Tiệc Báo Thù

Chương 4


Đọc truyện Tiệc Báo Thù – Chương 4

Ngày 18 tháng Năm, khoảng 12 giờ trưa, tại hiện trường vụ cướp hội quán Tiêu Tương.

Mười phút, Na Lan không đến, giết một người.

Ba phút đã nhanh chóng trôi qua, Ba Du sinh lại gọi điện cho Na Lan và Đào Tử. Máy Na Lan không ai nghe, Đào Tử vừa ra ngoài ăn cơm, giờ đã về đến ký túc xá, vẫn chưa tìm thấy bất cứ manh mối nào trên bàn học của Na Lan cho biết vị trí hiện nay của cô.

Lại một phút nữa trôi qua.

Di động của Ba Du Sinh đổ chuông. “Hảo Tấn Bằng đây! Vừa nãy tôi và anh nói chuyện.” Giọng anh giảng viên, anh nhấc máy ở phòng làm việc của Na Lan.

“Thế nào rồi?” Ba Du Sinh hỏi.

Giọng Hảo Tấn Bằng có vẻ bức xúc, “Lúc trước điện thoại với anh, tôi hoàn toàn không biết tình hình cấp thiết. Tôi không biết vụ án đang xảy ra ở Dư Trinh Lý. Vừa thấy có người tung ảnh lên WeChat nên mới liên tưởng đến…”

Ba Du Sinh hít sâu một hơi, “Anh nói đi?”

“Thật ra tôi không biết Na Lan hiện đang ở đâu, nhưng lúc tôi tạt vào phòng làm việc thì vô tình nghe thấy cô ấy gọi điện thoại cho ai đó, có nhắc đến hiệu ăn mới mở ở lầu Ba Khắc thì phải…”

Ba Du Sinh thấy trán mình bắt đầu lấm tấm mồ hôi: hiệu ăn lầu Ba Khắc! Lẽ nào lại có chuyện ngẫu nhiên kiểu này? Anh biết khu vực lầu Ba Khắc không chỉ có một vài quán ăn, nhưng kết hợp với vụ cướp đang xảy ra ở hội quán Tiêu Tương, anh không thể không liên tưởng…

Hảo Tấn Bằng ngập ngừng, chắc là vì muốn nghe phản ứng của Ba Du Sinh, nhưng không thấy gì, anh đành nói tiếp, “Trước đó, hình như cô ấy nói một câu ‘nghe tên, có vẻ như chuyên món ăn Hồ Nam’…”

Hồ Nam, Tương, Tiêu Tương. Ba Du Sinh nói, “Rất cảm ơn anh đã hợp tác, thông tin anh cho biết là rất quan trọng.”

Năm phút đã trôi qua.

Ba Du Sinh hỏi Khương Minh phụ trách sơ tán, “Khách ở hai lầu phía Đông, Tây hội quán thì sao?”


Khương Minh xoay người trỏ về phía đầu đường đi vào Dư Trinh Lý, “Tạm thời để họ chờ trong vùng cảnh giới trên đường Giang Hưng Trung, có thể có một vài người đã tản đi nhưng đa số vẫn đứng đó.” Lúc đến nơi Ba Du Sinh đã nhìn thấy đám đông trong vùng cảnh giới, nhưng không nhìn thấy Na Lan, cũng biết nếu cô ấy có trong số được sơ tán, với sự nhạy cảm cố hữu, chác chắn cô sẽ quan tâm đến diễn biến tình hình và không thể không trả lời điện thoại.

Thế rồi anh có một phán đoán, phán đoán khiến anh nhói tim.

Anh gọi Vương Chí Huân và Điền Lợi Mẫn đến. “Tôi vừa nhận được một tin, rất có thể Na Lan đang ở trong lầu chính của hội quán.”

Mười giây trầm mặc, quá đủ để biểu lộ sự kinh ngạc của mọi người.

