Đọc truyện Thiên Thần Và Ác Quỷ – Chương 49
Lúc này, chỉ có Langdon và Vittoria đang đứng trước cánh cửa đôi hai lớp bằng đồng dẫn vào sảnh chính của Nhà mái vòm bí mật. Những tấm thảm treo tường cực lớn chạy dọc mọi mảng tường, nền đá cẩm thạch của gian phòng lớn chẳng hề ăn nhập với một dãy camera không dây được lắp ngay sát hình trạm trổ các tiểu thiên sứ trên trần nhà. Langdon đặt tên ngay cho kiểu trang trí này là Phục Hưng Chết. Ngay bên cạnh lối vào có một tấm biển đồng.
ARCHIVIO VATLCANO 1
Curatore, Padre Jaqui Tomas 2
Cha Jaqui Tomaso. Langdon nhận ra cái tên trong những bức thư khước từ mà anh vẫn để nguyên trong ngăn kéo. Thưa ông Langdon, tôi rất lấy làm tiếc khi phải viết bức thư này để từ chối việc…
Tiếc. Láo toét. Từ khi triều đại của Jaqui Tomaso bắt đầu, Langdon chưa thấy bất kỳ nhà khoa học Mỹ không theo Thiên Chúa chính thống nào được cấp phép vào Nhà mái vòm bí mật của Vatican. Người giữ đền, giới khoa học vẫn thường gọi ông ta như thế. Jaqui Tomaso chắc chắn là vị thủ thư cứng nhắc nhất thế giới.
Đẩy cửa để bước vào lối đi có mái vòm dẫn vào đại sảnh chính, Langdon mơ hồ có cảm giác là sẽ thấy cha Jaqui trong bộ quân phục; đầu đội mũ bảo hiểm, tay cầm khẩu bazôca đang đứng gác. Nhưng thực ra chẳng thấy có ai hết.
Yên tĩnh. Chỉ có ánh sáng dịu.
Nhà mái vòm Vatican, giấc mơ cả đời của Langdon.
Đưa mắt nhìn khắp căn phòng thiêng liêng một lượt, anh không khỏi tự cảm thấy hổ thẹn. Langdon nhận ra rằng mình thật là viển vông và ngây ngô. Suốt bao nhiêu năm nay, anh đã mường tượng ra một căn phòng hoàn toàn khác. Anh đã nghĩ về những giá sách lớn, bụi bặm bám đầy trên những cuốn sách rách tơi tả, các tu sĩ thì dùng ánh nến và ánh sáng từ những khung cửa kính màu để tra cứu danh mục, còn các thầy tu thì miệt mài bên những cuốn sách.
Sai toét.
Thoạt nhìn, căn phòng giống như một cái nhà chứa máy bay được phân chia thành vô số sân chơi quần vợt biệt lập. Dĩ nhiên là Langdon hiểu công dụng của những lớp vỏ bọc bằng kính này; anh không ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng. Hơi ẩm và nhiệt độ cao sẽ nhanh chóng huỷ hoại những tấm giấy da cừu và da bê cổ.
Để bảo vệ sách theo đúng quy chuẩn thì cần phải có những cái lồng kính như thế này – những mái vòm kính có tác dụng khử hơi ẩm và axít tự nhiên trong không khí. Langdon đã rất nhiều lần vào bên trong những lồng kính kiểu này, nhưng bao giờ anh cũng có một cảm giác bất an… cảm giác vừa bước vào một cái thùng kín mít, nguồn cung cấp khí ôxi hoàn toàn phụ thuộc vào một nhân viên thủ thư xa lạ.
Hiện lên mờ mờ dưới nguồn sáng nhạt từ cuối mỗi dãy, tất cả các lồng kính đều có vẻ tăm tối, thậm chí hơi ma quái. Trong vùng bóng tối được bao kín bởi những lồng kính, Langdon như trông thấy vô vàn bóng ma khổng lồ, tầng tầng lớp lớp trên những giá sách cao ngất, nặng trĩu lịch sử. Quả là đáng sợ.
