Thời Hoàng Kim

Chương 12: Hồng phất chạy trốn trong đêm (3)


Đọc truyện Thời Hoàng Kim – Chương 12: Hồng phất chạy trốn trong đêm (3)

Chương này lần đầu dùng chữ “người tài” để chỉ một loại người mà theo cách nói thông thường là “nhân tài”. “Người tài” và “nhân tài” chỉ khác một chữ nhưng có giá trị và chiều hướng khác nhau.  

Từ “trên” cũng được dùng theo xác suất tăng dần nhưng xin lưu ý độc giả: không hề có ý nghĩa hình học.  

Bây giờ nói về công tác nghiên cứu của tôi. Gần đây tôi có một thành quả nghiên cứu là phát hiện Mặc Tử   (   [4]  )   phát minh ra phép vi tích phân. Việc tìm ra phép vi tích phân xảy ra từ thế kỷ XVII bỗng chốc vọt lên trước đời Tần. Căn cứ của tôi là: Mặc Tử nói, ta yêu tất cả mọi người. Vậy về tổng thể, tình yêu của ông là số vô cùng. Có người hỏi ông, thế gian vô số người, kể ra không hết, ông yêu thế nào? Có nghĩa là hỏi ông định nghĩa thế nào về số vô cùng. Ông bảo, ngươi kể ra được ai thì ta yêu, người không kể được ra ta cũng yêu. Vậy có nghĩa là số vô cùng lớn hơn mọi hằng số đã cho. Ông đã định nghĩa số vô cùng lớn, ông còn định nghĩa cả số vô cùng nhỏ. Định nghĩa được cả hai tức là phát minh ra vi tích phân. Tôi phát hiện trong “Mặc kinh” có nhiều chỗ sai và thiếu, sau khi đã được sửa chữa và bổ sung, toàn bộ “Mặc kinh” đã trở thành một giáo trình vi tích phân hoàn chỉnh dùng để dạy đại học, chỉ thiếu cuốn bài tập. Cũng với phương pháp như thế, tôi giải thích “Luận ngữ” thành cuốn bài tập. Như thế hai nhà tư tưởng Khổng Tử và Mặc Tử đã diễn giải hệt như sách giáo khoa của hai tác giả Liên Xô Smirnov và Kiminovski, không biết ai sao chép của ai. Điều này cho thấy đừng vội vàng tin tôi. Tôi viết kết quả này thành luận văn gửi đi, lập tức được đăng và các báo đua nhau đăng lại, nói nhà toán học trẻ tuổi Vương Nhị làm việc rất có hiệu quả vân vân, tôi hãi quá mấy ngày không dám thò mặt ra khỏi nhà, chỉ sợ người ta nhổ vào mặt và bảo xưa nay chưa thấy ai vô liêm sỉ như mày. May mà chuyện đó không xảy ra. Thực ra tôi gửi bản thảo cuối tháng ba, định đăng vào số báo ngày mồng một tháng tư, nào ngờ âm thiếu dương thừa, số tháng năm mới đăng. Nhân tiện nói thêm, tôi có người bạn sinh ngày mồng một tháng tư, thế là tôi cứ nhớ mồng một tháng tư là  ngày nói dối  . Chuyện này cho tôi thấy rằng không nên đánh giá quá cao tính hài hước của người khác. 

Tôi nhận được nhuận bút cho bài báo, tất cả là ba trăm hai mươi tệ. Nói đến con số ấy tôi thấy vui. Bởi vì nếu có người thực sự phát hiện ra trước đời Tần đã có người hiểu vi tích phân thì không chỉ được bấy nhiêu tiền, tôi nhận ít thì đỡ nhục. Nhưng đến khoa thì buồn nẫu ruột, bởi vì nghe nói cái luận văn chó ỉa ấy của tôi được bình là thành tích cấp nhà trường, và tôi được đặc cách phong phó giáo sư. Tôi ngờ có ai đó trêu tôi, hoặc thật sự hại tôi. 

