.
Bảo vệ bất thình lình chặn Tôn Bách Nhật lại.
Anh ta có vẻ nhỏ hơn hắn nhiều nhất ba tuổi, dáng người hơi gầy, xương gò má nhô cao, còn quai hàm thì bạnh ra.
– Xin hỏi tôi có thể giúp gì được cho anh không?
Tôn Bách Nhật đang cố nhớ ra anh chàng này giống loài nào trong bộ “Tứ linh” nên không nghe thấy câu hỏi.
– Can I help you?
– Xin lỗi cậu nhưng tôi đang tìm một người tên gọi Tôn Ngọc Minh, ông ấy là cha r-u-ộ-t của tôi, đã mất tích cách đây mười mấy năm.
Hiện tôi phải đến khu vực nào để làm thủ tục hành chính vậy? – Tôn Bách Nhật không còn đùa nữa, hắn mau mắn trình bày cho Cao Tuấn hay về chuyện cha mình.
Cao Tuấn nghe xong, liền sốt sắng dẫn Tôn Bách Nhật vào phòng 101 để gặp Viện trưởng Trình Ninh Hinh.
Viện trưởng là một người đàn ông đứng tuổi, nghiêm cẩn và có cặp mắt sắc nét như loài diều hâu.
Chỉ cần vài ngón đòn thủ thuật, là ông ta đã bắt thóp được Tôn Bách Nhật.
Làm xong thủ tục hành chính và trả lời đủ “Mười vạn câu hỏi vì sao” của Trình Ninh Hinh, Tôn Bách Nhật được cấp giấy phép thăm nuôi tạm thời.
Thời gian lần đầu thăm nuôi là ba tiếng đồng hồ, còn những lần kế sẽ được gia hạn thêm.
Cao Tuấn dẫn Tôn Ngọc Minh đến lối vào sân chơi.
Nơi đây còn lắp cả cổng rào điện tử để bảo đảm an toàn cho các cụ.
Phía trên cổng rào có mái che lợp ngói, viện trưởng tận dụng giàn khung trong đó trồng thêm hoa giấy cho đỡ tẻ nhạt.
Tôn Ngọc Minh đang ngồi trên băng đá, ông không ôm hũ tro cốt như trong đoạn băng, ánh mắt ông đang hướng đến bờ vai và tấm lưng khỏe khoắn của một cậu trai điều dưỡng.
Chốc chốc, ông lại hỏi dăm câu vô thưởng vô phạt với anh ta.
Trên môi luôn nở một nụ cười vô cùng hạnh phúc.
Ắt hẳn Tôn Ngọc Minh đã bị lú lẫn nặng, nên mới tưởng nhầm người thanh niên kia là mình, dẫn đến toàn bộ biểu hiện trên.
Tôn Bách Nhật vừa suy đoán, vừa tự bật cười.
Hộp bánh bông lan trứng muối vẫn lẳng lặng tỏa ra mùi hương quyến rũ.
Nhưng cũng chính vì suy đoán này, mà Tôn Bách Nhật hơi trở nên lúng túng, không biết phải xưng hô thế nào để tránh kích động tới hệ thần kinh nhạy cảm của cha mình.
– Cậu Nhật! Mới tới hả? – Anh ta thôi không tưới nước cho cây, vội máng vòi nước lên một gốc cây sứ đang nở hoa trắng xóa.
– Con trai, mới tới hả? – Tôn Ngọc Minh nhìn người điều dưỡng của mình ướt sũng nước mà bật cười thành tiếng.
– Ây…!Hai cha con đợi tôi vào trong nhà thay áo cái nhé? Sẵn tiện pha bình trà nóng luôn.
– Vừa khóa vòi nước, anh ta vừa bẽn lẽn nói với hai người.
Tôn Bách Nhật ngỏ ý muốn phụ, anh ta liền vui vẻ nhận lời.
Vừa đáp “Ừ”, vừa vắt chiếc áo ướt nhẹp.
Chiếc bàn nhựa xanh biển và một chiếc ghế đồng màu, đồng chất liệu rất nhanh được đem ra.
Tiếp đấy là một khay đựng tách trà cùng với một ấm trà hoa đậu biếc thanh nhiệt.
Cuối cùng mới là anh ta, bước ra trong bộ dạng mặc áo phông trắng và quần đồng phục bệnh viện.
