Đọc truyện Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi – Chương 3
Trong một đời, người ta có thể phải chuyển nhà nhiều lần, nhưng Quỳnh tin rằng mỗi người đều có một “cõi đi về” riêng. Số 3 phố Đào Lý chính là “cõi đi về” của Quỳnh. Mặc dù đó không phải là nơi cô sinh ra, cũng chẳng phải là nơi cô đã sinh sống thời gian dài nhất, chỉ vì đó là nơi cô thường mơ về, mỗi khi đi xe. Quỳnh thường cảm thấy những đoạn kí ức – như mầm bệnh đã gieo xuống – cứ đến một đêm nào đó lại bắt đầu phát tác như căn bệnh phong thấp, chầm chậm len ra từ trong xương tuỷ.
Cô bé Quỳnh lần đầu tiên đến số 3 phố Đào Lý, chỉ cảm thấy nơi đó tựa như một lâu đài cổ tích. Từ nhỏ, cô bé đã rất say mê những thứ trong thế giới cổ tích, ví như lâu đài, ngọn đèn thần, câu thần chú v.v… Nhưng cô quên mất, lâu đài cũng là nơi xảy ra những câu chuyện rùng rợn, là chốn âm u với những tia sét kinh hoàng. Cô đang đến gần một thứ mê cung kì dị mà không biết.
Mẹ của Quỳnh – Mạn – đang đi phía trước. Bà mặc chiếc áo khoác ôm sát, gấu xoè màu cà phê, kẹp chiếc túi rất nhỏ bằng da mềm. Quỳnh kéo một hòm gỗ rất to đi theo sau. Trong hòm chất đầy đồ chơi bà nội mua cho hồi trước, những quần áo bà may và những chiếc áo gối bà thêu. Mạn không cho Quỳnh đem theo những thứ này, bảo rằng sang bên đó cái gì cũng sẵn. Nhưng Quỳnh nhìn những con búp bê gãy tay hoặc gãy chân, những chiếc áo mùa đông đã lòi cả bông ra ngoài, cô chẳng nỡ vứt đi một thứ nào. Mạn trừng mắt với Quỳnh, quát cô bé nhu nhược, mềm yếu. Mạn không mang theo một bộ quần áo nào trước đây. Trước lúc dọn nhà, Mạn chỉ ngồi trước bàn trang điểm, đánh cho mình một khuôn mặt hết sức hoàn hảo, xịt nc hoa từ cái bình nhỏ xíu – lần này xịt nhiều hơn hẳn. Mạn luôn cảnh cáo Quỳnh không được động đến những chiếc bình nhỏ đó, giá trị của chúng đủ cho họ ăn cơm cả tháng trời. Nhưng hôm nay, cô dường như đã xịt cả lọ nước hoa ấy lên người.
Quỳnh bận kéo chiếc hòm, không thể giương ô lên được. Cô đi dưới cơn mưa. Xuyên qua làn mưa mờ mờ, cô thấy Mạn đang giương chiếc ô Tây nho nhỏ màu trắng có diềm hoa, đôi guốc cao gót dẫm lách cách trên đường. Trông Mạn giống như một con chim công đang đi về khu rừng rậm tự do của mình, toàn thân toát lên một vẻ đài các. Lúc đó, bất cứ ai cũng có thể quên rằng Mạn là một người mẹ có con gái đã mười hai tuổi.
Họ tiếp tục đi dưới mưa. Quỳnh biết nhiều người đang nhìn cô với ánh mắt thương hại. Họ nghĩ rằng Quỳnh là cô hầu nhỏ của thiếu phụ xinh đẹp kia. Có lẽ cô đã làm chủ nhân nổi giận và bị trừng phạt phải chịu ướt mưa. Nhưng Quỳnh không để tâm điều đó. Bà nội dặn rằng phải hết sức nghe lời người phụ nữ này. Trước khi đủ khôn lớn và trưởng thành, cô ta ít nhất cũng là người có thể cho cháu một chốn nương thân. Về sau lớn lên rồi, Quỳnh phát hiện ra bà nội và mẹ mặc dù luôn luôn căm ghét và nguyền rủa nhau, nhưng giữa họ có không ít điểm tương đồng trong tính cách. Sự tính toán nhỏ nhoi và tật thù dai của phụ nữ đã thể hiện rất rõ rệt ở cả hai người. Nó tất nhiên sẽ được tiếp tục bởi chính con người cô.
Khi áo quần Quỳnh đã ướt sạch, họ vừa đến số 3 phố Đào Lý.
