Đọc truyện Thiên Kim Làm Vợ Kế – Chương 3: Chọn người
Diêu Nhược Thủy đã suy nghĩ kĩ càng về chuyện trước kia, bất luận thế nào thì bản thân nàng và Thái tử cũng là một đôi hữu duyên vô phận. Người trước kia bây giờđã không thể trở thành phu quân của nàng. Suy nghĩ nhiều cũng chỉ phí công, chi bằng tán gẫu giết thời gian.
Chỉ trong chốc lát, Đường ma ma đã đến, trên tay còn bưng thêm một chén canh cá: “Tiểu thư, mau uống chén canh cá này đi, cá mới đánh, tươi lắm đấy.” Đường ma ma vừa cười vừa bưng chén canh bước lại gần.
“Được, ma ma, bà cũng ngồi đi. Tiện thể bây giờ chúng ta cũng đang rảnh rỗi, hay là ma ma nói cho ta biết một chút về chuyện xuất giá đi. Ma ma cũng biết đấy, cao môn giá nữ, đê môn thú tức[1]. Đến bây giờ mẫu thân ta cũng chưa từng chỉ dạy qua… Nói như vậy là…”
“Tiểu thư, già biết. Sau khi chúng ta đến Đài Châu, không cần biết gia thế đối phương ra sao, so với Diêu gia mà nói cũng là thấp kém hơn. Hầu môn thế gia tranh giành vị trí kế thừa, tranh giành cơ hội được nở mặt nở mày. Gia tộc nhỏ hơn thì lại tranh giành tài sản, cho nên phải giành cho bằng được ví trí chủ quản trong phủ. Mọi người các phòng đều sống chung một chỗ, các thiếu gia thì có người do phu nhân sinh, có người được cưng chiều nhưng lại do di nương[2] sinh, quan hệ rất phức tạp, lộn xộn. Phu nhân đã dặn lúc này nhất định phải tìm một gia đình đơn giản cho tiểu thư, gia thế không quan trọng, chỉ cần đối phương là người tốt.” Đường ma ma trịnh trọng nói.
Mệnh tiểu thư thật khổ, từ trên mây rơi thẳng xuống nơi không hơn gì vũng bùn này. Đường ma ma huyên thuyên nói thêm những chuyện khác. Dọc đường Nhược Thủy cũng trò chuyện với Tam ca, cùng hàn huyên với bà vú vàả nha hoàn, tận hưởng khoảng thời gian thoải mái cuối cùng trước khi xuất giá, chẳng mấy chốc đã qua hơn mười ngày.
“Nhược Thủy, bảo Thanh Tố chuẩn bị một chút đi, một canh giờ nữa là chúng ta đến nơi rồi.” Tam ca Diêu gia – Diêu Nhược Táp gõ cửa phòng Nhược Thủy nói vọng vào. Nhược Thủy tự mình chỉnh trang lại rồi bước lên boong thuyền, đã đến ranh giới Đài Châu. Phóng tầm mắt về phía ruộng lúa bát ngát đằng xa, Nhược Thủy đứng ở đầu thuyền một lát thì thành Đài Châu phồn thịnh đã hiện ra trước mắt. Sau khi mọi người xuống thuyền, một người trông như quản gia, dẫn theo một gã sai vặt bước lên nghênh đón, “Nhị thiếu gia, để tiểu nhân thay ngài trông nom mọi việc.”
“Ngô Kha, thúc phụ cũng cho phép ông đến đây sao. Đây là Tam thiếu gia và đại tiểu thư của Diêu gia. Tam đệ, tiểu muội, đây là Ngô Kha, đại quản gia của nhà thúc phụ ta.” Chu Nhị thiếu gia xoay người giới thiệu với hai huynh muội.
“Tiểu nhân xin thỉnh an hai vị.” Ngô Kha vừa cười vừa thỉnh an hai huynh muội họ, hai người cũng mỉm cười rồi gật đầu đáp lễ. “Nhị thiếu gia, ngài dẫn hai vị khách quý lên xe ngựa trước đi, tiểu nhân sẽ sai người đưa đồ đạc đến sau.” Ngô quản gia vừa trò chuyện vừa chỉ huy đám thủ hạ khiêng hòm rương từ trên thuyền xuống.
