Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 107: Cuối cùng cũng thành thân


Đọc truyện Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An – Chương 107: Cuối cùng cũng thành thân

Chiến sự ở phương bắc kết thúc nhanh hơn nhiều so với dự đoán của mọi người, nhưng việc tra xét lại vụ án Ngô Vương lại hơi chậm, hôn kỳ của Lâm Yến và Thẩm Thiều Quang thì lại càng chậm hơn, vốn định đầu hạ lại kéo dài tới tận trung thu.

Triệu Vương biết tin con trai thứ tư Lý Vực đã bị bắt thì tái phát bệnh hen, con trai thứ hai Lý Tê đang bị giam giữ được sự giúp đỡ của các bằng hữu cũ đã cướp đoạt binh quyền, mà tam lang vốn vẫn luôn mềm yếu thì được sự ủng hộ của một số binh tướng khác, phân thành phe phái đối chọi nhau. Tam lang không địch nổi nhị lang, dứt khoát dẫn người “bỏ tà theo chính” quay đầu sang đứng về phía triều đình.

Quân chinh phạt phương bắc cùng quân trong ngoài Nhạn Môn quan vây kín ba mặt, con thứ Lý Tê của Triệu Vương bại trận, trốn tới Hằng Châu nằm dưới sự kiểm soát của quân Thành Đức thuộc ba trấn Hà Sóc. Qua quá trình điều giải, quân Thành Đức dâng nộp Lý Tê và một đám phụ tá, tướng lĩnh nòng cốt.

Tháng năm, tin thắng trận từ tiền phương được tức tốc đưa về Trường An. Chư thần lộ ra nụ cười thoải mái, hoàng đế cũng thở phào nhẹ nhõm. Bách tính Trường An thì lại chẳng thấy có gì cả, đã biết trước là đám nghịch tặc kia sẽ không làm nên chuyện rồi, âm thầm mưu sát thế thì có cái bản lĩnh gì chứ?

Nghe nói lúc đại quân tiến vào Bắc Đô thì thi thể của Triệu Vương đã hôi thối bốc mùi rồi mà vẫn còn chưa được khâm liệm, bên cạnh cũng không có ai trông chừng. Vị đại vương này chiếm giữ Bắc Đô đã hơn mười năm nay, trong tay nắm giữ binh quyền của ba quận, thời tiên đế đã từng mượn tay của đạo sĩ để làm mưa làm gió trên triều, ai ngờ được rằng cả đời oai hùng lại rơi vào kết cục thê lương như vậy.

Chiến sự kết thúc nhanh chóng gọn gàng như vậy khiến Thẩm Thiều Quang khá là ngạc nhiên, nhưng ngẫm lại thì thấy trong sử sách ghi lại rất nhiều cuộc chiến bắt đầu thì khí thế nhưng lại kết thúc rất nhanh chóng như thế. Nhanh thì tốt, quân đội bớt người chết, đám quan viên như Lý tướng bớt đi vài sợi tóc bạc, những người như nàng thì có thể sớm ngày bày điếu cúng tổ tiên.

Thẩm Thiều Quang dâng hương cho phụ mẫu huynh trưởng của nàng kiếp này, cuối cùng thiện ác đều có báo, các ngươi ở trên trời có thiêng thì đều có thể yên nghỉ.

Vụ án Ngô Vương lại được tra xét hơi chậm. Thực ra hoàng đế vốn muốn ba ty tiến hành nhanh hơn, tiên đế dù tàn bạo cỡ nào thì cũng là phụ thân của mình, tốt nhất là có thể giải quyết xong chuyện tra xét trước khi chiến sự ở phương bắc kết thúc, cần khôi phục danh tiết cho ai thì khôi phục danh tiết, cần an ủi động viên ai thì động viên an ủi, nên trả lại ruộng vườn cho ai thì trả, chờ tới khi tin thắng trận báo về, đại quân hồi triều, chuyện này cũng chìm xuống.

Nhưng vụ án Ngô Vương là một vụ án lớn trong những năm cuối đời của tiên đế, liên lụy quá rộng, biết bao nhiêu người vì chuyện này mà bị bãi miễn chức quan, bao nhiêu người bị lưu đày, bao nhiêu người cửa nát nhà tan, há có thể kết án chỉ trong một sớm một chiều?

