Thư Kiếm Ân Cừu Lục(bản Mới)

Chương 6: Lâm Hoạn Nạn Nảy Sinh Tình Nghĩa-cướp Quân Lương Cứu Tế Dân Nghèo


Bạn đang đọc Thư Kiếm Ân Cừu Lục(bản Mới) – Chương 6: Lâm Hoạn Nạn Nảy Sinh Tình Nghĩa-cướp Quân Lương Cứu Tế Dân Nghèo

Chu Ỷ lạc mất mọi người trong đám loạn quân, thấy xung quanh toàn là lính Thanh. Nàng thuận tay đánh ngã mấy tên đứng gần, nhưng từ bốn phương tám hướng đều có binh lính ùa tới. Chu Ỷ bối rối vô cùng, giục ngựa chạy loạn xạ một lúc lại gặp một đội quân khác. Nàng không dám nghênh chiến, vội quay đầu lại, chỉ muốn mau mau rời khỏi đó. Trong đêm tối, không biết con ngựa vấp phải vật gì mà đột nhiên quỵ xuống. Lúc này nàng vừa mệt mỏi, vừa sợ hãi nên té nhào xuống đất, đập gáy vào một vật cứng nào đó ngất xỉu tại chỗ. May mà trời tối nên quân Thanh không phát hiện ra.
Chu Ỷ mê man không biết bao lâu, rồi đột nhiên thấy trước mắt lóe sáng. Sau đó tai nàng nghe tiếng sấm nổ, rồi trên mặt mát lạnh như bị nước dội vào. Nàng mở to đôi mắt thì thấy bầu trời tối mịt, mây đen bao phủ, mưa to đang ào xuống, bèn kêu lên một tiếng nhảy chồm dậy. Đột nhiên Chu Ỷ thấy cạnh mình cũng có một người ngồi dậy, bèn kinh hãi nhặt lấy đơn đao rơi kế bên định chém. Bất giác cả hai đều kinh ngạc la lên, thì ra người kia chính là Từ Thiên Hoằng.
Từ Thiên Hoằng hỏi lớn: “Chu cô nương! Tại sao cô cũng có đây?”
Chu Ỷ lạc trong đám loạn quân, phụ thân cũng không biết ở đâu, bây giờ lại gặp phải oan gia. Trước giờ nàng vẫn không ưa anh chàng này, hai bên cứ có dịp là khích bác lẫn nhau, nhưng dù sao cũng là người phe mình. Cô nàng Tiêu Lý Lục vốn gan dạ khí phách không kém gì nam tử hán đại trượng phu, mà lúc này cũng không nén nổi muốn rơi nước mắt. Nàng cắn chặt môi lại, ráng nhịn khóc để hỏi: “Gia gia ta đâu?”
Từ Thiên Hoằng bỗng vẫy tay bảo nàng nằm xuống, nói nhỏ: “Có lính tới.” Chu Ỷ liền phục sát xuống đất. Hai người từ từ bò đến núp sau một mô đất, thò đầu nhìn ra ngoài.
Trời đã gần sáng. Thấp thoáng mấy chục tên Thanh binh đang chôn cất bọn tử trận dưới cơn mưa lớn, vừa đào huyệt vừa luôn miệng cằn nhằn. Hồi lâu, đa số tử thi đã được mai táng sơ sài. Một tên quan lớn tiếng ra lệnh: “Trương Đắc Tiêu, Vương Thanh! Nhìn quanh xem còn cái xác nào không?”
Hai tên này vâng lệnh, trèo lên một cái gò cao nhìn tứ phía. Chúng thấy hai người nằm dưới đất liền kêu lên: “Đằng kia còn hai xác chết.”
Chu Ỷ nghe chúng gọi mình là xác chết, tức điên lên chỉ muốn nhảy tới đánh cho một trận. Từ Thiên Hoằng phải vội kéo nàng lại, bảo: “Đợi chúng tới gần đã.”
Hai tên lính đó cầm xẻng đi tới, Chu Ỷ và Từ Thiên Hoằng cứ nằm bất động giả chết. Khi chúng đến gần thò tay định kéo, hai người mới đột ngột vung đao đâm vào bụng. Hai gã không kịp kêu một tiếng, chết ngay tại chỗ.
Tên võ quan kia đợi mất nửa ngày vẫn không thấy hai tên lính quay về, mà mưa lại to thêm. Hắn nóng ruột tức giận thóa mạ lung tung, cưỡi ngựa chạy tới xem xét. Từ Thiên Hoằng khẽ nói: “Đừng lên tiếng, phải đoạt lấy được ngựa của hắn.”
Tên quan đến gần, thấy hai tên thuộc hạ nằm chết duới đất thì giật mình kinh hãi, há mồm toan kêu lính tới. Từ Thiên Hoằng bật dậy nhanh như chớp, chạy tới vung đao chém ngay. Hắn không cầm binh khí, đành giơ roi ngựa lên cản. Nhát đao của Từ Thiên Hoằng chém đứt cả roi lẫn cổ, đầu tên kia rơi từ trên ngựa xuống đất. Từ Thiên Hoằng túm lấy dây cương, kêu lớn: “Lên ngựa mau.” Chu Ỷ nhảy lên lưng ngựa, Từ Thiên Hoằng sải bước chạy theo.
Quân Thanh phát hiện tung tích hai người, lớn tiếng kêu vang, cả bọn cầm vũ khí đuổi theo. Từ Thiên Hoằng chạy được mấy chục bước thì chỗ vai trái trúng Phù Dung kim châm càng lúc càng đau không chịu nổi, choáng váng mặt mày ngã khuỵu xuống đất. Chu Ỷ quay đầu lại thấy Từ Thiên Hoằng té xuống, vội dừng ngựa lui lại, khom người đưa tay nhắc chàng đặt lên lưng ngựa. Nàng trở chuôi đao thúc vào lưng ngựa, nó liền chạy như bay. Quân Thanh la ó ỏm tỏi nhưng không sao đuổi kịp.
Chu Ỷ thấy đã bỏ xa bọn Thanh binh mới cất đao vào lưng. Nàng thấy Từ Thiên Hoằng hai mắt nhắm nghiền, mặt mày trắng bệch, hơi thở rất yếu thì sợ hãi không biết phải làm sao, chỉ còn cách dựng chàng ngồi thẳng trên yên ngựa, tay trái vòng ôm qua hông để chàng khỏi ngã, cố gắng chọn những con đường mòn hoang vắng mà đi. Chạy được một lúc, Chu Ỷ thấy phía trước là một khu rừng rậm bèn thúc ngựa chạy vào. Nàng nhìn xung quanh thấy cây cối um tùm rậm rạp, lúc này mới tạm yên tâm.
Mưa đã tạnh, Chu Ỷ nhảy xuống dắt ngựa đi tìm một chỗ tương đối rộng rãi thoáng mát. Thấy Từ Thiên Hoằng thần trí vẫn còn mơ hồ, nàng suy nghĩ một lúc rồi ôm chàng đặt xuống một bãi cỏ, mình thì ngồi bên cạnh nghỉ ngơi, thả cho ngựa ăn cỏ. Một cô nương chưa tới hai mươi tuổi, cô đơn ngồi trong rừng hoang, trước mắt chỉ có một người chưa biết sống chết ra sao. Nàng hoàn toàn không biết phải làm gì, bất giác đau lòng ôm đầu khóc, nước mắt nhỏ xuống mặt Từ Thiên Hoằng.
Từ Thiên Hoằng nằm dưới đất một lúc, thần trí đã tỉnh táo trở lại. Chàng tưởng trời lại mưa nên khẽ mở mắt nhìn, bỗng thấy một khuôn mặt đẹp đẽ, một đôi mắt to tròn khóc đến sưng lên, nước mắt từng giọt rơi vào mặt mình. Rồi chàng lại thấy vai trái đau không chịu nổi, khẽ rên lên.
Chu Ỷ thấy Từ Thiên Hoằng tỉnh dậy cả mừng, nhìn lại thấy nước mắt mình rơi ngay khóe miệng chàng liền lấy khăn tay định lau, nhưng vừa giơ tay lên đã hổ thẹn rụt lại, lên tiếng trách: “Sao huynh lại nằm trước mặt ta, không chịu tránh đi chỗ khác?”
Từ Thiên Hoằng thở dài một tiếng, gắng gượng định ngồi dậy thật. Chu Ỷ vội nói: “Thôi được, cứ nằm đây đi. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Huynh tự xưng là Gia Cát Lượng kia mà, gia gia vẫn khen huynh đa mưu túc trí.”
Từ Thiên Hoằng nói: “Vai ta đang đau dữ dội, không suy nghĩ được chuyện gì khác. Cô nương! Nhờ cô xem vết thương giùm ta.”
Chu Ỷ bĩu môi nói: “Ta không muốn xem!” Miệng thì nói vậy, nhưng nàng vẫn cúi người xem xét, nhìn một lúc rồi nói: “Đâu có sao đâu? Hoàn toàn không chảy máu, da thịt vẫn nguyên mà.”
Từ Thiên Hoằng ráng ngồi dậy, tay phải dùng mũi đơn đao khều một chỗ rách trên vai áo, nghiêng mắt nhìn rồi nói: “Chỗ này trúng phải ba mũi kim châm.” Ba mũi châm tuy nhỏ nhưng ghim sâu vào thịt, tới sát tận xương, khiến chàng đau đớn chẳng khác gì bị chém ba đao.
Chu Ỷ hỏi: “Làm sao bây giờ? Hay chúng ta vào thị trấn tìm đại phu?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Chuyện đó không được. Trận đánh đêm qua, cả vùng không ai không biết. Chúng ta ăn mặc thế này đi tìm đại phu trị thương thì chẳng khác gì tự chui vào lưới. Ba mũi kim đó đáng lẽ phải dùng nam châm để hút ra, nhưng lúc này không sao tìm được nam châm. Phiền cô lấy dao xẻ thịt để rút chúng ra vậy.”
Chu Ỷ vừa ác chiến quá nửa đêm, giết không ít quan quân mà sắc mặt vẫn không thay đổi, nhưng bây giờ nghĩ tới chuyện cầm dao xẻ vào da thịt Từ Thiên Hoằng thì không khỏi chần chừ.
Từ Thiên Hoằng nói: “Ta chịu được mà, cô cứ ra tay đi… Khoan đã, chờ một lát.” Chàng xé một miếng vải áo mình ra, đưa cho nàng rồi hỏi: “Cô có mang theo mồi lửa không?”
Chu Ỷ sờ vào bọc rồi nói: “Có! Huynh làm gì vậy?”
Từ Thiên Hoằng nói: “Phiền cô đi lượm một ít cành cây và cỏ khô đốt lên thành tro. Sau khi rút kim châm ra, lấy tro phủ lên vết thương rồi dùng mảnh vải này buộc chặt lại.”
Chu Ỷ theo lời, đốt một đống tro lớn rồi hỏi đủ chưa. Từ Thiên Hoằng mỉm cười đáp: “Chừng đó đủ để bó một trăm vết thương.”
Chu Ỷ giận dữ nói: “Ta chỉ là thứ nha đầu ngu ngốc. Huynh tự mình làm đi.”
Từ Thiên Hoằng mỉm cười: “Ta lỡ lời, mong cô nương đừng giận.”
Chu Ỷ hừ một tiếng: “Người như huynh mà cũng biết mình sai hay sao?” Tay phải nàng xách đơn đao lên, tay trái ấn lên vai Từ Thiên Hoằng gần chỗ vết thương. Khi ngón tay chạm vào da thịt chàng, nàng bất giác xấu hổ rụt tay lại, mặt mũi nóng bừng.
Thấy nàng đột nhiên đỏ mặt, Từ Thiên Hoằng tuy mang ngoại hiệu Võ Gia Cát mà cũng không hiểu chuyện gì, phải hỏi: “Cô nương sợ hay sao?”
Chu Ỷ khẽ đáp: “Ta mà sợ gì? Chính huynh mới sợ đó. Quay đầu chỗ khác đi, đừng nhìn.” Từ Thiên Hoằng nghe lời quay đi. Chu Ỷ bóp chặt chỗ trúng kim châm, đưa đao chích vào thịt rồi nhẹ xoay mũi đao một chút, máu tươi lập tức trào ra. Từ Thiên Hoằng cắn chặt răng không để bật lên tiếng kêu nào, nhưng những giọt mồ hôi lớn như hạt đậu đã tuôn ướt đẫm đầu. Chu Ỷ phanh vết thương ra để lộ đuôi kim châm, kéo áo Từ Thiên Hoằng lau bớt máu tươi cho dễ nhìn, rồi đưa hai ngón tay kẹp chặt, dùng sức rút ra.
Sắc mặt Từ Thiên Hoằng trắng bệch, nhưng vẫn cố mỉm cười: “Tiếc là loại kim này không có lỗ xâu chỉ, không thì có thể tặng cho cô nương thêu thùa.”
Chu Ỷ đáp: “Ta không biết thêu thùa gì cả. Mấy năm trước mẹ có bắt thử ta thêu, nhưng mới được mấy đường ta đã làm gãy kim, hỏng luôn cả khung thêu. Mẹ mắng, ta bèn nói: “Mẹ! Con thêu không được. Mẹ dạy cho con đi.” Huynh đoán xem mẹ ta nói gì?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Chắc phu nhân gọi cô nương tới để dạy.”
Chu Ỷ nói: “Sai rồi! Bà nói lúc này không rảnh. Sau này ta mới nghĩ ra, thì ra bà cũng không biết thêu thùa.” Từ Thiên Hoằng cười ha hả. Trong lúc nói chuyện, nàng lại rút một cây kim châm nữa ra.
Chu Ỷ mỉm cười nói tiếp: “Ta vốn cũng không thích học thêu, nhưng khi biết mẹ cũng không hiểu chuyện thêu thùa thì ta lại một mực đòi bà dạy ta. Bà bị quấy rầy không sao chịu nổi bèn nói: “Thôi thôi! Nếu con làm phiền ta nữa, thì ta sẽ mách cha mắng con đấy.” Bà lại nói: “Nếu con không chịu học thêu thùa thì sau này…” Nói đến đây, nàng đột nhiên dừng lại. Rõ ràng lúc đó Chu phu nhân nói là: “Sau này thử xem con có lấy được chồng hay không.”
Từ Thiên Hoằng hỏi kỹ: “Sau này thì sao?”
Chu Ỷ gắt: “Ta không muốn nói chuyện đó nữa, huynh đừng lải nhải.”
Miệng nói chuyện nhưng tay nàng vẫn không dừng, mũi kim châm thứ ba đã được rút ra. Sau đó nàng lấy tro đắp lên vết thương, rồi lấy vải buộc chặt lại.
Chu Ỷ thấy Từ Thiên Hoằng máu me đầy mình mà vẫn nói chuyện vui vẻ, không khỏi phục thầm: “Tên này tuy thấp lùn, nhưng xem ra cũng là một nhân vật anh hùng. Nếu người ta xẻo vào thịt mình, chắc mình phải la hét ầm ĩ, kêu cha gọi mẹ.” Nghĩ đến song thân, nàng không khỏi chạnh lòng. Lúc này nàng thấy tay mình đầy máu, bèn nói: “Huynh nằm đây đừng nhúc nhích, để ta đi tìm một ít nước uống.”
Chu Ỷ quan sát địa thế một lúc rồi chạy ra khỏi khu rừng, được vài trăm bước thì thấy một con suối nhỏ. Mưa to mới dứt, nước suối còn chảy rất mạnh. Nàng rửa sạch máu trên tay rồi cúi người xuống suối, đột nhiên thấy bóng mình dưới nước, đầu tóc bù xù, y phục ẩm ướt nhăn nheo, mặt đầy bùn đất, nhìn không ra con người nữa. Nàng bất giác nghĩ: “Hỏng bét! Hắn đã thấy bộ dạng tiều tụy của mình rồi.”
Chu Ỷ lập tức soi mình dưới suối để rửa mặt sạch sẽ, dùng mười ngón tay làm lược cào sơ lại mái tóc, thắt bím đàng hoàng. Sau đó nàng vốc ít nước uống, tự nhủ: “Chắc hắn cũng đang khát nước.” Nhưng không có gì để đựng, nàng chần chừ một chút rồi nghĩ ra, lấy trong bao lưng ra một cái áo, giặt giũ sạch sẽ rồi thấm ướt sũng, xách chạy về.