Lúc này, nữ cảnh sát phụ trách định vị di động của Na Lan mặt đỏ phừng phừng chạy lại báo cáo Ba Du Sinh: di động của Na Lan không phát tín hiệu GPS, có lẽ máy cô không có GPS hoặc đã tắt nguồn hoàn toàn. Tắt máy như bình thường, thì tín hiệu GPS vẫn phát, tắt nguồn hoàn toàn tức là tháo hẳn pin ra hoặc máy bị va đập, bị vỡ, hỏng mất phần GPS thì máy mới mất tín hiệu GPS.

“Cho nên tôi đành lần lại tuyến đi trước đó theo GPS của máy cô ấy.” Nữ cảnh sát cố nén phấn khích. “Tôi hoàn toàn không ngờ…” Cô chỉ vào tòa lầu chính trước mặt. “Trước khi tắt nguồn hoàn toàn, thì máy ở ngay trong tòa lầu kia!”

Ba Du Sinh, “Đã bao lâu rồi?”

“Mười lăm hai mươi phút.”

Ba Du Sinh nhẩm tính, tức là gần thời điểm băng cướp gửi tin nhắn.

Điền Lợi Mẫn nói, “Có lẽ cô ấy vẫn chưa phải là con tin, cho nên bọn cướp mới đòi chúng ta cho gặp.”

Khương Minh hỏi, “Ý cô là, cô ấy tuy đang ở trong lầu nhưng đã nấp kín? Nếu thế thì chúng ta càng không thể cho chúng biết Na Lan đang ở đâu.”

“Dù chúng ta tìm Na Lan ở bên ngoài, thì cũng chỉ là để cô ấy đứng ra thương lượng kia mà?” Vương Chí Huân thắc mắc.

Điền Lợi Mẫn nói, “Không hẳn là thế. Có nhiều cuộc thương lượng chỉ cần thực hiện qua di động, gọi loa, thậm chí nhắn tin, để giải quyết.”

Vừa nói đến nhắn tin, thì máy di động chuyên dùng đã có tin nhắn mới: Còn hai phút nữa.


Trong mấy phút vừa rồi, các kỹ thuật viên đã tra ra: bọn cướp dùng di động của Lương Tiểu Đồng để nhắn tin cho cảnh sát. Lương Tiểu Đồng là một trong những cổ đông của hội quán Tiêu Tương, rất có thể cũng đang là con tin. Bọn cướp sẽ cướp di động hoặc ép Lương Tiểu Đồng tự tay nhắn tin. Cũng có khả năng Lương Tiểu Đồng là kẻ cướp, nhưng tại sao anh ta phải cướp hội quán của chính mình? Khả năng này gần như bằng không. Ngoài ra cũng đã tra được số điện thoại báo công an: phát ra từ ngay lầu chính của hội quán.

Thời gian vẫn từng giây trôi đi, các cán bộ phụ trách đều vô kế khả thi, nhấp nhổm như ngồi trên chảo nóng. Ba Du Sinh bỗng nói, “Trả lời chúng: bảo chúng truyền ảnh của toàn bộ con tin là nữ đang ở trong đó ra, và hứa rằng một hai phút nữa Na Lan sẽ đến.”

Điền Lợi Mẫn thoăn thoắt bấm phím, nhắn tin trả lời. Bọn cướp cũng hồi âm rất nhanh: Không phải lúc các người ra điều kiện.

Khương Minh làu bàu nguyền rủa. Vương Chí Huân nói, “Anh Sinh…” Cả Sở Công an chỉ có một số ít đồng nghiệp là “chiến hữu kỳ cựu” gọi Ba Du Sinh một cách thân mật là “anh Sinh”, Vương Chí Huân gọi thế, nhằm thể hiện tình cảm và sự cổ vũ anh hãy quyết đoán, nhưng anh chầm chậm xua tay, tay kia day day thái dương. Anh đang nghĩ đến một quyết định gian nan.

Máy di động chuyên dùng lại đổ chuông tình tang: Còn một phút nữa.

