Thủ Tài Nữ

Chương 12


Bạn đang đọc Thủ Tài Nữ – Chương 12


Học viện liên cấp Châu Dư nằm trên một quả đồi thoai thoải. Bên cạnh thành tích chói lọi trong giáo dục và hoạt động văn hóa, thể thao, Châu Dư còn nổi tiếng với bảy điều kỳ thú, hấp dẫn bất cứ ai đặt chân tới nơi đây, đó là:
Kỳ quan thứ bảy: Đại thư viện rộng lớn, được xây theo phong cách hoàng gia châu Âu tôn nghiêm và xa hoa. Số lượng sách ở đây nhiều gấp đôi sách ở thư viện thành phố và gấp rưỡi thư viện quốc gia. Đại thư viện còn lưu trữ rất nhiều tài liệu, thư từ, bút tích của những nhân vật nổi tiếng.
Kỳ quan thứ sáu: Cây bằng lăng trong khu rừng thưa phía sau trường. Buổi sáng, cây đâm chồi nảy lộc như mùa xuân. Buổi trưa, cây trổ hoa tím ngắt không khác gì mùa hạ. Buổi chiều, lá cây chuyển màu đỏ và vàng hệt mùa thu. Đến đêm, cây lặng lẽ trút lá như mùa đông để sáng hôm sau lại bắt đầu vòng quay thời gian đặc biệt của riêng mình.
Kỳ quan thứ năm: Khu thí nghiệm của lớp cao cấp vô cùng hoành tráng, bên trong hiện đại không kém gì viện nghiên cứu quốc gia, bên ngoài được xây theo hình dáng một ngọn đuốc, trên đỉnh tòa nhà là ngọn lửa vĩnh cửu, luôn cháy trong bất cứ điều kiện thời tiết nào.
Kỳ quan thứ tư: Quần thể kiến trúc bao gồm tháp đồng hồ cao lớn, cổ kính và đài phun nước với những tượng đá hoa cương tinh xảo tuyệt mỹ. Mỗi khi chuông ngân lên, từ tháp đồng hồ sẽ xuất hiện những bức tượng khảm trai lung linh mô phỏng số giờ hiện tại.
Kỳ quan thứ ba: Hoàng tử băng giá Vĩnh Thụy Bá Dương. (Chú thích: đây là điều duy nhất nam sinh ưu tú Bá Dương không hề biết về trường – của – mình).
Kỳ quan thứ hai: Nhà hát lớn vô cùng lộng lẫy, nguy nga như một cung điện với những chi tiết sang trọng dát vàng lá và vòm kính bao bọc quanh sân khấu tráng lệ.
Và kỳ quan thứ nhất, diệu kỳ nhất, thiên biến vạn hóa nhất, độc đáo nhất không thể không ngắm… Đó chính là Trương Uy Văn, tức… đương kim hiệu trưởng của học viện.


Mỗi khi thầy Uy Văn xuất hiện, học sinh bất kể đang trong tư thế nào cũng phải nhanh chóng dạt sang hai phía mà giương ánh mắt háo hức lên ngóng đợi. Ví dụ như chính lúc này chẳng hạn.
“Hoàng… thượng… giá… lâm!!!”
Tiếng loa cầm tay vang lên, người người vốn đang tụ tập ở cổng trường hiếu kỳ quan sát Bá Dương cùng anh chàng tóc vàng đẹp trai vừa được tài xế thả xuống, lập tức xô nhau né sang một bên.
Hai giây sau tiếng loa báo, một đoàn người rình rang xuất hiện.
Đi đầu là một người lính… mặc giáp, vâng, đúng là áo giáp, cầm cờ hiệu. Tiếp theo sau là hai người mặc áo cánh, tay giương lọng vàng. Kế tiếp nữa, ở vị trí trung tâm đoàn rước là chiếc kiệu sơn son thếp vàng cực kỳ lộng lẫy được tám thanh niên nai nịt gọn gàng khiêng. Trên nóc kiệu còn treo tấm bảng đề dòng chữ viết bằng mực nhũ “Đệ nhất quốc vương”. Cuối cùng là hai người nam mặt hoa da phấn, mặc đồ nữ thướt tha, trên tay mỗi người cầm một chiếc quạt lông công cán dài quấn dây kim tuyến.
Tất thảy đám “dân chúng” xung quanh đều xôn xao hỏi nhau có phải mình vừa xuyên không về thời trung đại.
Đoàn người kỳ quái dừng lại trước cổng trường. Chiếc kiệu từ từ được hạ xuống, một người trong đoàn khiêng đưa tay vén lớp màn lụa điều, thái độ nghiêm cẩn chờ đợi chủ nhân bước ra.
Một chiếc hài mũi cong thêu rồng vờn mây thò ra từ trong kiệu, dò dẫm đặt xuống đất. Ai nấy đều nín thở, mắt mở to hơn trước gấp rưỡi.