Tôn Bách Nhật bày biện hộ anh ta xong, mới đủng đỉnh ngồi xuống băng ghế đá, đoạn mở hộp bánh bông lan trứng muối ra.
Hộp bánh bông lan trứng muối gồm một tá, nên rất dễ chia cho ba người.
Nhấp một ngụm trà đậu biếc tim tím, Tôn Ngọc Minh hồ hởi hỏi Tôn Bách Nhật về cuộc sống hiện giờ của hắn như thế nào.
Tôn Bách Nhật trả lời được dăm câu, thì bỗng nhiên bắp chân ngưa ngứa.
Hắn khom người xuống, căng mắt xem bên dưới có cái gì chạm vào mà ngứa rân dữ vậy?
“Cốp.”
Trán hắn đập vào một bề mặt cực kỳ cứng, cứng như bê-tông cốt thép già tuổi.
Khiến cho hắn đau đến nỗi hai mắt đỏ hoe, nơi hốc mắt dần dần ngập nước.
Tôn Bách Nhật thở hổn hển, rồi cố gắng ngẩng mặt lên nhìn.
Đập vào mắt hắn là một vùng tối đen và đầy bụi bẩn.
Nom rất giống…!cái gầm giường kiêm ổ cún của mình!
– Cha!!
Hóa ra hết thảy chỉ là một cơn mộng…!
Tôn Bạch Nhật ngồi ôm điện thoại trên giường đến sáng.
Phải mất năm giờ đồng hồ nữa thì viện dưỡng lão mới mở cửa.
Hai mí mắt liên tục sụp xuống, miệng thì không ngừng ngáp ngắn, ngáp dài, Tôn Bách Nhật đành lê cái thân lười xuống bếp pha một tách Americano.
Tích tắc…!Tích tắc…!Tích tắc…!
Kim đồng hồ rốt cuộc cũng điểm tám giờ.
Chiếc đồng hồ cổ mà cha hắn để lại đập tám tiếng trầm khàn như chất giọng của người vừa mới ốm dậy.
Tôn Bách Nhật lập tức gọi đến số điện thoại mà hắn nhìn thấy trong giấc mơ.
Hắn thật mong nghe thấy hai từ “Lộn số” hoặc “Nhầm rồi”.
Sau khoảng mười phút chờ đợi, cuối cùng thì cũng có người chịu nhấc máy, cái ngáp vụng trộm của người đang cầm ống nghe bên kia vọng vào tai hắn thật rõ ràng.
– Ông Tôn Ngọc Minh sống ở phòng 289? – Nữ hộ sĩ nhướng mày hỏi.
– Chúng tôi đã lo hậu sự cho ông ấy từ tuần trước rồi.
oOo
Tôn Bách Nhật quỳ dưới chân ngôi mộ của cha mình.
Mưa lất phất rơi, gió lướt qua những ngôi mộ đã nhuốm màu thời gian; thảm cỏ xanh rì chung quanh đan xen với những tấm bia mộ trắng, nom như thể bàn cờ.
“Phật.”
Chiếc ô năm nào lại lặng lẽ giương lên nơi nghĩa trang vắng lặng.
Hà Tễ lau khô những giọt nước mắt của Tôn Bách Nhật bằng lòng bàn tay thô kệch của mình, rồi áp cái bánh bao hãy còn nóng hổi lên má hắn.
Sau đó tự nhiên cắn một miếng bánh bao lớn.
– Tôi ăn nước mắt của em, xem như một lời cam kết nửa đời còn lại không bao giờ để em phải rơi thêm một giọt lệ nào nữa.
– Mày học ở đâu ra cái câu sến rện đó vậy? – Tôn Bách Nhật khẽ thở hắt ra.
Mưa vẫn tiếp tục rơi trên bầu trời tháng Chạp.
– Thầy Đặng dạy anh…!
Tôn Bách Nhật bất ngờ nôn oẹ lên người Hà Tễ.
Một thứ mùi kinh tởm nhanh chóng xâm chiếm không gian đang thơm thảo mùi mưa.
Hà Tễ hốt hoảng cởi phăng cái áo đang mặc, biểu cảm trên gương mặt gã thể hiện rõ mồn một nỗi kinh hãi tột độ.
Đặng Chấn Hưng ôm Hà Tễ vào lòng, rồi khe khẽ hát ru gã.