Hình như cả Vittoria cũng đang cảm thấy y như thế. Đứng sát bên anh, cô lặng lẽ quan sát những lồng kính trong suốt.
Họ không có nhiều thời gian, và Langdon lập tức tìm khắp căn phòng lớn mờ tối để tìm cuốn danh mục tra cứu – một cuốn bách khoa toàn thư trong đó có tên của những cuốn sách lưu trữ tại đây. Nhưng chỉ thấy vài chiếc máy tính cá nhân đặt rải rác quanh phòng. có vẻ như ở đây họ sử dụng Biblion, toàn bộ danh mục tra cứu đã được nhập vào máy tính.
Vittoria có vẻ đầy hi vọng:
– Thế thì đỡ tốn thời gian.
Langdon thầm ước giá anh cũng có thể lạc quan như cô gái trẻ, nhưng có vẻ như họ có khá nhiều tin xấu. Anh bước lại bên một cái máy và bắt đầu gõ vào bàn phím. Những âu lo trong đầu anh ngay lập tức được xác thực.
– Chính ra họ nên dùng hệ thống kiểu cũ thì hơn.
– Tại sao?
Anh rời chiếc máy:
– Bởi vì theo hệ thống đó thì những cuốn sách thật không có mã số bảo vệ. Tôi không nghĩ rằng tất cả các nhà vật lý đều là những tin tặc bẩm sinh.
Vittoria lắc đầu:
– Nhưng tôi có thể bắt lũ hến mở miệng, vấn đề là thế.
Langdon hít một hơi thật sâu và quay lại nhìn nhũng vòm kính kỳ quái bên trong gian đại sảnh. Anh bước đến bên vòm kính gần nhất và nheo mắt nhìn vào bên trong. Bên trong lớp kính thấp thoáng những hình khối khá quen thuộc đối với Langdon: các kệ sách, hộp đựng giấy da, và quầy kiểm tra. Anh ngước mắt nhìn ký hiệu chỉ dẫn điện tử đang phát sáng ở cuối vòm kính. Giống như mọi thư viện khác, những bảng điện tử này cho biết những cuốn sách trên giá thuộc loại nào. Anh đọc những đề mục trên đó và bước dọc theo bức tường kính trong suốt.
PIETRO L EREMITA 3… … LE CROCIATE… URBANO 4 II… LEVANT… 5
“Chúng được phân loại, – anh nhận xét. – Nhưng không xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên tác giả. – Langdon không hề cảm thấy ngạc nhiên. Các thư viện cổ không bao giờ được sắp xếp theo trật tự bảng chữ cái, vì có rất nhiều tác giả vô danh. Tên cuốn sách cũng không có tác dụng, vì rất nhiều tài liệu lịch sử là những bức thư không có tiêu đề, thậm chí chỉ là một mẩu giấy. Hầu hết tài liệu được xếp theo niên đại. Đáng tiếc là tài liệu ở đây không được tổ chức theo cả hai kiểu trên.
Langdon cảm thấy lượng thời gian quý giá đang dần cạn kiệt:
– Hình như Vatican có kiểu sắp xếp riêng thì phải.
– Lạ thật.
Langdon xem lại các đề mục một lần nữa. Những tài liệu này thuộc về những thế kỷ khác nhau, nhưng tất cả các từ khoá đều thể hiện cùng một mối liên hệ.
– Tôi nghĩ là họ sắp xếp theo chủ đề.
– Theo chủ đề à? – Vittoria thốt lên, vẻ không đồng tình. – Nghe không mấy thuyết phục.
Thật ra, thì Langdon thầm nghĩ, chính ra đây mới là cách sắp xếp hiệu quả nhất. Anh vẫn thường khuyến khích sinh viên của mình cố đạt được cái nhìn tổng quát về nội dung của một giai đoạn nghệ thuật thay vì bị lạc lối giữa một rừng những tên tuổi, ngày tháng và các tác phẩm cụ thể. Hình như Nhà mái vòm Vatican sắp xếp tài liệu của họ theo triết lý đó. Quả là tân tiến…
– Mọi tài liệu trong vòm kính này đều liên quan đến cuộc Thập tự chinh. – Lúc này anh đã thấy vững tin hơn. – Đó chính là chủ đề của kho lưu trữ này.
