Đọc truyện Tiệm Đồ Cổ Á Xá – Chương 72: Hậu ký
Hậu ký: Lịch sử đã trôi qua
Chủ đề của “Tiệm đồ cổ Á Xá” tập 4 có liên quan tới lịch sử đã trôi qua.
Lục Tử Cương và bác sĩ cầm la bàn Lạc Thư Cửu Tinh trong tay, vì muốn tìm kiếm tung tích của gã chủ tiệm nên hết lần này tới lần khác xuyên không về ảo ảnh trong quá khứ.
Đây cũng là tình tiết tôi luôn muốn miêu tả.
Lịch sử xét cho cùng có thể thay đổi được hay không?
Dựa vào tổ hợp phương trình Maxwell giành được, và được chứng thực bằng thực nghiệm Michelson-Morley, nguyên lý không đổi của tốc độ ánh sáng đã trở thành một trong những luận cứ quan trọng của thuyết tương đối theo nghĩa hẹp do Einstein đưa ra. Tháng 9 năm 1905 trong bài viết luận văn thuyết tương đối nổi tiếng “Bàn về điện động lực học của các vật thể chuyển động” do Einstein phát biểu trên “Vật lý học niên giám” nước Đức, trong đổ có nhắc đến một câu nói khiến cả thế giới phát cuồng: “Giống như kết quả trước đây của chúng tôi, tốc độ nhanh hơn tốc độ ánh sáng không có khả năng tồn tại”.
Tốc độ nhanh hơn tốc độ ánh sáng có thể vượt thời gian không gian thực ra không phải ỷ chính của Einstein, nhưng điều này không ngăn cản nhân loại ảo tưởng, thử sức và cố gắng hết lần này tới lần khác. Người đầu tiên đem thứ ảo tưởng này biến thành hành động chính là các tiểu thuyết gia khoa học giả tưởng.
Từ đó có tiểu thuyết liên quan tới xuyên không, xuất hiện liên tục, không thể nào đếm xuể.
Tại sao mọi người không chống đỡ được dòng đề tài này, cứ chìm vào việc miêu tả tình tiết không thể dứt ra được?
Đó chính là vì bất kể là người hay quốc gia, đều có chuyện hối hận, muốn làm lại từ đầu.
Nhỏ thì như không may lỡ tay đánh vỡ bát đĩa, lớn thì như tiếng kêu ai oán khắp nơi, nếu có cơ hội có thể làm lại từ đầu, có thể có đủ cơ hội cứu vãn?
Ôm suy nghĩ như vậy nên tôi bắt đầu sáng tác “Tiệm đồ cổ Á Xá 4”, nhưng ngay từ ban đầu vẫn có những quãng lịch sử không dám động vào, khiến người ta đau buồn, cố gắng bắt đầu viết từ những tình tiết khá nhẹ nhàng.
An Lạc công chúa trong “Váy Chức Thành” giống như cô bé Lọ Lem phiên bản Đại Đường, lúc ra đời là một cô gái ngay cả một tấm chăn bao bọc cũng không có, sau khi lớn lên đã trở thành công chúa ai ai cũng ngưỡng mộ. Cởi bỏ tấm áo lam lũ, khoác lên mình lụa là gấm vóc hoa mỹ, nhưng không thể che giấu nổi dục vọng đã méo mó trong lòng. Vào tháng năm đẹp nhất của nàng đã bị đao kề cổ, nếu như cho nàng cơ hội trùng sinh, liệu nàng có can thiệp vào triều chính, xa xỉ, dâm dật, mưu toan vị trí xa vời không với tới?
Phân đẳng cấp không phải là quần áo, mà là con người.
“Ngọc Ông Trọng” kể về một câu chuyện liên quan tới hiểu nhầm. Một miếng ngọc Ông Trọng bị lời nguyền, lưu truyền trên thế gian, nghe nói sẽ mang lại rất nhiều vận xui cho chủ nhân. Trên thực tế ngọc Ông Trọng đã che chắn cho chủ nhân hết tai họa này tới tai họa khác, bị nứt vỡ hết lần này tới lần khác. Không biết lúc Vương Tuấn Dân mắc bệnh điên mà chết, nếu biết được ngọc Ông Trọng đã vì hắn mà thêm nhiều vết nứt, liệu có hối hận không kịp không.
