Thời Đại Kết Hôn Mới

Chương 4


Bạn đang đọc Thời Đại Kết Hôn Mới – Chương 4


Đội quân cứu viện hôm họp báo ra mắt cuốn sách của Trần Lãm chính do Quốc huy động. Hàng cũng có giúp sức huy động hơn mười người, đó là Hàng giúp anh rể chứ không phải giúp chị gái, và tất nhiên cũng do Hàng thông báo với anh rể về chuyện này. Quốc cũng nên có một phần trách nhiệm mà. Hàng thông báo cho anh rể chuyện này chính là để anh rể có thêm cơ hội để lập công chuộc tội.
Thực lòng mà nói, Hàng cũng có ấn tượng rất tốt với anh rể, trông cũng được, tính cũng được mà lại có học thức, có thể coi là một anh tài, nếu không vì chút nhược điểm về gia cảnh thì có thể nói là thập toàn thập mỹ. Tuy vậy, nói ra cũng có chút mâu thuẫn khi Hàng cảm thấy coi thường Quốc lúc thấy anh bận bịu đi chợ nấu cơm ọi người hưởng thụ. Khách quan mà nói thì, nếu nhìn Quốc từ góc độ của người nhà Tây, khi thấy Quốc làm ba cái việc vặt này ở nhà vợ chẳng phải hơi vô dụng sao? Rất vô dụng là đằng khác. Cũng vì thấy hình ảnh anh rể như vậy nên Hàng mới tỏ ra coi thường, mới coi việc anh rể phải làm như thế là hoàn toàn bình thường, là chẳng cần phải bận tâm. Cảm giác ban đầu của Quốc quả không sai. Hàng chỉ là thay đổi cái nhìn với anh rể từ hôm hai người đánh nhau, lần đó Hàng đã thua. Và Hàng đã nhận thấy phẩm chất của anh rể từ chính thất bại của mình hôm đó. Hơn thế nữa còn thấy cả điểm mạnh của Quốc. Hàng luôn coi trọng người mạnh, cho dù đó là đối thủ của mình. Chỉ có những người kém cỏi mới thích những kẻ kém cỏi. Vì thế, lần này, khi Tiểu Tây quyết cự tuyệt với Quốc, Hàng cũng thấy lo lắng, Hàng không đành lòng mất đi người anh rể gần như thập toàn thập mỹ này. Tuy rằng việc đánh vợ là không đúng, nhưng đánh cũng vì nhiều lý do, vì thế cũng cần căn cứ vào từng tình huống mà xem xét, không nên đánh giá quá khắt khe và cố chấp. Hàng hiểu rất rõ về cách ăn nói của Tiểu Tây mà, tính Tây hay nói thẳng, hễ tức giận lên là nói tằng tằng không ngừng, ba la bô lô, chẳng biết có làm tổn thương ai không, hơn nữa ngày hôm đó lại nói trước mặt bố Quốc nữa, chắc lại nói những lời làm tổn thương tới bố Quốc. Cứ đứng ở địa vị của Quốc xem, đứng giữa bố và vợ, Quốc phải mạnh tay âu cũng là bất đắc dĩ. Nhưng Hàng cũng thử đứng ở vị trí của chị gái nghĩ: một người phụ nữ đã hơn ba mươi tuổi, hoa đã bắt đầu tàn dần, với một người chồng tốt thế không chủ động đề nghị ly hôn đã là tốt lắm rồi, lẽ ra nên trân trọng, chứ còn làm ầm lên gì nữa? Nếu thực sự ly hôn, biết tìm đâu ra một Quốc thứ hai đây, trừ phi Tây không định tái hôn nữa!
Ngày hôm đó, sau khi nhận được điện thoại yêu cầu tìm người tiếp viện của chị gái, phản ứng đầu tiên của Hàng là từ chối. Lúc đó, bên đầu dây bên kia, Tây vẫn nài nỉ em trai giúp, cố gắng thuyết phục rằng chuyện này quan trọng với Tây như thế nào. Đột nhiên trong đầu Hàng nảy ra một sáng kiến, và Hàng nghĩ tới dự định này. Đặt điện thoại xuống, Hàng lập tức gọi điện cho anh rể. Hai người cùng nhau bàn bạc trong điện thoại và cùng đưa ra kế hoạch cụ thể. Tây đề nghị ít nhất phải huy động khoảng bốn, năm chục người vì nếu ít người sợ không tạo được trào lưu. Và yêu cầu bốn, năm chục người ấy phải cùng tới một lúc nếu không cũng không tạo được tiếng vang. Sau đó hai người bàn rằng mỗi người sẽ tìm một người bạn đáng tin cậy nhất chịu trách nhiệm huy động mọi người ngay ở cửa ra vào, vì cả hai cùng không thể xuất hiện đề phòng gặp người quen sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho Tiểu Tây, tư duy của những người sinh ra hoàn thiện cũng hoàn thiện và chu đáo thế đó, sau cùng Hàng dặn, đến đúng giờ quy định, hai nhóm người này sẽ gặp nhau và cùng xuất hiện để tạo khí thế.
Cố gắng hết sức mình, Hàng mới huy động được hơn chục người tình nguyện, đó là kết quả của biết bao nhiêu bữa cơm mời họ mới miễn cưỡng đồng ý. Hàng cũng hiểu điều này mà, ví như có mời Hàng, Hàng cũng nhất quyết không tham gia. Thế mà Quốc có thể huy động một lúc hơn ba chục người khiến Hàng vô cùng thán phục. Sau này Hàng nói mọi người mới rõ, tới “cứu viện” chỉ là hình thức, mục đích chính là để cứu vãn mối quan hệ giữa chị gái và anh rể. Mọi chuyện đến nước này, làm gì có ai nỡ tờ chối? Nhưng Hàng cũng nói rõ, mọi chuyện còn do nhân duyên nữa. Vì nếu họ không còn duyên với nhau, đừng nói là ly hôn, đến chết người ngay cũng chẳng ai giúp được gì. Đương nhiên Hàng cũng nói cả việc khoản tiền mua sách nữa. Về điểm này, hai anh em đều chung quan điểm rằng: Quốc sẽ đi thu lại sách giao cho Tây, nhờ Tây đem đến nhà xuất bản để lấy lại tiền, nói cách khác là đi báo công.
Tây đứng đó, bên bàn điện thoại và lặng lẽ ngắm nhìn những cuốn sách “Ba năm tôi được trai bao”. Dù rất thông minh, Tây cũng không thể ngờ tới điều này. Đúng lúc ấy, cửa mở, Quốc bước vào.
Tây nhìn đống sách, rồi quay sang nhìn chồng ánh mắt Tây như muốn cất tiếng hỏi: Chuyện này là như thế nào?