Lúc nãy Từ Thiên Hoằng ráng chịu đau để làm bộ tươi cười trò chuyện với Chu Ỷ, bây giờ thì không sao chống đỡ nổi nữa. Lúc nàng quay lại, chàng đang đau đến chết đi sống lại. Chu Ỷ thấy chàng như vậy mà vẫn cố giả vờ không sao, không khỏi thương xót trong lòng. Nàng kêu chàng há mồm, vắt nước trong áo vào cho, rồi hỏi: “Huynh đau lắm phải không?”
Xưa nay Từ Thiên Hoằng vẫn coi cô nương này là một đối thủ đấu trí, hoàn toàn không có tình cảm nam nữ gì. Không ngờ khi chàng bị thương, nàng lại là bằng hữu duy nhất chăm sóc cho mình, nên những nghi kỵ trước đây hoàn toàn quên hết. Lúc này Chu Ỷ lại lộ vẻ quan tâm chàng tha thiết. Cả đời chàng lăn lộn giang hồ không màng sống chết, đối mặt với biết bao âm mưu quỉ kế, chưa bao giờ được nghe những lời dịu dàng như vậy. Họ Từ không nén nổi cảm động, ngẩn ra nhìn nàng không biết nói gì.
Chu Ỷ thấy chàng ngơ ngác, tưởng thần trí chàng vẫn còn mơ hồ liền hỏi: “Sao rồi? Huynh thấy sao rồi?”
Từ Thiên Hoằng định thần đáp lại: “Đỡ hơn rồi, cảm ơn cô!”
Chu Ỷ hừ một tiếng: “Ta không cần huynh cảm ơn.”
Từ Thiên Hoằng nói: “Chúng ta ở đây không tiện, nhưng cũng không thể vào thành, chắc phải tìm một nông gia ở chỗ tương đối hoang vắng. Chúng ta cứ nói mình là huynh muội…”
Chu Ỷ tán đồng: “Ta sẽ gọi huynh là Từ ca ca.”
Từ Thiên Hoằng nói: “Lúc nào cô cũng thấy ta lớn tuổi, vậy gọi ta là thúc thúc đi.”
Chu Ỷ cãi: “Huynh đâu có già quá, kêu huynh là ca ca được rồi. Nhưng chỉ trước mặt người khác thôi, lúc không có ai thì ta không gọi như vậy đâu.”
Từ Thiên Hoằng cười nói: “Được rồi, không gọi thì không gọi. Chúng ta nói với họ là dọc đường gặp phải đại quân, hành lý bị người ta cướp hết, lại còn bị đánh một trận nữa.”
Hai người bàn bạc xong xuôi, Chu Ỷ bèn dìu chàng dậy. Từ Thiên Hoằng bảo nàng: “Cô cưỡi ngựa đi. Chân ta không bị thương, đi lại chẳng trở ngại gì.”
Chu Ỷ quát: “Mau lên ngựa đi! Huynh quá coi thường nữ nhân rồi đó.” Từ Thiên Hoằng không còn cách nào khác, đành phải nghe lời. Hai người ra khỏi rừng, tìm một con đường nhỏ nhắm hướng mặt trời mà đi.
Tây Bắc là vùng hoang vu, không giống miền nam Trung Quốc chỗ nào cũng đông dân nhiều ruộng. Hai người đi hơn một canh giờ, vừa đói vừa mệt, khó khăn lắm mới nhìn thấy một làn khói mỏng manh, đến gần mới biết đó là một căn nhà vách đất. Từ Thiên Hoằng xuống ngựa gõ cửa, hồi lâu mới có một bà lão bước ra. Bà cụ thấy trang phục hai người lôi thôi lếch thếch, không khỏi tần ngần. Từ Thiên Hoằng đem những chuyện đã bàn tính trước nói qua, rồi hỏi xin bà cụ chút gì ăn lót dạ.
Bà lão kia than thở: “Quan quân chỉ giỏi tàn hại dân chúng. Xin hỏi khách quan họ gì?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Cháu họ Chu.” Chu Ỷ liếc chàng một cái, nhưng im lặng không nói. Từ Thiên Hoằng nhìn lại nàng, cũng không nói.
Bà lão dẫn họ vào nhà, lấy cho mấy cái bánh. Hai người đói bụng đã lâu, tuy bánh làm bằng lúa mạch vừa đen vừa xấu, rất thô kệch, nhưng vẫn cảm thấy hương vị ngọt ngào.
Bà lão nói mình họ Đường, chỉ có một đứa con trai. Một hôm con bà vào thị trấn bán củi bị chó cắn, giận dữ lấy đòn gánh phang chết con chó, không may đó là chó nhà giàu. Con trai bà bị tên nhà giàu đó kêu gia đinh đánh cho một trận, về nhà vừa đau vừa tức, chẳng bao lâu thì qua đời. Cô con dâu còn trẻ tuổi, nhất thời suy nghĩ nông cạn, giữa đêm thắt cổ chết theo chồng, để lại một mình bà lão cô đơn.
Bà lão vừa kể vừa chảy nước mắt, Chu Ỷ nghe xong nổi giận, hỏi ngay tên nhà giàu tên là gì, ở đâu. Bà lão nói: “Tên sát nhân đó cũng họ Đường. Trước mặt thì người ta gọi là Đường Lão Gia, Đường Tú Tài, còn sau lưng thì gọi là Đường Thạch Tín. Lão ở trong thị trấn, tòa nhà lớn nhất thị trấn này chính là nhà lão.”
Chu Ỷ hỏi: “Không hiểu đó là thị trấn gì, ở hướng nào?”
Bà lão trả lời: “Từ đây đi về hướng bắc khoảng năm dặm đường, qua khỏi ngọn đồi là ra đường cái, đi thêm về hướng đông hai mươi dặm nữa là tới. Thị trấn đó tên là Văn Quang trấn.”
Chu Ỷ đứng dậy, cầm đơn đao lên nói với Từ Thiên Hoằng: “Ca ca! Muội phải ra ngoài một chút. Ca ca cứ ở đây nghỉ ngơi.”
Từ Thiên Hoằng nhìn mặt là biết nàng muốn đi giết tên thạch tín bọc đường đó, vội ngăn cản: “Muội muốn ăn kẹo phải không? Để tối nay hãy ăn.” Chu Ỷ ngẩn ra một chút, hiểu ý chàng liền gật đầu ngồi xuống.
Từ Thiên Hoằng nói: “Bà bà! Cháu đang bị thương đi lại không tiện, muốn xin bà bà cho nghỉ lại một đêm.”
Bà lão chậm rãi đáp: “Ở lại thì không sao, nhưng gia đình nghèo quá chẳng có gì tiếp đãi, khách quan đừng chê cười.”
Từ Thiên Hoằng nói: “Bà bà chịu cho chúng cháu nghỉ lại là cảm kích lắm rồi. Muội muội cháu ướt hết, bà bà có quần áo cũ không? Phiền bà bà cho mượn một bộ để thay.”
Bà lão đáp: “Con dâu lão còn để lại y phục, nếu cô nương không chê thì mặc thử xem sao, chắc cũng vừa.” Chu Ỷ liền đi thay quần áo, lúc trở ra đã thấy Từ Thiên Hoằng nằm ngủ trên giường của con trai bà lão rồi.
Đến xế chiều, Từ Thiên Hoằng bắt đầu nói năng lảm nhảm. Chu Ỷ sờ trán thấy chàng sốt cao, đoán là vết thương phát tác. Nàng biết tình trạng nguy hiểm mà không biết phải làm sao, không khỏi hoảng hốt. Nàng hết giận Từ Thiên Hoằng lại đến giận mình, vung đao chém loạn xạ xuống đất, một lúc thì bật khóc. Bà lão vừa thương vừa sợ, không dám khuyên can.
Chu Ỷ khóc một hồi rồi hỏi: “Trong trấn có đại phu không?”
Bà lão trả lời: “Có! Tào Tư Bằng là đại phu giỏi nhất vùng này. Nhưng ông ấy rất phách lối, xưa nay không chịu đến những nơi thôn dã như thế này để khám bệnh. Khi con lão bị thương nặng, lão đã cùng con dâu lạy ông ấy mười bảy mười tám cái, nhưng năn nỉ thế nào, van xin thế nào, ông ấy cũng không chịu đến đây…”
Chu Ỷ không đợi bà lão dứt lời, lau nước mắt mà nói: “Bây giờ cháu đi mời ông ấy. Nhờ bà bà chăm sóc giùm ca ca của cháu.”
Bà lão nói: “Cô nương cứ yên tâm mà đi. Chỉ e Tào đại phu không chịu đến đây thôi.”
Chu Ỷ mặc kệ, giấu đơn đao vào yên ngựa, phi một mạch đến trấn Văn Quang thì trời đã nhá nhem tối. Đi qua một quán cơm có bán rượu, mùi rượu bay tới khiến nàng không nén nổi cơn thèm, nhưng lại nghĩ: “Ta phải mời đại phu về trị thương cho huynh ấy trước đã. Ngày tháng còn dài, lo gì sau này không có rượu uống.” Nàng thấy phía trước có một người đi tới, liền hỏi rõ nơi ở của Tào Tư Bằng rồi đi thẳng đến đó.
Chu Ỷ tới nhà họ Tào, gõ cửa mất nửa ngày mới có một gia nhân đi ra. Hắn lớn tiếng hỏi: “Trời tối mịt rồi còn gõ cửa ầm ĩ như vậy làm gì? Báo tin người chết hay sao?”
Chu Ỷ giận dữ nhưng nghĩ mình đến đây là để cầu xin người ta, nên không tiện nổi xung ngay. Nàng nhẫn nhịn nói: “Ta đến mời Tào đại phu đi khám bệnh.”
Hắn nói luôn: “Không có nhà “, rồi không hỏi han gì nữa, quay lưng đóng cổng.
Chu Ỷ vừa giận dữ vừa lo lắng, lập tức túm lấy vai gã xách ra ngoài cửa, rút đơn đao ra hỏi: “Tào đại phu có nhà không?”
Hắn hoảng sợ đến nỗi hồn lìa khỏi xác, run rẩy nói: “Thật mà… không có nhà thật mà.”
Chu Ỷ lại hỏi: “Đang ở đâu? Nói nhanh lên.”
Hắn đáp: “Lão gia đến chỗ Tiểu Mai Quế rồi.”
Chu Ỷ liếc đao vào mũi hắn, hét lên: “Tiểu Mai Quế là cái gì, ở đâu?”
Hắn đáp: “Tiểu Mai Quế là một người…”
Chu Ỷ quát luôn: “Nói bậy! Làm gì có ai tên là Tiểu Mai Quế?”

Hắn hoảng sợ lắp bắp: “Đại… đại vương cô nương! Tiểu Mai Quế là một cô gái lầu xanh.”
Chu Ỷ giận dữ hỏi: “Ta nghe nói lầu xanh là chỗ đê tiện. Lão gia ngươi đến đó làm gì?”
Tên gia nhân kia nghĩ thầm: “Con nhãi này hung hãn bá đạo, nhưng chẳng hiểu việc đời gì cả.” Hắn muốn cười nhưng không dám cười, chỉ còn cách im lặng.
Chu Ỷ giận dữ hỏi tiếp: “Ta hỏi ngươi, tại sao ngươi không nói?”
Hắn đành kiếm cách trả lời: “Cô ấy là tình nhân của lão gia.”
Chu Ỷ bây giờ mới hiểu, thở ra một hơi rồi ra lệnh: “Dẫn ta đi ngay, đừng có lảm nhảm nữa.”
Tên kia ấm ức nghĩ: “Ta lảm nhảm hồi nào, chuyện gì cũng do ngươi hỏi mà!” Nhưng lưỡi đao lạnh ngắt đang kề cổ, dĩ nhiên hắn không dám không nghe lời.
Hai người đi đến trước cửa một ngôi nhà nhỏ, tên gia nhân nói: “Đến nơi rồi.”
Chu Ỷ bảo: “Ngươi gõ cửa đi, kêu đại phu ra đây.”
Tên kia ngoan ngoãn làm theo. Tú bà bước ra mở cửa, hắn nói: “Có người đến tìm lão gia khám bệnh, tiểu nhân nói là lão gia không rảnh, nhưng cô ấy không tin, ép tiểu nhân dẫn đến đây tìm.” Mụ tú bà liếc xéo hắn một cái rồi đóng sầm cửa lại.
Chu Ỷ đứng sau lưng muốn chạy lên ngăn cản nhưng không kịp. Nàng đập cửa ầm ầm như đánh trống, nhưng bên trong chẳng có ai trả lời. Nàng giận dữ đá vào lưng tên kia một cước, hét lên: “Cút mau! Đừng láng cháng trước mặt làm bổn cô nương nổi nóng.” Hắn bị đá nhào sấp xuống đất như chó ăn phân, lẩm bẩm thóa mạ rồi bò lê bò càng chạy biến.
Chu Ỷ đợi hắn đi xa mới tung người nhảy vào trong sân, nhìn thấy một căn phòng có ánh đèn hắt qua khung cửa sổ giấy, liền nhẹ nhàng cúi người đi tới. Nàng nghe bên trong có tiếng hai nam nhân thì cả mừng, chỉ lo tên đại phu kia đang làm chuyện bậy bạ với ả Tiểu Mai Quế thì mình không biết phải hành động ra sao. Chu Ỷ thấm nước bọt ướt đầu ngón tay, chọc thủng giấy dán cửa sổ, ghé mắt nhìn vào.
Nàng thấy trong phòng có hai nam nhân đang ngồi trên giường nói chuyện, một tên thân hình to lớn, còn tên kia ốm yếu dài ngoằng. Một cô nàng yểu điệu đang đấm bóp cho tên ốm yếu. Chu Ỷ muốn quát gọi Tào Tư Bằng ra ngoài, nhưng bỗng thấy hán tử to cao phẩy tay một cái. Cô ả kia đứng dậy, mỉm cười nói: “Hai vị đại ca lại muốn thương lượng những chuyện hại người nữa rồi phải không? Lo mà tích đức cho con cháu đi, nếu không sau này đẻ con không có hậu môn thì khốn đấy!”
Hán tử cao to vừa cười vừa mắng: “Về mà ngửi cái hậu môn thúi của mẹ cô đi.” Cô ả cũng cười, ra ngoài đóng chặt cửa lại, đi ra nhà sau. Chu Ỷ nghĩ bụng: “Ả này chắc là Tiểu Mai Quế. Thật là đồ mặt dày, nhưng kể ra ả nói cũng có lý.”
Trong phòng, hán tử to cao lấy ra bốn thỏi bạc đặt trên bàn rồi nói: “Tào lão ca, đây là hai trăm lượng bạc. Chúng ta đã thương lượng lâu rồi, vẫn giá cũ nhé.”
Gã ốm đáp lời: “Đường lục gia! Mấy ngày nay quân binh đi qua huyện thành chúng ta, Lục gia được giao cung ứng quân lương, thế là phát tài thêm một món nữa rồi.” Chu Ỷ nghe mấy câu này vừa mừng vừa giận. Nàng mừng là cái tên thạch tín bọc đường cũng ở đây, không cần phải vất vả đi tìm nữa. Còn giận là vì đạo quân kia đã làm mình cực khổ như vậy, mà tên này còn giúp đỡ chúng hãm hại người khác.
Hán tử cao to nói: “Bọn dân đen cũng láu cá lắm. Huynh tưởng là chúng ngoan ngoãn nộp lương thảo cho đệ hay sao? Mấy ngày nay đệ chạy đông chạy tây, mệt chết cả người.”
Tên ốm nói: “Lão đệ mang hai gói thuốc này về, tha hồ mà khỏe lại. Gói giấy đỏ thì cho con nhỏ kia uống, chỉ chốc lát là bất tỉnh nhân sự. Lúc đó lão đệ muốn làm gì thì làm, không cần ta chỉ bảo nữa.” Hai gã phá lên cười khả ố.
Tên ốm lại tiếp: “Còn gói giấy đen thì cho thằng lỏi kia uống. Lão đệ nói là thuốc trị thương cho hắn, nhưng hắn uống vào thì vết thương sẽ chảy máu đến chết. Người khác nghĩ là vết thương vỡ miệng làm chết người, chứ không ai nghi ngờ là lão đệ hạ thủ. Lão đệ thấy ta tính toán thế nào?”
