Thiên Long Bát Bộ

Chương 5: Thiếu Nữ Áo Ðen


Bạn đang đọc Thiên Long Bát Bộ – Chương 5: Thiếu Nữ Áo Ðen

Chung phu nhân nghe báo xúc động quá, tinh thần bàng hoàng, giây phút trấn tĩnh lại được, hỏi ngay:
– Tiểu nữ mắc chuyện gì?
Ðoàn Dự liền quay lại, vén áo dài lên, cởi con thanh linh ở trong lưng ra cầm hai tay đưa trình phu nhân thưa:
– Xin bá mẫu hãy coi vật này! Lệnh ái đã đưa cho vãn sinh đem về làm tin.
Chung phu nhân vừa thấy con thanh linh thì nhíu đôi mày, giật lùi lại để tránh, lộ vẻ hoảng hốt nói:
– Công tử không ngán loại rắn độc này ư? Xin cậu đem nó bỏ vào tận góc nhà kia!
Ðoàn Dự thấy phu nhân sợ rắn rất lấy làm kỳ. Chàng cuộn tròn con thanh linh lại, đem bỏ góc nhà, rồi trở lại chỗ ngồi đem chuyện mình gặp Chung Linh ở cung Kiếm Hồ trong trường hợp nào, tự mình đòi đi can thiệp vào việc đảng Thần Nông ra sao, Chung Linh bị dồn vào tình thế bắt buộc phải cho con Kim linh ra cắn người rồi bị đảng Thần Nông bắt giữ thế nào nên mình phải đến đây cầu cứu, nhất nhất thuật hết một lượt nhưng không đả động gì đến chuyện pho tượng ngọc mỹ nhân trong thạch thấ t dưới rốn hồ.
Chung phu nhân lẳng lặng, chăm chú lắng nghe chàng thuậ t chuyện, nét mặ t mỗi lúc mộ t thêm vẻ lo âu. Chờ Ðoàn Dự dứt lờ i, phu nhân thở dà i thườn thượt nói:
– Con nhỏ này cứ bước chân ra khỏi cửa là lại sinh chuyện lôi thôi, chuốc lấy tai họa.
Ðoàn Dự nói:
– Vụ này là do vãn sinh gây ra, bá mẫ u chẳng nên quở trách cô nương.
Chung phu nhân run run nhìn chàng nói nhỏ:
– Ừ phải! Kể ra vụ này chẳng nên trách y. Ngay mình trước kia cũng thế.
Ðoàn Dự hỏi:
– Sao kia ạ?
Chung phu nhân rùng mình, hai má ửng hồng. Tuy bà đã đứng tuổi song vẻ thẹn thùng, e lệ chẳng khác chi cô gái đang xuân, bà ngượng nghịu đáp:
– Ta… ta nhớ lại một chuyện ngày xưa.
Trong khi phu nhân nói câu này, mặt bà đỏ bừng lên rồi đánh trống lảng:
– Ta nghĩ việc này nan giải quá! Ðoàn Dự thấy phu nhân thường thay đổi sắc mặt, ra vẻ hoang mang thì nghĩ thầm trong bụng: “Bà này không được bình tĩnh bằng cô con gái”. Giữa lúc ấy ngoài sân có tiếng nói lạnh lẽo khô khan:
– Mi chưa từng nghe nói đến quy củ trong hang Vạn Kiếp của ta hay sao?
Chung phu nhân giật mình bảo Ðoàn Dự:
– Lang quân ta đã về, tính người đa nghi lắm, Ðoàn công tử hãy tạm lánh mặt đi!
Vãn sinh cần được bái kiến tiền bối, xin để…
Chàng chưa dứt lời, Chung phu nhân liền một tay bịt miệng chàng còn một tay kéo tuột vào mái hiên phía đông, ghé tai bảo:
– Công tử nấp vào đây, chớ có lên tiếng nhé! Lang quân ta tính nóng như lửa, chỉ lỡ một tý là chàng mất mạng dễ như chơi, ta không cứu nổi đâu.
Chung phu nhân người đẹp là thế, bề ngoài ra vẻ khiếp nhược là thế, mà bản lãnh không vừa. Ðoàn Dự bị kéo tuột đi, muốn kháng cự không được, đành chịu một phép. Chàng cảm thấy ấm ức trong lòng, nghĩ mình vất vả lặn lội đến báo tin, dù sao mình cũng là một người khách mà phải ẩn nấp lén lút, chẳng khác gì kẻ trộm cắp.
Ðoàn Dự còn đang bất mãn bỗng nghe tiếng một người con gái nói:
– Sư tỷ tiểu nữ bị rắn độc cắn, tính mạng nguy đến nơi, xin lão tiền bối ra tay giải cứu!
Nói chưa dứt lời, ba người đã vào đến nhà khách. Ðoàn Dự ghé mắt nhòm qua khe vách, thấy một cô gái áo xanh, lưng đeo trường kiếm, tay cắp ngang lưng một cô gái khác, kêu cứu luôn miệng. Một người đàn ông áo đen, cao lênh khênh, gầy như que củi đứng quay ra ngoài nên chàng không trông rõ mặt, chỉ thấy đôi bàn tay to tướng bỏ thõng xuống cũng đoán ra thân hình gã có vẻ khác thường.
Ðoàn Dự lại nghe tiếng Chung phu nhân hỏi:
– Hai cô là ai? Sao lại biết chỗ chúng tôi ở đây mà đến?
Cô gái áo xanh từ từ đặt cô kia xuống, hỏi lại:
– Phải chăng bà là Chung phu nhân?
Chung phu nhân gật đầu. Cô gái lễ phép nói:
– Tiểu nữ tên gọi Phạm Hà, môn hạ phái Hoa Sơn ở Thiểm Tây xin bái kiến Chung phu nhân.
Nói xong chắp tay, cúi đầu sụp lạy một cách rất cung kính.
Chung phu nhân nói:
– Tôi không dám! Xin cô nương đứng dậy!
Phu nhân vừa đáp lễ vừa đỡ cô gái đứng lên. Ðoàn Dự trông cô gái chừng hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi, mày rậm, mắt thô, tướng mạo như đàn ông, nét mặt có vẻ ngang tàng. Chàng lại nghe cô nói tiếp:
– Tiểu nữ cùng sư tỷ Thi Vân đây vâng mệnh sư phụ sang Vân Nam có việc. Ði qua núi Vô Lượng, sư tỷ sơ ý bị một con rắn nhỏ sắc vàng cắn, gây nên thương tích cực kỳ trầm trọng.
