Đọc truyện Thiết Thư Trúc Kiếm – Chương 37: Khách hào kiệt bỗng trở lại chùa xưa
Nhìn lên bức vách rêu phong gần song cửa, ba chữ “Cừu Thiên Hiệp” được in sâu dưới lớp tường vôi. Có lẽ người khắc ba chữ này bằng mũi kim nung lửa hay ngọn thiết hương, nên những nét nhăn phá lăng nhăng tựa vết cua bò trên bãi cát, song trông thấy rất tỏ tường từng chữ một.
Cừu Thiên Hiệp kinh ngạc và rồi chàng giương đôi mắt tròn xoe nhìn trân trối, qua giây phút sững sờ, chàng mới bước đến cạnh Ngộ Phi đại sư cất tiếng hỏi:
– Đại sư ! Có lẽ đại sư ngộ nhận việc này do tại hạ gây ra ư !
Ngộ Phi đại sư vẫn giữ nét mặt hiền hòa vừa êm giọng bảo:
– Không phải thế đâu, Thiếu hiệp ! Bởi lão tăng biết rõ việc này không do thiếu hiệp gây ra cho nên lão mới đưa thiếu hiệp đến đây để mưu kích cho tường tận.
Cừu Thiên Hiệp tỏ vẻ xúc động, chàng vòng tay cung kính xá đại sư vừa run giọng:
– Xin đa tạ đại sư có lòng …
Ngộ Phi đại sư vội khoát tay ngắt lời:
– Thiếu hiệp ! Theo sự kiến văn và nhận xét của bần tăng, thì trong giới võ lâm ngày nay, đã đến tuần tận mạt vận kiếp sát đã ung đỏ bốn phương trời, các nẽo giang hồ đầy dẫy rập nguy, bẩy nạn nhưng khổ thay ! Bao nhiêu nguy cơ, ách vận đều đổ vào mình Thiếu hiệp, khiến cho bần tăng ái ngại muôn phần, nên bần tăng có một lời khuyên thiếu hiệp hãy cố mà nhẫn nại đôi phần !
Cừu Thiên Hiệp chớp mắt nhìn trời bằng giọng nói chua chát buồn não:
– Đại sư ! Chẳng phải tại hạ dám buông lời cuồng vọng nhưng tại hạ thề sẽ lột mặt nạ tên giả danh đội lốt tại hạ đã gây ra thảm họa này …
Ngộ Phi đại sư thở dài không đáp, thân mình lão tăng đứng im như pho tượng Già Lam, song hữu chưởng giơ cao vừa phẩy nhẹ vào ba chữ “Cừu Thiên Hiệp” khắc trên vách một cơn gió nổi mạnh xoáy vào tường, cuốn bay vô số phấn bụi đục ngầu như đám sa mù trong buổi sớm tiết Trọng Đông. Ba chữ “Cừu Thiên Hiệp” bốc thành hơi khói và tiêu biến dưới lớp bạch trần.
Chính vị chưởng môn đời thứ ba mươi sáu của phái Thiếu Lâm đã dùng môn nội lực chân truyền mà xóa tan đi giòng tự tích.
Ngộ Phi đại sư nhìn thấy Cừu Thiên Hiệp tỏ vẻ kinh ngạc liền mỉm cười bảo:
– Này thiếu hiệp ! Môn pháp bần tăng vừa thi triển toàn phái Thiếu Lâm không một ai hiểu được, thiếu hiệp chẳng nên quan tâm lắm làm gì ?
Cừu Thiên Hiệp nghiêm sắc mặt hỏi:
– Đại sư ! Vì sao lại để mất pho “Thượng thừa Hoa pháp chân kinh” !
Ngô Phi đại sư mỉm cười cơ khổ:
– Bần tăng sẽ cố hết súc mình tìm lại, chẳng dám làm phiền thiếu hiệp.
Cừu Thiên Hiệp nhận thấy Ngộ Phi đại sư đang khổ tâm đến cùng tột, cũng bởi pho “Thượng thừa hoa pháp chân kinh” là vật trấn môn chí quý chí hữu của tông phái Thiếu Lâm, nay đã mai một mất đi thật không phải là việc nhỏ; vì nó có hai điểm tác dụng vô cùng trọng đại, một là … pho chân kinh nhỡ lọt vào tay bọn người ngoại đạo tà ma thì toàn giới võ lâm sẽ nhận lãnh một kiếp vận vô cùng thảm khốc. Hai là pho Chân kinh bị mất đi sẽ làm suy giảm uy tín danh dự của phái võ Thiếu Lâm đã có trên ba mươi sáu đời truyền thống.
