Bạn đang đọc Thiên Long Bát Bộ (bản Mới) – Chương 20: Hoán Sào Loan Phượng (3)
Tưởng đâu khói phất phơ bay,
Ai ngờ kiếm khí tràn đầy không gian.
*
**
Sáng sớm hôm sau, Đoàn Chính Thuần từ biệt vợ con. Ông nghe Đoàn Dự nói Mộc Uyển Thanh đêm hôm qua đã theo mẹ là Tần Hồng Miên đi mất rồi, thẫn thờ một hồi, thở dài quay sang hỏi Thôi Bách Tuyền, Quá Ngạn Chi hai người thì cũng đã lên đường đi về hướng bắc từ sớm.
Đoàn Chính Thuần dẫn theo Tam Công, Tứ Hộ Vệ vào cung từ biệt Bảo Định Đế, cùng Tuệ Chân, Tuệ Quan hai nhà sư đi về phía Lục Lương châu. Đoàn Dự tiễn cha ra ngoài cửa đông mười dặm mới quay về.
Xế trưa hôm đó, Bảo Định Đế đang ở trong thiền phòng tụng kinh thì một tên thái giám tiến vào bẩm:
-Người trong phủ Hoàng thái đệ đến tâu rằng, Hoàng thái đệ thế tử đột nhiên bị ma làm, đã thỉnh Thái y đến chẩn bệnh.
Bảo Định Đế lo quá, từ khi Đoàn Dự bị trúng phải chất độc của thái tử Diên Khánh rồi chưa chắc đã trừ được một cách dễ dàng như thế, lập tức sai hai tên Thái y đến xem sao. Độ nửa giờ sau, hai tên thái giám quay về báo:
-Hoàng thái đệ thế tử bệnh không phải nhẹ, xem ra thần trí thác loạn.
Bảo Định Đế trong bụng hơi hoảng vội vàng xuất cung đích thân đến phủ Trấn Nam Vương thăm bệnh tình Đoàn Dự thế nào. Vừa đến bên ngoài ngọa thất của chàng đã nghe tiếng rầm rầm, loảng xoảng, lách cách liên hồi toàn là các loại khí mãnh bị đổ vỡ. Thị bộc ở bên ngoài thấy nhà vua liền quì xuống tiếp giá, ai nấy vẻ mặt kinh hoàng.
Bảo Định Đế đẩy cửa bước vào thấy Đoàn Dự đứng giữa phòng hoa chân múa tay, bao nhiêu bàn ghế cùng các loại trần thiết, đồ dùng văn phòng bị chàng vứt tung tóe. Hai tên thái y chạy đông né tây cực kỳ gấp rút. Bảo Định Đế gọi lớn:
-Dự nhi! Cháu sao thế?
Thần trí Đoàn Dự vẫn tỉnh táo như thường có điều chân khí trong người quá thịnh tưởng như muốn vỡ toang lồng ngực thành thử múa may quay cuồng đập phá đồ đạc một hồi thấy dần dần đỡ hơn. Chàng thấy Bảo Định Đế đi vào kêu lên:
-Bá phụ ơi! Cháu chết mất.
Hai tay chàng vung lên vòng vòng trên không. Đao Bạch Phượng đứng một bên, nước mắt ròng ròng nói:
-Đại ca, sáng sớm hôm nay Dự nhi còn khỏe mạnh bình thường tiễn cha nó ra khỏi thành, chẳng hiểu vì sao tự nhiên lại nổi cơn điên.
Bảo Định Đế an ủi:
-Đệ muội chẳng nên hoảng hốt, chắc là cháu nó trúng độc ở Vạn Kiếp Cốc chưa hết hẳn, để chữa cho xong.
Ông quay sang hỏi Đoàn Dự:
-Cháu thấy trong người thế nào?
Đoàn Dự liên tiếp dậm chân kêu lên:
-Điệt nhi toàn thân căng phồng lên thật là khó chịu.
Bảo Định Đế nhìn mặt và cánh tay chàng thấy không có gì khác lạ, chẳng sưng chút nào, câu nói đó đúng là thần trí bất thường khiến ông không khỏi nhíu mày.
Thì ra hôm qua nơi Vạn Kiếp Cốc Đoàn Dự bị năm cao thủ trút gần một nửa nội lực của họ vào người, lúc đó thì không thấy gì nhưng sau khi tiễn phụ thân xong, quay về nằm ngủ, trong giấc ngủ chân khí không được đạo dẫn nên chạy lung tung. Chàng nhỏm dậy, sử dụng Lăng Ba Vi Bộ mỗi lúc một nhanh chân khí liền bùng lên không còn cách nào chế ngự được, bèn kêu toáng lên khiến ai nấy đều nhốn nháo.
Một tên thái y nói:
-Khải tấu hoàng thượng, mạch của thế tử nhảy thật mạnh, dường như huyết khí quá vượng, theo ngu kiến của vi thần trích huyết cho ra bớt đi không biết có được hay không?
Bảo Định Đế nghĩ thầm phương pháp này may ra có thể áp dụng bèn gật đầu nói:
-Được, ngươi rút bớt máu ra cho y đi.
Tên thái y tuân lệnh, mở hộp thuốc ra lấy từ trong hộp gốm ra một con đỉa thật to. Đỉa dùng để hút máu ứ trong người bệnh nhân thật là tiện lợi, lại không đau. Y cầm tay Đoàn Dự để con đỉa đúng vào ngay chỗ huyết quản. Con đỉa đụng phải tay Đoàn Dự rồi liên tiếp ngọ ngoạy, dù ép cách nào cũng không chịu cắn vào tay Đoàn Dự. Gã thái y lạ lùng dùng sức đè nó xuống, một lát sau con đỉa dãy một cái chết mất rồi. Gã thái y thấy bị bẽ mặt trước mặt hoàng đế, mồ hôi trán tong tỏng nhỏ xuống vội vàng lấy một con đỉa khác nhưng rồi cũng chết.
Một tên thái y lo lắng tâu lên:
-Khải bẩm hoàng thượng, trong mình thế tử có chất kịch độc, đến ngay cả đỉa cũng phải chết.
Y có biết đâu Đoàn Dự đã nuốt con Mãng Cổ Chu Cáp vào bụng, dẫu loại rắn rết gì ngửi thấy mùi cũng phải chạy cho xa, dù loại rắn độc nhất cũng bị nhiếp phục, huống chi chỉ là một con đỉa nhỏ nhoi?
Bảo Định Đế trong bụng bồn chồn hỏi lại:
-Thế là loại độc dược gì, lợi hại cỡ nào?
Một tên thái y nói:
-Theo ngu kiến của thần, mạch của thế tử dường như quá nóng, ắt là trúng phải một độc vật cực nhiệt, còn tên ư? Đó là … đó là … vi thần ngu dốt …
Tên thái y kia cãi lại:
-Không phải, mạch của thế tử âm hư, độc tính cực hàn, phải dùng nhiệt độc để trung hòa.
Trong cơ thể Đoàn Dự có các luồng nội lực dương cương của Hoàng Mi tăng, Nam Hải Ngạc Thần và Chung Vạn Cừu lại cũng có các luồng âm nhu của Diệp Nhị Nương, Vân Trung Hạc hai tên thái y mỗi bên một cách không ai nói được thực sự nó là cái gì.
Bảo Định Đế thấy hai người tranh luận, cả hai đều là danh y giỏi nhất nước Đại Lý, bây giờ quan điểm lại khác hẳn nhau đủ biết tà độc trong người cháu mình thật là quái đản liền đưa ba ngón trỏ, giữa và vô danh bàn tay phải để nhẹ nhàng lên huyệt Liệt Khuyết. Con cháu nhà họ Đoàn mạch không nhảy ở nơi cổ tay mà lại nhảy nơi huyệt Liệt Khuyết, y gia gọi là phản quan mạch.