Mọi thứ. Những bằng chứng lịch sử, thư từ, tác phẩm nghệ thuật, thống kê xã hội học, những phân tích mới đây tất cả đều tập trung vào một chỗ… như khích lệ người đọc tìm hiểu sâu hơn về đề tài. Giỏi thật.
Vittoria nhíu mày:
– Nhưng các dữ liệu đồng thời cũng liên quan đến các lĩnh vực khác nữa chứ.
– Cho nên họ mới dùng các ký hiệu này để chú thích. – Langdon chỉ tay vào những mảnh nhựa nhiều màu được cài vào giữa những tập tài liệu. – Chúng chỉ ra những tài liệu liên quan đến đế tài lớn này còn nằm ở các khu khác nữa.
– Đúng thế thật. – Vittoria đáp, có vẻ như không muốn tranh cãi nữa. Cô đứng chống nạnh, đưa mắt nhìn khắp gian đại sảnh rộng mênh mông, rồi quay sang nhìn Langdon.
– Thưa giáo sư, tên của cuốn sách mà chúng ta đang tìm là gì vậy?
Langdon không nén nổi nụ cười mãn nguyện. Anh vẫn còn chưa hết bàng hoàng và sung sướng vì được đặt chân vào căn phòng này. Không phải trong khu này, anh thầm nghĩ. Nó ở đâu đó trong vùng tối kia thôi, và đang đợi ta.
– Theo tôi nào, – Langdon bảo cô gái. Anh nhanh nhẹn sải bước dọc theo vòm kính ngoài cùng, vừa đi vừa đọc những bảng chỉ dẫn mới. – Cô còn nhớ những gì tôi kể về Con đường ánh sáng không? Về cách thức tuyển mộ thành viên mới của hội Illuminati ấy?
– Cuộc săn lùng kho báu, – Vittoria vừa đáp vừa theo sát anh.
– Vấn đề của hội Illuminati là sau khi đã đặt các ám hiệu ở đúng chỗ cần thiết thì phải nghĩ cách để cho giới khoa học biết về sự tồn tại của con đường đó.
– Rất lôgíc. – Vittoria nói – Nếu không thì làm gì có ai biết mà đi tìm Đúng thế. Mà giả sử có nghe nói đến con đường đó thì các nhà khoa học cũng không biết bắt đầu tìm kiếm từ điểm nào. Thành Rome vô cùng rộng lớn.
– Đúng thế.
Langdon tiếp tục bước dọc theo vòm kính thứ hai, vừa nói vừa dọc lướt qua những bảng chỉ dẫn. – Cách đây khoảng 15 năm, một số nhà sử học ở trường đại học Sorbonne và tôi đã cùng phát hiện được một loạt thư tay của hội Illuminati, trong đó có rất nhiều lời ám chỉ đến segno.
– Dấu hiệu. Tiết lộ về sự tồn tại của con đường và điểm khởi đầu của nó.
– Đúng thế, và từ đó đến nay, rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về Illuminati, kể cả bản thân tôi, đã phát hiện thêm nhiều bức thư khác có nói bóng gió đến segno. Ngày nay ai cũng thừa nhận rằng những đầu mối đó quả thực có tồn tại và Galileo đã công bố rộng rãi về chúng trong giới khoa học mà Vatican không hề hay biết.
– Bằng cách nào vậy?
– Không rõ, nhưng rất có thể bằng các ấn bản. Trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông đã cho in rất nhiều cuốn sách và bài báo.
– Mà Vatican lại không hề hay biết. Thế thì quá mạo hiểm.
– Đúng thế. Tuy nhiên, segno đã được phát tán rộng rãi.
– Nhưng đã có ai thực sự tìm ra chúng chưa?