Vệ công đi bưu cục nhận tiền. Bưu cục khang trang như mọi cơ quan. Nhưng nó không phải ngành quan trọng cho nên mái tranh vách đất, bên trong chỉ có vài người không có không được (nếu không có cũng được thì ai muốn đến đây ngắm bộ mặt nhân viên bưu điện làm gì?), chỉ có gà đang thơ thẩn nhặt thóc, chó đang thè lưỡi hóng mát. Cho nên khi Vệ công dẫn đoàn người ầm ầm kéo đến thì gà bay chó chạy tứ tán. Những nhân viên đang ngủ gật sau bàn cũng không thèm ngẩng đầu. Quầy rất cao, người cao lớn như Vệ công cũng không nhìn thấy mặt quầy, bên trên còn chăng dây thép gai, thò ra mấy sợi dây xích. Vệ công kiếm mấy tảng đất kê lên đứng mới thấy người sau quầy, ông đưa ngân phiếu, nói làm ơn cho rút tiền. Người nọ cầm ngân phiếu, hết nhìn lại ngửi rồi nói: Có phải thật không đấy, dùng ngân phiếu giả là tội chết đó! Vệ công rụt rè nói: “Thật đấy ạ”, người kia trừng mắt quát: Cái gì? Nói to lên! Vệ công liều: Thật đấy ạ. Người nọ ném sợi dây xích ra nói: Buộc vào. Để tôi tìm người xem lại. Thật là khiếp vía, Vệ công choàng vào cổ xong thì người nọ lấy khóa móc vào và ngồi kiểm tra ngân phiếu. 


Theo chỗ tôi biết đời nhà Tùy làm vậy để phòng ngân phiếu giả. Nếu bạn không dùng ngân phiếu giả thì họ mở khóa. Vệ công sợ run bắn người, một là sợ công sai đằng sau có thù gì với ông đá cục đất dưới chân thì ông bị treo lơ lửng, hai là sợ nhân viên bưu điện bảo là da con la, là ngân phiếu giả. Ông là họa sĩ biết phân biệt hoa văn con dấu nhưng ông không phải thợ da biết phân biệt da ngựa da trâu, la là nửa lừa nửa ngựa. Nếu là da la thì trâu ngửi không khóc, ngựa ngửi chỉ khóc một bên mắt, không biết thật hay giả. Da ngựa và da trâu chỉ bán cung cấp, dân chúng chỉ kiếm được da la và da lừa, vậy là tình cảnh của Lý Tịnh càng thảm. Người ta cho người về khám nhà ông, dưới giường có dụng cụ để làm giả ngân phiếu, có cả nửa tấm da la. Điều này dễ tưởng tượng, nếu có ai muốn hại ông thì họ nhét vào, cái trò này ông tưởng tượng ra thế này: Thời gian đầu họ gửi mấy ngân phiếu thật cho ông, sau thì gửi ngân phiếu giả, đồng thời gửi thư nặc danh tố giác ông làm giả ngân phiếu. Điều đó cũng giải thích tại sao ông có nhiều người theo dõi như vậy. Nhưng nếu Vệ công bị người ta làm hại kiểu như thế thì ông không phục kẻ gài bẫy, bởi vì ông rơi vào bẫy không phải vì ông kém mưu mà chỉ là vì không cưỡng nổi ma lực của năm mươi lượng bạc mà thôi. 

Gần đây có người đã chứng minh được “vấn đề bản đồ bốn màu” đã mấy trăm năm chưa chứng minh được, nhưng tôi không phục vì người ta dùng máy tính cỡ lớn mỗi giây giải hàng tỷ phép tính. Tôi mà có vài trăm triệu đô la thì tôi cũng mua máy tính cỡ lớn. Có người còn chứng minh, với n nhỏ hơn một trăm và với x, y, z nhỏ hơn mười mũ sáu, định lý Fermat đều có nghiệm, nhưng tôi cũng không phục vì vẫn là máy tính chứng minh. Tôi phục Vệ công vì ông dùng que tính và dùng đốt ngón tay mà chứng minh được định lý Fermat. Nên biết rằng thời cuối đời nhà Tùy giấy rất đắt, dùng bút viết ra giấy cũng là cậy giàu đi lừa đảo. Theo nghĩa đó, chúng ta có thể chết bất kỳ lúc nào vì bị lừa, vì chúng ta đều lừa nhau, nên phải lừa cho công bằng, không được cậy giàu. Nhưng lần này Vệ công không bị lừa, người nhân viên phát tiền xuất hiện, mặt khó đăm đăm, dằn giọng quát: Ngân phiếu là thật, mày gặp may đấy. Cầm lấy! – Một bọc năm mươi lượng bạc bọc cẩu thả ném ra, quát: Cút! Còn đứng đấy làm gì? Vệ công vươn cổ nói: Làm ơn, mở khóa cho tôi. 