Vì chuyện tra lại vụ án Thẩm Khiêm, cũng bởi vì nghe nói về chuyện của Thẩm Thiều Quang, viên ngoại lang phân ty Đông Đô là Thẩm Phác xin chỉ vào kinh cùng xử lý việc này.

* Thời Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên thì phần lớn thời gian ở đông đô Lạc Dương, các vị vua sau đó thì chủ yếu lại ở kinh đô Trường An, nhưng cơ cấu quan chức ở Lạc Dương thì vẫn giữ nguyên giống như ở Trường An, quan viên nhậm chức ở đây đều gọi là phân ty Đông Đô. Tuy nhiên vì các quan thự ở đây thường chỉ là trên danh nghĩa nên triều đình thường phái những vị quan bị cách chức hoặc nhàn rỗi tới đây nhậm chức, vì vậy quan viên ở đây thường chỉ để bày trí, lĩnh bổng lộc mà không cần quản việc như ở kinh đô, cho nên người ta mới nói phân ty Đông Đô là những chức quan dưỡng lão.

Nghe Lâm Yến nói vị đường thúc này tới kinh, Thẩm Thiều Quang ra dịch quán bái kiến.

Thẩm Phác chừng hơn ba mươi tuổi, mặt mày tuấn tú, nghe nói từ lúc còn trẻ đã đậu tiến sĩ, bây giờ lại nhậm chức viên ngoại lang lục phẩm phân ty Đông Đô thuộc thượng thư tỉnh – một chức quan dưỡng lão chân chính. Nhìn dáng vẻ hào hiệp phóng khoáng của hắn trong chiếc áo mỏng tay rộng và đôi guốc gỗ, Thẩm Thiều Quang cảm thấy đường thúc làm cái chức quan này thật là vừa hay vừa khéo.

Một người hào hiệp như vậy mà vừa rồi lại vội vội vàng vàng bước ra đón nàng, Thẩm Thiều Quang cảm thấy có lẽ trước đây lúc xuất cung nàng đã nghĩ quá bi quan.

Ngồi ở phòng khách trong gian trọ của dịch quán, Thẩm Phác quan sát nàng một lúc, ánh mắt cảm khái: “Lần trước ta gặp ngươi, ngươi mới chỉ cao chừng này…” Thẩm Phác đưa tay ước lượng tới mép sạp.

Thẩm Thiều Quang cười nói: “Nhi thực sự không nhớ rõ chuyện lúc trở về Lạc Hạ.”


Thẩm Phác chậm rãi nói: “Cũng không phải là ngươi trở về Lạc Hạ, là lúc ta vào kinh dự thi, tới ở nhà a huynh.”

Hai người đều lặng im. Một lúc lâu sau, Thẩm Phác lấy lại tinh thần trước, cười nói: “Lúc đó vẫn chỉ là một đứa bé ôm áo khóc nhè, bây giờ đã là một nữ lang xinh đẹp thế này rồi. Lâm thiếu doãn kia cả nhân phẩm lẫn tướng mạo đều rất được, nhưng nghe nói là tính tình hơi lạnh nhạt.”

Vừa đúng lúc thẩm nương dẫn tỳ nữ bưng trà bánh vào.

Thẩm Thiều Quang đứng lên, thẩm nương nắm tay nàng ngồi xuống, quở trách Thẩm Phác: “Lang quân thật là…”

Thẩm Phác cười nói: “Thế này thì gì chứ? Hôn nhân đại sự, dù sao cũng phải để nữ lang nhà mình bằng lòng mới được. Bây giờ A Tề thế này, sau này A Tinh cũng vậy.”

Nhìn vị đường muội chẳng cao hơn mép sạp bao nhiêu đang híp mắt cười với mình, Thẩm Thiều Quang cảm thấy đường thúc thật là có tầm nhìn xa.

Đường bá Thẩm Trực làm thứ sử Dĩnh Châu tới sau đó thì dáng vẻ lại khác hoàn toàn, khoảng chừng trên dưới năm mươi, mặt trắng, có râu, đôi mắt vô cùng uy nghiêm. Thẩm Thiều Quang không dám lỗ mãng trước mặt hắn, bày ra dáng vẻ ngại ngùng của nữ nhi chốn khuê phòng.