– Chưa. Nhưng bất cứ khi nào xuất hiện sự ám chỉ tới segno – trong nhật ký của hội Tam Điểm, trong những bài báo cáo khoa học cổ xưa, trong những bức thư của hội Illuminati – nó luôn được nhắc tới thông qua một con số.
– 666 phải không?
Langdon mỉm cười:
– Thực ra là 503
– Nghĩa là gì?
– Chưa ai luận ra được nghĩa của con số đó. Tôi trở nên nghiện con số 503, và đã thử tất cả mọi cách để tìm ra ý nghĩa của nó – số học, phân tích bản đồ, cả độ cao nữa. – Langdon đã đến cuối sảnh và bắt đầu xem xét vòm kế tiếp, miệng vẫn nói: – Sau nhiều năm tôi cũng chỉ biết được rằng nó bắt đầu bằng chữ số 5, một trong những con số thiêng của hội Illuminati. – Chợt Langdon ngừng lời.
– Tôi đoán anh vừa chợt hiểu ra nghĩa của nó, vì thế cho nên chúng ta mới vào tận đây.
– Đúng thế. Langdon đáp, anh chợt thấy tràn ngập tự hào về thành quả lao động của mình. – Cô đã nghe nói tới một cuốn sách của Galileo có tiêu đề là Dialogo 6 chưa?
– Có chứ. Nó được giới khoa học coi là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại.
Sách bán chạy không thể hiện hết được ý nghĩa, nhưng Langdon hiểu ý Vittoria. Vào đầu những năm 1630, Galileo muốn xuất bản một cuốn sách ủng hộ mô hình nhật tâm của Copecnic, nhưng toà thánh cương quyết không cho phép Galileo phát hành cuốn sách nếu ông không thêm vào đó một minh chứng thuyết phục cho mô hình địa tâm của nhà thờ – mô hình mà Galileo biết là hoàn toàn sai lầm. Không còn cách nào khác, ông buộc phải chấp nhận yêu sách của nhà thờ và cho xuất bản một cuốn sách gồm hai phần tương xứng để bàn về cả hai mô hình – một đúng, một sai.
– Chắc cô cũng đã biết, – Langdon nói tiếp, – dù đã làm thế, cuốn sách vẫn bị coi là dị giáo, và Vatican đã cho giam lỏng Galileo tại nhà.
– Làm phúc đôi khi lại phải tội thế đấy.
Langdon mỉm cười.
– Đúng thế. Và Galileo tỏ ra rất ngoan cường.
Trong thời gian bị giam lỏng tại gia, ông vẫn bí mật viết một cuốn sách khác ít được biết đến hơn, cuốn sách mà nhiều người vẫn thường nhầm là Dialogo. Cuốn này có tiêu đề là Discorsi 7.
Vittoria gật đầu đống tình:
– Tôi cũng đã nghe nói về cuốn sách đó Luận về Thuỷ triều.
Langdon dừng phắt lại, ngạc nhiên vì cô gái trẻ thế mà đã nghe nói tới cuốn sách được xuất bản bí mật, luận giải về chuyển động của hành tinh và tác động của nó đối với thuỷ triều.
– Này giáo sư, – Vittoria nói, – Anh đang nói chuyện với một nhà nghiên cứu hải dương học người Ý có một người cha rất tôn thờ Galileo đấy.
Langdon cười lớn. Dù sao thì họ cũng không tìm cuốn Discorsi làm gì. Anh tiếp tục giải thích với cô gái rằng Discorsi không phải là cuốn sách duy nhất mà Galileo đã bí mật viết trong thời gian bị giam lỏng. Các sử gia tin rằng ông còn viết một cuốn nữa tiêu đề là Diagramma.
– Diagramma della Verita, – Langdon nói, – Biểu đồ chân lý.
– Chưa thấy ai nhắc tới cuốn đó bao giờ.
– Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Diagramma là cuốn sách bí mật nhất của Galileo – được cho là chứa đựng những kiến thức khoa học mà ông không được phép công khai trình bày. Giống như những bản thảo trước đó của Galileo, một người bạn của ông đã bí mật đem Diagramma ra khỏi Rome và lặng lẽ xuất bản ở Hà Lan. Nó nhanh chóng trở thành cuốn sách bí mật được yêu thích của giới học giả châu Âu. Sau đó thì Vatican biết tin về cuốn sách, và họ đã tổ chức cả một chiến dịch để thiêu huỷ nó.