Hai tên thái y thấy hoàng thượng vừa ra tay đã chứng tỏ một người tinh thông y đạo đều cực kỳ bội phục. Một gã nói:
-Trong y thư có chép là: người nào có phản quan mạch ở tay trái chủ về quí, có ở tay phải chủ về phú, nếu có cả hai bên thì đại phú đại quí. Bệ hạ, Trấn Nam Vương, thế tử ba vị đều có phản quan mạch.
Tên thái y kia liền cãi:
-Ba vị đại phú đại quí nào có phải chỉ vì có phản quan mạch mà nên đâu.
Người kia nói:
-Chứ còn gì nữa. Thế tử có mạch tượng đại phú đại quí đủ biết bệnh tuy hung hiểm thật nhưng cũng không sao cả.
Thế nhưng gã kia đâu có tin là thế nghĩ thầm: “Người đại phú đại quí tưởng không chết non à?”. Thế nhưng y làm sao dám nói ra câu đó.
Bảo Định Đế thấy mạch cháu mình vừa nhanh vừa mạnh, nếu cứ nhảy thế này thì tâm tạng làm sao chịu nổi? Ông hơi nhấn tay một chút định xem trong kinh mạch có gì lạ, đột nhiên nội lực trong người tuôn ra ào ào rồi biến mất không thấy gì nữa nên hoảng hồn vội vàng buông tay. Ông có biết đâu Đoàn Dự đã luyện được thủ Thái Âm Phế Kinh trong Bắc Minh thần công mà huyệt Liệt Khuyết là một trong những huyệt đạo của mạch này. Bảo Định Đế vừa vận nội kình lập tức nội lực đổ vào người Đoàn Dự.
Đoàn Dự rùng mình kêu lên:
-Chao ôi!
Người rung động mạnh run rẩy như cầy sấy. Bảo Định Đế lùi lại hai bước hỏi:
-Dự nhi, cháu đã gặp Đinh Xuân Thu của Tinh Tú Hải chăng?
Đoàn Dự lắp bắp:
-Đinh … Đinh Xuân Thu ư? Điệt nhi không biết y là ai cả.
Bảo Định Đế nói:
-Nghe nói y là một ông già trông rất tiên phong đạo cốt chẳng khác gì người trong tranh vẽ.
Đoàn Dự đáp:
-Cháu chưa từng gặp ông ta bao giờ.
Bảo Định Đế nói:
-Người này có một môn công phu tà môn, chuyên làm tiêu hủy công lực người khác, gọi là Hóa Công đại pháp, có thể phế trừ được võ công tu luyện cả đời của người khác trong một lúc, người trong võ lâm ai ai cũng ghét cay ghét đắng. Cháu chưa từng gặp y, sao … sao lại học được tà môn đó?
Đoàn Dự vội đáp:
-Điệt nhi chưa … chưa từng học bao giờ. Hóa Công đại pháp của Đinh Xuân Thu kia, đây là lần đầu tiên cháu được nghe bá phụ nói tới.
Bảo Định Đế xem chừng chàng không dám nói láo nhưng sao lại hóa tán nội lực của mình được, nghĩ một chút chợt hiểu ra: “Đúng rồi! Chắc là Đoàn Diên Khánh học mông công phu này, không biết làm sao mà đưa được tà môn đó vào người Đoàn Dự để cho nó ngẫu nhiên làm hại ta và Thuần đệ. Hà hà, người này đã dám xưng là Thiên Hạ Đệ Nhất Ác Nhân, quả thật danh bất hư truyền”.
Chỉ thấy Đoàn Dự hai tay cào cấu khắp người, quần áo rách bươm, trên da đầy những vết máu, cố hết sức gắng gượng mới khỏi kêu ầm lên nhưng miệng rên rỉ không ngừng. Đao Bạch Phượng luôn mồm dỗ con:
-Dự nhi, con cố chịu một chút, lát nữa sẽ bớt.
Bảo Định Đế nghĩ thầm: “Cái nạn đề này chỉ còn cách lên chùa Thiên Long cầu giáo thôi”. Ông bèn nói:
-Dự nhi, ta đưa cháu đi bái kiến vài vị trưởng bối mong rằng họ có cách để trị tà độc cho cháu.
Đoàn Dự đáp lời:
-Vâng!
Đao Bạch Phượng vội vàng lấy quần áo cho con thay. Bảo Định Đế dẫn chàng ra khỏi phủ, mỗi người cưỡi một con ngựa đi về hướng núi mờ mờ xa.
Chùa Thiên Long nằm ở ngọn trung nhạc phía bắc dãy núi Điểm Thương ở bên ngoài thành Đại Lý, tên chính thức của ngôi chùa này là Sùng Thánh Tự nhưng người trong nước quen gọi là chùa Thiên Long. Chùa quay lưng vào núi cao, đối diện là sông Nhĩ_, hình thế thật là uy nghi. Chùa có ba ngọn tháp kiến tạo từ đầu đời Đường_, tháp lớn nhất cao hơn hai trăm thước_ gồm mười sáu tầng, đỉnh tháp đúc bằng sắt có ghi: “Đại Đường Trinh Quan Uất Trì Kính Đức tạo”_. Tương truyền chùa Thiên Long có năm báu vật mà ba ngọn tháp đứng đầu trong ngũ bảo_.
Họ Đoàn từ xưa tới nay các triều vua thường rời ngôi báu thì xuất gia làm sư, ai nấy đều tu tại chùa Thiên Long thành ra chùa Thiên Long cũng là gia miếu của hoàng thất được tôn vinh hơn cả trong các chùa chiền trong nước. Các vị hoàng đế sau khi xuất gia rồi, con cháu đến ngày sinh nhật thường lên chùa lễ bái, lần nào cũng có cúng dường trùng tu. Trong chùa có ba gác, bảy ngôi lầu, chín điện và một trăm gian qui mô thật là to lớn_, cấu trúc tinh kỳ so với danh sơn thắng địa ở Trung Nguyên như Ngũ Đài, Phổ Đà, Cửu Hoa, Nga Mi_ là nơi có chùa chiền lớn cũng không kém gì, có điều ở sâu tại nam cương nên tên tuổi không mấy vang dội.
Trên đường đi Đoàn Dự ngồi trên lưng ngựa được bá phụ chỉ điểm cách trấn nhiếp nội tức đang xung đột trong cơ thể cũng bớt khó chịu lẽo đẽo theo được Bảo Định Đế đến tận chùa Thiên Long. Chùa này là nơi nhà vua thường đến nên liền đi vào yết kiến phương trượng Bản Nhân đại sư.
Nếu tính vai vế trong họ ở ngoài đời thì Bản Nhân đại sư là chú của Bảo Định Đế, người xuất gia không giữ lễ quân thần, cũng không theo bối phận trong gia tộc nên hai bên dùng lễ phép ngang hàng mà xưng hô. Bảo Định Đế kể lại Đoàn Dự bị Diên Khánh thái tử bắt giữ ra sao, rồi trúng tà độc thế nào, nhiễm phải tà công hóa giải nội lực người khác kể lại một lượt.
Bản Nhân phương trượng trầm ngâm một hồi nói:
-Xin mời theo ta đến Mâu Ni Đường để gặp ba vị sư huynh sư đệ.
Bảo Định Đế đáp:
-Làm phiền đến sự thanh tu của các vị đại hòa thượng quả thực tội lỗi quá lắm.
Bản Nhân phương trượng đáp:
-Trấn Nam thế tử mai sau là tự quân của nước Đại Lý ta, trên vai gánh vác họa phúc của trăm họ. Kiến thức nội lực của bệ hạ còn hơn cả ta nữa nhưng đã phải tới đây hỏi thì chuyện ắt là khó khăn trăm phần. Một mình ta không thể quyết định phải cùng với ba vị sư huynh đệ thương lượng mới xong.