Thẩm Trực hỏi thăm nàng về khoảng thời gian ở trong Dịch Đình, lại hỏi chuyện sau khi ra khỏi cung. Hắn hỏi rất kĩ, Thẩm Thiều Quang không tiện giấu giếm, đành phải nói thật chuyện ở nhờ am ni cô, bày sạp bán bánh rồi mở quán rượu.

Thẩm Trực lặng yên một chốc: “Nói cho cùng thì cũng là chỗ thiếu sót của bọn ta, không chăm sóc cho ngươi được tốt.”

Thẩm Thiều Quang cảm thấy bá phụ đã hiểu lầm hơi quá rồi, muốn nói là nàng ngày ngày đều chơi bời rất vui vẻ, nhưng lại thấy có vẻ không được thích hợp lắm, đành phải gượng cười.

Nghĩ tới chuyện mình phải đại diện bàn bạc việc hôn lễ với Lâm gia, Thẩm Trực mở miệng ra rồi lại khép lại, yên lặng một lúc, cuối cùng cũng nói: “Lâm thiếu doãn nhân phẩm không tệ, chỉ là hơi lạnh lùng nghiêm túc, ngươi…” Thẩm Trực lại dừng lời, hắn thật sự không biết phải làm sao để nói những lời này với một nữ lang.

Thẩm Trực cũng có một nữ nhi, gả cho con trai của thứ sử Lư Châu Thôi Ngôn, lúc đó thì không cần hắn phải nói mà đã có phu nhân nói với nữ nhi, hai nhà cũng coi như là thế giao, phu nhân đã từng gặp tiểu lang quân. Lần này thì để phu nhân nói không thích hợp – thân phận của “lang tử” đặc biệt, chẳng bao lâu nữa Lâm thiếu doãn sẽ trở thành Kinh Triệu doãn tam phẩm rồi, là quan lớn áo tím chân chính. Thẩm Trực chỉ đành miễn cưỡng tự làm.

* Lang tử tức con rể. [tác giả]

Nhưng hai vị thúc bá này chẳng mấy chốc đã tự xô đổ lời nói của mình.

Mỗi lần Lâm thiếu doãn tới bái phỏng đều ăn nói vô cùng cung kính, trên miệng luôn mỉm cười; lúc uống rượu dù mặt đã đỏ lựng cũng không chối từ, rất là nề nếp; mấu chốt nhất là thỉnh thoảng nhìn thấy A Tề thì ánh mắt đều dịu dàng như gió xuân tháng ba…

Lúc không có ai, Thẩm Thiều Quang cười chọc ghẹo Lâm Yến: “Bình thường đâu thấy chàng ấm áp ôn hòa như vậy, thật đúng là giỏi giả bộ.”


Lâm Yến cũng cười, thừa nhận: “Muốn làm lang tử Thẩm gia đúng là không hề dễ.”

Đâu chỉ không dễ thôi đâu, quả thật là quá khó khăn, trong kinh còn có một Lý tướng thỉnh thoảng lại tới tìm mình uống rượu, vị Sở tiên sinh có ánh mắt sắc bén kia cũng sắp vào kinh…

Thẩm Trực được điều làm quan trong kinh, thời gian rất dư dả, vì vậy lục lễ tiến hành không vội cũng không chậm, tới tháng bảy khi vụ án Ngô Vương tra xét xong, Thẩm Khiêm đã được rửa sạch tội, lục lễ mới chỉ đến bước nạp chinh.

Thẩm Trực dẫn các vị huynh đệ con cháu, trịnh trọng cử hành lễ bái cúng tổ tiên, Lý Duyệt, Sở Lệ, Lâm Yến và nhiều người khác đều tặng lễ tế. Tế xong, Thẩm Trực, Thẩm Phác và cả Thẩm Thiều Quang đều đỏ ửng khóe mắt.

Bởi vì Thẩm Thiều Quang có công cứu giá và góp công vào quá trình truy lùng Lý Vực, hoàng đế căn cứ vào số lượng điền trạch của Thẩm gia trước kia, thưởng thêm thành gấp đôi – bao gồm cả dinh thự lúc trước của Triệu Vương.

Rốt cuộc Thẩm Thiều Quang cũng biết được cái cảm giác bỗng giàu sụ sau một đêm.