Chỉ sau một nén nhang, xe ngựa đã đến cửa Chu gia, vừa vào cổng đã nhìn thấy hai cô gái ăn vận gọn gàng vừa cười vừa bước ra đón. Chu Nhị thiếu gia giới thiệu người vận lam y, vóc dáng dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan chính là Đại biểu tẩu Vương thị của Chu gia, còn người vận lục y, hơi mập mạp chính là Nhị biểu tẩu Trình thị.
Sau khi thi lễ, Nhược Thủy theo mọi người đến phòng chính, bái kiến Nhị thúc phụ và Nhị thẩm của Chu gia. Gương mặt Chu đại nhân đầy ý cười, quan tâm hỏi han Diêu Nhược Táp về sức khỏe của mọi người trong Diêu gia, sau lại hỏi bọn họ đi đường có mệt mỏi, vất vả lắm không. Diêu Nhược Táp vốn đã quen với những lời hỏi thăm thân tình này nên cũng rất kiên nhẫn đáp lời từng vấn đề một.
Diêu phu nhân cũng thăm hỏi những điều tương tự, sau mới để NhượcThủy và các biểu ca biểu tẩu Chu gia trở về phòng, chỉ giữ lại Nhược Táp và Nhị thiếu gia Chu gia ở lại cùng hai người lớn bọn họ bàn bạc về chuyện hôn sự của Nhược Thủy. Tin tức từ Diêu thái phó đã được đưa đến từ bốn ngày trước, sau khi nhận thư, Chu đại nhân tỉ mỉ đọc rồi phân tích ý tứ trong ngoài của bức thư với phu nhân. Chu đại nhân vốn nhờ vào sự đề bạt của huynh đệ trong kinh thành mới có thể làm đến chức vị hiện tại, mà huynh đệ trong kinh thành thuận buồm xuôi gió thăng tiến cũng là nhờ Diêu gia chiếu cố không ít.
Chuyện Diêu gia nhờ cậy bọn họ giúp đỡ có thể nói là trăm năm mới có một lần, bình thường chỉ có bọn họ phải chạy theo nịnh nọt. Vợ chồng Chu đại nhân đã quyết phải chu toàn nhiệm vụ được giao phó lần này, thắt chặt thêm mối thân tình với Diêu gia. Sau khi Chu phu nhân phân tích cặn kẽ xong với lão gia nhà mình, dưới sựủng hộ tuyệt đối của Chu lão gia, bà gần như thu thập, chọn lựa hết những người góa vợ có gia thế tốt trong phạm vi Đài Châu này. Cuối cùng cũng chọn ra được ba người tương đối tốt.
Người thứ nhất là thiếu gia của Trần gia, Trần gia là đại thế gia ở Chiết Giang, gia thế giàu có, cha mẹ chồng hòa thuận. Khuyết điểm là Trần thiếu gia là con trai độc nhất, nuông chiều từ nhỏ đến nay nên chỉ là một kẻ vô tích sự. Tuổi tác cũng lớn, dưới gối còn có ba con trai một con gái, bốn người thiếp thất.
Người thứ hai là con trai thứ ba của Bàng gia, Tam công tử Bàng gia tuổi trẻ tài cao, hiện đang là cử nhân, dưới gối chỉ có một đứa con trai do nguyên phối sinh ra, thiếp thất cũng có mấy phòng, song đây là con người thẳng thắn, biết đối nhân xử thế, dáng dấp anh tuấn mười phần. Khuyết điểm là mẹ chồng rất nghiêm khác, chị em dâu cũng không mấy dễ chịu.
Người thứ ba là lão Nhị của Tiết gia, đệ đệ của Tiết tri huyện, cha mẹ mất sớm, gả vào nhà không cần phải hầu hạ mẹ chồng, có ba con trai, một do nguyên phối sinh, một do thông phòng[3] sinh, còn lại là do một thê thiếp sinh, là một người rất kiên định. Khuyết điểm là bản thân anh ta là người buôn bán, Tiết gia lại đại thế gia nhưng anh ta và ca ca lại tách riêng, không có khả năng nhờ cậy vào vinh quang của gia tộc.
