Đọc truyện Thiên Thần – Barbara Taylor Bradford – Chương 22
Rosie nhận thấy Kyra Arnaud là người có nét rất cao quí, nàng nhận ra phải dùng từ này mới thích hợp để miêu tả tư cách và phong thái của bà.
Nét cao quý nơi người phụ nữ Nga này biểu lộ qua thái độ nghiêng đầu kiêu hãnh, thái độ ưỡn lưng thẳng người và dáng đi của bà. Bà Kyra mảnh dẻ và cao hơn mức trung bình, khoảng 1m72, mặc dù bà không được nhiều người cho là đẹp, nhưng khuôn mặt bà khá hấp dẫn, ưa nhìn, nét thanh nhã và tươi sáng trên mặt bà lôi cuốn người ta.
Khuôn mặt bà nhỏ, hai gò má cao, lông mày rậm mướt, hơi cong cong trên cặp mắt to, cặp mắt màu nâu xám, trong sáng cách nhau một khoảng rộng.
Nhưng chính mái tóc của bà mới đặc biệt hấp dẫn nhất, mái tóc rậm, mượt mà, màu đỏ rực uốn cong một cách tự nhiên. Hôm nay chiếc áo len tay dài rộng thùng thình, đan bằng nhiều màu hợp với mùa thu, chiếc quần ống túm màu nâu và mang đôi ủng da lộn cùng màu với quần, bà di chuyển quanh cái bàn xa lông trong phòng khách với vẻ rất duyên dáng và tự tin, hình ảnh biểu trưng cho người phụ nữ biết tự chủ và tinh tế.
Hôm ấy là chiều thứ bảy, bà Kyra dọn trà chanh nóng mời Rosie và Collie. Vừa rót trà ra ly thuỷ tinh cao có chân bằng bạc, bà vừa nói chuyện với hai người về cô em gái Anastasia bị bệnh.
– Cô ấy phải cắt ruột thừa, bà Kyra nói. – Nhưng ơn Chúa, cô ấy khỏe rồi. Khi mới ra viện, cô ấy không được khỏe lắm, vì thế tôi phải thăm nom.
– Bố cũng nói thế, Collie nói nhỏ, vẻ mặt thương cảm. – Tôi rất mừng được biết bây giờ cô ấy đã khỏe hẳn.
– Tôi cũng thế.
Kyra và Collie tiếp tục nói chuyện thêm mấy phút nữa về Anastasia và gia đình của cô ta, về Olga, một cô em gái khác nữa của Kyra, cô này vừa đến New York.
Rosie ngồi tựa người ra lưng ghế, nàng chỉ nghe họ nói thoang thoáng bên tai, vì nàng đang nghĩ cách để nói đến ông Henri, nguyên nhân chủ yếu khiến hai người đến đây. Collie đã hẹn từ hôm qua, nhưng cô không đưa ra lý do hai người đến thăm bà ta, mà bà Kyra cũng không có lý do thắc mắc về chuyện hai người đến thăm.
Đêm qua, Rosie đã nói với Collie rằng mặc dù họ sẽ hỏi bà Kyra đã có gì không hay xảy ra giữa bà với ông Henri, nhưng có thể bà ta không nói sự thật với họ. Collie không đồng ý, cô cho rằng bà Kyra là người rất thành thật – thật vậy, bà ta rất thẳng thắn – chắc thế nào bà ta cũng nói cho hai người nghe sự thực.
Từ phòng trong, phát ra tiếng nhạc dịu dàng của bản hòa âm của Rachmaninoff, bản nhạc được ít người biết đến, nhưng lại là bản Rosie thường nghe, vì bản này có âm điệu rất du dương. Căn phòng sáng sủa với kích thước trung bình, có những cửa sổ kiểu Pháp nhìn ra một hành lang rộng và một khu vườn. Đồ trang hoàng có phần tùy tiện pha trộn đồ cổ Anh có, Pháp có, những thứ tìm thấy ở chợ trời, những thứ hay hay bà Kyra bất chợt tìm thấy mua về, đồ đạc trông có nét đẹp phóng túng, và căn phòng có vẻ lập dị nhưng trông vẫn dễ chịu, đẹp mắt.
Rosie luôn thích bà Kyra Arnaud, và khi nàng nghe bà nói về hai người em gái đầy tình thương yêu, nàng lại cảm thấy mến thương bà hơn nữa. Bố của ba chị em gái này là một nhà ngoại giao Nga đào nhiệm trốn sang phương Tây vào năm 1971, khi Kyra mới 15 tuổi. Bố nàng làm tùy viên sứ quán Nga tại Washington, ông ta yêu cầu được tỵ nạn chính trị, gia đình gồm có ông, vợ và ba cô con gái. ông được chính phủ Mỹ chấp thuận, chuyển cả gia đình sống ở Midwest dưới một cái tên giả.
