Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 25: Rắn báo oán (4).
Hoàng Lan yên lặng, chú mục lắng nghe.
“Cũng may tiên đế không phải người hồ đồ. Ngài nghe lời can ngăn của Ức Trai tiên sinh và một người thiếp, thái hậu mới thoát được một kiếp nạn. Không lâu sau, ở Dục Khánh tự (2), thái hậu hạ sinh tiểu hoàng tử, chính là bệ hạ bây giờ.”
Ức Trai tiên sinh? Ngô Chi Lan đang nói tới Nguyễn Trãi? Hoàng Lan không kìm được bèn thở dài một tiếng. Hóa ra mười mấy năm trước là thời đại Nguyễn Trãi sống. Nhưng bây giờ Nguyễn Trãi vẫn chưa được minh oan, trong mắt người đương thời, ông vẫn là một kẻ phản nghịch giết vua. Hoàng Lan chỉ hy vọng Tư Thành không để ý đến việc nàng lỡ lời lần trước, không thì to tội thật rồi!
“Cô sao vậy?” Ngô Chi Lan dừng lại hỏi.
“Không sao.” Hoàng Lan lắc đầu: “Chỉ là nhớ đến một vài việc thôi. Cô kể tiếp đi.”
Ngô Chi Lan tiếp tục nói:
“Cũng trong thời gian này, Đại Việt xảy ra một chuyện kinh thiên động địa. Tiên đế đến Chí Linh duyệt võ, trên đường về có ghé thăm Ức Trai tiên sinh. Khi ấy bên cạnh ngài còn có người tiểu thiếp của ông ấy, từng làm Lễ nghi học sĩ, tên gọi Nguyễn Thị Lộ. Nào ngờ đêm đó tiên đế đột ngột băng hà. Triều đình tra xét vụ việc, nhanh chóng khép cả nhà tiên sinh vào tội phản nghịch giết vua, tru di tam tộc. Không đầy một tháng sau, án trảm được thi hành. Ngày xử án, nghe đồn rằng cuồng phong nổi lên, mây trên trời chuyển thành màu đỏ rực như máu, cuồn cuộn, vần vũ mãi không ngừng.”
Vụ án mà Ngô Chi Lan đang kể chính là Lệ Chi viên, vụ án oan nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, nguyên nhân dẫn tới việc công thần Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Trong lòng Hoàng Lan chợt xuất hiện một cảm xúc khó tả, có gì đó bâng khuâng, lại xót xa không nói thành lời. Nàng biết mình đang chạm tay vào lịch sử vô hình.
“Tất nhiên người thiếp tên Nguyễn Thị Lộ cũng không thoát hỏi kết cục chung. Nhưng sau khi thị Lộ chết, trong dân gian liền lưu truyền một truyền thuyết kì lạ. Người ta nói rằng cha của tiên sinh là ông Nguyễn Phi Khanh lúc phát cỏ làm vườn đã vô tình giết chết một đàn rắn. Buổi tối, ông ngồi đọc sách, có một con rắn bò trên xà nhà, nhỏ xuống một giọt máu đỏ thẫm, thấm qua ba lớp giấy. Tương truyền máu thấm qua ba lớp giấy, ứng với rắn báo oán ba đời họ Nguyễn. Con rắn đó chính là Nguyễn Thị Lộ, kiếp này tìm đến họ Nguyễn, khiến cả họ tộc phải chịu án tru di tam tộc. Khi thù riêng đã trả, Nguyễn Thị Lộ lại hóa thân trở lại thành rắn, biến mất ở bờ sông. Không một ai chứng thực truyền thuyết này. Nhưng kể từ đó, mọi người đều coi Nguyễn Thị Lộ là hiện thân của yêu xà.”
Hoàng Lan vô tình liên tưởng lại câu chuyện mà Tư Thành đã kể ở Thanh Phục khu. Giờ nàng đã hiểu những người cứu mạng Tư Thành trong lời kể ấy là ai.
Họ chính là Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, hai con người không hề vô danh trong lịch sử dân tộc.
Rồi nàng chợt nhận ra điều gì đó không hợp lý.
“Nói như vậy, lý do bệ hạ muốn làm sáng tỏ chuyện yêu xà không đơn giản chỉ vì muốn trừ yêu diệt quỷ.” Hoàng Lan đánh bạo nói ra quan điểm của mình: “Kì thực, người muốn chứng minh trên thế gian này không tồn tại yêu xà, càng không có chuyện Nguyễn Thị Lộ là xà tinh báo oán, để xoa dịu miệng lưỡi thế gian, cho vong linh người quá cố có thể thanh thản phần nào?”