Lúc này Vittoria tỏ vẻ hố nghi:
– Và anh cho rằng Diagramma nói đến đầu mối đó à? Segno ấy mà. Thông tin về Con đường ánh sáng ấy mà.
– Diagramma chính là cách để Galileo công bố về nó. Cái này thì tôi tin chắc. – Langdon đến bên vòm kính thứ ba và tiếp tục đọc các tấm biển chú thích. – Các chuyên gia về văn thư lưu trữ vẫn tìm kiếm cuốn sách này suốt bao nhiêu năm nay. Nhưng sau chiến dịch thiêu huỷ của Vatican, cộng thêm chỉ số bảo quản thấp của cuốn sách, thì dường như nó không còn tồn tại trên trái đất này nữa.
– Chỉ số bảo quản nghĩa là gì vậy?
– Độ bền ấy mà. Các nhân viên lưu trữ đánh giá mức độ bền vững của tài liệu bằng thang điểm mười. Diagramma được in trên giấy gió làm từ bột cỏ nến. Rất giống loại khăn ăn bằng giấy ngày nay. Tuổi thọ của nó không thể vượt quá một thế kỷ.
– Sao người ta không chọn chất liệu khác bến hơn nhỉ?
– Theo lệnh của Galileo. Đề bảo vệ các đồ đệ của ông ấy. Khi bị bắt quả tang mang theo tài liệu này, các nhà khoa học chỉ việc quăng nó vào nước để phi tang. Để phá huỷ bằng chứng thì loại giấy đó rất tuyệt, nhưng để lưu trữ thì không. Nhiều người cho rằng một cuốn Diagramma vẫn còn tồn tại đến sau thế kỷ 18.
– Một à? – Vittoria dường như đầy hi vọng. Cô gái đưa mắt nhìn khắp gian sảnh rộng. – Và nó đang ở đây sao?
– Vatican tìm được một bản ở Hà Lan ngay sau khi Galileo qua đời Suốt mấy năm liền tôi đã gửi đơn xin được đọc cuốn sách đó. Tôi biết nội dung của cuốn này mà.
Dường như đã hiểu rõ ý định của Langdon, Vittoria cũng bắt đầu bước dọc theo vòm kính kế bên, chăm chú xem các biển chú thích. Tốc độ tìm kiếm bắt đầu tăng lên gấp đôi.
– Cảm ơn cô. – Anh nói – Chúng ta cần tìm một biển chú thích nào đó có nội dung là Galileo, khoa học, nhà khoa học. Nhìn thấy nó là cô nhận ra ngay.
– Được rồi. Nhưng anh vẫn chưa giải thích làm thế nào mà anh đoán được rằng Diagramma có chứa các đầu mối. Chắc nó có liên quan đến con số 503 trong các bức thư của hội Illuminati chứ?
Langdon mỉm cười:
– Đúng vậy. Cũng mất một thời gian, nhưng rồi tôi phát hiện ra rằng 503 thực ra là một mã số rất đơn giản. Rõ ràng là mã số đó dùng để chỉ Diagramma.
Trong thoáng chốc, tâm trí Langdon quay về với thời điểm anh tình cờ phát hiện ra ý nghĩa đó: ngày 16 tháng 8. Cách đây hai năm. Lúc ấy anh đang đứng bên hồ nước, dự đám cưới con trai cửa một người bạn. Tiếng nhạc rộn ràng vang lên khi đám rước dâu vượt qua hồ nước một cách độc đáo: bằng một chiếc bè lớn.
Chiếc bè đó được trang hoàng bằng rất nhiều hoa. Trên thân bè là số hiệu DCII – được sơn bằng chữ số La Mã, đầy vẻ tự hào.
Không hiểu, Langdon hỏi bố của cô dâu:
– Sao lại 602?