Sau khi bố bị bệnh chết vào năm 1976, Kyra cùng hai em và mẹ sang sống ở Pháp, vì mẹ nàng có bà con ở đây. Đến năm 27 tuổi, Kyra lấy Jacques Arnaud, một họa sĩ ấn tượng hiện đại nổi tiếng, nhưng cuộc hôn nhân tan vỡ sau đó hai năm, bà bèn bỏ Paris đến sống ở Loire, mua một trang viên cũ xây bằng đá vào năm 1986.
Rosie biết được một ít chuyện đời của Kyra là nhờ Collie kể. Ngoài ra, chính bà Kyra kể cho Collie nghe những chuyện khác của đời mình mà nàng chưa được Collie cho biết, và mặc dù Collie không được ở gần bà Kyra nhiều, nhưng nàng vẫn thấy có cảm tình nhiều với bà.
Khi Rosie định tâm trở lại, nàng ngồi thẳng người trên ghế, nhìn chăm chăm bà Kyra, thì bà lên tiếng nói:
– Nhưng tôi đã tranh thủ về nhà chiều thứ bảy. Bà nói tiếp một cách ngập ngừng: – Tôi không biết sẽ ở nhà bao lâu. Nhưng có lẽ không lâu.
– Tại sao lại không lâu? – Collie ngạc nhiên hỏi, mặt lộ vẻ phân vân.
Kyra không đáp.
Rosie lên tiếng:
– Bà muốn nói bà không ở lại ăn lễ Giáng sinh ở Loire à?
– Đúng thế, bà Kyra đáp. – Ở đây tôi không có quen ai nhiều, hay cả Alexandre nữa. Tôi nên đến Strasbourg thì hơn, vì ở đấy có em gái tôi và gia đình nó. Mẹ tôi cũng đến đấy và Olga sẽ từ New York sang nữa.
– Bà nói ở đây bà không có ai để ăn Giáng sinh là không đúng. – Collie nói, cô nghiêng người tới trước, thân ái để tay lên vai bà Kyra. Bà có thể đến với chúng tôi. Mấy năm qua bà đã đến với chúng tôi đấy.
Bà Kyra lắc đầu.
– Nhưng năm nay tôi e không được.
Im lặng một lát.
Rosie quyết định nêu vấn đề ra.
– Có chuyện gì rắc rối sao, bà Kyra? Giữa bà và ông Henry có chuyện gì không hay, phải không?
Lại im lặng nặng nề.
Rosie giục thêm:
– Có phải vì thế mà bà quyết đi Strasbourg ăn Giáng sinh?
– Cũng có một phần. – Bà Kyra đáp, gượng cười.
– Chúng tôi dàn xếp cho ổn thỏa nhé? – Rosie hỏi.
Bà Kyra lắc đầu.
Collie nói.
– Đấy chính là lý do khiến chúng tôi đến thăm bà. Rosie và tôi đoan quyết có gì không hay đã xảy ra, cho nên hai chúng tôi định làm nhân viên hòa giải của Liên hiệp quốc đây. Chúng tôi muốn đem lại một hòa ước đình chiến giữa bà và bố. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy có chuyện gì đó không hay, và chúng tôi biết hai người đã thương yêu nhau rất sâu đậm.
– Đúng thế, hai chúng tôi đã thương nhau, nhưng tôi nghĩ chuyện yêu đương này rồi chẳng di đến đâu.
– Sao lại không? – Rosie dán chặt mắt vào bà. – Khi bà yêu ai và người đó yêu lại bà, bao giờ cũng sẽ có một kết quả tốt đẹp chứ.
– Chị Rosie nói đúng, Collie chen vào. – Bố chăm lo cho bà, bà Kyra à, tôi biết chắc chắn thế. Đã có lần tôi đưa ý kiến đề nghị bố tôi kết hôn với bà đấy. Bây giờ tôi mới nhận ra mình lầm, và rõ ràng công lao của tôi như nước đổ lá môn.
– Không đúng. – Bà Kyra dịu dàng đáp, nhìn Collie, ánh mắt rất chân thành. – Bố cô đã đề nghị… coi như là…
Collie nhìn bà.
– Đề nghị ra sao?
– Ông ấy đề nghị chúng tôi có thể duy trì mối liên hệ với nhau mãi mãi, nhưng ông không quì gối đề nghị tôi theo tập tục cổ truyền, ông cũng không dùng từ kết hôn.
– Nhưng dĩ nhiên bà biết ý ông muốn nói gì rồi? – Collie nói nhỏ.
– Dĩ nhiên, tôi không cố chẻ sợi tóc làm tư. Nhưng khi tôi chưa kịp đáp vâng, hay là vội vàng chấp nhận ý kiến của ông, thì ông quay bỏ đi. Ông càu nhàu nói rằng ông quá già đối với tôi, nói rằng chúng tôi cách nhau đến 28 tuổi, rằng ông thật quá điên cuồng khi nghĩ rằng tôi muốn lấy một ông già. Ông vội vàng ra khỏi phòng, càu nhàu mãi rằng ông là một ông già.