Ngô Chi Lan gật đầu. Không phải ai cũng đủ tinh ý để nhận ra được điểm mấu chốt này. Xem ra lời đồn không sai, Nguyễn tiểu thư này cũng không phải hữu danh vô thực.
“Tuy chưa lần nào bệ hạ nói ra, nhưng tôi trộm thấy người vẫn vì vụ án ấy mà canh cánh trong lòng. Thái hậu là cô của tôi, tôi tự nhiên đối với tội thần giết vua ấy cũng có vài ba phần thương cảm. Nếu không có họ liều mạng che chở, thái hậu và bệ hạ chắc chắn sẽ không có ngày hôm nay.”
Ngay lúc này, đối diện với vẻ mặt thương tâm của Ngô Chi Lan, Hoàng Lan chỉ hận không thể nói rõ mọi chuyện, rằng ngày Nguyễn Trãi được giải oan sẽ không còn xa nữa. Chỉ vì muốn che giấu bí mật của bản thân mình nên nàng tạm thời không thể nói ra.
“Người tốt sẽ được báo đáp. Chi Lan, cô cứ yên tâm, lịch sử nhất định sẽ trả lại công bằng cho họ.”
Đáp lại sự chân thành của nàng, Ngô Chi Lan gượng cười, từ sâu trong khóe mắt lộ ra sự ôn hòa trầm ấm. Nàng ta cũng chỉ mong như thế.
Rồi Hoàng Lan chợt nhớ ra điều gì đó, nàng vội vàng hỏi lại:
“Khoan đã. Cô vừa nói bệ hạ chính là hoàng tử mà năm ấy Ức Trai tiên sinh đã cứu?”
“Tất nhiên, chuyện này mọi người đều biết, tôi không nói dối cô.”
Hoàng Lan tuy không học hành đến nơi đến chốn, nhưng nàng cũng không phải kẻ mù tịt về lịch sử. Một thời gian dài theo các đoàn du lịch, Hoàng Lan đã chắp nối cho bản thân một vốn kiến thức nhất định, hơn nữa chùa Huy Văn đối với nàng cũng không phải địa điểm xa lạ. Vị hoàng tử được Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ che chở năm ấy…
Chính là vua Lê Thánh Tông!
…
Nếu hắn chính là vị vua vĩ đại ấy, vậy nhân vật lịch sử nàng đang sắm vai rốt cuộc là ai?
Dưới ánh trăng vằng vặc, Hoàng Lan không kìm được lòng tự hỏi một câu. Có tiếng sáo trúc từ xa vẳng lại, mềm mại như kéo lụa, nhịp nhàng như rót trà, rót lên từng viên ngói từng khóm cỏ trong hoàng cung. Tiếng sáo này tuy khoan khoái vô ưu nhưng dường như giấu bên trong ngàn vạn cô độc, không lạnh mà giá buốt. Đêm khuya thanh vắng, là ai cất lên khúc nhạc đầy tâm tư này? Nàng ngả đầu vào cột đình, bề ngoài như đang lắng nghe tiếng sáo, tận sâu trong thâm tâm lại muốn đem hết thảy những gì đang xảy ra trước mắt mà đập vỡ, mà chôn vùi, mà thiêu đốt thành tro bụi.
“Tiểu thư, nô tì vừa nghe được tin từ Đan Ngọc các.”
Hoàng Lan giật mình quay lại. Thì ra là Nguyệt Hằng. Mà nàng ta vừa nói gì nhỉ?
“Có chuyện gì quan trọng sao?” Hoàng Lan hỏi lại.
Vẻ mặt Nguyệt Hằng không thể nghiêm trọng hơn. Mỗi khi đem đến tin tức dạng này, con người ta thường cố gắng làm ra vẻ mặt phù hợp.
“Vừa rồi nô tì có việc đi ngang qua Đan Ngọc các, thấy Bùi thái y tất tả chạy từ đó ra. Nô tì cố tình đứng lại nghe ngóng, mới hay… mới hay Phùng chiêu nghi đã mang thai rồng. Giờ hậu cung đang nháo cả lên. Chỉ có mình tiểu thư là chưa biết tin thôi ạ.”
Phùng Diệm Quỳnh mang thai rồng? Là con của Tư Thành? Hoàng Lan không rõ cảm xúc trong lòng nàng lúc này là gì nữa.