Gã kia lập tức tán dương: “Cao minh, cao minh!”
Tên ốm nói: “Lục gia! Lão đệ phen này được cả gái lẫn tiền mà chỉ cho ta có hai trăm lạng bạc, hình như hơi ít đấy.”
Gã kia nói: “Tào đại ca! Huynh đệ chúng ta là người tử tế, không nói lời ám muội. Con nha đầu kia thật là xinh đẹp, nó ăn mặc như đàn ông mà ta còn dằn lòng không nổi, huống chi sau này được nhìn thấy nó cởi đồ. Ha ha, thịt mỡ đưa đến miệng, không biết hưởng thụ thì người ta sẽ lôi tổ tông mười tám đời nhà họ Đường ra mà chửi không biết dạy con cháu. Còn thằng nhãi kia thì thật sự chẳng có bao nhiêu tiền bạc, chỉ vì hai đứa đi chung, đã muốn chiếm lấy con nha đầu kia thì không thể cho hắn sống.”
Gã ốm hỏi: “Không phải lão đệ nói hắn có một cây sáo đúc bằng vàng hay sao? Chỉ cây sáo đó thôi, ít ra cũng được mấy cân rồi chứ?”
Hán tử cao to đáp: “Được rồi, được rồi! Tiểu đệ chồng thêm cho huynh năm chục lạng.” Hắn nói xong, đặt thêm một thỏi bạc lên bàn.
Chu Ỷ càng nghe càng giận, phóng cước đá bật cửa phòng chạy thẳng vào trong. Hán tử to cao kêu lên một tiếng, phóng cước đá vào cổ tay cầm đao của nàng. Chu Ỷ xoay đơn đao lại, thuận tay chặt gãy chân phải hắn, rồi trở mủi đao đâm một nhát thấu tim.
Gã ốm ngồi bên hoảng sợ ngẩn người, thân mình run rẩy, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Chu Ỷ rút đao ra khỏi xác chết, lau sạch vết máu, rồi đưa tay trái nắm lấy ngực áo gã ốm quát hỏi: “Ngươi chính là Tào Tư Bằng phải không?”
Đầu gối gã ốm kia nhũn ra, quì dưới đất nói: “Xin… Xin cô nương tha mạng… tiểu nhân không dám nữa.”
Chu Ỷ nói: “Ai thèm lấy mạng ngươi? Đứng dậy!”
Tào Tư Bằng run rẩy đứng dậy, nhưng hai chân bủn rủn đứng không nổi lại khuỵu xuống. Chu Ỷ lấy hai gói thuốc và năm thỏi bạc cất vào bọc rồi bảo: “Đi ra.”
Tào Tư Bằng không biết nàng muốn gì, nhưng cũng chỉ còn cách từ từ đi ra ngoài, mở cửa lớn. Tú bà nghe tiếng động trong phòng, hỏi Tào Tư Bằng nhưng hắn không dám lên tiếng. Chu Ỷ kèm hắn đi lấy ngựa, rồi hai người lên ngựa chạy ra khỏi thị trấn.
Chu Ỷ nắm dây cương ngựa hắn, gằn giọng: “Nếu ngươi dám kêu một tiếng, thì ta lập tức cắt cái đầu chó ngươi rớt xuống.”
Tào Tư Bằng vội đáp: “Không… không dám!”
Chu Ỷ giận dữ nói: “Ai nói ta không dám? Ta cắt cho ngươi coi.” Nói xong nàng rút đơn đao ra.
Tào Tư Bằng run rẩy nói: “Không… Không… Không phải cô nương không dám… Là… Là tiểu nhân không dám.”
Chu Ỷ bật cười, cất đao vào bọc nghĩ bụng: “Quả thực ta không dám cắt cái đầu chó của ngươi. Cắt rồi thì ai trị bệnh cho huynh ấy đây.”
Không đầy hai canh giờ, hai người đã về đến nhà bà lão. Chu Ỷ đến bên giường Từ Thiên Hoằng, thấy chàng vẫn nằm thiêm thiếp, mặt mũi đỏ bừng, người nóng hầm hập. Nàng đẩy Tào Tư Bằng tới, nói: “Vị ca ca này đã bị thương. Ngươi mau trị bệnh cho huynh ấy đi.”
Tào Tư Bằng biết đối phương muốn nhờ mình trị bệnh, bấy giờ mới yên tâm trở lại, không đến nỗi kinh tâm động phách như trước. Hắn bắt mạch cho Từ Thiên Hoằng, rồi cởi băng vải trên vai chàng ra xem. Khám xong, hắn nhìn sắc mặt chàng lắc đầu quầy quậy rồi nói: “Huyết khí vị gia gia này rất yếu, hư hỏa đã bốc lên…”
Chu Ỷ ngắt lời: “Ai cần ngươi nói mấy chuyện đó? Chỉ cần trị bệnh huynh ấy cho tốt, trị không lành thì đừng hòng rời khỏi chỗ này.”
Tào Tư Bằng nói: “Để tiểu nhân về thị trấn lấy thuốc, không có thuốc thì chẳng làm được gì cả.”
Bấy giờ Từ Thiên Hoằng đã tỉnh lại một chút, nằm nghe hai người cãi vã. Chu Ỷ hỏi: “Ngươi tưởng ta là con nít ba tuổi hay sao? Ngươi kê toa đi, để ta đi bốc thuốc.”
Tào Tư Bằng không làm gì được, đành chịu thua: “Vậy nhờ cô nương đi lấy bút mực để tiểu nhân kê toa.”
Nơi hoang dã nghèo nàn này kiếm đâu ra bút mực. Chu Ỷ chau mày không biết phải làm sao. Tào Tư Bằng đắc ý nói: “Bệnh tình vị gia gia này không thể chờ đợi thêm nữa. Cứ để tiểu nhân về thị trấn lấy thuốc là tốt nhất.”
Từ Thiên Hoằng lên tiếng: “Muội muội! Muội lấy một cây củi đốt thành than, viết lên giấy bản. Không có giấy thì viết lên ván gỗ cũng được.”
Chu Ỷ mừng rỡ: “Ca ca đúng là lắm mưu nhiều kế.” Nàng theo lời Từ Thiên Hoằng đốt một miếng than, rồi xin bà lão được một tờ giấy vàng dùng để thắp hương cúng Phật. Tào Tư Bằng đành phải kê toa.
Chu Ỷ đợi hắn viết xong, rồi tìm một sợi dây trói ngược cả tay chân hắn vào cạnh giường. Nàng để đơn đao của Từ Thiên Hoằng cạnh gối chàng, rồi dặn bà lão: “Cháu vào thị trấn bốc thuốc. Nếu tên cẩu đại phu này muốn chạy trốn thì bà gọi ca ca của cháu dậy, chặt đầu hắn trước rồi tính sau.”
Chu Ỷ cưỡi ngựa vào thị trấn, tìm được một tiệm bán thuốc. Nàng gọi cửa, hốt mười mấy thang thuốc tổng cộng là một lạng ba tiền. Lúc sờ vào túi, nàng mới biết là vội vã quên cả mang tiền, năm thỏi bạc đã để ở nhà bà lão, liền nói: “Cho ta nợ, lát nữa đem tiền tới trả.”
Người giúp việc trong tiệm lo lắng kêu lên: “Cô nương, không được đâu. Cô không phải là người vùng này, huống chi bổn tiệm vốn liếng cũng eo hẹp lắm.”
Chu Ỷ giận dữ nói: “Thế thì chỗ thuốc này coi như ta mượn, sau này ngươi bệnh ta sẽ đem trả cho ngươi.”
Người giúp việc nói: “Đây là thuốc trị thương. Tiểu nhân đâu có bị thương bao giờ?”
Chu Ỷ lại càng giận dữ: “Chẳng lẽ ngươi bị đao chém cũng bình an vô sự hay sao?” Nàng rút đơn đao nghe soạt một tiếng, hét lên: “Ta thử thí nghiệm một đao xem ngươi có bị thương hay không.” Gã kia thấy lưỡi đao sáng loáng trước mặt, hai chân bủn rủn ngồi bẹp xuống đất, rồi chui ngay vào gầm bàn.
Chu Ỷ là thiên kim tiểu thư con nhà gia thế, khác hẳn Lạc Băng. Hôm nay nàng dùng vũ lực ép người lấy thuốc là chuyện bất đắc dĩ. Đây là lần đầu tiên trong đời nàng làm thế, nên cảm thấy rất khó chịu trong lòng, im lặng lấy thuốc rồi lên ngựa. Lúc này trời đã sáng dần, dọc đường đầy bọn quan sai địa phương qua lại tuần tra. Chu Ỷ biết vụ án giết thạch tín bọc đường đã bị phát giác, bèn nép vào một góc chờ vắng người mới cho ngựa chạy thật nhanh, về tới nhà bà lão thì trời sáng hẳn. Nàng cùng với bà lão sắc thuốc, rót vào cái chén mẻ mang tới bên giường Từ Thiên Hoằng, gọi chàng dậy uống thuốc.
Từ Thiên Hoằng thấy đầu nàng vừa đen bồ hóng vừa đẫm mồ hôi, tóc vương đầy cỏ thì nghĩ thầm: “Chắc nàng chưa bao giờ phải làm những việc đun nấu thế này.” Chàng không nén nổi cảm kích, ngồi dậy đón lấy chén thuốc, nhưng chợt nảy ra một ý, liền đẩy chén thuốc đến trước mặt Tào Tư Bằng nói: “Ngươi uống hai hớp trước đi.”
Tào Tư Bằng hơi chần chừ. Chu Ỷ chưa hiểu ý Từ Thiên Hoằng, nhưng cũng hùa theo: “Đúng, đúng, bắt hắn uống trước là phải. Huynh chưa biết đâu, tên này tồi tệ lắm.”
Tào Tư Bằng chỉ còn cách mở miệng uống hai hớp thuốc. Từ Thiên Hoằng nói: “Muội muội! Muội ngồi nghỉ một chút, thuốc này lát nữa hãy uống.”
Chu Ỷ hỏi: “Tại sao vậy?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Xem thử hắn có chết hay không.”
Chu Ỷ đồng tình: “Đúng vậy. Nếu hắn chết thì thuốc này không uống được.” Nàng bèn cầm đèn dầu rọi vào Tào Tư Bằng, trừng mắt nhìn chằm chặp xem hắn có chết hay không.
Tào Tư Bằng cười khổ nói: “Đã là đại phu thì phải có tấm lòng cắt thịt chữa người, sao có thể hại người được?”
Chu Ỷ giận dữ nói: “Ngươi lén lút thương lượng với Đường Thạch Tín mưu hại cô nương nhà người ta, mưu lấy kim địch của người ta, những chuyện này ta nghe thấy hết. Bây giờ lại còn oai phong lỗ miệng ư?”
Từ Thiên Hoằng nghe thấy hai chữ “kim địch”, vội vàng hỏi rõ. Chu Ỷ kể lại mọi chuyện, cả chuyện mình giết gã thạch tín bọc đường kia. Nói đến đây, nàng sực nhớ liền chạy ra ngoài thuật lại với bà lão chuyện mình vừa trả thù cho con trai và con dâu bà. Bà lão nước mắt giọt ngắn giọt dài, vừa khóc vừa cảm ơn, miệng không ngừng niệm phật.
Từ Thiên Hoằng đợi Chu Ỷ quay vào mới hỏi Tào Tư Bằng: “Người cầm ống sáo vàng trông như thế nào? Còn nữ nhân cải nam trang kia là ai?”
Chu Ỷ rút đơn đao ra uy hiếp: “Nếu ngươi không nói rõ ràng thì lưỡi đao này kết liễu ngươi ngay.”
Tào Tư Bằng cực kỳ sợ hãi nói: “Tiểu… tiểu nhân nói thật… Hôm qua Đường lục gia đến tìm tiểu nhân, nói rằng trong nhà hắn có hai người đến tá túc, một người bị thương nặng, người kia là một thiếu niên tuấn tú đẹp trai. Hắn không muốn giữ họ lại, nhưng thấy thiếu niên kia đẹp kỳ lạ nên mới cho nghỉ nhờ một đêm. Sau này nghe thiếu niên đó ăn nói nhỏ nhẹ dịu dàng, cử chỉ thần sắc giống như con gái, lại không chịu ở cùng phòng với hán tử bị thương, nên hắn mới đoán là nữ cải nam trang.”
Chu Ỷ nói: “Vì thế mà hắn đến mua thuốc của ngươi phải không?”
Tào Tư Bằng ấp úng: “Tiểu nhân đáng chết.”
Từ Thiên Hoằng hỏi: “Hán tử kia dáng vẻ như thế nào?”
Tào Tư Bằng đáp: “Đường lục gia có gọi tiểu nhân xem thử. Người đó khoảng hai ba hai bốn tuổi, ăn mặc kiểu văn sĩ, trên người bị đao và côn đả thương bảy tám chỗ.”
Từ Thiên Hoằng lại hỏi: “Bị thương có nặng lắm không?”
Tào Tư Bằng đáp: “Hơi nặng nhưng đều là ngoại thương cả, không có vết thương nào trí mạng.”
Từ Thiên Hoằng cảm thấy không hỏi thêm gì được, bèn đưa tay bê chén thuốc uống. Không ngờ chàng yếu quá, tay run rẩy làm thuốc sánh ra ngoài. Chu Ỷ thấy vậy liền giành lấy chén thuốc, kề lên miệng chàng. Từ Thiên Hoằng uống hết chén thuốc rồi nói: “Đa tạ.”
Tào Tư Bằng nghe vậy nghĩ thầm: “Hai tên này không phải là huynh muội. Làm gì có ông anh nào đa tạ vì em gái mình sắc thuốc?”
Từ Thiên Hoằng uống hết chén thuốc rồi ngủ một giấc, mồ hôi toát ra đầm đìa. Đến chiều chàng lại uống thêm một chén nữa. Nhân phẩm Tào Tư Bằng tuy tồi tệ nhưng y thuật lại khá cao minh, quả nhiên chữa được bệnh cho chàng. Sáng hôm sau Từ Thiên Hoằng đã có thể bước xuống giường.
Lại thêm một ngày nữa, Từ Thiên Hoằng nghĩ mình đã ráng cưỡi ngựa được, liền nói với Chu Ỷ: “Người cầm kim địch chính là Thập tứ đệ của ta, không biết tại sao lại lạc vào nhà tên ác bá đó. Tuy hắn đã bị cô giết chết, trước mắt không có gì đáng lo ngại, nhưng ta vẫn không yên tâm. Tối nay chúng ta đi thám thính một chút xem sao.”
Chu Ỷ hỏi: “Người đó là Thập tứ đệ của huynh hay sao?”
Từ Thiên Hoằng nói: “Y đã từng tới Thiết Đảm Trang, cô cũng gặp rồi. Đó chính là người đầu tiên mà tổng đà chủ của ta phái đi thám thính tin tức.”
Chu Ỷ nói: “À ra thế! Nếu biết trước là huynh ấy thì ta đã đón đến đây dưỡng thương cùng huynh rồi. Như vậy không phải tốt hơn hay sao?”
Từ Thiên Hoằng mỉm cười, một lúc bỗng trầm ngâm tự hỏi: “Nữ nhân cải nam trang đó là ai nhỉ?”
Đến xế chiều, Chu Ỷ tặng cho bà lão hai thỏi bạc, bà cảm ơn cả ngàn lần rồi mới chịu nhận lấy. Sau đó Chu Ỷ nhấc bổng Tào Tư Bằng lên, đưa đao xẻo vành tai phải của hắn rơi xuống đất, hét lớn: “Vì ngươi đã chữa trị cho ca ca ta nên ta mới tha cái mạng chó này. Nếu sau này ngươi tiếp tục làm chuyện bậy bạ thì cứ nhìn gương gã thạch tín bọc đường, một đao là mất mạng.”
Tào Tư Bằng đưa tay bịt vết thương, rên rỉ luôn mồm: “Không dám.”
Chu Ỷ nạt: “Ai nói ta không dám?”
Tào Tư Bằng xua tay lia lịa: “Không phải! Không phải cô nương không dám mà là tiểu nhân không dám.”
Từ Thiên Hoằng lên tiếng: “Ba tháng sau chúng ta sẽ quay lại đây, khi đó sẽ đến bái phỏng Tào đại phu.”