Thẩm Thiều Quang bắt chước dáng vẻ của nữ chính trong mấy bộ phim, trêu ghẹo Lâm Yến: “Lâm lang quân, ta nuôi chàng…”

Bây giờ Lâm Yến đã bắt kịp nhịp của Thẩm Thiều Quang, mỉm cười hành lễ: “Vậy phải đa tạ phu nhân rồi.”

Nhưng thời gian có thể thoải mái nói cười như vậy cũng không nhiều, nếu không phải vì chuyện triều đình thì trước lúc thành thân hai người không thể gặp nhau được mấy lần – bây giờ Thẩm Thiều Quang sống cùng bá phụ bá mẫu.

Mồng mười tháng tám là ngày tốt, cuối cùng cũng đã tới bước cuối cùng của lục lễ – thân nghênh.

Cả hai kiếp cộng lại bây giờ Thẩm Thiều Quang mới xuất giá, trước kia lại ở trong cung, chưa từng chứng kiến hôn lễ ở dân gian, bây giờ thật sự đã được mở rộng tầm mắt – ví dụ như “hạ tế”.

* “Hạ tế” hay còn gọi là “chướng xa” là tập tục gây khó dễ cho chú rể trong hôn lễ, bắt nguồn từ sự du nhập của văn hóa Hồ vào Trung Nguyên. 

Các a tẩu nhà bá phụ và thân bằng cố hữu mỗi người sẽ nắm một cây gậy “ra tay độc ác” với Lâm thiếu doãn, à không, phải nói là Lâm phủ doãn.

Ba a tẩu nhà bá phụ rất sảng khoái: “Thập nhất nương ngươi chớ đau lòng, con rể là chó nhà vợ*, không đánh một trận thì không được.”

* Trích từ cuốn thường thức khoa học “Hướng dẫn xuyên không tới thời Đường” [tác giả]. Ý của câu này là con rể tới nhà cha mẹ vợ thì địa vị giống như chó nuôi trong nhà, có thể đánh giết mà không cần tới công văn của quan phủ.


Thập nhất nương là thứ bậc của Thẩm Thiều Quang ở trong họ.

Thập nhất nương gật đầu: “Các a tẩu cứ đánh thoải mái, không đánh thì không đàng hoàng.”

Các a tẩu đều bật cười.

Các a tẩu hơi kích động, nghe nói em rể mới phong độ ngời ngời, dung mạo rất khá, lại là quan lớn áo tím, chẳng có mấy cơ hội để đánh một vị lang tử thế này đâu…

Lâm Yến giữ vững hình tượng thành thật nề nếp của mình trước mặt “đoàn nhạc phụ”, không giở mưu kế gì, khiến các nữ nhân trong nhà muốn trêu chọc một trận, lúc Thẩm Thiều Quang ở trên lầu lén nhìn xuống thì mũ hắn cũng đã lệch, tóc đã hơi tán loạn, nhưng vẫn giữ nguyên nụ cười tươi rói.

Thẩm Thiều Quang cười ranh mãnh, Lâm Yến như thể cảm giác được, ngẩng đầu lên, ánh mắt hai người giao nhau.

Bên cạnh đã có người tới gọi Thẩm Thiều Quang: “Thập nhất nương, mau đi trang điểm thôi!”

Trang điểm thì không thể nhanh được – tập tục là như vậy, phải đợi tân lang bên ngoài đọc thơ thôi trang*.

* Một tập tục trong hôn lễ cổ đại bắt đầu từ thời Đường, người tới đón dâu đọc thơ thúc giục tân nương trang điểm.

Thẩm Thiều Quang ở trong phòng vui vẻ lắng nghe, mặc dù Lâm Yến thỉnh thoảng cũng nói đôi câu dỗ ngon dỗ ngọt nàng nhưng chưa từng khen nàng một cách trần trụi lộ liễu như vậy, nhất là chưa từng khen nàng xinh đẹp! Thẩm Thiều Quang nổi bệnh nhỏ nhen, bắt hắn làm, tài tử Hà Đông, tiến sĩ thiếu niên, chả lẽ còn sợ cái này?

Các a tẩu khen ngợi: “Thập nhất nương khá lắm.”

