Đọc truyện Thiên Mệnh Khả Biến – Chương 34: Vệt phấn hoa
Tháng 6 dần kết thúc. Mỗi người lại có một cách tiêu xài tháng 6 của mình. Trần Phương Linh ở nhà đọc sách với mẹ. Trần Thịnh quấn quít bên vợ con. Trần Thái ngập trong rượu chè và chửi bới vợ con. Trần Thiên Anh không về nhà, hắn luyện tập Chú Thuật tại phòng trọ của cô Vân. Cô Vân bận rộn với việc bếp núc cho 2 người, vừa giảng giải cho hắn. Thằng Cường vẫn đều đặn ăn uống và bắt nạt cái bao cát. Văn vẫn miệt mài duy trì việc học hành và luyện tập của mình.
Ngày 30 tháng 6, là sinh nhật nó.
Mọi năm, 2 mẹ con thường tổ chức một buổi sinh nhật nhỏ. Có thể là đi ăn món gì đó ngoài tiệm, hoặc mẹ nó mua cho nó một cái áo mới, hoặc dẫn nó đi công viên giải trí. Vé vào công viên giải trí là 50 xu 1 người. 2 người là 1 hào. Lương của chị được 5 hào 1 tháng. Bởi vậy, công viên giải trí đối với 2 mẹ con là 1 thứ vô cùng xa xỉ. Sau lần đó, thằng Văn cũng không đòi mẹ cho đi công viên nữa, vui thì vui thật đấy, nhưng nó thấy không đáng.
Nó bảo mẹ năm nay không cần tổ chức gì cho nó hết, vì nó thấy sinh nhật và ngày thường chẳng khác nhau chút nào.
Quả thật, dưới những cái nhìn vô cùng lý trí, ngày sinh nhật cũng chỉ là một ngày trong năm mà thôi. Gia tộc nổi tiếng về sự lý trí đến lạnh lùng của mình, Vương tộc, cũng không ai tổ chức sinh nhật, hay mừng thọ, kể cả là ngày sinh của Nam Đế. Vì trong mắt họ, sinh nhật chẳng là gì ngoài tốn kém không cần thiết, và lãng phí thời gian. Giữa một ngày làm việc và một ngày ăn chơi vô cớ, họ thích chọn cái đầu tiên hơn.
Chị Thanh hỏi nó, nó có thích mời bác lần trước về ăn cơm cùng gia đình không.
– Thật hả mẹ?
Nó cười rạng rỡ. Không có đứa trẻ nào không thích thú với ngày sinh nhật của mình cả. Chỉ là người lớn có tạo điều kiện để chúng bộc lộ niềm yêu thích ấy hay không mà thôi. Đối với Văn, có một người cùng đến chia sẻ ngày sinh nhật với mình, nó cảm thấy vô cùng vui mừng.
– Vậy để mẹ mời bác ấy. Sáng nay, cô Vân đi chợ sớm. Hôm nay là ngày cuối cùng cô nghỉ hè. Ngày mai, cô phải tham gia coi thi tốt nghiệp, rồi phải tham gia chấm bài. Cô ghét việc coi thi, nhưng rất thích chấm bài. Cô muốn đọc thật kĩ từng bài văn và tìm ra những viên ngọc thô đầy tiềm năng, và đánh trượt những thằng vô tích sự. Cô thích thú với nhiệm vụ vun đắp các hạt giống tốt trưởng thành, và loại bỏ các hạt giống yếu kém ra ngoài. Đối với cô, đó mới là nghĩa vụ thiêng liêng của giáo dục: phân loại học sinh cho thật chính xác.
“Mình đi làm, không biết “hắn” có muốn ở lại đây nữa không. Ít ra ở đây hắn còn có thể tập trung học tập”.
Gần 2 tuần qua, Thiên Anh bắt đầu nghiên cứu tập tài liệu, dưới sự hướng dẫn của cô Vân. Nội dung tài liệu thật sự rất khó, nhất là đối với một đứa học sinh vẫn còn Cao trung như hắn. Phải sử dụng tổng cộng 3 thứ Ngôn ngữ, Cổ ngữ, tiếng Bắc Hà, và tiếng Đại Nam. Bản dịch tiếng Đại Nam của cô Vân chỉ có tác dụng tham khảo để hiểu nghĩa, chứ không thể nào thay thế bản gốc bằng tiếng Bắc Hà được. Thậm chí, có rất nhiều chỗ cô Vân không thể hiểu, càng cần 2 cô trò phân tích và phán đoán.
