Đọc truyện Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông – Chương 8: Tỏ tình
Lục phủ ở phường Vĩnh Hưng hôm nay đón một vị khách quý.
Sáng sớm, lục hoàng tử Trịnh Trạc đến nhà bái phỏng, gọi là tới thăm Lục thị lang hôm qua ở Phù Dung Viên bị rơi xuống nước nên sợ hãi, nằm trên giường không dậy nổi.
Lục Thời Khanh ở trong phòng, mặc nguyên y phục dựa vào giường, xem một quyển kỳ phổ, thấy hắn liền tức giận:
– Ngươi tới làm gì?
Trịnh Trạc cười to không dứt:
– Không phải thấy Lục thị lang không lên triều nên đến thăm đây sao? Ta thấy ngươi khí sắc không tệ, e là ghét hôm qua tróc một lớp da mặt nên mới trốn thôi!
Thấy Lục Thời Khanh định đứng dậy, Trịnh Trạc vội ra dấu cản:
– Giữa ngươi và ta không cần đa lễ, cứ ngồi đi. Chuyện này, vẫn là ta nhận lỗi với ngươi.
Lục Thời Khanh không thèm giữ lễ tiết, khẽ lườm hắn:
– Lần sau mà gặp chuyện có dính tới Lan Thương huyện chúa nữa thì đừng kéo ta vào.
Sáng hôm qua y ra khỏi Tuyên Chính điện, vốn định về phủ thì bị Trịnh Trạc kéo đi Phù Dung Viên, kết quả là gặp chuyện xui xẻo.
Trịnh Trạc nắm tay lại tằng hắng một tiếng:
– E là không được, hôm nay ta đúng là tới vì nữ tử này.
– Sao, hôm qua hai người các ngươi chưa bàn xong à?
– Nữ tử này thông minh khéo léo, không thể tùy tiện lừa được.
Y cười nhạo:
– E là túi da của ngươi không đủ cho người ta nhìn chứ gì.
– Ngươi giỏi, ngươi đi?
Trịnh Trạc nhận được một ánh mắt sắc lẻm như dao của Lục Thời Khanh.
Trịnh Trạc không đùa nữa, hỏi:
– Ngươi thấy có phải Nguyên Thế Sâm nói hết đầu đuôi gốc ngọn với nàng ấy không? Nếu không thì tại sao vừa bắt đầu nàng ấy lại chất vấn ta có thật lòng cầu hôn hay không?
“Thế Sâm” là tên tự của Nguyên Ngọc.
Lục Thời Khanh lắc đầu:
– Không giống.
Y trầm mặc hồi lâu mới cử động khóe môi:
– Lần này nàng ấy vào kinh từng được thân tín của Điền Nam vương tháp tùng, nhưng nửa đường họ lại được cho về, ngươi biết vì sao không?
Trịnh Trạc suy ngẫm một lát, đại khái đã hiểu ý y.
– Sở dĩ nàng ấy làm vậy, là vì nàng ấy hiểu rõ, một khi thân tín của Điền Nam vương bước chân vào hoàng thành, ắt sẽ tạo đề tài cho triều thần bàn tán, hạch tội đến trước mặt thánh nhân. Từ đó cho thấy, nữ tử này tâm tư không hề đơn giản, lại vừa vặn vào kinh ngay lúc mấu chốt ngươi cần tranh thủ sự ủng hộ của Thế Sâm, chắc là có mưu đồ.
Trịnh Trạc thoạt đầu gật gù liên tục nhưng nghe được câu cuối cùng lại phì cười:
– Một tiểu nha đầu có thể có mưu đồ gì chứ?
Hỏi xong, hắn cau mày:
– Hoặc, là ý của Điền Nam vương?
Lục Thời Khanh lắc đầu, tỏ ý tạm thời khó nói.
– Bất luận thế nào cũng phải tiếp tục nghe ý của Nguyên gia. Ta và nàng ấy có ước hẹn 3 ngày, đến lúc đó, ngươi lại thay ta làm thuyết khách như lần trước?
Lục Thời Khanh không trả lời ngay, ngước mắt nói:
– Thánh nhân lệnh ngươi kết mối hôn sự này chính là kế một tên hai đích. Ngươi muốn tương kế tựu kế, ta không cản, nhưng ngươi phải rõ, con đường này rất nguy hiểm, với ngươi, với Nguyên gia, đều rất nguy hiểm.