Ðoàn Dự vừa nghe nói đến con rắn vàng đã nghĩ ngay: “Hay là con kim linh của Chung cô nương?”.
Chung phu nhân hỏi:
– Cô ấy làm sao mà bị rắn cắn?
Phạm Hà đáp:
– Bọn tiểu nữ đi xa nhọc mệt, ngồi bên đường nghỉ, bỗng con kim xà ở trong đám cỏ bò ra, sư tỷ thấy nó ánh vàng rực rỡ, rất lấy làm kỳ, rút kiếm chém một nhát, không ngờ nó rất lanh lẹ, xông lên cắn vào cườm tay một miếng. Sư tỷ tối tăm mặt mũi ngã lăn ra…
Người đàn ông áo đen cười ha hả đáp:
– Con kim linh lanh như điện chớp, bọn mi đã biết rồi đấy chứ gì? Những cao thủ gấp mười còn chả chế phục nổi, sao các ngươi dám cầm kiếm chém nó? Chết là đáng đời còn kêu ca gì nữa?
Chung phu nhân nói:
– Người ta đã bị trọng thương, đường xa lặn lội tới đây cầu cứu mình chẳng nên mỉa mai nữa.
Ðoàn Dự nghe Chung phu nhân nói vậy biết người áo đen kia là cha Chung Linh, động chủ hang Vạn Kiếp, chợt thấy lão quay lại cười ha hả. Chàng nhác trông mặt lão không khỏi giật mình vì tướng mạo lão rất ghê sợ: mặt dài như mặt ngựa, mắt cao, mũi to mà tròn ủng sa xuống gần miệng thành ra giữa mắt và mũi cách một khoảng trống khá lớn. Chàng tưởng đến Chung Linh mi thanh, mạc tú, nét mặt xinh tươi phải ngạc nhiên sao cha ruột nàng lại thô bỉ xấu xa đến thế được?
Chung động chủ vốn tính ba hoa, diễu cợt nhưng khi quay lại nhìn vợ lại đổi ngay ra vẻ mặt ôn hoà, bộ mặt xấu xí, nanh ác đã dịu lại đôi phần. Lão cười bảo vợ:
– Nàng bảo làm sao ta nghe làm vậy.
Ðoàn Dự càng lấy làm kinh nghĩ thầm: “Chung phu nhân vừa nghe tiếng chồng về đã sợ cuống quít, nhưng giờ xem động chúa đối với bà vợ không những đầy vẻ thương yêu còn ra dáng kính nể nữa”.

Phạm Hà cũng hi vọng điểm này vội quỳ xuống kêu van:
– Thưa động chúa cùng phu nhân cứu mạng cho sư tỷ, không những sư tỷ suốt đời đội ơn đức người mà gia sư cũng hết sức cảm kích thịnh tình.
Chung động chúa hỏi:
– Phải chăng gia sư mi là Ðại ma tử: Phó Bá Kỳ? Y còn vào hạng đàn em, ta có cần đếm xỉa gì đến cảm tình của y? Khi ta chết đi y không đến điếu tang. Tuy nằm trong quan tài nhưng ta biết rõ cả.
Ðoàn Dự nghe giọng lão nói mà phát sợ.
Phạm Hà cũng rủa thầm: “ngươi còn sống sờ sờ ra đó, sao khéo bày trò nào hạch điếu tang, nào đặt quan tài là có ý gì?”.
Chung động chúa bỗng lớn tiếng hỏi:
– Ta lánh cõi trần bấy nhiêu năm, những người ngoài đời không ai biết ta còn sống ở nhân gian. Ai đã đưa đường trỏ nẻo cho mi tới tìm ta? Sao mi biết cửa ngõ vào hang Vạn Kiếp?
Mấy câu này Chung động chúa hỏi bằng một giọng rất gay gắt, cặp lông mày rủ xuống, miệng méo xệch đi, sắc mặt trông lại càng ghê sợ.
Phạm Hà nói:
– Tiểu nữ không còn cách nào cứu được sư tỷ, trong cơn nguy cấp, đành ôm xốc sư tỷ chạy vội ra thị trấn tìm xem có thầy thuốc nào cứu được chăng? Trong khi đang chạy bỗng gặp một cô gái áo đen đang đưa tay ra bắt con kim xà. Con rắn này cũng khắp mình nhấp nhánh ánh vàng. Tiểu nữ vội vàng bảo nàng: “con rắn này độc ghê gớm lắm, phải tránh đi cho mau!”. Chẳng ngờ cô không thèm nghe, cứ thò tay ra bắt lấy cuộn bỏ vào bọc… Tiểu nữ cả mừng nghĩ rằng cô đã chế phục được nó tất có bản lãnh trị được nọc độc. Tiểu nữ liền năn nỉ xin cô cứu cho thì cô đáp rằng cô không biết trị rắn độc mà khắp thiên hạ duy có một người trị được mà thôi. Thế rồi nàng chỉ đường cho tiểu nữ đến đây cầu chúa động. Tiểu nữ xin nàng cho biết danh tánh nhưng nàng không chịu nói.
Chung chúa động đưa mắt nhìn phu nhân “Hừ” một tiếng rồi nói:
– Ðúng là con bé nhà ta rồi đây. Con người này tâm địa không tốt ta phải hỏi cho ra mới được. Chỉ tại Linh nhi đem rắn ra khỏi động đi chơi để rắn cắn phải người, chuốc lấy tai vạ.
Ðoạn gã quay sang hỏi Phạm Hà:
– Cô gái đó có dặn gì mi nữa không?
Phạm Hà đáp:
– Thưa không ạ.
Chung động chúa lạnh lùng hỏi:
– Thật không còn gì nữa chứ?
Phạm Hà đáp ấp úng:
– Hình như cô nương có dặn thêm: “Ðường vào động chỉ có một lối mà thôi.
Nhưng khi vào rồi thì khó lòng ra được toàn vẹn. Phải suy tính kỹ lại xem sao rồi hãy vào”.Chung động chúa nói:
– Ừ ! Có thế chứ! Vậy mi đã nghĩ kỹ lại chưa?
Phạm Hà phục xuống đất lạy kêu van:
– Xin động chúa cùng phu nhân mở lượng từ bi.
Chúa động nói:
– Mi dậy đi thôi! Bây giờ có hai con đường, mi chọn lấy một: một là mi cùng sư sư tỷ mi phải chung thân ở lại hang này phục vụ phu nhân. Hai là chặt tay, cắt lưỡi để không còn đem điều bí mật ở đây tiết lộ ra ngoài được.