Tào Tư Bằng lại nói: “Không dám! Không dám! À không phải! Không phải đại gia không dám bái phỏng, mà tiểu nhân không dám, không dám không đón tiếp.”
Chu Ỷ bảo: “Huynh lấy ngựa hắn mà cưỡi, chúng ta đi thôi.”
Hai người lên ngựa đi về hướng Văn Quang trấn. Dọc đường Chu Ỷ hỏi: “Ba tháng sau chúng ta trở lại đây để làm gì?”

Từ Thiên Hoằng đáp: “Ta gạt tên đại phu đó để hắn khỏi làm khó dễ lão bà.”
Chu Ỷ gật đầu, đi thêm một đoạn lại hỏi: “Tại sao lúc nào huynh cũng xảo quyệt lừa gạt người khác? Ta chẳng thích như vậy chút nào.”
Từ Thiên Hoằng không đáp ngay được, hồi lâu mới nói: “Cô nương chưa biết, nhân vật giang hồ lòng dạ xảo trá khó lường. Đối với bạn bè thì đương nhiên phải lấy nhân nghĩa làm đầu, nhưng đối với tiểu nhân mà cô nương thật lòng thì chỉ tổ chuốc lấy thiệt thòi, bị lừa mất mạng cũng nên.”
Chu Ỷ nói: “Gia gia ta vẫn dạy, thà mình chịu thiệt thòi một chút chứ không được hiếp đáp người khác.”
Từ Thiên Hoằng gật gù: “Đó chính là điểm hơn người của gia gia cô nương. Vì thế mà trong giang hồ bất kể hắc đạo hay bạch đạo, bất kể quan lại hay lục lâm, không ai không coi Thiết đảm trang Chu lão gia là anh hùng hảo hán đại nhân đại nghĩa, mọi người đều muôn phần thán phục.”
Chu Ỷ hỏi: “Sao huynh không học theo gia gia ta?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Chu lão gia tử bản tính nhân hậu. Con người tính tình xảo quyệt cổ quái như ta làm sao mà học được?”
Chu Ỷ nói: “Ta ghét nhất là tính khí xảo quyệt cổ quái như huynh. Gia gia vẫn nói, chỉ cần mình đối xử tốt với người ta là đương nhiên người ta cũng đối xử tốt với mình.”
Từ Thiên Hoằng ngẫm nghĩ, nhất thời không biết nói gì. Chu Ỷ hỏi: “Sao? Huynh không vui rồi hả? Lại muốn tìm cách trêu ghẹo ta phải không?”
Từ Thiên Hoằng bắt chước giọng lưỡi Tào Tư Bằng: “Không dám! Không dám! Là tiểu nhân không dám, không phải cô nương không dám.”
Chu Ỷ phì cười: “Người tốt không chịu học, lại đi học tên cẩu đại phu kia.”
Từ Thiên Hoằng mỉm cười: “Cẩu đại phu là gì? Chó có biết làm đại phu đâu?”
Chu Ỷ cười đắc ý: “Không phải chó làm đại phu, mà là đại phu trị bệnh cho chó.”
Hai người dọc đường đùa giỡn, không lúc nào rầu rĩ. Sau phen hoạn nạn này đương nhiên Từ Thiên Hoằng cảm kích Chu Ỷ vô cùng, còn Chu Ỷ sợ vì mình có ân huệ nên người ta phải cố ý nhẫn nhịn, nên lúc nào cũng ráng khiêm nhường một chút. Nàng nói: “Trước đây ta cứ nghĩ rằng tính xấu của huynh đã ăn vào đến xương tủy. Nào ngờ…”
Từ Thiên Hoằng hỏi: “Nào ngờ cái gì?”
Chu Ỷ tiếp: “Bây giờ ta nghĩ, trước đây huynh chỉ cố ý giả vờ xảo quyệt. Tại sao lúc nào huynh cũng một mực chống đối ta? Con người như ta ai nhìn thấy cũng phải tức, có phải vậy không?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Người tốt hay xấu, khi mới quen biết vẫn thường lầm. Lúc đầu ta đâu có biết bụng dạ cô tốt như thế này?”
Chu Ỷ hỏi lại: “Lúc đó huynh nghĩ ta là con nha đầu vừa kiêu ngạo vừa nhỏ mọn có phải không?” Từ Thiên Hoằng cười cười không đáp.
Hai người đợi trời tối hẳn mới vào Văn Quang trấn, tìm đến nhà Đường Thạch Tín, tung người nhảy qua tường vào trong thám thính. Từ Thiên Hoằng bắt một tên tuần canh hăm dọa, hỏi tung tích Dư Ngư Đồng. Hắn nói: “Đường lục gia bị đại phu Tào Tư Bằng giết chết ở nhà Tiểu Mai Quế, trong nhà rối loạn lung tung. Sáng hôm sau hai người tá túc đó đã bỏ đi rồi.”
Chu Ỷ đề nghị: “Chúng ta đuổi theo họ đi.”* * *
Không đầy một ngày hai người đã đi qua Cao Lan. Đi thêm hai ngày nữa thì Từ Thiên Hoằng phát hiện dọc đường có ký hiệu Trần Gia Lạc để lại, cho biết mọi người đến Khai Phong, hẹn gặp nhau tại nhà Mai Lương Minh, liền nói với Chu Ỷ. Chu Ỷ nghe tin mọi người vô sự, hết sức mừng rỡ. Bây giờ nàng mới yên tâm, hết lo lắng cho gia gia bèn đi mua ba cân rượu uống một bữa thoải mái.
Lúc này vết thương trên vai Từ Thiên Hoằng đã lành hẳn, sức lực hồi phục. Hai người vừa đi đường vừa nói chuyện, Từ Thiên Hoằng kể mấy giai thoại võ lâm, rồi mang một số điều cấm kỵ trên giang hồ ra giải thích tường tận. Chu Ỷ nghe rất thích thú, cứ cằn nhằn sao họ Từ không nói những chuyện đó sớm hơn mà cứ lo chặn họng, gây sự với người ta.
Chẳng bao lâu đã đến Đồng Quan. Hai người tìm chỗ nghỉ ngơi, biết Duyệt Lai khách điếm là chỗ đàng hoàng hơn cả, nhưng đến đó hỏi mới biết chỉ còn một phòng tốt. Từ Thiên Hoằng lấy một xâu tiền nhét vào tay tiểu nhị, bảo hắn tìm cách kiếm thêm một phòng nữa. Tiểu nhị lắc đầu hỏi lại: “Những phòng khác đã có người trọ hết rồi. Chẳng hay đại gia cùng vị cô nương này xưng hô thế nào?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Đó là tiểu muội ta.”
Tiểu nhị nói: “Đã là huynh muội thì ở chung một phòng đâu có sao.”
Chu Ỷ giận dữ gắt: “Không được nói nhiều.”
Chưa nói dứt, Từ Thiên Hoằng đã khẽ giật chéo áo nàng rồi nói: “Được, một phòng thì một phòng.” Dọc đường Chu Ỷ thấy chàng hết sức giữ lễ với mình, thật sự là một nam tử hán đường hoàng. Thế mà bây giờ chàng đòi ở cùng phòng, nàng không khỏi vừa xấu hổ vừa nghi ngờ, nhưng trước mặt tiểu nhị không sao lên tiếng được.
Vừa bước vào phòng, Từ Thiên Hoằng lập tức đóng cửa. Chu Ỷ đỏ mặt, định chất vấn, Từ Thiên Hoằng liền ra hiệu cho nàng đừng lên tiếng rồi thì thầm: “Vừa rồi cô có nhìn thấy tên khốn kiếp ở Trấn Viễn tiêu cục không?”
Chu Ỷ giật mình hỏi lại: “Cái gì? Cái gã dẫn người đến bắt Văn tứ gia và hại chết em trai ta ư?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Lúc đó ta liếc qua thấy hình như là hắn, cũng không chắc lắm, vì ta sợ bại lộ hành tung nên phải nhanh chóng về phòng. Lát nữa sẽ thăm dò lại.”
Tiểu nhị đem trà vào, hỏi hai người cần ăn uống gì không. Từ Thiên Hoằng dặn dò xong xuôi bèn hỏi: “Mấy vị đại gia ở Trấn Viễn tiêu cục Bắc Kinh cũng ở đây phải không?”
Tiểu nhị nói: “Đúng thế. Mỗi lần đi ngang Đồng Quan họ đều trọ lại đây.”
Từ Thiên Hoằng đợi tiểu nhị ra ngoài mới nói: “Tên Đồng Triệu Hòa này hết sức ác ôn. Tối nay chúng ta làm thịt hắn trước để trả thù cho tiểu đệ cô và Tứ ca ta.”
Chu Ỷ nghĩ đến em mình chết thảm, nghĩ đến Thiết Đảm Trang cháy trụi, giận dữ xung thiên. Nếu Từ Thiên Hoằng không ráng sức khuyên ngăn thì nàng đã xách đao xông ra rồi. Từ Thiên Hoằng khuyên: “Cô nên nghỉ ngơi trước đã. Hãy chuẩn bị tinh thần, nửa đêm chúng ta ra tay cũng không muộn.”
Chàng nói xong gục đầu lên bàn mà nghỉ, không nhìn Chu Ỷ cái nào nữa. Chu Ỷ cũng bình tĩnh lại, lên giường ngồi điều tức. Khó khăn lắm nàng mới chờ được đến canh hai, không nhịn nổi nữa liền rút đao ra nói: “Đi thôi.”
Từ Thiên Hoằng nói nhỏ: “Bọn chúng người đông thế mạnh, e rằng không ít cao thủ. Ta nên thám thính trước, tìm cách dụ tên khốn đó ra ngoài rồi tính sổ với hắn.” Chu Ỷ gật đầu đồng ý.
Hai người ra sân quan sát, thấy căn phòng hướng đông có ánh đèn. Từ Thiên Hoằng vẫy tay ra hiệu, hai người nhẹ nhàng tới đó. Chu Ỷ tìm thấy một khe hở trên cửa sổ, liền ghé mắt nhìn vào bên trong.
Từ Thiên Hoằng nắm chặt binh khí đứng phía sau canh chừng, thấy nàng đột nhiên đứng bật dậy, phóng chân trái đá vào cánh cửa sổ. Chàng giật mình, vội lạng người ra cản trước mặt Chu Ỷ. Nàng vội co chân lại để khỏi đá trúng ngực Từ Thiên Hoằng. Đòn cước này lực đạo rất mạnh, Chu Ỷ phải cố hết sức mới thu lại được, không đứng vững phải lùi mấy bước.
Từ Thiên Hoằng nhảy tới giữ nàng lại, hỏi nhỏ: “Cái gì thế?”
Chu Ỷ giục: “Ra tay nhanh lên! Mẹ ta đang bị bọn chúng trói trong đó.”
Từ Thiên Hoằng kinh hãi nói: “Mau về phòng thương lượng.”
Về tới phòng, Chu Ỷ giận dữ hỏi: “Còn thương lượng gì nữa? Mẹ ta bị bọn khốn đó bắt rồi.”
Từ Thiên Hoằng tìm lời trấn an: “Cô nên bình tĩnh, ta đảm bảo sẽ cứu được mẹ cô. Trong phòng có bao nhiêu người?”
Chu Ỷ đáp: “Khoảng sáu bảy người.”
Từ Thiên Hoằng nghiêng đầu suy nghĩ một lúc. Chu Ỷ tức tối lên tiếng: “Việc gì phải sợ? Huynh không đi thì ta đi một mình.”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Không phải ta sợ, mà đang nghĩ cách để vừa cứu được mẹ cô vừa giết được tên gian tặc đó. Hai việc này phải chu toàn một lúc mới khỏi uổng công.”
Chu Ỷ nói: “Cứu mẫu thân là gấp, còn thằng khốn kia giết muộn một chút cũng chẳng hề gì.”
Ngay lúc đó có tiếng bước chân vọng tới, Từ Thiên Hoằng vội đưa tay ra hiệu cho nàng im lặng. Có người đi ngang cửa phòng, trong miệng lẩm bẩm oán trách: “Nửa đêm rồi, không ngủ thẳng cẳng đi còn rượu chè cho lắm vào. Con mẹ nó! Bồ tát hiển linh xin trừng phạt bọn bảo tiêu này, dọc đường gặp cường địch cướp sạch tiêu ngân.”
Từ Thiên Hoằng nghe tên tiểu nhị trù ẻo, đoán là đám tiêu sư bắt hắn kiếm rượu giữa đêm khiến hắn tức tối. Chàng suy nghĩ một chút rồi hỏi Chu Ỷ: “Tên cẩu đại phu kia có hai gói thuốc, cô có đem theo hay không? Trong đó có một gói mà hắn nói là uống vào bất tỉnh nhân sự, mau đưa cho ta.”
Chu Ỷ không hiểu ý chàng, nhưng cũng lấy ra rồi hỏi: “Huynh định làm gì vậy?” Từ Thiên Hoằng không đáp, vẫy nàng một cái rồi nhảy ra ngoài cửa sổ. Chu Ỷ vội vã chạy theo.
Từ Thiên Hoằng chạy vòng ra hành lang, nói nhỏ: “Cúi xuống, đừng nhúc nhích.” Chu Ỷ nghi ngờ trong bụng, không hiểu chàng định bày trò gì. Nàng đợi mãi không thấy gì lạ, đang muốn hỏi thì bỗng thấy ánh sáng le lói, thì ra tên tiểu nhị đang cầm nến bưng một cái khay đi tới.
Từ Thiên Hoằng lượm một hòn đá nhỏ ném tới, ngọn nến tắt phụt. Tên tiểu nhị kinh hãi la lên: “Đúng là gặp ma rồi. Chẳng có chút gió nào mà nến lại tắt.” Hắn để chiếc khay xuống đất, quay về tìm lửa.
Từ Thiên Hoằng đợi hắn đi khuất, nhảy lẹ ra, đập đá lửa chiếu sáng. Chàng thấy trong khay có hai bình rượu, liền chia gói thuốc đó làm hai phần đổ vào hai bình, rồi bảo Chu Ỷ: “Tới chỗ bọn chúng đi.”
Hai người vòng ra phía sau phòng bọn tiêu sư ngồi đợi. Từ Thiên Hoằng nhìn vào cửa sổ, quả nhiên thấy một phụ nữ trung niên bị trói hai tay đặt ngồi dưới đất. Hai người ngồi bên bàn đàm luận gì đó, một là Thiết tỳ bà thủ Hàn Văn Xung, một là Tiền Chính Luân. Ngoài ra còn có Đồng Triệu Hòa và bốn tiêu sư chàng chưa biết mặt.
Đồng Triệu Hòa đang nói đến chỗ cao hứng: “Nhắc đến Thiết Đảm Trang thì giang hồ đều coi là chỗ tường đồng vách sắt, nào ngờ lão tử chỉ dùng một ngọn đuốc mà đốt sạch sành sanh. Vậy mới gọi là Đồng Triệu Hòa đốt cháy Thiết Đảm Trang, Chu Trọng Anh khóc như mưa lụt đất.”
Chu Ỷ đứng ngoài cửa sổ, tận tai nghe rõ hắn huênh hoang. Từ Thiên Hoằng sợ nàng nổi giận, phải quay đầu lại ra hiệu đừng manh động.
Hàn Văn Xung cũng bực mình, quay lại bảo: “Lão Đồng! Ngươi đừng ngồi đó mà khoác lác. Lão Chu Trọng Anh kia ta đã từng gặp, nếu mặt đối mặt giao đấu thì bảy người chúng ta hợp sức chưa chắc là đối thủ của lão. Sẽ có lúc lão tìm đến tiêu cục, lúc đó ngươi sẽ biết thế nào là khóc như mưa lụt đất.”
Đồng Triệu Hòa nói: “Cứ chờ xem, chúng ta đang có phước tinh hộ mạng. Con mụ này tự chuốc họa vào thân. Mụ nằm trong tay chúng ta, để coi lão dám làm gì.” Nói đến đây, tiểu nhị đã bưng rượu vào phòng.
Bọn tiêu sư bày tiệc đánh chén no say. Hàn Văn Xung chẳng cao hứng gì, nhưng Đồng Triệu Hòa không ngừng mời mọc: “Hàn đại ca! Hảo hán cũng không địch nổi đông người, huynh thua bọn chúng một trận cũng đâu phải là chuyện lớn? Lần sau chúng ta hẹn ước đường hoàng, lấy một chọi một với Hồng Hoa Hội để phân cao thấp một phen.”