Hắn cười không để bụng:
– Sợ gì chứ, có ngươi khống chế chung quanh rồi mà.
Lục Thời Khanh lườm hắn, cuối cùng không nói gì nữa, đồng ý.
…
Sáng hôm sau, Lục phủ thu được một chồng hậu lễ: một đôi ngọc phẩm chất thượng thừa, một đôi túi thơm lung linh xinh đẹp, một đôi đồng tâm kết tay nghề tinh tế… giống như tiểu nương tử nhà ai đổ hết tất cả tín vật bày tỏ tâm ý ra vậy, không hiểu sao đều là có đôi có cặp.
Lục lão phu nhân Tuyên thị và Lục tiểu nương tử Lục Sương Dư nhìn chồng tín vật này mà rơi vào trầm tư.
Tuyên thị nheo đôi mắt phượng, lẳng lặng quan sát kỹ chúng.
Bà chỉ có một nhi tử, những tín vật này cho ai, không cần nói cũng biết. Nhưng Lục phủ từng thu lễ tới ê tay đã hơn một năm chưa được thấy cảnh này rồi.
Nguyên nhân là, đầu xuân năm ngoái, nhi tử tốt của bà từ chối lời tỏ tình của công chúa đương triều một cách không chút nể nang mặt mũi, làm huyên náo xôn xao dư luận. Sau đó, các tiểu nương tử thành Trường An ai nấy đều có tà tâm nhưng không có đủ gan, sợ nếu thành với nhi tử của bà sẽ khiến quý nhân không thoải mái, khó bảo toàn tính mạng.
Bà quan sát hồi lâu, càng nghĩ càng thấy kỳ lạ, bèn hỏi tôi tớ:
– Tiểu nương tử nhà ai lại có lá gan như thế?
Tôi tớ đáp:
– Thưa lão phu nhân, những thứ này đều là của Nguyên gia đưa tới…
– Hả?
Lục Sương Dư há to miệng.
– Người Nguyên gia nói, trước đây có một lần, chó nhà Lan Thương huyện chúa cắn hỏng đôi ngọc của lang quân nên gửi đến xin lỗi ạ.
Lục Sương Dư buồn bã nhiều ngày, mất ăn mất ngủ, khó khăn lắm mới trở lại bình thường, nghe những lời này lại khơi lên chuyện cũ đau lòng, cắn môi nói:
– Cô ấy muốn xin lỗi a huynh thì đưa đôi ngọc đến là được, túi thơm và đồng tâm kết này là sao chứ?
Dứt lời, nàng kéo ống tay áo Tuyên thị:
– Mẹ, Lan Thương huyện chúa chắc chắn là thích a huynh rồi!
Chuyện đơn giản trắng trợn thế này, không phải rõ ràng lắm sao?
Tuyên thị liếc nữ nhi:
– Đương nhiên, người ta không thích a huynh con, chẳng lẽ thích con à?
Lục Sương Dư chu miệng:
– Mẹ___!
Rốt cuộc nàng có phải con ruột không đấy?
Tuyên thị lúc này không rảnh để ý nàng. Bà nghĩ nghĩ rồi hỏi nha hoàn:
– Trước đấy các ngươi nói với ta là lúc Tử Chú từ Phù Dung Viên trở về, trên người có giấu một cái khăn gấm, nhìn kiểu dáng thì dường như là đồ của nữ tử. Cái khăn gấm đó giờ ở đâu?
– Thưa lão phu nhân, lang quân sai người vứt ngay tại chỗ ạ.
Tuyên thị cau mày:
– Trên khăn gấm đó có thêu chữ gì không?
– Chuyện này nô tỳ không rõ lắm ạ. Nhưng nô tỳ nghe nói, các nương tử trong Phù Dung Viên hôm đó, ngoại trừ Nguyên phu nhân đã là phu nhân người ta thì người còn lại là Lan Thương huyện chúa.
Hàng mày Tuyên thị giãn ra, kỳ diệu, thật kỳ diệu, bà nghiêng đầu nhỏ giọng ra lệnh:
– Các ngươi đi điều tra xem, cái khăn gấm đó có phải thực xuất từ tay Nguyên tiểu nương tử hay không.
Vừa dứt lời, bà liền nghe một giọng nam:
– Không cần điều tra, đúng là nàng ấy.