Hai chút tiểu đi trước dẫn đường đi sau là Bản Nhân phương trượng, kế đến là hai bác cháu Bảo Định Đế theo Thụy Hạc môn ở bên trái tiến vào, đi qua cửa Thiên Môn, gác Thanh Đô, mỏm Ký Ký, cung Đẩu Mẫu và cung Tam Nguyên rồi Đại Sĩ viện, Vũ Hoa viện, Bát Nhã đài đến một hành lang dài thì hai chú tiểu khom lưng đứng tránh sang hai bên không đi tiếp nữa. Ba người theo hành lang đó đi về hướng tây đến trước mấy căn nhà. Đoàn Dự đã từng đến chùa Thiên Long nhiều lần nhưng nơi đây chưa từng đến, thấy mấy gian nhà đó đều làm bằng những cây thông ghép thành, cửa nẻo cột kèo đều là cây cắt ra chưa lột vỏ thật là tự nhiên, khác hẳn những điện đài tường vàng mái ngói rực rỡ trên đường đi.
Bản Nhân phương trượng chắp hai tay nói:
-A Di Đà Phật, Bản Nhân có một việc nghi nan bất quyết đến làm phiền công quả của ba vị sư huynh đệ.
Trong nhà có tiếng người vọng ra:
-Mời phương trượng vào.
Bản Nhân giơ tay chầm chậm đẩy cửa, cánh cửa kẹt kẹt đủ biết bình thời ít ai dùng đến. Đoàn Dự đi theo phương trượng và bá phụ tiến vào, chàng nghe phương trượng nói đến “ba vị sư huynh sư đệ” nhưng trong nhà có đến bốn nhà sư mỗi người ngồi trên một cái bồ đoàn riêng. Ba nhà sư ngồi hướng ra ngoài, trong đó hai người mặt khô héo còn một người cao to hồng hào. Hòa thượng ở phía đông ngồi quay vào trong tường lặng yên không cử động.
Bảo Định Đế nhận ra hai nhà sư gầy gò vàng vọt kia pháp danh Bản Quan, Bản Tướng đều là sư huynh của phương trượng Bản Nhân, còn người cao to kia pháp danh Bản Tham là sư đệ của ông ta. Nhà vua chỉ biết trong Mâu Ni Đường chùa Thiên Long có ba cao tăng Quan, Tướng, Tham, đâu ngờ rằng lại còn một vị khác, lập tức khom lưng hành lễ, các nhà sư mỉm cười đáp lại. Nhà sư quay vào tường kia không biết đang nhập định hay đang lúc hành công khẩn yếu nên không thể phân tâm, trước sau không để ý gì tới. Bảo Định Đế biết rằng hai chữ Mâu Ni vốn nghĩa là tĩnh mịch, trầm mặc, nơi đây được đặt tên Mâu Ni Đường nên càng nói ít chừng nào tốt chừng nấy, nên vắn tắt kể lại chuyện Đoàn Dự bị trúng tà độc, sau cùng kết luận:
-Thỉnh cầu bốn vị đại đức chỉ điểm cho một con đường sáng.
Bản Quan trầm ngâm một hồi, quay sang Đoàn Dự ngắm nghía thật lâu rồi mới nói:
-Hai vị sư đệ ý kiến ra sao?
Bản Tham nói:
-Nếu bị tổn thất nội lực e rằng không luyện xong được Lục Mạch Thần Kiếm.
Bảo Định Đế nghe nói đến bốn chữ Lục Mạch Thần Kiếm trong lòng chấn động nghĩ thầm: “Khi còn bé ta từng nghe cha ta nói đến họ Đoàn chúng ta tổ tiên có một môn võ công gọi là Lục Mạch Thần Kiếm, uy lực vô cùng ghê gớm. Thế nhưng cha ta cũng nói rằng cái đó cũng chỉ truyền lại vậy thôi chưa nghe nói vị tổ tiên nào luyện được, ngay cả công phu đó thần kỳ bậc nào cũng không ai hay biết. Bản Tham đại sư nói như vậy hóa ra có môn kỳ công này thật”. Ông chợt nghĩ: “Câu nói của Bản Tham đại sư có ý là nếu như dùng nội lực giải độc cho Dự nhi thì sẽ làm trở ngại cho việc luyện Lục Mạch Thần Kiếm. Thế nhưng Dự nhi trúng phải tà độc, tà công cực kỳ quái lạ nếu không nhờ vào sức của năm người thì làm sao mà trị được?”. Trong lòng ông tuy thấy băn khoăn nhưng cũng không lên tiếng từ chối.
Hòa thượng Bản Tướng không nói một lời, đứng dậy cúi đầu đôi lông mày rủ xuống lim dim đứng vào phương vị đông bắc. Bản Quan, Bản Tham cũng đứng ra hai vị trí. Bản Nhân phương trượng bước vào vị trí phía tây nói:
-Thiện tai! Thiện tai!
. Bảo Định Đế nói:
-Dự nhi, bốn vị tổ công trưởng lão không ngại tổn hao công lực, giúp con khu trị tà độc, mau khấu đầu bái tạ.
Đoàn Dự nhìn thần sắc của bá phụ và cử chỉ của tứ tăng biết việc này không phải tầm thường, lập tức quì về phía bốn nhà sư khấu đầu từng người. Bốn nhà sư mỉm cười gật đầu. Bảo Định Đế nói:
-Dự nhi, cháu ngồi xuống xếp bằng, trong lòng đừng suy nghĩ gì cả, toàn thân không sử dụng chút lực khí nào, nếu như đau nhói, ngứa ngáy, chỉ là hiện tượng bình thường chớ có kinh hãi, khiếp sợ.
Đoàn Dự vâng lời ngồi xuống.
Bản Quan hòa thượng đưa ngón tay cái bên phải ra, ngưng khí một chút rồi ấn vào sau huyệt Phong Phủ sau ót Đoàn Dự, lực đạo Nhất Dương Chỉ cuồn cuộn tuôn ra. Huyệt Phong Phủ nằm cách chân tóc chừng một tấc, thuộc về Đốc Mạch. Kế đó Bản Tướng hòa thượng cũng điểm huyệt Tử Cung thuộc về Nhâm Mạch, Bản Tham thì điểm huyệt Đại Hoành thuộc Âm Duy Mạch còn Bản Nhân phương trượng điểm vào huyệt U Môn thuộc Xung Mạch và huyệt Chương Môn thuộc Đới Mạch, Bảo Định Đế điểm vào huyệt Tinh Minh trên Âm Kiều Mạch. Kỳ kinh bát mạch tổng cộng tám đường kinh mạch, năm người để lại Dương Duy, Dương Kiều hai mạch không điểm. Cả năm người đều sử dụng công phu Nhất Dương Chỉ, dùng lực thuần dương để đẩy tà độc, tà công trong người Đoàn Dự theo các huyệt đạo từ hai mạch Dương Duy, Dương Kiều ra ngoài.
Năm đại cao thủ họ Đoàn công lực ngang ngửa nhau, chỉ nghe tiếng vèo vèo, năm nguồn thuần dương nội lực cùng tống vào cơ thể Đoàn Dự. Đoàn Dự thân thể rung động, lập tức thấy người thật là thư thái ấm áp chẳng khác gì đang lúc mùa đông ra sưởi nắng ngoài trời. Năm người vừa vận kình thấy nội lực của mình tuôn vào người Đoàn Dự rồi biến đâu mất không thể nào thu trở về được. Đoàn Dự chưa luyện Bắc Minh thần công đầy đủ kỳ kinh bát mạch nhưng năm cao thủ đẩy nội lực vào người chàng không còn cách nào khác mỗi khi truyền tới biển khí nơi huyệt Đãn Trung thì lập tức chứa vào đó. Năm đại cao thủ họ Đoàn người nọ nhìn người kia, ai nấy kinh hoảng đầy nghi vấn, không hiểu ra sao.
Bỗng nghe một gầm thật lớn, tai người nào người nấy ù cả đi. Bảo Định Đế biết đó là một công phu thượng thừa trong Phật môn tên là Sư Tử Hống, trong thanh âm chứa một luồng nội lực cực kỳ thâm hậu có tác dụng nhiếp phục kẻ địch, cảnh tỉnh phe mình. Bỗng nghe nhà sư quay mặt vào tường lên tiếng:
-Cường địch nội trong hôm nay sẽ tới, uy danh của chùa Thiên Long hàng trăm năm nay lung lay muốn đổ, đứa trẻ miệng còn măng sữa này trúng độc cũng vậy, trúng tà cũng vậy, lẽ nào lại vì y mà hao phí công lực ư?
