Đọc truyện Thiết Huyết Đại Minh – Chương 4: Tập kích bất ngờ Thịnh Kinh
Ban đêm, đại trướng của Vương Phác.
Vương Phác gọi Tiểu Thất đến, hỏi:
– Tiểu Thất, hỏa khí trong doanh còn khoảng bao nhiêu?
Tiểu Thất là gia tướng thân tín của Vương Phác, quân nhu lương bổng trong quân đều do y quản lý. Y lập tức lấy một quyển sách từ trong lồng ngực, xem xong rồi đáp:
– Tính cả điểu súng, hỏa súng, tam nhãn súng, trong doanh quả thật có hơn hai ngàn ba trăm cây hỏa khí, nhưng mà…
– Nhưng mà thế nào?
– Nhưng mà chân chính có thể dùng cũng chỉ hơn một ngàn thôi.
Vương Phác giận dữ nói:
– Chuyện này là sao, vì sao chỉ có không đến một nửa số hỏa khí có thể dùng?
Tiểu Thất oan ức nói:
– Tướng quân, ngài đã quên rồi. Ngài nói bảo quản số hỏa khí này quá tiêu tốn tiền bạc, nên ném vào trong kho không ai lo. Cho nên hơn một nửa số hỏa khí đều bị gỉ sét không thể dùng được.
– Được rồi. Hơn một ngàn thì hơn một ngàn. Lập tức phái người đi thu gom toàn bộ số hỏa khí này, lại phân phát gấp đôi số hỏa dược và đạn chì.
Vương Phác cau mày nói:
– Ngoài ra hãy triệu tập tất cả gia đinh lại đây. À đúng rồi, phát mỗi người ba ngày lương khô.
Tiểu Thất ngạc nhiên nói:
– Bây giờ sao?
– Đúng.
Vương Phác trầm giọng nói:
– Ngay bây giờ, chậm nữa thì sẽ không kịp đâu.
Lời này không phải là nói bừa, Hồng Thừa Trù còn muốn quyết chiến với quân Thanh vào ngày mai, nhưng bọn khốn Đường Thông, Ngô Tam Quế khẳng định đã nghĩ đến việc chạy trốn trong đêm. Đợi khi bọn chúng vừa chạy trốn, quân Thanh sẽ nhân cơ hôi phát động tiến công. Đến lúc đó, làm gì cũng đã muộn rồi. Cho nên, nhất định phải hành động trước khi bọn khốn Đường Thông, Ngô Tam Quế chạy trốn.
– Vâng, tiểu nhân sẽ đi làm ngay.
Tiểu Thất gật gật đầu, lĩnh mệnh mà đi.
Chưa đến nửa canh giờ sau, Tiểu Thất đã triệu tập được hơn ngàn gia đinh ở trên giáo trường.
Vương Phác nhìn quanh bốn phía, dưới ánh lửa sáng như ban ngày, hơn ngàn kỵ binh đang nhìn hắn không chớp mắt. Hơn ngàn kỵ binh này toàn bộ đều là gia đinh thân tín của Vương Phác, đều là tinh nhuệ trong tinh nhuệ. Trong mắt bọn họ của có người chủ nhân Vương Phác này, mà không có đế quốc Đại Minh. Bộ đội gia đinh là một quần thể đặc thù trong quân đội Đại Minh, là một sản phẩm dị hình xuất hiện trong quá trình quân chế Đại Minh thay đổi.
Ở đây phải giới thiệu sơ lược một chút về quân chế của Đại Minh: Sau khi Chu Nguyên Chương thành lập đế quốc Đại Minh, sáng lập Thế Binh Chế, sắp xếp quân đội cả nước vào trong Vệ Sở các nơi, chiếu theo đầu người mà phân cho đất đai để thực hiện đồn điền dưỡng quân. Cứ như vậy vừa giải quyết được vấn đề chu cấp lương bổng cho quân đội, lại vừa bảo vệ địa phương. Lúc đầu Thế Binh Chế đích xác là đã phát huy được tác dụng quan trọng, nhưng thời gian trôi qua, khiếm khuyết của Thế Binh Chế dần bộc lộ ra. Một số quan quân tự ý xâm chiếm điền sản, biến tài nguyên công hữu của Vệ Sở thành tư hữu. Những quân hộ ở tầng thấp dần trở thành nô lệ cho quan quân các cấp bóc lột.