Nguyễn Hữu Chí nhón tay nhấc chiếc áo sơ-mi gớm ghiếc ấy vào trong một chiếc túi nilon siêu thị, đoạn cột thật chặt, rồi đi đến một lò đốt rác cách đấy ba mươi ngôi mộ, và ném nó vào thật sâu trong đáy lò.
Tôn Bách Nhật ngẩng người trước diễn biến tâm lý càng ngày càng trở nên phức tạp của Hà Tễ, hắn im lặng chờ đợi Đặng Chấn Hưng giải thích.
Nguyễn Hữu Chí toan nắm tay Tôn Bách Nhật, nhưng chợt khựng lại, rồi đưa xấp khăn giấy ướt cho hắn lau miệng.
– Để bác giải thích cho con hiểu.
Ở đây…!
Đặng Chấn Hưng nháy mắt ra hiệu cho Nguyễn Hữu Chí dẫn Tôn Bách Nhật đi.
Mọi chuyện ở đây hãy để ông lo.
Hai bác cháu sóng vai nhau ra ngoài đường cái, trú mưa ở mái hiên của một trạm kiểm lâm, rồi cùng đợi taxi đến đón.
– Tết nhất mà mưa dzầy chắc mấy cây mai nở hết quá.
– Một ông chú trung niên giọng miền Tây đặc sệt bất ngờ bình phẩm.
– Không biết đến đêm Ba mươi có bán kịp không, hay là phải chở về vườn, rồi đợi sang năm nữa.
Không kịp nghe người kiểm lâm kia nói gì, bởi chiếc taxi đã trờ tới và Nguyễn Hữu Chí đã nắm tay kéo Tôn Bách Nhật vào băng sau.
Nguyễn Hữu Chí “nhà quê” trong máu, nên bộ suit mà bác đang mặc trên người bỗng trở nên lạc quẻ đến lạ.
Tôn Bách Nhật vốn đã quen hình ảnh quần bò bạc màu phối cùng với đôi dép tổ ong cáu bẩn, và nhất là chiếc áo phông có logo Quốc kỳ của bác, nên chợt cảm thấy có đôi chút mất mát trong lòng.
Vốc vài ngụm nước rửa mặt cho tỉnh táo, Tôn Bách Nhật rút khăn giấy lau khô mặt, rồi ngắm nghía khuôn mặt hốc hác vì mất ngủ cả tuần nay của mình.
Râu ria lởm chởm, mái tóc nhìn chẳng khác nào Songoku, áo quần nhếch nhác, còn giày thì đen hơn nước cống; nếu giờ mà hắn đứng ngửa tay xin tiền trước cửa quán, thế nào cũng được bố thí cho vài đồng.
Gọi hai phần cơm sườn, bì, chả, trứng cùng với một thố tôm sa-tế tay cầm và hai ly chanh muối giải nhiệt, bữa ăn xế của hai người thế là xong.
– Con không biết Hà Tễ bị tâm thần phân liệt à?
Không có tiếng sặc nước và ho khù khụ nào vang lên sau câu nói ấy, như thể một độc giả đã đọc “Thám tử lừng danh Conan” hàng ngàn lần, mọi tình tiết đều đã quen thuộc đến mức gần như thuộc nằm lòng, nên mọi yếu tố bất ngờ đã tan biến theo sự ố vàng của trang sách, không còn có thể làm biến chuyển nét mặt của mình như lần đầu nữa; Tôn Bách Nhật chống cằm chờ Nguyễn Hữu Chí nói tiếp.
Tiếng lanh canh của đá viên đang tan trong ly chanh muối tạm thời lấp kín khoảng lặng này.
– Nó có ba nhân cách phụ, mỗi nhân cách ấy tương ứng với một kẻ trong băng bắt cóc bọn nó.
– Nguyễn Hữu Chí hướng mắt ra cửa sổ.
Bên ngoài trời hãy còn mưa, nhưng vầng dương đã ló dạng sau rặng mây xám xịt, đem viền mây đơn điệu trở thành một dải ruy-băng ngũ sắc tuyệt đẹp.
Cầu vồng ắt hẳn đang vắt ngang qua đâu đó, có thể là trên những ngọn cây gòn hoặc là ngay bên bờ sông đong đầy phù sa.
Chuông gió ngân lên theo nhịp đẩy cửa của khách.
Lại một lần nữa khỏa lấp khoảng lặng mà hai người đang vướng mắc.