Ai cũng vậy, chẳng bao giờ nhìn thấu chân tướng.
Ai cũng muốn một cái chuôi Thiên Như Ý. Đây là một vật thần kỳ chỉ cần ước nguyện là được như ý, đã hoàn thành tâm nguyện của Lý Định Viễn. Chàng thiếu niên bị huyết hận thâm thù làm mờ đôi mắt, cuối cùng vẫn không thể nào lựa chọn được thứ quan trọng nhất trong cuộc đời mình là gì. Vậy thì, chàng đã bị định mệnh sắp đặt chẳng giành được gì cả.
Ai ai cũng mong muốn mọi chuyện như ý, nhưng thực tế luôn không như mong muốn.
Một đồng xu có mặt trước và mặt sau, giống như mọi chuyện trên thế gian này vậy, có người thích nhìn từ mặt trước, cũng có người thích nhìn từ mặt sau. Nhưng tiền Vô Bội lại là đồng xu có hai mặt trước, mặc dù thể hiện thái độ khá cực đoan nhưng cũng thể hiện niềm tin kiên định.
Lịch sử được kể lại trong “Tiền Vô Bội” cũng chính là sự tích Địch Vịnh anh dũng hy sinh cho tổ quốc, trên thực tế chỉ có một câu nói ghi trong sử sách, thậm chí trong một số sách sử không có ghi chép gì. Trong dòng chảy của lịch sử, vô số tướng sĩ đều như một giọt nước, thỉnh thoảng tạo nên gợn sóng nhưng ngay lập tức lại tan biến không còn dấu tích.
Thực ra ban đầu tôi định viết về Địch Thanh, một tướng quân tướng mạo tuấn tú giống Lan Lăng Vương trong lịch sử phải đeo mặt nạ mới có thể ra trận, thân thế của Địch Thanh còn gập ghềnh hơn Lan Lăng Vương. Mười sáu tuổi đã thay huynh trưởng gánh tội, trên mặt bị khắc chữ, sau đó vượt ngục đi lính, từ cấp dưới đáy từng bước từng bước trở thành võ tướng hàng đầu Đại Tống, cả quá trình đều giống như một cuốn tiểu thuyết truyền kỳ. Lịch sử của tiền Vô Bội cũng tồn tại, có thể thấy Địch Thanh không chỉ anh dũng thiện chiến, mà mưu lược cũng xuất sắc.
Cuộc đời của Địch Thanh là truyền kỳ, nhưng tôi càng tìm hiểu càng cảm thấy uất ức thay ông ấy. Triều Tống trọng văn khinh võ, chuyện này ai cũng biết, sinh không gặp thời cũng là điều bất lực của Địch Thanh, cuối cùng chỉ có thể kết thúc trong uất hận.
Nhưng giống như đồng tiền xu có mặt trước và mặt sau, triều Tống trọng văn khinh võ nhưng trên thực tế cũng duy trì căn cơ trị an lâu dài. Võ tướng làm loạn thời trung, hậu kỳ đời Đường, các triều đại của Ngũ Đại Thập Quốc thay thế liên tục, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho triều Tống, từ đời Thái Tổ đã xây dựng nền móng cho cả triều Tống. Giống như tôi từng mượn lời Lục Tử Cương trong truyện để biểu đạt ý của mình, triều Tống bỏ ra chút tiền để dẹp bọn ăn mày, nộp ít tiền bảo kê, là có thể giải quyết được mối họa trong lòng, vậy tại sao việc vui lại không làm chứ?
Chỉ là sống trong tư tưởng bỏ tiền mua bình an quá lâu, cả quốc gia sẽ rơi vào trạng thái tinh thần không phấn chấn, như thế chính là mất bò mới lo làm chuồng.
Vì vậy tôi mang thời gian xảy ra sự việc đặt lên người Địch Vịnh, đây là một hán tử chân chính, tuấn tú, quang minh lỗi lạc, có nhiệt huyết, mặc dù danh tiếng của Định Vịnh trong lịch sử vốn chẳng bằng một nửa so với cha mình, thậm chí phần lớn mọi người đều chưa từng nghe tới tên của Địch Vịnh, nhưng tôi hy vọng dùng văn chương của mình có thể khiến nhiều người biết tới sự tồn tại của anh ta, biết trong lịch sử còn có nhiều tướng sĩ như Địch Vịnh, vì biên cương, vì dân tộc, vì đất nước mà thề chết bảo vệ, mới mang lại một cuộc sống yên bình cho chúng ta ngày nay.