Phạm Hà giọng nói run run năn nỉ:
– Tiểu nữ vâng lệnh sư phụ đi Vân Nam có việc gấp. Nếu ở lại đây chầu hầu phu nhân thì trái lệnh sư phụ.
Chung chúa động nói:
– Thế là mi chọn điều thứ hai phải không?
Phạm Hà tiến lên hai bước ôm lấy chân Chung phu nhân cầu khẩn:
– Xin phu nhân rủ lòng thương đến tiểu nữ. Tiểu nữ ra khỏi động quyết không dám nói nửa lời, nếu tiểu nữ hớt lẻo cam chịu chết thảm hại dưới ngàn lưỡi đao.
Chung chúa động cười hềnh hệch nói:
– Chung Vạn Cừu này nếu không nhẹ dạ tin lời thề thốt của người thì đâu đến nỗi phải trá tử mà chui rúc dưới hang tối như thân rùa?
Rồi đột nhiên lão thò tay trái ra nắm cổ Phạm Hà xách lên. Kể phái đàn bà thì Phạm Hà cũng là tay võ công khá cao rồi thế mà Chung Vạn Cừu xách giơ lên cao, chân cách mặt đất đến hơn ba thước. Nàng sợ cuống cuồng kêu la rầm rĩ đồng thời đưa chân phải phóng ra đá vào ngực Chung Vạn Cừu.
Chung Vạn Cừu không thèm né tránh đưa ngực ra đón lấy cái đá. Bỗng nghe đánh rắc một tiếng bàn chân Phạm Hà bị gãy cụt. Chung Vạn Cừu vung tay phải ra, một luồng ánh đen lấp loáng, tựa hồ như trong tay có giấu một lưỡi đao trủy thủ, chợt nghe hai tiếng “xẹt xẹt” hai cổ tay Phạm Hà đã bị thiến tẩy.
Chung phu nhân kêu lên một tiếng hãi hùng. Chung Vạn Cừu lại đưa hai ngón tay khoáng một cái. Phạm Hà rú lên một tiếng thê thảm, miệng trào máu tươi ra ồng ộc, đúng là nàng đã bị cắt lưỡi rồi.
Ðoàn Dự trông thấy ghê hồn, trống ngực đánh hơn trống làng. Chàng đưa tay lên bịt miệng không dám ho he nửa tiếng, nhưng trong bụng rủa thầm: “Mi chặt hai tay y, cắt lưỡi y, nhưng y còn một chân vẫn có thể vạch chữ lên cát để tiết lộ những điều bí mật trong hang Vạn Kiếp này”.
Phạm Hà chết giấc. Chung Vạn Cừu quăng nàng xuống đất, túm Thi Vân đang nằm dưới đất mê man bất tỉnh rồi cũng chặt tay cắt lưỡi như Phạm Hà. Ðoàn Dự thấy vậy lửa giận bừng bừng, chẳng nghĩ gì đến thân mình đang nằm miệng cọp, quát to lên rằng:
– Con quỉ nhát gan kia! Mi thật là phường đê tiện, vô sỉ không nghĩ gì đến thể diện nữa.
Chàng nói tới đó, Chung Vạn Cừu giật nẩy mình lên ngơ ngác. Chung phu nhân sợ quá, mặt cắt không còn hột máu. Ðoàn Dự ở sau tấm vách ván bước mạnh đi ra, trỏ vào mặt Chung Vạn Cừu bảo:
– Chung tiên sinh! Người là hạng khí cục nhỏ nhen, có những hành vi đốn mạt, không phải bậc đại trượng phu.
Chung Vạn Cừu nhác trông thấy tướng mạo Ðoàn Dự, lộ vẻ kinh nghi ấp úng hỏi:
– Phải… chăng ngươi… ngươi là họ Ðoàn?
Ðoàn Dự đáp:
– Tại hạ là Ðoàn Dự chẳng biết chút võ nghệ nào cả. Người muốn giết, muốn băm, làm gì thì làm. Nếu ngươi tha ta ra khỏi đây, ta sẽ đem những hành vi hung bạo, khiếp nhược, tàn sát những kẻ yếu đuối tố giác cùng khách giang hồ để ai nấy đều biết Chung Vạn Cừu là hạng người nào.
Chung Vạn Cừu không nổi giận lại ngửa mặt lên trời cười ha hả nói:
– Chung Vạn Cừu là hạng người nào, chẳng lẽ khách giang hồ còn chưa biết ư? Thằng nhãi con kia! Dễ thường ngươi chưa nghe qua biệt hiệu của ta chăng?
Ðoàn Dự đáp cộc lốc:
– Không biết!
Chung Vạn Cừu với một giọng nửa ra lễ phép, nửa ra ỡm ờ nói tiếp:

– Tại hạ là Chung Vạn Cừu, người ngoài đặt cho cái biệt hiệu là “Kiến nhân tựu sát”. Vừa nói vừa ra vẻ nghênh ngang tự đắc.
Ðoàn Dự cũng hơi rùng mình nhưng luồng chính khí bốc lên ngùn ngụt, dõng dạc nói:
– À thì ra tính ngươi ưa sát hại những kẻ thế cô. Xưa nay ta chưa từng thấy ai dọc ngang trời đất mà lại úy thủ, úy vĩ như ngươi.
Câu này đã chạm lòng tự ái lão, nhưng lão vẫn bình tĩnh không nổi hung. Ðoàn Dự đâm liều chẳng quản gì đến mạng sống chết nữa, nói bô bô:
– Ta xem ngươi võ công cũng vào hạng cao cường lẽ ra là một tay hảo hán hiên ngang mới phải. Dù sức mình không địch được người thì liều mạng chứ sao, việc gì mà phải mấp mánh? Chỉ sợ người khác tiết lộ chỗ mình lẩn lút, rồi hiếp đáp mấy cô gái yếu đuối. Hành động của bậc đại trượng phu quang minh lỗi lạc đâu có hèn mạt như thế? Mặt Chung Vạn Cừu lúc xanh xám, lúc đỏ bừng, dường như những lời nói của Ðoàn Dự là những đòn đánh mạnh vào tâm khảm lão. Mắt lão nẩy ra những hào quang hung dữ. Lão mím môi đứng ngẩn người ra một lúc, đột nhiên nổi giận đùng đùng, nắm tay đấm mạnh xuống bàn đánh “rầm” một cái. Bàn bị gãy đôi ra, lão lại đưa chân đá phốc vào tường, tường thủng ra một lỗ lớn. Ðoạn hai tay bưng mặt lão la lên:
– Ta là con quỷ nhát gan! Ta là con quỷ nhát gan.