– Đáng ra bà nên đi theo ông, bà Kyra ạ, Rosie nhẹ nhàng trách. – Và nói với ông rằng bà muốn lấy ông, nói rằng khoảng cách tuổi tác không thành vấn đề. Chắc ông chỉ cần bà trả lời như thế thôi, phải không?
– Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy chắc đúng thế. – Bỗng nhiên bà Kyra có vẻ buồn rầu, bà cắn môi.
– Chuyện này xảy ra khi nào? – Collie hỏi.
– Trước khi tôi đi Strasbourg một thời gian ngắn.
– Chính đó là lý do khiến bà đến đấy, phải không?
Rosie hỏi.
– Một phần. Anastasia đã muốn tôi đến đấy với nó, vả lại mẹ tôi đã có ở đấy rồi. Nhưng đây vẫn là cớ để cho tôi đi khỏi đây. Tôi cảm thấy tôi phải đến với nhũng người ruột thịt của mình và tôi muốn lánh xa ông Henri.
– Tại sao bà không điện thoại cho bố từ Strasbourg? Tại sao bà không nói cho ông hay bà muốn kết hôn với ông?
Bà Kyra nhìn Collie, lắc đầu. Mặt bà trầm ngâm khó hiểu, bà tựa người ra lưng ghế trường kỷ một hồi, thở từng hơi dài. Đoạn bà đứng lên, bước đến cửa sổ đứng nhìn ra vườn, mắt bỗng mờ đi. Bà nhìn hàng cây lờ mờ qua hàng lệ. Cây cối trụi lá, thân cành khô khốc, phủ băng, cây mọc ven vườn khô cằn. Vườn tược của bà về mùa đông thường trơ trụi như thế. Và bà cảm thấy lòng mình cũng thế. Trơ trụi, lo âu, buồn phiền. Bà nghĩ đến Henri de Montfleurie mà cổ nghẹn lại; độ này cảm xúc của bà để lộ ra ngoài quá. Bà biết ông Henri cũng đau khổ như bà, vì hai người yêu nhau, nhưng họ không thể làm gì được. Bà không thể giúp gì cho ông được. Hay là giúp gì cho mình được.
Bà buông tiếng thở dài, lấy mấy đầu ngón tay lau khô nước mắt trên mặt, rồi quay lại lò sưởi nơi Rosie và Collie đang ngồi. Bà nói dối:
– Tôi không điện thoại vì tôi không muốn lấy Henri.
Collie lấy làm ngạc nhiên vô cùng cô không nói được nên lời một hồi. Đoạn cô lên tiếng, nói lớn:
– Thật khó tin, – bà Kyra à. Rất khó tin. Bà yêu bố, chính bà đã xác nhận thế mà.
– Đúng – bà Kyra nói – tôi yêu ông ấy. Nhưng lắm lúc tình yêu không đủ để vượt qua nhiều trở ngại lớn.
– Bà muốn nói cách biệt tuổi tác à? – Rosie hỏi.
– Không.
– Vậy thì, có cái gì… cản trở… khiến cho bà không lấy ông Henry de Montfleurie được? – Rosie hỏi, nhìn bà Kyra chăm chăm.
– Nếu nói về mặt pháp lý, thì không phải. Tôi đã ly dị Jacques rồi.
– Thế thì phải có cái gì cản trở chứ. – Rosie thốt lên, nhìn đăm đăm vào mặt bà. – ít ra thì bà cũng nói đến lý do rồi.
Bà Kyra lắc đầu, như từ chối cái gì đó với mình, đoạn bà lại đứng lên và bước đến cửa sổ lần nữa. Nhưng bà không dừng lại nhìn ra ngoài như hồi nãy, mà bà quay người, đi lui tới lò sưởi, rồi lại đi ra cửa sổ. Bà đi lui tới như thế, vẻ mặt hoàn toàn bình tĩnh, nhưng trông vào cặp mắt xám của bà, ta thấy được nỗi bối rối xao động đang diễn ra trong lòng bà.
Cuối cùng bà dừng lại, nhìn thẳng vào Collie và Rosie. Bà hít vào một hơi dài và nói nhanh, lời lẽ thiếu mạch lạc.
– Thôi được, tôi sẽ nói thật cho các cô nghe. Tôi muốn lấy Henri, nhưng không được. Tôi sợ Guy. Anh ta biết chuyện của tôi. Chuyện bí mật. Nếu tôi lấy ông Henri, anh ta sẽ nói cho ông ấy biết. Để làm cho ông đau khổ. Tôi không tài nào chịu nổi. Vì vậy tôi phải bỏ đi.
Collie và Rosie đều nhổm người trên trường kỷ, nhìn bà đăm đăm.
Collie nói thật nhanh:
– Chuyện gì mà bí mật? Guy biết bà về chuyện gì, bà Kyra?
Bà Kyra muốn tâm sự với hai người, nhưng bà không thể nói được. Bà đã mất hết bình tĩnh.