Thời Hoàng Kim

Chương 5: Tình yêu thời cách mạng (4)


Đọc truyện Thời Hoàng Kim – Chương 5: Tình yêu thời cách mạng (4)

Mùa xuân năm 1974 tôi đến bệnh viện chữa bệnh trĩ, tôi càng bi quan trước thế giới này. Lúc này tôi đã quên mất tuổi thơ đói khát, đau khổ lớn nhất bây giờ là mài đũng quần. Theo tôi, phương thức chủ yếu để tồn tại là thi mài đũng quần, vậy thì ai sinh ra vốn bé đít thì bất lợi. Nếu coi những người xếp hàng chờ chữa bệnh là những người bị thương ở mặt trận về thì có thể nói chỉ có đàn ông bị thương. Thỉnh thoảng có đàn bà, là những người có mang. Vậy thì nếu đàn bà không có mang thì chẳng bị làm sao. Về sau tôi được cắt, không đau nhưng một thời gian dài rất bất tiện. Khi đã khỏi trĩ, đại tiện dễ dàng thì mới thấy phương thức chủ yếu để tồn tại không phải là mài đũng quần mà là căng óc suy nghĩ. Bây giờ bạn thấy những người đầu nhẵn bóng, đeo kính dày như đít chai thì hầu như đều là những người nghĩ thế, chỉ khác là có người nghĩ vật lý, có người nghĩ triết học, người nghĩ kinh dịch. Tôi cũng thuộc trong số đó, chỉ khác là tôi càng nghĩ thì tóc càng bù lên, lông lá mọc dày lên, mắt nhìn tinh hơn, bây giờ có thể nhìn thấy lông chân con ruồi cách xa mười mét. Đồng thời mắt tôi có hình tam giác, tháng ngày trôi đi, mặt thêm nhiều nếp nhăn, nhưng toàn xẻ dọc, trông quá thổ phỉ. Bạn đồng nghiệp nhìn bộ dạng nghi tôi là phần tử trí thức đối địch. Nhưng đó là chuyện về sau. Chuyện lúc đó là tôi đi cắt trĩ, Hải Ưng  x  nhất định đòi đi cùng. Tôi vào phòng mổ, nó cũng theo vào, bác sĩ y tá chẳng ai ngăn lại. Việc này có vẻ kỳ nhưng nghĩ thì là bình thường vì hồi đó đi mổ, người ta đều đi có đôi, không biết bây giờ có thế không. 

Theo tôi biết, người ta đi nạo thai là có đôi, đi đẻ cũng có đôi. Những lúc như thế đàn bà họ sợ cho nên có đàn ông để bạo dạn hơn. Đàn ông đi cắt trĩ mà cũng thế thì tôi không hiểu được. Về sau mới biết, những người đàn bà ấy nghĩ chỗ cắt rất bẩn, có thể bác sĩ y tá không muốn đụng tay vào, bắt người nhà bệnh nhân phải làm. Một cách nghĩ không khó hiểu lắm. Tôi chẳng đánh giá cao thầy thuốc ở đây, và tôi cũng biết họ chẳng muốn cắt cho tôi, nhưng tay tôi rất dài có thể với tới chỗ cắt được, chỉ cần một y tá đứng sau bảo tôi: “Lên trên! Xuống dưới! Sang trái một chút! Được, đúng chỗ ấy đấy!” là tôi tự cắt được. Do đó tôi không yêu cầu ai phải đi cùng tôi vào bệnh viện, kể cả nó. Nhưng nó đòi đi. Nó bảo đối với “thanh niên chậm tiến” (là tôi) phải quan tâm trong đời sống, giúp đỡ trong công tác, cứu vớt về tư tưởng – chừng nào quan tâm, giúp đỡ, cứu vớt có hiệu quả mới bàn giao cho cơ quan chuyên chính. Nghe nửa câu sau, người tôi nổi da gà, không nói gì nữa. 

Ngoài hội họa ra, tôi còn thích đọc tiểu thuyết. Tác giả tôi thích nhất là Marquez. Tôi không nói được là thích tác phẩm nào nhưng tôi thích câu chữ ông sáng tạo ra, thí dụ,  Tình yêu thời thổ tả  , thật là tuyệt diệu đến cùng cực. Bắt chước ông, tôi có phát minh thời cách mạng, tình yêu thời cách mạng, vân vân. Tôi bệnh trĩ thời cách mạng. Trong thời kỳ cách mạng tôi bị khốn đốn, chẳng biết phải làm thế nào. Con Hải Ưng  x  đặt một cái săm ô tô hỏng lên ghế, tôi ngồi dễ chịu hơn nhiều. Nhưng tôi vẫn lo lắng không nguôi. Khi cùng đến bệnh viện tôi rất cung kính, đi cách nó ba mét. Nhưng hồi đó vợ chồng hợp pháp đi cách xa nhau như thế cho nên các bác sĩ trông thấy cũng không lấy làm lạ. Tôi vào phòng phẫu thuật thì nó ở bên ngoài thò cổ vào ngó nghiêng, chỉ khi cảm thấy cần nó mới lẻn vào. 

Nói thế để hiểu tại sao bác sĩ không xua nó đi – người tự nguyện như vậy đông lắm, xua đi cũng không xuể. Tôi lại đang nằm quay mặt vào tường, chờ bác sĩ đưa dao cho nên không thấy nó lẻn vào. Sự thực còn tốt hơn tôi tưởng tượng, người ta chỉ ra lệnh cho tôi tụt quần xuống, sau đó là một cơn đau choáng người không cảnh báo trước – tôi bất thình lình nhận một nhát dao như thế, lăn xuống khỏi bàn mổ. Khi đi bệnh viện chúng tôi ngồi xe ba bánh, khi đi tôi đứng, khi về nó đứng. Bỗng nhiên nó cười phá lên, vì tôi không biết nó đã từng nhìn thấy tôi tụt quần hở mông chuẩn bị cho người ta làm thịt cho nên tôi không biết nó cười gì, chỉ biết đó là một tín hiệu chẳng lành. Tôi nhớ bệnh viện có mùi nước sát trùng  lysol  nồng nặc, nhớ nó đứng thẳng người trên xe, còn việc bị làm thịt thế nào thì không nhớ nữa. 

