Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 261: Hồi hai mươi tư (6)


Đọc truyện Thuận Thiên Kiếm – Rồng Không Đuôi – Chương 261: Hồi hai mươi tư (6)

Lê Lợi thấy ông thầy tướng số kì lạ lại hóa ra một thiếu niên cũng chạc cỡ tuổi mình thì không khỏi lấy làm bất ngờ. Chàng cũng biết tính tình y cổ quái, hành sự khác thường, nhưng ắt hẳn là cũng có lòng đánh quân Minh cứu nước, bèn đáp:

“ Cầu cũng không được! ”

Nguyễn Trãi bèn ngồi xuống phản, tự rót một chén, lại ném bầu rượu sang cho Lê Lợi. Chàng cũng tự rót một chén, đoạn ngửa cổ uống cạn.

“ Chúa Lam Sơn ngài lần đầu nắm quyền lớn, cảm giác ra làm sao? ”

Nguyễn Trãi chợt lên tiếng, ánh mắt bên dưới vành nón ngưng thần tập trung quan sát từng biểu cảm trên mặt Lê Lợi.

Chàng bèn thở dài, đáp:

“ Ngài là bậc cao nhân chắc cũng thấy rồi. Luận văn Lê Lợi ta tuy là biết chút đỉnh chữ nghĩa, nhưng chuyện kinh tế (*) thì không thể gọi là năng thần. Luận võ ta tuy biết chút võ mèo cào, uy dũng không thể xứng làm thần tướng. Nhưng người dưới trướng đều là lương đống nhân tài, võ sánh với Phùng Hưng, văn chẳng thua Tiền Ẩn (*). Người làm chủ công như ta thẹn chẳng bằng với họ. ”

( kinh tế ở đây là kinh bang tế thế, kinh thế tế dân. Tiền Ẩn là tên hiệu của Chu Văn An)

Nguyễn Trãi bèn cười mà rằng:

“ Nếu như chúa Lam Sơn võ thắng Đinh Lễ, văn hơn Văn Linh, thì hà cớ gì cần phải có bọn họ phò tá nữa? Nói ngược lại cũng vậy. Nếu họ có thể lấy văn, lấy võ mà bình thiên hạ thì đâu cần theo phò tá cho ngài? ”

“ Lời của cao nhân cao thâm khó dò, Lê Lợi nhất thời chưa hiểu được. ”

Nói đến đây thì đứng lên, hơi khom người thi lễ, hàm ý xin chỉ điểm.

Nguyễn Trãi mới nói tiếp:


“ Kì thực chẳng ngoài một chữ “ nhân ”. Cây cỏ vô tri còn biết hướng đến vầng dương, huống chi là trăm họ mắt sáng như đèn? Luận văn thao võ lược, ngài không bằng bọn Đinh Lễ Văn Linh, nhưng thắng ở chữ “ nhân ” ở cái tâm là vậy. “ Nhân ” của ngài là mái chèo, “ nhân ” của trăm họ là dòng nước, còn Lam Sơn là con thuyền. Nước dâng được thuyền thì nhấn được thuyền, thuyền lật úp hay băng băng vượt gió lại phải xem người cầm lái. Cái chuyện dùng người, trị quốc an dân, kì thực không thoát một chữ “ nhân ”. ”

“ Ý của tiên sinh là? ”

Lê Lợi đã mơ hồ nhận thấy được điều gì, thế nhưng còn chưa thể phá được lằn ranh mỏng sau cùng, chung quy vẫn còn thiếu một chút.

Nguyễn Trãi bèn nói:

“ Hồ Nguyên Trừng tài hoa xuất chúng, Giản Định đế tráng chí hào hùng, Trùng Quang đế anh minh thần võ… đáng tiếc muốn xứng làm đấng minh quân thiên cổ thì còn thiếu một thứ. Trước đây ngài cũng chưa có, nhưng hiện tại xem ra đã có rồi. ”

Lê Lợi im lặng, tiếp tục chờ.

Rốt cuộc “ thứ ” mà Nguyễn Trãi nói là thứ gì mà đến bản thân chàng cũng không biết??

Nguyễn Trãi tự rót một chén, dốc cạn, lại nói:

“ Là ánh sáng. ”

“ Ánh sáng? ”

Nguyễn Trãi càng nói càng khó hiểu, càng nói càng bí ẩn.

Lê Lợi nhìn lên nhìn xuống, tự thấy bản thân làm gì có thứ hào quang mà y nhắc, không khỏi ngẩn ra.

Nguyễn Trãi bèn tiếp:


“ Kì thực thứ ánh sáng mà ngài có không có ở trên thân ngài, mà nằm ở thiên hạ! Thế cục bây giờ nước sôi lửa bỏng, trăm họ lầm than, giặc cướp hoành hành, bọn tiểu nhân mọc lên như nấm, bậc anh hùng tựa lá mùa thu. Quả chẳng khác nào đêm dài vô tận. Ba người kia có hùng tài đại lược, cũng chỉ thấy rặt là bóng đêm. Còn ngài… ngài thấy được ánh sáng. ”

Lê Lợi gãi gáy, nói:

“ Tiên sinh đề cao ta quá rồi. Lê Lợi tự thấy bản thân không có hùng tài đài lược, cũng không có hùng tâm tráng chí như ba vị anh hùng tiên sinh vừa nói. ”

Nguyễn Trãi bèn cười, bỗng nhiên lại hỏi:

“ Thế để ta đổi phương pháp một chút. Xin hỏi ngài một câu, ngài vì sao mà lộng gươm múa kiếm? Vì thiên cổ bá nghiệp, hay vì thiên hạ thương sinh? ”

Lê Lợi nghĩ một chốc.