– Một gã ấu dâm, một tên nghiện ngập và một kẻ thích bạo hành.
Nên Đặng Chấn Hưng mới nhờ người trong khu phố mà hồi trước bác bán phở diễn hộ cho nó vui.
Đương nhiên là phải cho tiền thì họ mới đồng ý phối hợp diễn.
Vậy là bác đành để cho nó nói khùng, nói điên qua ngày.
– Cậu ấy thủ vai đại ca phải không ạ? – Tôn Bách Nhật phì cười.
– Ừm, mọi người giả vờ đóng tiền bảo kê cho nó.
Rồi tỏ vẻ khép nép hay khiếp sợ để cho nó khoái.
Khi nhân cách “Bạo Hành” lui xuống, là tới lúc nhân cách “Nghiện Ngập” lên sàn.
Nó cư xử hệt như tên khốn nạn đó, thích dí đầu thuốc bỏng đỏ vào bất cứ ai trái ý.
Cuối cùng, nhân cách ít xuất hiện nhất – “Ấu Dâm”, thật may là chưa từng xảy ra trường hợp đáng tiếc nào.
Nguyễn Hữu Chí dừng lại, uống một ngụm nước chanh muối cho đỡ khát, đoạn kể tiếp:
– Khi không có yếu tố nào khiến nó trở thành một trong ba nhân cách trên, nó sẽ quay về nhân cách sau sang chấn tâm lý của mình – Thiểu Năng…!
Nhác thấy nhân viên trờ đến, Nguyễn Hữu Chí liền khép miệng lại.
Cả hai giữ sự im lặng ấy cho đến khi nhân viên dọn xong các món, nói lời “Chúc ngon miệng” cho có, và rời đi.
Nguyễn Hữu Chí mở hộp ớt bằm, rồi dùng đũa vít một chút ớt vào trong chén nước mắm kèo kẹo.
Tôn Bách Nhật thì nếm thử nước canh, hương vị dìu dịu và ngọt lừ của mướp hương nhanh chóng tràn ngập trong khoang miệng hắn.
– Thật không phải khi đang sắp chuẩn bị dùng bữa mà lại kể ra câu chuyện này.
Tôn Bách Nhật vừa lột vỏ một con tôm sú, vừa nhàn nhạt bảo:
– Xin bác cứ kể hết cho cháu hiểu.
Vả chăng, cháu đã từng đi lính, môi trường sinh hoạt ở đó khủng khiếp cỡ nào mà cháu vẫn nuốt trôi cơm được.
Huống hồ chi ở đây quán xá thì sạch sẽ, thức ăn thì đủ đầy, không gian thì ấm cúng chứ?
– Bọn chúng nôn lên người Hà Tễ, có khi là nhận đầu nó vào sọt rác, khiến cho nó bị chấn thương tâm lý nặng nề.
– Nguyễn Hữu Chí trộn cơm với chút nước mắm ớt cay xè.
– Thằng bé bị nhốt chung với nó bị chích điện* đến chết, rồi liệng xác ra ngoài đường ga đang tạm ngừng hoạt động để trùng tu.
Nguyễn Hữu Chí xúc một muỗng cơm lớn cùng với một ít lòng đỏ trứng gà đưa lên miệng ăn.
Tôn Bách Nhật cũng đang cắt một miếng sườn nhỏ, sau đó ăn kèm với dưa chua giòn giòn.
– Hà Nhất Hương bệnh liệt giường đã khiến nó hơi hơi tỉnh tỉnh ra.
Anh Hưng mong nó sẽ sớm ngày có thể tự mình đứng ra gánh vác công ty, bởi lẽ…!anh ấy năm nay cũng đã ngoài hàng sáu, trí óc lẫn thân thể không còn được minh mẫn như ngày xưa nữa.
Cháu giúp nó được không?
Tôn Bách Nhật mỉm môi cười, nhưng tầm mắt của hắn không hướng về Nguyễn Hữu Chí.
Mà là…!
“Leng keng…”
Chuông gió lắc mình theo sự chuyển động của cánh cửa kính viền nhôm đẹp đẽ.
Những vỏ sò hồng phấn loang loáng sáng dưới ánh đèn trần vàng ấm.
Vốn dĩ không hề muộn khi bắt đầu yêu một ai đó…!
oOo
Chú thích:
Chắc mọi người cũng đoán ra được là Dominic rồi nhỉ? ???????? ????.