Con người ta sống phải có ý tưởng để tâm hồn mình vấn vít vào đó. Thí dụ tôi có anh bạn, anh ta có mục tiêu là lật đổ thuyết tương đối để chứng minh mình thông minh hơn Einstein. Luca nào anh ta cũng trầm tư, kém tôi sáu tuổi mà trông già hơn tôi nhiều. Anh ta có thông minh hơn Einstein hay không thì tôi không biết, vì vật lý lý thuyết tôi chỉ hiểu vài thứ râu ria. Tôi đã nói ý tưởng của tôi là bi quan, nói vậy không có nghĩa là tôi ăn no ngủ kỹ, chẳng nghĩ gì cả. Nửa đời trước, tôi đã vắt cạn óc rồi, chỉ nghĩ mỗi một việc là dự kiến bao giờ thì cái rủi tiếp sau sẽ xảy ra? 

Con Hải Ưng  x  có một nụ cười kỳ quặc, da mặt cười nhưng bụng không cười, giống như cái mặt nạ bằng da trâu, khi phát biểu trên đại hội thì đem ra dùng. Kiểu cười thế tôi không làm được, cho nên nó là một câu đố đối với tôi. Đối với mọi người, vẻ mặt là biểu hiện của tình cảm. Tôi không thể hiểu da mặt cười nhưng bụng không cười thì tình cảm thế nào, vì vậy luôn luôn là câu đố, nhưng có một điều chắc chắn, con ranh này là số đen của tôi. 

Khi tôi bị nhốt trong phòng làm việc của nó, tôi có lục lọi đồ đạc. Tất nhiên khi ra nó đã khóa các ngăn kéo nhưng tôi lấy kim kẹp giấy mở được hết. Điều này chẳng có gì lạ: tôi là thằng lưu manh. Tôi muốn biết nó là người thế nào. Có hy vọng gì ở sự quan tâm, giúp đỡ, cứu vớt của nó không. Kết quả ngoài rất nhiều ngăn kéo đầy giấy tờ văn kiện ra, có cả băng kinh nguyệt kiểu cổ, có thể dùng để chế tạo máy bắn đá, một cuốn sách bìa cứng, bên ngoài đề chữ: “Dùng để phê phán”, giở ra thì là cuốn “Mười ngày”, in trước “cách mạng văn hóa”. Một trăm câu chuyện, một cuốn sách hay, xuất bản chỉ còn bảy mươi hai câu chuyện, điều đó cho thấy người Trung Quốc ngày càng không biết thế nào là sách hay. Tôi đọc một lát rồi để vào chỗ cũ, khóa các ngăn kéo lại. Xong việc không biết tôi còn có thể tin được nó không. Vài hôm sau tôi lại mở ngăn kéo, thấy có mảnh giấy: “Lục ngăn kéo là đồ chó má”, tôi vội đóng sập lại. 

Về sau nó bảo tôi rằng, cái cười của tôi là một câu đố cho nên nó muốn biết con người tôi ra sao. Tôi bảo tôi bị trĩ cho nên cái cười thảm hại của tôi giống hệt cái cười vô cớ của nó. Bấy giờ nó mới sực tỉnh: Thì ra nguồn gốc của nụ cười thần bí là bệnh trĩ! Vì thế nó muốn xem hình thù cái trĩ nó ra làm sao và nó lẻn vào phòng mổ, giả vờ định cắt cho tôi. Lúc đó tôi không hề hay biết gì về việc nó định cắt cho tôi, cho nên không có cảm giác gì, về sau biết được thì sởn tóc gáy, không hiểu đó là ý định gì. Một số ý nghĩ của nó tôi không thể nào hiểu được, phải chăng là do tính hiếu kỳ, muốn xem cái lỗ đít đàn ông nó ra sao. Hoặc vô công rồi nghề, thấy cắt trĩ cũng hay hay. Nếu biết trước thế, tôi đã dán mảnh giấy vào mông: “Nhìn đít tao là đồ chó má”. Đít tôi thế nào tôi có biết đâu thế mà về sau muốn sỉ nhục tôi, nó bảo: Cái trĩ của anh xấu lắm, cứ làm như tôi có nghĩa vụ phải trang điểm cho cái trĩ đẹp hơn. Nghe nó nói thế tôi đành nhẫn nhục, về sau nó lại nói tôi nằm trên bàn mổ, mồ hôi nhễ nhại, tay run bần bật. Tôi biết nói sao tay cầm dao mắt không nhìn thấy, ai chả run. Tôi mặt mũi bặm trợn nhưng lá gan thì bé tí. 

Tôi là người nhút nhát cũng có thể nổi xung đánh người nếu người ta diễu mình như vậy, con ranh nói thế thì tôi chịu. Thế là nó biết thóp, luôn dùng những câu thần chú như thế để khống chế tôi. Chỉ cần nghe đọc câu thần chú ấy là từ đứa mất dạy, tôi lập tức trở thành nàng Mona Lisa mỉm cười chững chạc. 


Bây giờ tôi cho rằng khi cười vô cớ là người ta đang đơn độc không có nơi bấu víu hoặc đang bị nỗi khổ dày vò. Tôi thế và nó cũng thế. Một cô gái hăm hai tuổi, ngày nào cũng mặc bộ quân phục cũ kỹ, lại còn đứng trước đông người đọc những văn kiện khô khốc, nếu không cười gượng gạo thì da mặt còn biết để làm gì. Còn tôi vì đau trĩ cho nên phải cười mếu máo. Những cái cười như thế là cười mình chứ chẳng cười ai cả. 

Sau khi cắt trĩ, có lần nó đối với tôi rất đểu giả. Buổi tối nó sai tôi đi lấy cơm, đem về, thường chỉ liếc qua, bảo: thức ăn thế này à rồi đổ hắt đi. Nó móc tiền bảo tôi đi mua bánh rán, loại bánh gồm bột mì và đậu, có bán ở cổng nhà máy. Nếu nó không phải là con gái thì tôi đã nhổ toẹt vào bánh cho nó ăn. Nhà máy tôi có ông già ngày xưa bị giặc Nhật bắt chở cơm, đến chỗ vắng ông ta phóng tinh vào thức ăn, sau này ông yếu thận, bảo là vì thời trẻ chống Nhật. Hồi ở Mỹ, giáo sư X. bắt chúng tôi lập trình, tính tiền theo số dòng nhưng lại bắt viết ngắn gọn, bốn nghiên cứu sinh chúng tôi đều căm ghét ông ta, như thế là áp bức và chúng tôi dùng tiếng Trung Quốc để chửi xỏ. Mao Chủ tịch đã dạy có áp bức thì phải có phản kháng cho nên phải nhổ nước bọt, phải phóng tinh vào, phải chửi. 