Lập tức lão cắm đầu chạy ra ngoài. Chung phu nhân sợ run cầm cập, phải vịn vào tường cho khỏi ngã. Bà có ngờ đâu phen này Chung Vạn Cừu lại không ra tay hạ sát Ðoàn Dự. Bà quay lại hỏi chàng:
– Ðoàn công tử! Cậu… cậu không hiểu võ công thật ư?
Rồi giơ tay ra vỗ vào sau lưng chàng, chỗ huyệt rất hiểm yếu, chỉ vận động nội công một chút, đập vào là Ðoàn Dự không chết cũng bị thương. Song Ðoàn Dự không hiểu tý gì về võ công nên không biết đó là nguy hiểm, thản nhiên đáp:
– Vãn sinh chưa từng luyện tập võ nghệ, công đâu mà học cái môn để đánh giết người ấy?
Chung phu nhân thử qua đủ biết chàng nói thật liền ngập ngừng:
– Cậu thật to gan lớn mật, vậy mà dám cùng hắn gây sự.
Ðoàn Dự hỏi:
– Phu nhân bảo vãn sinh gây sự với ai?
Phu nhân đỏ mặt không đáp câu chàng hỏi, quay ra gọi nữ tỳ lại bảo:
– Mi lấy thuốc dấu rịt cho hai cô này, đừng để máu chảy ra nhiều quá!
Nữ tỳ vâng dạ ẵm Thi Vân cùng Phạm Hà vào gian chái. Ðoàn Dự thấy mặt con nữ tỳ vẫn thản nhiên như thường, không hề mảy may xúc động thì biết rằng nó đã quen với thảm cảnh máu chảy thịt rơi quá nhiều rồi, chẳng kém bọn Tư Không Huyền.
Chung phu nhân chống tay vào má, lặng lẽ ngẫm nghĩ, mặt biến đổi, dường như trong lòng đang tính toán việc gì rất nan giải, không sao giải quyết được.
Ðoàn Dự vừa rồi nổi lòng nghĩa khí, bồng bột phát ra những lời xúc phạm Chung Vạn Cừu để toan liều chết, bây giờ thấy từng vũng máu đọng trên mặt đất không khỏi sởn gai, rùng mình. Chàng nghĩ thầm: “Ta phải liệu mà xa chạy cao bay, nếu còn trù trừ thì tất tính mạng không toàn mà bị chết một cách thê thảm”.
Nghĩ vậy chàng vừa bước chân ra cửa vừa ngoảnh mặt vái chào phu nhân, thưa rằng:
– Vãn sinh đã trọn phận sự đưa tin, xin phu nhân gấp rút tìm cách giải cứu cho lệnh ái đi!
Chung phu nhân nói:
– Công tử hãy khoan!
Ðoàn Dự dừng bước, phu nhân tiếp:
– Công tử chưa biết, lang quân ta đã nặng lời thề suốt đời không ra khỏi hang này nửa bước. Nay tiểu nữ bị người bắt giữ, lão quyết chẳng chịu đi cứu nó đâu. Hừ khó quá! Việc đã đến thế này, thôi ta đành theo công tử đi vậy.
Ðoàn Dự vừa lo, vừa mừng nói:
– Phu nhân đi được cùng vãn sinh thì còn gì hay bằng?
Chàng sực nhớ tới lời Chung Linh hỏi thêm:
– Phu nhân trị được rắn độc chăng?
Chung phu nhân lắc đầu nói:
– Ta không trị được.
Ðoàn Dự lại hỏi:
– Vậy thì… vậy thì làm thế nào được?
Chung phu nhân chạy vào phòng ngủ, vội vàng viết vài chữ để lại, thu thập mấy thứ quần áo cùng đồ vật cần dùng mang theo rồi trở ra bảo Ðoàn Dự:
– Ta đi thôi!
Thế rồi bước ra trước. Ðoàn Dự vội vào góc nhà lượm con thanh linh quấn vào lưng.
Phu nhân trên nét mặt kiều diễm vẫn lộ vẻ hoảng hốt đi mau hơn Ðoàn Dự nhiều. Chàng lật đật chạy theo, trong lòng chưa hết thắc mắc hỏi lại:
– Phu nhân không trị được nọc rắn, vãn sinh e rằng đảng Thần Nông không chịu buông tha lệnh ái.
Chung phu nhân lạnh lùng đáp:
– Ai cần bọn chúng tha? Ðảng Thần Nông dám cả gan bắt giữ con gái ta là không nể mặt ta rồi. Ta không cứu được người, há lại không biết giết người sao?
Ðoàn Dự nghe nói không khỏi chột dạ. Vài lời đơn giản mà ngụ ý coi mạng người như cỏ rác, hành động chẳng kém gì tên hung thần ác quỷ Chung Vạn Cừu.
Có chăng chỉ khác ở chỗ phu nhân coi bề ngoài có vẻ mặt xinh đẹp, ôn hoà cùng dáng điệu hay luống cuống sợ sệt khiến cho chàng thư sinh càng phải khiếp phục.
Hai người vừa nói chuyện vừa chạy, chừng hơn một dặm chợt có tiếng gọi to:
– Phu nhân! Nàng… nàng đi đâu đó?
Ðoàn Dự ngoảnh đầu nhìn lại thì ra Chung Vạn Cừu theo đường lớn chạy như bay đuổi gần đến nơi. Chung phu nhân luồn tay qua nách Ðoàn Dự, nhấc bổng lên quát một tiếng “mau”, rồi cứ nhằm phía trước mà tiến. Ðoàn Dự chân không chấm đất, mất hết tự chủ để mặc phu nhân cắp chạy. Thành ra trước hai sau một, cả ba người cùng lướt như bay, thoáng cái đã được vài chục trượng. Kể ra thì khinh công Chung phu nhân còn cao hơn chồng một bậc nhưng còn phải đèo thêm một người nên Chung Vạn Cừu dần dần đuổi kịp. Ðoàn Dự ruột nóng như lửa, biết rằng chỉ làm sao ra khỏi được cửa hang, tất nhiên Chung Vạn Cừu giữ lời thề độc không dám đuổi theo nữa. Chàng bỗng nẩy ra một ý nghĩ: võ công tuy là một môn hại người nhưng giả tỷ mình học được môn khinh công kể ra rất có lợi mà không hại ai. Chàng tự hối hận sao không học trước để bây giờ chạy cho lẹ hơn. Chạy còn cách cửa hang chừng hơn mười dặm, Ðoàn Dự đã thấy hơi thở Chung Vạn Cừu phập phù thổi vào sau gáy. Bỗng nghe đánh “roạt” một tiếng, rồi Ðoàn Dự thấy sau lưng mát lạnh thì ra áo chàng đã bị Chung Vạn Cừu nắm được, kéo rách toạc một miếng.