Mấy câu nói nó đầy vẻ uy nghiêm. Bản Nhân phương trượng đáp:
-Lời dạy của sư thúc phải lắm.
Tay trái ông vẫy một cái, cả năm người cùng lui trở ra. Bảo Định Đế nghe phương trượng gọi ông ta là sư thúc vội nói:
-Không biết có Khô Vinh trưởng lão nơi đây, vãn bối chưa kịp lễ kính quả thực có lỗi.
Thì ra Khô Vinh trưởng lão là người vai vế cao nhất trong chùa Thiên Long, diện bích đã mấy chục năm, chư tăng chúng trong chùa chẳng ai biết khuôn mặt thật của ông ta như thế nào. Bảo Định Đế cũng chỉ nghe tiếng chứ trước nay chưa hề bái kiến, chỉ nghe nói ông ta tu khô thiền_ một mình trong Song Thụ Viện, hơn chục năm qua chẳng nghe ai nhắc đến lại tưởng ông ta đã viên tịch rồi.
Khô Vinh trưởng lão nói:
-Việc có khinh trọng hoãn cấp, ước hẹn với Đại Luân Minh Vương của Đại Tuyết Sơn chớp mắt là tới rồi. Chính Minh, ngươi cũng nên biết việc này.
Bảo Định Đế đáp:
-Vâng!
Ông nghĩ thầm: “Đại Tuyết Sơn Đại Luân Minh Vương Phật pháp uyên thâm nhưng có liên quan gì đến chúng ta đâu?”.
Bản Nhân phương trượng lấy trong túi ra một phong thư sáng choang để vào tay Bảo Định Đế. Bảo Định Đế cầm lấy thấy nặng chình chịch, lá thư đó quả thật kỳ dị, dùng vàng ròng dát thật mỏng làm phong bì trên khảm bạch kim thành chữ Phạn. Bảo Định Đế đọc được thấy viết là: “Thư trình Sùng Thánh Tự trụ trì”. Ông mở ra lấy phong thư cũng là vàng lá dát thật mỏng đại ý viết:
“Năm xưa có duyên gặp được Mộ Dung Bác tiên sinh, đính giao kết bạn để đàm luận võ công đương thời. Mộ Dung Bác tiên sinh rất ngưỡng mộ Lục Mạch Thần Kiếm của quí tự nhưng chưa từng được xem qua nên rất lấy làm thèm khát. Gần đây nghe tin Mộ Dung tiên sinh đã qui tiên, thật là đau lòng, muốn báo đền tấm lòng tri kỷ nên cầu xin quí tự cuốn kinh này để phàn hóa trước mộ của Mộ Dung tiên sinh, ngày một ngày hai sẽ đến lấy xin đừng từ chối. Bần tăng sẽ đem vật quí báu đến đáp đền chứ không dám đến tay không”.
Dưới phong thư thự danh là “Đại Tuyết Sơn Đại Luân Tự Thích tử Cưu Ma Trí chắp tay trăm lạy”. Chữ Phạn trên lá thư cũng nạm bằng bạch kim thật là tinh tế đủ biết do thợ khéo hao phí bao nhiêu tâm huyết mới làm được. Chỉ riêng một lá thư, một bao thư cũng đã là hai món bảo vật trân quí đủ biết người gọi là Đại Luân Minh Vương kia tiêu xài rộng rãi biết chừng nào.
Bảo Định Đế biết Đại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí là Hộ Quốc Pháp Vương của nước Thổ Phồn nhưng chỉ nghe nói ông ta là kẻ đại trí tuệ, tinh thông Phật pháp, cứ năm năm một lần lại khai đàn giảng kinh thuyết pháp, các cao tăng đại đức ở Tây Trúc, Thiên Trúc kéo đến chùa Đại Luân chất vấn kinh kệ, nghiên thảo nội điển khi trở về ai nấy đều đẹp lòng tấm tắc khen ngợi. Bảo Định Đế Cũng đã tính chuyện thân hành đi nghe giảng kinh. Trong thư này nói là y cùng Mộ Dung Bác đàm luận võ công hai bên kết thành tri kỷ vậy thì y cũng là một đại cao thủ trong võ học. Một người đại trí đại tuệ như thế không học võ thì thôi chứ nếu đã đi vào con đường này thì cũng giỏi không kể đâu cho hết.
Bản Nhân phương trượng nói:
-Lục Mạch Thần Kiếm Kinh là bảo vật trấn tự, là đỉnh cao của võ học họ Đoàn nước Đại Lý. Chính Minh, võ học tối cao của họ Đoàn ta là ở chùa Thiên Long, ngươi là người thế tục, tuy cũng là con cháu chúng ta, nhưng nhiều bí áo trong võ học cũng không tiết lộ cho ngươi được.
Bảo Định Đế đáp:
-Chính thế, việc đó vãn bối đã biết rồi.
Bản Quan nói:
-Trong bản tự có tàng trữ Lục Mạch Thần Kiếm Kinh, ngay cả Chính Minh, Chính Thuần các ngươi cũng không biết, không hiểu sao họ Mộ Dung Cô Tô kia lại hay được?
Đoàn Dự nghe đến đây đột nhiên nghĩ ra trong thạch động núi Vô Lượng nơi Lang Hoàn Phúc Địa trên những giá sách trống rỗng kia nơi thẻ “Đại Lý Đoàn thị” có đề “Nhất Dương Chỉ Quyết, thiếu”, “Lục Mạch Thần Kiếm Kinh, thiếu” bèn nghĩ thầm: “Thần tiên tỉ tỉ thu góp võ phổ quyền kinh các nhà các phái trong thiên hạ nhưng Nhất Dương Chỉ Quyết và Lục Mạch Thần Kiếm Kinh của nhà ta vẫn không cách nào kiếm ra được”. Chàng trong bụng có vẻ đắc ý nhưng cũng hơi ái ngại, vì như thế hẳn là thần tiên tỉ tỉ sẽ rất đau lòng”.
Chỉ nghe Bản Tham hậm hực nói:
-Gã Đại Luân Minh Vương kia nghe nói là một cao tăng nổi tiếng trên đời sao lại không thông đạo lý chút nào, dám đến chùa chúng ta xin cuốn kinh đó? Chinh Minh, phương trượng sư huynh biết rằng kẻ tốt lành thì chẳng tới, có tới cũng chẳng hay ho gì, hậu quả việc này ra sao không phải là nhỏ nên tự mình không thể chủ trương được nên đã mới Khô Vinh sư thúc đứng ra chủ trì đại cuộc.
Bản Nhân nói:
-Bản tự tuy có cuốn kinh đó thật nhưng nói ra thật là hổ thẹn, không một ai trong chúng ta luyện thành thân công ghi trong kinh, ngay cả có gì kỳ diệu ẩn dấu trong đó cũng không ai biết. Khô Vinh sư thúc luyện tập khô thiền, cũng là một thần công của bản tự đang vào thời kỳ kiết hạ sắp sửa thành tựu. Bọn ta chưa luyện thành thần công, người ngoài chưa chắc đã biết không lẽ Đại Luân Minh Vương ỷ thế không xem mình vào đâu, chẳng coi tuyệt học Lục Mạch Thần Kiếm ra gì hay sao?
Khô Vinh lạnh lùng đáp:
-Xem ra không phải y dám coi thường Lục Mạch Thần Kiếm đâu. Trong thư rõ ràng y rất khâm phục Mộ Dung tiên sinh, mà Mộ Dung tiên sinh lại thèm muốn bộ kinh này. Có điều y cho rằng bản tự không có cao nhân nào xuất quần bạt tụy, bảo kinh tuy quí báu thật nhưng không một ai luyện thành thật là uổng phí.