Chuyện lĩnh tiền của Vệ công là thế. Sự việc này cho thấy Vệ công vốn rất biết điều, ông rất vui lòng để người ta xích cổ lại. 

Vệ công rời khỏi bưu cục mang theo cảm giác nặng nề, bị người ta xích như xích chó thấy nhục quá, nhưng ra ngoài một lúc thì thanh thản lại. Lý Tịnh còn trẻ, còn day dứt về chuyện này dài dài, đến tuổi trung niên mới nhận ra rằng cả đời mình bị người ta xích như xích chó, thà chết quách còn hơn – từ đó tinh thần ông bị suy sụp. Vệ công có tiền rồi bèn đến phố hàng Rượu để tìm người tình, nhưng ông vừa bước đi thì nghe tiếng chân rào rào như ông là con rết một trăm ba mươi chân, lại còn một trăm ba mươi tay nữa chứ, nghe mà ghê cả người. Ông như con rết lắm đốt, đầu đã bò vào sâu trong ngõ rồi mà đuôi vẫn còn giật được của người ta xâu thịt nướng bán bên đường. Nếu ông đứng lại quay đầu nhìn sẽ thấy cả một đội quân quần áo đen dồn lại thúc vào lưng ông trôi lên phía trước như dồn toa xe lửa. Nếu ông chạy nhanh thì đội quân lại dãn dài ra và gà chó chạy tan tác. Chán quá, ông quay về nhà. Về nhà rồi, cảm giác bị cả đoàn người bám theo sau vẫn chưa hết. Bây giờ họ lại quây xung quanh nhà đái vào vách đất rào rào như mưa. Nhà Vệ công ở cuối ngõ cụt cho nên những người đánh xe trâu vào phố thường hay buộc trâu ở đây. Những con trâu thèm muối cứ nhè tường nhà ông mà gặm. Dần dà tường muốn đổ ra phía ngoài, ông phải lấy dây chằng buộc lại, những khe hở toang hoác, chó mèo, cả người chui vào được. Ông nằm trên giường trong căn phòng sặc sụa mùi nước đái mắt cay xè không mở được và tự hỏi: Đây là chỗ ở của người ư? Cảm giác ấy giống như tôi nghĩ về chỗ ở của mình bây giờ. 

Tôi ở cùng nhà với một cô gái tên Oanh. Cô không phải vợ, cũng chẳng phải người tình mà là hàng xóm. Trong căn phòng ngoài tối như bưng để đầy giày cao gót, mỗi lần tôi về nhà lại đá phải. Cô ở trong buồng mình hét lên: Anh thù hằn gì giày của tôi? Trong phòng vệ sinh cô treo đầy quần áo lót, tôi không dám đưa bạn về vì ai cũng biết là tôi chưa vợ. Hễ thấy thiếu một cái là cô gõ cửa bảo là tôi lấy, làm như tôi là gã cuồng dâm nhặt nhạnh đồ lót đàn bà, mà đồ lót của cô chẳng có giá trị gì, thẩm mỹ của cô cực thấp. Không những thế, bất cứ lúc nào cô cũng có thể tru tréo lên: Có đái thì đái đi, tôi phải tắm đây. Từ hồi ba tuổi tôi chưa bị ai ra lệnh phải đái cả. Lúc ấy tôi đang cặm cụi chứng minh định lý Fermat, nghe vậy muốn phát điên lên. Theo sử sách đã chép, Lý Vệ công có thể vừa làm tình với Lý nhị nương vừa giải toán. Khả năng ấy tôi xin chịu. Ông có thể phân tâm làm hai việc thậm chí ba bốn bảy tám việc một lúc. Tôi nghĩ trong đầu ông có nhiều bộ óc khác nhau, nếu bổ ra chắc là giống như quả lựu. 


Có lúc Vệ công lẻn ra khỏi nhà bằng đường cống. Cho nên ta biết đời Tùy đã có cống mà còn khá rộng rãi. Về sau khi xây thành Tràng An, ông không cho xây cống mà là cho đào giếng thấm. Đào giếng rồi lấp bằng gạch, nước thải đổ dồn vào đó rồi thấm đi. Tất nhiên chúng làm ô nhiễm các giếng nước ăn, về sau Tràng An bị dịch bệnh liên miên. Có lúc ông giả làm người mắc bệnh hủi, đeo khăn che mặt để lẻn ra khỏi nhà. Mỗi lần ông trốn được lại có khối người chết. 