Chung phu nhân dùng tay trái hất Ðoàn Dự ra ngoài hơn một trượng và quát lên “chạy đi!”, còn tay phải rút thanh trường kiếm quay lại đâm, cốt để ngăn cản không cho Chung Vạn Cừu đuổi theo.
Sẵn có võ công tột bậc, Chung Vạn Cừu có thể tránh mũi kiếm dễ như chơi, huống chi Chung phu nhân tuyệt không có ý giết chồng. Ai ngờ lưỡi kiếm phóng đi thấy hơi vướng vì mũi kiếm đã đâm vào ngực Chung Vạn Cừu. Thì ra gã không muốn tránh, cốt ý nhận lấy nhát kiếm của vợ.
Chung phu nhân thất kinh không dám rút kiếm, quay đầu lại thấy mặt chồng đầy vẻ phẫn nộ, khoé mắt rưng rưng ướt lệ, trước ngực máu loang. Lão cất tiếng thê thảm hỏi vợ:
– Uyển Thanh, Uyển Thanh nàng ơi! Nàng… nàng nhất định bỏ ta đấy ư?
Chung phu nhân thấy nhát kiếm tự tay mình đâm trúng ngực chồng tuy không đụng đến trái tim nhưng sâu tới vài tấc, không biết sống chết ra sao. Trong lúc hoảng hốt phu nhân rút mũi kiếm ra, tay nắm chặt lấy vết thương, nhưng máu tuôn ra như suối chảy, luồn qua kẽ ngón tay phun ra ngoài. Chung phu nhân giận dỗi hỏi:

– Tại sao mình không tránh?
Chung Vạn Cừu nhăn nhó cười và đáp:
– Nàng đã muốn lìa bỏ ta thì ta chết phứt đi cho rồi.
Chung phu nhân hỏi:
– Ai bảo tôi lìa bỏ mình?… Tôi đi cứu con vài ngày rồi lại trở về chứ đi đâu?
Ðoạn đem chuyện Chung Linh bị đảng Thần Nông bắt giữ thuật luôn một hồi. Ðoàn Dự thấy tình cảnh như vậy trong tâm không khỏi xúc động, ngẩn người ra một hồi. Sau chàng trấn tĩnh lại vội xé vạt áo, ba chân bốn cẳng chạy lại, định buộc vết thương cho Chung Vạn Cừu. Không ngờ Chung Vạn Cừu đưa chân trái ra đá cho mộ cái và quát to lên rằng:
– Quân vô loài! Ta không muốn nhìn mặt mi. Rồi hỏi Chung phu nhân:
– Nàng định lừa dối ta, ta không thể tin được. Ðúng là thằng chó chết này đến định rủ nàng đi. Dù nó hoá ra thành tro than ta vẫn nhận ra được mặt nó. Nó còn có cái tội nặng lời sỉ nhục ta.
Nói xong ho rũ ra, mỗi cơn ho máu chỗ vết thương lại chảy ra rất nhiều. Lão chợt nhớ ra điều gì quay lại hỏi Ðoàn Dự:
– Mi lại đây! Dù ta bị trọng thương rồi ta vẫn không sợ phép “Nhất Dương Chỉ” của nhà mi đâu. Lại đây mau cùng ta thử sức!
Ðoàn Dự bị cái đá trời giáng ngã lăn ra, má bên trái đâm vào viên đá nhỏ nhọn hoắt, một bên mặt máu tươi chảy ra đỏ lòm, lóp ngóp bò dậy nói:
– Tại hạ là Ðoàn Dự, quê ở Giang Nam, thực không hiểu “Nhất Dương Chỉ”, nhị dương chỉ là chi hết.
Chung Vạn Cừu lại ho lên mấy tiếng, vẫn một giọng căm hờn:
– Mi còn giả vờ nữa ư? Mi về gọi cha mi đến đây!
Lão càng căm hờn lại càng ho dữ. Chung phu nhân nói:
– Mình vẫn chưa chừa cái thói nghi ngờ một cách mù quáng. Mình đã không tin tôi thì trước mặt mình đây tôi chết đi còn hơn.
Nói xong phu nhân lượm thanh trường kiếm dưới đất lên toan đâm cổ tự vẫn.
Chung Vạn Cừu vội giằng tay lại, lộ vẻ vui mừng nói:
– Nàng ơi! Có thực không phải nàng bỏ tôi để đi theo quân vô loài kia chăng?
Chung phu nhân đáp:
– Người ta là một vị công tử họ Ðoàn, sao mình lại ăn nói càn rỡ? Luôn miệng xỉa xói hết bằng quân vô loài nọ đến quân vô loài kia? Tôi định theo công tử đi giết hết bọn Thần Nông để giải cứu đứa con gái quý báu của chúng ta về.
Mặc dầu Chung Vạn Cừu đang bị trọng thương nhưng thấy vợ giận dỗi thì lại rất thương yêu, lão tươi cười đấu dịu:
– Nếu quả như vậy thì lỗi tại ta.
Chung phu nhân xem vết thương thấy máu chảy hoài, nước mắt chan hoà nức nở:
– Bây giờ biết làm… làm thế nào?
Chung Vạn Cừu cả mừng, đưa tay lên vuốt ve lưng vợ nói:
– Uyển Thanh nàng ơi! Mình lo lắng cho tôi thế này, dù tôi có chết đi chăng nữa, tưởng cũng không uổng chút nào.
Chung phu nhân hai má ửng đỏ nhẹ nhàng đẩy tay chồng ra nói:
– Ðoàn công tử kia kìa, mình làm gì như kẻ điên rồ vậy?
Chung phu nhân thấy chồng đã nguôi giận, nhưng sắc mặt lại càng nhợt nhạt, trong lòng lo sợ nói:
– Thôi tôi không đi cứu Linh Nhi nữa, nó đã gây nên tai vạ, tính mạng nó đành phó thác mặc trời.
Ðoạn nâng chồng dậy và bảo Ðoàn Dự:
– Ðoàn công tử! Cậu đến bảo với Tư Không Huyền rằng chồng ta đã chết rồi. Nếu hắn mà động đến chân lông con gái ta thì đừng trách Hương dược xoa Mộc Uyển Thanh này độc ác.
