Thiên Hạ Kỳ Duyên

Chương 39: Sứ thần Đại Minh (1)


Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 39: Sứ thần Đại Minh (1)

Bài học? Đại nhân là người học rộng hiểu nhiều, lại là võ tướng có kinh nghiệm sa trường, chắc đại nhân vẫn nhớ sự kiện quân Nam Hán đại bại trên sông Bạch Đằng, chuyện nhà Lý chủ động chặn quân Tống ở sông Như Nguyệt, rồi cả ba lần vó ngựa quân Nguyên Mông bị vua tôi nhà Trần đẩy lui nữa. Ài, chuyện cũ rồi, đám con cháu chúng ta không nên bàn luận nhiều. Nhưng lịch sử mới là bài học rõ ràng nhất. Không biết bài học mà chánh sứ đại nhân muốn dạy chúng ta là bài học nào trong số đó?
———————
Phong Địch tướng quân Thạch Bưu phụng mệnh hoàng đế Thiên Thuận của nhà Minh, dẫn đầu đoàn sứ thần sang Đại Việt làm khách quý. Đi cùng hắn còn có phó sứ, hữu thị lang bộ binh Mã Hữu Long.
Theo lệ thường, sau buổi đón tiếp chính thức ở điện Kính Thiên, sứ thần các nước sẽ trở về dịch quán nghỉ ngơi. Nào ngờ tên sứ thần Đại Minh này mặt dày hơn bình thường, hắn không những không cuốn xéo, lại còn có “nhã ý” muốn có một bữa tiệc nho nhỏ giữa hoàng gia và đoàn sứ thần, lí do đưa ra đại loại kiểu “giao lưu văn hóa”. Đây là chuyện chưa từng có trong tiền lệ tiếp sứ thần, nhưng Thạch Bưu là khách quý đến từ Đại Minh, hơn nữa tổ chức thêm một bữa tiệc cũng không phải việc gì quá trọng đại, cuối cùng Tư Thành đành miễn cưỡng nhận lời.
Đó là lí do Hoàng Lan đang yên ổn liền bị kéo tới đây.
Tiệc sơ giao được tổ chức ở điện Vạn Thọ. Vì tính chất của bữa tiệc, cũng để bày tỏ lòng hiếu khách, đoàn nhạc công cung đình đã kì công chuẩn bị những tiết mục rất đặc biệt, cầu kì. Mỗi điệu nhạc, mỗi bài ca cất lên đều mang âm hưởng rất riêng biệt, khi thanh nhã, trầm ấm như những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng bắc bộ, có khi lại sống động, tươi vui tựa điệu hò kéo lưới của các ngư dân vùng Thuận Hóa, cũng có khi chỉ là một điệu múa vô danh nhưng đâu đó lại phảng phất phong tư uyển chuyển, thanh lịch của mảnh đất kinh kì Thăng Long tự ngàn đời.
Hoàng Lan nhanh chóng nhận ra Phạm Ngọc Chân. Vừa nhìn thấy nàng, Phạm Ngọc Chân đã nhiệt tình nháy nháy mắt, ngụ ý mời nàng một chén rượu long đình, loại rượu nổi tiếng của hoàng cung Đại Việt. Vốn không quen uống rượu, Hoàng Lan chỉ nâng chén lên đáp lễ. Ở trong cung một thời gian, nàng nhận ra mình rất quý vị tài nhân họ Phạm này, bởi tính nàng ấy vô tư, đơn thuần, không nói một đằng nghĩ một nẻo như đám người Phùng Diệm Quỳnh, Lê Tuyên Kiều, mặc dù cũng phải công nhận có những lúc Phạm Ngọc Chân hành động hơi tùy hứng.
Chẳng biết muốn ra oai với ai mà lần này, Thạch Bưu mặc nguyên bộ trang phục võ tướng truyền thống của Đại Minh đến dự tiệc. Sau màn chào hỏi xã giao thông thường, hắn chỉ vùi đầu vào chén rượu, lâu lâu mới ngước mắt lên, hờ hững xem các vũ công biểu diễn, không thể nhìn rõ vui buồn trên nét mặt. Nhưng ở khóe môi hắn, có một vết bầm tím vẫn chưa tan hết.
Những cử chỉ ấy hình như không hề lọt vào mắt Tư Thành. Khách trầm tư, chủ cũng thong dong uống rượu. Đợi đến khi tiếng ca vũ lắng xuống, hắn mới ôn tồn quay sang phía đoàn sứ thần:
“Phong Địch tướng quân không quản đường xa vất vả đến tệ quốc làm khách, thật khiến trẫm cảm kích không nguôi. Thay mặt triều đình và hoàng thất Đại Việt, hôm nay trẫm kính tướng quân một chén.”
Thạch Bưu lễ phép nâng chén ngọc trong tay lên, lịch sự cúi đầu rồi ngửa cổ uống cạn một hơi.
“Từ Bắc Kinh đến Đông Kinh cũng gần ngàn dặm đường, không biết tướng quân đi đường có mệt mỏi không? Trẫm đã bố trí dịch quán tiện nghi cho sứ đoàn Đại Minh nghỉ ngơi. Nếu bọn người dưới đón tiếp có gì thất trách, tướng quân cứ nói lại với trẫm, trẫm hứa sẽ nghiêm trị. “

