Thương Nhau Để Đó

Chương 6: Bớt Hòai Nghi Sẽ Bé Lại


Bạn đang đọc Thương Nhau Để Đó – Chương 6: Bớt Hòai Nghi Sẽ Bé Lại


Triều đại hoài nghi.
Từ bao giờ ấy nhỉ, chúng ta nghĩ rằng ông già tuyết không có thật, có phải từ khi chúng ta đủ lớn để dẹp bỏ bớt những mơ mộng bé con. Hay vì chúng ta đang sống trong triều đại hoài nghi nên dần dà cũng tiêm nhiễm thói nghi ngờ vớ vẩn.
Ký ức bé thơ.
Ngày xưa, tôi tin ông già tuyết vào nhà qua cửa sổ vì tôi sống ở vùng nhiệt đới, nhà tôi không có ống khói thông xuống lò sưởi nên đêm Giáng sinh nào tôi cũng đứng chờ thật lâu ngoài cửa sổ, cho đến khi mẹ bảo: “Chỉ khi con ngủ đi thì ông già tuyết mới đến.” Lúc ấy, tôi mới tiếc nuối chui vào chăn. Chẳng cần ai phải nói tôi cũng có thể tưởng tượng ra hình ảnh một ông già với chòm râu bạc phơ mặc một bộ quần áo màu đỏ, tay xách túi quà thật to, ông sẽ đến vào mỗi dịp cuối năm để phát quà cho những đứa trẻ ngoan rồi lặng lẽ cưỡi con tuần lộc, phóng vút đi.
Ai trong chúng ta ai mà chẳng lớn lên với một niềm tin sắt son rất trẻ con rằng: Ông già tuyết là có thật.

Tôi đã thấy ông già tuyết.
Đúng đấy, tôi đã thấy ông già tuyết vào năm tôi mười hai tuổi. Đêm Giáng sinh, tôi trở mình mãi không ngủ được vì tôi muốn được thấy tận mắt ông già tuyết, thế là tôi trùm chăn nằm im trên giường, chờ đợi, tôi không dám thở mạnh vì sợ ông già tuyết biết tôi còn thức sẽ không đến nữa. Tôi đã chờ đợi rất lâu, rồi đến nửa đêm, có một người đàn ông to cao, mập mạp đến bên giường tôi và đặt hộp quà cạnh giường như mọi khi rồi lặng lẽ rời đi. Tôi còn nhớ như in tôi đã lảm nhảm hơn chục lần: “Ba là ông già tuyết ư? Sao ba lại là ông già tuyết?”
Tôi hoài nghi.
Có lẽ từ dạo ấy, hình ảnh ông già với bộ đồ màu đỏ nhạt dần trong suy nghĩ của tôi, vì tôi không còn háo hức chờ đợi khi phát hiện ra ông già tuyết chnh là người đàn ông cao to, mập mạp nhưng cởi trần và hay ngái ngủ.
Một năm trôi qua, tôi làm rất nhiều chuyện tốt và nhiều chuyện không tốt, tôi không cố gắng hết mình để trở thành một đứa trẻ ngoan nữa, đâu đó trong tâm hồn tôi bỗng dưng một phần tuổi thơ bị đánh cắp. Lúc ấy, tôi đã phải tự sắp xếp lại rất nhiều những viễn tưởng non nớt của mình, tôi đã vứt bỏ những ước mơ ngông cuồng vào một xó.
Rồi tôi lớn lên.

Bức thư bất ngờ.
Khi đã trưởng thành, Giáng sinh là dịp tôi đi chơi, tiệc tùng với đám bạn hay đơn giản chỉ là ra đường nhìn thành phố rực ánh đèn, ông già tuyết trong suy nghĩ của tôi giờ đây chỉ là một biểu tượng của Giáng sinh, là hình mà người ta vẫn hay trang trí. Cho đến Giáng sinh năm ngoái, tôi nhận được bức thư từ ông già tuyết:
Chào con, đã hai mươi năm rồi nhỉ, thời gian trôi thật nhanh, giờ Giáng sinh đến lại chẳng biết phải tặng gì cho con. Ba đã biết con nhận ra ba là ông già tuyết từ rất lâu rồi nhưng ba vẫn đều đặn đặt quà cạnh giường con mỗi năm vì ba không muốn rằng khi con lớn lên, cuộc đời xô đẩy, một nhịp sống với bao hoài nghi sẽ vô tâm cướp mất giấc mơ thơ bé của con. Dù gì trong tim con, hình ảnh về một ông già tuyết luôn mang quà cho những đứa trẻ ngoan mỗi năm sẽ còn mãi, để con luôn có gắng từ những việc nhỏ nhặt nhất, và còn là vì ba luôn mong con là đứa con gái bé nhỏ như năm nào. Vì thế, việc ba đặt một món quà cạnh giường con đã là một thói quen cũng như để tận hưởng thứ hạnh phúc vô tận vào mỗi Giáng sinh của ba.
Ký tên
Ông già tuyết bị lộ tẩy
Bớt hoài nghi sẽ bé lại.
Và sau bức thư ấy, tôi biết mình chỉ như một đứa trẻ lên năm, ba đã giữ lại nguyên vẹn giấc mơ thơ bé cho tôi dù ông già tuyết có tồn tại hay không. Nếu bớt hoài nghi tôi sẽ có được hạnh phúc tràn đầy như bao đứa trẻ khác nhân dịp Giáng sinh.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.