Cho dù đã quen với cường độ nghiên cứu trên Đại học, cô Vân cũng chịu không nổi. Nhưng cô càng thấy được điểm tốt của Thiên Anh. Hắn rất cố chấp, và cứng đầu. Mỗi ngày, hắn vừa duy trì chế độ luyện tập của mình, vừa vùi đầu vào nghiên cứu và thử nghiệm. Cô nam quả nữ ở chung một nhà, nhưng không như cô lo ngại, hắn chỉ chăm chăm vào nghiên cứu. Nhiều đêm cô chợt tỉnh ngủ, đã hơn 3 giờ sáng, vẫn thấy hắn ngồi trước bàn làm việc. Đến 6 giờ sáng hôm sau, hắn đã đi chạy bộ rồi.
“Thật là một học sinh tốt. Nếu nó không thành công, ông trời đúng là không có mắt”. Hôm nay cô đích thân chọn lấy rất nhiều đồ ăn bổ dưỡng. Nuôi thêm 1 người có phần gánh nặng với tiền lương của cô, nhưng điều đó không đáng kể. Nhiều lúc, cô tự giải thích rằng, mình đang bồi dưỡng nên một hạt giống tốt. Đây là sự hi sinh vì giáo dục.
Hắn không có ở nhà. Như thường lệ, giờ này hắn đang chạy bộ. Có một mảnh giấy để lại.
“Em ra trường có chút việc. Trưa nay em sẽ không về đâu. Cô cứ ăn trước đi.”
Cô Vân cảm thấy có chút gì hụt hẫng. Nhưng rất nhanh cô lại vui vẻ. Hắn nói trưa nay không về, tức là tối sẽ về. Ít ra thì, tối nay vẫn có thể giảng bài cho hắn… Cô ngồi xuống bàn. Một cơn gió ùa qua cửa sổ. Cô nhìn vào đống giấy tờ trên bàn. Bằng mọi giá, mình muốn giúp đỡ tên học sinh này. Muốn giúp đỡ người đàn ông này. Đã 2 tuần rồi Thiên Anh không đến trường. Thầy Kiên có gọi điện hỏi thăm hắn vài lần. Hắn không nói gì về việc đang ở phòng của cô Vân. Tình cảm của ông thầy với cô giáo này, không cần đến cỡ hắn mới có thể nhìn ra.
Hôm nay là ngày cuối cùng trước vụ tỉ thí. Hắn muốn kiểm tra xem thằng Văn luyện tập tới mức nào. Mấy lần trước hắn có tới trường, nhưng không thấy. Linh nói thằng nhóc tự kiếm được chỗ để tập luyện. Mỗi ngày hắn đều nhờ Linh hỏi xem thằng nhóc có gì thắc mắc không, nhưng thằng Văn bảo rằng nó vẫn đang luyện tập rất suôn sẻ.
Dù sao thì hôm nay cũng là ngày cuối cùng, Thiên Anh cũng muốn kiểm tra nó một lần.
Bề ngoài, hắn đối với Văn khá là lạnh nhạt, dù sao thằng bé cũng chỉ là bạn của em họ hắn. Nhưng thật lòng, mỗi lần nhìn thấy thằng Văn, Thiên Anh lại thấy hình ảnh của mình khi trước. Nghèo túng, nhếch nhác, không có tài năng, không được bất cứ ai coi trọng. Mọi thứ mà hắn có bây giờ, cái danh hiệu Thiên tài mà cả trường ngưỡng mộ, mọi ánh mắt tình tứ của các em nữ sinh, mọi lời xu nịnh của thầy cô, đều do chính hai bàn tay hắn mà ra. Chính từng nắm đấm không ngừng, từng bước chạy đều đặn, và thứ khao khát vươn lên mãnh liệt bên trong hắn mà thành.
“Thành hay bại, vậy để xem ta và nhóc có duyên hay không”. Thằng Văn sáng nay phải tới trường. Bởi không chỉ Thiên Anh muốn kiểm tra nó, Linh cũng có ý nghĩ tương tự. Nó phải làm 1 đề trong áp lực thời gian y như khi thi thật, và không được giở tài liệu.
Nó nhìn Linh đang đăm chiêu chấm bài cho nó. Văn rất ít khi quan sát cô bé, vì nó thật sự rất ngại. Ngại con gái. Nhưng cô bé thật sự rất dễ thương, điều này làm nó còn ngại hơn nữa. Với phái đực, nhìn chòng chọc một con mụ xấu xí đôi khi còn dễ dàng hơn lén nhìn một cô gái xinh đẹp.