Lúc này, Thạch Bưu mới ngẩng đầu lên, đủng đỉnh nói:
“Dịch quán tuy hơi nhỏ nhưng rất sạch sẽ, đầy đủ. Được quốc vương đón tiếp chu đáo, trong lòng tại hạ vô cùng cảm kích.”
Hơn ba mươi năm về trước, vua Lê Thái Tổ giương cao cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Minh, hoàng đế Đại Minh là Tuyên Đức bắt buộc thừa nhận nền độc lập của Đại Việt, nhưng vẫn coi Đại Việt là một nước chư hầu. Theo lệ thường, chỉ có ở Đại Minh, vua mới được xưng là hoàng đế, còn vua của các nước chư hầu khác chỉ được coi là quốc vương. Thạch Bưu gọi Tư Thành như vậy cũng không có gì lạ.
Còn Hoàng Lan, nàng lại để ý đến chuyện khác. Dịch quán nhỏ nhưng sạch sẽ đầy đủ? Rốt cuộc cái tên Thạch Bưu này muốn khen hay chê người khác đây?
Tư Thành vui vẻ gật đầu:
“Đại Minh và Đại Việt biên giới giáp ranh, thủ túc tình thâm đã bao đời nay. Trẫm đã coi sứ đoàn như người trong nhà, đối đãi tất nhiên không thể sơ sài.”
Thủ túc tình thâm? Người một nhà?Các ngươi có tư cách gì mà dám nói thế? Am Nam quốc vương, nhớ kĩ lấy, Đại Minh mới vĩnh viễn là mẫu quốc của các người!
Thạch Bưu trong lòng cười lạnh, bề ngoài vẫn hòa nhã như một. Sau đó, Tư Thành và hắn cùng đàm đạo về chuyện thi văn, kinh cổ. Chủ một câu, khách một câu, từ đầu chí cuối, Thạch Bưu đều biểu hiện là một sứ thần lịch sự có thừa, lễ nghi không thiếu, hơn nữa có vẻ hắn cũng khá am tường về phương diện nghệ thuật, không phải dạng chỉ biết nói võ mồm như mọi người tưởng.
Có điều, thói kiêu ngạo, vênh váo của hắn vẫn không hề thay đổi. Hắn toàn mượn thơ của các nhân sĩ nhà Đường thời trước ra để chửi xoáy Đại Việt.
Ánh mắt của Tư Thành thỉnh thoảng dừng lại trên người Thạch Bưu, rất nhanh sau đó lại chuyển sang hướng khác, giống như chỉ là cái nhìn hờ hững vô tình.
“Hình như đây là lần đầu tiên Phong Địch tướng quân đi sứ đến tệ quốc?” Tư Thành chủ động chuyển đề tài.

Thạch Bưu cười nói:
“Quốc vương nói không sai. Đây là lần đầu tiên tại hạ đến Đại Việt. Trước khi đi, nghe nói tiếng Đại Việt mưa thuận gió hòa, thóc lúa đầy bồ, đặt chân đến đây mới biết lời đồn quả không sai. Tại hạ thật ngưỡng mộ quốc vương trị quốc như thần.”
Nửa năm trước, Lỗi Giang vỡ đê, nạn dân Thanh Hoa lang bạt khắp nơi. Chuyện này khẳng định ai ai cũng biết, vậy mà Thạch Bưu lại nói Đại Việt mưa thuận gió hòa, đồng ruộng phì nhiêu, chẳng phải là đang chửi khéo Đại Việt từ vua đến dân giả dối vô dụng hay sao? Hoàng Lan bực tức bỏ một quả nho vào miệng, tiếp tục kiên nhẫn ngồi xem tên họ Thạch khua môi múa mép.
Nụ cười trên môi Tư Thành vẫn được duy trì ở mức độ không thể thân thiện hơn:
“Tướng quân quá khen rồi. Đại Việt khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, người dân cày cấy quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Không như Đại Minh thiên thời địa lợi, ruộng đồng rộng lớn phì nhiêu, kho lương lúc nào cũng ăm ắp dồi dào. Nếu nói học tập, Đại Việt vẫn còn phải học tập Đại Minh nhiều lắm.”
Vua nước bạn khiêm nhường, chánh sứ cũng nên biết chừng mực. Vậy mà ở Thạch Bưu lại không hiểu đạo lí này, hoặc là hắn cố tình không hiểu, chỉ rung đùi một cách đắc ý rồi lớn giọng:
“Đúng vậy, Đại Minh là quốc mẫu thiên triều, các nước chư hầu khác nên nhìn vào đó mà học hỏi theo!”
Đoạn hắn nói xong, thủng thẳng uống rượu tiếp, hoàn toàn không thèm để ý đến những ánh mắt giận dữ của tất cả mọi người đang ném về phía mình.
Dám dùng ánh mắt đó nhìn bản tướng? Các người cứ xù lông đi. Để xem khi đại quân của chúng ta đánh xuống đây, các người còn kiêu ngạo được mấy hồi!
Bỏ qua sự bất kính của Thạch Bưu, Tư Thành ra hiệu ột cung nữ tiến lại gần, nhanh nhẹn dâng lên cho Thạch Bưu một món ăn kì bí được đặt trong một chiếc tô ngọc. Nắp tô còn chưa mở ra, mùi thuốc bắc thơm phức đã tỏa ra bốn phía.