Cừu Thiên Hiệp nghĩ đến đây, vội ngước mắt nhìn Ngộ Phi đại sư nói:
– Đại sư hãy an lòng, tại hạ tự nguyện tìm cho được bộ Chân Kinh, song tại hạ chẳng động đến kiếp sát và quyết chẳng để tổn thương đến thanh danh của quý tự !
Ngộ Phi đại sư chắp tay trước ngực, vừa niệm:
– A di đà Phật ! A di đà Phật !
Bấy giờ, trăng lặng sao mờ, góc trời đông ửng hường trong tương tư như chiếc khăn hồng nhợt quàng dài dưới chân trời xa tít.
Cừu Thiên Hiệp lại vòng tay hướng vào Ngộ Phi đại sư nói:
– Đại sư, ngày đại hội trên Hương Lô Phong, mong đại sư gắng mà chủ tọa buổi hội được công minh, riêng tại hạ sẽ làm phiền đại sư đấy !
Ngộ Phi đại sư mắt nhìn chàng dịu giọng:
– Thiếu hiệp, cũng nhờ lưu tâm, ngày hội Hương Lô Phong, gắng quan sát sự biến chuyển trên gương mặt của bần tăng mà hành động, nên nhớ hãy lấy sự nhẫn nại làm đầu !
Cừu Thiên Hiệp mỉm cười đau khổ:
– Xin vân lời đại sư.
Ngộ Phi đại sư lại tiếp tục niệm một tràng Phật hiệu vừa nhẹ giọng:
– A di đà Phật ! Bần tăng xin tạ ân trước.
Vừa dứt lời, cả hai đồng rún mình nhảy lên cao, hướng về Vân Hiên mà đi thẳng tới.
– Về đi ! Về đi !
– Ta được Ngộ Phi nói rõ rồi.
Nơi Vân Hiên, tiếng người huyên náo phá tan bầu không khí tĩnh mịch u nhàn, một giọng nói to như chuông đồng vang lên, đượm đầy vẻ kiêu căng hách xược.
Thật là một điều quái lạ hi hữu, vì mấy trăm năm nay có ai dám đến vùng đất Cảo Sơn làm huyên náo như thế đâu ? Thế mà, hiện giờ lại có đám người đứng trước Vân Hiên gọi đích danh vị chưởng môn Thiếu Lâm tự ầm ĩ khiến cho mọi người chấn động cả tâm can.
Ngộ Phi đại sư còn lơ lửng giữa khoảng không đã quát vọng xuống:
– Hừ ! Các ngươi là ai ?
Lúc này Cừu Thiên Hiệp đã theo sát Ngộ Phi đại sư như bóng với hình, cả hai nương theo đà gió hạ nhẹ thân mình xuống trước cổng Vân Hiên Trung.
Giữa tràng viện Vân Hiên Trung, lúc bấy giờ số người tụ tập khá đông.
Cừu Thiên Hiệp quét mắt nhìn khắp nơi, chỉ thấy Nhan Như Ngọc đứng giữa, cạnh bên là một người trung niên hán tử mắt hổ râu xồm, đầu trần không mũ mạo, mặt hầm hầm như sư tử miệng rộng răng hổ, đôi mắt đảo lia phát ra những tia nhìn man dại, tay tả “hắn” cầm cây “Triều Thiết Hốt” đưa trước bụng, đứng thẳng người mũi hển mặt vênh, trông hắn đang căm hờn và giận dữ. Đứng kề bên hắn là tên “Kiệu dương tán” Lôi Thanh Minh chủ tọa hộ pháp của Huyết quan giáo.
Tất cả chư tăng của Thiếu Lâm tự đứng dồn trong một góc người người đều cau mặt nhăn mày tỏ vẻ khó chịu và phẫn uất bồi hồi.
