Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 70: LƯU LẠC – : Chị gái Phùng Diệm Quỳnh (1)
Có một chuyện quận chúa không biết. Nguyễn Hoàng Lan đã để ý đến hành động ám muội của Thạch Bưu và cảnh báo cho Lê Tư Thành. Không sớm thì muộn, Lê Tư Thành cũng sẽ đem cả hậu cung ra điều tra thôi.
——-
Đại lao hình bộ.
Đó là một khu nhà biệt lập ở phía tây hoàng thành, bên ngoài được bao bọc bởi hệ thống tường đá cao gần một trượng và hai dãy chòi canh xây thành hình xoáy trôn ốc, luôn có quân lính đứng túc trực cả ngày lẫn đêm. Đằng sau cánh cửa gỗ lim là những dãy buồng giam sâu hun hút. Có lẽ kiến trúc cẩn mật và kiên cố nơi đây đã phát huy tác dụng chống đột nhập ở mức tối đa, đến mức ngay cả ánh sáng mặt trời cũng khó lòng xuyên lọt. Mặc dù đang là ban ngày, người ta vẫn phải dựa vào những ngọn đuốc đốt bằng dầu thông ở hai bên vách tường để nhìn rõ mọi thứ bên trong.
Hai người cai ngục uể oải ngáp dài một tiếng. Trông coi đại lao là một công việc nhàm chán nhất trên đời. Ai nói làm cai ngục thì sướng? Tù nhân, bọn họ ít ra còn có cuộc sống nhàn nhã của riêng mình, cơm ngày hai bữa, gặp hôm buồn bực trong lòng thì đã có sẵn cai ngục để chửi bới, chửi chán thì lại lăn quay ra ngủ. Còn cai ngục, bọn họ cũng không được ăn nhiều hơn bữa nào. Tù nhân chửi, dù bực đến đâu họ cũng phải nghe. Tù nhân ngủ, họ lại tiếp tục ngồi một chỗ mà nhìn chằm chằm. Gọi là giám sát cho oai, thực ra có khác gì ngồi canh cho kẻ khác ngủ?
Còn hơn một khăc nữa mới đến giờ đổi ca. Hai người cai ngục ấy lại bắt đầu cái công việc muôn thuở và đơn điệu của mình: đứng lên, cầm gậy, lượn lờ, đập cửa, dọa nạt, trở về chỗ cũ. Ở nơi khô khan và u tối này, việc cai ngục lượn lờ khắp mọi nơi, chốc chốc ngứa tay lại đập cửa buồng giam và trừng mắt dọa nạt thường bị hiểu nhầm là hành vi thị uy, ngang ngược. Nhưng kì thực, đó chỉ là một cách bất đắc dĩ để họ giải trí, người hiểu chuyện nên thông cảm hơn là trách móc bọn họ.
Nhưng hôm nay có một ngoại lệ. Nghe nói tù nhân trong căn buồng ấy là một cung nữ. Người cung nữ này mới bị đưa đến đây chưa lâu, không biết nàng ta từng hầu hạ ai, phạm phải trọng tội gì, nhưng đích thân hình bộ thị lang đã căn dặn phải lưu tâm đến nàng ta, bọn cai ngục dù có mười lá gan cũng không dám làm ăn thất trách. Bởi thế, dù rất mệt mỏi, hai cai ngục vẫn phải vớ lấy ngọn đuốc rồi tiến về phòng biệt giam phía cuối hành lang.
Trước mắt bọn họ là một cảnh tượng kì dị.
Hình bóng người con gái ấy hiện lên giữa khoảng không gian tranh tối tranh sáng, gương mặt gục xuống, vùi sâu sau cánh tay, tóc mây toán loạn, rối bời như từng đám mây vụn vỡ. Nàng ta đang khóc, nhưng âm điệu của tiếng khóc ấy lại cao lanh lảnh, không hề ai oán, cũng chẳng phải thương tâm, càng nghe càng thấy giống như đang cười chứ không phải đang khóc. Gương mặt cung nữ bị bóng tối và mái tóc hỗn loạn che khuất, khiến cho cai ngục không nhìn thấy ánh mắt vô hồn đến bất thường cùng cái nhếch mép đầy quái đản kia.
Cung nữ vừa nghe thấy có người lại gần thì chợt im bặt. Tiếng khóc lảnh lót ấy biến mất nhanh như chưa từng xuất hiện. Rồi nàng ta đứng dậy, lảo đảo đi về góc phòng.
Trên gương mặt vặn vẹo ấy, hình như trong khoảnh khắc ngắn ngủi đã xuất hiện một nụ cười…
Điên cuồng…
Ngây dại…
“Nguy rồi, phạm nhân định tự sát, mau ngăn cô ta lại!”
Một trong hai người cai ngục vội vàng hét lên. Nhưng đã quá muộn.
Trên tường hiện ra một bông hoa màu đỏ thẫm. Khi thân thể cung nữ ấy trượt xuống, bông hoa máu cũng biến dạng, từ từ kéo thành một vệt dài đến tận chân tường…
Một khắc sau, tin tức truyền đến hoàng cung, trong đại lao, cung nữ Bạch Yên đã sợ tội tự sát!
…
Sau cơn mưa, cảnh vật thanh tĩnh đến lạ kỳ. Dọc hai bên hành cung, nước mưa đọng lại thành từng vũng nhỏ, giống như tấm gương ai đó bỏ quên trên mặt đất, ung dung phản chiếu sắc trời nửa đen nửa xám. Những tán cây tắm mình trong cơn mưa của đất trời, rũ sạch bụi trần, giờ kiêu hãnh trưng ra màu xanh diệp thảo, long lanh như bích ngọc. Không gian u tĩnh, hòa quyện đâu đó hương hoa quỳnh thơm ngát, say đắm lòng người.
