Thời Hoàng Kim

Chương 26: Thi đại học


Đọc truyện Thời Hoàng Kim – Chương 26: Thi đại học

Năm 1978 tôi đi thi đại học. Trước đó tôi chỉ học trung học một năm, mà là tận 12 năm trước, các bài học thuộc chương trình trung học hoặc là chưa học hoặc là quên sạch rồi. Gia đình khuyên tôi: mày rỗng hết cơ bản, lại có trí nhớ tốt nên thi môn xã hội cho chắc ăn. Nhưng tôi không nghe, tôi thi toán và đỗ. Trí nhớ tôi tốt thật, đọc xong một quyển sách dày, tôi nhớ từng chi tiết nhưng tên người và năm tháng thì quên sạch. 


Tôi quan tâm đến một mặt của vấn đề: Nếu điều bạn nói là một trạng thái tôi sẽ lập tức hiểu ngay đầu đuôi ra sao, nếu điều bạn nói là một quá trình, tôi sẽ hiểu nguyên nhân và kết quả đúng như bạn nói. Không những hiểu mà còn nhớ được. Do đó, đối với tôi, toán lý hóa đều khá dễ hiểu. Điều hóc búa nhất là thế này: một sự việc, danh phận của nó ra sao, đưa nó vào hệ thống danh nghĩa như thế nào – có nghĩa là gọi nó là cái gì. Ai cũng biết điều đó phải học thuộc. Điều tôi sợ chính là cái ấy. Ông tổ của văn chương Khổng phu tử nói, danh chính ngôn thuận thì sự tất thành, cuối cùng thành cái gì thì không rõ lắm. Tôi thuộc tầng lớp thấp kém, thôi thì học triết. 

Học toán cũng phải thi môn cần thuộc lòng, môn này làm tôi khổ sở. Tôi nhớ hồi đó chuẩn bị một đề, gọi là “Mười cuộc đấu tranh đường lối”, một cơn ác mộng đối với tôi. Mỗi cuộc đấu tranh đều có bên đúng bên sai, không khó trả lời, những nhân vật đại biểu cho bên sai thì phải nhớ. Bạn hỏi một tín đồ đạo Công giáo: Ai là người cứu rỗi, người ta lập tức trả lời là chúa Giê-su của tôi! Tôi cũng vậy và điều đó có nghĩa tôi là người tử tế. Nếu hỏi: xin nêu ra mười con quỷ xấu xa nhất là những ai thì tín đồ Công giáo chưa chắc trả lời được – người tử tế nhớ tên ma quỷ làm gì. Tôi cũng không nhớ nhân vật đại biểu cho đường lối sai lầm là những ai. Nhưng tôi muốn lên đại học thì phải nhớ những cái tên đó. “Mười cuộc đấu tranh” còn khó hơn thế, bởi vì mỗi cuộc đấu tranh có chống tả, có chống hữu, phải nhớ cho rõ, nó làm cho đầu tôi to như cái đấu. Nói thật, hôm trước khi thi, tôi giơ hai bàn tay đếm nhẩm mười ngón nhớ đủ tất cả tả khuynh lẫn hữu khuynh. Nhưng tôi nhớ tả hữu trên đề còn tả hữu đời thường thì quên mất, mãi chẳng nhớ ra. Sau này lái xe ở Mỹ, vợ tôi ngồi bên bảo rẽ bên tả hoặc bên hữu tôi nhớ ngay đến Trần Độc Tú hoặc Vương Minh, không kịp đánh tay lái, thế là cho cả xe lên mép hè, đâm hỏng cả lan can, sau phải véo tai thì hiểu được. Thế mà môn này lại chưa thi, thế mới tức. Một môn đã thế, nếu môn nào cũng thế chắc chắn tôi quên cả chính mình là ai. Bây giờ nhớ lại tôi may mà không thi môn xã hội – hãy còn chút tỉnh táo, nếu không thì hoặc là thi trượt hoặc là thành ngớ ngẩn. 


“Bạn thi” của tôi hồi đó có anh nhớ bài đáng nể: Ngày đông tháng giá, anh ta mặc chiếc áo bông mỏng, tay nọ thọc ống tay kia đi dạo ngoài trời, lưng còng xuống, miệng lẩm nhẩm như tụng kinh. Bạn đi qua bảo: này, thử kiểm tra cậu xem sao. Anh ta liền rút tay, lôi ra tập tài liệu ôn thi đưa cho bạn. Bất kể bạn hỏi đề nào, anh ta sẽ nói nó ở trang nào đoạn nào rồi đọc liến thoắng như rang bắp, sau mỗi đoạn anh ta còn bảo bạn là dấu phẩy hay dấu chấm. Cuối cùng anh ta thi đỗ vào một trường đại học khoa học xã hội danh tiếng – Cách học thuộc lòng như vậy tôi bái phục. Còn tôi cứ học thuộc lòng là buồn ngủ, như là nhiễm độc khói than. Ra ngoài trời chịu rét thì không buồn ngủ nữa nhưng nước mũi chảy ròng ròng trông bất lịch sự lắm. Tôi nghĩ đi gặm mấy đề toán hay hơn. 


Toán học lại là môn học tôi không nắm chắc lắm, vì chưa học bao giờ, tôi chỉ lỗ mỗ tự học. Lý hóa còn dễ nhai hơn một chút, toán học không thể suy đoán lung tung. Tôi cảm thấy sẽ gãy môn toán, nào ngờ cũng đạt yêu cầu. Nghe nói năm ấy xảy ra một chuyện: Một trường trung học ngoại thành Bắc Kinh, ở một lớp năm cuối, thi toán nhất loạt bị điểm 0, không có đến nửa điểm. Lấy bài thi ra xem, học sinh trả lời kín trang giấy. Các em bảo môn này nghe không hiểu, thầy giáo cho học thuộc lòng, dù sao cũng không nên cho điểm 0. Sau này phát hiện thầy giáo dạy toán đã thi đại học, môn toán của thầy cũng được điểm 0. Có người biết chuyện bảo: Học sinh lớp này học thuộc lòng thuộc loại siêu hạng. Không phải nói phét, nếu tôi ở lớp này chắc chắn không bị điểm 0 vì thầy bảo nhớ thuộc lòng tôi không nhớ được. Đã không nhớ được thì thế nào cũng được điểm 1 điểm 2.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.