Ngộ Phi đại sư và Cừu Thiên Hiệp cả hai bước lần vào tràng viện. Phàm Tịnh vị tăng trưởng Thiếu Lâm tự, hướng dẫn chúng tăng đánh lễ ra mắt Ngộ Phi đại sư vừa cung kính thưa:
– Bạch chưởng môn ! Có Huyết quan giáo chủ viếng bản tự ! Xin …
Ngộ Phi đại sư khoát tay, gật đầu và bước nhanh đến trước hai bước ngang Cừu Thiên Hiệp vòng tay hướng vào tên trung niên hán tử hành lễ:
– Dị giáo chủ đại giá đến đây, bản môn chưa nghênh tiếp thật là có lỗi muôn phần, xin giáo chủ lượng thứ !
Huyết quan giáo chủ “Thôi mệnh diêm la” Dị Đại Cương, tức là trang hán tử trung niên này, hắn tỏ vẻ hống hách vô cùng tay vuốt râu hùm én, mắt trợn trừng chiếu ra những tia nhìn điện rọi thẳng vào mặt Cừu Thiên Hiệp, tuyệt nhiên không đáp lễ hay trả lời câu nói của Ngộ Phi đại sư.
Một lúc sau, Di Đại Cương mới quay sang Ngộ Phi đại sư nhếch mép cười khinh mạng, bằng giọng nói kẻ cả bảo:
– Hừ ! Thiếu Lâm tự thật là một danh môn chánh phái, quả nhiên khác hẳn các môn phái khác khá nhiều !
Giọng nói của hắn đầy vẻ mỉa mai, vô lễ, khiến người lành đến đâu cũng khó nhịn được.
Chúng tăng của Thiếu Lâm tự, người người đều tái mặt, khí giận xung thiên, họ muốn ra tay sửa trị tên Dị Đại Cương vô lễ. Cừu Thiên Hiệp nghe qua rất tức bực, chàng muốn động thủ, nhưng sực nghĩ đây là Thiếu Lâm tự mà chàng ở vào địa vị khách tân, nên khó ra tay được.
Ngộ Phi đại sư là một bậc đại đức chân tu, tấm lòng nguội lạnh, vẫn giữ vẻ mặt hiền lành mỉm cười nói:
– Giáo chủ đã dạy như thế ! Nhưng không rõ lý do gì ? Xin cho bần tăng biết qua !
Thôi Mệnh diêm la Dị Đại Cương nghe qua gằn giọng:
– Hừ ! Ta muốn hỏi ngươi !
Ngộ Phi đại sư điềm nhiên hỏi:
– Bần tăng xin hầu nghe chỉ thị giáo chủ !
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương vênh mặt tỏ vẻ tự đắc, tay hữu giơ cao Triều Thiên Hốt quay một vòng tròn đoạn cất tiếng cười hô hố bảo:
– Cuộc họp Đoan Ngọ hôm nay do ai chủ trương và xếp đặt ?
Ngộ Phi đại sư vẫn bình tĩnh đáp lời:
– Chính bần tăng đứng ra chủ tọa buổi hội !
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương giương đôi mắt rực hung quang nhìn đại sư, hỏi tiếp:
– Còn những ai nữa ?
Ngộ Phi đại sư cười nhẹ:
– Còn rất nhiều người đại diện cho Cửu đại môn phái:
Dị Đại Cương bĩu môi:
– Xì !
Đoạn hắn nhổ một bãi nước bọt xuống đất, hỏi tiếp:
– Cửu đại môn phái ? Chẳng nhẽ ngoài Cửu đại môn phái ra, không còn nhân vật giang hồ nào ư ?
Cừu Thiên Hiệp và tăng chúng thấy hành động của Dị Đại Cương quá ư vô lễ, tất cả đều run lên toan nhảy tới trước, riêng Cừu Thiên Hiệp quá nhanh nhẹn bước sẵn đến hai bước. Ngộ Phi đại sư khoát tay ra hiệu đứng im, vừa điềm đạm nói:
– Anh hùng trong thiên hạ kể sao cho xiết, nói sao cho cùng, võ lâm hào kiệt khích chẳng tới, mời không lại rất nhiều !
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương bước tới trước một bước và rống to:
– Nếu sự thật là thế, tại sao ngoài chín môn phái lớn ra, còn những người khác lại chẳng mời vậy ?
Ngộ Phi đại sư bỗng nhiên đổi thái độ. Lão tăng ngước mặt nhìn trời cười ha hả, bằng giọng nói trầm hùng tiếp:
– Những nhân vật cao thủ khác ! Bần tăng đâu dám mạo muội mời ?
