Thợ Săn

Chương 17: Suy luận của cô lớp trưởng


Đọc truyện Thợ Săn – Chương 17: Suy luận của cô lớp trưởng

Qua theo dõi báo chí, Nam biết đứa bé đã được cứu kịp thời. Những bài phóng sự về cuộc sống đầy khó khăn của người thuyền chài trong cảnh “gà trống nuôi con” đã nhận được hàng ngàn sự giúp đỡ về cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Chính quyền cũng hứa cấp cho người thuyền chài một ngôi nhà tình thương. Số phận may mắn đã đến với cha con người thuyền chài trong lúc mà họ không hề nghĩ tới. Còn đứa bé cũng đã được đến trường và chắc hẳn nó sẽ cảm thấy vô cùng tự hào vì mình đã được gặp gỡ người hùng của bao đứa trẻ.

Trong những ngày bi quan đến mức tuyệt vọng, hắn đã tìm lại được niềm vui sống từ giấc mơ của đứa bé và nước mắt người thuyền chài. Trước đây, hắn nghĩ sự nổi tiếng của Thợ Săn chẳng qua là vì tính tò mò của dân chúng. Nhưng bây giờ hắn đã nghĩ khác, với những người như đứa bé kia chẳng hạn, Thợ Săn là một niềm tin vào một điều gì đó tốt đẹp và công bằng. Bây giờ, hắn thấy việc tồn tại của Thợ Săn là cần thiết để bảo vệ những con người yếu đuối đó.

Đồng thời, việc làm sống lại Thợ Săn, cũng giúp Nam tìm được một giải pháp cho vấn đề đang bế tắc của mình. Một giải pháp cực kỳ nguy hiểm nhưng lại có thể nhanh chóng giúp hắn đạt được mục đích, đó là dùng Thợ Săn làm “mồi câu”. Bằng cách này hắn có thể nhanh chóng xác định được những kẻ đã tạo ra hắn, một lựa chọn nguy hiểm nhưng trên đời này có cuộc chơi nào mà không phải trả giá.

Vì thế thay vì tìm kiếm tài liệu khoa học, những cuộc giải cứu người gặp nạn trở thành mục đích của Nam khi hắn mặc vào mình trang phục Thợ Săn. Và gần như ngay lập tức, câu chuyện về Thợ Săn lại phủ kín các mặt báo với hàng ngàn bài viết về các cuộc giải cứu người bị nạn.

– “Tôi đang rơi xuống thì đột nhiên cảm thấy cơ thể mình nhẹ bẫng như được bay lên và trong phút chốc đã thấy mình ở trên mặt cầu, trong vòng tay của anh ấy. Anh ấy nhẹ nhàng đặt tôi xuống và nói: “Cuộc đời là một món quà, đừng bao giờ lãng phí!”. Cảm ơn Thợ Săn, nhờ anh mà tôi có niềm tin vào cuộc sống”.


Tuyết Mai đặt bài báo xuống, ánh mắt hiện lên vẻ xúc động như thể chính cô vừa được Thợ Săn cứu. Cách đó mấy hàng ghế, Nam hơi nhếch mép cười vì cái vẻ bề ngoài đó của Tuyết Mai. Có lẽ trong đám con gái, Tuyết Mai là người không ưa hắn nhất vì đôi mắt vô hồn của hắn dành cho một trong những hoa khôi của Khoa Tự Nhiên. Đổi lại, cô nàng cũng nhìn hắn bằng ánh mắt kinh tởm như khi nhìn con giun, con dế. Và điều gì sẽ xảy ra nếu Tuyết Mai biết được Thợ Săn, người mà cô thần tượng chính là con giun, con dế đó?

– Sẽ có ngày tớ được chụp ảnh với anh ấy!

Tuyết Mai vừa nói vừa lôi bộ đồ trang điểm ra để ngắm lại mình. Những người xinh đẹp thường hãnh diện về nhan sắc của mình, nhưng sự hãnh diện đó của Tuyết Mai dường như có đi hơi quá so với giới hạn. Theo một thống kê không chính thức được đưa ra bởi một chuyên gia xác suất thống kê của lớp, người luôn quy mọi thứ về tỉ lệ, thì Tuyết Mai đã dành ra 33,45% số thời gian trên lớp là để chăm sóc nhan sắc của mình. Sau khi ngắm mình qua gương, cô nàng lại quay sang ngắm chiếc váy mà mình đang mặc.

– Các cậu thấy không, tớ mặc bộ váy này mà đứng cùng Thợ Săn thì sẽ rất đẹp đôi!


– Nhưng nghe nói không ai có thể liên lạc được với vị Thợ Săn ấy thì làm sao cậu có thể gặp được?

– Tớ sẽ giả vờ bị bắt cóc để anh ấy đến giải cứu. Nghe nói Thợ Săn là người được các vị thần cử xuống, chỉ cần lầm rầm cầu nguyện thì anh ấy sẽ lập tức xuất hiện.

Nam tỏ ra hơi ngạc nhiên vì sự đúc kết của Tuyết Mai. Cô nàng đã nói đúng hiện tượng nhưng sai về bản chất. Khi những người gặp lúc nguy nan, hệ thần kinh của họ trong trạng thái bị kích động tột độ và quá trình họ lầm rầm cầu nguyện chính là quá trình tạo ra một tín hiệu sóng cầu cứu phát đi rất xa. Những tín hiệu đó được bộ não của hắn bắt được, giải mã tọa độ và chỉ cần một câu lệnh dịch chuyển tức thời hắn sẽ xuất hiện tại nơi mà tín hiệu cầu cứu phát ra. Hắn không biết có bao nhiêu trường hợp giả mạo cầu cứu bằng cách cầu nguyện như ý định của Tuyết Mai, những trường hợp này sẽ chẳng thể nào đạt được mục đích bởi trạng thái tinh thần của họ không trong tình trạng bị kích động thì sóng tín hiệu cầu cứu sẽ không hình thành.