Một tên tiêu sư cười hỏi: “Chúng ta một đối một thì tạm được, còn lão Đồng thì đấu với ai?”
Đồng Triệu Hòa đáp: “Ta đi tìm vợ con chúng…” Hắn nói chưa dứt câu, đột nhiên lăn ra đất. Bọn kia giật mình tới dìu hắn dậy, nhưng tay chân cũng bủn rủn hết, từng tên gục xuống.
Lúc này Từ Thiên Hoằng mới lấy đơn đao đâm vào khe cửa sổ, nạy cửa ra nhảy vào trong phòng. Chu Ỷ theo sau chàng, chỉ mới gọi một tiếng “Mẫu thân!” là mắt đã có ngấn nước. Nàng cắt hết dây trói tay mẹ. Chu phu nhân nhìn thấy con gái mà tưởng đang nằm mơ, không nói được lời nào.
Từ Thiên Hoằng nhấc Đồng Triệu Hòa lên, bảo Chu Ỷ: “Chu cô nương! Hãy trả thù cho tiểu đệ cô đi!” Chu Ỷ vung đao đâm xuyên qua ngực Đồng Triệu Hòa, hắn mất mạng ngay lập tức. Tên gian ác này suốt đời làm việc thất đức, thọc gậy không biết bao nhiêu bánh xe, hại không biết bao nhiêu người, rốt cuộc đã tán mạng dưới tay Từ Thiên Hoằng và Chu Ỷ.
Chu Ỷ muốn giết sạch bọn tiêu sư, nhưng Từ Thiên Hoằng ngăn lại: “Bọn này tội chưa đáng chết, tha chúng một lần đi.” Chu Ỷ vâng lời thu đao lại.
Chu phu nhân biết con gái mình xưa nay ngang bướng, đã quyết định làm gì thì không ai cản nổi. Chỉ có Chu Trọng Anh còn đôi lúc khuyên được nàng, còn người khác thì đừng hòng. Bây giờ bà thấy con gái nghe lời Từ Thiên Hoằng, không khỏi thấy kỳ lạ.
Từ Thiên Hoằng lục soát trên người bọn tiêu sư, tìm được mấy lá thư. Chàng không kịp đọc, nhét hết vào bọc rồi giục: “Chúng ta mau về phòng thu dọn đồ đạc, đi ngay thôi.”
Ba người nhảy ra cửa sổ trở về phòng. Từ Thiên Hoằng thu dọn hành lý, đặt ít bạc vụn lên bàn coi như trả tiền ăn nghỉ, rồi đến chuồng ngựa dắt ba con ngựa ra. Ba người chạy về hướng đông* * *
Chu phu nhân thấy con gái mình đi chung với Từ Thiên Hoằng, lại ngủ chung một phòng, nên càng lúc càng thấy nghi ngờ. Bà cũng là một nữ nhân tính khí nóng nảy, không nhịn được hỏi ngay: “Gia gia ngươi đâu? Gã này là ai? Sao ngươi lại đi chung với y? Không biết gia gia hay nổi nóng hay sao?”
Chu Ỷ đáp: “Mẹ mới là người nổi nóng rời bỏ gia gia. Mẹ chờ một lát rồi hỏi có được không?” Hai mẹ con đều nóng tính, mới nói hai câu đã lớn tiếng ngay. Từ Thiên Hoằng tìm lời khuyên giải, Chu Ỷ bực tức nạt luôn: “Mọi chuyện đều tại huynh cả. Huynh còn muốn nói gì nữa?” Từ Thiên Hoằng cười khổ, quất ngựa chạy trước. Hai mẹ con cũng im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Đêm đó họ tá túc ở nhà một nông dân. Hai mẹ con ngủ chung một phòng, Chu Ỷ bèn kể lại tình hình. Nàng không khéo nói chuyện, lại thêm Chu phu nhân tính tình bộp chộp hỏi vặn lung tung, nên hai người lúc khóc lúc cười, người thì tức tối nghẹn lời, người thì la mắng con mình không biết lễ nghi, mất nửa đêm mới hiểu được tình hình từ lúc rời nhau.
Thì ra Chu phu nhân vì thương xót con trai mà bi phẫn bỏ nhà ra đi, đến nhà bà con họ Hứa ở Cao Lan. Mặc dù chủ nhân tiếp đón ân cần, nhưng bà đang đau khổ, ở không lại càng rầu rĩ, chẳng bao lâu đã rời khỏi đó. Hôm đó bà đến Đồng Quan, trú tại khách sạn Duyệt Lai.
Bà nhìn thấy tiêu kỳ của Trấn Viễn tiêu cục, nhớ đến đại đệ tử Mạnh Kiện Hùng từng nói người khiến con trai mình chết thê thảm là Đồng Triệu Hòa, tiêu đầu Trấn Viễn tiêu cục. Thế là đêm đó bà nhảy vào dò xét. Nghe bọn tiêu sư nói chuyện, biết tên Đồng Triệu Hòa cũng ở trong đó, bà không nhịn được, xông vào động thủ. Nhưng song quyền khó địch bốn tay, rút cuộc bà bị chúng bắt. Bà đã nghĩ mình chắc chắn không thoát chết, nào ngờ con gái đột nhiên xuất hiện.
Chu Ỷ kể lại chuyện báo thù và cứu mẹ hoàn toàn do Từ Thiên Hoằng sắp đặt, Chu phu nhân vô cùng cảm kích.
Ngày hôm sau, dọc đường Chu phu nhân hỏi thân thế Từ Thiên Hoằng. Họ Từ kể: “Vãn bối người Thiệu Hưng tỉnh Triết Giang. Năm mười hai tuổi cả nhà bị quan phủ hại chết, chỉ một mình vãn bối chạy thoát.”
Chu phu nhân hỏi: “Tại sao quan phủ lại hại gia đình các hạ?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Tri phủ Thiệu Hưng thấy tỉ tỉ vãn bối vừa mắt, muốn lấy tỉ tỉ làm vợ bé. Nhưng tỉ tỉ đã đính ước với người khác từ lâu rồi, đương nhiên gia gia vãn bối không đồng ý. Hắn lập tức buộc tội gia gia cấu kết với thổ phỉ, nhốt gia gia, má má và ca ca vào ngục, rồi sai người đi tìm tỉ tỉ vãn bối, nói là chỉ cần tỉ tỉ gật đầu là tha gia gia lập tức. Tỉ phu tương lai của vãn bối biết chuyện, liền đi hành thích tri phủ. Sự việc bại lộ, tỉ phu bị bọn bổ khoái đánh chết. Tỉ tỉ hay tin liền nhảy xuống sông tự tử. Thế là gia gia, má má và ca ca vãn bối không còn đường sống nữa.”
Chu Ỷ nghe đến đó, giận dữ hỏi: “Huynh đã trả thù chưa?”
Từ Thiên Hoằng nói: “Khi ta lớn lên học được võ công, quay về tìm tên tri phủ đó thì hắn đã thăng quan tiến chức, điều động đến nơi khác rồi. Mấy năm nay ta tìm kiếm khắp nơi, nhưng chưa có tin tức gì.”
Chu Ỷ hỏi: “Tên cẩu quan đó tên là gì? Ta quyết không tha cho hắn.”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Chỉ biết hắn họ Phương, hình như tên là Phương Hữu Đức hay Phương Vô Đức gì đó. Má trái hắn có một cái bớt đen, nhìn thấy là nhận ra ngay.”

Chu Ỷ hừ một tiếng. Chu phu nhân lại hỏi chàng đã kết thân với ai chưa, bôn ba giang hồ nhiều năm như thế chẳng lẽ chưa gặp cô nương nào ưng ý. Chu Ỷ mỉm cười nói: “Con người huynh ấy điêu ngoa xảo trá, đâu có cô nương nào chịu thích?”
Chu phu nhân vừa cười vừa mắng nàng: “Con gái lớn rồi mà ăn nói bừa bãi, thật chẳng ra làm sao.”
Chu Ỷ cười khúc khích rồi trêu: “Mẹ muốn làm mai cho huynh ấy có phải không? Cô nương nhà nào thế? Có phải muội muội nhà họ Hứa không?”
Đêm hôm đó họ nghỉ lại khách sạn. Chu phu nhân trách con: “Con là khuê nữ mà ngủ chung phòng với nam nhân, làm sao lấy người khác được?”
Chu Ỷ cãi: “Huynh ấy bị thương, con cứu huynh ấy là sai hay sao? Huynh ấy tuy quỉ kế đa đoan nhưng đối với con hết sức đàng hoàng.”
Chu phu nhân nói: “Việc này con biết, hắn biết, mẹ tin, gia gia con tin, nhưng người khác có tin hay không? Nếu sau này con bị chồng nghi ngờ, thì muốn làm người tốt cũng không được nữa. Đó chính là nỗi khổ nhất đời của nữ nhân chúng ta.”
Chu Ỷ nói: “Thế thì suốt đời con không lấy chồng là xong.”
Hai người càng nói càng lớn tiếng, tranh chấp căng thẳng. Chu phu nhân nói: “Gã họ Từ ở ngay cạnh phòng này, để hắn nghe thấy thì không hay chút nào.”
Chu Ỷ gắt: “Nghe thì đã sao? Con có làm điều gì quấy đâu mà sợ người ta nói này nói nọ?”
Sáng hôm sau hai mẹ con thức dậy, tiểu nhị đem vào một lá thư rồi nói: “Từ gia ở phòng bên bảo tiểu nhân đem đến cho phu nhân.”
Chu Ỷ liền hỏi: “Huynh ấy đâu?”
Tiểu nhị nói: “Từ gia nói là có việc cần phải đi trước một chút, sáng sớm đã cưỡi ngựa đi rồi.”
Chu Ỷ lập tức túm lấy cổ áo hắn, quát: “Tại sao ngươi không báo cho chúng ta biết ngay?”
Tiểu nhị hoảng sợ đáp: “Từ gia nói là không cần thông báo, mọi chuyện đều viết trong thư.”
Chu Ỷ buông hắn, mở thư ra đọc: “Chu phu nhân! Chu cô nương! Tại hạ bị thương, rất may được Chu cô nương cứu mạng, đại ân không thể cảm tạ bằng lời. Bây giờ hai người đã đoàn tụ, từ đây đến Khai Phong không còn xa nữa, Thiên Hoằng đi trước một bước mong hai vị đừng trách. Việc Chu cô nương cứu giúp, tại hạ suốt đời không quên. Ơn này ghi nhớ trong lòng, nhất định không nói với ai một câu một chữ, xin hai vị yên tâm. Từ Thiên Hoằng kính bút.”
Chu Ỷ đọc xong, ngơ ngẩn một hồi rồi quăng lá thư đi, về phòng lăn lên giường nằm thẳng cẳng. Chu phu nhân gọi nàng dậy ăn cơm, nàng cũng chẳng nói năng gì, mặc kệ bà. Chu phu nhân lo lắng hỏi: “Đại tiểu thư! Bây giờ chúng ta không ở Thiết Đảm Trang, sao con cứ mang tính đỏng đảnh ra dọa người ta thế?”
Chu Ỷ vẫn mặc kệ. Chu phu nhân lại hỏi: “Con trách Từ gia bỏ đi không nói năng gì phải không?”
Chu Ỷ tức giận đáp: “Huynh ấy làm thế là vì con, sao lại trách huynh ấy được.”
Chu phu nhân hỏi: “Vậy là con đang trách mẹ phải không?” Chu Ỷ lăn người quay mặt vào trong, kéo chăn trùm kín đầu lại. Chu phu nhân lại hỏi: “Con trách mẹ chuyện gì chứ?”
Chu Ỷ ngồi bật dậy: “Những gì tối qua mẹ nói, nhất định huynh ấy nghe hết rồi. Huynh ấy sợ người ta đàm tiếu hại thanh danh con, khiến con không lấy được chồng, nên mới một mình đi trước. Chẳng phải huynh ấy viết trong thư nhất định không nói với ai một câu một chữ hay sao? Chuyện con có lấy được chồng hay không, mẹ có lo lắng thì kệ mẹ. Con nhất định không nghe, nhất định không lấy ai cả.”
Chu phu nhân thấy nàng vừa nói vừa ứa lệ, biết nàng đã có tình cảm với Từ Thiên Hoằng. Chính bản thân nàng cũng chưa hiểu, nhưng trong lúc vô tình đã để lộ hết tâm sự mình ra. Chu phu nhân bèn an ủi: “Mẹ chỉ có một đứa con gái, chẳng lẽ không thương yêu hay sao? Bây giờ chúng ta đến phủ Khai Phong gặp gia gia con, bảo ông ấy đứng ra gả con cho Từ gia. Con yên tâm đi, mọi chuyện mẹ sẽ lo liệu chu toàn.”
Chu Ỷ vội cướp lời: “Ai nói là con cần lấy huynh ấy? Có gì mà không yên tâm chứ? Lần sau đừng nói là bị thương, cho dù huynh ấy chết ngay trước mặt con, con cũng không thèm cứu.”
Đêm qua Từ Thiên Hoằng ở khách sạn, đem mấy lá thư lấy được trên người bọn tiêu sư ra xem. Chàng ngồi dưới đèn đọc tỉ mỉ, chỉ có một lá thư do tổng tiêu đầu Vương Duy Dương của Trấn Viễn tiêu cục viết cho Hàn Văn Xung, giục họ Hàn về kinh gấp để hộ tống báu vật về Giang Nam, ngoài ra không có gì quan trọng nữa. Từ Thiên Hoằng vốn cũng không để ý đến chuyện tranh cãi của hai mẹ con họ Chu ở phòng bên cạnh, nhưng mấy lần nghe nhắc đến tên mình nên phải lắng tai nghe kỹ. Chàng nghe rõ rồi áy náy không yên, tự nghĩ Chu Ỷ vì cứu mình mà mang tiếng thì có lỗi với nàng, bèn viết thư để lại rồi sáng sớm bỏ đi trước.
Chàng vào tỉnh Hà Nam, thấy dân chúng ven sông Hoàng Hà lo lắng vì thấy nước lũ dâng cao. Từ Thiên Hoằng thấy họa lũ sắp đến, âm thầm than thở: “Tuy lũ sông Hoàng Hà là thiên tai, nhưng nếu kẻ cầm quyền dốc lòng hết sức vì dân lo liệu thì chưa chắc không cứu được. Nhưng bọn làm quan đều coi việc trị thủy Hoàng Hà là chùm khế ngọt, hễ lên nhậm chức là ra sức vơ vét chia nhau ngay. Có tên nào xem thiên tai là việc cấp bách phải lo đâu?”
Chàng theo ký hiệu, đến Khai Phong tìm nhà Mai Lương Minh gặp lại quần hùng. Mọi người thấy chàng trở về bình yên đều vô cùng mừng rỡ. Mai Lương Minh thiết yến chiêu đãi. Lúc này vết thương của Chương Tấn, Vệ Xuân Hoa, Tâm Nghiễn đều đã lành hẳn. Thạch Song Anh về Hồi Cương đưa thư chưa trở lại, Thường thị song hiệp còn đang thám thính tung tích Văn Thái Lai, Tưởng Tứ Cân thì đến bờ sông Hoàng Hà xem tình hình nước lũ dâng cao.
Từ Thiên Hoằng hoàn toàn không nhắc đến Chu phu nhân và Chu Ỷ trước mặt Chu Trọng Anh, nghĩ họ cũng sắp đến đây rồi. Chàng sợ ông hỏi tỉ mỉ khó mà trả lời, chỉ nói với quần hùng là dọc đường có nghe tin tức Dư Ngư Đồng, biết chàng bị trọng thương và đi chung với một thiếu nữ cải nam trang không biết là ai. Mọi người bàn tán xôn xao, rốt cuộc cũng không ai đoán được, đều đem lòng lo lắng. Họ chỉ hy vọng Dư Ngư Đồng xưa nay tinh minh lanh lợi, chắc chắn có cách dưỡng thương và tránh địch.
Sáng hôm sau Chu Ỷ tìm đến Mai gia, gặp mọi người và phụ thân mình, ai cũng hân hoan mừng rỡ. Chào hỏi xong xuôi, Chu Ỷ lén gọi Từ Thiên Hoằng: “Huynh qua đây, muội có mấy câu muốn nói.”