Có lần trong phòng nó, tôi buồn ngủ quá, nằm trên giường nó thiếp một lát, từ đó nó hành hạ tôi. Nó không còn nói kiểu “hoan nghênh” nữa, tôi vừa bước vào là “ngồi xuống”, sau đó chỉ sa sầm mặt, hai chân gác lên bàn, chẳng nói gì với tôi. Đã thế nó còn bảo mọi người gọi tôi là “Vương Nhị lưu manh”, tôi nghe mà lộn ruột. Chẳng khác gì ở Mỹ tôi nghe người ta chửi “  oriental  ”, bảo tôi “  go back to where you came from  ”. Lúc đó ức lắm chỉ muốn làm sao nghĩ ra một câu thần chú, đọc lên chúng nó sẽ sùi bọt mép và giãy lên đành đạch. Về sau tôi tổng kết lại, thấy rằng mỗi lần bị áp bức đều do người khác không vừa ý và thấy tôi vui hơn họ. Thí dụ giáo sư X, ông ta ép chúng tôi vì ông ta đang cầm đầu (sẽ nói sau), thấy kinh phí không đủ, đang rất bực bội cho nên cò kè với chúng tôi từng dòng. Lại thí dụ như vợ tôi, mỗi tháng thế nào cũng có mấy hôm kêu rú vào tai tôi, như là chê tai tôi chưa điếc, đó là vì cô mắc chứng đau bụng kinh, về sau cứ đến ngày đó là tôi giả vờ cũng đau bụng, chườm túi nước nóng, thế là cô ấy không kêu nữa. Những chuyện như thế tôi có nhiều phép lắm nhưng ở nhà máy đậu thì chẳng nghĩ ra được cách gì. 

Trước khi tôi nằm ngủ ở giường nó thì tôi đã có mấy chỗ ngủ với các tư thế khác nhau trên ghế băng, bàn thì lát kính, không nằm được. Tôi nằm tư thế nào cũng ngủ được, chỉ sợ lúc con ranh về trông thấy hình hài tôi quái dị mà sợ đến phát điên. Hồi bé có lần tôi tắt đèn ngủ gật, chị tôi về trông thấy hét lên và lấy chổi đập, chuyện ấy cho thấy người tôi mềm dẻo đến độ kinh dị đến mức nào, nếu không đã không lọt vào mắt xanh của thầy và vào đội thể dục. Vì sợ con ranh hết hồn nên tôi ngủ giường, nó lại không hiểu ý tốt của tôi, đá vào chân tôi đang thò ra ngoài giường mà hét: Cút dậy! Ai cho phép anh ngủ giường tôi! Tôi giật mình bật dậy. Từ đó nó chơi xấu tôi. Buổi chiều tôi đến, ngoan ngoãn ngồi xuống. Nó trừng mắt, lạnh lùng nói: Bảo ngồi mới được ngồi. Tôi nhảy dựng lên. Nó bảo: Ngồi xuống đi. Tôi ngồi ngay như khúc gỗ, đôi vai thẳng băng, suy nghĩ trong đầu cũng có hình lập phương. Nó bảo, anh làm sao thế, như cái giá treo áo ấy. Thế là tôi lỏng người và bắt đầu nghĩ lung tung. Lát sau nó đá chân tôi và bảo: Ngồi cho ra ngồi! Nó cứ hành hạ tôi như vậy làm tôi tức điên. 

Nếu bảo tôi vẽ cảnh “giúp đỡ giáo dục” thì tôi vẽ tôi thành quả đấm, có chỗ có hình con nhím. Hồi nhỏ chúng tôi nắm tay lại như thế khi đánh nhau, ai cũng bảo kiểu ấy đấm đau nhất. Bên cạnh, tôi vẽ con ranh đứng ngay như tượng. 

Còn về tôi, tôi chưa nói hết. Tuy tôi có lếu láo thật nhưng lếu láo biết điều, có nghĩa là ngoài mặt vẫn kính trọng lãnh đạo, kính trọng cấp trên, không bao giờ dám đối đầu. Có lẽ là vì trước đây bố tôi cục tính, lôi thôi là cho tôi ăn đòn. Ngoài ra tôi hay bẽn lẽn, từ tiểu học đến hết trung học không bao giờ nói chuyện với con gái. Điều đó cho thấy tại sao trước mặt con Hải Ưng  x,  tôi nhũn như con chi chi. Nó chơi đểu tôi đủ kiểu, cũng không phải không có lúc lóe lên một ý nghĩ tội ác. Có lúc tôi nghĩ sẽ vặn bím tóc tát cho vỡ mặt, hoặc lột hết quần áo nó đè xuống mà hiếp. Nhất là khi nó bắt tôi đi mua bánh rán, tôi sẽ túm tóc quật nó xuống đất làm một trận sướng mê tơi. Tôi không nghĩ sẽ làm, nhưng nghĩ thì cứ nghĩ. Nếu nghĩ cũng không được phép thì có khi làm thật. 

Con Hải Ưng  x  không nhìn thấy tôi định làm gì, tôi cũng không nhìn thấy nó định làm gì. Trong bụng nghĩ gì, thực ra không có gì quan trọng. Trên đời này chẳng có chuyện gì bé nhỏ vô nghĩa bằng ý nghĩ. 