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương cầm cây Triều Thiên Hốt giơ cao và nặng giọng:
– Khéo vờ ! Ngụy biện !
Ngộ Phi đại sư vẫn giữ nguyên gương mặt từ tường như cũ, nhưng giọng nói lại cao trầm hơn:
– Dị giáo chủ ! Bần tăng nào có gì để ngụy biện ? Sở dĩ bần tăng chỉ mời có Cửu đại môn phái là vì chín môn phái này có giao ước với bản tự từ lâu đời, lấy bức tượng “Bích ngọc cổ phật” làm vật đính ước, bởi vậy tượng Bích ngọc cổ phật chỉ liên hệ đến những khách đồng minh, chứ đối với chư anh hùng hào kiệt võ lâm, mấy ai chịu tuân giữ, do đó lão tăng chẳng dám cuồng vọng, đưa tượng Bích Ngọc cổ phật khích mời !
Những lời nói ngắn của đại sư bao hàm đủ ý nghĩa, khiến Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương cúi đầu nghĩ ngợi:
Về người không mời mà đến vả lại nếu đến đây tất nhiên phải chịu phục tùng theo lệnh phật điệp “Bích Ngọc cổ Phật” hay sao ?
Cho nên trong lúc nhứt thời Huyết quang giáo chủ nín lặng không tìm ra câu nói nào chống trả được.
Cừu Thiên Hiệp đứng kế bên thấy thế cười nhạt:
– Thật là “Đuôi thỏ đầu hùm” !
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương đôi mắt không rời Ngộ Phi đại sư, nặng giọng hỏi:
– Ngộ Phi đại sư ! Các người và Cửu đại môn phái bày cuộc hội ra để làm gì ?
Vừa nói dứt, lão lại đưa mắt nhìn Cừu Thiên Hiệp như ngầm hỏi là ai.
Ngộ Phi đại sư hiểu ý cả cười đáp:
– Cuộc hội tại “Hương Lô Phong” ai ai cũng rõ, còn vị thí chủ đây là Cừu Thiên Hiệp.
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương nghe qua mắt hồng lộ trắng, nặng giọng quát:
– Hừ ! Hay lắm vị này là Cừu Thiên Hiệp đấy ư ?
Vừa nói dứt Dị Đại Cương nhìn vào Cừu Thiên Hiệp trừng trừng tựa hồ muốn nuốt sống chàng. Lúc đầu, Cừu Thiên Hiệp đã có ác cảm với Dị Đại Cương qua những lời hống hách chàng đã toan thẳng tay sửa trị rồi, bấy giờ Dị Đại Cương lại gọi xách khóe tên tộc mình, chẳng khác nào lửa cháy chế dầu thêm, khiên Cừu Thiên Hiệp nổi giận xung thiên bước sấn tới trước ba bước và cất tiếng quát:
– Cừu mỗ đây ! Ngươi muốn nói gì chứ ?
Ngộ Phi đại sư sợ hai người giáp mặt, chỉ một vài lời nói không hợp cũng đủ xảy ra cuộc tiêu di kiếp vận cho các giới võ lâm và cuộc đại hội trên Hương Lô phong sẽ để lại cho võ lâm tiếng cười mai mỉa muôn đời.
Ngộ Phi đại sư vừa nghỉ thế, nên vội bước sấn tới đứng trước mặt Cừu Thiên Hiệp vừa cất tiếng trả lời Dị Đại Cương hầu phá tan sự hiềm khích cả hai:
– Dị giáo chủ ! Nguyên giới giang hồ hành hiệp, thường xảy ra lắm chuyện nhầm lẫn vì những lời vô cớ không đâu, vì thế bần tăng và Cửu đại môn phái lập thệ quyết chẳng tin lời đồn bịa, cả Cừu Thiên Hiệp chúng tôi hội nhau tại Hương Lô Phong một là lập ước, hai là giải thích chuyện tỵ hiềm lúc trước !
Thôi mệnh diêm la cười khẩy lên tiếp lời:
– Ngộ hòa thượng, ngươi và Cửu đại môn phái bảo nhau bất động, để cho hắn an nhiên tự tại hay sao ?