Tiền mất thì hạn cũng đi là một cách, nhưng có lúc không có nghĩa là nhẫn nhịn có thể giải quyết được vấn đề.
Một chiếc thìa gỗ Ti Nam tiêu có thể chỉ được hướng của đế quân, đã gợi lên dục vọng không thể chạm tới trong lòng Hồ Hợi. Hắn biết rõ ràng rằng phế huynh trưởng để tự lập, là bất nhân; không tuân theo chiếu mệnh của phụ hoàng, là bất hiếu; bản thân hiểu biết nông cạn, miễn cưỡng đăng cơ, là bất năng. Người trong thiên hạ đâu phải những kẻ đần độn mà không biết được bên trong có nội tình? Phải giải thích với người trong thiên hạ thế nào? Phải báo cáo với liệt tông liệt tổ ra sao? Hồ Hợi biết rõ kết cục của mình nhưng không có sức mà thay đổi.
Có lúc trời cao thường mang tới nỗi đau hoặc niềm vui không thể gánh vác được, chúng ta phải có nghị lực và tỉnh táo nhận thức rõ ràng vị trí của mình nên ở đâu.
Cơ Thanh chỉ nhỏ hơn Yên Đan ba ngày tuổi, cả hai là anh em họ, được Yên vương Hỉ đích thân đặt tên cho. Đan và Thanh là màu đỏ thẫm và màu xanh nên không dễ phai màu, sử gia dùng sổ đỏ để ghi công lao, dùng sổ xanh để ghi sự việc, từ cổ đan thanh có nghĩa là sử sách. Cơ Thanh và Yên Đan ngoại hình giống nhau, có lúc không chỉ người ngoài không phân biệt được ai là ai, mà ngay cả Cơ Thanh cũng có lúc không phân biệt được.
Một đôi dấu sừng tê giống nhau khắc hai cái tên khác nhau. Nhưng cuối cùng chỉ có một con dấu sừng tê được lưu lại.
Lúc nào mới có thể được coi là trưởng thành thành người? Đó là lúc có thể chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.
Luôn có độc giả hỏi tôi gã chủ tiệm đã sống như thế nào trong thời kỳ kháng chiến, đó là quãng lịch sử tôi vẫn không dám động vào, cuối cùng bây giờ bút lực đã khá lên nên tôi mới viết ra câu chuyện khiến mình khá hài lòng. Khi viết “Bồ Đề Tử” tôi không ngừng đọc tư liệu lịch sử về niên đại đó, trong lòng nặng nề, u ám, thậm chí lúc viết còn cay mũi, nhòe mắt vài lần.
Rốt cuộc một dân tộc phải lụn bại đến bước nào mới bị ép tới mức phải di dời văn hóa một cách thanh thế lớn lao như vậy?
Và rốt cuộc phải đến lúc nào, những vật quý giá này mới có thể không bị phủ bụi, mới có thể được lau chùi sạch sẽ bày trong viện bảo tàng cho người đời ngắm nghía chiêm bái?
Không biết mọi người có còn nhớ bài báo về cái đĩa hình hoa quỳ sáu cánh men xanh của lò gốm Ca Diêu thời Tống trong Cố Cung không. Khi tôi nhìn những bức ảnh chiếc đĩa vỡ thành sáu mảnh trên mạng, hồi lâu không lấy lại được tinh thần.
Trong những tháng ngày chiến hỏa ngút trời khó khăn ấy, chúng ta chẳng hề làm tổn hại một món đồ cổ nào, nhưng lại trong những tháng năm hòa bình, dễ dàng làm vỡ nó trong khi bảo dưỡng, duy trì.
Thực sự khiến người ta buồn không nói lên lời.
Trân trọng dùng “Bồ Đề Tử” gửi tặng những học giả và binh sĩ đã có cống hiến với công cuộc di dời văn vật. Mỗi món đồ cổ chúng ta nhìn thấy trong viện bảo tàng bây giờ đều do họ đã vượt qua trăm ngàn khổ cực cay đắng mới bảo tồn được.