Phố Đào Lý không phải là nơi họ thường lui tới, khu vực này phần lớn là những ngôi biệt thự nhỏ có vườn hoa. Hai bên đường đều là những cánh cổng sắt sơn xanh, ra vào trong đó là những chiếc xe hơi sang trọng bóng loáng, ngồi trên xe là những phụ nữ xinh đẹp, tay ôm những con chó xù lông dài mượt. Quỳnh biết mẹ căm ghét bọn họ, nhưng lại thích sự thời thương phả ra từ người họ. Mỗi lần nhìn thấy những phụ nữ đó, Mạn lại nhìn họ với thái độ phức tạp. Một thái độ căm ghét chán ngán đối với họ, tựa như cô không muốn thấy họ thêm một lần nào, nhưng ánh mắt cô lại bám dính không rời – cô rất thích quần áo và đồ trang sức của họ. Lúc đó, Quỳnh chưa biết đến một ngày Mạn sẽ trở thành một trong số họ. Những quan sát tinh tế của cô trước đó không hề uổng phí. Mạn có được dánh vẻ một thiếu phụ đài các, sang trọng, đều nhờ những ánh mắt căm ghét mà cô đã bỏ ra dành cho họ.
Cổng nhà số 3 phố Đào Lý im lìm khép hờ. Mạn không nhấn chuông, đi thẳng vào trong sân với tư thế của một nữ chủ nhân. Xuyên qua giàn nho và những đám hoa tường vi, họ đến trước một ngôi nhà hai tầng. Ngôi nhà màu pho mát, tựa như một con cừu biếng ăn uể oải, lặng lẽ ngồi trong góc kín nhất của vườn hoa. Bây giờ Quỳnh mới biết những ngôi nhà ở phố Đào Lý đẹp đến vậy. Trước đây cô chỉ đi bên ngoài, chỉ thấy những cánh cổng có hoa văn và song sắt, những bông tường vi cao vượt lên trên bức tường, ló ra ngoài. Cả đến chúng dường như cũng có cái khí chất đài các phong lưu và trầm lặng.
Mạn bấm chuông cửa chính, cánh cửa mở ra. Quỳnh đi theo mẹ vào trong. Mạn nói với người đàn ông đứng sau cửa đang chăm chú nhìn họ rằng:
– Tôi dọn đến đây rồi!
Mùa thu, Mạn kết hôn với người đàn ông tên là Lục Dật Hán đó, trở thành nữ chủ nhân của nhà số 3 phố Đào Lý. Lục Dật Hán nhỏ hơn Mạn ba tuổi, là giám đốc một công ty bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, cũng là một nhà sưu tập có một gian trưng bày rất lộng lẫy. Trong nhà anh ta có rất nhiều tranh, chữ và đồ cổ quí giá, giống như một bảo tàng đầy ắp hiện vật. Lục Dật Hán cũng thích tự mình vẽ trnah và có một phòng vẽ rộng rãi. Tranh của anh ta đặt ở gian trưng bày của mình, nhưng chẳng bao giờ bán. Mạn cực kì ngưỡng mộ sự thanh nhàn của Dật Hán, chẳng ngày nào phải đến cơ quan, khi nào vui thì đến phòng trưng bày của mình lượn một vòng, gặp vài người bạn, nhưng tiền thì cứ thế chảy vào không ngừng nghỉ. Giao du với anh ta toàn những nhân vật danh tiếng của giới văn hoá. Những tiệc tùng triền miên càng làm cho Mạn nở này nở mặt.
Mạn và Dật Hán quen nhau cũng đã lâu. Bạn của Dật Hán làm ở đoàn ca múa nhạc, bản thân cũng thường đi xem biểu diễn ca kịch. Mạn biết Dật Hán có vợ đã chết từ nhiều năm trước, bên mình chẳng còn ai thân thích ngoài một đứa con trai chưa đầy mười tuổi. Mạn thích mẫu người đàn ông phong lưu. Còn Dật Hán là người đứng đắn, thận trọng. Biết Mạn đã có chồng nên mặc dù mến cô, Dật Hán chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi quá giới hạn. Cho đến lúc chồng qua đời, Mạn thấy Dật Hán là chỗ nương tựa lí tưởng nhất, cô bắt đầu chủ động tiếp cận anh. Cô làm cho anh thương cảm số phận trắc trở của mình, giờ lại mất việc ở đoàn ca múa nhạc, còn phải nuôi dưỡng một đứa con hơn mười tuổi, sự vất vả đó là quá lớn. Mạn đã trải qua với rất nhiều người đàn ông, hiểu đàn ông như lòng bàn tay. Quả nhiên, cô đã làm cho Dật hán phải thương xót.
Thoắt một cái, Quỳnh cũng trở thành một đứa bé sống trong khu phố Đào Lý. Trong nhà có xe hơi, có chó lớn, trước nhà có sân vườn rộng rãi, chỉ cần thắp sáng đèn là có thể tổ chức vũ hội lộng lẫy. Mỗi tuần lại có người làm vườn đến tỉa cây dọn cỏ, họ cũng tuân theo ý kiến của cô, trồng thêm ít dâu và trúc đào. Những ước mơ từ thuở đọc cổ tích bỗng dưng đều biến thành sự thật với cô. Cô bé Lọ Lem bỗng trở thành nàng công chúa nhỏ. Mọi người thường hỏi cô, vậy thì còn gì khiến cô không vui nữa kia chứ?