Năm 1974 ở nhà máy đậu, tôi bị “giúp đỡ giáo dục”, có lần con Hải Ưng  x  hỏi tôi, nó có xinh không. Tôi cười không nói, làm nó phật ý. Sau đó chuyện tôi nằm trên giường nó chỉ là cái cớ để nó nổi khùng. Bây giờ tôi thừa nhận là nó rất xinh, nhưng bây giờ nói gì thì cũng vô bổ. Tôi nhớ câu chuyện thế này: Trong căn phòng đó, chúng tôi đã nói chuyện điện ảnh, nói chuyện những người tình của tôi. Nó bảo tư tưởng giai cấp tư sản của tôi rất nghiêm trọng, cho nên cần cải tạo. Rồi nói đến một tố chất gọi là thông minh. Bạn nên biết rằng hồi đó chỉ thừa nhận có người khổ cực thù sâu là người có tình cảm giai cấp sâu sắc, có người đê tiện đó là giai cấp tư sản, lãnh tụ là vĩ đại. Ngoài ra con người ta không còn tố chất gì khác cả. Vậy mà tôi lại nói có người thông minh. Thí dụ Hanibal – tinh thông binh pháp, Pythagoras – nhà toán học, Euclide thì không cần nói thông minh đến mức nào. Tôi kể một dãy tên rồi cuối cùng thêm một cái tên sau cùng. Hồi đó trẻ quá, không biết khiêm tốn. Nó lập tức hỏi: “Thế còn tôi?”, lúc đó tôi mắc chứng tiền nói lắp: quá – quá – quá thông minh! Nói lắp như thế có nghĩa là nói không thật lòng. Nó có vẻ không vui. Tôi nghĩ nó đáng đời, ai bảo nó gây ra cho tôi cái tật ấy. 

Sau đó lại nói đến một phẩm chất gọi là xinh đẹp. Thời cách mạng không được công khai nói xinh đẹp, bọn con trai phát minh ra tiếng lóng, khuôn mặt xinh gọi là sáng, người đẹp gọi là thon. Kiểu nói lóng như thế còn nhiều lắm. Tôi kể có một anh bạn đi về phía cô gái rất xinh cùng lớp, giả vờ khen cái huy hiệu bằng sứ trên ngực cô: sáng quá! Cô gái trả lời: Vâng, nó sáng lắm, sáng lắm! Chúng tôi cười bò. Tôi nói đến đây thì con Hải Ưng  x  bật ra một câu: Tôi thì sao, có sáng không? Nếu lúc đó tôi nói: sáng, thế là xong. Bất hạnh cho tôi lúc đó tôi bị lắp quá nặng, câm tịt. Sau tối đó nó có vẻ mặt rất cau có. 


Năm mười ba tuổi, tôi cảm thhấy mình như một cái chăn bông ướt và có mùi rất khó chịu. Tuần nào cũng chảy thứ nước dinh dính, tuổi còn nhỏ nhưng cơ thể đã phát triển, lông lá mọc đầy. Khi tắm ở nhà không hiểu sao con em nhìn thấy, nó bảo anh hai giống con lừa! Nó bị mẹ tôi đánh cho mấy roi, tôi khoái lắm. Từ đó đến bữa ngồi cạnh bàn là nó lại nghiến răng, lườm tôi bằng cặp mắt cận thị nặng bẩm sinh, khi vắng người lớn nó lại hầm hầm nói: con lừa! Tôi cũng tự cảm thấy mình đang ở trong trạng thái tồi tệ, đêm nằm thì cương cứng, nghĩ đến con gái là chộn rộn lên, không cần nghĩ người ta có thèm để ý mình hay không, nghĩ đến trong xã hội cũ bọn địa chủ cưỡng hiếp con gái nông dân. Tôi biết mình phải giấu kín tình trạng này để khói làm mếch lòng người ta. Nếu nói chẳng biết ai xinh ai không thì sẽ tốt hơn: giả vờ mình là người bị thiến, sạch bong. Nếu trúng là trúng số độc đắc. Vì thế mà tôi đã làm con Hải Ưng  x  khó chịu. 

Con ranh hỏi tôi thích đọc những sách gì, tôi bảo thích đọc sách đỏ. Nó bảo: Láo toét, nói thật đi. Tôi bảo: Đúng là sách đỏ. Hệt như kiểu hành xác trong trò chơi tình dục. Bên bảo: đau có thể là không đau, là thích. Nhưng nếu đau thật chịu không nổi thì phải có quy ước trước, có thể là: không đau! Cho nên đừng bao giờ hiểu theo nghĩa không quy ước. Về sau con Hải Ưng  x  bảo: Anh nói dối, anh thích xem sách gì nhất. Chẳng ai dám bảo thích xem sách đỏ là nói dối, cho nên tôi nói là: Các sách cổ Hi Lạp, La Mã. Bố tôi là học giả về văn sử cổ điển, nhà tôi nhiều loại sách đó lắm, tôi mới mười mấy tuổi đầu đã mê sách không phải vô duyên cớ – tôi thích xem đánh trận trong sách. Con này làm sao hiểu được tại sao người ta lại đi nghiên cứu xem thời cổ đại người ta đánh nhau ra sao. Tôi thừa nhận ý thích ấy cũng có vẻ quái đản. Cho dù quái đản đến đâu, nhưng trong đó không có mùi thối. Quái đản bao giờ cũng hay hơn là bốc mùi thối. Điều này cho thấy tôi và con Hải Ưng  x  tuy cùng là người Trung Quốc nhưng vẫn có vấn đề về ngôn ngữ. Chuyện tôi làm mất lòng nó cũng có liên quan đến vấn đề này. 

Bây giờ tôi thừa nhận, trước mặt nó, tôi rất căng thẳng. Người xưa nói: kẻ lao động trí óc trị người, kẻ lao động chân tay bị người trị. Đến thời cách mạng Hải Ưng  x  trị người, Vương Nhị bị người trị, Hải Ưng  x  trúng số đỏ, Vương Nhị trúng số đen. Nó hiểu được cách mạng và không cách mạng, hiểu phép duy vật biện chứng, tôi mù tịt về những cái đó. Tôi làm sao đạt tới trình độ tư tưởng của nó. Cho nên nó hỏi tôi sáng hay không sáng, ai biết được nó muốn nghe nói thật hay muốn nghe nói dối. 

