Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 32: Nguyễn sung nghi (2)
Trong đám đại thần ấy, duy chỉ có một người từ đầu đến cuối đều im lặng, nhưng cái kiểu im lặng của ông ta cũng khá lạ kỳ, từ đầu đến cuối đều nhấp nhổm không yên, thỉnh thoảng có vẻ muốn nói gì đó nhưng cuối cùng lại thôi.
Mọi biểu hiện của Nguyễn Đức Trung đều không qua mắt được Tư Thành. Đợi cho vấn đề cần thương nghị vãn dần, hắn mới hỏi đến đối phương:
“Nguyễn ái khanh, khanh có gì muốn nói phải không?”
Chẳng biết Nguyễn Đức Trung đang nhập tâm suy nghĩ điều gì mà khi nghe gọi đến tên thì giật nảy mình, vội vàng bước tới trước mặt Tư Thành. Ông ta đắn đo một lúc rồi nói:
“Bẩm bệ hạ, những chủ ý của mọi người hôm nay đều rất vi diệu, nếu thực hiện tốt tất sẽ bình ổn được tình hình phương nam. Nhưng trị thủy cần kế lâu dài, Lỗi Giang lại hung hãn thất thường, thần trộm nghĩ nếu chỉ gia cố lại đê điều thôi thì chưa đủ…”
Đám đại thần khó hiểu nhìn nhau. Tuy nói nghị triều phàm là quan tam phẩm trở lên đều được tham dự, nhưng Nguyễn Đức Trung là quan võ, luận về binh pháp thì tinh thông nhưng vấn đề trị thủy lại không phải sở trường. Buổi nghị triều hôm nay, ông ta tham gia đã lạ rồi, giờ còn có vẻ muốn hiến kế, đúng là chuyện khó giải thích!
Nhưng Tư Thành lại không nghĩ như thế. Chủ ý tốt cho giang sơn xã tắc, kẻ có lòng có tâm ắt sẽ nghĩ ra, hà cứ phải phân biệt quan văn hay quan võ? Đinh Liệt chẳng phải cũng vừa lên tiếng đó sao?
“Khanh nói tiếp đi!”
Thấy hoàng thượng có ý lắng nghe, Nguyễn Đức Trung bèn nhất nhất thuật lại cách đào hồ chứa mà thiếu nữ áo trắng đã từng nói tới. Thực ra Nguyễn Đức Trung tới buổi thương nghị lần này là để tấu trình lại những chủ ý của người con gái ấy, nào ngờ cứ mỗi lần định bước ra nêu ý kiến thì y như rằng vấn đề ấy lại được Tư Thành và các quan mang ra thảo luận, Nguyễn Đức Trung cảm thấy bản thân không cần thiết phải lên tiếng nữa, thành ra mới có biểu hiện kỳ cục như vừa nãy. Nhưng bàn tới bàn lui, sau chót vẫn không có ai bàn tới chuyện hồ chứa, cuối cùng Nguyễn Đức Trung quyết định hiến nốt chủ ý này, ông ta còn đang nghĩ xem nên cắt nghĩa thế nào cho dễ hiểu thì đã bị Tư Thành tinh ý gọi tới.
Chủ ý này vừa được đưa ra, trên dưới bá quan ai nấy đều tấm tắc khen ngợi. Đại Việt là quốc gia thuần nông, lại nhiều sông hồ, lũ lụt thường xuyên xảy ra, gây tổn thất lớn cho lê dân bách tính. Nay nếu đào những hồ chứa đó thì mùa lũ có chỗ tháo nước, mùa khô lại có thể xả nước vào đồng ruộng, lấy lũ nuôi hạn, lấy ngắn nuôi dài, là một biện pháp nhất cử lưỡng tiện. Có mấy viên quan nhân đó còn quay sang bàn luận cách xây đường mương dẫn nước, khi cần thiết sẽ xả bớt nước ra các cửa sông, cửa biển. Tư Thành ngồi ở trên cao, gương mặt khẽ lộ ra ý cười. Một lúc sau, hắn mới chậm rãi bước xuống rồi ôn tồn nắm tay Nguyễn Đức Trung:
“Đối với việc phòng chống lũ lụt ở các địa phương, đắp đê có tác dụng rất lớn, nhưng ngược lại chúng ta sẽ ở thế bị động, chỉ phòng tránh chứ khó đẩy lui, trong khi đào hồ chứa sẽ chủ động trong việc tháo và cấp nước. Nguyễn Đức Trung, chủ ý này quả thực rất hay!”