Bọn canh chừng ông mỗi lần thấy ông mất tích – điều này thì dễ vì chỉ thò đầu vào khe tường nhìn là biết, họ kêu thất thanh và chạy, ai về nhà nấy vĩnh biệt vợ con, dặn dò hậu sự rồi đến công đường chờ chém đầu. Tay đao phủ lại là chỗ thân quen cho nên trước khi chém hắn ta bôi cho một ít dầu lên cổ, khi chém cũng ngọt hơn. Đồng thời một trăm hai mươi tám công sai mới lại kéo đến phố hàng Rượu ngồi đen sì dưới các hiên nhà xung quanh nhà Vệ công. Khi ấy ông đang làm tình với Lý nhị nương không hề hay biết rằng mình đã làm hại sáu mươi bốn người, đầu họ đang bị treo ở cổng thành. 

Lý Vệ công đang ở với Lý nhị nương tại phố hàng Rượu, ngôi nhà có tường dày, đắp bằng bã rượu, không khí sặc mùi xì dầu chua, đậm đặc đến mức đi bị cản chân lại. Dãy phố này toàn là nhà được đắp hai tầng. Lý nhị nương đang nằm trên giường ở tầng hai. Cô khá xinh, có điều đuôi mắt đã hơi có nếp nhăn. Cô quắp chặt lấy Lý Tịnh hùng hục làm tình với ông. Lý Tịnh hỏi cô có nghe tin gì về ông không, cô bảo không. Thế có nghĩa là  trên  đã cho người dặn trước rồi, ông thấy không thể tin cô được vì hôm trước ông đã nhìn thấy Hồng Phất đã rớt nước mắt khi nhìn ông, lại thêm hôm nay khi ông vừa đến nhà thì Lý nhị nương đã lôi phắt ông lên giường, hấp tấp làm luôn. Phải như trước kia còn ngồi nói chuyện đôi ba câu rồi làm gì mới làm. Theo tôi nghĩ, lẽ ra chuyện ấy cứ để nó diễn ra tự nhiên, làm quá sốt sắng là có chuyện. Lãnh đạo bảo cô từ nay về sau cứ lên giường với Vệ công như thường, trên giường nghe thấy gì báo cáo ngay, cô làm theo. Điều đó cho thấy cô hiểu sai việc phục vụ  trên  . Tất nhiên  trên  không bắt cô làm không công, mùng năm hàng tháng cô nhận được một tờ ngân phiếu, đến bưu cục và bị xích như xích chó. Cần nói thêm rằng mùng năm cũng là ngày phát lương cho các nhân viên nhà nước. Mọi người lĩnh tiền xong thì đi làm việc của mình. Thí dụ Lý Vệ công lĩnh xong năm chục lượng bạc rồi cặm cụi nghiên cứu vi tích phân, cho đến khi  lãnh đạo  quyết định đem ông đi làm nhân bánh hay đúc thành gạch nhà xí. Lý nhị nương đi lĩnh hai mươi lăm lượng bạc về rồi thì cặm cụi làm tình với Lý Tịnh, cho đến khi Lý Tịnh thành nhân bánh hay thành gạch nhà xí thì  lãnh đạo  sẽ xem xét cô làm gì tiếp theo. Tôi nghĩ chắc là có thể cho hai xe tải xé xác hoặc dao phạt ngang lưng vì cô là vợ bé của tên đại nghịch Lý Tịnh. Chúng tôi chẳng thể nào biết  lãnh đạo  sẽ làm gì chúng tôi, khi chưa đến lúc làm thật. Nghiên cứu những chuyện ấy tôi thấy rất thú vị, nếu có thể thì tôi cũng thử làm  lãnh đạo  xem sao. 

Cô hàng xóm của tôi đã có nếp nhăn đuôi mắt, cô ba mươi lăm rồi, đã ly hôn. Theo con mắt tôi, cô có thể gọi là đẹp, cũng khá tử tế với tôi. Có lúc tôi nghĩ vẩn vơ,  lãnh đạo  xếp tôi với cô ở cùng nhà chưa chắc đã có dụng ý. Nhưng rồi tôi lại nghĩ nếu đúng là có dụng ý thì bước sau là gì? Bỗng nhiên thấy sởn gai ốc, ước sao đừng có những  lãnh đạo  như thế, họ làm mất hứng tư duy, để tôi suy nghĩ về định lý Fermat thì hơn. Vì tôi đã học toán nay lại làm việc tại trường đại học cho nên có thể  lãnh đạo  bố trí như thế thật. 