Bản Tham lớn tiếng nói:
-Nếu y ngưỡng mộ như thế xin hỏi mượn xem qua, chúng ta kính trọng y là một cao tăng cửa Phật, cùng lắm thì cũng chỉ lựa lời từ khước thì cũng không lấy gì quá đáng. Tức nhất là chỗ y muốn đem đi đốt để cúng người chết, có phải coi thường chùa Thiên Long lắm hay sao?
Bản Tướng thở dài nói:
-Sư đệ chớ nên vì việc này mà giận dữ phiền não, ta xem gã Đại Luân Minh Vương kia chẳng phải là kẻ cuồng vọng đâu, có lẽ y học đòi công tử Quí Trát_ nước Ngô treo kiếm trên mộ người xưa dủ biết y cực kỳ khâm phục Mộ Dung tiên sinh. Ôi, bạn hiền đã chết, không còn thấy lại được người xưa …
Nói rồi ông chậm rãi lắc đầu. Bảo Định Đế nói:
-Bản Tướng đại sư có biết Mộ Dung tiên sinh này là ai không?
Bản Tướng đáp:
-Ta không biết. Thế nhưng thử nghĩ Đại Luân Minh Vương là hạng người như vậy mà còn khâm bội như thế thì Mộ Dung tiên sinh hẳn là người thật phi thường.
Nói xong ông lặng người đi. Bản Nhân phương trượng nói:
-Sư thúc xét tình thế bên địch, thấy rằng chúng ta nếu như không luyện cho xong Lục Mạch Thần Kiếm e rằng bảo kinh không chừng bị người ta đoạt mất, uy danh chùa Thiên Long tan ra mây khói. Có điều môn thần kiếm này toàn là do nội lực làm chủ không thể gấp rút một ngày một buổi mà xong. Chính Minh, không phải bọn ta thấy cháu Dự bị trúng tà độc mà thõng tay không ngó ngàng gì đến, chỉ sợ tất cả hao tổn nội lực quá nhiều, cường địch đột nhiên tới nơi thật khó mà chống đỡ. Xem ra y tuy bị trúng tà độc nặng thật nhưng trong vòng vài ngày không nguy gì đến tính mạng, cứ để cho y tĩnh dưỡng ở đây mấy hôm, thương thế nếu như có gì đột biến, chúng ta sẽ tùy thời tìm cách cứu chữa, đợi khi đẩy lui được đại địch rồi, tất cả sẽ giốc toàn lực khu trừ tà độc cho y, được chăng?
Bảo Định Đế tuy lo lắng cho bệnh trạng của Đoàn Dự nhưng ông là người rất biết đại thể, biết rằng chùa Thiên Long là gốc rễ của họ Đoàn nước Đại Lý. Mỗi khi hoàng thất gặp chuyện khó khăn, chùa Thiên Long đều hết sức cứu viện để chuyển nguy thành an. Năm xưa gian thần Dương Nghĩa Trinh giết Thượng Đức Đế soán ngôi tất cả đều nhờ vào chùa Thiên Long hợp với trung thần Cao Trí Thăng dẹp loạn. Họ Đoàn Đại Lý được nước từ năm Đinh Dậu đời Ngũ Đại Thạch Tấn Thiên Phúc thứ hai, tới nay đã một trăm năm mươi tám năm, trải qua biết bao sóng to gió cả nhưng xã tắc cũng không bị sụp đổ đều là nhờ chùa Thiên Long ổn trấn kinh kỳ mấy lần, hôm nay chùa có việc khẩn cấp thật không khác gì xã tắc lâm nguy, bèn nói:
-Phương trượng nhân đức, Chính Minh cảm kích không để đâu cho hết, không biết để đối phó với Đại Luân Minh Vương, Chính Minh có đem chút lực nhỏ giúp đỡ gì được hay chăng?
Bản Nhân trầm ngâm đáp:
-Ngươi là cao thủ đệ nhất trong số tục gia của họ Đoàn ta, nếu như có thể liên thủ cùng ngăn chặn cường địch thì tiếng tăm càng tăng gia. Thế nhưng ngươi là người thế tục mà tham dự vào tranh chấp trong chốn Phật môn, không khỏi khiến cho Đại Luân Minh Vương cười chùa Thiên Long này không có người.
Khô Vinh bỗng nói:
-Nếu chúng ta mỗi người luyện Lục Mạch Thần Kiếm riêng, thì dù là ai chăng nữa cũng không đủ nội lực, chẳng thể nào luyện thành. Ta đã từng nghĩ tới một cách học tắt, mỗi người chỉ luyện một mạch, sáu người cùng ra tay. Tuy rằng lấy sáu địch một có thắng cũng không thượng võ nhưng chúng ta đâu có phải chủ trương cùng y đơn độc tranh hùng mà là bảo kinh hộ tự, dẫu có một trăm người đánh một người thì cũng được như thường. Có điều tính tới tính lui, trong chùa Thiên Long không tìm đâu ra sáu người chỉ lực tương đương cho nên vẫn trù trừ không quyết định được. Chính Minh, ngươi đến thật vừa đủ số. Có điều ngươi phải cạo đầu, mặc tăng y mới được.
Ông ta càng nói càng nhanh dường như có chiều hưng phấn, nhưng giọng nói vẫn lạnh như băng. Bảo Định Đế đáp:
-Qui y đầu Phật vốn là chí nguyện của Chính Minh này, có điều thần kiếm bí áo, Chính Minh chưa từng thấy từng nghe, trong giây lát e rằng …
Bản Tham nói:
-Công phu cơ bản của lộ kiếm pháp này, ngươi vốn đã biết rồi, chỉ cần ghi nhớ kiếm pháp là đủ.
Bảo Định Đế không hiểu hỏi lại:
-Thỉnh phương trượng chỉ điểm.
Bản Nhân phương trượng đáp:
-Ngươi ngồi xuống đây.
Bảo Định Đế liền ngồi xếp bằng trên một chiếc bồ đoàn. Bản Nhân nói:
-Lục Mạch Thần Kiếm không phải là kiếm thực mà là chỉ lực của Nhất Dương Chỉ dùng làm kiếm khí, hữu chất vô hình, có thể gọi là vô hình khí kiếm. Sở dĩ gọi là lục mạch tức là sáu mạch trên tay bao gồm Thái Âm Phế Kinh, Quyết Âm Tâm Bao Kinh, Thiếu Âm Tâm Kinh, Thái Dương Tiểu Trường Kinh, Dương Minh Vị Kinh, Thiếu Âm Tam Tiêu Kinh.
Nói rồi ông lấy từ phía sau bồ đoàn Bản Quan đang ngồi ra một quyển trục. Bản Tướng cầm lấy treo lên trên tường, quyển trục mở ra mặt vải vì lâu ngày nên đã vàng ố, trên đó vẽ một người đàn ông khỏa thân, thân thể ghi rõ các huyệt đạo, các đường kinh mạch màu đỏ và màu đen vận chuyển thế nào. Bảo Định Đế là một đại hành gia về Nhất Dương Chỉ, pho Lục Mạch Thần Kiếm Kinh này dùng chỉ lực Nhất Dương Chỉ làm cơ bản nên ông vừa trông đã hiểu ngay.
Đoàn Dự ngồi dưới đất thấy trên cẩm trục vẽ hình người đàn ông lõa thể, nhớ đến cuốn kinh mình làm rách mất, nghĩ thầm: “Kinh mạch huyệt đạo trên con người, nam nữ có khác gì nhau, thần tiên tỉ tỉ kể cũng lạ, tại sao lại vẽ thành hình đàn bà, mà những người khỏa thân kia lại vẽ tướng mạo của mình là sao?”. Chàng xem ra có điều gì không ổn, dường như thần tiên tỉ tỉ muốn đem sắc đẹp để dụ dỗ người ta, khiến người ta không thể không luyện thần công ghi trong đó, mình trong lúc thần trí mơ hồ làm hủy hoại cuốn kinh, không chừng lại làm tiêu tan một trường kiếp nạn. Có điều nếu nghĩ như thế thì quả là khinh mạn thần tiên tỉ tỉ nên ý nghĩ chỉ thoáng qua trong đầu rồi thôi, không dám nghĩ ngợi thêm nữa.