Quốc nói tỉ mỉ mọi chuyện cho Tây nghe, từng việc, từng việc một không chút giấu giếm. Kể từ lúc Hàng goi điện thông báo. Nghe đến nửa câu chuyện mà trái tim Tây như thót lại, hai ngày trời tập hợp hơn ba mươi người, hơn ba mươi người chỉ tập hợp qua điện thoại, thuyết phục kể lể chi tiết với từng người đã mất bao nhiêu thời gian. Sao mà làm thế được chứ? Làm được vậy, mục đích chủ yếu cho hành động táo bạo ấy là Quốc muốn tuyên bố với cả thế giới, “thế giới” của những người xung quanh, của bạn bè, người thân và người quen rằng “Anh yêu em!”, rằng “Hà Kiến Quốc yêu Cố Tiểu Tây”,”Anh không thể mất em!”… Tối hôm đó, Tây ở lại nhà mình. Đêm đến, hai người cùng nằm trên giường và ngắm nhìn khuôn mặt nhau đã héo gầy bao nhiêu sau chuỗi ngày ấy, đã bao lâu họ chẳng trò chuyện với nhau, Quốc kéo Tây ôm vào lòng. Đắm mình trong vòng tay ấm áp của chồng, trái tim yếu đuối của của Tây như được hàn gắn; mềm mại, thổn thức trong rộn ràng, Tây thầm mong thời khắc ấy cứ kéo dài mãi mãi… một giọt nước mắt bỗng rơi trên mặt Tây, Tây mở mắt nhìn đầy ngạc nhiên khi thấy Quốc đang khóc. Quốc nghẹn nói lời xin lỗi khiến Tây cũng phải rơi lệ và cũng nói hai tiếng “xin lỗi”, Tây xin lỗi vì lẽ ra không nên nói như vậy trước mặt bố Quốc. Và Quốc xin lỗi vì lẽ ra không nên đánh Tây, Quốc mong Tây tin rằng Quốc sẽ không bao giờ lặp lại chuyện này một lần nữa…
Ngày hôm sau, Hàng cùng Quốc chở đống sách “Ba năm tôi được trai bao” tới nhà xuất bản giúp Tiểu Tây lập công. Tây lại thấy đau bụng, tuy không đau dữ dội nhưng có lẽ cẩn thận vẫn hơn. Khi Hàng và Quốc chở đống sách ấy tới nhà xuất bản, mọi người mới vỡ lẽ thì ra mọi chuyện đều do Tiểu Tây làm. Giai dẫn Quốc tới phòng phát hành thanh toán tiền sách mà trong lòng ngưỡng mộ vô cùng. Tiểu Tây thật hạnh phúc! Gia đình ở Bắc Kinh, bên cạnh lại luôn có chồng và em trai nhiệt tình giúp đỡ, thêm vào đó lại sắp có con, đối với một người phụ nữ mà nói, Tây gần như có đủ cả, chẳng thiếu gì.
Tây và Quốc từ bệnh viện bắt xe về. Tây không vui lắm vì kết quả xét nghiệm cho thấy không tốt lắm, Tây phải nằm nghỉ thêm một tuần nữa. Nhưng đây vẫn chưa phải là vấn đề, nghỉ thêm một tuần nữa có sao, vấn đề là không biết sau khi nghỉ một tuần có phải nghỉ thêm tuần nào nữa không? Bác sỹ chỉ dặn là nghỉ ngơi một tuần sau đến khám lại. Cứ nghĩ tới chuyện phải nằm dưỡng thai tới tận ngày sinh, Tây lại cảm thấy chán nản. Nghĩ đến khi sinh, sinh xong lại nghỉ tiếp, tính ra gần hai năm liền, hai năm không đi làm chưa tính đến việc thiệt hại biết bao nhiêu tiền, mà Tây còn lo hơn là hai năm sau liệu có còn chỗ cho Tây ở cơ quan nữa không? Ngày nay, mỗi năm đều xuất hiện rất nhiều nhân lực mới, nếu mình cứ đi sớm về muộn thì thể nào cũng bị thay thế. Huống hồ lại nghỉ gần hai năm. Dòng nước sau dồn dòng nước trước chảy đi, dòng nước trước cũng đành cạn khô nơi bờ cát, đó là quy luật rồi, mà là quy luật thì chẳng thể kháng cự lại. Tây không than thở với Quốc về điều này vì nói cũng để làm gì đâu? Chẳng nhẽ không đẻ nữa hả? Để rồi những chuyện eo xèo xưa kia lại xảy ra à, Tây không thể làm vậy. Trước kia là trước kia, bây giờ là bây giờ, Tây không muốn đem chuyện trước kia làm ảnh hưởng tới cuộc sống của hai người hiện giờ.
Quốc cũng không nói với Tây những suy tư trong lòng mình. Suy tư ấy còn nặng nề hơn rất nhiều những gì Tây đang lo lắng. Quốc lo liệu có phải Tây đang mắc chứng sảy thai tái phát không? Nếu đúng vậy, sẽ phải làm sao đây? Nói thật, Quốc cũng chẳng bận tâm tới việc có con hay không, giữa con và Tây, Quốc lo cho Tây hơn, nhưng còn gia đình lại khác. Anh trai đã sinh hai đứa con gái, nếu bố mẹ biết Tây không thể sinh con liệu có thể chấp nhận Tây nữa không?
Trong xe ô tô hiện phát chương trình về an toàn giao thông, một chuyện gia đang giải đáp thắc mắc cho các tài xế. Quốc nghe thấy toàn những vấn đề nhỏ, không cần tới chuyên gia Quốc đều có thể tự xử lý được hết. Để chứng minh điều đó, Quốc luôn tự trả lời các câu hỏi trước đáp án của chuyên gia, tỉ lệ đúng gần như tuyệt đối. Đến người lái xe phía trước cũng không thể không liếc nhìn Quốc qua gương chiếu hậu, nhìn vẻ có chút coi thường khiến Tiểu Tây buồn rầu: bởi đối với người đàn ông mà nói, xe ô tô không chỉ là phương tiện đi lại, mà đó cũng là một cách hưởng thụ cuộc sống, phải mua xe cho Quốc, dù đi vay tiền cũng phải mua, nếu không mua được xe tốt thì mua xe của hãng FuKang thôi cũng được. Nghĩ sao nói vậy, Quốc nghe xong yên lặng hồi lâu rồi nói một câu chẳng hề ăn nhập gì cả: “Anh đã nói với cả nhà rồi, về chuyện xây nhà, chúng ta thực sự rất khó khăn, chúng ta lại sắp có con nữa, thực sự rất cần tiền.” Ngừng một lát anh nói tiếp: “Anh bảo mọi người tạm bán căn nhà cũ đó đi trước.”
Tây nghe vậy khẽ tựa đầu lên vai Quốc. Xe vẫn chạy…
Nhưng ở nhà cũng không đồng ý bán nhà, lý do là căn nhà cũ bán đi rồi cả nhà biết ở đâu. Chuyện này thì Quốc không nói cho Tây biết vì sức khoẻ Tây không tốt, lại vừa đi bệnh viện kiểm tra về, bác sỹ khuyên nên tiếp tục nghỉ ngơi, vừa nãy Tây cũng còn suýt bật khóc. Hôm trước, Giai có qua nhà đưa cho Tây một tập giấy tờ rất dày, nội dung là phương án thi tuyển công chức theo quyết định của cấp trên. Cả tập giấy tờ dày cộp ấy quan trọng nhất vẫn là vấn đề: tất cả các vị trí đều phải tham dự thi tuyển công chức trong đó bao gồm cả biên tập viên bình thường. Đương nhiên là Tiểu Tây vô cùng lo lắng nên hỏi Giai xem trường hợp của mình phải tính làm sao. Thực ra việc này Giai cũng đã giúp Tây hỏi lãnh đạo, tổng biên tập nói rằng nếu không tham gia thi tuyển sẽ không được công nhận. Nếu không được công nhận thì chỉ được lĩnh mức lương tối thiểu, nghĩa là mỗi tháng được lĩnh hơn một nghìn tệ, không có các khoản như tiền thưởng, phụ cấp,… Tây cũng đã bàn với Quốc về việc này, nhưng Quốc bảo: trước mắt Tây không nhất thiết phải tham gia cuộc thi này, có điều Tây không đồng ý. “Em nhất định phải tham gia. Em bắt xe tới đó, hay nhờ Hàng đưa đi hai ngày thôi. Đến đó chẳng qua cũng chỉ là gặp mặt, nói chuyện hay cùng lắm là đánh máy thôi mà.”