Đúng. Chàng là vì cái gì mà hương lửa đương nồng đã chuẩn bị dứt áo ra đi?

Vì bá nghiệp thiên thu ư?

Hay vì trăm ngàn bá tánh?

Lê Lợi tự hỏi, lại cũng tự thấy sức mình có hạn, sao có thể dùng lực một người mà cứu được muôn dân kia chứ?

Thành thử, mới lên tiếng rằng:

“ Kì thực Lê Lợi tự nhận mình không có tráng chí hào hùng như tiên sinh nói. Chẳng qua nếu Lê Lợi cầm gươm ra trận thì số người được bình an vui vẻ sẽ nhiều hơn một chút so với chuyện bình chân như vại mà thôi. ”


Nguyễn Trãi nghe đến đây, như đã đoán trước được đáp án của chàng, bèn cười vang:

“ Đó, chẳng phải ngài có thứ đó rồi đấy à? Thứ ánh sáng ngài mà tôi bảo ngài nhìn thấy được đấy, là “ phúc ” của bá tánh. Ba người kia tuy có muôn vạn hùng binh, thành cao hào rộng, nhân tài lương đống, nhưng lại không thấy được cái “ phúc ” này. Họ cầm gươm là để chém tan bóng tối, ngài cầm gươm là để bảo vệ cái mầm sáng!

Gươm của ngài có sắc bằng trời, cũng chém không được bóng đêm. ”

“ Tức là… thực chất muôn dân vốn đã chẳng cần ai bảo vệ. Cái họ cần chỉ là điểm sáng mà tiên sinh nói? ”

“ Chính thị. Dưới gầm trời thực chất chẳng có thứ gì địch nổi lòng dân. Ngài thử nói xem. Lấy sức người có hạn, đi bảo vệ thứ vô địch, có dở hơi hay không? Lòng người li tán thì có là nước lớn cương thổ muôn vạn dặm như đất Tần cũng phải chia năm xẻ bảy. Lòng người hội hợp thì một dúm đất cũng thành bất khả xâm phạm. Đó… là nhân giả vô địch! ”

Lê Lợi nghe xong, bèn đứng dậy, chắp tay nói:

“ Mình ta say cùng thơ rượu.

Muôn người tỉnh với lợi danh.

Hiệp giả đại đạo vô nhân tẩu.

Gian nhân tiểu lộ vạn khách hành.

Thời buổi loạn lạc nhiễu nhương, con đường của bậc hiệp giả vốn đã rộng thênh thang nay lại càng vắng vẻ tiêu điều. Thế nhưng hôm nay Lê Lợi được tiên sinh chỉ điểm, không bước vào con đường này e là lòng không yên được rồi. Tiên sinh là người đi trước, liệu có thể phụ giúp cho ta một hai được hay chăng? ”

Nguyễn Trãi bèn đáp:

“ Tôi còn chuyện cần phải làm, xong việc sẽ tự đến Lam Sơn đầu quân cho ngài. ”

“ Không biết tiên sinh có cần người trợ giúp hay không? Chỉ cần trong khả năng, Lê Lợi tự nhiên sẽ giúp đỡ hết mình. ”


Lê Lợi bèn khảng khái.

Lúc này chàng thực lòng thực dạ nghĩ muốn giúp đỡ Nguyễn Trãi một lần để trả cái ơn dẫn đạo, thành thử những toan tính khác đều vứt ra sau đầu không nghĩ gì tới.

Nguyễn Trãi thấy ánh mắt chàng chân thành, biết ấy chẳng phải hư tình giả ý, bèn đáp:

“ Muôn đội hậu tình, tiếc là chuyện này vốn là chuyện cơ mật, càng ít hưng sư động chúng thì càng tốt. Huống hồ nếu tôi không tự tay mình làm, thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa. ”

Nói đến đây, y bèn cười khẽ, rồi tiếp:

“ Lại nói, đợi tôi làm xong chuyện, chúa Lam Sơn ngài còn được lợi lớn bằng trời nữa đấy. ”

Lê Lợi nghe được ý kiên quyết của Nguyễn Trãi, bèn không nói gì thêm. Nãy giờ hai người đối ẩm chuyện trò quên hết chung quanh, nay đã có chút rát họng, bỗng nhiên thấy trên bàn đã để mấy đĩa thức ăn với chén bát đủ cả.

Lê Lợi thấy thế, bèn nói:

“ Thế thì trước khi tiên sinh đi, xin hãy để Lê Lợi tôi tận nghĩa chủ nhà thết đãi tiên sinh một bữa, thay lời chúc tiên sinh sớm ngày mã đáo thành công đi. ”

Hai người ăn uống một bữa, đàm luận tới tận khuya, giống như tri kỷ chỉ hận gặp nhau quá muộn. Mãi đến lúc trăng ló quá con sào chàng mới tiễn Nguyễn Trãi ra tận cửa, chờ bóng y khuất hẳn mới trở vào, vừa vặn thấy nàng Ngọc Lữ đang thu dọn chén đũa.

Lê Lợi thấy vậy, bèn nói:

“ Những chuyện này sau này mình cứ bảo người nhà làm là được, ngộ nhỡ đụng phải dao thớt hay mảnh bát mẻ kho gì đó chảy máu, không tốt đâu. ”

Trịnh Ngọc Lữ đáp:

“ Vợ phân ưu với chồng là lẽ đương nhiên, nâng khăn sửa túi vốn là chuyện nên làm. Em xuất thân bần hàn, những chuyện thế này nhắm mắt cũng xong thì có gì mà ngại. Huống hồ mình bây giờ vị thế đã khác xưa, cái ăn cái uống của mình em không an tâm giao cho người khác. ”

Lê Lợi nắm lấy tay vợ, nghìn lời vạn chữ trong lòng không nói ra hết.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.