Bản Nhân nói:
-Chính Minh, ngươi là chủ của nước Đại Lý, cải trang mặc quần áo khác, tuy chỉ là kế quyền nghi nhất thời, nhưng nếu để đối phương nhìn ra thì thật là tổn hại đến quốc thể. Lợi hại hai bên thế nào, nhà ngươi tự quyết định lấy.
Bảo Định Đế chắp hai tay nói:
-Hộ pháp hộ tự là việc nghĩa lẽ nào còn tính toán gì nữa.
Bản Nhân nói:
-Hay lắm, chỉ vì Lục Mạch Thần Kiếm Kinh này không truyền cho đệ tử tục gia, ngươi phải thế độ thì ta mới truyền cho ngươi được. Đợi khi nào đẩy lui được cường địch rồi lúc ấy ngươi hãy hoàn tục.
Bảo Định Đế đứng lên, quì hai gối xuống nói:
-Xin đại sư mở lòng từ bi.
Khô Vinh đại sư nói:
-Ngươi lại đây, để ta thế độ cho ngươi.
Bảo Định Đế tiến lên quì xuống ở sau lưng ông ta. Đoàn Dự thấy bá phụ định cắt tóc đi tu, trong lòng hơi bàng hoàng. Khô Vinh đại sư đưa tay phải ra, vòng lại sau để lên đầu Bảo Định Đế, bàn tay trông như không còn chút thịt nào, da sát vào chẳng khác gì một bộ xương khô. Khô Vinh đại sư vẫn ngồi đó không quay lại đọc một bài kệ:
Đã mang nghiệp xuống cõi trần,
Khác chi hạt bụi xoay vần hư không.
Lang thang nơi cõi mênh mông,
Nếu chưa kiến tính còn trong luân hồi.
Nhất vi trần trung nhập tam muội,
Thành tựu nhất thiết vi trần định.
Nhi bỉ vi trần diệc bất tăng,
Ư nhất phổ hiện nan tư sát.
Bàn tay ông đưa lên bao nhiêu tóc trên đầu Bảo Định Đế lả tả rơi xuống, đầu trọc lốc không còn một sợi nào, tưởng như có dùng dao cạo cũng không nhẵn được đến thế. Đoàn Dự cố nhiên hết sức kinh ngạc mà cả Bảo Định Đế, Bản Quan, Bản Nhân mọi người đều vô cùng bội phục: “Khô Vinh đại sư tham tu khô thiền công lực đạt đến mức cao thâm thật”.
Lại nghe Khô Vinh đại sư nói tiếp:
-Ngươi vào cửa Phật lấy pháp danh là Bản Trần.
Bảo Định Đế chắp tay đáp:
-Tạ sư phụ ban cho tên này.
Trong Phật môn không còn câu nệ vai vế ngoài đời, Bản Nhân phương trượng tuy là thúc phụ của Bảo Định Đế nhưng Bảo Định Đế được Khô Vinh thế độ nên thành sư đệ của Bản Nhân. Kế đó Bảo Định Đế đi thay tăng bào, tăng hài biến ngay thành một vị hữu đạo cao tăng.
Khô Vinh đại sư nói:
-Gã Đại Luân Minh Vương kia hôm nay sẽ đến không chừng. Bản Nhân, ngươi đem những bí áo trong Lục Mạch Thần Kiếm truyền cho Bản Trần.
Bản Nhân đáp:
-Vâng!
Ông chỉ vào kinh mạch đồ trên tường nói:
-Bản Trần sư đệ, trong sáu mạch đây, ngươi chuyên tập Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu Kinh Mạch, chân khí từ Đan Điền chạy vào các huyệt nơi cánh tay và vai, từ Thanh Lãnh Uyên đến huyệt Thiên Tỉnh nơi khoeo tay, sau đó chạy tới Tứ Độc, Tam Dương Lạc, Hội Tông, Ngoại Quan, Dương Trì, Trung Chử, Dịch Môn, ngưng tụ chân khí từ ngón tay vô danh theo huyệt Quan Xung mà phóng ra.
Bảo Định Đế y theo đó vận chân khí, ra đến đầu ngón tay vô danh nghe tiếng vèo vèo theo huyệt Quan Xung vọt ra. Khô Vinh đại sư vui mừng nói:
-Nhà ngươi nội lực tu luyện không phải tầm thường. Pho kiếm pháp này tuy biến hóa phức tạp thật nhưng nếu kiếm khí đã thành rồi thì có thể tùy ý mà vận dụng.
Bản Nhân nói:
-Cứ theo bản ý của Lục Mạch Thần Kiếm thì phải do một người cùng sử dụng cả sáu mạch kiếm khí. Có điều bây giờ là thời mạt thế, võ học suy vi, không có ai nội lực đủ hùng hậu để làm chuyện đó, chúng ta đành phải sáu người chia ra sử dụng sáu mạch kiếm khí. Sư thúc chuyên luyện Thiếu Thương Kiếm ở ngón tay phải, ta chuyên luyện Thương Dương Kiếm ở ngón tay trỏ, Bản Quan sư huynh luyện Trung Xung Kiếm ở ngón tay giữa, Bản Trần sư đệ luyện Quan Xung Kiếm ở ngón tay vô danh, Bản Tướng sư huynh luyện Thiếu Xung Kiếm ở ngón tay út, Bản Tham sư đệ luyện Thiếu Trạch Kiếm ở ngón út tay trái. Việc không thể chậm trễ, chúng ta nên bắt đầu ngay là vừa.
Ông ta lấy ra sáu bức đồ hình, treo lên bốn bức tường, hình vẽ Thiếu Thương Kiếm ngay trước mặt Khô Vinh đại sư. Mỗi bức vẽ đầy những đường ngang dọc giao thoa, hình tròn cũng như hình cánh cung. Sáu người ai nấy chăm chú luyện kiếm khí đồ của mình, giơ ngón tay ra điểm hờ, vẽ hờ lên trên không.
Đoàn Dự len lén ngồi lên thấy chân khí trong người dâng tràn, so với khi trước còn khó chịu hơn nhiều. Thì ra Bảo Định Đế, cùng sư huynh đệ của phương trượng Bản Nhân đã đem một số lượng nội lực đáng kể truyền vào người chàng. Đoàn Dự thấy bá phụ và những người khác tập trung tinh thần vận công nên không dám lên tiếng quấy nhiễu, ngồi ngơ ngẩn một lúc thấy thật rảnh rỗi, vô ý đưa mắt nhìn vào bức hình kinh mạch huyệt đạo treo trước mặt Khô Vinh đại sư. Chàng coi một hồi bỗng thấy cánh tay phải của mình giật giật liên tiếp, tưởng như có con gì ở trong da thịt muốn chui ra ngoài. Nơi con vật muốn chui ra đó chính là huyệt Khổng Tối ghi trên đồ hình.
Đường kinh mạch Thủ Thái Âm Phế Kinh chàng đã từng luyện qua, những huyệt đạo trên tường giống hệt những huyệt ghi trên hình người đàn bà khỏa thân nhưng đường đi thì hoàn toàn khác hẳn. Chàng nhìn theo một đường dây đỏ trên bức vẽ, từ huyệt Khổng Tối đến huyệt Đại Uyên rồi nhảy trở về Xích Trạch, rồi chạy xuống dưới tới huyệt Ngư Tế, tuy chạy ngược chạy xuôi nhưng luồng chân khí tả xung hữu đột trong cơ thể vẫn thuận theo tâm ý, chạy ngược lên đến khuỷu tay rồi chạy thẳng lên cánh tay. Chân khí thuận theo kinh mạch mà vận hành, bao nhiêu nhộn nhạo khó chịu trong người liền tiêu giảm, chàng chuyên tâm ngưng chí đem luồng chân khí chuyển vào huyệt Đãn Trung.
Thế nhưng kinh mạch vận hành không giống như theo người đàn bà khỏa thân trên bức trục gấm nên luồng chân khí này không dễ dàng chạy vào huyệt Đãn Trung. Một hồi sau chàng liền phải suýt soa kêu lên mấy tiếng, Bảo Định Đế vội quay lại hỏi:
-Cháu thấy trong người ra sao?