Sau này khi con Hải Ưng  x  tính sổ với tôi, tôi bảo lúc ấy tôi không chịu thừa nhận cô là sáng, lại còn cười gian. Mỉm cười cũng như cái trĩ, tự mình không nhìn thấy được cho nên nó bảo có thì là có. Nhưng tại sao lại có thì tôi phải giải thích. Chỉ tiếc là hồi đó tôi chưa đọc “Thiên long bát bộ” của Kim Dung, nếu không thì có thể giải thích rằng: Vừa rồi có một tinh tú lão quái nấp sau cửa búng tay về phía tôi cú “tam tiếu tiêu dao tán”. Tam tiếu tiêu dao tán dưới ngòi bút Kim Dung là vị thuốc cực độc, bắn trúng vào người không những chết mà trước khi chết còn làm mất lòng người khác. Kỳ thực trong thời cách mạng chỉ cần làm cho người ta cười là đủ, chẳng cần thuốc độc. Giả sử bạn muốn cho ai chết không kịp ngáp thì chỉ cần búng chút xíu vào người ta đúng lúc đang tưởng niệm Mao Chủ tịch, người ta mỉm cười một cái là xong. Tam tiếu (cười ba lần) là lãng phí. Nhưng trong quá trình tôi làm mất lòng con Hải Ưng  x  , cười là kết thúc, không phải là bắt đầu, trước lần cười ấy tôi đã cười nhiều rồi. Chuyện này có thể giải thích cho bạn thấy là tại sao trong thời cách mạng, ai cũng có nét mặt như đưa đám. 

Thời kỳ cách mạng là một cánh rừng, đi vào rất dễ lạc đường, tự mình phải tìm lấy lối ra. Như bài hát của vệ binh Thụy Sĩ mà thằng xỏ lá Celine đã bịa ra: 

Ta sống trong đêm dài băng giá  

Đời người như chặng đường dài  

Ngẩng mặt lên trời tìm hướng đi  

Chẳng có ngôi sao nào dẫn lối!  


Tôi rất sung sướng trong cái mớ lộn tùng phèo này không bị ngã vỡ mũi, cũng không bị mụ Lỗ cắn miếng nào. Có lần tôi vào nhà máy, mụ ta xông đến. Tôi chán ngấy cái cảnh này rồi bèn đứng lại chuẩn bị nện cho mụ một trận, tôi sẽ nhằm thẳng mũi, chuẩn bị tung trái đấm ra. Mụ ta hét lên “bác Từ ơi” và chạy vòng xa qua tôi, vồ lấy bác Từ đang đi phía sau tôi. Cái kiểu sớm nắng chiều mưa như thế ai mà quen cho được. Cho nên mọi người khi chết nên để lại một cuốn hồi ký, để người ta biết khi anh sống, anh nghĩ gì. Thí dụ mụ Lỗ chết trước tôi, tôi đọc hồi ký của mụ sẽ biết tại sao khi thì mụ muốn bắt tôi khi thì không, để tôi tự đoán thì đoán không ra. 

Về sau mụ không chộp tôi nữa mà cứ túm lấy bác Từ mà nói huyên thiên không dứt, nào chuyện ông Trương cao ông Lý lùn, nào chuyện thời tiết. Mụ Lỗ là cái sọt đựng đầy chuyện ba láp, làm lãnh đạo thường hay thế. Bác Từ bị mụ lải nhải đến nhức đầu bèn lùi dần về phía nhà xí. Nhà xí của nhà máy tôi không đáng gọi thế mà nên gọi là cái “hố phân công cộng”, bên trong chẳng ngăn che gì cả, phơi bày tất cả ra. Thấy hai vị đi đến, những người trong đó cuống quít kéo quần chạy vội ra. 

Hegel   (   [6]  )   nói, bạn phải đi từng bước mới hiểu được một thời đại, đi từng bước là vô cùng quan trọng. Nhưng về mọi chuyện trong thời kỳ cách mạng thì chẳng bao giờ có thể hiểu được. Từng bước chỉ làm bạn cảm thấy bước sau chẳng có gì lạ nữa. Tôi nói mụ Lỗ kéo bác Từ vào nhà xí nam, bạn cảm thấy lạ và khó hiểu. Tôi nói mụ Lỗ định tóm tôi, thấy tôi định nện cho lại thôi không dám bắt, tóm lấy bác Từ để xuống thang, bạn cũng không hiểu được nhưng không thấy lạ nữa. 

Từ lúc tóm được bác Từ thì mụ không gây sự với tôi nữa, nhưng tôi cũng chẳng dễ thở chút nào. Bởi vì bây giờ không phải mụ Lỗ mà là con Hải Ưng  x  muốn tống tôi đi học tập cải tạo. Đối với tôi, cải tạo là cải tạo, ai bắt tôi đi cũng thế, mụ Lỗ bảo tôi vẽ bậy tống đi cải tạo với lại con Hải Ưng  x  tống tôi đi vì tôi không chịu bảo nó xinh, đằng nào cũng thế, đằng nào cũng đi. Nơi đó hình như là nơi tôi phải về trong cuộc đời của tôi. 

Khi học đại học chính quy, giáo sư môn thống kê nói, các anh thi đỗ đại học thành tích đều khá, nhưng khi học xác suất thì mười người chỉ có một người hiểu, chín người không – tuy vậy tôi không nhẫn tâm đánh trượt. Ông muốn nói rằng nhiều người không hiểu hiện tượng ngẫu nhiên, chỉ tin vào cái đã được chỉ ra. Điều này tôi thấy ông nói rất đúng, nhưng rõ ràng tôi là một người đầu tiên trong mười người đó, con Hải Ưng  x  nằm trong chín người còn lại. Đó là sự khác nhau về bản chất giữa tôi và nó. Ngoài ra cái khác như tôi là nam nó là nữ thì chỉ cần phẫu thuật là đổi sang nhau được. Nếu nó nghĩ được rằng khi nào tôi nói lắp khi nào không chỉ là sự ngẫu nhiên thì nó sẽ không còn là con Hải Ưng  x  nữa. Nếu tôi nghĩ rằng, trên đời này mọi sự việc đều có nguyên nhân, trước khi nói  sáng  thì Vương Nhị bị nói lắp, tất phải có nguyên nhân, nhất định phải bắt hắn nói ra, thế thì tôi không thừa nhận tôi là Vương Nhị nữa, mà tôi là con Hải Ưng  x  . Tất nhiên tôi là một trong mười, nó thuộc đám chín trong mười thì cũng hoàn toàn ngẫu nhiên, đối với hiện tượng ngẫu nhiên không thể nói mò, nếu không lại giống như ông đầu bếp nọ. 