Chu phu nhân lần lượt đặt danh thiếp của ba người này lên mặt bàn để Diêu Nhược Táp xem qua. Diêu Nhược Tạp nhìn qua một lượt, trong lòn cóý nghiêng về người thứ ba, thế nhưng hắn vẫn muốn nghe ý kiến của trưởng bối, liền khách khí hỏi ý Chu phu nhân.
Chu phu nhân thấy Tam công tử khí thế bức người của Diêu gia lại muốn hỏi ý một phụ nhân như mình, trong lòng không khỏi vui mừng, bà thu lại dáng cười rồi trịnh trọng nói: “Ở đây đều là người trong nhà, nên chúng ta cũng không giấu gì nhau, tiểu thư nhà chúng ta cũng chẳng phải người ham hư danh. Người thứ nhất này nếu không chịu cố gắng thì cha mẹ có nhiều tiền tài hơn cũng mau chóng cạn kiệt. Người thứ hai mẹ chồng nghiêm khắc như thế, e là tiểu thư nhà chúng ta không chịu nổi. Ngời thứ ba này tuy gia thế không bằng, nhưng lại tách biệt với ca ca, tiểu thư gả vào cũng coi như là chủ sự một nhà. Hơn nữa nhà này còn muốn cầu cạnh lão gia nhà chúng ta, anh ta nhất định sẽ chiếu cố tiểu thư thật tốt. Tam thiếu gia, ngài thấy thế nào?”
Nhược Táp ôm quyền, “Con và muội muội tuổi còn trẻ không hiểu rõ chuyện này, chi bằng tất cả nhờ cậy thúc thúc và thẩm thẩm làm chủ, xin làm phiền hai người.” Chu phu nhân biết đây là biểu thịý chọn người này. Diêu gia đã đồng ý, bà liền cam đoan rằng buổi chiều sẽ có người đến truyền tin, ngày mai nhận được hồi âm, chứng tỏ chuyện đã thành. Nhược Táp lại bày tỏ lòng biết ơn lần thứ hai.
Xế chiều hôm đó, Chu phu nhân sai người đưa thiệp đến mời Đại nãi nãi[4] của Tiết gia đến phủ thưởng trà. Lại nói hôm nay chính là ngày nghỉ của quân phủ, khi thiệp của Chu gia được đưa đến, Tiết Đại Thiểu đãở nhà, ông cầm lấy tấm thiệp mời tự hỏi không biết đã xảy ra chuyện gì, sao quan trên lại đột nhiên mời phu nhân ông sang thưởng trà chứ.
Tiết Đại nãi nãi không kịp lo lắng nhiều như thế, quan lớn hơn một cấp cũng đủ đè chết người, huống chi đây lại là hơn vài phẩm. Thái thái[5] tứ phẩm nhà người ta mời phu nhân thất phẩm nhà ông đến uống trà, ông dám không đi? Lá gan của bà không lớn đến thế, Tiếu Đại Thiểu luôn miệng an ủi thê tử, bọn họ muốn nói gì với bà cũng đừng hoảng hốt, đừng sợ, cứ thả lỏng trước đã, quay về rồi chúng ta cùng nhau bàn bạc sau.
Tiết Đại nãi nãi ngồi trên xe suy xét, tính toán hết mọi khả năng. Chuyện mà phụ nữ có thể nói với nhau chỉ có vài chủ đề. Kết hôn? Nhà ta cũng không có mấy người hợp tuổi nhỉ. Cấp thiếp? Không nghe trong nhà nói có ý nạp thiếp mà. Chuyện con trẻ? Con của tri phủ đại nhân chính là Chu gia dòng dõi thư hương, con cái của thiếp thất nhà mình vốn không thể so sánh. Càng đoán càng sai, càng sai lại càng lo sợ. Bà thấp thỏm bước vào cửa Chu gia, bước vào phòng đã thấy Chu phu nhân đang ung dung thưởng trà.