Được hoàng thượng khen ngợi, đáng lẽ Nguyễn Đức Trung nên vui mừng mới phải, nhưng đằng này, ông ta chỉ miễn cưỡng cúi đầu, thậm chí biểu hiện còn có phần áy náy. Đinh Liệt là người nhận ra điều này đầu tiên, nhưng lại không tiện hỏi, cuối cùng nhắm mắt coi như không thấy.
Tư Thành nhìn quần thần rồi nói tiếp:
“Các khanh đều lo nghĩ uôn dân, xã tắc, khiến trẫm rất cảm kích. Những ý kiến ngày hôm nay, trẫm sẽ cân nhắc nặng nhẹ mà thực hiện, hy vọng vua tôi chúng ta đồng lòng, chuyện thiên tai ở Thanh Hoa sẽ sớm được khắc phục, con dân Đại Việt sẽ thoát khỏi cảnh khốn khó điêu linh.”
Giờ ngọ một khắc, buổi nghị triều mới tan, các quan lục đục kéo nhau ra về.
Thấy Nguyễn Đức Trung vẫn tần ngần ở sân Đan Trì, Tư Thành cũng dừng bước. Không phải hắn không nhìn ra những biểu hiện kỳ quặc của Nguyễn Đức Trung lúc ở điện Kính Thiên, chẳng qua con người này thường ngày bộc trực thẳng thắn, vừa rồi lại hiến được một kế hay, hắn mới không bận tâm suy nghĩ quá nhiều. Nhưng xem ra, đối phương thực sự có gì đó không ổn.
“Nguyễn Đức Trung, sao khanh còn chưa đi?”
Nguyễn Đức Trung giật bắn mình. Ông ta len lén nhìn Tư Thành rồi lí nhí đáp:
“Chuyện hồ chứa mà thần vừa nói…”
Sẵn tâm trạng cao hứng, Tư Thành ngắt lời ông ta:
“Việc này trẫm sẽ ghi nhớ. Khanh đã làm rất tốt.”
“Bẩm bệ hạ, những biện pháp đó không phải do thần nghĩ ra.”
“Khanh cứ khiêm tốn…”
Đà nói của Tư Thành chợt ngưng lại, sự cao hứng biến mất, thay vào đó là giọng chất vấn lạnh hơn băng:
“Nguyễn Đức Trung, khanh vừa nói gì?”
Biết mình đã chọc giận thiên uy, nhưng đâm lao thì phải theo lao, Nguyễn Đức Trung đành méo mó thú nhận:
“Kì thực thần ngu dốt, nói chuyện bày binh bố trận còn biết, chứ hoàn toàn không có khả năng kiến giải khí tượng thủy văn, càng không thể bày ra phương pháp trị thủy cứu dân. Chủ ý inh này vốn là của người khác. Chẳng qua… chẳng qua vi thần thay mặt người ta đem đến điện Kính Thiên thôi ạ.”
Dù chẳng liên quan đến mình nhưng hai thái giám theo hầu vẫn rụng rời đổ đốt, vội vàng bảo nhau quỳ xuống, hô to bốn chữ “bệ hạ bớt giận”. Đặng Phúc thì cúi đầu, thầm trách lão họ Nguyễn này to gan lớn mật.
Tư Thành nhìn kẻ quỳ trên mặt đất hồi lâu, đoạn quay sang hỏi Đặng Phúc:
“Đặng Phúc, ngươi thử nói xem, thần tử lừa dối vua nên xử như thế nào?”
Khi không lại bị kéo vào cuộc, Đặng Phúc hơi ngẩn người:
“Bẩm bệ hạ, việc này nô tài không dám to gan bình luận.”
“Trẫm bảo ngươi nói thì ngươi cứ nói. Cứ chiếu y theo luật pháp Đại Việt mà nói.” Tư Thành vẫn không buông tha y.