Bây giờ nghĩ lại những chuyện hồi đó, có thấy được đôi chút bóng dáng của luật nhân quả. Thí dụ, tôi đã thấy hiện tượng quái dị là trời màu tím, sau đó  nghĩ vẩn vơ  , rồi chẳng có gì ăn, đói gần chết, lại càng  nghĩ vẩn vơ  . Người  nghĩ vẩn vơ  có trạng thái tâm lý của đứa trẻ, cho nên đứng trước người con gái cũng chẳng biết nói xinh hay không xinh. Nhưng chẳng ai biết được tại sao hồi tôi sáu tuổi trời lại có màu tím, sau đó tại sao tôi lại bị đói. Cho nên bây giờ tôi là người như thế này hoàn toàn là ngẫu nhiên. 

Là một học sinh toán, tôi không đánh giá cao sự thông tuệ của Hegel. Tôi không phải là vĩ cuồng, bởi vì ông không phải và không nên là tấm gương để nhà toán học noi theo. Khi bạn từng bước nhớ lại một sự kiện đã qua thì tất nhiên bạn biết cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng nếu bạn từng bước đi qua một sự kiện đang xảy ra thì bạn sẽ chẳng biết gì về tương lai cả, cùng lắm chỉ có thể làm một Gia Cát Lượng sau khi việc xảy ra, một quân sư nói vuốt đuôi, điểm này đặc biệt đúng trong thời cách mạng. Nếu Hegel từng bước sống đến năm 1957, cũng chẳng thể nào hiểu nổi tại sao mình bị quy là phái hữu, càng không thể biết mình sẽ chết khô ở vùng hoang mạc phía bắc hay ngắc ngoải qua được. Tôi từng bước đi từ 1973 đến 1974, cho đến khi con ranh hỏi tôi nó có xinh không, trước đó một giây, tôi không biết tôi sẽ bị tiền nói lắp, nếu biết được thì tôi sẽ không chờ nó hỏi mà nói trước: “cô sáng lắm” để cho xong chuyện, rồi tôi cũng không biết tôi có phải đi học tập cải tạo hay không, mãi đến cuối năm 1994 các lớp học tập cải tạo giải tán, tôi mới coi như trút được gánh nặng. Điều đó cho thấy đi từng bước chẳng ích gì. Ngay cả Hegel cũng làm mất lòng con Hải Ưng  x  . Tôi tán thành Celine khái quát trong bài thơ đó cho dù hắn là một gã lưu manh hay bán nước. 

Nếu bây giờ để tôi trả lời câu hỏi của con Hải Ưng  x  , thì tôi không những chỉ nói lóng “sáng”, mà còn “thon”, hơn nữa có thể nói nó  charming, sexy  vân vân. Tóm lại nói gì thì nói miễn là cho nó hài lòng. Con bé người thanh mảnh, ba vòng khá chuẩn, mặt dễ thương, nói quá một chút cũng không đến nỗi ghê răng. Hơn nữa cái thân tàn của tôi đây còn đang nằm trong tay nó kia. Bây giờ nói nó xinh có nghĩa là nó có thể làm cô nàng của một công ty lớn, kiếm bộn tiền, cưới đại gia. Đi Mỹ học thì không bao giờ bị điểm kém nếu giáo sư là đàn ông, thi lấy bằng lái xe thì có va quệt chán chê vẫn qua được. Có nhiều chuyện hay thế, nó nghe sẽ thích lắm nhưng theo cách hiểu trong thời cách mạng, nếu sinh ra trong xã hội cũ mà xinh đẹp là bị cưỡng hiếp, bị giặc bắt thì bị chúng thay nhau làm nhục. Theo các tài liệu tuyên truyền, chúng không chỉ có hiếp là xong đâu mà giết luôn. Cho nên xinh đẹp là bất hạnh, ai biết được con Hải Ưng  x  thích hay không thích. 

Trong thời kỳ cách mạng, xinh hay không xinh còn dẫn đến vấn đề đạo đức phức tạp. Xinh đẹp chia thành đẹp ngoại hình và đẹp về đạo đức. Ngoại hình là ba vòng và khuôn mặt, đẹp đạo đức là ta thừa nhận hay không thừa nhận. Nếu là phần tử phản cách mạng thì ba vòng và khuôn mặt ra sao vẫn không thể thừa nhận là đẹp, nếu không sẽ mắc sai lầm. Do đó có hai khả năng: 

1- Nếu ta là cách mạng, đối tượng là phản cách mạng thì ngoại hình nó thế nào, ta cũng không được nói đẹp, nếu nói là trụy lạc. 

2- Nếu ta là phản cách mạng, đối tượng là cách mạng thì nếu ngoại hình nó đẹp, ta thừa nhận và tìm cách cưỡng hiếp. 

Mấy khả năng khác nữa chẳng cần nói, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy rằng: Trong chuyện xinh đẹp, phái cách mạng bị thiệt, cho nên xinh đẹp là chuyện của phản cách mạng. Mao Chủ tịch dạy chúng ta rằng cái gì kẻ thù phản đối thì ta cần ủng hộ, cái gì kẻ thù ủng hộ thì ta cần phản đối. Theo nguyên lý đó, tôi không thể cố tình nói con Hải Ưng  x  xinh. 


Sau khi làm mất lòng nó, tôi có giải thích ý nghĩ của tôi. Nó nghe rồi bảo: Đừng nói lăng nhăng nữa. Tôi bảo nó: Vậy thì cô muốn tôi nói cô xinh hay không xinh hãy cho tôi biết trước. Tư tưởng tôi chưa cải tạo xong, không biết rõ lắm. Nó trợn trừng mắt, nói: Thật tình tôi muốn cho anh cái tát! Chuyện tôi làm mất lòng nó xuân hè năm 1974 là như thế. Nói chính xác đó là vào trung tuần tháng tư. Về sau nó sai tôi đi mua bánh rán và tôi muốn nhổ vào hộp cơm của nó. Nhưng giai đoạn đó cũng mau chóng qua đi. 