Ðoàn Dự thấy Chung Vạn Cừu bị thương nặng không kể rồi, Chung phu nhân cũng không thể bỏ chồng trong lúc thập tử nhất sinh để đi cứu con, chỉ còn trông vào sáu chữ: “Hương dược xoa Mộc Uyển Thanh” may ra có hăm dọa được lão Tư Không Huyền chăng? đó còn là một nghi vấn. Chàng nghĩ đến đoạn trường tán ở trong ruột mình dĩ nhiên không ai giải cứu được mà giật mình tự nhủ: “Cơ sự đã đến thế này, nói lắm cũng vô ích”, liền cáo từ Chung phu nhân:
– Vãn sinh xin kiếu để lên đường, đem lời dặn của phu nhân bảo đảng Thần Nông.
Chung phu nhân Mộc Uyển Thanh thấy chàng vừa nói vừa cất bước, hành động quả quyết chóng vánh, không chút ngần ngại, chợt nhớ đến một người liền gọi chàng lại dặn:
– Ðoàn công tử, ta còn câu này nữa:
Nói rồi đặt Chung Vạn Cừu xuống, vọt đến trước mặt Ðoàn Dự, lấy trong bọc ra một vật nhét vào tay chàng và dặn nhỏ:
– Công tử cầm vật này trao lại cho Ðoàn Chính Minh.
Ðoàn Dự nghe đến ba chữ tên Ðoàn Chính Minh, không giữ được bình tĩnh, thay đổi sắc mặt. Mộc Uyển Thanh là người rất tinh tế, vừa nói ba chữ Ðoàn Chính Minh vừa chú ý nhìn mặt Ðoàn Dự. Thấy chàng biến sắc bà thở phào một cái nói tiếp:
– Công tử còn dấu ta được nữa chăng? Thôi công tử đi cứu tính mạng cho con ta, đồng thời cứu cả tính mạng cho mình nữa.
Rồi không đợi Ðoàn Dự trả lời, lật đật trở lại nâng chồng dậy đưa về.
Ðoàn Dự cầm lên xem Chung phu nhân vừa nhét vào tay cho mình vật gì thì ra một cái hộp nhỏ bằng vàng, chạm trổ rất tinh vi. Chàng mở nắp hộp ra thấy bên trong đựng một mảnh giấy để lâu ngày đã biến ra mầu vàng lợt. Trên mảnh giấy còn vết tích mấy giọt máu và viết mười chữ: “Năm quý hợi, tháng hai, ngày mồng năm, giờ sửu”. Nét chữ mềm mại, tựa như do tay một người đàn bà viết. Ngoài mảnh giấy ra không còn vật gì nữa.
Ðoàn Dự tự hỏi: “Bát tự này ghi năm tháng, ngày giờ sinh của ai? Phu nhân bảo ta đưa về cho gia gia để làm gì? Nó có ăn thua gì đến việc giải cứu tính mạng Chung cô nương cùng ta đâu? Chung phu nhân đã đoán ra ta là con trai gia gia ta. Lại xem những lời Chung Vạn Cừu la mắng ta thì đủ biết lão cũng nhìn thấy diện mạo ta giống hệt gia gia ta, hay là lão có thù hằn gì với nhà ta?”.
Chàng đang suy nghĩ chợt nghe có tiếng người gọi:
– Ðoàn công tử hãy thong thả!
Ðoàn Dự quay đầu nhìn lại thấy một ông già mặc áo ngắn chạy tới thi lễ nói:
– Lão nô là Chung Phúc vâng lệnh phu nhân đến đưa công tử ra khỏi hang. Ðoàn Dự gật đầu nói:
– Nếu vậy càng hay!
Chung Phúc đi trước dẫn đường ra tới cửa hang, bước vào quan tài rồi từ trong mả chui lên. Lão dẫn Ðoàn Dự đi theo một lối rẽ khác. Ði chừng sáu bảy dặm, đến trước một toà nhà lớn thì dừng lại. Chung Phúc bảo Ðoàn Dự:
– Công tử đứng chờ đây một lát.
Lão không đập cổng gọi, nhảy vọt qua tường vào trong. Lúc đó trời đã tối mịt, trên trời ánh sao lờ mờ. Ðoàn Dự liên tưởng đến pho tượng ngọc mỹ nhân dưới đáy sông. Bất thình lình trong cổng có tiếng vó câu lộp cộp và tiếng ngựa hi he. Ðoàn Dự bất giác bật lên tiếng khen “Ngựa hay tuyệt”. Cánh cổng chợt mở, đầu ngựa ló ra, đôi mắt lóe sáng trong đêm tối. Nhác trông Ðoàn Dự đã biết ngay là một giống thần câu, khác hẳn ngựa thường. Lông nó đen láy, bốn vó thon thon như vó ngựa nhỏ nhưng rất cao, toàn thân coi bộ hùng vĩ hiên ngang.
Con tiểu tỳ giắt ngựa, tóc còn buông rủ, trời tối không trông rõ mặt, tuổi chừng mười bốn mười lăm, dáng điệu rất là mềm mại.
Chung Phúc theo sau con ngựa, nói với Ðoàn Dự rằng:
– Thưa công tử, phu nhân sợ công tử không đủ thì giờ về Ðại Lý, sai lão nô qua đây mượn con tuấn mã này để công tử đi cho kịp.
Ðoàn Dự được xem ngựa đã nhiều, mới nghe tiếng con này kêu cũng đã biết là ngựa hay vô cùng. Hàng vạn con chưa chắc đã chọn được một. Chàng hoan hỉ đáp:
– Tôi xin đa tạ!
Chàng toan đưa tay ra đón lấy dây cương. ả tiểu tỳ nhẹ nhàng xoa đầu và vuốt ve bờm ngựa nhẹ nhàng bảo:
– Hắc mai côi! Hắc mai côi! Tiểu thư cho công tử mượn ngươi để cưỡi, ngươi phải nhất nhất nghe lệnh công tử. Ði mau lên rồi mà về nghe!
Con ngựa quay đầu lại liếm tay ả, coi bộ thân mến lắm. Tiểu tỳ dặn ngựa rồi cầm cương đưa cho Ðoàn Dự nói:

– Con ngựa này không thể giục bằng roi vọt được. Công tử càng ngọt ngào chừng nào nó càng mau lẹ chừng ấy.
Ðoàn Dự kính cẩn nói:
– Dạ thưa Hắc mai côi tiểu thư! Tiểu sinh xin đứng đây thi lễ kính chào tiểu thư. Nói rồi xá dài. ả tiểu tỳ nhoẻn miệng cười nói:
– Cậu này thật là duyên dáng quá. à mà cậu cưỡi cho khéo kẻo ngã đấy nhé.