Đặng Phúc lén ngó bộ dạng của Nguyễn Đức Trung, sau chót mới hiểu ra dụng ý của chủ nhân, thế là y hứng kể ra một loạt những trọng hình, nào là xử trảm, nào là lăng trì, rồi cả ngũ mã phanh thây, chỉ còn thiếu mỗi trò ném người vào vạc dầu như dưới địa ngục nữa thôi. Hai thái giám phía sau nghe mà toát cả mồ hôi, trong khi đó, Nguyễn Đức Trung tuy là thủ phạm chính nhưng nhìn kiểu gì cũng không giống người đang sợ hãi. Đợi Đặng Phúc lui về, ông ta mới cảm khái nói:
“Thần biết tội mình đáng muôn chết, thỉnh bệ hạ giáng tội.”
“Việc này nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ.” Cơn giận đã qua, thanh âm của Tư Thành cũng vì thế mà trầm ấm hơn: “Nguyễn Đức Trung, khanh mạo nhận chủ ý là sai, nhưng dám đến trước mặt trẫm nhận lỗi, cũng coi như biết phạm lỗi biết hối cải. Nể tình khanh tận tụy vì triều đình, lại lo nghĩ cho lão bá tánh, trẫm miễn tội cho khanh, chỉ phạt một năm bổng lộc, khanh thấy thế nào?”
Nguyễn Đức Trung còn dám “thấy thế nào” sao? Hoàng thượng đã giơ cao đánh khẽ, ông ta liền vội vàng bái lạy, trong lòng cảm kích khôn nguôi.
Tư Thành xử nhẹ vậy cũng không phải không có lý do. Con người Nguyễn Đức Trung thẳng thắn chính trực, lại không ham hố hư danh, cả đời sống cần kiệm thanh liêm, không có lý gì lại đột nhiên đi cướp công của người khác. Hắn chỉ không hiểu tại sao đối phương lại phải làm như vậy.
“Khanh đã nói chủ ý này không phải của khanh. Vậy nó là của ai?”
Nguyễn Đức Trung bắt đầu kể lại cuộc gặp gỡ với thiếu nữ áo trắng trong quán ăn hôm trước, từng lời đều rành mạch rõ ràng. Tư Thành nghe xong thì nhíu mày :
“Chủ ý của vị cô nương đó cũng giống như những gì chúng ta đã nghị luận ngày hôm nay?”
“Dạ, tuy không được tường tận bằng nhưng đại khái cũng khớp đến bảy tám phần, còn kế đào hồ chứa thì thực sự là của nàng ấy.”
Khi ấy, thiếu nữ áo trắng đã nói phía thượng nguồn Lỗi Giang có vấn đề, nhưng có lẽ do nàng không có điều kiện khảo cứu cụ thể như thái sử viện nên chỉ cho đó là phỏng đoán. Rồi những vấn đề mà vua tôi Đại Việt vừa thảo luận trên điện Kính Thiên, dù nông dù sâu, nàng đều từng đề cập qua với Nguyễn Đức Trung.
“Có câu này trẫm muốn hỏi khanh. Khanh tuyệt đối không được giấu trẫm.”
“Thần một câu cũng không dám to gan giấu diếm bệ hạ nữa.”
“Có phải khanh muốn bảo vệ cô nương đó?”
Có tật giật mình, Nguyễn Đức Trung toát mồ hôi lạnh nhưng vẫn cố vớt vát:
“Thần ngu dốt không hiểu ý bệ hạ.”
“Trẫm còn không hiểu tính khanh sao? Khanh đâu phải loại người vì chút hư danh mà đi cướp công lao của người khác. Ban đầu khanh chưa nói ra mọi chuyện, vì lo sợ mọi người sẽ không tiếp nhận chủ ý ấy, đặc biệt khi chủ nhân của nó là một người con gái. Đợi khi chủ ý ấy được thông qua, khanh mới liều mạng tiết lộ sự thật, trả lại công lao cho nàng ấy. Nói cách khác, khanh không phải hồ đồ mà là chấp nhận làm kẻ đứng mũi chịu sào thay người ta. Những lời trẫm nói, có lời nào là không đúng với tâm ý của khanh không, Nguyễn Đức Trung?”