Lại thêm một chiếc hài nữa thò ra. Ồ, cặp chân ngắn ngủn, mập mạp như vậy dưới gầm trời này khó tìm được người thứ hai.
Cuối cùng, nguyên cả một ông vua râu dài, bụng bự, mình khoác hoàng bào, mang thắt lưng nạm ngọc, vô cùng bệ vệ hiện ra trước mắt bá tánh. Lại còn rất hiên ngang đứng tận hưởng những ánh mắt ngưỡng mộ đang hướng về mình.
– Đây là… – Ai đó đã thoát khỏi cơn choáng ngợp mà kêu lên – thầy hiệu trưởng…
– Ha ha ha… – Thầy Uy Văn cười lớn, bộ râu giả rung lên bần bật – Khen cho nhà ngươi đã nhận ra trẫm. Cho lui!
Ôi thầy ơi… thầy tưởng đang chơi trò “Gương mặt thân quen” sao? Trên đời này chỉ cần xuất hiện người thứ hai có sở thích kỳ dị, phô trương như thầy thì thiên hạ đã đại loạn!
Mã Phương sau một hồi tò mò quan sát, chợt rú lên, hớn hở ra mặt: “Chú Văn!!!”
Thầy Uy Văn xúng xính bước đi, bộ hoàng bào thơm mùi vải mới cứ sột soạt theo từng chuyển động của cơ thể “phì nhiêu”.
– Con ngựa chứng này – Thầy vui vẻ kiễng chân lên, tính xoa đầu Mã Phương nhưng với tay không tới, cuối cùng bàn tay múp míp đành hạ cánh ở vạt áo trước ngực Mã Phương – Con về sao không báo với ta một tiếng?
– A ha ha – Mã Phương cười nhăn nhở – Chẳng phải cái gã đeo kính đen ngồi bịt mũi đợi con suốt nửa tiếng đồng hồ trong phòng vệ sinh ở sân bay là người của chú sao? Chú Văn, chú nên tăng lương cho anh ta. Nhân viên mẫn cán như thế hiếm có lắm.