Khoảng hai mươi lăm phút trước khi xảy ra vụ án. Tại lầu chính của hội quán Tiêu Tương.

“Đoàng!” Một tiếng nổ vang, gây chấn động cả khu lầu Ba Khắc.

Na Lan bỗng mở to mắt. “Tiếng súng!”

Yết hầu gồ to của Quách Tử Phóng khẽ động đậy, anh mỉm cười không mấy tự tin, “Tiếng súng? Chắc không đến nỗi giật gân như thế đâu. Nên nhớ hôm nay là ngày khai trương hội quán, chắc là tiếng páào chào mừng khai trương.”

“Đốt pháo mừng sao chỉ nổ một tiếng?” Na Lan nhìn ra ngoài cửa sổ.

Như để xóa tan mối nghi ngờ của cô, “tạch, tạch, tạch…” một loạt tiếng pháo rền vang, âm thanh tan xác pháo nghe thật vui tai. Quách Tử Phóng liền nâng cốc, nhưng anh nhận ra Na Lan cau mày rõ chặt. Cứ thế ngồi im một lúc, cô bỗng đứng dậy nói, “Tiếng nổ lúc nãy đúng là tiếng súng!”

Quách Tử Phóng biết rất rõ tuổi xuân đầy biến động của Na Lan qua các vụ án, và cũng nghe một số tin đồn nữa, ví dụ về đời sống tình cảm mơ hồ, thực thực hư hư, về kho báu dưới đáy hồ đã tìm thấy nhưng lại mất tích, về việc cô đã từng điều trị thần kinh không chính thức. Anh đoán rằng sau mấy lần cận kề cái chết, Na Lan khó tránh khỏi trở nên nhạy cảm, bèn an ủi, “Nghe một âm thanh riêng rẽ, tất nhiên khác với nghe một chuỗi âm thanh…”

Na Lan đã bước ra đến cửa phòng đang khép hờ, cô không giải thích gì thêm, chỉ nói, “Tôi từng nghe thấy tiếng súng, va không chỉ một lần.” Rồi cô nghiêng đầu lắng nghe động tĩnh ở tầng dưới.

Quách Tử Phóng biết Na Lan từng tiếp xúc với tiếng súng qua mấy lần tham dự vào các vụ án, anh cũng biết Na Lan đã từng đến trường bắn để tập súng, nên anh càng khâm phục trực giác chính xác của Na Lan trong những phen trải nghiệm nguy hiểm.


Lẽ nào là tiếng súng thật?

Tiếng súng nghe thấy trong các vụ án kinh thiên động địa, tiếng súng nghe thấy ở trường bắn, tiếng súng nghe thấy hoặc không nghe thấy khi đeo chụp tai… có giống nhau không? Liệu có phải chỉ là tại thần kinh Na Lan quá nhạy cảm?

Anh cũng chăm chú lắng nghe. Ở tầng dưới có tiếng bước chân gấp gáp, bận rộn. Một số tiếng gắt tiếng quát nghe không rõ, và cả tiếng phụ nữ kêu thét lên.

“Có thể là có người đang cãi nhau đánh nhau.” Quách Tử Phóng biết, ở những trung tâm giải trí cao cấp cũng khó tránh khỏi xảy ra xung đột. “Chúng ta cứ uống đi!”

Na Lan nói, “Tầng hai, các ông chủ đang chiêu đãi khách, nhưng họ chỉ vừa mới bắt đầu, ít có khả năng đã uống say rồi đánh nhau.” Cô lại lắng nghe một lúc. “Hình như nghe thấy câu ‘tất cả, cấm nhúc nhích’…”

Quách Tử Phóng ngẩn người, “Chắc là có nhân viên bảo vệ trị an…” Nhưng rồi anh lại có cảm giác là không đúng. “Thế là có ý gì nhỉ?”

“Bọn cướp!”

Quách Tử Phóng lấy di động ra, “Tôi báo công an.” Tiếng súng, tiếng hét, và “cấm nhúc nhích”… Thực đáng ngờ, điều anh nghĩ đến trước hết là: tin nổi bật do phóng viên mục kích hiện trường đưa tin.