“Đừng tự dối lòng nữa. Làm sao có thể chỉ đơn giản là gặp mặt hay nói chuyện được? Là đấu đá cạnh tranh quyết liệt, em lại là người cá tính mạnh, cái gì không phải là cãi nhau um tùm với người ta. Không được, nóng giận quá con nó không chịu nổi. Đừng đi nữa, theo quy định của nhà nước, họ không sa thải em được đâu.”

“Ừ thì không sa thải được. Nhưng nếu không vào biên chế, mỗi tháng chỉ lĩnh có hơn một nghìn tệ tiền lương, sinh con rồi lấy gì để nuôi nó? Làm cha mẹ rồi mình cũng phải có nghĩa vụ của cha mẹ chứ. Vì con anh không để em thi tuyển vất vả, nhưng em thi tuyển cũng là vì con mà. Anh Quốc, em không muốn làm những ông bố bà mẹ nghèo khổ, nhất quyết không, càng không muốn con chúng mình nghèo đói, em không thể chịu được như thế!”
“Tây à, em có biết là em đang có nguy cơ mắc chứng sảy thai tái phát không? Đừng suy nghĩ lung tung nữa. Thế này đi, chúng ta tiết kiệm một chút, em cứ ở nhà dưỡng thai, mọi chi tiêu trong nhà anh chịu hết. Em cũng cắt điện thoại di động đi, tiền điện thoại mỗi tháng cũng tiết kiệm được đến vài trăm tệ. Hơn nữa di động gọi nhiều cũng không tốt cho thai nhi. Còn nữa, em đang mang thai cũng không nên mua nhiều mỹ phẩm, mỹ phẩm có hoá chất độc hại không tốt cho con…”
Tây ngắt lời: “Ý anh là, từ giờ trở đi em phải làm con chim mẹ ở nhà ấp trứng hả? Chỉ ăn một chút thức ăn là đủ, còn ở nhà chuyên tâm ấp trứng thôi đúng không?”
Quốc vẫn nhẫn nại thuyết phục: “Bớt ăn bớt mặc một chút, tiết kiệm thì sẽ không sợ nghèo. Trước đây em tiêu tiền thường vung tay quá trán, mỗi bữa ăn đến vài trăm đồng, làm tóc cũng vài trăm tệ, mua quần áo cũng vài trăm tệ, cái này có cần thiết không?”
“Anh Quốc, em đâu phải chỉ sống thôi đâu.” Tây nhấn mạnh từng từ một “Em muốn cuộc sống có ý nghĩa hơn, như thế không đúng sao?”
“Đúng thì vẫn đúng.” Quốc hạ giọng “Sau khi sinh con rồi, gửi con về cho bố mẹ. Ở quê chi phí cũng rẻ hơn…”
“Gửi con về quê? Gửi về quê thì khác nào không sinh con! Em không muốn con mình thua kém ngay từ đầu trên đường đời của nó!”
“Thì khi nào đến tuổi đi học lại đón nó lên!”
“Đến lúc đó thì đã muộn rồi!”
“Ý em là gì? Trong mắt em, ở quê anh chỉ sinh ra lũ vô dụng chắc?”
“Anh Quốc, em đang thương lượng với anh, anh đừng có mà sinh sự!”
Vừa đấy đã lại cãi nhau, nhưng đến lúc cao trào, Quốc vẫn là người im lặng. Quốc biết, về cơ bản anh chỉ là người chịu thiệt trong chuyện này. Sau khi họ làm lành với nhau, bố mẹ Tây cùng tìm đến Quốc, chủ yếu để nói chuyện với Quốc về cuộc sống. Ý của bố mẹ rất rõ ràng rằng họ không phản đối việc con cái phải có hiếu với bố mẹ, vì họ cũng là những bậc làm cha mẹ, nhưng họ cho rằng giữa cha mẹ và con cái cũng cần có sự tôn trọng lẫn nhau nhất định, là cả hai bên cùng phải tôn trọng lẫn nhau. Lần đó bố Tây cũng đã dạy cho Quốc một bài học về hai chữ “hiếu thuận” ấy: “hiếu” là không được phản kháng, “thuận” là phải biết nghe lời, ghép lại với nhau nghĩa là phải nghe lời vô điều kiện. Mẹ Tây lập tức ngắt lời chồng: Không thể như thế được! Không ai có quyền và cũng không thể viện cớ mãi vào chữ hiếu này được, một bên cứ yêu cầu vô độ bắt bên kia phải phục tùng là không được! Lời bố mẹ đều đúng cả, đều là chân lý cả, có điều mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Lấy điều kiện ở đây để so với nơi khác cụ thể là thôn họ Hà thì không thể được. Nhưng chỗ khó của Quốc là: Quốc hiểu được hoàn cảnh ở đây, cũng hiểu cả hoàn cảnh ở quê mình, Quốc sống ở đây nhưng vẫn là người ở quê nữa. Thân xẻ làm đôi, lúc nào Quốc cũng phải đặt mình giữa hai sự lựa chọn là ở đây hay ở kia!
Cuối cùng Tây cũng nghe theo ý kiến của Quốc không tham gia thi tuyển nữa. Nhưng thực tế lại là: dù ở nhà dưỡng thai chẳng làm gì cũng chưa chắc giữ được đứa bé, còn nếu đi thi tuyển thì chắc chắn không giữ được đứa bé; thôi thì cứ ở nhà dưỡng thai, đến đâu hay tới đó.
Kết quả của cuộc thi tuyển là Giai đã đỗ vào chức phó trưởng ban biên tập, mà cái chính là nhờ vào cuốn sách của nhà văn Trần. Nói cách khác, nếu Tây có thể tham gia thi tuyển thì vị trí đó sẽ là của Tây. Nghe được kết quả đó, trong lòng Tây không tránh khỏi có chút chạnh lòng. Quốc đành an ủi rằng bạn thân làm lãnh đạo cũng tốt mà. Tây chỉ biết lẳng lặng gật đầu. Nhưng có điều, cả hai không ngờ rằng bạn làm lãnh đạo thực ra cũng không hẳn là tốt vì khi bạn làm lãnh đạo rồi ta lại rất dễ mất bạn. Điều này sau sẽ nói rõ hơn.