– 602 nào?
Langdon chỉ tay vào số hiệu:
– DCII chính là cách viết theo kiểu La Mã của 602.
– Ông ta cười lớn:
– Không phải ký tự La Mã gì đâu. Chỉ là tên của chiếc bè này thôi mà.
– Bè DCII à?
Ông ta gật đầu:
– Viết tắt của Dick và Connie II.
Langdon tự nhận thấy rằng mình quả thật là ngô nghê. Dick và Connie chính là tên của đôi uyên ương trẻ. Chiếc bè đã được đặt tên theo hai bạn trẻ may mắn đó.
– Thế còn DCI thì sao rồi?
Ông ta rên rỉ:
– Hôm qua nó bị chìm trong khi hạ thuỷ mất rồi.
Langdon cười phá lên:
– Tôi rất lấy làm tiếc. – Anh quay lại nhìn thân bè một lần nữa. Chẳng khác gì phiên bản thu nhỏ của QEII. Một giây sau, anh chợt nghĩ ra.
Lúc này Langdon quay sang Vittoria:
– Như tôi đã nói với cô, 503 là một loại mật mã. Đấy là cách mà hội Illuminati dùng để ám chỉ một chữ số La Mã. Dùng ký tự La Mã để viết thì 503 sẽ thành…
– DIII.
Langdon ngước mắt lên:
– Cô nhanh trí thật đấy. Xin đừng nói với tôi là cô cũng là người của Illuminati.
Cô gái cười phá lên:
– Tôi vẫn thường xuyên dùng ký tự La Mã để đặt tên cho các vỉa địa tầng của đại dương mà.
Thảo nào, Langdon thầm nghĩ. Chúng ta cũng khá giông nhau đấy.
Vittoria ngước lên nhìn anh và hỏi:
– Vậy thì DIII nghĩa là gì?
– DI, DII, DIII là những cách viết tắt rất cổ. Các nhà khoa học thuở trước vẫn dùng những ký tự này để chỉ ba cuốn sách của Galileo mà mọi người hay nhầm lẫn với nhau.
Vittoria hít một hơi thật sâu:
– Dialogo… Discorsi… Diagramma.
– D-một, D-hai, D-ba. Đều bàn về khoa học. Đều gây nhiều tranh cãi 503 chính là DIII. Diagramma. Cuốn sách thứ ba của ông ấy.
Vittoria tỏ ra lo lắng:
– Nhưng như thế vẫn chưa giải thích được điều gì. Nếu như segno, đầu mối, một kiểu truyền bá cho Con đường ánh sáng thực sự có trong cuốn sách đó thì tại sao Vatican lại không phát hiện ra khi họ tìm được cuốn sách?
– Có thể họ đã đọc cuốn này rồi, nhưng không để ý. Cô hãy nhớ phương châm của Illuminati: Che giấu thông tin bằng hình thức công khai. Nguỵ trang. Segno chắc chắn cũng tuân theo tôn chỉ đó – công khai. Và những người không hiểu được nó sẽ chẳng nhận ra điều gì cả.
– Nghĩa là sao?
– Nghĩa là Galileo đã che giấu rất tài tình. Theo một số tài liệu sử học thì segno được thể hiện theo một cách thức mà hội Illuminati gọi là Linga Pura 8.
Ngôn ngữ tinh tuý à?
– Đúng thế.
– Toán học phải không?
– Tôi cũng đoán thế. Có vẻ khá rõ ràng. Galileo là một nhà khoa học và độc giả ông ấy hướng tới là các nhà bác học. Toán học chính là thứ ngôn ngữ lôgíc để chuyển tải chân lý. Tên của cuốn sách là Diagramma, cho nên rất có thể các sơ đồ toán học cũng là một phần của đầu mối.
Vittoria có vẻ yên tâm hơn một chút:
– Chắc là Galileo đã phát minh ra một loại ký hiệu toán học mà các tu sĩ không nhận ra được.
– Cô không tin lắm thì phải. – Langdon hỏi, chân vẫn bước dọc thèo vòm kính.
