Đọc truyện Thương Mấy Cũng Là Người Dưng – Chương 5: Đôi lúc phải cảm ơn những lặng thinh
Có khi chờ hoài vẫn không thấy câu trả lời từ ai-đó, nghĩa là lúc đó, bạn đã tự có câu trả lời cho chính mình. Bởi thật ra câu trả lời thẳng thắng và thật thà nhất, lại chính là sự im bặt.
Đôi lúc phải cảm ơn những lặng thinh giữa đôi mình.
Nhờ lặng thinh, mà bạn biết lòng người ta đã cạn tình. Nhờ lặng thinh, mà bạn biết lòng mình đã có sự xác tín cho những nghi hoặc đinh ninh. Nhờ lặng thinh, mà bạn biết điều duy nhất còn lại mà chúng ta có thể làm, là lẳng lặng rời tay một người không còn thuộc-về-mình.
Có những lặng im đơn giản là… im lặng. Nhưng có những lặng im lại nói thay hơn cả vạn lời hiệu triệu tỉnh ngộ. Bởi từ sau đó, bạn hiểu rằng mình có thức trắng bao đêm chờ tin nhắn thì người ta cũng đã khép giấc ngủ êm bên yêu thương khác chẳng đoái hoài điện thoại có rung lên. Bởi từ sau đó, bạn nhận ra mình có tốn thêm bao nhiêu giọt nước mắt cũng chẳng sánh bằng một nụ cười của người mới bên cạnh đủ làm xao nhãng mọi vướng víu cũ xưa. Bởi từ sau đó, đơn giản là giữa chúng ta chẳng còn sau đó nữa.
Tôi quen Kính Cận khi sang Melborne. Đó là một cậu em thừa thông minh và dư dả sự hóm hỉnh. Ngay từ khi cậu để ý cô bạn Kẹp Nơ trong chuyến giao lưu du học sinh Việt Nam tại thành phố của những chuyến xe tram này.
Cuộc trò chuyện giữa hai đứa nhóc này luôn khiến tôi bật cười.
– Kính: Đố cậu, con gì cắn đau nhất?
– Nơ: Con chó.
– Kính: Làm gì có!
– Nơ: Con rắn.
– Kính: Không phải!
– Nơ: Con cọp.
– Kính: Càng trớt quớt!
– Nơ: Thôi thua, khó quá bỏ qua!
– Kính: Là con người. Muốn thử không? (Nói xong cu cậu nhe răng cười nham nhở.)
Đến khi Kẹp Nơ phải chuyển sang Sydney để tiếp tục hoàn thành bậc cao đẳng, Kính Cận mới biết mình tương tư. Và cậu ta bắt đầu kế hoạch tán tỉnh.
Suốt một thời gian dài, ngày nào tôi cũng thấy Kính Cận gọi điện về Việt Nam. Tôi thắc mắc mãi mới biết, sự vụ có liên quan đến Kẹp Nơ.
Cô bé có một sim điện thoại Việt Nam trùng với ngày sinh nhật, nhưng khi sang nước ngoài du học quá lâu đã bị người khác mua lại. Kính Cận điều tra mới biết ra số điện thoại ấy hiện đang thuộc về một “bà cô già khó tính” đang sống ở Nha Trang và kiên quyết không chịu nhượng lại với bất cứ giá nào. Chàng ta lục tung các mối quan hệ từ thời đi học để nhờ một cậu bạn cũ đang sống tại thành phố biển giúp mình “tống tiền”, à không, “tống sim”. Cứ mỗi sáng, cậu bạn kia sẽ giúp Kính Cận khóa chốt cửa ngoài của căn hộ độc thân nơi “nạn nhân” ở. Và trong tình cảnh suốt một tuần liền bị giam lỏng ngay giờ cao điểm sáng sớm đi làm, bà cô kia đã đầu hàng khi Kính Cận gọi điện thoại thương lượng: “Giờ có bán lại sim điện thoại khi không?”.
Dĩ nhiên, một cái sim điện thoại đổi lấy nụ cười của mỹ nhân ở tận Sydney là một chuyện cũng khá lãng mạn. Nhất là trong thời đại thiên hạ đang bị làm phiền suốt ngày bởi bè lũ bán sim khuyến mãi.