Bởi vì không chịu nổi được tầng tầng bóc lột của quan quân các cấp, ngày càng có nhiều quân hộ lựa chọn bỏ trốn. Đến năm Gia Tĩnh, khuyết ngạch về quân binh của Vệ Sở các nơi đã lên đến hơn 70%, 30% chạy trốn kia cũng phần lớn là người già yếu bệnh tật, không chịu nội một trận chiến. Vệ Sở Quân mạnh mẽ do Chu Nguyên Chương hao tổn tâm cơ tạo dựng nên chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.
Vì bổ sung quân binh, người thống trị Minh triều không thể không áp dụng biện pháp khác. Thế là có Trưng Binh Chế. Bởi vì tố chất quân binh của Trưng Binh Chế tốt xấu lẫn lộn, rất nhanh đã bị thay thế bởi Mộ Binh Chế. Đến hậu kỳ Minh triều, Mộ Binh đã trở thành chủ lực của quân đội.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc chính là, Mộ Binh Chế cũng có chỗ thiếu hụt bẩm sinh không cách nào giải quyết.
Tổng binh địa phương tay nắm binh quyền cắt xén quân lương, ăn chặn quân lương đã trở thành hiện tượng phổ biến. Bọn họ chỉ nguyện ý đổ tiền vào bộ đội gia đinh tư hữu, mà không nguyện ý lo lắng cho quân thường trực quốc hữu. Vì vậy, quân thường trực của đế quốc Đại Minh tồn tại phổ biến hiện tượng quân binh không đủ số, võ bị tồi tàn, thiếu huấn luyện, cùng nhiều loại vấn đề khác, mới làm cho quân Minh đánh đâu bại đó.
Điển hình nhất là cuộc chiến Tát Nhĩ Hử. Quân Minh hiệu xưng hai mươi vạn, nhưng trên thực tế cũng chỉ có bảy tám vạn người, Dương Hạo thư sinh không hiểu việc quân, còn làm ra một chiến thuật phân tiến hợp kích. Kết quả là để cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích được lợi thế lớn. Kỳ thực, cho dù là chia binh bốn lộ, cho dù là binh lực bị vây trong hoàn cảnh xấu tuyệt đối, nếu không phải là vì quân Minh đã mục nát đến tận xương tủy, chỉ dựa vào Hậu Kim lúc ấy có năm sáu vạn Bát Kỳ Binh (quân đội của tộc Mãn Thanh) trang bị lạc hậu, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dù có khả năng thông thiên triệt địa cũng không đánh thắng cuộc chiến Tát Nhĩ Hử được.
Nhìn thấy hơn ngàn gia đinh người nào cũng tinh thần no đủ, khí thế dũng mãnh, Vương Phác hài lòng gật gật đầu, hỏi Tiểu Thất ở bên cạnh:
– Hỏa khí và lương khô đều đã phân phát hết chưa?
– Đều đã phân phát.
Tiểu Thất gật đầu nói:
– Mỗi người được phân hai phần hỏa dược đạn chì, còn có ba ngày lương khô.
– Đã khóa mõm ngựa hết chưa?
– Đều đã làm xong, vó ngựa cũng đã bọc vải rồi.
Tiểu Thất nói:
– Tướng quân, ngài cứ yên tâm. Hành quân ban đêm không thể phát ra tiếng động, kiến thức phổ thông này tiểu nhân vẫn phải biết.
– Vậy thì tốt.
