Thượng Tiên

Chương 1.1


Bạn đang đọc Thượng Tiên: Chương 1.1


Chương 1.1
Edit: Ichikazumi
“Nghe nói thần y Mạc Quy có một nữ đệ tử cực kỳ xinh đẹp, dung mạo phải gọi là quốc sắc thiên hương, chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn, tiên tư ngọc sắc, khuynh quốc khuynh thành.”
Hiếm gặp người nào dùng nhiều thành ngữ hình dung về sắc đẹp như vị nhân huynh này, có vẻ cũng là người có chút tài văn chương. Ta không khỏi thả chậm bước chân, muốn nghe thêm mấy câu sau.
“Cho nên ta mới nhân dịp Mạc thần y ra biển để đến đây xem bệnh. Huynh nói xem kẻ ngọc thụ lâm phong, phong lưu phóng khoáng, thanh niên tài tuấn như ta có thể khiến nàng vừa gặp đã yêu không?”
Ta do dự có nên quay đầu lại nhìn không.
“Này. Có khi nào là vị cô nương trước mặt kia không. Huynh nhìn tấm lưng nàng ấy kìa, yểu điệu thướt tha, gót nâng sen nở, phong tư lả lướt, quả như liễu tơ đỡ gió, hoa mềm theo nước.”
Chân ta run lên. Thôi, hay là đi nhanh chút thì hơn.
“Quả nhiên là tuyệt đại giai nhân, chỉ nhìn bóng lưng nàng mà ta đã cảm thấy ý loạn tình mê, thần hồn điên đảo.”
“Ta cũng vậy, chỉ ngắm vòng eo thon nhỏ của nàng ta đã thấy mình tim gan đập thình thịch, chân tay mềm nhũn rồi. Chu huynh, mau dìu ta.”

Có khi thính lực quá tốt cũng không phải là chuyện hay. Vì vậy, ta dừng bước, đứng dưới một tàng đào chờ hai vị sau lưng.
Gió xuân tháng ba thổi qua những đóa đào nở rộ. Khi gió lớn, những cánh đào nhẹ nhàng tung bay rơi trên vạt váy, như quyến luyến du dương với con bướm thêu trên váy.
“Chu huynh, ta chưa từng gặp nữ tử nào mặc váy đen lại xinh đẹp động lòng người đến nhường này, quả nhiên là thưởng thức hơn người.”
Ta cúi đầu nhìn… Thật ra là vừa rồi phải đi tưới nước ở vườn rau, ta cảm thấy váy đen chịu bẩn tương đối tốt, dính nước đọng bùn cũng không lộ rõ.
“Huynh nhìn kìa, hoa đào nở rộ, dáng nàng như ngọc, thật hợp với câu thơ nọ, Người đẹp hoa đào ửng đỏ lây (1)…”
Ta xoay người lại, cười: “Hai vị tới xem bệnh sao? Ta chính là nữ đệ tử của thần y Mạc Quy.”
“A…”
Hai người kinh hoàng biến sắc, trợn mắt há mồm, nghẹn họng nhìn ta trân trối.
“Không biết hai vị không thoải mái chỗ nào?”
“Không. Chúng ta không hề có bệnh, cáo, cáo từ.” Hai người lùi về phía sau, sải bước như bay.
“Đi thong thả, không tiễn.” Ta cười khẽ, giơ ngón tay hất mấy cánh hoa rơi trên ống áo, thản nhiên bước vào Hạnh Lâm uyển.
Sư phụ ta là Mạc Quy, người đời gọi người là thần y. Để giữ vững hình tượng thần bí khó dò, người ẩn cư ở Già La bên bờ Đông Hải. Đúng như hai vị huynh đài kia nói, người thật sự có hai nữ đệ tử, chính là ta và Mi Vũ.
Khi còn nhỏ, người thường nói với chúng ta: Ta có hai đồ đệ không lạc đâu được, giữa trán đều có ký hiệu.
Giữa trán Mi Vũ sinh ra đã có một nốt ruồi mỹ nhân đỏ tươi, xinh đẹp diễm lệ, linh động quyến rũ, như chút tương tư vương vấn lòng người.
Ta lại tương đối mạnh mẽ thô bạo, từ trán đến sống mũi có một mảng bớt đen rộng hiện rõ mồn một, trông như vết mực.
Vì vậy, Mi Vũ là một cô nương xinh đẹp, còn ta, đại khái cũng coi như ‘xinh đẹp’, Dạ Xoa.
Cho nên nhiều năm qua ta vẫn luôn thấy rất thẹn với Mi Vũ. Mỗi ngày nàng đều cho ta ngắm dung nhan nghiêng nước nghiêng thành, cảnh đẹp ý vui, mà ta lại bắt nàng phải nhìn một khuôn mặt Dạ Xoa chấn động lòng người.
Vị huynh đài xuất khẩu thành thơ và vị ngọc thụ lâm phong vừa rồi chắc là vì ngưỡng mộ danh tiếng mà có ý tới(2), chỉ tiếc vận số không tốt, lại gặp phải ta, đành tự mình tỉnh ngộ. Từ đó có thể thấy, truyền thuyết không phải đều không đáng tin, nhưng cũng không phải hoàn toàn đáng tin.