Từ Thiên Hoằng hơi ngại, nghĩ rằng cô nương này nhất định sẽ trách mình bỏ đi mà không nói lời từ biệt, sẽ lớn tiếng chửi mắng mình một trận. Chàng bèn quyết định mặc kệ nàng muốn chửi sao thì chửi, mình không nói lại câu nào là xong, rồi đi từ từ đến trước mặt nàng.
Chu Ỷ khẽ nói: “Má má không chịu đến gặp gia gia. Lát nữa huynh nghĩ cách giúp muội.”
Từ Thiên Hoằng yên tâm bèn nói: “Thế thì mời gia gia muội đi gặp bà ấy.”
Chu Ỷ nói: “Má má cũng không chịu, hễ mở miệng là nói gia gia muội không có lương tâm.”
Từ Thiên Hoằng suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Được, huynh có cách rồi.”
Chàng dặn dò mấy câu, Chu Ỷ hỏi lại: “Liệu như thế có được không?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Nhất định là được. Muội đi trước đi.”
Từ Thiên Hoằng đợi Chu Ỷ ra ngoài rồi hàn huyên với huynh đệ một hồi, hỏi Mai Lương Minh về địa phương này. Chàng cho rằng thời cơ đã đến, bèn nói riêng với Chu Trọng Anh: “Chu lão gia! Nghe nói tửu gia Tư Trúc Viên ở cạnh Thiết Tháp Tự có rượu rất ngon, nổi danh nhất tỉnh Hà Nam này. Nhất định phải đến đó uống thử một lần.”
Nghe tới rượu ngon, Chu Trọng Anh cao hứng cười nói: “Được, được! Để ta làm chủ, mời mọi người đến đó say sưa một phen.”
Từ Thiên Hoằng cản: “Thành này tai mắt bổ khoái rất nhiều, chúng ta đi đông e rằng không tiện. Bây giờ tổng đà chủ với tiểu điệt hai người đi trước với lão gia, có được hay không?”
Chu Trọng Anh tán thưởng: “Hay lắm! Lão đệ suy nghĩ thật là chu toàn.” Ông bèn hẹn với Trần Gia Lạc, ba người đến Thiết Tháp Tự.
Tư Trúc Viên quả là nơi thanh nhã, ly tách tinh khiết gọn gàng, phòng ốc sáng sủa. Từ Thiên Hoằng nhìn quanh tìm một chỗ tương đối yên tĩnh, ba người vừa uống rượu vừa than thở chuyện dân sông Hoàng Hà chết lụt.
Bàn đến những chuyện thiết đãi bạn bè, Tín Lăng Quân năm xưa nghênh đón Hầu Doanh, Trần Gia Lạc than thở: “Thành Đại Lương bây giờ vẫn đó, anh hùng liệt sĩ không biết đâu rồi. Tín Lăng Quân một kiếp anh hùng, không ngờ rút cuộc say sưa mà chết dưới tay nữ nhân. Đến nay Biện Lương chỉ còn lại một miếng đất Di Sơn mà thôi.”
Sau vài tuần rượu, chuếnh choáng hơi men, Trần Gia Lạc gõ bình rượu ngâm nga:Rảnh lại nhớ Tín Lăng tìm đến;
Gươm gác đùi chuốc chén đầy vơi;
Này nem này rượu khuyên mời;
Bên thời Châu Hợi, bên thời Hầu Doanh;
Ba chén cạn, thân mình sá kể,
Năm núi cao, xem nhẹ lông hồng;
Mắt hoa mặt đã nóng bừng;
Khí hùng bay bổng lên từng mây xanh…
Chu Trọng Anh và Từ Thiên Hoằng không hiểu chàng hát bài gì.
Đến khi ba người đã say đến năm phần, Từ Thiên Hoằng nâng chén lên gọi Chu Trọng Anh: “Chu lão gia! Hôm nay cha con đoàn tụ, tiểu điệt xin kính lão gia một chén.”
Chu Trọng Anh cạn chén, thở dài một tiếng. Từ Thiên Hoằng bèn hỏi: “Chu lão gia không được vui, có phải đang tiếc Thiết Đảm Trang bị cháy hay không?”
Chu Trọng Anh đáp: “Tiền bạc là vật ngoại thân, một Thiết Đảm Trang có gì đáng tiếc?”
Từ Thiên Hoằng nói: “Thế thì nhất định lão gia đang nghĩ đến mấy vị công tử đã qua đời.”
Chu Trọng Anh không đáp, thở dài sườn sượt. Trần Gia Lạc vội nháy mắt lia lịa, ra hiệu bảo Từ Thiên Hoằng đừng nói động chạm đến nỗi đau của ông ấy nữa. Từ Thiên Hoằng vờ như không biết, cứ đổ thêm dầu vào lửa: “Hôm đó tiểu công tử còn nhỏ không biết gì, lỡ nói ra nơi ẩn giấu Tứ ca, nên Chu lão gia mới giận dữ mà xử phạt. Về phần lão gia thì đó là giữ đạo nghĩa giang hồ, nhưng bọn vãn bối thì không sao yên lòng được.”
Trần Gia Lạc vội giục: “Thất ca! Chúng ta đi thôi. Tửu lượng của ta sắp hết rồi.”
Từ Thiên Hoằng cứ hỏi tiếp Chu Trọng Anh: “Không biết Chu phu nhân vì lý do gì mà rời khỏi gia trang?”
Chu Trọng Anh than thở: “Bà ấy trách ta về chuyện giết đứa con trai. Than ôi, không biết bây giờ bà ấy đơn thân lưu lạc nơi nào. Đứa con này bà ấy yêu quí như tính mạng, ta thật sự có lỗi với bà ấy. Thật ra ta chỉ lỡ tay trong cơn thịnh nộ, đâu phải chủ tâm giết nó? Sau khi chúng ta cứu được Tứ gia, dù phải đi đến chân trời góc bể ta cũng quyết tìm bà ấy trở về. Ta tuổi tác đã cao, người thân trên thế gian này chỉ còn hai người là bà ấy và đứa con gái mà thôi.”
Ông nói đến đây đột nhiên rèm được vén lên, Chu phu nhân và Chu Ỷ bước vào. Chu phu nhân lên tiếng: “Những lời của lão gia, thiếp ngồi bên kia nghe thấy hết rồi. Lão gia chịu nhận lỗi là xong, thiếp trở về đây, không cần đi tìm đâu nữa.” Chu Trọng Anh nhìn thấy vợ vừa bất ngờ vừa mừng rỡ, nhất thời xúc động không nói nên lời.
Chu Ỷ nói với Trần Gia Lạc: “Trần đại ca, đây là mẫu thân của muội.” Rồi nàng quay lại nói với mẹ: “Má má, đây là Trần tổng đà chủ Hồng Hoa Hội.” Hai người nhìn nhau thi lễ.
Chu Ỷ gọi tửu bảo chuyển chén bát phòng bên cạnh qua đây, rồi nói với Chu Trọng Anh: “Gia gia, phen này thật là may mắn. Con nghe nói rượu ở đây rất ngon, nhất định phải đến thưởng thức một lần. Má má không chịu nhưng con một mực kỳ kèo bắt tới, nào ngờ lại ngồi giáp vách gia gia.” Năm người cười rộ lên, thoải mái say sưa, rồi nhắc đến những chuyện trong lúc xa nhau.
Chu Ỷ thấy cha mẹ đoàn tụ nồng nàn trở lại, vui sướng không nén nổi nên quên cả giữ lời, cao hứng nhắc đến vụ giết Đồng Triệu Hòa trả mối thù giết em trai và đốt Thiết Đảm Trang. Từ Thiên Hoằng nháy mắt liên hồi bảo nàng đừng nói tiếp, nhưng nàng không thấy nên vẫn tiếp tục: “Mưu kế của huynh ấy thật là hiệu quả. Sau khi mấy tên tiêu sư hôn mê, con phá cửa sổ nhảy vào cứu mẹ rồi túm lấy gã họ Đồng, đích thân cho tên cẩu tặc đó một đao.”
Chu Trọng Anh cùng với Trần Gia Lạc, Từ Thiên Hoằng đang mời rượu nhau. Chu Trọng Anh bèn nói: “Lão đệ đã cứu thê tử lại giúp báo thù thì lão phu thực sự cảm kích.”
Từ Thiên Hoằng khiêm nhượng mấy câu: “Lão gia quá lời rồi, đây đều là công lao của Chu cô nương cả.”
Trần Gia Lạc hỏi: “Làm sao hai vị gặp nhau dọc đường vậy?”
Từ Thiên Hoằng ấp úng, Chu Ỷ âm thầm than khổ: “Chết rồi, hỏng bét! Mình lỡ kể chuyện cùng huynh ấy giết Đồng Triệu Hòa, thế thì những việc trước đây làm sao mà giấu giếm người khác nữa?” Đột nhiên nàng đỏ mặt cúi đầu, thần trí hỗn loạn, tay chân lóng ngóng. Chén đũa rơi vỡ xoang xoảng, cô nàng lại càng thêm phần bối rối.
Trần Gia Lạc thấy vậy biết ngay việc giữa hai người này không chỉ có bấy nhiêu. Lại nghe Chu Ỷ mỗi khi nhắc đến Từ Thiên Hoằng thì không gọi tên mà cứ huynh ấy thế này, huynh ấy thế kia, chàng đoán biết được sáu bảy phần. Về tới Mai phủ, chàng bèn gọi Từ Thiên Hoằng tới hỏi: “Thất ca! Huynh thấy Chu cô nương thế nào?”
Từ Thiên Hoằng vội đáp: “Tổng đà chủ! Vừa rồi lời nói của Chu cô nương trên tửu lâu, xin tổng đà chủ đừng kể với ai. Cô ấy là người trung hậu chất phác, quang minh lỗi lạc, nhưng nếu người khác nghe thấy thêm bớt mấy câu xằng bậy thì chúng ta sẽ có lỗi với Chu lão anh hùng.”
Trần Gia Lạc nói: “Đệ biết con người Chu cô nương rất tốt nên muốn làm mai cho huynh. Huynh thấy thế nào?”
Từ Thiên Hoằng giật nảy người đáp: “Tuyệt đối không được! Thuộc hạ sao có thể sánh với nàng?”
Trần Gia Lạc nói: “Thất ca không nên quá khiêm tốn. Huynh là Võ Gia Cát trí dũng song toàn, lừng danh trên giang hồ. Mỗi khi Chu lão anh hùng nhắc đến huynh đều tỏ ra thán phục.”
Từ Thiên Hoằng ngẩn ra hồi lâu không đáp. Trần Gia Lạc liền hỏi gặng: “Thế nào?”
Từ Thiên Hoằng nói: “Tổng đà chủ chưa biết đâu, Chu cô nương không thích thuộc hạ.”
Trần Gia Lạc hỏi: “Làm sao mà huynh biết?”
Từ Thiên Hoằng đáp: “Chính miệng nàng nói vậy. Nàng ghét loại người xảo quyệt cổ quái như thuộc hạ đến tận xương tủy. Hôm trước đi chung, dọc đường nàng cứ tìm lời chặn họng thuộc hạ.”
Trần Gia Lạc cười ha hả: “Thế là huynh chịu rồi chứ gì?”
Từ Thiên Hoằng ngập ngừng nói: “Tổng đà chủ đừng uổng công lo lắng làm gì. Chúng ta không nên suy nghĩ những việc vô bổ như thế.”
Đột nhiên một gia nhân của Mai phủ đi vào phòng gọi: “Trần thiếu gia! Chu lão gia ở bên ngoài, muốn nói chuyện với thiếu gia.”
Trần Gia Lạc mỉm cười với Từ Thiên Hoằng rồi ra khỏi phòng. Chàng thấy Chu Trọng Anh chắp tay sau lưng đi tới đi lui ngoài hành lang, liền bước tới nói: “Chu lão gia có việc gì dặn dò thì cứ sai người đi gọi vãn bối là được, hà tất phải đích thân đến đây.”
Chu Trọng Anh vội đáp: “Không dám!” Ông kéo tay chàng đến hoa sảnh, mời ngồi rồi nói: “Lão có một chuyện muốn hỏi ý Trần đương gia.”
Trần Gia Lạc nói: “Xin lão gia nói thẳng, tiểu điệt sẽ đích thân lo liệu.”
Chu Trọng Anh nói: “Tiểu nữ năm nay đã mười chín tuổi rồi, tuy tính hơi ngang bướng nhưng cũng có thể gọi là thuần hậu. Chỉ vì lão phu có dạy nó một chút võ nghệ, nên nó không để hạng tầm thường lọt vào mắt, vì thế mới chậm trễ, đến nay vẫn chưa thành thân…” Ông nói đến đây, ngần ngừ một lúc mới tiếp: “Từ thất đương gia của quí hội được cả giang hồ ngưỡng mộ, trí dũng có thừa, nhân phẩm hơn người. Lão phu muốn nhờ Trần đương gia làm mai gả tiểu nữ cho Từ gia. Chỉ sợ tính khí tiểu nữ không được tốt, không dám trèo cao như vậy.”
Trần Gia Lạc nghe vậy cả mừng, liền vỗ ngực nói: “Việc này để tiểu điệt lo. Chu lão gia là thái sơn bắc đẩu của võ lâm, được lão gia tin yêu như thế, anh em Hồng Hoa Hội bọn tiểu điệt thấy vinh dự vô cùng. Tiểu điệt đi ngay đây!”
Trần Gia Lạc chạy thẳng đến phòng Từ Thiên Hoằng kể lại, khiến anh chàng mừng rỡ đến nỗi tim đập loạn xạ. Trần Gia Lạc nói thêm: “Thất ca! Đệ coi sắc mặt Chu lão anh hùng thì dường như ông ấy còn một chuyện không tiện nói ra. Đệ đoán thế này, nhưng không biết huynh có chịu hay không.”
Từ Thiên Hoằng hỏi: “Có gì mà không chịu?”
Trần Gia Lạc mỉm cười nói: “Đệ cũng nghĩ là huynh sẽ ưng thuận. Hai người con trai lớn của Chu lão anh hùng đã mất cả rồi, còn đứa con trai út cũng chết vì Hồng Hoa Hội chúng ta. Trước mắt thì hương hỏa Chu gia đã dứt, nên đệ muốn ủy khúc Thất ca một chút, không những làm con rể Chu lão anh hùng mà còn phải làm con trai ông ấy.”
Từ Thiên Hoằng hỏi: “Tổng đà chủ muốn thuộc hạ ở rể nhà họ Chu phải không?”
Trần Gia Lạc nói: “Không sai! Sau này huynh sinh con trai, thì con trai cả sẽ mang họ Chu, con trai thứ mới mang họ Từ. Cổ nhân có câu: Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại. Chúng ta làm như thế, coi như đã báo đáp một phần ân nghĩa của Chu lão anh hùng.” Từ Thiên Hoằng nghĩ tới ân đức cứu mạng của Chu Ỷ, bèn mau lẹ đồng ý.
Hai người quay về phòng Chu Trọng Anh, mời Chu phu nhân qua nói chuyện. Chu Ỷ không hiểu chuyện gì, cũng chạy vào phòng. Chu Trọng Anh nhìn mặt hai người Trần Từ, biết việc đã thành bèn mỉm cười bảo: “Ỷ nhi! Con ra ngoài kia chơi đi.”
Chu Ỷ tức tối nói: “Lại có việc gì giấu giếm con rồi phải không? Không được! Con nhất định phải nghe.” Nói thì nói vậy, nhưng nàng vẫn quay người đi ra ngoài.
Trần Gia Lạc nói lại ý định gửi rể vừa rồi, Chu phu nhân hoan hỉ quá, ngoác miệng ra cười đến nỗi không ngậm lại được. Chu Trọng Anh cũng cả mừng: “Đâu dám như thế? Đâu dám như thế?”
Từ Thiên Hoằng quì xuống thi lễ, Chu Trọng Anh vội đỡ dậy, mỉm cười nói: “Chúng ta ra ngoài, không mang theo vật gì đáng giá. Chuyện thế này mà không có lễ kiến diện thì… Lát nữa ta sẽ dạy cho Thất gia phép đánh thiết đảm, Thất gia thấy thế nào?”
Chu phu nhân cười bảo: “Lão này già quá, lẩm cẩm mất rồi. Sao lại gọi con là Thất gia?” Chu Trọng Anh cười ha hả.