Mây mưa dần tan hết. Trên trời cao, tinh tú thêu dệt thành một tấm thảm kim tuyến khổng lồ, trải dài đến vô cùng vô tận. Dưới mặt đất, đàn đom đóm như những tinh linh nhỏ bé, cần mẫn đưa ánh sáng len lỏi vào từng khóm cỏ. Lối đi từ cung Vĩnh Ninh đến Liên đài được lát bằng gạch vồ.
Nhìn từ xa, những viên gạch dày dặn, vuông vức, xếp thành một hàng chỉnh tề trên nền cỏ mềm mượt, dễ khiến người ta liên tưởng đến những ô cờ đen trắng, đan xen lẫn lộn.
Nếu không có biến cố ở cung Thụy Đức, có lẽ cảnh sắc đêm nay sẽ vạn phần hoàn hảo.
Người con gái ấy đang quỳ lặng bên hồ Lạc Thủy, vạt áo tím chìm trong sương khói u linh. Giữa đêm đông, hình bóng nàng hiện lên tao nhã mà trầm lặng, vẻ thùy mị vốn có cơ hồ đã bị đôi mắt sâu hơn giếng cổ kia khỏa lấp, cùng với suối tóc đen huyền tạo nên một phong tư tinh tế, huyền hoặc.
Phía trước mặt nàng, có một đống lửa nhỏ còn đang cháy dở. Ngọn lửa màu lam nhạt uyển chuyển, mềm mại như tơ lụa, từ từ bao quanh rồi phủ trọn lấy thứ bên trong lòng nó, nhìn kĩ mới phát hiện không phải là gỗ củi.
Một cơn gió vờn tới, thổi tàn tro bay tứ tung. Người con gái ấy không hề bối rối, chỉ vội vàng khom người để che chắn cho đống lửa, động tác vừa gấp gáp vừa dứt khoát, giống hệt như bà mẹ đang che chở cho đứa con thơ, chỉ có điều thứ được nhận sự che chở dịu dàng ấy lại là một đống lửa sắp hóa tro tàn.
Một lúc sau, gió cũng dừng. Thấy lửa vẫn còn cháy leo lét, gương mặt băng tuyết ấy mới nở một nụ cười hiếm hoi. Khi nàng cười, nụ cười ấy lạnh mà đẹp đến kì lạ.
Gương mặt lãnh đạm, lạnh lẽo như trời đông tuyết trắng, trong giờ phút này âm thầm phản chiếu hình bóng rực đỏ của ánh lửa sắp tàn. Trong bóng tối, sự song hành đầy tương phản ấy bất giác khiến mọi thứ trở nên u tĩnh, lại có phần tà mị.
Lửa vẫn cháy, yếu ớt và dai dẳng.
Cũng chẳng biết sau đó bao lâu, người con gái ấy lấy ra một chiếc hộp gỗ vuông vức, chỉ lớn hơn tráp đựng tư trang của phụ nữ thời bấy giờ một chút, trên thân hộp có khắc hình một đóa hoa cúc tuyệt đẹp. Chất gỗ màu vàng nhạt, phảng phất mùi thơm thanh khiết, chỉ nhìn qua cũng biết là loại gỗ hoàng đàn trứ danh. Nàng nhẹ nhàng mở nắp hộp, lấy ra một xấp giấy đã ngả vàng, trên đó lưu lại bút tích của một người, đẹp như rồng bay phượng múa, tao nhã mà không mất đi sự phóng khoáng, mỗi thanh mỗi nét đều tinh tế, mang trong mình khí phách mê hồn.
Bút tích của Đỗ Đình Huy!
Xấp giấy đã ngả vàng, người tinh ý sẽ cảm nhận được vị lắng đọng của thời gian ẩn lẫn bên trong.
“Đình Huy, ở nơi đó, chàng có lạnh lắm không?”
Thanh âm nhẹ nhàng cất lên, trong trẻo, tinh tế, nhưng ẩn khuất sâu bên trong một tầng hồn cô vọng.
“Ngày ấy chàng đã nói sẽ dẫn thiếp đi thật xa, rời nơi hỗn tạp thị phi này, nhưng cuối cùng chàng lại bội hứa, bỏ thiếp ở lại một mình…”
Có tiếng cung nhân tuần đêm vọng lại. Chân trời chìm trong những áng mây mờ đục. Ở phía xa, mái ngói điện Kính Thiên hiện lên uy nghiêm, tráng lệ, càng khiến cho phối cảnh trở nên vô cùng hoàn hảo. Thế nhưng, Phùng Thục Giang mặc kệ tất cả những cảnh sắc gọi là hoàn hảo ấy. Trong mắt nàng, chỉ có đốm lửa nhỏ trước mặt là hình dung duy nhất còn tồn tại rõ ràng.
“Cấu kết với loạn đảng ư? Người đến một con kiến cũng không giết như chàng làm sao có thể cấu kết với loạn đảng của Lệ Đức hầu (1) chứ? Nhân tình điên đảo, cả thế gian này cũng hồ đồ cả rồi. Người như chàng, chắc chắn đã biết ai là kẻ đứng đằng sau âm mưu bẩn thỉu này, thế nhưng cuối cùng chàng lại không chịu nói ra chân tướng. Vì thiếp ư? Đình Huy, chàng luôn nói hai chúng ta tâm ý tương thông, nhưng kì thực chàng chẳng hiểu gì về thiếp cả. Thiếp đâu cần chàng nể tình bọn họ. Đã hại chàng, dù có là người thân ruột thịt của thiếp, thiếp cũng không cần! Trong mắt thiếp, bọn chúng chỉ là loài quỷ dữ hút máu người mà thôi!”