Đừng quên nỗi nhục quốc gia! Kính cẩn nghiêng mình trước họ!
Ai ai cũng muốn trừng trị cái ác, biểu dương cái thiện, nhưng có nhiều lúc bọn họ vốn chẳng thể nào phân biệt được thiện và ác thực sự. Một chiếc Mũ Giải Trãi mới khiến người tột cùng lương thiện mới có thể nhìn thấy thần thú Giải Trãi. Cái thiện của một người cũng có thể là cái ác của người khác. Nghe theo lòng mình, tức là chí thiện.
Tiêu chuẩn thiện và ác trong lòng mỗi người khác nhau? Thiện là gì? Ác là gì? Hãy lau sáng đôi mắt, tin tưởng vào phán đoán của mình.
Rốt cuộc một nữ tử thế nào mới không thích châu báu lụa là mà lại thích một cây giáo chiến không rời tay? Là cây giáo sắc nhất trên thế gian này, cho dù biết có một ngày sẽ bị đâm gãy trước một chiếc khiên không bao giờ đâm thủng, nhưng vận mệnh cả đời này cũng chỉ có thể tiến về phía trước mà thôi.
Con người tồn tại trên thế gian này cho dù có mâu thuẫn, cũng chẳng bao giờ tránh được.
Lấy gì để thể hiện tình cảm thắm thiết giữa hai ta, đeo một đôi vòng ngọc trên cổ tay. Một đôi vòng ngọc, xuyên qua thời gian, nhưng vẫn không cứu vãn được sinh mệnh đã từng qua đời.
Mỗi người trong cuộc đời này đều có những chuyện cũ hối hận vì thế mới càng trân quý hiện tại.
Tất cả những đồ vật được miêu tả trong Á Xá không phải món đồ nào cũng có giá trị liên thành, giá trị của đồ cổ vốn không thể dùng tiền bạc làm thước đo. Cho dù là món đồ vài đồng bạc nhưng một khi ở bên bạn nhiều năm, nó sẽ mang ý nghĩa khác biệt so với những món đồ khác. Vì thế phải biết yêu thương những món đồ bên cạnh mình, có thể nhiều năm sau chúng sẽ trở thành đồ cổ.
Thỉnh thoảng có độc giả nói với tôi trên weibo, cảm thấy “Á Xá 1” viết hay hơn “Á Xá 2” và “Á Xá 3”, nhưng trên thực tế phần lớn độc giả phản hồi với tôi là, “Á Xá” càng viết càng hay. Bởi vì bút lực của tôi cũng đang tiến bộ, rất nhiều quãng lịch sử trước đây muốn viết nhưng không dám động vào, bây giờ cũng có thể viết ra những câu chuyện khiến tôi hài lòng. Vì thế trong “Á Xá 1” phần lớn đều là những câu chuyện tình yêu đơn giản, đọc rất nhẹ nhàng, độc giả thích tập 1 cũng thường là tuổi khá nhỏ. “Á Xá” càng về sau tôi dành càng nhiều thời gian, “Á Xá 2” dần dần trưởng thành, đến đồ cổ đế vương trong “Á Xá 3”, chỉ cần là những độc giả đã theo dõi suốt chặng đường “Á Xá” sẽ nhìn thấy sự tiến bộ của tôi.
Còn “Á Xá 4” mặc dù tưởng như không có chủ đề, nhưng trên thực tế là đang hồi tưởng lại quãng thời gian lịch sử trong hai nghìn năm của chủ tiệm. Thông qua những chuyến xuyên không của Lục Tử Cương và bác sĩ, cùng thử trải qua sự va chạm của tư tưởng hiện đại và sự kiện lịch sử.
Tôi luôn hy vọng những câu chuyện tôi viết ra có thể khiến mọi người sau khi gấp sách lại vẫn tìm tòi suy nghĩ, hồi tưởng nhiều lần, tôi cũng luôn cố gắng phấn đấu theo hướng ấy.