Từ Thiên Hoằng biết công phu thiết đảm là tuyệt nghệ thành danh của ông, hôm nay đúng là phúc vô đơn chí, đã được vợ đẹp lại gặp danh sư, chàng vội quỳ xuống khấu đầu bái tạ, hai người gọi nhau bằng phụ tử.
Tin vừa truyền ra, mọi người tới tấp kéo đến chúc mừng. Đêm đó Mai Lương Minh mở đại tiệc khoản đãi, Chu Ỷ trốn chui trốn lủi. Lạc Băng cố gắng thế nào cũng không kéo được nàng ra ngoài.
Giữa tiệc, Thạch Song Anh về đến, nói với Trần Gia Lạc: “Tổng đà chủ! Thư của đà chủ đã đưa tới nơi. Đây là hồi âm của lão anh hùng Mộc Trác Luân.”
Trần Gia Lạc đón lấy, đáp lời: “Thập nhị ca bôn ba vạn dặm thật là cực khổ. Nhanh lên, qua đây uống một chén…”
Lời nói chưa dứt, Tưởng Tứ Cân bỗng chạy vào, lớn tiếng hô: “Hoàng Hà vỡ đê rồi.”
Mọi người nghe vậy đứng cả dậy, hỏi tình hình tai nạn ra sao. Tưởng Tứ Cân nói: “Từ Mạnh Tân đến Đồng Quả Thương đã bị vỡ đến bảy tám chỗ, rất nhiều địa phương không còn đường tới nữa.” Mọi người nghe xong đều nóng ruột lo âu, dân chúng đã khốn đốn gặp phải chuyện này càng khổ sở hơn. Thường thị song hiệp đến giờ vẫn chưa có hồi báo gì, không biết tình hình Văn Thái Lai thế nào.

Trần Gia Lạc lớn tiếng: “Các vị ca ca! Chúng ta đã đợi ở đây mấy ngày rồi, mà Ngũ ca, Lục ca vẫn chưa có tin tức. Chắc là tình hình đã thay đổi, lại e nước lũ cản đường làm lỡ mất đại sự. Mọi người suy nghĩ xem nên làm thế nào.”
Chương Tấn hô to: “Chúng ta đừng đợi nữa, mau mau kéo hết về Bắc Kinh. Cho dù Tứ ca bị nhốt ở thiên lao, mọi người cũng phải cướp Tứ ca về.” Vệ Xuân Hoa, Dương Thành Hiệp, Tưởng Tứ Cân đều đồng thanh phụ họa.
Trần Gia Lạc cùng Chu Trọng Anh, Vô Trần, Triệu Bán Sơn khẽ bàn bạc mấy câu rồi nói: “Việc không nên chậm trễ, chúng ta phải khởi hành ngay.” Mọi người cảm tạ Mai Lương Minh vì quấy nhiễu bấy lâu, rồi lập tức khởi hành đi về hướng đông.
Dọc đường Trần Gia Lạc đọc thư của Mộc Trác Luân. Trong thư mấy lần cảm tạ việc Hồng Hoa Hội báo tin, cho biết đã triệu tập mọi người chuẩn bị lừa ngựa binh khí, quyết chiến đến cùng với cường địch. Mặc dù địch đông ta ít, tình thế khó mà thắng được, nhưng già trẻ lớn nhỏ toàn tộc thà hi sinh cũng nhất định không khuất phục.
Lời lẽ trong thư đượm màu bi tráng, Trần Gia Lạc bất giác thay đổi sắc mặt, hỏi Thạch Song Anh: “Lão anh hùng Mộc Trác Luân còn dặn dò gì nữa không?”
Thạch Song Anh đáp: “Ông ấy hỏi đã cứu được Tứ ca hay chưa. Nghe nói không thành công, ông ấy ra vẻ lo lắng.” Trần Gia Lạc khẽ “À” một tiếng.
Thạch Song Anh lại nói: “Hồi tộc đối với chúng ta bằng tình sâu nghĩa nặng. Nghe nói thuộc hạ là sứ giả của tổng đà chủ phái đi, họ đối xử rất ân cần.”
Trần Gia Lạc hỏi: “Huynh có gặp gia đình của lão anh hùng Mộc Trác Luân hay không?”
Thạch Song Anh đáp: “Gặp cả phu nhân, con trai và hai cô con gái. Con trai ông ấy thì tổng đà chủ đã gặp rồi, y hỏi thăm tổng đà chủ có được an khang không.”
Trần Gia Lạc ngừng lại một lúc, ngập ngừng hỏi: “Không ai nói gì nữa ư?”
Thạch Song Anh suy nghĩ rồi đáp: “Lúc thuộc hạ rời khỏi, Hoắc Thanh Đồng cô nương hình như muốn nói gì đó nhưng rốt cuộc không nói, chỉ hỏi han về tình hình cứu Tứ ca.”
Trần Gia Lạc im lặng, đưa tay nắm chặt thanh đoản kiếm mà Hoắc Thanh Đồng đã tặng. Lưỡi thanh kiếm này chỉ dài có tám tấc, ánh sáng chói mắt. Chuôi kiếm quấn bằng chỉ vàng đã mòn nhiều chỗ, xem ra đây là cổ vật đã mấy trăm năm. Ngày ấy Hoắc Thanh Đồng đã nói: “Xưa nay vẫn tương truyền trong kiếm có ẩn giấu một bí mật lớn, nhưng tìm hiểu tỉ mỉ đến đâu cũng không thấy điểm nào khác lạ.” Chàng quay đầu nhìn về hướng tây chỉ thấy một trời sao sáng, không như hôm gặp nhau ở vùng đại mạc, mặt trời lấp lánh rọi lên chiếc lông vũ màu xanh phỉ thúy, ánh xuống chiếc áo màu vàng nhạt.
Mọi người đi suốt đêm, sáng sớm đã gần đến đê sông Hoàng Hà, thấy nước sông đục ngầu ào ào chảy xiết. Đi thêm vài giờ nữa thì thấy một vùng bình nguyên giờ đã thành biển cả, nhà cửa, ruộng nương, những chỗ thấp trũng đều chìm trong nước lũ. Dân chúng chạy hết lên đồi núi, chịu cảnh màn trời chiếu đất. Cũng có một số kẹt lại, bám trên mái nhà hay những cành cây. Một vùng nước rộng mênh mông, hoàn toàn không có khói bếp, khắp nơi vang lên những tiếng kêu cứu bi ai. Lác đác có những thi hài bập bềnh theo dòng nước, cùng mấy cái rương hòm bằng gỗ lênh đênh trôi dạt về đông.
Dọc đường quần hùng cũng cứu mấy người bị nạn, vòng lên chỗ cao mà đi về hướng đông, đêm đó ngủ lại trên vùng núi. Hôm sau họ phải đi vòng một vòng lớn mới đến Đỗ Lương Trại, dọc đường thấy chỗ nào cũng có những cảnh bi ai thê thảm, khó mà chịu nổi.
Chu Ỷ vẫn đi chung với Lạc Băng, nhưng lúc này nhịn không nổi nữa liền đi nhanh tới chỗ Từ Thiên Hoằng, hỏi: “Ca ca quỉ kế nhiều như vậy, cố tìm cách cứu dân chúng đi chứ?”
Từ hôm đính ước, đôi vợ chồng chưa cưới này cứ tránh mặt nhau. Hai ngày nay chưa nói câu nào, không ngờ câu đầu tiên nàng mở miệng lại đặt cho chàng một vấn đề khó giải quyết như vậy. Từ Thiên Hoằng không khỏi khó xử, bèn đáp: “Muốn thì muốn vậy, nhưng nạn dân nhiều như thế, ca ca thật không có cách gì.”
Chu Ỷ nói: “Nếu muội có cách thì cần gì phải hỏi ca ca nữa?”
Từ Thiên Hoằng nói: “Ngày mai ca ca sẽ xin mọi người đừng gọi mình bằng cái ngoại hiệu Võ Gia Cát nữa, để khỏi bị muội lúc nào cũng làm khó dễ.”
Chu Ỷ dỗi ngay: “Muội mà lúc nào cũng làm khó dễ ca ca ư? Lúc nào muội cũng nói không đúng, thế có được không? Muội xin lỗi là xong chứ gì?” Rồi nàng bĩu môi không nói gì nữa.
Từ Thiên Hoằng dỗ dành: “Muội muội, bây giờ chúng ta đã là người một nhà rồi, không nên gây chuyện nữa.” Chu Ỷ cứ mặc kệ.
Từ Thiên Hoằng nói: “Ca ca sai rồi. Muội muội tha cho ca ca lần này, cười một cái đi.” Chu Ỷ quay đầu lại nhưng vẫn nhăn mặt.
Từ Thiên Hoằng nói: “À, muội muội không dám cười, thì ra tân nương xấu hổ với tân lang.”
Chu Ỷ không nhịn nổi nữa, bật cười khúc khích rồi giơ roi ngựa lên nói: “Ca ca nói bậy nữa đi, xem muội có dám đánh đòn ca ca không?”
Lạc Băng chậm rãi đi sau hai người, vì xót con bạch mã vừa phải chạy xa vạn dặm từ Hồi Cương về mới hai ngày. Nàng nhìn Chu Ỷ và Từ Thiên Hoằng ngây thơ đùa giỡn, nghĩ đến chồng càng thấy nhớ nhung sầu khổ hơn.
Khoảng giờ Mùi mọi người đã đến Triệu Thảo Doanh, là một thị trấn lớn nằm ven sông Hoàng Hà. Dân chúng bị nạn lũ lụt quanh vùng chạy đến thị trấn này rất đông. Lạc Băng lấy hết vàng trong mình đem đổi lấy bạc, mua lương thực phân phát. Nạn dân chạy ào ào đến, chỉ một lúc đã hết sạch, cứu trợ chưa tới một phần mười.
Khi mọi người rời khỏi thị trấn, rất nhiều dân đói dắt díu nhau đi theo, chỉ mong được phát cho chút ít lương thực. Quần hùng không phải nhẫn tâm, nhưng làm sao cứu tế được nhiều như thế, chỉ biết cắn răng lên ngựa rời khỏi đó.
Dọc đường đầy những nạn dân đùm đề con cái, vừa đi vừa khóc lóc. Đột nhiên phía trước có một người cưỡi ngựa phi tới rất gấp. Đường núi chật hẹp mà tên kia cứ lạng ẩu lách bừa, chỉ chốc lát đã đụng vào một thiếu phụ đang ẵm con, làm đứa bé rơi xuống nước. Tên kia cứ mặc kệ, cho ngựa phóng như bay. Quần hùng giận dữ, Vệ Xuân Hoa vọt ngay tới, túm lấy chân trái lôi hắn xuống, nện cho một quyền. Hắn ọe một cái, nhổ ra một vũng máu lẫn ba chiếc răng cửa.
Thì ra đó là một tên công sai. Hắn vừa đứng dậy đã ngoác mồm ra thóa mạ: “Con mẹ nó, đám thổ phỉ lưu manh này! Lão gia đang có việc gấp, lát nữa mới quay lại tính sổ với bọn bay.”
Hắn leo lên ngựa tính đi tiếp, nhưng Chương Tấn đứng bên kia lại túm chân phải lôi hắn xuống ngựa, quát to: “Việc gì mà gấp? Ở lại đây chờ một lát đã.”
Trần Gia Lạc bảo: “Thập ca, tìm trên người hắn xem có gì không?” Chương Tấn lục soát, lấy ra một công văn giao cho Trần Gia Lạc.
Trần Gia Lạc thấy văn thư đó có cắm lông gà, một góc cháy sém, rõ ràng là loại công văn khẩn cấp mà dịch trạm phải chạy suốt ngày đêm. Trên phong bì ghi là gửi gấp cho Định biên đại tướng quân Triệu ở cách xa sáu trăm dặm. Chàng bèn tiện tay xé niêm phong, rút công văn ra xem.
Gã công sai thấy công văn bị xé, kinh hãi kêu lên: “Đây là việc quân cơ mật, ngươi không sợ bị chém đầu hay sao?”
Tâm Nghiễn cười hỏi lại: “Ngươi không sợ bị chém đầu hay sao?”
Trần Gia Lạc đọc thấy công văn ký tên quan tổng binh vận lương Tôn Khắc Thông, bẩm cho Triệu Tuệ biết là lương thảo của đại quân mới vận chuyển đến Lan Phong, vì lũ sông Hoàng Hà nên kẹt lại ở đó, chậm trễ mấy ngày. Trần Gia Lạc giao công văn cho Từ Thiên Hoằng, nói: “Không liên can gì đến chúng ta, cũng chẳng liên can gì đến Tứ ca.”
Từ Thiên Hoằng xem xong, mặt mày hớn hở nói: “Tổng đà chủ! Đây là vận may lớn của chúng ta. Tương trợ Mộc lão anh hùng, cứu tế dân chúng gặp nạn lũ Hoàng Hà, mọi việc đều nhờ vào tờ công văn này.”
Họ Từ lập tức xuống ngựa, xé nát công văn trước mặt tên công sai rồi cười hỏi: “Bây giờ ngươi đến chỗ Triệu Tuệ hay về Lan Phong? Làm mất công văn là phạm vào tội chém phải không? Ta khuyên ngươi, muốn giữ mạng thì tự mình chạy trốn là hơn.”
Tên công sai vừa tức vừa sợ, im lặng suy nghĩ thì thấy câu đó không sai, mình không làm gì được. Hắn đành cởi bộ quân phục trên người quăng xuống nước, rồi lẩn vào đám dân chúng đang chạy nạn.
Trần Gia Lạc đã hiểu ý Từ Thiên Hoằng, bèn nói: “Cướp lương cứu nạn thật là một công đôi việc. Có điều lương thảo của đại quân chắc chắn phải có trọng binh hộ tống, chúng ta lại ít người. Việc này thành bại thế nào, hoàn toàn trông vào diệu kế của Thất ca.”
Từ Thiên Hoằng ghé tai nói nhỏ mấy câu, Trần Gia Lạc mừng rỡ thốt lên: “Hay lắm! Cứ làm như thế!” Chàng lập tức phân phối nhân mã. Mọi người nhận lệnh, lo cải trang và tung tin đồn.
Sáng sớm hôm sau mấy vạn nạn dân rủ nhau kéo vào thành Lan Phong, hỗn loạn vô cùng. Tri huyện Vương Đạo thấy tình hình khác lạ, bèn sai bộ khoái bắt mấy nạn dân đến hỏi. Họ đều khai rằng nghe nói hôm nay quan phủ mở kho phát chẩn, nên đến đây để nhận lương thực. Vương Đạo liền hạ lệnh đóng chặt cửa thành, nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, nạn dân kéo về đông đúc, trong thành ngoài thành đầy ắp những người. Vương Đạo vội ra thông báo là không có chuyện này, nhưng họ đâu có chịu tin?
Vương Đạo thấy nạn dân càng lúc càng đông thì vô cùng hốt hoảng, đích thân đến Thạch Phật Tự ở đông thành bái kiến tổng binh Tôn Khắc Thông đang trú ở đó, nhờ họ Tôn điều binh trấn áp dân chúng trong thành.
Tôn Khắc Thông nói: “Tiểu tướng phụng tướng lệnh của Triệu tướng quân, trong vòng mấy ngày phải đưa quân lương đến Hồi Cương, nếu có sai sót phải bị chém đầu. Không phải tiểu tướng không chịu giúp, mà thật sự là việc quân trọng đại, xin Vương đại nhân tha thứ.”
Vương Đạo cầu khẩn liên tục nhưng Tôn Khắc Thông nhất quyết không nghe, không làm gì được đành cáo biệt. Dọc đường về, hắn thấy vô số dân chúng gặp thiên tai láo nháo khắp nơi.
Trời sắp tối, đột nhiên huyện nha, nhà tù và những tiệm buôn trên mấy con đường lớn đồng thời bốc cháy, Vương Đạo liền đốc thúc nha dịch bộ khoái cứu hỏa. Trong lúc lộn xộn, một tên công sai chạy tới thở hổn hển nói: “Đại… đại lão gia! Không hay rồi! Cửa tây thành đã bị nạn dân mở ra, cả ngàn cả vạn người đang tiến vào thành.”