Lần này, có cơ hội nhìn cô bé lâu như vậy, Văn có thể xác nhận. Cô bé thật sự rất xinh, nhưng không phải kiểu xinh một cách lộ liễu, mà là một nét duyên dáng của một cô bé 11 tuổi. Thỉnh thoảng, trên gương mặt nhỏ nhắn là một cái cau mày, bĩu môi, mắt cô bé vẫn lướt theo bài viết của nó. Cô nghiêng đầu đọc chăm chú.
Bất chợt, nó nhìn thấy một vết phấn trắng sau tai cô bé.
Sau tai là nơi người ta rất ít khi để ý mỗi lần tắm gội. Và vết phấn này rất mờ, chỉ khi nhìn gần mới thấy rất rõ. Một đường chéo. Và có, một chút mùi hương. Giống như là phấn hoa. Nó đưa mũi ngửi. Là hoa sữa. Tạo thành một vệt, như là quẹt qua.
– Chỗ này bạn phải… Á, bạn làm gì thế?
Linh vừa quay đầu lại, thấy mặt thằng Văn kề sát mặt mình. Cô bé hét lên, mặt đỏ tía tai. Cô trừng mắt nhìn thằng Văn. Thằng này vẫn tỉnh bơ, nhìn lại mình. Nó nhíu mày. Nó thấy con gái thật khó hiểu. Quan sát cái tai thôi mà, có phải làm quá lên vậy không.
– Tai bạn, có vết phấn hoa.
– Phấn hoa gì chứ! – Linh gắt. Cô bé ngượng chín rồi.
– Là phấn hoa sữa, một vệt. – Vừa nói, thằng Văn vừa đưa tay ra sau tai mình, mô phỏng lại cái chỗ đó.
Linh cũng đưa tay sờ lên tai. Đúng là có một vệt phấn.
– Thì sao chứ? – Cô bé bĩu môi nhìn Văn. Nếu nói là do thấy mình xinh quá nên không tự chủ được, có khi mình còn tha. Kiếm cớ này nọ là không xong đâu. Con gái vốn rất thích được người khác khen xinh đấy, dù là cái phương thức khen này nó hơi không đúng. – Sau nhà mình có một cây hoa sữa. Chắc là mình quệt vào đó.
Đúng vậy, có gì kì lạ đâu nhỉ? Văn thầm nghĩ. Nó không biết vì sao lại chú ý tới vết phấn hoa tới vậy. Bởi khoảnh khắc đó, có gì loé lên trong đầu nó. Nó chưa biết tìm từ ngữ để diễn tả. Nó đành nói vu vơ.
– Cây hoa sữa nhà bạn chắc đẹp lắm.
– Đúng thế. Hiện giờ nó nở rộ hoa, đẹp lắm luôn. Từ cửa sổ phòng mình, có thể nhìn thấy rất nhiều hoa. Thơm sực nức luôn ấy…
!!
– Khoan đã, cửa sổ phòng bạn, ở tầng mấy?
– Tầng 2.
– Vậy cây hoa sữa cao lắm nhỉ?
– Cao lắm chứ, bộ bạn chưa nhìn thấy cây hoa sữa bao giờ sao? – Linh bĩu môi.
Cây hoa sữa vốn không thể coi là cao được. Nhưng hai đứa mới có 11 tuổi. Một cô bé 11 tuổi lại có một vệt phấn hoa quệt qua sau gáy, đây mới là điều khiến nó chú ý. Nhưng, thứ khiến nó chú ý nhất, là hướng quẹt chéo. Giống như là…
– Bạn nhảy từ cửa sổ xuống à?
-!! Sao bạn lại hỏi thế?
Khó khăn lắm Văn mới giải thích được ý nghĩ của mình. Nó vốn không giỏi diễn đạt, nhất là với người lạ. Ngày còn nhỏ, những câu nói lạ lùng của nó luôn bị đám trẻ con trêu chọc. Nhưng Linh đã học nhóm với nó suốt thời gian qua, đã buôn chuyện với nó rất nhiều, nên nó đã bớt e ngại cô bé.
Nghe những suy nghĩ của Văn, Linh phì cười.
– Bạn phân tích cứ như thám tử ấy. Ba mình có quen một bác làm nghề pháp y, bác ấy cũng thích phân tích y như bạn ấy. Ừm, mình không có nhảy cửa sổ, ngài thám tử ạ. Có người cõng mình nhảy xuống. Là anh Thiên Anh đó.