Có điều có lẽ vì tôi đã cố tránh việc giảng đạo lý một cách cứng nhắc, giảm thiểu những từ ngữ giáo điều thái quá vì thế có một số thứ có nhiều tầng sâu xa, các bạn đọc “Á Xá” có thể sẽ không nhìn ra được.
Cũng may có baidu tieba của “Á Xá”, weibo của tôi có thể kịp thời đọc được phản hồi của mọi người sau khi đăng bài trên “Tiểu thuyết hội”, quả thực có rất nhiều.
Ví dụ “Thanh Trấn Khuê” trong “Ả Xá 3”, không chỉ nói về chủ đề quy tắc mà tôi còn thông qua việc miêu tả một quãng đời của Phù Tô, từ việc hắn đặt Thanh Trấn Khuê ở nơi cao để ngước nhìn, cho tới khi đặt Thanh Trấn Khuê ở trên bàn không dám đụng vào, rồi đến khi lấy hết dũng khí lén chạm vào hai cái, cuối cùng bắt đầu tùy ý nghịch chơi trong tay, để thể hiện quá trình một cậu thiếu nên xây dựng thế giới quan của riêng mình.
Trong lòng mỗi người đều có Thanh Trấn Khuê của riêng mình.
Chỉ là có một số người đã hoàn toàn bắt chước hình dạng của người khác, có một số người lại thích tự mình đẽo gọt.
Mỗi người khi xác lập thế giới quan thường sẽ kế thừa quan điểm của trưởng bối, lấy đó làm tiêu chuẩn. Đợi đến khi nhiều tuổi thêm một chút, sẽ dần dần có suy nghĩ của riêng mình, bắt đầu bán tín bán nghi với những lời của cha mẹ. Sau đó kiến thức sẽ nhiều thêm một chút, bắt đầu nghi ngờ lời của cha mẹ. Tới khi bước đầu hình thành được thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan, sẽ không còn chuyện gì cũng nghe theo lời của cha mẹ nữa.
Thực ra ở một mức độ nào đó, đây cũng là ngọn nguồn hình thành nên thời kỳ nổi loạn của thanh thiếu niên.
Và sau thời kỳ nổi loạn, một người mới có thể thực sự xây dựng cách nhìn của bản thân mình về thế giới này, thực sự lớn lên thành người.
Đây cũng chỉ là một ví dụ lấy trong một chi tiết trong “Thanh Trấn Khuê” mà thôi, còn chi tiết này trong cả cuốn sách hơn một vạn chữ cũng chỉ xuất hiện hơn một trăm chữ mà thôi.
Mỗi câu chuyện trong “Á Xá” tôi đều dành rất nhiều tâm huyết, bất kể là tìm tư liệu hay xây dựng tình tiết, chứ không phải tôi không muốn viết thẳng một số ý nghĩa trong đó ra, mà là sau khi viết những thứ ấy ra hương vị của cả câu chuyện sẽ bị phá vỡ. Có người chỉ đọc truyện, có người có thể học được những kiến thức lịch sử trong đó, có người lại cảm động vì nhân vật trong truyện, có lẽ những người thực sự đọc hiểu những tâm huyết tôi gửi gắm vào trong câu chuyện mới là những người thực sự đọc hiểu “Á Xá”.
Có điều cũng vì câu hỏi này mà tôi quyết định trong phần hậu ký của “Á Xá 4” đơn giản viết ra một phần ý nghĩa của những điều tôi muốn thể hiện của mỗi chương truyện trong tập này.
Đúng thế, tôi chỉ là viết ra một phần chủ đề trong đó, có rất nhiều bình luận đánh giá về sách trong tieba, phân tích từ các góc độ, bởi vì cảm nhận khi đọc sách của mỗi người khác nhau. Trong mắt nghìn người sẽ có một nghìn Hamlet, tôi cũng hy vọng trong lòng mỗi người cổ phán đoán của riêng mình.
Đây cũng là cảm hứng lớn nhất khi đọc sách.