Trong Hạnh Lâm uyển đào lý tranh xuân, cảnh sắc đập vào mắt cực kỳ sinh động, bụi hoa đùa giỡn bông liễu, xá tử chẳng thua yên hồng, khắp vườn cảnh đẹp vô biên. Chỉ tiếc sư phụ không có ở đây, cảnh vườn cũng như vô hình sinh ra vài phần vắng vẻ ảm đạm, ngay cả Vượng Tài nằm dưới tàng đào cũng buồn bã ỉu xìu.
Vượng Tài là một con hồ ly, khi nhặt được nó chắc ta khoảng bảy tuổi.
Hôm đó ta ăn no quá, sự phụ đành dắt ta đi dạo cho tiêu bớt. Đi tới đi lui, chợt thấy trên bụi cỏ ven đường có một con hồ ly nhỏ nằm trên người một con hồ ly già gào khóc. Ta hỏi sư phụ xảy ra chuyện gì vậy, người nói, con hồ ly già kia chết rồi.
Đó là lần đầu tiên ta chân thực cảm nhận được sự sống cái chết, lập tức ôm chân sư phụ khóc òa.
Sư phụ ngồi xuống vỗ về ta: “Vạn vật đều có tuổi thọ tuần hoàn lặp đi lặp lại, giống như hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết, không có gì đáng sợ.”
Ta ôm cổ sự phụ, càng khóc to hơn, “Sư phụ, người không hiểu.”
Sư phụ không nhịn được bật cười: “Ta không hiểu?”
Ta nặng nề “Dạ” một tiếng, đau lòng gần chết: “Sư phụ chính là hồ ly già, con chính là hồ ly nhỏ. Nếu sư phụ chết rồi, ai nấu cơm cho con? Ai may đồ cho con? Ai cho con bạc xài?”
Ta khóc nổ cả mắt, lúc này mới phát hiện ra sư phụ thật sự rất quan trọng. Người không chỉ có bề ngoài đẹp đẽ mà còn có rất nhiều tác dụng, tuyệt đối không thể chết.
‘Hồ ly già’ cười: “Linh Lung, ta sẽ không chết.”
Mắt ta ngưng lệ: “Tại sao ạ?”
Người nghiêm túc nói: “Ta đã uống thuốc trường sinh bất lão.”

Ta cười rộ lên: “Vậy tốt quá”. Một lát sau ta lại cảm thấy không đúng, lau nước mũi lên ngực người, tha thiết chờ mong hỏi: “Sư phụ, vậy còn con?”.
Sư phụ cười hì hì: “Con đương nhiên chưa.”
Ta òa một tiếng, lại khóc càng to hơn, ra bộ như núi tuyết lở sạt, biển cạn đá mòn cũng không chịu bỏ qua.
Sư phụ véo mũi ta cười nói: “Trong ‘Thập Châu ký’ viết, đất Tổ Châu có sinh trưởng loài cỏ linh chi dưỡng thần. Người chết chưa đến ba ngày ăn cỏ có thể sống lại, dùng cỏ cũng có thể trường sinh. Chờ con lớn rồi, sư phụ đi thuyền dẫn con ra biển hái cỏ linh chi dưỡng thần cho con ăn.”
Đối với lời của sư phụ, ta tin tưởng không chút nghi ngờ, ngừng khóc ngay. Từ đó, quyển ‘Thập Châu ký’ kia bị ta lật nát bét.
Thân là một người bình thường, ai cũng có lòng sợ chết cả.
.
Chú thích:
(1) Hán việt là Nhân diện đào hoa tương ánh hồng: Người đẹp hoa đào ửng đỏ lây (Trích Thơ đề ở ấp phía nam đô thành – Người dịch: Hoàng Giáp Tôn.)
(2) Nguyên văn là “Túy ông chi ý bất tại tửu” tức “ý của Túy Ông không phải ở rượu”, nghĩa bóng là ý không ở trong lời, có dụng ý khác.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.