Vương Phác nói:
– Tắt đuốc, xuất phát.
Tiểu Thất bước nhanh hai bước, đứng trước đài duyệt binh, rống cổ họng quát to:
– Tướng quân có lệnh, tắt đuốc, xuất phát!
Hơn ngàn gia đinh đều tắt đuốc, sau đó xoay người lên ngựa, dưới bầu trên đen kịt, mãnh liệt đi về phía Viên môn. Quân đội quy mô như thế được điều động căn bản không thể giấu diếm được binh sỹ trong doanh. Càng lúc càng có nhiều binh từ trong lều chạy ra. Những binh sỹ này không biết chuyện gì đã xảy ra, đều bắt đầu suy đoán. Không khí bất an bắt đầu tràn ngập trong quân.
– Tổng binh đại nhân gượm đã.
Trong tiếng bước chân dồn dập, Phó tổng binh Đại Đồng Triệu Vật Trúc thúc ngựa đuổi theo Vương Phác, kích động hỏi:
– Tổng binh đại nhân, ngài làm gì vậy?
– Sao?
Vương Phác trầm giọng nói:
– Bổn tướng quân xuất binh còn phải xin chỉ thị từ ngươi hay sao?
– Cái này…
Triệu Vật Trúc nói:
– Nếu Tổng binh đại nhân muốn xuất binh, nên để cho bọn tiểu nhân biết, lại nói đại nhân ngài không nói một tiếng đã mang thân binh đi rồi. Hơn một vạn huynh đệ trong đại doanh phải làm sao?
Vương Phác nói:
– Ngươi là Phó tổng binh trấn Đại Đồng. Nếu bổn tướng quân tử trận hoặc là đi ra ngoài, hơn một vạn huynh đệ trong đại doanh đương nhiên là do ngươi chỉ huy. Quân quy đơn giản như thế mà còn muốn bổn tướng quân dạy ngươi hay sao?
Triệu Vật Trúc nói:
– Nhưng…
Vương Phác quát:
– Bớt nói nhảm đi, tránh ra.
Nhìn thấy sát khí trong con ngươi của Vương Phác biểu lộ ra, Triệu Vật Trúc không khỏi rùng mình một cái, thúc ngựa tránh đường. Vương Phác kéo dây cương nghênh ngang rời đi. Lúc ra đến Viên môn, Vương Phác vẫn không kìm nổi mà quay đầu nhìn thoáng qua, trong con ngươi có một chút rầu rĩ. Vương Phác không muốn vứt bỏ hơn một vạn tướng sỹ Đại Minh trong đại doanh, nhưng hắn không còn lựa chọn nào khác.
Bút Giá Sơn thất thủ, cuộc chiến Tùng Sơn bại cục đã định!
Hồng Thừa Trù còn muốn quyết một trận tử chiến với quân Thanh, nhưng Đường Thông, Ngô Tam Quế bọn họ căn bản sẽ không cho ông ta cơ hội này. Ở lại là chết, chạy trốn theo bọn Đường Thông cũng là chết!
Nô tù Mãn Thanh Hoàng Thái Cực đã sớm điều binh khiển tướng, phái ra nhiều lộ tinh binh thủ trên những con đường rút lui của quân Mình, cái gọi là binh bại như núi đổ, một khi quân Minh bắt đầu rút quân về phía sau, tướng sỹ toàn quân sẽ mất ý chí chiến đấu, chỉ hận cha mẹ sinh ra chỉ có hai cái chân, lại thêm Thanh binh trước chặn sau truy, bi kịch trong lịch sử lại tái diễn.
Cho dù là Vương Phác có thể từ trong loạn quân giết ra một con đường máu trở về Sơn Hải Quan. Vận mệnh cuối cùng chờ đợi hắn cũng chỉ có thể là chết. Từ trước đến giờ Hoàng đế Sùng Trinh chưa bao giờ nhân nhượng đối với tướng bại quân. Trong lịch sử, sở dĩ Ngô Tam Quế có thể thoát chết, là vì lúc bấy giờ Đế quốc Đại Minh quả thật không còn người để dùng, chỉ có thể dựa vào gã để chống đỡ thế cục ở quan ngoại.