Đến tháng năm, tôi vẫn chịu “giúp đỡ giáo dục” ở chỗ con Hải Ưng  x  . Nó bắt tôi ngồi ghế băng, ngay lưng thẳng bụng, mắt nhìn phía trước, hai bàn tay chập lại để giữa hai đầu gối, chăm chú nghe. Còn nó thì uể oải ngồi trên ghế dựa, thậm chí nằm trên giường giám sát tôi. Bệnh trĩ của tôi đã hết. Ngoài ra tôi còn được tập thể dục: đứng chân tường ba giờ đồng hồ, cổ tay buộc trên vòng treo, cổ chân đeo quả tạ. Hồi trung học, thầy giáo thấy tôi có vóc người ngũ đoản và dẻo dai nên cho tôi vào đội thể dục, sau thấy tôi dẻo quá, cứ uốn éo nên đã từng uốn nắn tôi theo cách đó. Tóm lại kiểu hành hạ ấy, tôi đã trải qua, chẳng có gì ghê gớm lắm. Ngoài ra, con Hải Ưng  x  cứ luôn lườm tôi, thỉnh thoảng lại sỉ vả một câu. Dần dà tôi cảm thấy sự sỉ vả mang vẻ giận hờn. Bởi vì một nam một nữ ở trong một phòng thì cho dù nó có nanh ác thế nào, đều có một vẻ hờn dỗi. Nhưng do lúc đó tôi còn là thanh niên chậm tiến, nghĩ vậy ví như tát mặt mình làm béo vậy. 

Về sau, ở Mỹ tôi có đọc các sách kiểu như “Chín tuần rưỡi”, có được nhận thức cảm tính, sau lại đọc tác phẩm của Freud hiểu được cách diễn đạt về lý luận. Những kiến thức đó rất quan trọng đối với chúng ta, bởi vì ở Trung Quốc khoảng cách giữa người với người quá gần. Ở các nơi khác trên thế giới ngoài quan hệ tình dục và bạn thân ra, người ta không gần nhau đến thế, do đó mọi ý nghĩ đều có dấu vết của tình dục. Freud nói chứng thích chịu ngược đãi hình thành như sau: Nếu con người ở vào tình trạng đau khổ không vượt qua được thì sẽ yêu luôn sự đau khổ đó và coi nó là niềm hạnh phúc. Theo kinh nghiệm của tôi, nói như vậy cũng có lý. Nhưng nguyên nhân của chứng thích ngược đãi thì ông nói không hoàn toàn đúng. Ngoài cái tính thích ngược đãi bẩm sinh, còn do kẻ chịu ngược đãi gợi ra nữa. Về điểm này có thể đưa ra khá nhiều thí dụ, đoạn dưới đây trích ra từ cuốn sách nói về cuộc hải chiến Nhật – Nga năm 1905, khi đó người Nhật không tuyên chiến, đánh đắm luôn mấy chiếc tàu chiến của Nga đậu ở ngoài cửa biển Lữ Thuận: 

“Hải quân của đế quốc Nga đem tàu đến đậu trên biển, lại không phòng vệ, bị tập kích. Hải quân đế quốc chúng ta nhận lệnh tiến đánh, giành thắng lợi vẻ vang”. 

Theo cách nói đó thì người Nga đậu tàu ngoài khơi không phòng vệ là giơ mông đít ra khiêu khích, người bị khiêu khích rơi vào trạng thái khó xử đành phải đánh. Trong một cuốn sách, một phần tử dân tộc chủ nghĩa viết: thấy người Do Thái cạo trọc đầu đi đường hiền lành thì tự nhiên ngứa ngáy, cảm thấy không thể không chạy ra gõ cho mấy cái sưng đầu lên. Nếu thấy thí dụ chưa đủ, bạn hãy hỏi bọn hồng vệ binh trong “cách mạng văn hóa” tại sao phải đem những người chúng gọi là “đầu trâu mặt ngựa” ra cắt tóc cho trụi nửa đầu, vẽ xanh đỏ lên mặt người ta – nếu họ không cúi đầu nhận tội thì bọn hồng vệ binh đâu có nảy ra những ý nghĩ quái gở đến khó tin như vậy? Một thí dụ khác là một số người trong giới trí thức nước ta, vốn cổ hủ, ngô nghê, dễ thương quá, chỉ mong một lúc nào đó lại được đánh một trận. Lãnh đạo làm sao chống lại được sự hấp dẫn ấy, thế là bảo họ là phái hữu và nện cho no đòn. Tôi thấy Chiên Ba trắng trẻo, sức vóc trói gà không chặt, thấy đáng yêu quá, không đánh hắn thì phải tội. Còn lúc ngồi chịu “giúp đỡ giáo dục” chỗ con Hải Ưng  x  thì do căng thẳng nên đầu óc mụ mị, ngô nga ngô nghê, thế là chả trách bị con ranh nó hành cho. Tất cả những sự giải thích đó có thể khái quát bằng một câu: Ai toàn trúng số đen người đó sẽ bị ngược đãi. Ai toàn trúng số đỏ người đó háo hức ngược đãi. Mọi sự giải thích khác là thừa. 

Khi con Hải Ưng  x  cần đi đâu, nếu tôi không phải làm thì nó lôi tôi đi theo. Tôi bảo: Trước kia cô khóa tôi trong phòng kia mà? Nó bảo, trước kia thế, bây giờ thì không, bởi vì anh lục ngăn kéo của tôi. Thế là nó kéo tôi đến ban chấp hành đoàn của nhà máy. Người ta trông thấy, hỏi: Anh chàng này là ai? Nó bảo: Thanh niên chậm tiến của nhà máy, tên là Vương Nhị. Nghe nó giới thiệu thế, tôi hết hồn. Đến khi nó bảo: Vương Nhị anh kể những chuyện xấu xa anh đã làm đi, lúc ấy tôi mới hoàn hồn. Tôi giới thiệu vắn tắt: Tôi đánh gãy xương đòn Chiên Ba, ủy viên ban chấp hành đoàn. Nó bảo: Kể tỉ mỉ! Tôi bảo: Tôi túm cổ áo nó, quả đấm đầu tiên trúng mắt phải nó, quả thứ hai trúng mắt trái, những quả sau trúng xương đòn…, con Hải Ưng  x  bảo đủ rồi, anh ra ngoài chờ. Tôi ra ngoài khoanh tay đứng chờ, nghe bên trong có tiếng cười ha ha. 