Nhưng cái thai của Tây sau cùng cũng không giữ được, sảy thai khi Tây phơi chăn phải với quá sức. Nghe điện thoại của Tây, Quốc vội chạy về nhà đưa Tây đi bệnh viện. Lúc đó cả hai vẫn hi vọng nhưng kết quả khám đã đập tan hi vọng cuối cùng của họ, cái thai không giữ được, phải lập tức làm tiểu phẫu giải quyết. Lúc ấy, Tây như thấy sét đánh ngang tai, không chỉ vì không giữ được cái thai do phơi chăn, mà vì Tây chắc đã mắc chứng sảy thai tái phát. Quốc luôn miệng an ủi Tây không phải vậy, không thể như vậy, nhưng Tây biết trong lòng chồng không nghĩ vậy, trong lòng Quốc hiện còn lo lắng hơn cả Tây. Tây nhìn Quốc cười vô vọng: Anh à, có lẽ đây là ý trời. Ông trời muốn anh là đứa con có hiếu, không muốn cho chúng ta có con giành mất sự quan tâm của anh với bố mẹ… Lời nói chưa dứt thì một tin tức vừa vui vừa buồn lại truyền đến với họ. Điện thoại của Quốc rung lên, bố Quốc gọi tới bảo rằng: Căn cứ vào tình hình Tiểu Tây không giữ được thai, lại chẳng kiếm được tiền, cả nhà có quyết định mới về việc xây nhà, sẽ bán căn nhà cũ đi, và cũng đã thương lượng với người mua cho họ ở nhờ, đợi khi nhà mới xây xong sẽ chuyển sang đó. Người mua sẽ vẫn trả tiền trước. Nói vậy là không cần Quốc phải gửi tiền về nữa. Nghe vậy, Tây lại bật khóc. Cả nhà chẳng cần tiền nữa cho thấy họ đang khao khát đứa cháu đến thế nào. Thế mà, Tây còn sinh con được nữa không? Nếu Tây không sinh được nữa, cả nhà sẽ đối xử với Tây thế nào đây?

Quốc đã đi làm. Mọi người trong toà nhà đều đã đi làm đi học hết, chỉ còn lại mình Tây trong toà nhà vắng lặng. Máy điện thoại bàn, di động đều im lặng. Tây cho rằng máy hỏng nên dùng di dộng gọi thử vào máy bàn xong đường dây vẫn kết nối. Lúc ấy Tây mới nhận ra rằng, mọi người đều quá bận rộn không có thời gian để để ý tới Tây. Ngay đến Giai khi gọi tới cũng không dây cà ra dây muống như trước nữa. Chẳng biết vì quá bận hay vì đã làm phó trưởng ban biên tập rồi nên thế. Hôm nay, gió ngoài trời thật to, ở tận trên tầng 18 này, gió càng to hơn, táp ào ào. Những ngày này ở nhà thật thoải mái, cái cảm giác ấm áp, an toàn bao trùm. Dù trời gió to nhưng nắng vẫn rực rỡ, khắp trên sàn nhà, mặt giường vương vãi những sợi nắng, hắt lên những tia bụi mờ ảo trong chùm nắng ấy. Tây đang ngủ. Tây thấy mệt mỏi bởi mấy ngày qua có quá nhiều việc xảy ra mà.
Điện thoại rung lên, đó là Quốc gọi về. Một chiếc xe tải to của người cùng thôn với Quốc lên Bắc Kinh bị giữ vì chở khách không đúng quy định, bị cảnh sát giao thông phạt. Người đó gọi cho Quốc vì Quốc là người duy nhất họ biết ở Bắc Kinh này. Sau khi nghe máy, Quốc có gọi điện khắp một vòng, có điều bạn bè Quốc đều là dân IT, hơn nữa cũng đều là dân ngoại tỉnh, rất ít người là dân Bắc Kinh, thực sự không tìm được ai có quan hệ với bên cơ quan pháp luật. Quốc cũng đã nói hết với người đồng hương bị bắt giữ xe về điều này. Cũng không hẳn Quốc chưa nghĩ tới việc gọi cho Tây, được thì được, không thì thôi mà. Điện thoại gọi rồi, Quốc lại dập máy. Không nên làm phiền Tiểu Tây nữa, cũng không nên để Tây biết chuyện này. Lần trước bác Quốc từ quê lên tự ý tới bệnh viện gặp mẹ Tây cũng đã làm Quốc mất mặt lắm rồi. Từ đó, Quốc đã hạ quyết tâm sau này việc gì ở quê mà Quốc làm được thì sẽ nói là làm được, cái gì không làm được thì dù đánh chết cũng phải nói “không”. Gọi điện về nhà nói không thể giúp rồi Quốc quay sang tiếp tục làm việc. Mấy ngày hôm nay, cũng vì chuyện gia đình nên công việc cơ quan cứ bị dồn ứ lại, nếu không lẽ ra Quốc cũng nên xin nghỉ ở nhà chăm Tây hai ngày vì Tây cũng mới bị sảy thai. Không ngờ, đang cố gắng để tập trung vào công việc thì bố lại gọi điện lên vì chuyện xe ô tô của người đồng hương bị giữ lại. Chẳng cần nói cũng biết là chủ chiếc xe đó đã gọi điện thoại cho bố Quốc. Bố dặn Quốc phải nghĩ cách để giúp người ta, vì anh trai của chủ xe đó là chủ tịch xã. Nhà có được cũng là nhờ ông chủ tịch nói giúp một tiếng. Nói cách khác, người ta chính là ân nhân của nhà mình. Có ân thì phải trả, người ta gặp khó khăn chúng ta không thể thấy chết mà không cứu. Trong điện thoại, Quốc cũng giải thích là không muốn giúp mà là không thể giúp. Vậy là bố Quốc lại tức giận, và nói: giúp được hay không cũng phải giúp. Rồi dập máy luôn. Cúp máy, Quốc lại phải suy nghĩ, rồi do dự, vạn bất đắc dĩ mới gọi cho Tây. Cả nhà Tây đều ở Bắc Kinh, ít nhất thì mẹ Tây cũng là một bác sỹ có tiếng ở bệnh viện lớn. Nếu quyết tâm giúp thì chắc cũng chỉ tốn có một câu nói. Mà một câu nói lại cứu được cả gia đình, không hai gia đình chứ: gia đình nhà chủ xe và cả gia đình Quốc nữa, tính qua là biết. Quốc đã tự thuyết phục mình như thế rồi dè dặt gọi điện thoại, trong lòng vẫn đang tính xem Tây sẽ trả lời mình ra sao và mình nên nói gì.
“Không được!” Không như Quốc dự tính, Tây nghe xong lập tức từ chối “Anh nói với bố là họ đã chở người trái quy định, cảnh sát giao thông cũng chỉ làm theo luật, có ai ra mặt cũng vậy mà thôi.”
“Họ đâu có chở người trái phép, chẳng qua chỉ là tiện đường chở thêm vài người thân mà thôi, có thu tiền đâu. Có vì lợi ích kinh doanh gì đâu… Mà chẳng hỏi cũng biết là cảnh sát giao thông đang “làm luật”… Nếu tố cáo thì cần thời gian và tiền bạc, mà người nông dân thì lấy đâu ra tiền bạc chứ? Tây à. Em xem có thể nhờ mẹ không, xem bệnh nhân của mẹ có ai làm bên cảnh sát giao thông không mà có thể nói giúp…”
“Không được! Mẹ em không thích cầu xin người khác, đặc biệt là cầu xin bệnh nhân của mình, cái này vi phạm nguyên tắc của mẹ. Hơn nữa, anh cũng không được nghe một phía, anh có tin là người đồng hương đó nói thật không?”