Tiếp đó anh nghe thấy nhiều tiếng bước chân chạy rầm rập lên tầng.

Na Lan đã khoác túi, đấy cánh cửa sổ độc nhất của gian phòng, “Mau chạy thôi!”

Quách Tử Phóng nhất định bắt Na Lan phải chui ra trước. Cả hai đều chưa đến lầu Ba Khắc bao giờ, chỉ biết đại khái về cấu trúc của nó nên cũng chỉ áng chừng đường đi lối lại, họ nghĩ cách chạy xuống tầng trệt rồi chạy vào đám đông ngoài phố là xong.

Bên dưới cửa sổ là một khung sắt sơn đỏ, áp tường, tựa như lan can, dài chừng một mét, rộng nửa mét, cao nửa mét, không thể coi là ban công hóng mát, chỉ có thể đặt ở đây một hai chậu hoa mẫu đơn. Na Lan cảm thấy may mắn vì hôm nay cô ăn mặc khá gọn gàng, lúc này quần bò sẽ tiện lợi hơn hẳn váy áo diêm dúa làm nổi bật các đường cong của cơ thể. Tay cô nắm lan can, thả người xuống. Hai chân đặt lên cái gờ nhô ra, đây là gờ phía trên cửa sổ tầng hai, chất liệu nhôm hoặc nhựa, có tác dụng trang trí, chắn nước mưa chứ không thể chịu nổi sức nặng của cơ thể người. Nhìn xuống phía dưới, thấy cửa sổ tầng hai cũng có cái khung kim loại như trên này. Cô lúng túng giẫm mạnh vào cái gờ, nó bật tung, cô bị rơi xuống dưới nhưng đã may mắn nắm đúng cái khung kim loại ở tầng hai.

Lại nhìn xuống dưới, thấy chỉ còn cách mặt đất vài mét, cô tụt dần xuống. Đế giày da lúc này cũng được việc hơn hẳn giày cao gót.

Quách Tử phóng cũng tụt xuống theo cách đó.

Lúc cả hai đứng thẳng lên mới nhận ra mình đang đứng ở nền giếng trời của lầu Ba Khắc, nói cách khác, cả hai vẫn đang ở trong tòa lầu.

Lúc này họ cũng nhận ra đứng trước mặt là một gã bịt mặt, mặc quần áo đen, và một họng súng đen ngòm chĩa vào họ. “Còng lại!” Thế rồi có tiếng lách cách, một gã bịt mặt nữa xuất hiện, tặng cho họ một bộ còng tay. Quách Tử Phóng giả vờ ngơ ngác, “Chỉ một bộ, thì đủ sao được?” Báng súng lập tức nện vào sống lưng anh, “Mỗi đứa một tay!”


Thế là tay trái Na Lan và tay phải Quách Tử Phóng được còng chung một còng.

“Lên gác!” Gã bịt mặt lia ngang nòng súng tự động đang cầm. Chỉ mấy từ ngắn ngủi, nên Na Lan chưa nhận ra gã nói giọng địa phương nào, cô nhìn kỹ khẩu súng nhưng cũng không nhớ ra ngay là loại súng gì, cô tự trách mình mấy lần cùng Ba Du Sinh đến trường bắn để học xạ kích nhưng vẫn chưa tìm hiểu kỹ.

Cả hai rất biết súng đạn vô tình chẳng nể nang ai, đành bước đi theo nòng súng ra hiệu. Họ đi vào một cửa lớn đang mở, bên trong lổng chổng soong nồi bát đĩa thìa đũa, quát hút khói vẫn đang chạy. Đây là nhà bếp. Các đầu bếp đang nấu dở dang cũng vội dời đi, có lẽ họ cũng như cô và Quách Tử Phóng, trước sức mạnh của họng súng, đành phải đi tới một nơi chưa rõ sinh tử ra sao, tuy nhiên họ cũng không quên tắt bếp.