Đồng thời cũng có người thông qua weibo hoặc tieba đặt câu hỏi cho tôi, ví dụ cảm thấy tôi dùng từ ngữ trong sách không hợp lý. Có một số chỗ quả thực do thói quen dùng từ của tôi không đúng, nhưng phần lớn là lượng kiến thức của mọi người chưa đủ. Tôi hy vọng trước khi mọi người nghi ngờ, hãy đi tra cứu tài liệu trước đã. Tôi thích mọi người tag tôi trên weibo, nói mình vốn tưởng từ “bà xã” trong chương “Giáo Khuất Lô” là tác giả dùng sai, kết quả sau khi bạn ấy tra tài liệu mới phát hiện ra, từ này đã bắt đầu được sử dụng từ đời Đường, chứ không phải ngay từ đầu đã nói tôi dùng từ sai, phải là từ này chứ không phải từ kia…
Hoan nghênh mọi người động não nhiều hơn, con người và con vật khác nhau ở chỗ chúng ta có đại não có thể suy nghĩ được.
Khi tôi học đại học, sách vở là cây cầu giúp tôi thu nạp kiến thức, từ lượng sách vở mênh mông học được vô số đạo lý, tôi mới có thể viết ra được “Á Xá” – tác phẩm khiến tôi tự hào, và có thể thông qua câu chuyện về gã chủ tiệm, miêu tả lại lịch sử, kể lại đạo lý cho mọi người.
Tôi hy vọng sách của mình có thể khiến những độc giả từng đọc sách suy nghĩ sâu hơn sau khi gấp sách lại, cho dù chỉ là tốn vài tiếng đọc sách, thậm chỉ tốn vài phút đọc một câu chuyện, cũng khiến tôi vô cùng vui vẻ.
Xét cho cùng bây giờ đã có cả triệu người đọc “Á Xá” rồi, trong đầu những người ấy, gã chủ tiệm cũng từng có những khoảnh khắc sống động.
Khả năng này cho dù chỉ là tôi ảo tưởng, nhưng cũng đều cảm thấy toàn thân run rẩy, phấn chấn vô cùng.
Có thể có một chỗ trong lòng bạn, cho dù khoảnh khắc và câu chuyện ấy có thể phai màu theo thời gian;
Có thể để mọi người biết tới gã chủ tiệm Á Xá, cho dù có thể chỉ biết gã là chủ một tiệm đồ cổ;
Tôi cũng cảm thấy vô cùng vinh dự.
Tôi không bao giờ muốn thỏa mãn, mà hy vọng càng nhiều người có thể đọc được “Tiệm đồ cổ Á Xá”, có thể biết tới Á Xá, hy vọng gã chủ tiệm sẽ sống lâu hơn trong tâm trí mọi người.
Điều này còn xúc động hơn việc gã đã sống hơn hai nghìn năm lịch sử, chẳng phải sao?
Dưới đây kể một chủ đề nhẹ nhàng một chút nhé. Ngày 23/9/2011, trung tâm nghiên cứu Nucleon châu Âu tuyên bố phát hiện một số hạt có thể bay với vận tốc vượt qua vận tốc của ánh sáng, phát hiện này trực tiếp khiêu chiến với thuyết tương đối của Einstein rằng không có vật chất nào vượt qua vận tốc ánh sáng. Các nhà khoa học nói nghiên cứu này nếu được chứng thực sẽ thay đổi quan điểm vật lý của nhân loại. Những hạt này quả thực được chứng thực nhanh hơn vận tốc ánh sáng, hoàn toàn thay đổi cách nhìn về sự tồn tại của vũ trụ này, thậm chí thay đổi mô hình tồn tại của nhân loại. Có nhân sĩ phân tích cho rằng, có thể trong vũ trụ quả thực vẫn còn tồn tại những hạng bậc chưa biết, các hạt sơ cấp đã đi tắt vào “đường gần” các hạng bậc khác, mới “chạy” nhanh hơn ánh sáng.
Vì thế mới nói, có lẽ nhanh hơn ánh sáng cũng không thể xuyên thời gian không gian, nhưng có thể nhảy vọt hạng bậc giữa các vì sao? Thời đại đại hàng hải vũ trụ bắt đầu từ đây?
Đi xa quá rồi… thực ra trong “Tiệm đồ cổ Á Xá 4” vẫn còn một số chỗ ngầm chê trách.