“Chắc chắn là thật. Đó là người thật thà nhất thôn anh đấy Tây à, gia đình em đều là người Bắc Kinh, có nhiều quan hệ, em nghĩ cách đi được không? Em biết không, cảnh sát bắt họ nộp 20.000 tệ tiền phạt đấy!”
Nghe đến con số 20.000 tệ Tây cũng im lặng, sau đó nói Tây sẽ thử tìm người giúp đỡ, dặn Quốc chờ máy.
Đặt máy xuống mà lòng Quốc thật ngổn ngang, vừa thở dài nhẹ nhõm nhưng vẫn có một cảm giác bất an. Nhẹ nhõm vì Tây đã nhận lời hỏi giúp, nhưng lo lắng bởi cái “tội” đã lợi dụng Tây một lần nữa.
Khi Tây gọi điện, Giai đang ăn cơm với đối tác, cả Giai nữa là sáu người. Năm người còn lại là Trần Lãm, Lưu Khải Đoạn, trưởng phòng phát hành, tổng biên tập và giám đốc. Bữa tiệc này do trưởng phòng phát hành đề xướng, nói thật thì đây là một kế hoạch.
“Ba năm tôi được trai bao” bán với số lượng lớn, trưởng phòng phát hành muốn tiến một bước xa hơn đó là tổ chức buổi gặp mặt giữa nhà văn Trần và độc giả nhằm nâng cao hơn nữa số lượng bán sách. Theo kinh nghiệm ký bán sách lần trước, sự tự tin của nhà văn trong việc thu hút bạn đọc cũng tăng lên nên vừa nghe trưởng phòng đề nghị chị ta đồng ý ngay lập tức, dễ hơn nhiều so với việc lần trước thuyết phục tham gia buổi ký bán sách. Nhưng trưởng phòng không thấy bớt lo vì anh ta biết quá rõ “sức thu hút bạn đọc” thực sự là như thế nào. Việc Trần Lãm đồng ý tham gia chỉ mới là bước đầu, bước thứ hai và cũng là bước quan trọng nhất, đó là độc giả, làm thế nào để thu hút độc giả. Chỉ dựa vào sức hút của Trần Lãm là chưa đủ, một nữ văn sỹ bốn mươi tuổi thì có gì đặc biệt, cũng chỉ ở hạng trung bình trong số những người bình dân mà thôi. Dù xếp lên hàng thượng cấp của giới trung lưu em rằng cũng chưa được. Hiện nay, một nữ văn sỹ trẻ đẹp còn chẳng ăn thua huống hồ là một nhà văn luống tuổi. Nghĩ đến thế, không hiểu sao chợt trưởng phòng nhớ tới Lưu Khải Đoạn. Hay là nhờ Khải Đoạn để thu hút độc giả, anh ta cũng là một độc giả của Trần Lãm mà. Anh ta cũng từng nói “không hề thích những tác phẩm của nữ nhà văn, trừ Trần Lãm ra”, nếu mà có thể mời anh ta tham gia, buổi gặp mặt này nhất định sẽ thành công. Nói là làm, trưởng phòng lập tức gọi điện cho Khải Đoạn với ngập tràn hi vọng, quyết tâm nhờ vả bằng được. Trong điện thoại, cô thư ký nhẹ nhàng lịch sự nhắn lại sẽ báo cáo chuyện này với giám đốc Đoạn, trưởng phòng chẳng dám hi vọng nữa. Vì “truyền đạt” nghĩa là từ chối khéo. Quả nhiên, một ngày sau vẫn chẳng có tin tức gì. Nhưng khi anh ta sắp tan làm thì điện thoại chợt reo lên. Đầu dây kia xưng tên họ mà anh chẳng nhớ nổi là ai, mãi sau mới nhớ ra, bỗng thấy kinh ngạc vô cùng. Đúng là thư ký của Lưu Khải Đoạn gọi tới thông báo giám đốc đã đồng ý tham gia. Nghe vậy trưởng phòng vui mừng như mở cờ trong bụng. Tốt quá, chỉ cần Khải Đoạn tới, việc này coi như là thành công lớn rồi! Vậy là đỡ tiền mời phóng viên, à mà không, phải là phóng viên chi tiền để được mời đến chứ, Khải Đoạn có phải là người mà muốn gặp là họ có thể gặp đâu! Hôm ấy, trưởng phòng về rất muộn, anh muốn tranh thủ thời gian sắp xếp kế hoạch thực hiện ngay vì em rằng đêm dài lắm mộng. Trên đường về anh ta lại nghĩ ra một vấn đề: Xem ra Lưu Khải Đoạn có vẻ yêu thầm nhà văn Trần thật, mới đầu cứ tưởng phóng viên chỉ tung bài thế thôi,… Tốt, tốt quá, có được một độc giả trung thành và có sức hút thế này, lo gì sách của Trần Lãm không bán chạy chứ? Nghĩ vậy, anh ta liền nảy ra ý định tổ chức một bữa cơm gặp mặt.
Cuộc họp mặt độc giả quả nhiên gây sự chú ý, thời gian dự định là khoảng hai tiếng, kết quả là kéo dài đến hai tiếng rưỡi. Sau buổi gặp mặt, trưởng phòng phát hành mời nhà văn Trần, Khải Đoạn và hai vị lãnh đạo cấp cao cùng Giản Giai tới một nhà hàng dùng bữa. Giai lúc đầu phản đối buổi thiết đãi này vì thấy không cần thiết. Trưởng phòng phải thuyết phục rằng: “Giải Giai, à không, phó trưởng ban Giai, chúng ta phải biết cách ứng xử chứ, phải biết cách tạo cơ hội cho giám đốc Đoạn và nhà văn Lãm chứ, OK?” Giai nói nếu là vậy mình không cần đi làm trưởng phòng phát hành hoảng vì Giai là biên tập chính, Giai không đi thì còn ý nghĩa gì? Thực ra, sắp xếp bữa ăn này là ý riêng của trưởng phòng, anh định dùng chính Khải Đoạn làm món quà đặc biệt tặng hai vị lãnh đạo. Mời Giai cùng tham gia bữa cơm này là để tăng thêm tính tự nhiên, vì công việc mà làm, đồng thời cũng để cân bằng lực lượng, hai nữ bốn nam; Trần Lãm hơi luống tuổi một chút thì lại có Giản Giai xinh đẹp trẻ trung, chỉ cần ngồi đó, không nói chuyện cũng thấy đẹp mắt rồi. Giai đành phải đi, vì nếu cứ kiên quyết không đi em rằng người ta lại sinh nghi.