Là Lục Thời Khanh nghe có người tặng lễ nên đến chính đường.
Y cau chặt mày, bước vào nói:
– Mẹ, vô duyên vô cớ mẹ gán ghép lung tung gì đấy?
Tuyên thị nhìn y dò xét:
– Cái gì gọi là vô duyên vô cớ? Con nhìn những thứ này đi, đều là Nguyên tiểu nương tử đưa tới. Nếu không phải như mẹ nghĩ thì con nói cho mẹ nghe một duyên cớ trong sạch thuần khiết xem?
Bước chân Lục Thời Khanh khựng lại, y cúi đầu nhìn cái tráp trên bàn. Nó được làm bằng gỗ cánh gà (1), loại không tầm thường, hoa văn hoàn chỉnh, không ghép nối, hình cánh sen đối xứng, nhìn… không khó chịu.
(1) Gỗ cánh gà: loại gỗ có vân hình chữ V như cánh gà.
Nhưng sau khi nhìn thấy vật trong tráp, y cau mày càng chặt hơn:
– Mấy người các ngươi mau lên, đem nó đi nghiệm độc.
Mặt Tuyên thị lộ vẻ kinh hãi.
Y tiến lên giải thích:
– Mẹ, chuyện bất thường ắt có gian trá. Nguyên tướng quân và con xưa nay không hợp, mấy thứ này có lẽ là hắn mượn danh Lan Thương huyện chúa để trêu chọc con. Con còn chuyện quan trọng trên người, không ở cùng mẹ nữa.
Dứt lời, y cáo lui, còn bổ sung với nha hoàn một câu:
– Đợi đã, khỏi nghiệm, trực tiếp vứt đi là được.
Tuyên thị không ngăn được y, đành để y đi, lòng thầm nhủ đáng tiếc.
Lục Thời Khanh nhanh bước về phòng, đi tới đi lui mấy bận, nhớ tới chuyện hôm trước Trịnh Trạc bàn giao, cuối cùng lấy trong rương ra một cái mặt nạ bạc, lại cầm khối ngọc gác bút trên bàn khảm vào rãnh lõm trên tường, chờ cửa ngầm từ từ mở ra liền khom người đi xuống mật đạo.
…
Trong Nguyên phủ, Nguyên Tứ Nhàn nghe người hầu bẩm báo là quà đã đưa đến thì thưởng cho họ, xong chống má ngồi trước gương trang điểm, không biết đang nghĩ gì.
Thập Thúy và Giản Chi nhìn biểu cảm u ám của nàng thì lòng đều hơi sợ hãi. Một người nói:
– Tiểu nương tử, người muốn làm gì, hay là cứ nói với chúng nô tỳ, làm việc vội vàng suy cho cùng cũng không đủ thấu đáo.
Nàng nghiêng đầu thấy mắt hai người họ đều có quầng đen to, cười nói:
– Túi thơm và đồng tâm kết lần này làm rất tốt, tạm thời không cần gì khác, hai ngươi nghỉ ngơi cho tốt đi, tối không cần hầu hạ ta.
Thập Thúy gật đầu:
– Nhưng biện pháp này có được không? Nô tỳ nghe người ta nói Lục thị lang hoàn toàn không gần nữ sắc, có lẽ ngài ấy thích nam phong!
– Lời đồn đâu ra thế? Sao ta không nghe nói?
Giản Chi tiếp lời:
– Lời đồn đại khái đã thêm mắm dặm muối, nhưng không có lửa sao có khói. Người nhìn Lục thị lang đi, đã 22 rồi mà không có chính thất, cơ thiếp cũng không nốt, mấy năm nay thành Trường An có bao nhiêu tiểu nương tử đổ xô vào ngài ấy nhưng một người cũng không thành. Hôm qua nô tỳ thay tiểu nương tử ra ngoài tìm hiểu, có nghe kể một chuyện lợi hại.
Nguyên Tứ Nhàn hứng thú:
– Nói nghe thử xem.
– Tiểu nương tử biết Thiều Hòa công chúa chứ? Đó là nữ nhi độc nhất của hoàng hậu đương triều, nổi tiếng xinh đẹp, tiếc rằng 16 tuổi gả cho hầu phủ chưa được mấy ngày liền ở góa. Năm 19 tuổi, tức là năm ngoái, Thiều Hòa công chúa nhắm trúng Lục thị lang, có ý định tái giá. Kết quả người đoán xem Lục thị lang từ chối công chúa thế nào?