Tài nhân Nguyễn Nhã Liên điềm đạm giới thiệu:
“Đây là món sâm cầm hầm thuốc bắc. Loại chim sâm cầm này thường ăn nhân sâm mọc trên núi cao, bởi vậy thịt của nó thuộc hàng đại bổ, vạn tiền cũng chưa chắc đã mua được. Hầm sâm cầm phải hầm lửa thật nhỏ, lại phải canh đủ thời gian, bắc sớm một khắc thịt sẽ không đủ mềm, bắc chậm một khắc thịt lại quá nhừ, mất đi vị ngon vốn có. Không chỉ có thế, trong này còn có mười sáu vị thuốc bổ như đương quy, thục địa, hạt sen, nhưng cân lượng mỗi loại một khác, hoàn toàn không thể thay thế nhau… Sâm cầm vốn là đặc sản tiến vua (1), sâm cầm hầm thuốc bắc lại càng xứng danh là mĩ thực của Đại Việt. Phong Địch tướng quân vất vả sang tệ quốc, bệ hạ đặc biệt dặn dò chúng ta dâng món ăn này thiết đãi khách quý.”
Nguyễn Nhã Liên giới thiệu trôi chảy như vậy, không phải chỉ vì am hiểu nghệ thuật ẩm thực mà quan trọng hơn, nàng ta chính là người nấu món ăn này. Thạch Bưu nhận ra điều đó, hắn gẩy gẩy đũa, xé lấy một miếng thịt chim nhỏ rồi đủng đỉnh bỏ vào miệng. Thịt vừa chạm đến đầu lưỡi, gương mặt đang nhàn nhạt của hắn liền dãn ra. Quả không hổ là món ăn được chế biến từ mười sáu loại thuốc bổ thượng hạng, bùi thơm, mềm ngọt, lại mang đến cho người ta hơi hướng trong trẻo, thuần đạm. Thạch Bưu không thể phủ nhận món ăn này rất tuyệt vời. Nhưng sau chót, hắn kiềm chế kinh ngạc trong lòng, điềm nhiên nói:
“Tay nghề của đầu bếp cũng khá được.”
Đối phương nhấn mạnh đến hai chữ “mỹ thực”, hắn lại chỉ trả lại một chữ “khá được”, mà lại là khen tay nghề người nấu chứ không khen trực tiếp món ăn. Càng ngày càng khinh người quá đáng! Nhưng không giống như Hoàng Lan hay Phạm Ngọc Chân có dấu hiệu sắp nổi loạn, Nguyễn Nhã Liên chỉ ôn nhuận cúi đầu, không hề ấm ức hay bất mãn. Không thể trách Nguyễn Nhã Liên. Con người này trước nay vốn lành như cục đất rồi.
Lờ đi sự phản đối ngấm ngầm trong đám phi tần hậu cung, Thạch Bưu chỉ chú tâm trò chuyện với Tư Thành.
“Thứ lỗi cho tại hạ trí nhớ kém cỏi, quốc vương lên ngôi đã bao lâu rồi nhỉ?”
“Trẫm lên ngôi từ tháng sáu năm ngoái.”
Thạch Bưu bật cười:
“Ha ha, thiên tử Đại Minh thỉnh thoảng cũng hay nhắc đến ngài. Ngài ấy nói lâu lâu không thấy An Nam quốc vương sang triều kiến. Những lần ấy, tại hạ đều phải khuyên bảo ngài ấy rằng quốc vương lên ngôi chưa lâu, chính sự trong nước ắt còn nhiều việc rộn, đợi khi việc triều chính rảnh rỗi, quốc vương nhất định sẽ sang bầu bạn với ngài.” Nói xong hắn nheo mắt với Tư Thành: “An Nam quốc vương, ngài thấy tại hạ nói có phải không?”
Thạch Bưu vừa dứt lời, Phạm Ngọc Chân ngồi phía xa nóng nảy định đứng lên, may mắn thay được một vị tu nghi ngồi gần đấy kéo xuống. Nàng ta Thạch Bưu bằng một cặp mắt rất không an phận.
Không khí ở điện Vạn Thọ ngưng đọng lại. Tất cả mọi người nín thở chờ đợi phản ứng của Tư Thành.
Thế nhưng, không giống với dự tính của mọi người, Tư Thành hình như không biết cách đánh vần hai chữ “tức giận” là gì. Ánh mắt của hắn quét một lượt khắp một lượt, nhanh chóng trấn áp tất cả những ai có ý nghĩ không an phận rồi dừng lại trên người Thạch Bưu.