Vương Đạo kêu khổ, không biết phải làm gì. Hắn sai lấy ngựa, rồi dẫn bọn nha dịch đi xem xét phía tây thành. Mới được nửa đường chúng đã bị nạn dân cản lại, không tiến lùi gì được, rồi nghe thấy có người trong đám đông kêu lên: “Thạch Phật Tự tại đông thành chuẩn bị phát lương tiền. Mọi người mau mau đến Thạch Phật Tự mà nhận.”
Dân chúng chạy ào ào về hướng đông, cản đường Vương Đạo. Hắn giận dữ hét lên: “Tên nào dám tung tin đồn nhảm, mau bắt đến cho ta thẩm vấn.” Hai tên nha dịch vâng dạ, lấy xích sắt ra toan trói một người thân hình ốm yếu đang đứng hò hét nạn dân đi lãnh đồ cứu trợ.
Người này chỉ khẽ vung tay đã đoạt được sợi xích, rồi quật gãy sống lưng một tên nha dịch, lớn tiếng kêu: “Chúng ta đi xin cơm, có vi phạm vương pháp gì đâu?”
Vương Đạo thấy không êm lập tức quay đầu ngựa, vòng qua cửa nam, nhưng trước mặt lại có một đoàn nạn dân chạy tới. Hắn nghĩ phải trốn đến chỗ Tôn tổng binh may ra mới được an toàn, nhưng đến đó thì thấy binh lính tuần tra trong thành cũng đang chạy trốn láo nháo. Một đạo sĩ cụt tay cầm trường kiếm, một người mập mạp xách cây roi sắt, một người gù múa lang nha bổng, một đại hán cầm thiết trượng đang chạy tới reo hò giết chóc.
Vương Đạo chạy lẫn trong đám binh sĩ, thúc ngựa hướng về Thạch Phật Tự. Cửa chùa đã đóng chặt, nhưng binh sĩ gác cửa nhận ra tri huyện đại nhân nên cho y vào. Lúc này phía ngoài chùa nạn dân bao vây tầng tầng lớp lớp. Giữa đám đông có tiếng kêu la: “Tiền bạc và lương thực triều đình đưa xuống để cứu tế thiên tai đều bị bọn cẩu quan này ăn chặn hết rồi. Phát tiền phát lương đi! Phát tiền phát lương đi!”
Nạn dân đồng thanh hô theo, chấn động rung chuyển cả mái chùa. Vương Đạo run rẩy không ngừng, lắp bắp: “Tạo phản rồi, tạo phản rồi!”
Tôn Khắc Thông dù sao cũng là võ quan, gan dạ hơn nhiều. Hắn bảo binh sĩ bắc thang, trèo lên đầu tường lớn tiếng kêu: “Ai là lương dân an phận thủ thường thì mau mau lui ra khỏi thành, đừng nghe tin đồn nhảm. Không lùi lại thì quân lính phải bắn tên.” Lúc này hai tên du kích(7) đã dẫn bọn cung thủ lên đầu tường.
Nạn dân nhốn nháo, Tôn Khắc Thông bèn ra lệnh: “Bắn!” Một loạt tên phóng ra, mười mấy người dân ngã lăn xuống đất. Những người khác kinh hãi quay người bỏ chạy, giẫm đạp lên nhau. Người kêu mẹ, kẻ gọi con, loạn xạ cả một vùng.
Tôn Khắc Thông đứng trên đầu tường cười ha hả. Tiếng cười chưa dứt thì trong đám đông bỗng có hai mảnh đá bắn lên. Tôn Khắc Thông né được một viên, còn một viên sượt vào bên má. Hắn đau đớn vô cùng, đưa tay sờ lên thấy toàn là máu, không nén nổi giận dữ bèn hô lớn: “Bắn! Bắn chết hết cho ta!”
Bọn cung thủ bắn thêm một loạt, lại có mười mấy người bỏ mạng. Nạn dân kêu la thảm thiết. Đột nhiên có tiếng gió rít, hai người vừa cao vừa ốm nhảy vọt lên tường, tay vừa vung ra đã hất mấy tên cung thủ lộn nhào xuống đất. Nạn dân tức giận vì bị bắn tên, liền ào lên đè chúng xuống. Đàn ông thì đấm đá, đàn bà thì cào cấu cắn xé.
Thì ra quần hùng Hồng Hoa Hội đã cải trang lẫn vào đám đông người bị thiên tai đó. Từ Thiên Hoằng cố ý để bọn quan binh tác oai tác quái một hồi khiến dân chúng giận dữ đến mức không nhịn được nữa, rồi mới tấn công vào chùa. Đột nhiên quần hùng thấy Thường thị song hiệp xuất hiện, vừa ngạc nhiên vừa vui mừng.
Lạc Băng múa song đao nhảy lên đầu tường, đến bên Thường Hách Chí hỏi: “Ngũ ca! Có gặp Tứ ca hay không? Huynh ấy thế nào rồi?”
Thường Hách Chí nhìn thấy Lạc Băng, kinh ngạc hỏi: “Úi chà! Tứ tẩu cũng đến đây rồi à? Đã gặp Tứ ca rồi, Tứ tẩu yên tâm đi.”
Lạc Băng nghe vậy, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Nàng hoan hỉ quá độ khiến sát khí biến đi đâu hết, ngồi thụp xuống tường, hai tay ôm đầu. Chương Tấn và Tâm Nghiễn vội vàng chạy tới hỏi: “Sao rồi? Bị thương rồi à?”
Lạc Băng cười đáp: “Ta không sao cả! Ngũ ca đã gặp Tứ ca rồi.”
Trên đầu tường Vệ Xuân Hoa, Dương Thành Hiệp, Chu Ỷ, Mạnh Kiện Hùng ác đấu với bọn quan binh. Chỉ một lúc sau cửa chùa đã được mở ra. Tưởng Tứ Cân và Mạnh Kiện Hùng từ trong chùa chạy ra, vẫy tay với đám nạn dân, kêu lớn: “Mọi người vào trong này lấy lương thực.”
Dân chúng ùa vào như kiến. Quan binh trong chùa lúc đầu còn vung binh khí chém giết loạn xạ, về sau thấy dân chúng càng lúc càng đông, lại có một nhóm người võ công cao cường, trong khi đó bọn thống binh đã bị giết mấy người, nên sợ đến loạn cả tay chân. Tuy nhiên quan binh khá đông lại có vũ khí, nên nạn dân cũng không dám tới gần.
Tôn Khắc Thông múa đại đao dẫn mấy tên Thanh binh chiến đấu trên đầu tường, vừa đánh vừa lùi. Đột nhiên bên tai hắn rít lên một cơn gió, rồi sau lưng tê liệt, lỏng tay buông đại đao rớt nghe loảng xoảng. Hai tay hắn bị bẻ ra sau lưng, một thanh âm vang lên sau gáy: “Con rùa kia! Mau mau ra lệnh cho đám rùa thuộc hạ của ngươi buông vũ khí xuống, lùi ra khỏi chùa.”
Tôn Khắc Thông chần chừ một lúc, chợt thấy gáy mình đau nhói lên. Thì ra con dao đang kề vào cổ bị người ta nhẹ nhàng kéo một đường, hớt mất một miếng da. Đến nước này thì Tôn Khắc Thông không dám không nghe lời, chỉ còn cách lớn tiếng truyền lệnh. Quan binh đều thấy thượng cấp bị một người trông như ma quỉ bắt lấy, chủ tướng đã có lệnh thì hà tất phải thí mạng nữa, nên chúng cùng buông binh khí xuống, lùi ra ngoài chùa. Dân chúng đồng thanh hoan hô vang dội.
Trần Gia Lạc tiến vào, thấy đại điện rộng khoảng năm gian nhà bình thường, chất đầy những túi lương thực và tiền bạc.
Thạch Song Anh lôi Vương Đạo vào trong điện, Trần Gia Lạc cười hỏi: “Ngươi là tri huyện đại nhân phải không?”
Vương Đạo run rẩy đáp: “Vâng… vâng… đại vương…”
Trần Gia Lạc ngắt lời: “Ngươi thấy ta có giống đại vương không?”
Vương Đạo nói: “Tiểu nhân tội đáng muôn chết. Dám hỏi công tử tôn tánh đại danh là chi?”
Trần Gia Lạc mỉm cười, không đáp mà hỏi lại: “Ngươi có phải xuất thân đầu bảng hai lần không?”
Vương Đạo vội nói: “Không dám, không dám.”
Trần Gia Lạc nói: “Có gì mà không dám? Ngươi đã là tiến sĩ thì chắc hẳn không ít chữ nghĩa. Ta ra một câu đối cho ngươi.” Chàng phẩy quạt, cười cười nói tiếp: “Nếu ngươi đối được thì ta tha mạng, còn đối không được thì ta không khách sáo nữa.”
Dân chúng gặp thiên tai vừa nghe quần hùng Hồng Hoa Hội tuyên bố lát nữa sẽ phân phát lương tiền, nên tất cả đều yên tâm trở lại. Bây giờ họ nghe nói tri huyện bị bắt, tổng đà chủ Hồng Hoa Hội thi thố tài năng với hắn, đều cảm thấy hiếu kỳ. Họ đứng thành một vòng ở ngoài, cả ngàn cặp mắt đều dồn vào mặt Vương Đạo.
Trần Gia Lạc nói: “Ngươi nghe đây! Câu đối là: Sông có đục có trong, quan có trong có đục, sông trong dễ hay quan trong dễ?”
Lúc này Vương Đạo sợ quá, mồ hôi vã ra đầy người. Bao nhiêu chữ nghĩa của hắn đều theo mồ hôi mà trôi ra biển hết, suy nghĩ cả nửa ngày rồi đành nói: “Công tử! Vế đối của công tử khó quá, tiểu nhân sức học có hạn, tiểu nhân… tiểu nhân… đối không nổi.”
Trần Gia Lạc nói: “Được, không đối cũng được. Vậy ta hỏi ngươi, nước sông Hoàng Hà dễ trong sạch hay quan lại dễ trong sạch?”
Vương Đạo đột nhiên phúc khởi tâm linh, đáp ngay: “Theo tiểu nhân nghĩ, nếu quan lại khắp thiên hạ đều trong sạch, ắt hẳn nước sông Hoàng Hà cũng trong sạch theo.”
Trần Gia Lạc cười lớn: “Nói hay lắm! Ta giữ lời, tha mạng cho ngươi. Mau triệu sai dịch đến đây, lấy tiền và lương thực phát cho dân chúng bị thiên tai. À, phiền quan tổng binh cũng giúp cho một tay.”
Tôn Khắc Thông cùng Vương Đạo nhìn nhau khó xử, mất quân lương đã mang tội chém đầu, sao còn chính tay phân phát được? Nhưng không nghe lệnh thì tán mạng ngay tức khắc, phải dập lửa cháy lông mày trước đã. Chúng trăm ngàn lần khó xử cũng chỉ còn cách đốc thúc binh lính nha dịch, lấy quân lương quân hướng phát cho dân chúng bị thiên tai.
Muôn dân hoan hô vang dậy một vùng, hết lời cảm tạ quần hùng Hồng Hoa Hội. Người nào vào lãnh tiền lãnh lương cũng cười với Tôn Khắc Thông và Vương Đạo một cái. Cái cười đó đương nhiên là cười chê cười mỉa, nhưng quan văn quan võ đành coi như không biết không hay.
Trần Gia Lạc dõng dạc lên tiếng: “Các vị phụ lão, huynh đệ, tỉ muội nghe đây! Sau này nha môn xét hỏi, thì quí vị cứ nói là quan tổng binh và tri huyện đích thân cấp phát.” Dân chúng reo hò khen phải, nhất định sẽ nói đúng như vậy.
Quần hùng giám thị đến khuya, lương tiền mới phát xong. Từ Thiên Hoằng lên tiếng: “Quí vị phụ lão! Quí vị hãy đem binh khí về cất trong nhà. Nếu bọn cẩu quan này biết tốt xấu thì thôi, còn nếu sau khi bọn tại hạ rời thành má chúng ép quí vị giao trả quân lương, thì mọi người hãy thí mạng với chúng một phen.”
Lúc này đúng là Hồng Hoa Hội nói sao nạn dân nghe vậy. Những thanh niên trai tráng lập tức tới lượm hết đao thương của bọn binh lính rơi vãi dưới đất. Bọn chúng thấy dân chúng đông đúc, quan tổng binh lại đang bị khống chế, dĩ nhiên không dám ho he.
Trần Gia Lạc đứng dậy nói: “Việc lớn đã xong! Các vị ca ca, chúng ta đi thôi.” Quần hùng ép Tôn Khắc Thông cùng đi, ra khỏi Thạch Phật Tự rồi lên ngựa rời thành giữa tiếng hoan hô của mấy vạn nạn dân.
Đi được mười mấy dặm, Trần Gia Lạc mới đẩy Tôn Khắc Thông xuống ngựa rồi nói: “Tổng binh đại nhân! Đa ta lương thực và ngân lượng của ngươi, chúng ta còn ngày tái ngộ. Lần sau nếu ngươi có áp tải quân lương đi đâu, nhớ báo tin cho ta biết.” Chàng vừa chắp tay chào vừa cười ha hả, dẫn quần hùng rời khỏi đó.
Chạy hơn một dặm, Trần Gia Lạc mới hỏi Thường thị song hiệp: “Hai vị có tin tức Tứ ca hay không?”
Thường Hách Chí nói: “Đã gặp dấu hiệu Thập tứ đệ để lại, Tứ ca bị đưa đi Hàng Châu.”
Trần Gia Lạc kinh ngạc hỏi: “Đưa đi Hàng Châu làm gì? Tại sai không đi Bắc Kinh? Không phải tên cẩu hoàng đế muốn đích thân thẩm vấn hay sao?”
Thường Bá Chí đáp: “Bọn thuộc hạ cũng cảm thấy kỳ lạ, nhưng Thập tứ đệ xưa nay hành sự tỉ mỉ tinh tế, tin này nhất định là xác thực.”
Trần Gia Lạc gọi mọi người xuống ngựa, ngồi quây lại thương nghị. Từ Thiên Hoằng nói: “Tứ ca đã đi Hàng Châu, thì chúng ta về Giang Nam tìm cách cứu Tứ ca. Hàng Châu là địa bàn của chúng ta, tai mắt triều đình không linh hoạt bằng ở Bắc Kinh, cứu Tứ ca sẽ dễ hơn. Nhưng vẫn phải nhờ một vị ca ca đi Bắc Kinh thám thính tin tức, phòng hờ vạn nhất.” Mọi người đều cho là phải.
Trần Gia Lạc quay sang Thạch Song Anh nói: “Lại làm phiền Thạch ca một phen cực khổ nữa rồi.”
Thạch Song Anh lắc đầu đáp: “Chẳng hề gì!”
Thương nghị xong xuôi, một mình Thạch Song Anh đi về hướng bắc, còn quần hùng khởi hành về phương nam.
Trần Gia Lạc hỏi tiếp về tình hình vết thương của Dư Ngư Đồng, Thường thị song hiệp trả lời là chưa có tin tức. Hai người vừa thấy ký hiệu là lập tức trở về báo tin, khi đi qua Lan Phong thấy dân chúng bị thiên tai tập hợp đông đúc liền đi theo đến Thạch Phật Tự để xem náo nhiệt. Lúc bọn quan binh bắn tên, hai người nhịn không nổi nhảy lên tường động thủ với chúng, không ngờ quần hùng cũng có mặt ở đó.
Tuy Văn Thái Lai chưa thoát hiểm, nhưng mọi người đã biết tin tức Văn, Dư bình an vô sự, đều cảm thấy vui mừng, nhắc lại vụ cướp lương cứu nạn vừa rồi thật là thống khoái. Chu Ỷ nói: “Đại quân mất hết lương thảo, nhất định không thắng được Hoắc Thanh Đồng tỉ tỉ.”
Vô Trần cười nói: “Con bé đó kiếm pháp rất khá, nhân phẩm lại phi phàm, ai cũng muốn giúp đỡ. Mong sao nó đánh một trận cho oanh liệt, để mọi người được tới chung vui.”
Trần Gia Lạc nói: “Cũng nhờ Thất ca thần cơ diệu toán. Vụ này đúng là một công đôi việc.”
Chu Ỷ nghe tổng đà chủ khen ngợi Từ Thiên Hoằng, thầm mừng rỡ liếc nhìn, ánh mắt lấp lánh như biết nói biết cười. Từ Thiên Hoằng lè lưỡi nhìn nàng, nháy nháy mắt trả lời.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.