Na Lan biết rằng hôm nay ngày lành tháng tốt, hội quán khai trương, đồng thời xảy ra vụ cướp.

“Cấm nhúc nhích!” Tiếng quát dường như từ tầng hai vọng xuống. Trên đại sảnh ở tầng hai đang mở tiệc, không rõ số lượng người, nhưng ít ra cũng phải huy động một hai người cho chắc ăn, và ít nhất là một khẩu súng, thì mới có thể khống chế nổi. Cũng cần một hoặc hai người nữa để khống chế cô gái ở quầy tiếp tân, cậu phục vụ bàn và đầu bếp. Chứng tỏ bọn cướp phải có ít nhất ba bốn tên.

Đi qua nhà bếp, thì đến một hành lang ngắn, sau đó là đầu cầu thang ở cuối tiền sảnh. Đằng xa là quầy tiếp tân trơ trọi, không thấy cô gái mặc áo nền trắng hoa xanh đâu, chắc hai cổ tay thon thả của cô cũng đã được còng sắt “bảo vệ” rồi. Cổng chính của lầu chính đóng chặt.

Cả hai đều nhớ cái mệnh lệnh “lên gác”, nên họ cũng bước lên cầu thang. Cửa đại sảnh đang mở, bên trong đã có mấy người đều ngồi xổm quay mặt vào tường, hai tay giơ lên, bất động. Nhìn kỹ, thấy rằng hai người ngồi cạnh nhau đều bị còng chung một còng. Cô gái tiếp tân và một thanh niên cao to mặc quần áo bảo vệ bị còng chung một còng, anh bảo vệ ngồi co ro, trên đầu gối phải có vết máu loang, chắc là người bị thương vì phát súng ban nãy. Một gã bịt mặt mặc đồ đen, tay cầm súng máy, khống chế toàn thể đám người ở đây.

Na Lan nghe thấy tên cướp đứng phía sau nói, “Sém chút nữa bọn chúng chạy mất!” Là giọng vùng nào nhỉ? Tiếng phổ thông rất chuẩn, nhưng “sém chút nữa” chứ không phải “suýt chút nữa”, tức là giọng miền Nam.

Một bàn tay đưa ra tước đoạt chiếc túi đeo vai của Na Lan, rồi lại thò vào túi áo Quách Tử Phóng tước đoạt chiếc di động và chùm chìa khóa của anh, sau đó ném lên mặt bàn đầy bát đĩa và đồ ăn còn ngồn ngộn. Na Lan nhìn thấy trên bàn có một đống di động, chìa khóa và ví tiền.

Tên cướp đứng ở đại sảnh nói, “Ngồi xuống như bọn họ. Biết điều thì được an toàn. Chớ tìm cách này nọ. Nhìn thằng ngu kia, sẽ biết hậu quả là gì.” Cũng nói tiếng phổ thông rất chuẩn nhưng có âm sắc miền Bắc.

Na Lan và Quách Tử Phóng cùng ngồi xuống. Tên miền Nam nói với tên miền Bắc, “Đại ca bắt đầu đào kho báu rồi chứ?”

Tên miền Bắc, “Đại ca bảo mày đến rồi thì sang đó giúp một tay.”

“Mày có kiểm soát nổi không?” Tên miền Nam hỏi.

“Tao, đương nhiên không thể.” Tên miền Bắc cười khẩy. “Nhưng khẩu súng này thì có thể. Tao vừa thử rồi, dùng rất ngon lành.”

Tiếng bước chân đi xa dần, tên miền Nam sang giúp “đại ca” đào kho báu.

Na Lan nhớ đến năm xưa cô cũng từng lập tổ săn báu vật, lặn xuống hồ Chiêu Dương tìm kho báu khổng lồ mà tể tướng Ba Nhan thời Nguyên để lại. Tuy đã lấy được kho báu nhưng lại bị con “chim sẻ” rình phía sau thừa cơ cướp đi mất.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.