– Thằng quỷ này – Bàn tay béo múp lại vỗ bồm bộp – thì ra mày cố tình hại người ta đêm qua phải nhập viện khẩn cấp vì ngộ độc thán khí!
– Chiêu này chính chú dạy con mà.
Mặc kệ người ta đi qua đi lại, cả hai chú cháu cứ tíu tít chuyện trò như thể đang tranh Guiness với máy khâu. Mọi người thấy cảnh vui đã tàn, lại lục tục kéo nhau tản mát về các lớp học.
– Chú Văn – Bá Dương từ tốn lên tiếng – Con xin phép về lớp trước. Mã Phương xin giao lại cho chú.
Uy Văn từ xưa đã có thâm tình với nhà Vĩnh Thụy, tính nết từng đứa trẻ trong nhà thế nào, chú đều nắm rõ. Ngay cả thân phận của Thụy Miên, chú cũng biết tường tận.
– Ấy khoan đã nào – Chú Văn vẫy vẫy Bá Dương lại gần rồi rút từ trong ống tay áo dài thượt ra một tấm thiệp bìa cứng được thiết kế theo phong cách rất hiện đại – Chú đăng ký cho con và Nghiêm Minh An rồi. Cứ từ từ triển khai nhé.
Bá Dương cầm tấm thiệp, nhận ra đây là vé mời tham gia Hội chợ khoa học thanh niên được tổ chức hàng năm. Nhân tài trẻ khắp cả nước sẽ tụ hợp lại ở trung tâm hội nghị của thành phố, mang theo những công trình nghiên cứu của mình. Phần thưởng dành cho người thắng cuộc là chuyến du học ngắn hạn cùng khoản tiền thưởng không nhỏ. Năm ngoái anh đã từ chối tham gia với lý do sức khỏe không tốt. Nhưng thực ra lần ấy, ngày khám lễ tiết mùa hè của Thụy Miên rơi trúng dịp diễn ra hội chợ. Bá Dương hoàn toàn không muốn rời khỏi nhà vào ngày này.
Anh nhìn tấm thiệp, vẻ mặt đăm chiêu nhẩm tính khiến Thụy Miên đứng bên cạnh cũng tò mò kiễng chân lên nghiêng ngó.
– Chú Văn, con sẽ suy nghĩ.
– Được, được, chú không muốn đặt áp lực cho con đâu. Cứ thoải mái nhé… – Uy Văn dễ dãi gật gù, nhưng trong khoảnh khắc, ánh mắt chợt lóe lên vẻ nguy hiểm – Nếu hai đứa không mang được cái giải nhất về đây thì ta sẽ dán bức ảnh hồi hai tuổi của con lên bảng tin nhà trường.

Lời đe dọa làm không khí xung quanh Bá Dương lặng phắc!
“Kỳ quan thứ nhất” Uy Văn nói xong liền cười ha hả. Không vui sao được, chẳng mấy khi dọa được “kỳ quan thứ ba” tái mặt ù té chạy về lớp nhanh thế kia cơ mà.
Ông già này quả là không đơn giản! Bá Dương vừa sải bước vừa tính toán trong đầu. Bằng mọi giá không thể để lộ bất cứ thứ gì được tạo ra trong quãng thời gian từ một đến ba tuổi của anh. Nếu không, anh có gieo mình xuống biển Đông cũng không gột rửa được nỗi nhục! Bằng mọi giá, anh phải ngăn chặn thảm họa đó. Mất bao công thu thập hòng xóa dấu vết mà vẫn chưa thành… Bức ảnh đó, nếu được công bố thì…
– A, Bá Dương… – Thụy Miên ngập ngừng.
– Sao? – Anh quay phắt lại.
– Tới lớp của tôi rồi. Tạm biệt.
Bá Dương dừng chân bước, ghé mắt nhìn vào lớp học nhốn nháo. Anh nhận ra mọi người cũng đang nhìn mình chằm chằm, một vài nữ sinh còn đưa tay lên chỉnh tóc hoặc nơ cài áo. Các lớp hệ thường lúc nào cũng có khung cảnh lộn xộn, học sinh thì hồn nhiên, nhí nhố, các cặp đôi cũng dễ dàng chuyện trò, vui đùa thân mật với nhau hơn hẳn lớp cao cấp của anh.
– Được. – Bá Dương khẽ liếc xuống Thụy Miên một chút, điều chỉnh lại chất giọng lãnh đạm cố hữu. Ánh mắt phảng phất chút lưu luyến lập tức bị ném về phía cửa sổ để cô không nhận ra – Trưa nay đợi tôi ở nhà ăn.
Nụ cười thoáng hiện trên khóe môi gợi cảm của “hoàng tử băng giá” khiến Thụy Miên chột dạ. Đám người trong lớp nãy giờ vẫn hướng ra cửa ngắm “mĩ nam lớp cao cấp” sửng sốt ồ lên. Kỳ quan thứ ba đích thực chính là đây… nụ cười như Thế vận hội Olympic, bốn năm mới nở một lần!
– Tôi muốn biết con ngựa hoang đó làm giáo viên như thế nào.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.