Nàng nghiêng đầu ngẫm nghĩ:
– Nghe nói y 19 tuổi tang phụ, chắc là lấy việc thủ hiếu làm cớ nhỉ.
Giản Chi lắc đầu:
– Nếu là như vậy cũng xem như chừa lại tình cảm và thể diện. Tiểu nương tử có điều chưa biết, dưới mắt trái Thiều Hòa công chúa có một nốt ruồi duyên, nhưng dưới mắt phải lại không có, Lục thị lang nói, ngài ấy nhìn mà toàn thân khó chịu, không thể nhìn nổi thêm lần nào nữa, thực không thể cùng công chúa tôn quý sống chung quãng đời còn lại.
Sau đó, trong kinh dần sinh ra lời đồn Lục Thời Khanh không gần nữ sắc. Dù sao ngay cả Thiều Hòa công chúa đẹp tựa thiên tiên mà y cũng không yêu thì đoán là cả đời cũng không vừa mắt nữ tử nào nữa.
Nguyên Tứ Nhàn dở khóc dở cười.
Thập Thúy lo lắng:
– Lục thị lang ngay cả quý nhân như vậy cũng không để vào mắt, tiểu nương tử thật muốn vượt khó tiến lên?
Lời nàng ấy vừa dứt, cửa phòng liền vang tiếng gõ cửa. Tôi tớ tới báo, nói lang quân mời tiểu nương tử đến thư phòng một chuyến.
Nguyên Tứ Nhàn nhớ tới ước định với Trịnh Trạc, nghĩ là vị tiên sinh lần trước đến, bèn vội bước qua, sau khi đến, nàng nói với Nguyên Ngọc:
– Muội trốn sau tấm bình phong, a huynh nhớ làm theo những gì tối qua chúng ta bàn bạc đấy.
Nguyên Ngọc nghe tiếng bước chân bên ngoài đến gần thì gật đầu ra hiệu nàng yên tâm rồi đẩy nàng trốn vào.
Người tới chính là Lục Thời Khanh.
Nguyên Ngọc chột dạ, thấy y sau khi ngồi xuống có ý nhìn về phía bình phong thì vội kéo sự chú ý của y về:
– Tiên sinh vì xá muội mà bôn ba hai bận, phiền tiên sinh quá.
Lục Thời Khanh thầm nghĩ đâu chỉ có hai bận mà tới bốn bận rồi nhưng giọng điệu vẫn ngụy trang vô cùng thỏa đáng:
– Tướng quân khách khí.
Thấy y chưa định nghiêng đầu nữa, Nguyên Ngọc thở phào:
– Ý của điện hạ, kỳ thực Nguyên mỗ vô cùng rõ ràng, không phiền tiên sinh lặp lại. Ngài và tôi mấy lần qua lại, nhưng tôi vẫn chưa biết ngài họ gì tên chi, luôn gọi “tiên sinh”…
Hắn nói một nửa, đoán là đối phương có thể hiểu.
Trước kia, một là theo lễ pháp, hai là biết loại phụ tá này từ trước đến nay luôn là thân phận bí ẩn nên hắn chưa bao giờ nghiên cứu. Hôm nay hỏi như vậy là do Nguyên Tứ Nhàn căn dặn.
Lục Thời Khanh đúng mực đáp lời:
– Kẻ hèn họ Từ, tên Thiện, ngài muốn xưng hô sao cũng được.
Nguyên Ngọc nghe cái tên này thì sững sờ chốc lát, kinh ngạc nói:
– Chẳng lẽ ngài là… là Tầm Dương cư sĩ Từ Tòng Hiền, Từ tiên sinh?
– May mắn được tướng quân nghe tên thưởng thức, Từ mỗ thật là hổ thẹn.
Nguyên Tứ Nhàn sau tấm bình phong cũng rất bất ngờ.
Tên tuổi Từ Thiện nàng đã nghe thấy từ hồi ở Diêu Châu. Nghe nói người này giỏi đánh cờ, mười mấy năm trước ở Tầm Dương Giang Châu đã đánh bại người giỏi cờ cả nước là Hứa lão tiên sinh, từ đấy một trận thành danh. Vì sau đó làm việc khiêm tốn, hiếm khi lộ diện, chỉ gửi gắm tình cảm vào non nước, ẩn cư quanh năm nên được người đời xưng là “Tầm Dương cư sĩ”.