Cừu Thiên Hiệp lửa giận phừng, không thể nào nhẫn nại nổi, ngặt có Ngộ Phi đại sư đang đứng trước mặt, chàng hét to một tiếng lấy tay chỉ ra ngoài ven rừng, quát to:
– Dị Đại Cương ! Chúng ta đi ra ngoài !
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương hơi rúng động toàn thân, hỏi lại:
– Ngươi bảo đi đâu chứ ?
Cừu Thiên Hiệp rống lên như hổ đói:
– Dị Đại Cương, Cừu mỗ tuy bất tài, nhưng hôm nay quyết lãnh giáo Huyết quang giáo chủ vài chiêu tuyệt học !
Thật là chỉ danh đối diện, mở cửa thấy trời cả hai sắp diễn một tuồng ác đấu.
Nhưng một việc quá bất ngờ Dị Đại Cương không lộ vẻ gì tức bực chỉ nhếch môi cười bảo:
– Huyết quang giáo chủ làm gì có võ công tuyệt học !
Cừu Thiên Hiệp quá ức lòng, hét to như sấm:
– Nếu ngươi biết mình như thế ! Tại sao còn dùng những lời nói dã man để bức xách kẻ khác ?
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương vẻ mặt lạnh như tiền, bằng giọng nói trêu:
– Ta chỉ khích xung người thôi !
Cừu Thiên Hiệp cơn giận đến tột độ, trái lại chàng phá lên cười sặc sụa, trong tiếng cười này chàng cố ý vận dụng nội lực phát huy ra thanh âm, nên tiếng cười của chàng có một âm điệu chát tai, cao giọng như cọp beo rống gầm.
Tăng chúng của phái Thiếu Lâm nghe qua biến sắc tất cả đều vận nội lực chống chế.
Dị Đại Cương nghiêm sắc mặt, lão không ngờ một chàng thiếu niên mà công phu nội lực sung mãn đến bực thượng thừa như thế, khiến lão đứng nhìn Cừu Thiên Hiệp sững sờ.
Cừu Thiên Hiệp nín tiếng cười và nhìn thẳng vào mặt Dị Đại Cương lớn tiếng:
– Hay lắm ! Ta sẽ chờ ngươi tại triền núi bên ngoài !
Vừa nói dứt, chàng nhún mình nhảy vọt lên cao hàng ba trượng, và nhẹ nhàng như cánh nhạn, nháy mắt đã vọt ra khỏi cổng chùa. Khiến mọi người có mặt tại trường đều buộc miệng khen to:
– Hay tuyệt !
Ngộ Phi đại sư đưa đôi mắt từ bị nhìn khắp chúng tăng tại trường, bằng giọng nói êm trầm bảo:
– Các ngươi hãy về tăng xá !
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương chẳng dám chậm trễ, hắn không đáp từ Ngộ Phi đại sư, mà giơ tay ra hiệu cho Kiệu Dương Tán Lôi Thanh Minh đi theo, đồng thời hắn quay mặt nhìn Hồng hoa lệnh chủ Nhan Như Ngọc bảo:
– Sư muội ! Chúng ta hãy đi thôi Nhan Như Ngọc gật đầu không đáp, thân hình nàng như cánh chim bạch yến, rún mình bay nhẹ khỏi bờ tường đuổi theo Cừu Thiên Hiệp.
Cừu Thiên Hiệp sau khi ra khỏi chùa Thiếu Lâm chỉ một hơi dài chàng đã chạy đến một vùng đất bằng phẳng, đứng nghỉ ngơi đôi mắt chăm chú nhìn về hướng chùa Thiếu Lâm. Bỗng chàng nhận thấy từ xa bay đến một bóng người ốm nhỏ nhanh nhẹ vô cùng, chàng toan mở lời hỏi:
Nhan Như Ngọc đang chạy như bay đã lên tiếng trước:
– Thiếu hiệp, sư ca của ta tính tình nóng nảy, nói năng hồ đồ, ngươi nên dùng lời nhỏ nhẹ may ra thắng sư ca ta, nếu gây ra ẩu đả khó mong ai thắng phụ !
Cừu Thiên Hiệp nghe qua, cau mày hỏi lại:
– Ai là sư ca của nàng ?