Ban đầu Chu phu nhân hàn huyên vài câu, thấy bầu không khí đã thoải mái hơn, có thể nói vào chuyện chính ngày hôm nay. “Tiết Đại nãi nãi, Nhị thúc nhà bà cũng đã ngoài hai mươi hai rồi nhỉ?” Chu phu nhân khéo léo mào đầu.
“Trí nhớ của phu nhân thật tốt, phải, Nhị thúc nhà tôi năm nay đã ngoài hai mươi hai.” Chuyện của Nhị thúc? Là chuyện làm ăn sao? Những chuyện như thế không phải là chúấy nên trực tiếp bàn bạc sao, nếu không thì cũng có thể tìm gặp phu quân bà kia mà.
“Chà, vợ cậu ta cũng đã qua đời bốn, năm năm rồi nhỉ. Cuộc sống này thật quá ngắn ngủi!”
“Dạ phải, Nhị thúc cũng rất đau lòng, cả thê tử và thông phòng đều qua đời vì sinh khó, chỉ còn lại ba thằng con trai do một thiếp thất trông nom.” Nhắc đến thê tử của Nhị thúc để làm gì nhỉ, định nhét người vào cho Nhị thúc sao, là nhắm vào dược đường của Nhị thúc sao?
“Ôi chao, thế này thì không được, có khi nào thiếp thất kia mưu toan trèo lên trước không. Đàn ông dù sao cũng phải có một người vợ quản lý mọi việc, chăm sóc con cái, nếu không thì những ngày sau e là không tốt. Tiết Đại nãi nãi nói xem có phải hay không?” Chu phu nhân lại tiến thêm một bước.
“Chu phu nhân nói rất phải, Nhị thúc nhà chúng tôi yêu cầu rất cao, có nói chú ấy bao nhiều lần cũng không được, cứ nhất định phải tìm một người chưa xuất giá làm vợ kế. Phu nhân cũng biết đấy, ca ca và tẩu tẩu dù sao cũng không phải cha mẹ sinh thành, không thể ép buộc chú ấy.” Tiết Đại nãi nãi vừa cười vừa nói, hạ quyết tâm dù có thế nào cũng phải thay Nhị thúc ngăn chặn chuyện lộn xộn này.
— —— —-
[1] Cao môn giá nữ, đê môn thú tức: nhà quyền quý gả con gái, nhà bình thường cưới con dâu.
[2] Di nương: con cái gọi vợ bé của cha thời xưa.
[3] Thông phòng hay nha đầu thông phòng: trên danh nghĩa là tỳ nữ, là nha đầu hồi môn theo nữ chủ nhân gả vào nhà trai, nhưng trên thực tế là cơ thiếp.Trong chế độ hôn nhân ở Trung Hoa cổ đại, nha đầu thông phòng có địa vị thấp hơn thiếp. Chỉ có nha đầu thông phòng mới được xưng thiếp. Nha đầu thông phòng tính chất không khác gì với thê thiếp nhưng địa vị thì không bằng, chỉ cao hơn nha đầu bình thường. Ví dụ như trong “Hồng lâu mộng”, Bình Nhi chính là nha đầu thông phòng của Giả Liễn, Tập Nhân cũng có thể coi như là nha đầu thông phòng của Bảo Ngọc. Nếu như trong “Kim Bình Mai” thì Xuân Mai trên thực tế chính là nha đầu thông phòng của Phan Kim Liên.
[4] Đại nãi nãi là cách tôi tớ gọi chính thê của chủ nhân ngày xưa. Tiếng địa phương ở những nơi như Lỗ Bắc có thói quen gọi người lớn nhất là Đại nãi nãi, thứ nhì là Nhị nãi nãi, từ đó lần lượt suy ra.
[5] Ở đây bản gốc dùng từ “thái thái”. Ý nghĩa: quan viên bậc trên hoặc người phú quý có quyền thế xưng vợ mình với người khác là “thái thái” hoặc dùng bày tỏ ý tôn kính với vợ người khác, ví dụ như “Thái thái nhà bác đến rồi”.