Ðoàn Dự vốn quen cưỡi ngựa từ thuở nhỏ, chàng nhẹ nhàng nhẩy lên yên rồi nhìn tiểu tỳ bảo:
– Qua có lời đa tạ tiểu thư cô em nhé!
Tiểu tỳ cười nói:
– Thế cậu không tạ ơn em sao?
Ðoàn Dự chắp tay nói:
– Ða tạ cô em nhé! Lúc trở lại qua sẽ đem trái ngon quả lạ về làm quà cho.
Tiểu tỳ vẫn cười nói:
– Xin cậu giữ gìn tính mạng là cần. Cậu đi chuyến này chưa chắc còn trở lại đây nữa không, ai mà mong trái ngon vật lạ của cậu?
Chung Phúc nói:
– Công tử trông hướng bắc mà tiến ra đường lớn về thẳng nước Ðại Lý. Xin công tử cẩn thận mình vàng, lão nô trở về đây.
Ðoàn Dự vừa giơ tay lên, ngựa tung bốn vó nhảy vài đợt đã ra xa tới vài mươi trượng. Con Hắc mai côi không cần phải giục, đêm tối mà nó phóng như bay. Ðoàn Dự ngó hai bên đường, cây cối trong rừng trông tựa như chạy giật lùi lại sau. Chàng ung dung ngồi trên ngựa, êm ru dị thường tuyệt không thấy xóc chút nào. Chàng nghĩ thầm: “Con ngựa chạy nhanh như gió thế này thì chỉ trưa mai là về đến Ðại Lý. Nhưng không biết gia đình mình có chịu can thiệp cái vụ rắc rối cùng khách giang hồ này không? Chẳng lẽ mình lại phải qua năn nỉ bá phụ? Ôi việc đã xảy ra nhường này mình đành phải cúi đầu van cha, lạy bác vậy chứ biết làm sao?”.
Ði chưa tới một khắc đồng hồ đã được chừng mười dặm. Một đêm gió thổi hiu hiu, mùi hương dịu mát của cây cỏ thổi vào mặt, chàng tự nhủ: “Cái cảnh đêm thanh ruổi ngựa kể cũng là một nguồn lạc thú của con người”.
Bất thình lình phía trước mặt chàng có người đón đường quát to lên rằng:
– Con tiện tỳ kia! Ðứng lại!
ánh đao lấp loáng trong đêm tối nhằm chàng chém tới, nhưng ngựa chạy lẹ quá, đao chém vào quãng không. Ngựa tung vó lên đã nhảy xa hơn hàng trượng.
Ðoàn Dự ngoảnh đầu lại, nhìn thấy phía sau có hai gã đại hán đang đuổi theo rất gấp. Một gã sử lưỡi đản đao, còn một gã sử cây trường thương. Hai gã vẫn lớn tiếng mắng:
– Con tiện tỳ kia! Gái mặc giả trai, định che mắt lão gia phải không? Chỉ trong chớp mắt, ngựa phi nhanh như cuốn gió đã bỏ hai người một quãng khá xa. Hai gã đại hán tuy chạy mau, đuổi gấp mà trong khoảnh khắc tiếng la gọi cũng không nghe thấy nữa.
Ðoàn Dự nghĩ thầm: “Hai tên lỗ mãng này mồm năm miệng mười gọi ta là con tiện tỳ, rồi gã còn nói cái gì gái mặc giả trai. Thôi phải rồi, bọn chúng đón đường chủ nhân con Hắc Mai Côi để trả hận. Chúng nhìn rõ ngựa mà không nhận ra người cưỡi ngựa là ai. Thật là quân lỗ mãng!”.
Chàng đi thêm quãng nữa, bỗng la lên: Thôi hỏng to rồi! Ta nhờ con ngựa này phóng nhanh mà thoát được hai gã phục kích. Xem ra hai gã này võ nghệ không phải tay vừa. Nếu tiểu thư không biết vụ này, cứ nghiễm nhiên đi ra tất bị chúng ám toán. Ta phải trở lại báo tin cho tiểu thư mới được. Chàng liền dừng ngựa lại nhủ:
– Hắc Mai Côi! Hắc Mai Côi! Có người toan ám hại tiểu thư ngươi đó, chúng ta phải quay lại báo tin cho tiểu thư hay để nàng gia tâm đề phòng và chỉ ở nhà đừng có ra ngoài.
Thế rồi Ðoàn Dự bắt ngựa quay đầu theo đường cũ, trở lộn về. Gần đến chỗ hai gã đại hán đón đường vừa rồi, chàng ôn tồn giục ngựa:
– Lẹ lên! Lẹ lên!
Con Hắc Mai Côi hình như hiểu tiếng người, vừa nghe tiếng giục “lẹ lên”, quả nhiên nó phóng nhanh hơn trước. Nhưng tới nơi lại chẳng thấy hai gã đại hán đâu nữa. Ðoàn Dự lại càng nóng ruột tự hỏi: “Phải chăng hai gã này đến vây trang trại tiểu thư? Nếu vậy càng nguy biết mấy?”. Chàng luôm mồm giục ngựa:
– Hắc Mai Côi! Chạy cho mau! Hắc Mai Côi! Chạy cho mau!
Hắc Mai Côi! Phi như bay, vó không chấm đất, chạy về đến trước trại, bất thình lình hai cây côn phóng ra phang chân ngựa. Hắc Mai Côi không chờ Ðoàn Dự giục, nhảy vọt lên qua khỏi, tiện thế đưa hai chân sau đá phốc một cái, trúng tên cầm côn bắn ra xa.
Hắc Mai Côi rướn lên một cái nữa là đến cổng trại. Ðoàn Dự thấy bốn năm tên đứng đó thò tay ra giằng lấy dây cương. Tay phải Ðoàn Dự bị giựt mạnh một cái, lôi chàng xuống, đoạn có tiếng quát hỏi:
– Thằng nhỏ này! Mi đến chi đây? Dòm dỏ cái gì?
Ðoàn Dự than thầm: “Thật là hỏng bét. Toà nhà này đã bị người vây kín cả rồi. Không biết chủ nhân đã mắc độc thủ của chúng chưa?”. Tay phải chàng bị một bàn tay nắm giữ, chẳng khác gì cái đai sắt bóp chặt lại, làm cho cả nửa người tê nhức.