Bây giờ có thể nói qua về Lý nhị nương hiểu sai lệch việc phục vụ  trên  – cô vòng hai chân quặp lấy Lý Tịnh, hai mắt nhắm nghiền, miệng kêu rống lên. Thực ra cô không sướng đến mức phải kêu lên như thế nhưng thấy kêu thì dễ chịu hơn.  Trên  đã cho hai mươi lăm lượng bạc để làm tình thì phải ra sức làm, ai mới tham gia công tác cũng thế. Nếu  trên  cho trăm lượng thì cô có thể cắn đứt tai Lý Tịnh, nếu cho ngàn lượng thì cô đập gãy từng khúc xương của ông. Thực ra  trên  cho tiền để nghe Lý Tịnh nói gì, nhưng cô lại đặt chuyện ấy xuống thứ yếu. Cho đến lúc chơi xong xuôi rồi cô mới hỏi: Anh có gì định nói không? Lý Tịnh hỏi lại hôm nay cô uống nhầm thuốc à? Lý nhị nương nổi khùng cấu vào mặt, hai người vật nhau trên giường. Khi Lý Vệ công trợn mắt lên nói thì sâu sắc lắm, rất khó nhớ, lại bị đánh nữa cho nên Lý nhị nương chẳng nhớ được bao nhiêu. May mà Dương Tố cũng là nhà toán học cho nên đọc báo cáo ông hiểu đó là bài giảng phương trình vi phân. Lý nhị nương muốn tỏ rõ mình chẳng phải nhận không tiền thưởng cho nên ghi rõ ba lần đạt đến cao trào hưng phấn. Dương Tố suy ra đó là thừa số bậc ba, những câu sau lại càng rối mù. 

Lý nhị nương tết tóc đuôi sam, váy liền áo, màu trắng, ngoài mặc váy đen, trông như bức tranh đen trắng, đang hừng hực sức sống tuổi trẻ. Một người như thế mà làm gián điệp thì vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Tất nhiên Lý nhị nương không nghĩ vậy. Cô nghĩ mình đang làm việc cho  trên  , đó là một việc vẻ vang. Bất kể lúc nào, trên là trên, tôi cũng không dám cãi. Có điều phải nói là cô làm tình với Lý Tịnh miệt mài như vậy không phải vì hai lăm lượng bạc mà là vì được cấp trên coi trọng, thấy mình có giá trị. Đánh nhau xong lại làm lành, cô pha bát bột ngó sen cho ông uống, đưa ông ra cửa và nhắn luôn đến chơi. Ông lọt thỏm vào giữa một trăm hai mươi tám người ầm ầm kéo đi bụi bay mù mịt. Ông đi giữa như người chỉ huy, bảo rẽ đâu, họ rẽ đấy. Bất kể ai gặp trường hợp như thế không bao giờ nghĩ rằng mình sắp được làm nhân bánh bao. Ngược lại anh ta sẽ nghĩ theo hướng tốt lành, cảm thấy mình được làm quan, thế là vênh vênh vang vang đi chỗ nọ chỗ kia, sẩm tối mới về nhà. Vào cửa mới nhận ra Hồng Phất đang đợi. Hai chữ  nhận ra  là đúng lắm vì cả tối đó ông có nhìn thấy Hồng Phất đâu, chỉ ngửi thấy, sờ thấy thôi và đoán nàng là ả gái điếm có vẻ ngoài kỳ quặc ông tình cờ gặp trên đường. Nàng bảo ông là  lãnh đạo  đang xem xét việc đem ông làm nhân bánh bao hoặc đóng gạch và nguyên nhân tại sao. Nghe nói vậy nhưng Lý Tịnh không tin vì thấy mình vẫn đang yên ổn. Nhưng là một nhà toán học ưu tú, suy xét phân biệt đúng sai là sở trường của ông cho nên ông đã tin. 