“Tướng quân nói rất đúng.” Hắn ôn tồn đáp: “Thiên tử Đại Minh đã chu đáo quan tâm tới tệ quốc, trẫm cung kính đáp lễ cũng là chuyện nên làm.”
Một quả nho vỡ bụp trong miệng Hoàng Lan. Nàng tưởng tượng ra khuôn mặt của Thạch Bưu dưới đầu lưỡi, cảm thấy chỉ muốn ói.
Lê Tư Thành, bệ hạ có có biết mình đang làm gì không? Là vua một nước, sao người có thể mãi ngọt nhạt với tên sứ thần không biết điều này như vậy?
“Quốc vương quả nhiên là người hiểu chuyện.”
Đón nhận lời khen của đối phương, Tư Thành mỉm cười như có như không:
Hiểu chuyện? Hiểu chuyện cái con khỉ ấy! Hoàng Lan chửi thầm. Ý đồ của thằng cha người Tàu này, bệ hạ còn không hiểu sao mà cứ tiếp tục dung túng cho hắn?
Yến tiệc lại tiếp tục. Mọi người đều phải nhìn mặt vua mà nén giận. Nem công chả phượng bày ra trước mặt, nhưng nhiều người thực sự nuốt không trôi.
Ca vũ được một lúc, Đặng Phúc vỗ vỗ tay, đám vũ công biết ý liền thoái lui ra ngoài, trả lại khoảng trống ở chính giữa. Giữa không gian mờ ảo đầy sương khói ấy, một người con gái mặc váy trắng với chiếc mạng che mặt xuất hiện, thuần thục cúi chào quan khách trước khi ngồi xuống bên chiếc đàn nguyệt. Mười đầu ngón tay vừa chạm đến dây đàn, thanh âm mềm mượt chậm rãi vang lên. Khi người con gái ấy đàn đến nốt trầm, người ta cảm tưởng như đang nghe thấy tiếng suối chảy ra từ lòng hang sâu, trầm khởi, ôn nhu. Khi nàng ta tấu những khúc cao, lại giống như tiếng chuông khánh nhà ai ngân nga, tiếng gió mùa hè thổi qua những mái tranh vàng óng. Tiếng đàn thuần diệu ấy không nhanh không chậm, trầm bổng ảo huyền, từ từ thấm sâu vào lòng người. Lãng đãng như mây xa, lại phiêu dật như nước chảy. Trong chốc lát, không gian xung quanh trầm lắng đến cực hạn. Đâu đó, có ánh nắng mùa xuân vờn quanh ngọn cỏ, có hoa đào lác đác rơi trong đêm đông thanh tĩnh, có mây trời ríu rít đùa ca…
Miên man bất tận, điềm đạm dẫn lối tâm trí con người vào cõi phù hoa lạc cảnh.
Tiếng đàn mê diệu, phong thái của người chơi đàn cũng thật trang nhã. Nàng ta cúi nghiêng đầu, mái tóc đen nhánh như dòng suối chảy dài trên tấm lưng mềm mại. Cả cơ thể nàng ta tĩnh lặng như nước, chỉ có mười đầu ngón không ngừng biến ảo theo điệu nhạc lúc nhanh lúc chậm, lúc trầm lúc bổng.
Giữa lúc mọi người đang trầm trồ thưởng thức, không ngừng khen ngợi nữ nhạc công kì tài này thì Hoàng Lan lại cảm thấy buồn cười. Phong thái ung dung thuần thục ấy, ngón đàn mê hoặc lòng người ấy… Cho dù đối phương có dùng thêm một cái mạng che mặt thì Hoàng Lan vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra người đó là ai.
Một lúc sau, nhạc điệu dừng lại. Lê Tuyên Kiều bình thản đứng dậy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.