Tây gọi điện đến thật không đúng lúc. Bữa tiệc vừa dọn ra đĩa rau thứ hai, lẩu hoa sen. Đây là quán ăn đều được chọn theo sở thích của Khải Đoạn. “Anh có kiêng món gì không?” “Kiêng hải sản”. “Anh thích món Âu hay Á?” “Món ăn Trung Quốc đi”. “Ăn xong anh muốn đi đâu không?” “Khu vực gần Kiến Quốc Môn”. Vậy là trưởng phòng lập tức chọn một nhà hàng đồ ăn Tứ Xuyên ở gần Kiến Quốc Môn, và trong lòng ngày càng có cảm tình với người đàn ông này hơn: Nếu anh ta không phải thực sự không thích món ăn Âu và hải sản thì anh ta chắc là muốn tiết kiệm tiền cho người khác, đúng là suy nghĩ sâu sắc, vì kinh phí cho việc tuyên truyền của phòng phát hành cũng eo hẹp mà. Lẩu hoa sen đúng là một món ăn dân dã, hơi nóng bốc lên nghi ngút trên mặt nước canh sôi sục. Một đĩa rau nữa được mang ra theo yêu cầu để dành cho vị khách “quý nhất”, nhưng vị khách ấy lại chuyển đĩa rau sang cho Giai, cười nói “lady first”. Ở đây có hai người phụ nữ, anh ta nhường cho Giai trước chắc là để tung hoả mù, trưởng phòng đã nghĩ vậy. Giai trái lại không nhận sự ưu tiên ấy nên Khải Đoạn đành tự gắp rau cho Giai. Không ai hiểu cảm giác của Khải Đoạn lúc ấy ngoài Giản Giai. Từ trước tới giờ, Đoạn rất thích được ăn cơm với Giai. Giai thích ăn cơm, chính Giai tự nhận rằng ăn một bữa cơm chính là nỗi lo lớn nhất trên đời, và ăn được một bữa cơm ngon thì trời quang mây tạnh. Có lẽ vì thế, được ăn cơm với Giai chính là một cách hưởng thụ cuộc sống đối với kẻ lắm tiền như Đoạn đây. Tuyệt vời hơn nữa là dù ăn bao nhiêu đi nữa Giai vẫn không bị béo lên, Giai đúng là được ông trời sủng ái quá mà. Hai người đó cùng ăn cơm, một người ăn một người nhìn và chỉ nhăm nhăm gắp thức ăn cho người kia.
Tây gọi đến khi Giai đang định gắp thức ăn cho vào miệng. Thực ra trước đó, những ai có thể giúp Tây đã đều gọi cả nhưng chẳng ai giúp tìm được người giải quyết vấn đề đó trong một khoảng thời gian ngắn vậy. Cái khó chính là không có nhiều thời gian, vì chiếc xe bị giữ đó hiện đang chở cá, dù thời tiết hiện nay khá lạnh nhưng bây giờ là lập xuân, ngày mai khi mặt trời lên, số cá đó sẽ bị thối bốc mùi. Vì chẳng tìm được ai khác nên Tây đành phải gọi cho Giai. Tây vốn cũng không muốn cầu xin Giai vì từ khi Giai làm lãnh đạo tới giờ Tây cũng nhận thấy tình cảm giữa họ đã bắt đầu có vết rạn. Không phải Tây đố kỵ mà nói thế, Giai thực sự có thay đổi. Ví dụ như trước kia hai người cùng bàn bạc với nhau về đề tài, giờ Giai chỉ hỏi thật lạnh lùng và quan cách: “Cô nghĩ sao?”. Mà có lẽ Giai cũng cần quan cách vậy. Tài năng của Tây thì cả nhà xuất bản này đều phải công nhận. Cuốn sách của nhà văn Trần cũng là do Tây đưa về được, vì Giai muốn được thăng quan tiến chức nên Giai cần thành tích. Nhưng ngay khi làm lãnh đạo, Giai đã thay đổi. Mấy ngày trước còn tới tận nhà đưa tiền lương cho Tây, Tây thậm chí rất vui vẻ cho Giai xem mấy đề tài mới nghĩ. Song rõ ràng Tây đã có một cảm giác rất lạ lúc ấy, chưa cần đến câu nói “Cô nghĩ sao?”, mà Giai thản nhiên nhìn vào mấy đề tài Tây đưa cho dùng bút lạnh lùng phê cái này được cái kia không được với một giọng điệu rất ra dáng lãnh đạo. Chẳng nhẽ Giai cho rằng giờ địa vị cao rồi thì trình độ của Giai cũng cao hẳn lên sao? Nhưng vì tình hình khẩn cấp, cuối cùng Tây vẫn quyết định gọi cho Giai, một phần nữa cũng vì tin tưởng bạn. Câu trả lời của Giai qua điện thoại cũng khiến Tây thấy an ủi phần nào: “Tây à, bạn đừng lo quá, để mình nghĩ xem có cách nào khác không? Bạn đợi điện thoại mình nhé!” Giọng Giai gấp gáp thể hiện rõ sự quan tâm với Tây.
Giai xem qua danh mục trong điện thoại xem có người quen nào có thể nhờ vả không. Trưởng phòng phát hành thấy vậy liếc nhìn Giai tỏ vẻ không đồng ý: bàn tiệc có sáu người mà có một người phân tán tư tưởng sẽ làm ảnh hưởng tới không khí bữa ăn, hơn nữa, khách quý như anh Lưu đây vừa gắp thức ăn cho em, em chẳng nhìn, cũng chẳng cảm ơn một tiếng, giờ nếm thử cũng chẳng nếm, cứ ngồi tra điện thoại là sao, như vậy thật là có lỗi đó! Giai cảm thấy không thoải mái, vừa tiếp tục tra điện thoại vừa giải thích với trưởng phòng phát hành. Không ngờ, Khải Đoạn nghe xong liền hỏi đó là trạm công an nào. Khi biết đó là trạm Thuận Nghĩa, Đoạn lập tức rút điện thoại gọi cho ai đó về chuyện này.

Năm phút sau, người đó gọi lại báo mọi chuyện đã được giải quyết, bảo người chịu trách nhiệm đến trạm Thuận Nghĩa nhận người. Giai gọi cho Tây xong đứng dậy cảm ơn rồi nói phải đi cùng Tây. Tây mới làm tiểu phẫu hai ngày, nhỡ may có việc gì cũng cần người bên cạnh. Đó đều là lời thật lòng, nhưng lúc ấy Giai còn muốn viện cớ để đi ra khỏi chỗ đó. Tình hình này không nên ăn cơm cùng Khải Đoạn nữa, trước mặt lãnh đạo, đồng nghiệp và nhà văn Trần, Giai đành viện cớ vậy, thật sự quá mệt mỏi. Không ngờ Khải Đoạn cũng đứng dậy, và nói nếu vậy để lái xe của anh ta đưa đi, vừa nói vừa gọi điện thoại bảo lái xe đánh xe ra trước cửa hàng rồi lập tức đi ra cùng Giai khiến những người còn lại thất vọng vô cùng. Họ đi một lúc, trưởng phòng phát hành mới chợt nghĩ rằng: việc này gọi điện thoại cho lái xe là được, việc gì giám đốc Đoạn phải tự đi nhỉ?
Máy giặt vẫn quay đều đều, chiếc nồi trên bếp sôi reo tu tu. Phòng cũng đã được dọn dẹp sạch sẽ như mới, Quốc đang cầm chặt cây chổi lau nhà cặm cụi lau sàn nhà, lưng mỏi nhừ. Lẽ ra Quốc tới Thuận Nghĩa, nhưng nghĩ kỹ Tây lại đòi đi. Vì đây là mối quan hệ của Tây, nếu có chuyện gì, Quốc lại phải gọi cho Tây rồi Tây lại phải gọi cho người khác thật quá phiền phức. Những chuyện thế này giải quyết càng nhanh càng tốt. Vì thế quyết định Tây đi. Gác máy xuống, Quốc nhanh chóng về nhà, vừa về đến nhà là làm việc nhà, làm cho đến tận bây giờ. Năm phút trước Quốc nhận được điện thoại báo từ lái xe tải bị bắt là xe đã được thả, mọi chuyện diễn ra thuận lợi. Chẳng hiểu vì sao Tây không trực tiếp gọi về, Quốc thì không dám gọi cho Tây, chỉ biết ở nhà làm việc trong lo lắng. Lau sạch nhà, giặt xong quần áo đem phơi, xem thời gian cũng muộn, Quốc liền đi nấu cơm. Vừa xào xong món rau thì bên ngoài có tiếng mở cửa, Quốc vội chạy ra xem, quả nhiên đúng là Tiểu Tây. Quốc vui mừng một tay bưng đĩa thức ăn, một tay xoè ra hướng về phía bàn ăn đon đả mời: “Vợ yêu, xin mời dùng bữa!” Trên bàn là cả một bàn thức ăn cực kỳ đẹp mắt.