Khi Lý Vệ công gây chuyện ở Lạc Dương, không chỉ Lý nhị nương mà tất cả những ai có liên quan đến ông đều làm tai mắt cho  trên  cả, kể cả đứa bé con hàng xóm, bà già béo có râu cạnh nhà, chủ sạp hàng trên chợ, người được trả công người không công. Tôi nhớ lại vở kịch “Người đàn bà trở về” của Dyron Mate: Một bà già phát tài lớn trở về thị trấn quê hương để trả thù kẻ bội tình hắt hủi mình. Mụ ta mua tất cả mọi người, rắp tâm dồn kẻ gây ra nghiệp chướng đến chỗ chết. Mỗi một người trong thị trấn đều là tai mắt của mụ, cuối cùng được như sở nguyện. Lý Vệ công ở thành Lạc Dương khác hẳn câu chuyện đó: ông mù tịt cho đến phút cuối. Tất nhiên ông có trông thấy bộ mặt ủ rũ của mọi người, những nụ cười gượng gạo khi giáp mặt ai đó. Nhưng hiện tượng đó có thể giải thích theo nhiều cách – mọi người bỗng đồng loạt mắc bệnh trĩ, hoàng đế băng hà, vân vân, giải thích cuối cùng là hỏng việc lớn rồi. Là một nhà toán học, bẩm sinh là tận dụng mọi khả năng, cho nên Vệ công đã tìm được lời giải cuối cùng và chuẩn bị đối phó. Nhưng tận dụng mọi khả năng có nghĩa là không còn khả năng nào cả, bởi vì trên thực tế chỉ xảy ra một khả năng, không thể xảy ra tất cả. Hơn nữa, thành Lạc Dương khác với thị trấn của Dyron Mate, ở Lạc Dương khi nổi nóng người ta có thể lên phố phá quấy nhưng khi bình tâm trở lại thì người ta một lòng một dạ với  lãnh đạo. Lãnh đạo  bảo chúng tôi làm gian tế, đốt nhà, cướp bóc, tẩm sốt cà chua lên người bò lên bàn tiệc quốc yến làm món ăn, bảo làm gì chúng tôi cũng làm. Cho nên không cần phải mua chuộc ai, chúng tôi sẵn sàng làm gian tế, hung thủ, kẻ cướp mồ mả, làm món thịt người, vân vân, chỉ chờ  lãnh đạo  hô một tiếng. 

Ai cũng tò mò muốn biết về mình. Thí dụ tôi vừa cao vừa gầy, bộ mặt tiều tụy, tóc chớm bạc, quanh năm bốn mùa đi đôi xăng đan da, tất đầy bụi. Điều ấy tôi tự biết, nhưng tôi không biết sau lưng tôi người ta nghĩ thế nào về mình, trong đó những người đàn bà quan trọng coi tôi là người như thế nào, có nghĩ tôi còn hấp dẫn không. Lý Vệ công chắc cũng thế, tuy ông là thiên tài toán học, giỏi suy đoán, nhưng chẳng bao giờ suy đoán nổi những gì xảy ra sau lưng mình. Theo chỗ tôi biết, thời trẻ ông là một kẻ lưu manh, nhưng lưu manh tử tế. Tuy ông có những hành vi bất lương như thu tiền bảo kê, say rượu làm càn nhưng bù lại cũng có khi làm điều thiện, thí dụ mùa đông quan cần các phố cử người đi đào sông bảo vệ thành, ông đi đầu tiên, trẻ con hàng xóm mất tích ông là người đầu tiên nhảy xuống giếng mò (đời Tùy không có chuyện bắt trộm trẻ con đem bán). Trên phố có một lưu manh như ông kẻ trộm không dám bén mảng đến, ông còn là nhân viên chữa cháy nghiệp dư, đội viên dân phòng, vân vân, bỏ không ít công sức cho công ích xã hội. Cho nên tôi nghĩ khi biết mình là kẻ thù chung của nhân dân thì ông thấy những việc mình làm là dại. Đó là tôi suy luận từ trường hợp của chính tôi, nên biết rằng tôi cũng là một tổ trưởng công đoàn, phụ trách thu công đoàn phí và phân phối vé xem phim. Cho nên khi thấy trong danh sách lên lương không có tên tôi, thì tôi thấy những việc mình làm là vô ích. 