Chàng nói:
– Ta đến tìm chủ nhân tòa nhà này. Tụi bay đến đây làm gì mà hung hăng thế?
Chợt có tiếng khàn khàn của một lão già khác hỏi:
– Thằng nhãi ranh kia cưỡi ngựa của con tiện tỳ, chắc là chỗ thân thích với nhau. Hãy thả cho nó vào, bọn ta đã nhổ cỏ phải nhổ hết rễ, để rồi tóm cả một mẻ.
Ðoàn Dự hoảng hồn nghĩ thầm: “Thôi ta tự chui đầu vào tròng mất rồi! đã đến thế này dù muốn chạy đi cũng không thoát được nữa, đành hãy vào đây rồi sau sẽ liệu”.
Gã kia buông tay chàng ra. Chàng sửa lại khăn áo chỉnh tề rồi ngang nhiên đi vào. Vào qua cổng đến một trang viện, giữa là lối đi lát đá, hai bên trồng toàn Mai Côi, hương thơm sực nức. Con đường đá này khúc khuỷu, quanh co xuyên qua một cái cổng tò vò. Ðoàn Dự cứ theo đường đá đi mãi vào trong, trông hai bên đều có người đứng rải rác cả. Chàng chợt nghe trên cao có tiếng người ho, ngẩng lên nhìn đầu tường cũng có tới bảy tám người tay cầm gươm đao sáng loáng. Trời tối trông ánh gươm đao lại càng ghê rợn cả người. Ðoàn Dự tự hỏi: Tòa nhà này xem chừng không to là mấy, làm gì có nhiều người ở, vậy mà chúng kéo đến làm gì lắm thế?
Phải chăng chúng định giết sạch cả nhà người ta?
Tuy trời tối nhưng Ðoàn Dự ngó thấy tên nào cũng nhìn mình trừng trừng, vẻ mặt hung dữ. Có đứa tay lăm lăm cầm đốc gươm thị uy. Chàng cố gượng trấn tĩnh, nhìn vào tận cùng đường đá thấy một toà đại sảnh. ánh đèn lửa trong nhà qua khe cửa lọt ra ngoài. Ðoàn Dự đi thẳng đến trước cửa dõng dạc lên tiếng:
– Tại hạ là Ðoàn Dự có việc xin vào ra mắt chủ nhân.
Trong nhà có tiếng khàn khàn quát hỏi:
– Ai? Vào trong này!
Ðoàn Dự cảm thấy bực mình, đẩy mạnh cửa bước vào. Chàng không khỏi kinh ngạc khi đưa mắt nhìn thấy kẻ đứng người ngồi có đến mười bảy, mười tám người.
Trên ghế tựa giữa nhà, một người đàn bà áo đen ngồi xây lưng ra ngoài. Tuy không rõ mặt nhưng trông dáng dấp đường sau cùng mớ tóc đen lánh, óng mượt rủ xuống thì biết ngay là một trang thiếu nữ. Xung quang nàng có đến hơn mười người, vừa đàn ông, vừa đàn bà lại có hai nhà sư và ba bị đạo sĩ. ấy là chưa kể bên trường kỷ phía đông còn một ông già, một bà lão cùng hai nhà sư. Chỉ có bốn vị này là tay không còn ngoài ra đều cầm binh khí.
Trước mặt bà lão, một người nằm sóng sượt dưới đất, trên cổ có vết đao chém và đã chết từ bao giờ. Ðoàn Dự nhìn lại, té ra là lão Chung Phúc, người bên hang Vạn Kiếp vừa đưa chàng qua đây mượn ngựa lúc nãy. Tuy Ðoàn Dự mới biết lão lần đầu nhưng lão là người tử tế lễ phép, giờ thấy lão bị thảm tử mà nguyên nhân tự mình gây ra nên chàng rất ngậm ngùi trong dạ.
¤ng già ngồi trên trường kỷ đầu tóc bạc phơ, nhưng dưới cằm nhẵn thín không có lấy một sợi râu lên giọng khàn khàn quát hỏi Ðoàn Dự:
– Thằng nhỏ kia! Mi đến đây có việc gì? Ngay từ lúc mới bước chân vào Ðoàn Dự đã định sẵn chủ ý: mình dấn thân vào nơi hiểm địa nếu tìm được kế thoát thân là nhất nếu không thì coi như bị hung tinh chiếu mệnh, nói năng năn nỉ với đám côn đồ cũng chẳng ích gì. Sở dĩ chàng trông thấy Chung Phúc bị giết, máu nóng sôi lên sùng sục, chàng không còn biết sợ hãi là gì nữa, hiên ngang đáp:
– Tại hạ là Ðoàn Dự, lão trượng cũng thuộc hạng người có tên có họ như ai, chẳng qua chỉ sống hơn nhau mấy chục tuổi, sao lại dám ỷ mình già nua, khi khinh hậu bối buông lời vô lễ?
Lão già lông mày đứng dựng ngược lên, mắt nẩy hào quang, tướng mạo cực kỳ oai nghiêm, không nói gì.
Một gã đại hán đứng đầu đằng này nạt lớn:
– Thằng giặc con này không còn biết trời, biết đất chi cả. Lão già đây gọi mi là thằng nhỏ còn không đáng hay sao? Mi có biết lão gia là ai không? Thật mi có mắt mà không thấy núi Thái Sơn.
Ðoàn Dự thấy ông già khí phách khác kẻ tầm thường, trong thâm tâm cũng có đôi phần kính nể liền đáp:
– Ta biết lão trượng đây là người có lai lịch chớ chẳng không. Xin lão trượng cho biết cao tính đại danh!
Lão già không trả lời, gã ngồi bên kia đáp:
– Ta nói cho mi biết để mi có về âm phủ cũng nhắm mắt được. Lão gia đây chính là Nộ Giang Vương, Tam chưởng tuyệt mệnh Tần lão gia đó.
Ðoàn Dự nói:
– Tam chưởng tuyệt mệnh ư? Sao lại dùng cái ngoại hiệu khó nghe thế nhỉ, Tần lão gia sao còn gọi là Nộ Giang Vương?
Nộ Giang Vương Tam chưởng tuyệt mệnh Tần Nguyên Tôn không những oai danh lừng lẫy cõi Thiên Nam mà thôi, trong các phái võ tại Vân Nam, lão cũng là một nhân vật khét tiếng. Tóm lại các anh hùng hảo hán trên nam ngạn cũng như bắc ngạn sông Trường Giang đều ngưỡng mộ oai phong Tần Nguyên Tôn. Ngờ đâu Ðoàn Dự nghe xong không thèm để ý.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.