Có rất nhiều hiện tượng tự nhiên liên quan đến sóng còn bị hiểu nhầm là những hiện tượng siêu nhiên. Chẳng hạn trường hợp động vật có thể biết trước được sóng thần, hay bão tố sớm hơn con người vì chúng có khả năng bắt được các tín hiệu sóng hạ âm được tạo ra do động đất hoặc những cơn bão từ khi chúng mới bắt đầu hình thành. Có lẽ cuộc sống hiện đại với quá nhiều phương tiện hỗ trợ đã khiến cho các giác quan của con người thiếu đi độ nhạy bén như bản năng vốn có.

Ở cách Nam mấy dãy bàn, Linh đang chăm chú nghiên cứu một bài toán khó nhưng kỳ thực trong lòng cô đang cực kỳ xao động. Sáng nay cô đã đọc qua một bài báo viết về câu chuyện gia đình người thuyền chài kể từ khi người cha vớt được một chàng trai bí ẩn cho đến khi Thợ Săn xuất hiện giải cứu đứa bé.


“Chàng trai này rơi từ nơi không xác định, tốc độ rơi rất lớn đến nỗi khi va chạm với mặt nước tạo thành một cột sóng cao khiến thuyền của người thuyền chài bị lật”. Linh đã tính toán cỡ sóng, nếu một vật nặng tương đương với người thanh niên kia tạo ra được cột sóng như vậy thì phải rơi từ khoảng cách ít nhất là 1000m. Rơi từ khoảng cách đó mà không chết vì dập nội tạng thì thân thể người thanh niên này phải cực kỳ cường tráng.

Nghe đứa bé nói, khi nó bị đau bụng dữ dội, người thanh niên bảo ra ngoài tìm Thợ Săn. Nhưng trên đời này chưa từng có ai chủ động liên lạc được với Thợ Săn, mà sao người thanh niên kia có thể liên lạc được? Hơn nữa, Thợ Săn xuất hiện thì người thanh niên lại biến mất.

Phải chăng người thanh niên chính là Thợ Săn?

Nhớ lại hình ảnh mô tả về người thanh niên bí ẩn qua lời kể của người cha và đứa bé trong lòng Linh càng chấn động, chiều cao, cân nặng cho đến nét mặt đều có vẻ gì đó giống với người ấy…

Dĩ nhiên trong lớp Tài Năng ngoài Linh có sự liên tưởng như vậy thì không ai nghĩ được sự liên quan giữa bức vẽ với Nam. Bức vẽ dù sao cũng chỉ là lời mô tả của người đàn ông không có học thức và một đứa trẻ nên chỉ giống với hình ảnh thực tế hai ba phần, sai số đó quả thực quá lớn. Nếu đem bức vẽ ra đối chiếu thì trong thành phố này cũng lôi ra được vài ngàn thanh niên có nét tương tự. Hơn nữa, người thanh niên kia là Thợ Săn hay không thì vẫn chỉ là một nghi vấn không có lời giải. Trong mắt các thành viên lớp Tài Năng, Nam không khác nào một gã ăn mày xa lạ, một kẻ đáy cùng của xã hội, đem so sánh với vị Thợ Săn người người ngưỡng mộ kia quả thực không hợp lý chút nào.


Nhưng Linh thì khác, từ đầu năm đến bây giờ, nhờ sự quan sát tinh tế, cô đã phát hiện ra Nam là người không hề tầm thường. Hơn nữa hôm Thợ Săn xuất hiện ở ngôi nhà của người thuyền chài cũng là hôm Nam không đi học.

Hình ảnh về chàng trai bí ẩn mà người dân chài mô tả không những gợi ra sự liên tưởng đến Nam mà còn khiến cô nhớ lại lần được Nam giải cứu khỏi cành cây cổ thụ bị gãy. Cô nhớ hôm đó Nam đã lấy thân mình che chắn cho cô tránh khỏi cành cây cổ thụ. Từ trước đến nay cô luôn băn khoăn không biết cành cây cổ thụ đó có đổ xuống người Nam không, và lúc này nếu hắn là Thợ Săn thì việc chống đỡ cành cây cổ thụ đó hoàn toàn có thể, sự băn khoăn đã có lời giải.

Linh quay xuống nhìn về phía Nam, hôm nay hắn mặc chiếc áo gió đã cũ, mũ áo trùm kín đầu, mái tóc dài xõa xuống che đi một nửa khuôn mặt, hắn ngồi im một chỗ, hai tay đút túi áo với vẻ trầm ngâm mãi ngàn năm.

Chiều hôm đó, Linh đã có mặt ở ngôi nhà nổi của người thuyền chài trong tư thế của một người đại diện cho lớp Tài Năng đến thăm gia đình. Khi đưa bức ảnh gần đây nhất của Nam mà Linh có được, cha con người thuyền chài đã xác nhận chính là chàng trai họ đã vớt được từ dưới sông lên.

“Thợ Săn, Nam” Linh cất đi bức ảnh, khóe miệng lộ ra nét cười.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.