Tết Nguyên đán gần kề. Kính Cận đang ở sân bay Melborne để chuẩn bị đáp chuyến về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Cậu gọi điện thoại cho Kẹp Nơ để tạm chào nhau vài tuần. Cô nàng bắt máy với giọng khều khào cảm cúm. Nói chưa đầy ba câu, Kính Cận tắt máy, hủy chuyến về Việt Nam, mua ngay vé chuyến bay sát giờ để sang thẳng Sydney.
Mùa xuân năm ấy, có đôi trẻ yêu nhau cùng đón Tết cổ truyền xa xứ. Vậy mà lòng ấm đầy viên mãn.
Bẵng đi vài năm, tôi trở lại Melborne, hỏi thăm Kính Cận về chuyện tình cảm với Kẹp Nơ, chỉ nhận được một câu gọn lỏn: “Em bỏ cuộc rồi!”.
– Vì sao?
– Vì một chữ “seen”.
Tôi nhớ ra một hồi mới hiểu, là tín hiệu “đã đọc” trong hộp tin nhắn của phần hội thoại trên facebook.
Kính Cận bảo, có những mối quan hệ khi đối thoại trở thành đối đầu, khi chia sẻ trở thành chịu đựng, khi một câu chữ nói với nhau cũng trở thành gánh nặng. thì mình còn làm được gì khác hơn, ngoài cam tâm bỏ cuộc?
Suốt chặng đường ngồi trên xe tram chạy lách ca lách cách về khách sạn, tôi cứ nghĩ hoài về chữ “seen” khiến Kính Cận quyết định kết thúc mối tình này. Cậu em tôi chắc chắn không phải xốc nổi. càng không hề trẻ con, và những gì Kính làm cho Nơ đủ thấy hai đứa từng yêu nhau thật lòng. Thậm chí, khi cả gia đình Kính Cận kiên quyết phản đối cô con dâu tương lai vì “bỏ bùa mê thuốc lú khiến con trai không về nhà ăn Tết” thì cậu chàng vẫn khăng khăng nghe theo trái tim mình.
Vậy mà, hai đứa bỏ nhau, chỉ vì một chữ “seen” và sự im lặng giữa những dòng tin như thế thôi sao?
Hay bởi thật ra, khi thanh âm đã bất lực như lời, thì thinh lặng trở thành câu trả lời rõ ràng cho tất cả. Rằng, chúng ta đã không còn muốn nói cho nhau nghe và không còn muốn nghe nhau nói nữa rồi.
Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, mười đứa trẻ y như một, đều sẽ có cùng một thắc mắc khi xem phim hoạt hình hoặc nghe kể chuyện cổ. Đó là cứ liên tục hỏi, “Công chúa có tỉnh dậy không?”, “Hoàng tử sẽ không bị quái vật ăn thịt chứ?”, “Chừng nào họ gặp lại nhau?”. Hỏi đi hỏi lại cũng chỉ để nhận được chữ “Ừ” xác tín từ người lớn mới chịu yên tâm nghe tiếp câu chuyện.
Và rồi bọn trẻ lớn lên. Trưởng thành dạy cho chúng bài học rằng có những câu hỏi không nhất thiết phải biết câu trả lời. Và nếu cứ cố chấp như tuổi nhỏ hỏi đi hỏi lại thì cái mà chúng nhận được, đôi khi, sẽ chỉ là sự đau lòng, chứ không phải một chữ “Ừ” cho vừa lòng như trước.
Là vậy đó. Cả Kính Cận và Kẹp Nơ. Cả bạn lẫn tôi. Đều chỉ là đang-trưởng-thành. Và trưởng thành, có nghĩa là tự biết dỗ dành chính mình, rằng sẽ ổn cả thôi, bởi không phải sự thật nào cũng là điều mà chúng ta cần biết và nên biết, không phải sự lặng im nào cũng phải đi xác tín bằng câu trả lời. Cũng như có những việc không phải cứ Đợi là sẽ Được, cứ nhân nhượng là sẽ qua nhanh, và có những người không phải cứ Thương là sẽ Thật Thà và đong đủ Thiết Tha với mình.
Nên là, nếu đã thấy giữa chúng ta là những khoảng cách mà không một ngôn từ nào có thể khỏa lấp và nối gần được nữa, thì hãy cảm ơn những lặng thinh.
Đừng nói nữa. Đừng biết nữa. Chẳng để làm gì.
It”s alright to not know all the answers.