Để tránh mụ Lỗ, tôi gửi xe đạp bên nhà máy rượu rồi leo tường lên tháp, gần hơn là đi dưới đất nhiều. Vì vậy mỗi lần có việc lên công ty, con Hải Ưng  x  đi xe đạp còn tôi chạy bộ theo như con ngựa con. Khi chạy, như tất cả những người nhỏ con, hai cánh tay tôi ép sát người, chạy đều chân, như thế sẽ cao hơn một chút. Chạy mãi, chạy mãi, tôi ư ử một bài hát của những người nô lệ trong một vở nhạc kịch – bởi vì tôi đang như một kẻ nô lệ. Cái khuyết tật lớn nhất của tôi không phải là mù màu mà là mù tiếng. Chưa ai từng biết tôi đang hát gì, có nghĩa là bất kỳ thời kỳ nào và ở đâu tôi cứ tự do hát. Tất nhiên tôi hát cực dở. Nhưng tôi không mù chữ, tôi viết ra người ta hiểu được, có nghĩa là tôi không thể muốn viết gì thì viết. 

Tôi ngồi như tượng trong phòng con Hải Ưng  x  , dần dà hai người chẳng biết nói gì nữa. Ngoài ra căn phòng trở nên có màu xanh vì bên ngoài cây lá đã xum xuê hắt ánh sáng vào. Những cây du, cây mai gì đó rất khó nhớ tên. Cây nào cũng xù xì, gù lưng như ông già, những cái bướu trên cây giống như cái cục u trên trán ông Thọ. Người ta bảo bất kể động vật gì, thiến đi thì sống rất lâu, không biết những cái cây này có bị thiến không. Trong vườn có một cây dương đỏ, trông rất điên, tuổi nó chắc trẻ hơn tôi, một người ôm không hết, thân cây nứt nẻ chảy nước đen, nhất định là chưa thiến, cây đầy sâu róm không như các cây khác. Tôi ngồi nhìn cây lá như bị hút hồn, có lúc quên cả mình là ai, con Hải Ưng  x  là ai, trong khi nhớ dáng vẻ từng cái cây trong vườn. Mùa đông người ta vun tuyết thành đống dưới gốc cây, dần dần tuyết có màu đen sì, không tan nhưng thấp dần xuống rồi thành đống bùn. Đến khi ấy các búp trổ ra, cả vườn một màu xanh ngắt. Mùi xú uế thấm vào lá cây rồi biến mất, chỉ còn mùi tươi mát của lá. Tôi mơ màng nghĩ biết đâu mình và cây có mối quan hệ huyết thống – tôi thích cây vô cùng! Là một cái cây thì gặp chuyện gì cũng thư thái như không. Đó là vào năm 1974. 

Sau này hai vợ chồng tôi đi chơi nước Anh, cưỡi chiếc xe đạp thuê đi trên những con đường nhỏ giữa các thôn làng của England   (   [7]  )   sau hàng lan can ven đường là rừng cây bạt ngàn. Vợ tôi bảo chui vào, chúng tôi chui vào, gặp con chó rất to, tôi trừng mắt nhìn, nó co cẳng chạy đi. Rừng rậm rạp sương mù dày đặc. Vợ tôi kêu lên ôi rừng đẹp quá ta  ấy  một tí đi! Chúng tôi nằm xuống tận hưởng một tình dục trong tĩnh lặng, phảng phất hơi sương và ngan ngát hương rừng. Xong xuôi, chúng tôi lại đi len lỏi trong rừng, lại gặp một con chó, tôi trừng mắt dọa, nó sủa váng lên, có một người đi theo sau nó, cắp khẩu súng hai nòng, nhìn chúng tôi rất chăm chú, lúc đó trên người chúng tôi ngoài da gà nổi gai lên, còn chẳng có gì cả. Ông ta mỉm cười bảo: mặc quần áo vào đi, ta uống cà phê. Trong khi uống cà phê, ông ta cứ mỉm cười hoài, vợ tôi cứ thản nhiên như không. Khi tiễn chúng tôi ra cửa, ông ta nói thầm với tôi: Vợ ông trông ghê thật. Tôi thản nhiên im lặng. Khi ra khỏi nhà, tôi mới nhận ra rằng trong đầu tôi có ý nghĩ muốn giật lấy khẩu súng, cho lão già mặt lưỡi cày này một phát vào ngực. Làm việc đó tất nhiên là xấu, lấy oán đền ơn. Nhưng chỉ nghĩ thế thôi thì chẳng có gì là không tốt. 

Tôi ngồi nhìn cây cối ngoài sân, chẳng nói chẳng rằng. Con Hải Ưng  x  nằm trên giường xem đồng hồ đeo tay, đến một lúc vùng dậy nói đi, thế là tôi đi theo nó, chạy bộ theo xe đạp, không bao giờ hỏi đi đâu. Hoặc trời về chiều nó đưa tôi hộp đựng cơm: “Đi lấy cơm”. Tôi đi mua cho nó mấy chiếc bánh bột rán, tuy tôi muốn hỏi ngày nào cũng ăn cái thứ này không thấy chán à, nhưng tôi không bao giờ hỏi. Trời tối nó bảo: Buồn ngủ rồi. Tôi ra khỏi phòng đóng cửa nhẹ nhàng rồi về nhà. 

Con ranh càng ngày càng nói nhát gừng, dần dà bỏ mất chủ ngữ, thí dụ: “ngồi xuống”, “lấy cơm”, “đi”. Lời gọn ý đủ và dần dần tôi cũng quên nốt mình là ai. Thế rồi nó cũng không nói nữa mà ra hiệu bằng tay: Chỉ ghế, chỉ hộp cơm, chỉ ra cửa. Tôi cũng theo luôn. Nó chỉ vào miệng thì tôi kể chuyện nào đó đã qua. Như vậy ngồi trước nó đầu óc tôi thông thoáng, đến lúc nào đó phải làm gì thì làm, dần dần tôi thích những động tác đơn giản đó, lâu cũng không thấy chán. Tôi thường nằm mơ thấy con Hải Ưng  x  , tôi treo nó lên cây, hôn và vuốt ve rồi lột sạch quần áo nó ra mà hiếp. Tôi thích chơi nó vì chẳng còn lựa chọn nào khác.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.