Ví dụ trong “Thiên Như Ý”, nghe nói Thái Tổ năm đó cũng từng động lòng đặt đô ở Nam Kinh, kết quả cũng biết rồi đấy truyền thuyết Nam Kinh bị chặt đứt long khí, triều đại đặt đô ở Nam Kinh đều bị đoản mệnh, vì thế cuối cùng lấy Bắc Kinh làm thủ đô. Đương nhiên, chuyện này có thực sự xảy ra hay không cũng không thể khảo cứu nữa, chỉ là nghe nói mà thôi.
Trong “Tiền Vô Bội” có giải thích về tiền mừng tuổi, có thể thấy tôi rất buồn lòng. Vì thế nếu có tiêu thì nhất định phải tiêu tiền mừng tuổi của năm cũ.
Nghe nói có rất nhiều bạn nhỏ đọc đến đây đều đòi bố mẹ tiền mừng tuổi… bởi vì bình thường đều là bố mẹ “thu giữ” tiền mừng tuổi mà! Tôi buồn lòng lâu lắm rồi đấy!
Được rồi… bây giờ tôi vẫn còn nhận được tiền mừng tuổi… e hèm… nghe nói tập tục ở chỗ tôi là chưa kết hôn vẫn còn được mừng tuổi… cũng không biết tôi còn được nhận đến bao giờ…
Về kết thúc của “Tiệm đồ cổ Á Xá 4” có thể tôi lại nhận được than phiền của độc giả, có điều chuyện mất trí vốn khoa trương thế cơ mà, làm sao có thể không thử một lần chứ? Mọi người cũng đừng cảm thấy cách hành sự của Lục Tử Cương quá cực đoan, bởi vì kiếp trước anh ta ở cạnh gã chủ tiệm, cũng từng thấy gã dùng Hành Vu hương với người khác, hai nghìn năm qua gã chủ tiệm dùng cũng không ít lần, hê hê….
“Tiệm đồ cổ Á Xá 5” rốt cuộc hướng phát triển câu chuyện sẽ như thế nào… bây giờ vẫn chưa quyết định… vốn định kế hoạch “Tiệm đồ cổ Á Xá 5” là tập kết thúc, nhưng dường như đầu óc tôi tưởng tượng hơi lớn… ví dụ thu thập đồ cổ nước ngoài, tu sửa cửa tiệm rách nát, thu hồi cổ vật tà ác… còn cả “kho báu” mới vừa đặt ra nữa. Hê hê, không ngờ hàm ý của cái tên “Á Xá” lại cao cấp như vậy! Ngưỡng mộ tôi chưa! Ha ha.
Đưa vào ý tưởng “kho báu”, vô tình lại đào hố rộng thêm một chút… nhìn xa xôi hơn… cho dù kết thúc phần năm rồi nhưng cảm thấy vẫn còn thêm ngoại truyện nữa…. tôi đi úp mặt vào tường đây…
Đặc biệt trịnh trọng cảm ơn giám đốc Triệu của nhà xuất bản Trường Giang và sự cố gắng của tổng giám đốc Tô thuộc Tri Âm Media, “Tiệm đồ cổ Á Xá 4” mới nhanh chóng ra mắt mọi người như vậy. Cảm ơn sự cố gắng của biên tập Lộ Biên, Tiểu Yêu, còn có sự cổ vũ của biên tập mỹ thuật Dương Quang, Khả Lạc Thiến. Phiên bản truyện tranh của “Á Xá” cũng phải cảm ơn sự chỉ đạo tận tình của biên tập Âm Âm.
Đương nhiên còn phải đặc biệt cảm ơn Hiểu Bạc, tới bây giờ “Á Xá” đã mở cửa được bốn năm, từ tranh minh họa cho tới artbook, rồi tới truyện tranh, hợp tác với cậu ấy ngày càng ăn ý, chúng ta cùng nhau cố gắng nhé.
Cuối cùng phải cảm ơn sự cổ vũ động viên của các bạn độc giả, sự trưởng thành của “Á Xá” không thể thiếu sự quan tâm của các bạn. Nếu thích câu chuyện này, thích cửa tiệm này, thích gã chủ tiệm, vậy hãy tiếp tục chờ đợi nhé.
Mười hai câu chuyện trong một tập “Tiệm đồ cổ Á Xá”, mỗi tháng một câu chuyện, một năm một tập, tháng Năm năm sau, hẹn gặp lại nhé.
23/2/2014
Huyền Sắc