– Sao anh Thiên Anh lại cõng bạn nhảy xuống cửa sổ?
– Vì ba mình không cho mình đi chơi buổi tối, nên anh Thiên Anh tới đón mình đi. Từ năm lớp 8 tới giờ anh ấy đều trèo qua lối cửa sổ.
– Oa, làm sao trèo được lên cửa sổ tầng 2 nhỉ. Cao lắm ấy.
– Đương nhiên! – Cô bé vênh mặt, trong lòng rất hãnh diện về anh họ của mình. – Bạn có biết, có một kĩ thuật cao cấp của môn Nhảy cao ấy, tên là Đạp Không Bộ. Khi bạn nhảy lên, thay vì rơi xuống, bạn có thể đạp lên không khí để nhảy thêm một lần nữa! Đây là kĩ thuật cấp 12 đấy, nhưng anh họ mình đã luyện được từ năm lớp 8 rồi! Sao, thấy anh mình giỏi không?
– Giỏi thật ấy!
Nhìn vẻ mặt ngưỡng mộ của Văn, Linh vô cùng hài lòng.
– Thôi, không nói chuyện linh tinh nữa. Bài của bạn, mình chấm xong rồi. Dạo gần đây bạn rất tiến bộ, đề này theo mình chấm cũng phải được 5 điểm rưỡi đó!
– Vậy sao? Vậy là mình đỗ rồi sao?
– Bạn đừng có chủ quan! Mỗi đề Văn lại mỗi khác, mà 5 điểm rưỡi cũng rất là bấp bênh. Ngày mai bạn cần phải giữ tinh thần thật tốt, làm hết sức mình. Vào phòng thi thật áp lực lắm, chứ không thoải mái như bây giờ đâu.
Văn gật đầu.
– Quan trọng là bạn phải tự tin vào chính mình. Mình tin là bạn có thể thi qua được. Bạn phải chứng minh cho cô Vân biết chứ. Bạn cũng phải… không để mọi người cười mình chứ, mình không thể để mọi người cười là bỏ công sức vô ích được!
Linh nói, vẻ mặt uỷ khuất. Cô bé rất thích chứng tỏ bản thân. Bị bạn bè chê cười như vậy, không cam lòng. Giống như những fan hâm mộ cuồng đặt niềm tin vào đội bóng mình yêu thích, hay những ông nông dân kì vọng tung con gà chọi của mình ra chiếu. Ai cũng muốn chứng minh rằng lựa chọn của mình là đúng đắn. Huống hồ…
– Còn nữa! Trận tỉ thí ngày mai, mình đã đặt 600 hào là bạn sẽ thắng! Bạn cũng đừng có phụ lòng tin của mình. Nếu bạn thắng, mình sẽ chia cho bạn một nửa luôn.
Nghe tới đây thì Văn méo miệng. 600 hào, có khi mẹ nó làm vài chục năm cũng chưa kiếm ra nổi. Nó chẳng biết mình có thắng được không, mặc dù theo như kế hoạch thì nó phải thắng, vì hiển nhiên, thắng thì ít bị ăn đòn hơn là thua. Đánh bại kẻ địch trước khi bị kẻ địch đánh. Tiên phát chế nhân. Nó nhớ anh Thiên Anh rất tâm đắc với ý nghĩ này. Nhưng không có gì chắc chắn cả. Nó không biết khi thua cược Linh có bắt nó đền số tiền ấy không. Nếu vậy thì chắc nó sẽ phải bán thân trả nợ, dù không biết thân nó đáng bao tiền…
Suy nghĩ lung tung một hồi, nó quay lại với thực tế. Nó nhìn cô bạn nhỏ đang chìa tay ra với mình, như ông Phi bên hàng xóm đưa thóc cho con gà trước khi nó ra trận. Nó chìa tay ra bắt. Tay Linh rất mềm, và ấm.
Dù nói thế nào, nó vẫn rất biết ơn cô bé. Dù nó không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, nói gì về mình, nhưng cái cảm giác, có một người tin tưởng, có một người coi trọng, có một người sẵn sàng cược 600 hào cho mình, thật tốt.
Linh nói tiếp:
– Mình thấy trong danh bạ, hôm nay là sinh nhật bạn. Mình nghĩ rất nhiều, nhưng cuối cùng mình cũng quyết định rồi. Mình… mình sẽ tặng bạn thứ quý giá nhất của mình.