Ở thời đại này, nữ nhi thường học thêu thùa may vá, cao quý hơn thì cầm kì thi họa, an phận làm tròn tam tòng tứ đức. Một người con gái am hiểu sự đời, thông luận thủy văn, lại dám bày chủ ý cho triều đình, làm những hành vi vượt quá bổn phận như thế, còn chưa thể nói là tốt hay xấu. Bởi vậy, Nguyễn Đức Trung mới không dám vội vàng nhắc đến nàng trên điện Kính Thiên. Nhưng mạo nhận chủ ý đó về mình lại càng xấu hổ hơn, suy đi tính lại, ông ta vẫn đến thú nhận mọi chuyện trước mặt Tư Thành, hy vọng hoàng thượng anh minh, phán công luận tội công bằng.
Cái này gọi là, càng vòng vèo càng bị thua thảm hại!
Bị nói trúng tim đen, Nguyễn Đức Trung chỉ đành gượng cười:
“Bệ hạ thánh minh. Thần ngu dốt, cuối cùng vẫn bị bệ hạ nhìn thấu.”
Tư Thành đích thân đến nâng Nguyễn Đức Trung dậy:
“Đừng khen trẫm thánh minh này nọ. Có trách thì trách khanh cố làm kẻ tiểu nhân cũng không giấu được chân quân tử đi.”
Nguyễn Đức Trung đã nghĩ đúng. Tư Thành vốn không phải kẻ hẹp hòi, càng không để tâm đến những thành kiến cứng nhắc. Đối với hắn, bất luận nam hay nữ, phàm là dân chúng Đại Việt, ai cũng có quyền vì giang sơn xã tắc mà phụng hiến, việc một người con gái dám bàn luận thủy văn, hiến kế trị thủy, tính ra cũng khá thú vị.
Chỉ có điều, cái cách hiến kế kiểu “bắn tin” thế này, có gì đó không được thuận tai lắm.
“Cô nương ấy từ đâu đến, tên họ là gì?” Hắn hạ giọng hỏi.
Cái này thì Nguyễn Đức Trung không biết. Khi rời khỏi quán cơm, vì nửa khâm phục, nửa tò mò, ông ta cho người âm thầm đi theo thiếu nữ áo trắng, mới phát hiện ra nàng đã thu nhận thêm cô gái nạn dân làm tì nữ, nhưng lại sống trong một quán trọ tồi tàn ở phía nam kinh thành, không phải tiểu thư con nhà giàu như mình từng nghĩ. Hình như người này không có thân phận cụ thể, thuê phòng ở quán trọ cũng chỉ là tạm bợ, nay đây mai đó, phiêu bạt như một áng mây trên trời.
“Sắp tới trẫm phải đi tuần du ở phương nam, e rằng sẽ vắng mặt ở kinh thành vài tháng. Nguyễn Đức Trung, khanh hãy thay trẫm để mắt đến cô nương đó, khi nào trở về, trẫm nhất định phải gặp mặt nàng, cùng nàng đàm luận chuyện thủy văn mới được.”
Ha, hoàng thượng trọng người tài, đặc biệt là trọng người con gái có tài, suýt nữa Nguyễn Đức Trung đã quên mất điều đó.
…
Suốt hai tháng sau đó, Tư Thành thân chinh tuần du phương nam, đặc biệt đốc thúc công tác tu sửa đê sông Lỗi Giang. Việc ở kinh thành có các đại thần như Lê Lăng, Đinh Liệt, Nguyễn Xí trông coi, mọi sự đều yên ổn.
Cũng trong thời gian ấy, Nguyễn Đức Trung có mời thiếu nữ áo trắng đến thăm tư gia. Ban đầu nàng còn e ngại, sau thấy vị Nguyễn đại nhân này mời mọc nhiệt tình quá, với lại cũng không có ý tứ gì xấu, nàng mới miễn cưỡng nhận lời, nào ngờ được vài ba hôm thì thân luôn với Nguyễn phu nhân, kể từ đó thường xuyên ghé phủ họ Nguyễn, được Nguyễn phu nhân quý mến như con cháu trong nhà.
…