Như vậy, ở lại cùng tử thủ Tùng Sơn với Hồng Thừa Trù?
Đó cũng là một con đường chết! Mười ba vạn đại quân dưới trướng Hồng Thừa Trù đã là binh lực cơ động sau cùng của Đế quốc Đại Minh rồi. Hoàng đế Sùng Trinh đã không còn phái được bao nhiêu quân đến giải vây cho Tùng Sơn nữa.
Chạy trốn là chết, ở lại vẫn là chết. Vương Phác dường như đã không còn con đường để đi?
Kỳ thực không phải vậy, Vương Phác còn có một con đường có thể đi. Đó chính là tập kích bất ngờ đô thành của Mãn Thanh – Thịnh Kinh. Sau đó đi vòng sang Triều Tiên đoạt thuyền ra biển, theo đường biển trở về Đăng Châu. Chỉ cần Vương Phác có thể công hạ hang ổ Thịnh Kinh của Kiến Nô và cướp được tài vật, cũng đủ để triệt tiêu đại tội động trời binh bại Tùng Sơn. Vương Phác sẽ vẫn có thể yên ổn làm Tổng binh Đại Đồng của hắn.
Đương nhiên, tập kích bất ngờ Thịnh Kinh có thể nói là hung hiểm vạn phần, cùng cửu tử nhất sinh để hình dung cũng tuyệt không quá đáng, nhưng chí ít còn có một đường sinh cơ!
Tổng binh Đại Đồng Vương Phác hiện tại xuất thân lưu manh, ngồi chờ chết, lo được lo mất không phải là tác phong làm việc của hắn. Một khi đã quyết định việc gì, cho dù lên núi đao xuống vạc dầu, cũng sẽ kiên trì đến cùng.
Nếu là tập kích bất ngờ, điều phải chú ý chính là chữ “Kỳ”, nhờ xuất kỳ chế thắng (đánh bất ngờ để thắng). Mà muốn xuất kỳ chế thắng, thì cần phải ẩn nấp, cần phải tiến công nhanh. Cho nên Vương Phác không thể mang theo hơn một vạn tướng sỹ trong đại doanh. Nguyên nhân rất đơn giản, mang theo hơn một vạn tướng sỹ này chẳng những không biết phải ẩn nấp làm sao, mà còn sẽ làm trì trệ tốc độ hành quân một cách nghiêm trọng.
Còn nguyên nhân quan trọng hơn. Vương Phác trước đây tự ý cắt xén quân lương, bóc lột sỹ tốt, tướng sỹ trong quân sớm đã oán hận hắn. Một khi để những binh sỹ này biết Vương Phác muốn mang bọn họ đi tấn công đô thành của Kiến Nô. Vậy thì khẳng định sẽ bất ngờ làm phản. Để đến lúc đó làm hỏng đại sự, chẳng thà bây giờ dùng đao sắc chặt đứt dây leo cản đường, trực tiếp vứt bỏ hơn một vạn tướng sỹ này!
Không bỏ được con thì không bắt được sói!
Lại nói, Vương Phác mang theo hơn ngàn gia đinh rời khỏi đại doanh, thừa dịp trời tối mà đi về phía trước mấy dặm, liền rẽ vào mai phục trong ở một chỗ đất trũng. Phía trước không xa đã là đại doanh quân Thanh rồi. Đi thêm về phía trước rất dễ bị quân Thanh phát hiện. Lúc này có thể nói là thời khắc phi thường. Nếu Vương Phác đoán không sai, quân Thanh trong đại doanh chỉ sợ đã sớm chống thương chờ đợi rồi.
Lúc này mà bị quân Thanh phát hiện, vậy thì xong đời rồi.