– Không. Cái chính là vì cả anh cũng có tin đâu. Nếu anh tin chắc rằng DIII chính là Diagramma thì sao không công bố? Để một người khác tiếp cận được với Nhà mái vòm Vatican có thể đến đây để kiểm chứng điều đó một cách nhanh chóng.
– Tôi không thích công bố. Langdon đáp. – Tôi đã phải trải qua bao khó nhọc mới tìm được thông tin đó, cho nên… – Anh chợt im bặt, sượng sùng.
– Anh muốn hưởng vinh quang.
Langdon thấy máu dồn lên mặt:
– Nói cách khác thì… cô nói đúng đấy.
– Anh không cần phải ngượng về điều đó. Anh đang nói chuyện với một nhà khoa học cơ mà. Một là công bố, hai là diệt vong. Ở CERN, chúng tôi vẫn thường nói với nhau là “Chứng minh hay là bóp chết”.
– Không chỉ vì chuyện tôi muốn là người đầu tiên làm điều đó. Tôi sợ rằng nếu một người không thích hợp nào đó tìm thấy thông tin trong Diagramma thì đầu mối sẽ biến mất.
– Những người không thích hợp chính là Vatican sao?
– Không phải là họ không thích hợp, mà là toà thánh luôn xem thường những ảnh hưởng của Illuminati. Đầu thế kỷ XX, Vatican thậm chí còn tuyên bố rằng Illuminati chỉ là sản phẩm của những trí tưởng tượng viển vông. Giới tăng lữ cho rằng chẳng cần phải bận tâm đến trào lưu bài Thiên Chúa giáo đang len lỏi vào từng ngõ ngách của các nhà băng, trường đại học cũng như hệ thống chính trị của họ.
Động từ thời hiện tại chứ, Robert Langdon tự nhắc bản thân. Hiện nay, trào lưu bài trừ Thiên Chúa giáo đang len lỏi vào từng ngõ ngách các nhà băng, trường đại học cũng như hệ thông chính trị của họ.
Anh cho rằng rất có thể Vatican sẽ chôn vùi bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến các mối đe doạ từ hội Illuminati à?
– Có thể lắm chứ. Bất kỳ mối đe doạ nào, dù là thật hay tưởng tượng, đều góp phần làm lung lay niềm tin vào sức mạnh của nhà thờ.
– Một câu hỏi nữa nhé. – Bỗng nhiên Vittoria đứng lại và nhìn Langdon như thể anh là người ngoài hành tinh – Anh nói nghiêm túc không đấy?
Langdon cũng dừng bước:
– Ý cô là sao?
– Tôi muốn hỏi có phải đây thực sự là kế hoạch cứu nguy cho toà thánh của anh hay không?
Langdon không dám chắc anh vừa nhìn thấy gì trong ánh mắt của cô gái trẻ, sự thương hại đầy hài hước, hay cảm giác hốt hoảng thực sự.
– Cô muốn nói đến việc tìm cuốn Diagramma à?
– Không, tôi muốn hỏi việc tìm cuốn Diagramma, xác định vị trí của segno 400 năm tuổi, giải một số mã toán học, rồi lần theo dấu những tác phẩm điêu khắc cổ mà chỉ có những nhà khoa học ưu tú nhất trong lịch sử mới có thể lần ra được… tất cả những việc đó trong vòng bơn giờ đồng hồ à?
Langdon nhún vai:
– Nếu cô có ý kiến gì khác thì tôi rất sẵn lòng lắng nghe.
— —— —— —— ——-1 Archivio Vaticano: Nhà mái vòm Vatican.
2 Curatore, Padre Jaqui Tomaso: Người quản lý, cha Jaqui Tomaso.
3 Pietro l erenmita: Peter – thầy tu khổ hạnh.
4 Urbano: Thành phố.
5 Levant: Miền cận Đông của vùng Địa Trung Hải.
6 Dialogo: Đối thoại.
7 Discorsi: Những bài phát biểu.
8 Linga Pura: Ngôn ngữ thuần tuý.