Đoàn Dự đáp:
-Trong người cháu có vô số khí chạy nhảy lung tung, khó chịu quá. Cháu theo các sợi đỏ trên bức hình của thái sư bá để đưa khí về huyệt Đãn Trung, nhưng chao ôi! huyệt Đãn Trung càng lúc càng đầy ứ, không đưa thêm vào được. Cháu … cháu … huyệt Đãn Trung của cháu muốn nổ tung ra.
Cái cảm giác đó chỉ có người trong cuộc mới biết, chàng thấy ngực căng phồng lên tưởng như sắp vỡ đến nơi còn người ngoài không thấy gì khác thường. Bảo Định Đế biết rằng tu tập nội công ắt sẽ có những huyễn tượng, nhưng nếu huyệt Đãn Trung căng phồng muốn vỡ tung ra thì ít nhất cũng phải tu tập hai chục năm, nội lực hồn hậu vô cùng mới có cảm giác đó được, còn Đoàn Dự chưa từng học qua nội công, huyễn tượng đó hẳn là vì bị trúng tà độc mà thành.
Bảo Định Đế thầm kinh hoảng biết rằng nếu như chàng không thể đạo khí qui hư_ thân thể sẽ bị tê liệt, thế nhưng nếu đem luồng tà độc ấy đưa vào tạng phủ thì sau này trục được ra còn khó khăn vạn lần. Bình thời mỗi khi gặp chuyện nguy nan đại sự ông luôn luôn sáng suốt quả cảm, chỉ một lời là quyết định xong nhưng trước mặt việc quan hệ đến cả đời Đoàn Dự, chỉ sai sẩy một chút lập tức có thể nguy đến tính mạng. Oâng thấy Đoàn Dự hai mắt thần quang tán loạn xem ra có vẻ điên cuồng, không còn chần chờ gì nữa lập tức quyết định: “Thôi thì chỉ còn có nước “ẩm chậm chỉ khát”_ đành vậy biết làm sao hơn”. Ông bèn nói:
-Dự nhi, để ta dạy cháu pháp môn đạo khí qui hư.
Ông liền đem phương pháp chỉ dẫn cho Đoàn Dự. Đoàn Dự không đợi ông nói xong, nghe câu nào lập tức áp dụng ngay câu ấy. Pháp yếu về nội công của họ Đoàn nước Đại Lý quả thực tinh diệu tuyệt luân, chàng vừa theo đó mà làm, bốn luồng chân khí đang cuồn cuộn ở bên ngoài liền thu vào trong tạng phủ. Y thư Trung Quốc gọi các bộ phận trong con người là tạng phủ, tạng đồng nghĩa với tàng trữ còn phủ chính là kho lẫm nên đã hàm ý tụ tập tích súc. Đoàn Dự đầu tiên hút được toàn bộ nội lực của bảy tên đệ tử Vô Lượng Kiếm, sau lại hút một phần nội lực của các cao thủ Đoàn Diên Khánh, Hoàng Mi tăng, Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần, Vân Trung Hạc, Chung Vạn Cừu, Thôi Bách Tuyền, hôm nay lại được thêm một ít của năm đại cao thủ là Bảo Định Đế, Bản Quan, Bản Tướng, Bản Tham, Bản Nhân nên chân khí trong người rất dồi dào, nội lực mạnh mẽ có thể nói là trên đời không ai bì kịp. Bây giờ chàng được bá phụ chỉ điểm, đem các luồng chân khí này tàng trữ nơi tạng phủ, toàn thân càng lúc càng khoan khoái, thấy người nhẹ nhàng tưởng chừng có thể bay lên không.
Bảo Định Đế thấy chàng mặt tươi như hoa cực kỳ vui sướng lại tưởng chàng bị rơi vào ma chướng đã sâu, e rằng tà độc từ này sẽ đeo đuổi không thôi càng khó trừ hơn nữa, không khỏi di lụy suốt đời, trong bụng thầm chua chát.
Khô Vinh đại sư thấy Bảo Định Đế đã truyền dạy công phu xong liền bảo:
-Bản Trần, duyên nghiệp của con người ai làm nấy chịu, họa phúc đúng sai đều do tâm mà sinh ra. Con cũng chẳng nên quá lo lắng cho người khác, mau luyện Thiếu Dương Kiếm đi.
Bảo Định Đế đáp:
-Vâng!
Ông cố gắng thu nhiếp tâm thần, tiếp tục nghiên cứu kiếm pháp. Chân khí trong người Đoàn Dự cực kỳ sung mãn, một buổi một lúc không thể nào đưa hết về tàng trữ trong tạng phủ được, nhưng có điều pháp môn này càng thực hành càng thuần thục, về sau cùng thu càng nhanh. Trong tăng xá bảy người ai cũng lo hành công không để ý phương đông trời đã hưng hửng sáng.
Bỗng nghe tiếng gà gáy vọng lại, Đoàn Dự thấy trong khắp người mình không còn chút chân khí nào ở ngoài nữa nên đứng lên vận động cho dãn gân cốt, thấy bá phụ và năm vị cao tăng vẫn chuyên tâm nghiên luyện kiếm pháp. Chàng không dám mở cửa bước ra ngoài tản bộ, cũng không dám lên tiếng làm rộn sáu người đang hành công, không có việc gì làm, tiện thể nhìn lên hình vẽ kinh mạch của bá phụ xem thử, rồi quay sang nhìn kiếm pháp đồ hình Thiếu Dương Kiếm, tuy đã nghe thái sư bá nói là Lục Mạch Thần Kiếm không truyền cho tục gia tử đệ, nhưng nghĩ thầm loại kiếm pháp cao thâm thế này chàng làm sao học nổi có xem cũng chỉ xem chơi cho biết.
Chàng coi đến lúc tâm thần chuyên chú, đột nhiên cảm thấy một luồng chân khí từ đan điền xông lên đến cánh tay thuận theo đường chỉ đỏ đến huyệt Quan xung ở ngón tay vô danh. Chàng không biết cách vận khí phóng ra chỉ thấy đầu ngón tay vô danh căng phồng thật khó chịu nghĩ thầm: “Thôi ta phải đem luồng khí này trở về mới được”. Chàng nghĩ vậy lập tức luồng chân khí đi theo kinh mạch chạy trở về đan điền.
Đoàn Dự có biết đâu mình vô ý học được một phương pháp nội công thượng thừa, chỉ cảm thấy luồng chân khí chạy tới chạy lui trên cánh tay, muốn sao được vậy, thật là thích thú. Trong ba nhà sư ở Mâu Ni Đường chàng thấy hòa thượng Bản Tướng vui vẻ dễ thân cận nhất nên quay sang nhìn Thủ Thiếu Âm Tâm Kinh Mạch Đồ của ông ta. Kinh mạch này chạy từ huyệt Cực Tuyền ở dưới nách đi đến huyệt Thanh Linh ở trên khuỷu tay ba tấc, đến huyệt Thiếu Hải ở chỗ lõm dưới cùi chỏ, đi qua các huyệt Linh Đạo, Thông Lý, Thần Môn, Thiếu Phủ tận cùng ở huyệt Thiếu Xung nơi ngón tay út. Chàng ngẫm nghĩ tự nhiên thấy một luồng chân khí đi theo lộ tuyến kinh mạch mà vận hành, có điều nhanh chậm rộng hẹp thì chưa được như ý, có khi thì được, có lúc lại không đi, nghĩ tại mình công lực chưa được bao nhiêu nên cũng không để ý tới nữa.
Chỉ trong nửa ngày Đoàn Dự đã thông qua tất cả các huyệt đạo trên sáu bức đồ hình. Chàng thấy tinh thần sảng khoái, cũng chẳng có việc gì làm nên lại quay qua xem hình vẽ của Thiếu Thương, Thương Dương, Trung Xung, Quan Xung, Thiếu Xung, Thiếu Trạch sáu đường kiếm pháp. Chỉ thấy chỉ đen chỉ đỏ, ngang dọc giao thoa đầu mối thật khó mà dò nghĩ thầm: “Các kiếm chiêu phiền toái thế này, việc gì phải nhớ làm chi? Huống chi thái sư bá đã bảo rằng, tục gia tử đệ không được học kia mà”.