Tuy nàng nhờ huynh trưởng hỏi dò thân phận người này, nhưng thoạt đầu cũng không ôm hi vọng lớn là sẽ được thẳng thắn thành thật. Hiển nhiên, nếu đối phương cố ý muốn che giấu thì nên chọn một cái tên không nổi tiếng để làm giả chứ không phải là một nhân vật như Tầm Dương cư sĩ. Dù sao nếu muốn phân biệt thật giả thì rất có khả năng chỉ cần một bàn cờ là đủ.
Xem ra lần này, Trịnh Trạc mang theo thành ý mà tới.
Có điều nói đi cũng phải nói lại, ẩn sĩ thanh bạch như Từ Thiện rốt cuộc đã được mời xuất sơn thế nào?
Trái tim nhỏ của Nguyên Ngọc run rẩy hồi lâu mới có thể bình tĩnh, khí thế ban đầu yếu đi một đoạn:
– Từ tiên sinh nhín thì giờ tới đây, Nguyên mỗ xin trả lời ngài thẳng thắn.
Hắn tằng hắng, nói ra những lời từ chối đã chuẩn bị sẵn:
– Nhìn Đại Chu hiện tại, vị trí thái tử bỏ trống lâu ngày, thánh nhân lại vì vết xe đổ của tiên thái tử mà mãi chưa lập người mới, chỉ luôn nghiên cứu thuật cân bằng, nghi kỵ thất thường, càng khiến triều đình bấp bênh, đến mức đảng phái mọc lên như nấm, lòng người không thống nhất.
…
– Dưới tình hình đó, về tư, điện hạ muốn thi triển chí lớn, về công, điện hạ muốn sửa chữa sai sót. Đối với Nguyên mỗ mà nói, chỉ lo thân mình tuy tốt nhưng mấy năm nay nhìn thánh nhân phòng bị Nguyên gia, thực cảm thấy không thể như vậy nữa. Để ngăn chặn Nguyên gia triệt để trở thành đối tượng nghi kỵ của đế vương, thành con cờ tạo thế cân bằng, Nguyên mỗ lẽ ra phải sớm chọn minh chủ mà thờ. Đây cũng là ý nguyện ban đầu khi Nguyên mỗ và điện hạ hợp tác.
Lục Thời Khanh lẳng lặng nghe, nhưng đuôi mắt lại chú ý tới bức bình phong hoa điểu trong phòng.
Nguyên Ngọc trả bài tiếp:
– Nếu xá muội gả cho điện hạ, chính là một viên thuốc an thần mà điện hạ cho Nguyên gia, cũng là một viên thuốc an thần mà Nguyên gia cho điện hạ, có thể nói là dệt hoa trên gấm không chút nghi ngờ. Nhưng Nguyên mỗ cho rằng, nếu đã có ý nguyện ban đầu như trên, tôi và điện hạ phù hợp tâm ý, thì không thêm đóa hoa này cũng có hề chi?
Lần trả lời này kín kẽ không một lỗ hổng, thực sự lợi hại.
Lục Thời Khanh vừa nghe liền biết hắn có chuẩn bị, khuyên nhiều e phản tác dụng, bèn nói:
– Từ mỗ đã hiểu ý tướng quân, chắc chắn sẽ chuyển lời nguyên vẹn tới điện hạ.
Nguyên Ngọc trả bài hết những gì Nguyên Tứ Nhàn căn dặn, căng thẳng đến mức mồ hôi nhễ nhại, suýt quên còn một việc, vội bổ sung:
– Có thể được ngài hiểu cho là tốt nhất, hôn sự này không phải Nguyên mỗ không muốn tác thành mà thực là xá muội đã có ý trung nhân. Người này có lẽ ngài cũng biết…
Lục Thời Khanh chớp chớp mắt, ra vẻ rửa tai lắng nghe.
Nguyên Ngọc cau chặt mày oán hận, nghiến răng vỗ đùi đánh đét, rất không tình nguyện:
– Là Lục thị lang của triều ta!
Sắc mặt Lục thị lang sau mặt nạ chợt trở nên vô cùng đặc sắc.
Lời tác giả:
Lục Thời Khanh: Cho nên, ở chương 4 có bao nhiêu người không nhận ra ta?