Chuyện ấy xảy ra nhiều lần với tôi, tất nhiên cũng phải suy nghĩ: Tôi đến khoa làm việc, thấy sau cánh cửa các mợ các cô nhao nhao bàn tán, tôi đẩy cửa vào, tất cả im bặt. Nhưng từ ánh mắt đầy ý nghĩa của họ, tôi biết họ đang nói về mình. Tôi lập tức nghĩ ngay đến bản luận văn cá tháng tư – những việc khác tôi không để tâm. Phản ứng của tôi là đêm về có cơn ác mộng, tay cầm súng máy chạy vào phòng làm việc lia chết hết mấy mụ đàn bà. Một điều an ủi duy nhất: đây là Trung Quốc, không kiếm được súng máy. Theo kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ Lý Vệ công nghe nói ông đã làm chết nửa số đàn ông trong thành (nói khuếch đại lên, chỉ có một phần sáu thôi), ông có cảm giác ác mộng đã thành sự thật. Vì ông là lưu manh, đẳng cấp xã hội cực thấp, luôn luôn thấy mình bị bắt nạt, nhất định nằm mơ thấy mình tàn sát dân phố. Nhưng đó là mơ, không phải là làm thật. Nếu cơn ác mộng của tôi thành sự thật, tôi cũng không cho là trách nhiệm của tôi. Huống hồ tôi chỉ giết mấy con mụ quá lứa, lắm mồm và xấu xí, để lại các cô trẻ đẹp. 

Tôi đã nói, Lý Vệ công là người biết thân phận mình, vốn tính lạc quan, ông không bao giờ nghĩ đến việc cả thành này đang tính chuyện đem ông làm nhân bánh mà không ai hé răng cho ông biết. Ông rất tức giận, thấy phải đánh giá lại thế giới xung quanh và thái độ sống của mình. Còn chuyện ông làm chết bao nhiều người và phải đổi mạng, ông chẳng nghĩ đến. Lúc đó trong phòng tối đen, Hồng Phất không nhìn thấy nét mặt ông, chỉ thấy tay ông thò vào bụng mình, nàng cố đẩy ra và cảm thấy hối tiếc đã thiếu suy nghĩ khi đến đây. Bỗng quanh nhà có tiếng nước chảy rào rào mùi khai nồng nặc, vậy mà nàng còn hỏi: Mưa à? Không phải mưa mà là một trăm hai mươi tám người đang đái. Lý Vệ công thấy tất cả máu trong người dồn lên mặt. Ông hét lên: “Đ. mẹ chúng mày!”. Trong bóng tối ông vớ sợi dây giật mạnh, bốn bức tường đổ sập ra phía ngoài. Trò này làm Hồng Phất kinh hãi, cảm thấy Lý Vệ công muốn gió có gió đòi mưa có mưa. Nhưng nàng chưa kịp nói gì thì mái nhà trên đầu sập xuống đánh rầm, bụi bay mù mịt, đất đá lấp kín hai người. Lúc ấy ông đã làm một việc lương thiện cuối cùng trong đời là dắt tay Hồng Phất chạy đi. Tôi biết, trước năm ba mươi tuổi ở Lạc Dương, Lý vệ công là người sống vì người khác, ông lương thiện nhưng chưa đến mức vĩ đại. Về sau ông trốn khỏi Lạc Dương và không còn lương thiện nữa nhưng lại vĩ đại. Nhưng khi ông lương thiện thì ông cũng có chút vĩ đại trong đó. Thí dụ khi những công sai  trên  cử xuống đái vào nhà ông làm cho nó sắp đổ, ông chẳng nói gì, chỉ kéo dây cho khỏi đổ – đó là mặt lương thiện, là xu hướng chính. Mặt không lương thiện là ông buộc nút kéo ở đầu dây, giật nhẹ một cái là bung ra như sẵn sàng đè chết ai đó. Về sau đúng là ông làm cho tường đè chết nhiều người và lợi dụng bụi mù kéo Hồng Phất chạy, trông thấy ai lờ mờ trong cát bụi ông cho một cú đá giữa hai đùi làm người ta quay lơ – ông vốn là lưu manh, rất thạo món đó, nhưng trước đây chưa hề đá công sai nào. Ông chạy, cho dù tường có đè chết người hay không, ông có đá chết người hay không, tất cả đều không quan trọng vì ông chạy được thì họ cũng chẳng sống được. Ngoài ra dân phố xung quanh cũng bị chém đầu, số người bị ông làm hại lại vào sổ hàng loạt. 