Chàng bèn không xem nữa, trong bụng thấy đói nghĩ bụng: “Sao mấy chú tiểu không ai mang cơm chay hay mì gì cả? Thôi mình len lén chui ra ngoài kiếm gì ăn mới được”. Ngay lúc đó chàng ngửi thấy một mùi đàn hương thơm ngát, tiếp theo là tiếng Phạn tụng niệm văng vẳng tiếng được tiếng mất từ xa truyền tới.
Khô Vinh đại sư nói:
-Thiện tai! Thiện tai! Đại Luân Minh Vương đã đến rồi đây. Các ngươi luyện được đến đâu rồi?
Bản Tham đáp:
-Tuy chưa thuần thục, nhưng xem chừng cũng đủ để nghinh địch rồi.
Khô Vinh đại sư nói:
-Hay lắm! Bản Nhân, ta không muốn đi ra vậy ngươi ra mời Minh Vương vào trong Mâu Ni Đường để gặp nhau.
Bản Nhân phương trượng đáp lời:
-Vâng!
Rồi đi ra ngoài. Bản Quan nhặt năm chiếc bồ đoàn lên xếp thành một hàng ở phía đông, bên phía tây để một cái bồ đoàn khác. Ông ta ngồi vào chiếc đệm thứ nhất, Bản Tướng thứ hai, Bản Tham thứ tư để trống chiếc thứ ba cho Bản Nhân phương trượng. Bảo Định Đế ngồi ở chiếc đệm thứ năm còn Đoàn Dự không có chỗ ngồi nên đứng sau lưng Bảo Định Đế.
Cả Khô Vinh lẫn những người khác ôn lại đồ hình một lần cuối rồi mới cuộn các hình vẽ đó lại, để ở trước mặt Khô Vinh đại sư. Bảo Định Đế nói:
-Dự nhi, tới khi kịch chiến trong phòng kiếm khí tung hoành rất là hung hiểm, báp hụ không thể nào phân tâm bảo hộ cho cháu được. Cháu đi ra ngoài chơi thì hơn.
Đoàn Dự trong lòng đau đớn: “Nghe lời của mọi người thì gã Đại Luân Minh Vương này võ công cực kỳ lợi hại, Quan Xung kiếm pháp bá phụ mới luyện đây, không biết có địch lại y không, nếu sơ sẩy thì biết làm sao?”. Chàng bèn nói:
-Bá bá, cháu … cháu ở đây với bác, bác đấu kiếm với người ta cháu không yên tâm …
Chàng nói đến mấy tiếng sau cùng, thanh âm nghẹn ngào. Bảo Định Đế trong lòng rung động: “Thằng bé này quả là có hiếu”.
Khô Vinh đại sư nói:
-Dự nhi, cháu ngồi trước mặt ta đây, Đại Luân Minh Vương kia dẫu có lợi hại đến đâu cũng không động đến một sợi lông của cháu được.
Giọng nói của ông ta tuy lạnh như băng nhưng ngữ khí có vẻ như ngạo nghễ. Đoàn Dự đáp:
-Vâng!
Chàng khom lưng đi vào trước mặt Khô Vinh đại sư nhưng không dám ngẩng lên nhìn mặt ông ta, chỉ xếp bằng ngồi xuống. Thân hình Khô Vinh đại sư cao hơn Đoàn Dự nhiều nên che hết người chàng. Bảo Định Đế trong lòng cảm kích lại cũng yên tâm, mới rồi Khô Vinh đại sư dùng Khô Thiền Công cạo đầu cho ông, thần công đó có thể nói là trên đời không ai bì kịp, muốn bảo vệ Đoàn Dự thật quả có thừa.
Sau đó Mâu Ni Đường thật lặng thinh hoàn toàn không một tiếng động. Một lúc sau có tiếng Bản Nhân phương trượng:
-Minh Vương pháp giá xin mới quá bộ lại Mâu Ni Đường.
Kế đó có tiếng người nói:
-Cảm phiền phương trượng dẫn đường cho.
Đoàn Dự nghe giọng nói thật là thân thiết hòa hoãn rất là lễ độ không phải là kẻ hung ác áp bức người khác. Nghe tiếng chân có đến mươi người rồi tiếng Bản Nhân phương trượng mở cửa nói:
-Xin mời Minh Vương.
Đại Luân Minh Vương cất bước tiến vào Phật đường nói:
-Xin phép.
Ông ta hướng về phía Khô Vinh đại sư chắp tay hành lễ nói:
-Vãn bối Cưu Ma Trí của nước Thổ Phồn tham kiếm tiền bối đại sư.
Một tươi một héo hai cây,
Hữu thường bên nọ bên đây vô thường.
Đông Tây Nam Bắc bốn phương,
Thật không, không thật đều không là gì.
Hữu thường vô thường,
Song thụ khô vinh.
Nam Bắc Tây Đông,
Phi giả phi không.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Bốn câu kệ này có nghĩa là gì?” Thế nhưng Khô Vinh đại sư giật mình: “Đại Luân Minh Vương bác học tinh thâm, quả thật danh bất hư truyền. Y vừa mới gặp mặt đã nói ngay được lai lịch lối tu khô thiền của ta”.
Năm xưa khi đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn nơi giữa hai cây bà la_ tại thành Câu Thi Na_ thì bốn phía đông tây nam bắc mỗi hướng có hai cây, một cây tươi, một cây khô cho nên gọi là “tứ khô tứ vinh”. Cứ theo kinh Phật chép: hai cây ở hướng đông tượng trưng cho thường và vô thường, hai cây ở phương nam tượng trưng cho lạc và vô lạc, hai cây ở phương tây tượng trưng cho ngã và vô ngã, còn hai cây ở phương bắc tượng trưng cho tịnh và vô tịnh. Cây cối xanh tốt tượng trưng cho bản tướng tức là thường, lạc, ngã, tịnh; còn khô héo điêu tàn là thực tướng tức là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Phật Như Lai nhật diệt ở trong tám cảnh giới đó có ý là phi khô phi vinh, phi giả phi không.
Khô Vinh đại sư mấy chục năm qua tu khô thiền cũng chỉ mới cảnh giới “bán khô bán vinh”, không sao lên thêm một tầng nữa để được tới cảnh giới “phi khô phi vinh, diệc khô diệc vinh” nên không khỏi thảng thốt nói:
-Minh Vương từ xa tới đây, lão nạp không đi ra đón được, xin Minh Vương mở lòng từ bi mà tha lỗi cho.
Đại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí đáp:
-Uy danh của chùa Thiên Long tiểu tăng đã hâm mộ từ lâu, hôm nay được thấy bảo tướng trang nghiêm thực là hân hạnh.
Bản Nhân phương trượng nói:
-Xin mời Minh Vương ngồi.
Cưu Ma Trí cảm tạ ngồi xuống. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Không biết vị Đại Luân Minh Vương này hình dáng thế nào?”. Chàng len lén nghiêng đầu nhìn qua bên hông Khô Vinh đại sư thấy trên một nhà sư mặc tăng bào màu vàng ngồi chiếc bồ đoàn phía tây. Y chưa đến năm mươi tuổi, áo vải giày rơm, vẻ mặt vui tươi dường như có ánh sáng lẩn khuất chẳng khác gì minh châu bảo ngọc tự mang vẻ sáng. Đoàn Dự chỉ mới nhìn qua ông ta đôi lần trong lòng đã nảy sinh một vẻ ngưỡng mộ thân cận. Chàng lại nhìn qua khe cửa ra ngoài thấy có tám chín hán tử, mặt mày bặm trợn dễ sợ trông không phải người Trung Thổ, chắc là những tùy tòng Đại Luân Minh Vương mang từ Thổ Phồn qua.
1 Tu quay mặt vào tường