Tây chẳng buồn nhìn, giày cũng chẳng kịp cởi vội lao vào nhà vệ sinh. Thế nên để lại nguyên vết giày trên sàn nhà bóng loáng Quốc vừa lau. Vào phòng tắm, Tây đóng sầm cửa lại như thể trong nhà không có người tên là Quốc kia nữa. Quốc tự an ủi mình rằng có lẽ do Tây mắc tiểu quá không chịu nổi. Đặt nốt đĩa thức ăn trên bàn xong xuôi, Quốc lại bước vào nhà bếp dọn món tiếp. Món ăn dọn xong xuôi, Tây mới bước từ buồng tắm ra, ánh mắt Quốc như dõi tìm một ánh mắt từ phía Tây nhưng Tây vẫn như không nhìn thấy Quốc, bước thẳng vào phòng ngủ. Tây tụt phắt hai chiếc giày ra rồi nằm lăn trên giường trong phòng ngủ.
Quốc bước vào theo, khẽ nói: “Dưới quê gọi điện lên báo là mọi chuyện đã được giải quyết khá thuận lợi, xe cũng được thả rồi. Không bị phạt. Họ nói hôm nào đó sẽ mời vợ chồng mình ăn cơm.”
“Không cần phiền thế!”
Quốc nói tiếp như thể không chấp: “Nếu em mệt thì nằm nghỉ chút đi, đắp chăn lên cẩn thận kẻo lạnh!” rồi kéo chăn đắp lên người Tây. Nhưng chiếc chăn bị Tây hất mạnh ra văng vào chiếc khung ảnh phía tường ở đầu giường. Đó là khung treo ảnh cưới của hai vợ chồng. Chiếc ảnh rơi xuống, choang, vỡ tan. Quốc chỉ thở dài rồi lặng lẽ ra lấy chổi vào quét dọn. Bất cẩn, Quốc để mảnh kính cứa đứt tay, máu chảy rất nhiều. Quốc cố tình kêu “ây ya” thật lớn để Tây phải chú ý. Nhưng không ngờ Tây chẳng buồn động đậy, quay người vào trong và nằm yên mặc kệ. Quốc có vẻ không nhịn nổi nữa nên lên tiếng càu nhàu: “Tây à, em làm giúp gia đình anh có chút chuyện mà phải thế sao? Có đáng không?”
Nghe vậy, Tây ngồi bật dậy: “Quốc! Anh còn dám nói với em mấy câu này sao? Em hỏi anh, anh bảo chủ xe với mấy người đi nhờ là họ hàng đúng không?… Kết quả thì sao, đến đó em phải giải thích rằng họ không kinh doanh, không vì lợi nhuận, đó là người nhà đi nhờ. Người ta nói rằng, người ta và chúng ta hai bên khai không khớp, không tin anh đi mà hỏi! Hoá ra chủ xe và mấy người đó chẳng có quan hệ gì hết, rõ ràng là ông ta chở người trái phép! Trước mặt Lưu Khải Đoạn và Giản Giai em xấu hổ không chịu được, chỉ còn nước chui xuống đất thôi, vậy mà vẫn phải bước vào, là loại người gì không biết? Không chỉ nói dối, lại còn lừa gạt!… Quốc, anh yêu cầu em giúp sao không nói thật với em hả? Lừa em đã đành, đây còn lừa cả Khải Đoạn và Giản Giai nữa là sao?”
Quốc im lặng. Thực ra Quốc đã sớm biết rằng chủ xe đó có vấn đề, nhưng lúc đó Quốc không nói là vì sợ Tây không chịu giúp. Lúc này Quốc đành để da mặt dày lên chút thôi: “Nhưng trong điện thoại họ nói với anh thế mà…”
“Nhưng họ lại bảo họ không hề nói với anh thế! Rốt cuộc là ai nói dối ai nói thật hả?… Anh Quốc, anh chẳng thề lên thề xuống rằng họ là những người thật thà nhất thôn anh à? Người thật thà nhất mà biết nói dối thế này hả?”
“… Đó là vì nếu nói thật sẽ phải chịu phạt nặng.”
“Vậy nói dối sẽ được rẻ hơn hả? Nói dối làm người khác coi thường! Anh Quốc, thực ra anh biết hết mọi chuyện, anh rõ hết mọi vấn đề, anh chỉ định vờ hồ đồ để đẩy em đi làm mấy việc này cho xong. Còn em thì sao? Sống chết cũng mặc, anh chẳng hề quan tâm.”
“Thôi ăn cơm đi, đừng tức giận nữa mà. Sau này những việc thế này chúng ta không quan tâm tới nữa.” Quốc cố gắng giảng hoà, năn nỉ cho qua chuyện “Ăn cơm nhé.”
“Không ăn! Không đói! Ăn nguyên cục tức đầy bụng rồi!”
“Em muốn anh làm gì bây giờ?” Quốc không nhịn nổi nữa hỏi lại: “Hay em muốn anh quỳ xuống, thay mặt cả thôn của anh quỳ xuống trước mặt em nói hôm nay nhờ có em nếu không xe hàng đó đã gặp chuyện…”
Tây đay nghiến lại: “Anh vẫn còn mặt mũi để nói móc người ta vậy hả? Anh chắc quên mất hôm nay mới là ngày thứ hai sau khi em làm phẫu thuật rồi nhỉ?”
Quốc tỏ vẻ chẳng buồn quan tâm: “Phẫu thuật gì? Tiểu phẫu phá thai hả? Phụ nữ ở thôn anh sau khi làm xong phẫu thuật đó liền leo lên xe đạp về nhà, đến đầu nhà buông xe lao vào làm việc luôn!”
“Em và họ không giống nhau.”

“Có gì mà không giống?”
“Đương nhiên là không giống. Về cơ bản là không cùng một loại.”
Nghe vậy, Quốc trợn trừng mắt, tức giận sôi sục, hai nắm đấm nắm chặt. Ai bảo rằng chỉ có đánh người mới là bạo lực gia đình chứ? Đánh đấm thì làm đau về thể xác, còn mỉa mai làm tổn thương về tinh thần, đem so sánh thì cái này còn đau hơn ý chứ. Tất nhiên, cuối cùng Quốc không ra tay đánh vợ, vì tận trong đáy lòng Quốc không muốn thế. Nếu cả hai người cứ vì cái tôi của mình cãi qua cãi lại thế cả ngày cũng không giải quyết xong. Nhưng nếu không động tay mà chỉ cãi nhau thì Quốc thua là cái chắc, vì: thứ nhất Tây là phụ nữ, mà nói chính là tài năng thiên bẩm của phụ nữ, thứ hai: Tây là cử nhân khoa văn, tài nói vì thế cũng được bồi dưỡng hơn. Nói cách khác, chưa cãi Quốc đã thua chỉ còn cách là, trong ba mươi sáu kế thì chuồn là thượng sách. Nói đi là đi, Quốc xếp đồ vào chiếc ba lô. Quốc mở ngăn kéo ra lấy quần áo nhét đầy trong ba lô, miệng vẫn bực mình nói: “Được rồi! Cô hay lắm! Tôi là loại người đó đấy, tôi không xứng với cô! Nếu đã không xứng thì tôi đi vậy, không dám trèo cao!”