Nhan Như Ngọc chớp đôi mi liễu, đưa mắt nhìn Cừu Thiên Hiệp đáp nhỏ:
– Dị Đại Cương đó !
Cừu Thiên Hiệp sậu mặt, bằng giọng nói gay gắt:
– Nàng bảo sư ca nàng thất thố qua những lời nói vừa rồi ư ! Nàng bảo ta phải đấu dịu với hắn ư ! Cừu mỗ chưa bao giờ biết làm lành !
Lời nói chưa dứt, Kiệu Dương Tán Lôi Thanh Minh đã đến trước mặt chàng, kế đó là Dị Đại Cương.
Dị Đại Cương vừa chấm gót trên thảm cỏ, đã vội đưa tay chỉ vào mặt Cừu Thiên Hiệp nói:
– Trốn chẳng đánh chẳng kêu, lời không bàn không rõ, ta với ngươi cần bàn một câu chuyện !
Cừu Thiên Hiệp cười nhạt nói:
– Gã họ Dị, ta không có bàn cãi với ngươi, muốn động thủ hãy tiếp chiêu !
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương đưa mắt nhìn Nhan Như Ngọc ra hiệu và cất tiếng nói to:
– Chuyện thứ nhất ta muốn nói là ngươi hãy giao lại quyển Thiết thư ? …
Cừu Thiên Hiệp cười to, ngắt lời:
– Không dễ gì ! Muốn thế ngươi hãy trả mạng Dưỡng phụ ta trước đã !
Dị Đại Cương phá lên cười như điên dại, bằng giọng nói:
– Rõ ngốc ! Mèo chuột mấy thuở được sống chung, hắn hận không lột được da ngươi, uống không được máu ngươi, thế mà ngươi can tâm lạy hắn thờ là dưỡng phụ, và còn hơn thế nữa thay hắn báo cừu ? Hí … hí … đời sao có chuyện lạ thế !
Cừu Thiên Hiệp giận tím mặt, chàng gắt lên như sấm:
– Voi bắt voi, ngựa bắt ngựa, mỗi người mắt ý khác nhau, có thù chẳng trả không quân tử, có mang ân chẳng đáp ấy tiểu nhơn. Gã họ Dị đừng khua môi múa mép. Là tráng sĩ ta muốn ngươi hãy tiếp chiêu !
Dị Đại Cương giơ cao “Triều Thiên Hốt” và nạt to:
– Ngươi muốn thế càng hay !
Không ngờ cây hốt vừa quay một vòng, Kiệu Dương Tán Lôi Thanh Minh đã bước sấn đến trước, vòng tay hướng vào Dị Đại Cương nói to:
– Giáo chủ ! Xin giáo chủ để cho thuộc hạ tiếp hắn vài chiêu số !
Cừu Thiên Hiệp trong thâm tâm muốn thử sức với một cao thủ đệ nhứt Huyết quang giáo chủ, bất ngờ bị Lôi Thanh Minh nhảy ra gánh vác, chàng quá bực, cười nhạt:
– Tướng bại trận, có chi là dũng ! Chẳng nên xưng hô cho nhục !
Kiệu Dương Tán Lôi Thanh Minh cả giận rống lên ầm ĩ, tay hữu hắn rút nhanh món binh khí dắt sau lưng tên là Kiệu Dương Tán ra, đấy là cây lộng nhỏ kiểu dù đi mưa, hắn giương lên phát ra một tiếng “bung” sáu mươi bốn cây kèo bo hình “nấm”, quay đi một vòng tròn tỏa ra muôn đạo kình phong như gió bão.
Lôi Thanh Minh vừa giận vừa thẹn quát to:
– Câm mồm ngươi lại ! Lần trước vì “lấy lệnh đổi lệnh” nên bổn hộ pháp tha thứ cho ngươi tính lại số ngươi chưa vắn lắm ! Hôm nay ta chỉ sợ mạng số ngươi khó thoát nữa rồi !
Vừa nói dứt, cây lọng Kiệu Dương múa đi vùn vụt, tỏa ra một vần hào quang, lạnh kinh người khí thế như muôn ngàn mũi tên trùy thủ.
Cừu Thiên Hiệp toan dùng song chưởng chống trả, nhưng chàng lại nghĩ chưởng lực là một môn đánh bằng da thịt làm sao chống nỗi sắt thép, nên chàng lôi trong tay áo ra cành “khô trúc thánh kiếm”. Đạo hoàng quang của Kiệu Dương Tán càng xáp đến gần, luồng dịch phong xé không khí phất ra những tiếng ào ào dễ sợ.