Nơi chúng tôi sống có chuyện “liên đới” nên mọi việc cứ rối tinh lên. Thí dụ, khoa tôi có chị đẻ con thứ hai (không được phép), thế là cả khoa bị cắt thưởng, tức là phạt cả đến tôi. Tôi chưa có gia đình mà phải moi tiền ra vì người khác sinh con – tôi nghĩ mãi không ra tôi đã làm gì liên quan đến chuyện đó. Lý Vệ công chạy trốn, phạm trọng tội giết người thi hành công vụ và làm phản. Theo nguyên lý một người làm phản mười hộ liên đới thì phải bắt tất cả những người trong mười hộ ra chém, thế thì đao phủ hơi mệt, vì họ chỉ có dao đầu quỷ cỡ lớn để chém đàn ông, dao “khôn” để chém đàn bà, không có dao để chém trẻ con đang bú. 

Ý nghĩ “liên đới” xuất hiện như sau: Mỗi người đều sống giữa những người khác cho nên vốn rất cẩn trọng, không muốn gây thù chuốc oán. Nếu có người gặp họa thì sẽ liên quan đến nhiều người khác cho nên càng phải thận trọng. Nghĩ thế là tốt, nhưng đối với Vệ công, kẻ đã hại hàng ngàn người thì không có tác dụng gì. Nếu tôi là ông thì đến nước ấy tôi cũng phải trốn đi. 

Đêm đó Lý Vệ công kéo Hồng Phất chạy trốn, vừa chạy Hồng Phất vừa thắc mắc tại sao tường lại đổ ra phía ngoài. Lý Vệ công giải thích cặn kẽ, nàng lại thắc mắc tại sao đàn ông đái lại rào rào như mưa, bắt ông phải biểu diễn cho xem. Xem rồi nàng bảo kỳ lạ thật, lần sau đái lại nhớ gọi nàng. Lý vệ công hỏi lẩn thẩn: Tại sao cô lại trốn đi với tôi. Nàng trả lời thành thật: Không biết nữa. Người đời sau cũng thấy lạ, lẽ ra nàng phải ở lại Dương phủ để còn nuôi tóc. 

Tóc của nàng rất dài, nghe nói đến lúc nào đó nó sẽ cứng và buộc không được nữa, tóc xòe ra như cái cây. Chuyện này cũng lạ như có người đàn bà chín mươi tuổi còn xâu được kim, ông già một trăm hai mươi tuổi còn làm người ta có con, tất cả họ đều được gọi là “người tài”, được bỏ trong lồng bày triển lãm trên phố. Họ ở trong lồng đọc thuộc lòng những lời dạy bảo ngu ngốc của  trên  và được coi là vẻ vang vô hạn. Nhưng tôi lại thấy thế là đày đọa con người. 

Theo một nghĩa nào đó tôi cũng đang trên đường trở thành “người tài”. Nếu tôi chứng minh được định lý Fermat thì tôi sẽ làm đủ thứ ủy viên, đến mọi nơi biểu diễn sự trịnh trọng, cứ họp là tôi phải ngồi chủ tịch đoàn và đọc thuộc những câu nói ngu ngốc. Đó là vì tôi có bản lĩnh mà người khác không có được, nhưng bản lĩnh đó lại trừu tượng. Rất ít người biết định lý Fermat là gì, càng không biết nó có ích gì.  Lãnh đạo  thì cũng chỉ biết là chưa có ai chứng minh được, nó không trực quan như thấy người đàn bà có cặp vú nặng một tạ, đi phải đẩy xe cho chính mình, mỗi ngày cho hai thùng sữa. Tuy vậy tôi cũng không thể từ chối sự quan tâm của  lãnh đạo  , như cây lúa có hai bông, nó không thể từ chối người ta nhổ phắt, tết nơ lụa, dùng ngựa khỏe để mang gấp về trình hoàng đế thưởng ngoạn “bông lúa mừng”. Nếu bạn là bông lúa thì bạn sẽ hiểu, nó chỉ chẳng may là quái thai hai đầu. Nhưng nó làm vui lòng hoàng đế: thấy chưa, ở ta cái gì cũng có, kể cả các quái vật. Tôi bây giờ đang ngày đêm cặm cụi để chứng minh mình là quái vật. Bởi vì nếu tôi không chứng minh được mình là quái vật thì tôi chẳng là gì cả.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.