“Anh còn thế nữa!” Tây cũng không chịu thua: “Tôi đã giúp nhầm rồi, sớm biết thế này thì tôi đã chẳng vất vả thế làm gì. Hôm nay khám bệnh, ngày mai xe bắt, không biết còn xảy ra chuyện gì nữa, cái gì tôi làm được đã làm, không làm đươc cũng phải làm, ngờ đâu đến giờ anh lật mặt thế?”
“Ai lật mặt?… Tây này, cô nghĩ tôi muốn cầu cạnh cô lắm hả? Cô có biết là mỗi lần định nhờ cô cái gì là tôi phải hạ quyết tâm lắm không? Hôm nay, nghe máy, thấy cô bảo là phải đến trạm công an, gác máy là tôi lập tức rời cơ quan, chẳng dám làm thêm, công việc cũng gác sang một bên. Tôi vội vàng đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Rác cũng đã đổ, quần áo cũng đã giặt sạch, nhà cũng đã lau đến ba lần. Để làm gì? Vì muốn lấy lòng cô, vì muốn cô về nhà thấy vui vẻ, đừng giận dỗi, đừng sinh sự nữa. Đối với ông chủ tôi cũng không phải nịnh nọt thế đâu.”
“Anh nói hay lắm, nói đúng lắm! Câu nào cũng đúng! Cứ như vậy đi, hèn nào hôm nay anh đối xử với tôi như vậy. Tôi nói cho anh nghe, từ giờ trở đi hễ ngày nào anh đối xử với tôi như vậy là tôi lại phải cảnh giác cao rồi, vì anh thế nào cũng có chuyện gì đó. Chẳng nói đi xa, tết năm ngoái đấy, năm đó anh tan làm về mua tặng tôi một bó hoa loa kèn, tôi đương nhiên nghĩ thầm anh hẳn có chuyện gì đó? Quả nhiên không ngoài dự đoán, hai tiếng sau, anh nói rằng mẹ anh nhớ tôi, muốn tôi về quê ăn tết.”
“Cô còn có mặt mũi nói câu này à? Nói tới mới thấy bực! Mẹ tôi yêu cầu cô về quê ăn tết là quá đáng lắm sao? Chúng ta lấy nhau đã được sáu năm, sáu năm là sáu cái tết cô mới chỉ về có một lần. Tôi là đàn ông mà còn ăn tết ở nhà cô hai lần! Cô là đàn bà mà…”
“Điều nào trong luật quy định phụ nữ phải về nhà chồng ăn tết?”
“Cái này không cần luật pháp quy định, đây là chuyện đáng nhẽ phải thế.”
“Bố mẹ đòi tiền con cái cũng là chuyện đáng nhẽ phải thế hả?”
“Không chỉ là đáng nhẽ phải thế, mà luật pháp cũng đã quy định, con cái có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ.”
“Thế nào là phụng dưỡng cha mẹ? Học theo Quách Cự (1) chôn con, róc xương chữa bệnh ẹ, hay là nằm trong băng chờ bắt cá chép (2)?”
Tây nói ra một tràng ví dụ khiến Quốc chẳng kịp phản ứng lại. Không biết từ lúc nào trong khi mải cãi nhau, Quốc đã nhét đầy đồ vào ba lô. Thật ra, nhét đồ vào ba lô chỉ là động tác giả, còn bản thân Quốc cũng chẳng muốn đi, vì Quốc vẫn ý thức được rằng Tây mới làm phẫu thuật và hiện giờ vẫn rất cần người chăm sóc. Nhưng Tây cứ nói liên tục những lời mỉa mai khiến người khác tức giận, chẳng cho Quốc có một cái cớ để ở lại. Bây giờ ba lô đã nhét chật cứng đồ, làm thế nào được nữa? Chỉ còn cách vác lên vai và ra khỏi nhà, không còn lý do gì níu Quốc ở lại thêm nữa.
Sau tiếng đóng cửa “sầm”, Tây bắt đầu khóc trong tủi thân và lo lắng. Tủi thân bởi bác sỹ đã dặn phải tĩnh dưỡng ba ngày, thế mà chưa được nghỉ ngơi đã phải chạy ra ngoài lo việc cho gia đình Quốc. Ngoài trời lạnh thấu xương, Tây phải đến tận Thuận Nghĩa, mới phẫu thuật được hai ngày đã phải chạy đôn chạy đáo, bên dưới máu cứ từ từ chảy. Về nhà Tây lập tức lao vào nhà vệ sinh, và phát hiện máu không những chảy ướt sũng băng vệ sinh mà còn tràn ra cả đũng quần, may sao hôm nay Tây mặc quần màu đen. Không ngờ, về nhà đã chẳng được nghỉ ngơi, Quốc lại còn nổi nóng! Còn bỏ nhà di! Đó cũng là điều Tây lo lắng, trời lạnh thế, ở Bắc Kinh Quốc chẳng có người thân nào, Quốc biết đi đâu đây!
(1) Quách Cự: sinh vào đời nhà Hán, cửa nhà sa-sút, thờ mẹ rất hiếu. Hai vợ chồng mới sinh được một đứa con lên ba tuổi, ông thường thấy bữa ăn mẹ ông không dám ăn no, cứ bớt lại để phần cho con mình ăn, vợ chồng bàn nhau rằng: vợ chồng mình đương thì sinh đẻ, mẹ già chỉ có một lần, đã chẳng phụng dưỡng mẹ được sung túc, lại để con mình xẻ ngọt chia bùi của mẹ, thì không phải đạo. Bèn bàn nhau đào hố chôn đứa con đi; vợ cũng nghe lời ông. Khi đào hố mới được đâu độ ba thước, thì thấy có một hũ vàng, trên có chữ đề là: “hiếu-tử Quách Cự, hoàng kim nhất hũ, dụng dĩ tứ nhữ” Nghĩa là: “người con hiếu Quách Cự, một hũ vàng đây để cho ngươi”. Hai vợ chồng lại đem con về.
(2) Tích cổ liên quan đến Vương Tường được lưu tên trong sử sách Trung Hoa như là một trong nhị thập tứ hiếu. Mẹ ông mất sớm, ông ở cùng cha đẻ và mẹ kế họ Chu. Mẹ kế ghét ông, thường dèm pha ông làm cha ông cũng ghét luôn cả ông. Tuy nhiên, ông là người tính tình khoan hòa nên vẫn một lòng hiếu thảo với cha mẹ. Mùa đông, nước đóng băng, mẹ kế muốn ăn cá chép tươi nên đông đã cởi trần nằm trên băng để tìm bắt bằng được hai con cá chép mang về. Thấy ông hiếu thảo như vậy nên cả cha đẻ và mẹ kế đều cảm động mà đổi sang yêu quý ông.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.