Cừu Thiên Hiệp giơ cao cây kiếm trúc quất nhẹ vào khoảng không hai cái, một đạo hoàng quang vàng hực chiếu sáng mấy trượng xa.
Dị Đại Cương và Nhan Như Ngọc trong thấy cả kinh, thần sắc thay đổi nhanh trên gương mặt cả hai.
Cừu Thiên Hiệp nắm chặt đốc kiếm trên tay, cao giọng nói to:
– Động thủ !
Thôi mệnh diêm la Dị Đại Cương vội bước tới trước lớn tiếng hỏi:
– Có phải ngươi đang cầm trên tay cây “Hỗn kim thần kiếm” hay chăng ?
Tiếng nói của Huyết quang giáo chủ quá lớn và đượm vẻ lo âu, khiến Lôi Thanh Minh hơi chột dạ, vôi ngưng múa cây lộng Kiệu Dương, mà đưa mắt kinh nghi nhìn Cừu Thiên Hiệp hỏi lại:
– Hỗn Kim thần kiếm phải chăng ?
Cừu Thiên Hiệp cười ngất đáp:
– Tại hạ chẳng hiểu Hỗn Kim hay Hỗn Ngân gì cả ! Tại hạ chỉ biết thanh kiếm này, nó không đúc bằng thép, chẳng luyện bằng gan, cũng không phải sắt, cũng không phải vàng, mà nó chỉ là một cành trúc khô, một thanh kiếm trúc !
Lôi Thanh Minh lấy làm lạ, đưa mắt nhìn kỹ, nhận thấy thanh kiếm hình thù rất cổ quái, nhưng nhìn kỹ thấy rõ từng lóng một của cành trúc vàng, rõ là cây kiếm bằng trúc, sau khi quan sát, tâm thần trấn định lại, Lôi Thanh Minh liền cử cây Kiệu Dương tán vũ lộng lần thứ hai, vừa cười khinh mạn:
– Hừ ! Đầu ma có óc quỷ, tiểu tử hãy tiếp chiêu !
Kiệu Dương Tán giương lên lần thứ hai, sáu mươi tư chiếc kèo sắt, thanh sắc không thua gì sáu mươi bốn ngọn dao trủy thủ, từng chiếc kèo tỏa ra một đạo cường phong, tủa ra như một rừng gươm, úp chụp vào người Cừu Thiên Hiệp.
Xin nhắc lại, Huyết quang giáo tuy không được liệt vào hàng Cửu đại môn phái, nhưng Huyết quang giáo lại là một đại bang hội rất to, các giới lục lâm đều nể mặt và thần phục, tuy chưa ra mặt minh chủ, nhưng mười ba tỉnh giang hồ hào khách đều nằm gọn trong vòng lưới của Huyết quang giáo hết nửa phần.
Kiệu Dương Tán Lôi Thanh Minh là chủ tọa hộ pháp, trừ giáo chủ và phó giáo chủ ra, hắn cũng thuộc vào hàng đệ tam hào kiệt thì công lực đâu phải tầm thường.
Hôm nay, chánh phó giáo chủ đều đứng trước mặt, khiến Lôi Thanh Minh hứng chí vũ lộng chiêu tuyệt học “Xích địa thiên lý” cây lộng Kiệu Dương quay tít, phát ra âm điệu “ào ào”, tạo thành cơn gió buốt người, khí thế như ba đào cuồng nộ.
Cừu Thiên Hiệp nghe hơi gió rất mát, chàng vội để cao thánh kiếm sử dụng đường thứ mười hai là “Mạng vận kiếm” vừa cao giọng nói to:
– Đến càng hay !
Luồng kình phong của Kiệu Dương Tán vừa chụp vào người Cừu Thiên Hiệp.
Bỗng nghe “Kẽng ! Đoành ! Đoành !” Những tiếng kim khí chạm nhau toét mang tai, bóng người đã lui về vị trí cũ; giữa tràng có bốn người, tất cả đồng kêu rống lên kinh sợ, người nào cũng tái mặt, thở ra không ai nói được nữa lời, lặng như hồ nước chết.