Lâm Yến có thể tưởng tượng được dáng vẻ đắc ý của Thẩm Thiều Quang, chỉ mỉm cười làm từng bài từng bài một, từ mặt phù dung tới đôi mắt hạnh, đến môi anh đào, tóc mây, rồi lại đến phong tư yểu điệu… A Tề của ta đúng là một mỹ nhân.

Sau đó lại là một loạt nghi thức rườm rà khác, tới lúc hai người rốt cuộc cũng có thể đơn độc ngồi cạnh nhau ở Thanh Lư thì Thẩm Thiều Quang đã chẳng còn đắc ý nổi nữa – kết hôn thật là mệt chết đi được!

May mà vừa rồi đám tỳ nữ đã giúp nàng cởi bớt áo khoác ngoài, tháo thoa cài tóc và son môi phấn má than mày hoa điền trên mặt, Thẩm Thiều Quang ngã nhào lên giường, cảm thấy còn mệt hơn cả kiếp trước tăng ca trọn một đêm.

“A Tề…” Lâm Yến ngồi xuống cạnh giường gọi nàng.

Thẩm Thiều Quang ngoái đầu lại nhìn hắn, đột nhiên thấy căng thẳng, gì nhỉ, đúng rồi, hôm nay còn có cái đó mà.

Thẩm Thiều Quang ngồi dậy: “Lang quân, chàng có đói bụng không, có muốn ăn thứ gì không?”

“Ta đã cho người nấu bánh trôi cơm rượu rồi, là kiểu bình thường nàng hay nấu, lát nữa sẽ đưa tới.”


Thẩm Thiều Quang bật cười: “Bị đánh một trận rồi mà vẫn lấy ơn báo oán như vậy, thật đúng là quân tử.”

Lâm Yến xoa tóc nàng, chỉ mỉm cười.

Thẩm Thiều Quang nhướng mày: “Cười cái gì?”

Lâm Yến nhìn nàng, mỉm cười đáp: “Sợ lát nữa nàng không còn sức lực.”

Thẩm Thiều Quang: “!!!”

Lâm Yến lại càng cười tươi hơn, ôm nàng, khẽ hôn lên trán nàng, dịu dàng nói: “Ăn một chút đi, lễ nghi rườm rà, chắc chắn cả buổi tối nàng chưa ăn gì cả.”

Tỳ nữ bên ngoài Thanh Lư nói bánh trôi đã nấu xong. Lâm Yến bảo bọn họ đưa vào.

Thẩm Thiều Quang ngồi trước bàn ăn ăn bánh trôi cơm rượu hoa quế, Lâm Yến không ăn mà chỉ nhìn nàng ăn.

Bị hắn nhìn, Thẩm Thiều Quang lại càng căng thẳng hơn.

Thẩm Thiều Quang bắt đầu nói về thường thức ẩm thực: “Món bánh trôi cơm rượu hoa quế này làm rất tốt. Hoa quế được ngâm đường, ăn rất ngon. Cơm rượu cũng rất ngon, có phải là mua ở cửa hàng rượu lâu năm của Vương gia ở Đông Thị không? Rượu nhà họ rất ngon, cơm rượu cũng rất ngon, có vị thanh thuần mà nhà khác không có, ta đoán là nhờ gạo tốt…”

“Nàng chớ sợ.” Lâm Yến thấp giọng an ủi: “Ta sẽ cẩn thận…”

Thẩm Thiều Quang: “…”

Thẩm Thiều Quang buông bát, cầm chén trà lên súc miệng một chút, sau đó trịnh trọng nói với Lâm Yến: “Trưởng công chúa cho ta một món đồ. Chúng ta có cần học trước một ít không?”

Là một người có “tư liệu học tập” bỏ vào ổ đĩa F và cả ổ đĩa G, Thẩm Thiều Quang cảm thấy kiến thức lý luận của mình vẫn đủ dùng, nhưng học thêm một chút cũng không hỏng đi chỗ nào, tập sách trưởng công chúa tặng thật sự là hàng chọn lọc đấy…

Lâm Yến mỉm cười liếc nàng một cái, ôm ngang người nàng lên: “Không cần!”

“Không phải… Thật sự không cần sao? Ta cảm thấy thứ đó…”

Trong rèm, Thẩm Thiều Quang hoàn toàn không phát ra được âm thanh nào nữa.

– Hoàn chính văn –


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.