Một chút thất vọng. Một chút tò mò. Một chút bất an.
Không sớm không muộn, Triệu Bảo Khánh vừa rớt đài, Đan Ngọc các đã báo tin mừng. Đây còn không phải vì sợ người ta điều tra tiếp sẽ tìm ra chân tướng nên sớm chuẩn bị ình một lệnh bài miễn tử hay sao? Những tưởng Phùng Diệm Quỳnh chỉ là một kẻ không có đầu óc, thì ra bao lâu nay, cả Hoàng Lan và Lê Tuyên Kiều đều nhầm to rồi!
Hoàng Lan ngắm nghía cây bích trâm trong tay, mi thanh mục tú trầm lặng nhìn ra phía xa.
Nơi đầy thị phi này…
Đến lúc rời đi rồi!
…
Phùng Diệm Quỳnh mang thai. Thái hậu cao hứng bèn đề xuất với Tư Thành tấn phong nàng ta làm phi, ban hiệu là Huệ. Phùng Diệm Quỳnh là con gái Phùng Văn Đạt, quan gián nghị đương triều, một trong những người cùng Đinh Liệt, Nguyễn Xí năm ấy phò trợ hắn lên ngôi. Hơn nữa, nâng cấp vị cho phi tần mang long chủng là một chuyện hết sức bình thường, Tư Thành không có lý do gì để phản đối. Vì thế, một canh giờ trước, thánh chỉ sắc phong đã được truyền ra. Phùng Diệm Quỳnh trở thành Huệ phi, chính thức chủ quản cung Thụy Đức.
Chiếc trâm bị Lê Tuyên Kiều đâm mạnh xuống bàn, mẻ mất một miếng nhỏ. Ánh mắt mỹ nhân sắc như dao chém đá.
“Lệnh bà bớt giận, kẻo tổn hại ngọc thể.”
Lời an ủi của Thanh Ngọc càng khiến khiến nộ khí trong lòng Lê Tuyên Kiều cuồn cuộn.
“Ta có thể không tức giận sao? Tính toán ti mỉ như vậy mà vẫn để tiện nhân ấy đi trước một bước. Tốt lắm, giờ cô ta đã là chính phi chủ quản một cung, thử hỏi sau này ta còn có thể sống yên ổn nữa không?” Rồi thanh âm Lê Tuyên Kiều trầm xuống: “Còn chuyện của Mai Hoa là thế nào rồi?”
“Hồi bẩm lệnh bà.” Thanh Ngọc cắn răng đáp: “Không hiểu tối qua Mai Hoa nói gì lỡ lời khiến Huệ phi lệnh bà nổi giận, đã đuổi nàng ta đến Thanh Phục khu rồi ạ.”
Mắt phượng toát lên một luồng sát ý. Thanh Ngọc vô thức hơi lùi lại một bước.
“Không phải sơ ý. Là tiện nhân ấy kiếm cớ đuổi người của ta đi thôi.”
Thanh Ngọc cúi đầu không đáp. Điều Lê Tuyên Kiều vừa nói, nàng ta cũng đã đoán ra.
Bên ngoài cửa đột nhiên nghe tiếng ồn ào. Thanh Ngọc chạy ra xem, một lúc sau trở lại, mang theo một chiếc tráp gỗ nhỏ phủ vải đỏ:
“Là đồ Huệ phi ban thưởng.”
Ban thưởng? Lê Tuyên Kiều nhíu mày. Vừa đắc ý đã muốn phô trương thanh thế? Nghĩ vậy, nàng ta tiện tay kéo tấm vào đỏ xuống.
Bên trong không có gì khác, chỉ có một chiếc vòng bạc!
Mai Hoa vốn là cung nữ đã bị Lê Tuyên Kiều mua chuộc, thường xuyên lén lút truyền tin của Đan Ngọc các cho Diêu Tú viện. Ngoài ra, Mai Hoa còn được giao một nhiệm vụ quan trọng hơn. Ai cũng biết xạ hương có tác dụng làm sảy thai, tiếp xúc lâu ngày sẽ dẫn đến vô sinh. Phi tần trong cung chuộng nhất dùng xạ hương để đối phó lẫn nhau, nhưng cũng vì thế mà luôn có tâm đề phòng, vậy nên Lê Tuyên Kiều không muốn dùng đến những vật thông thường như túi thơm hay y phục để hạ độc.
Phùng Diệm Quỳnh có nuôi một con mèo cưng, thường nâng niu, ôm ấp như báu vật. Và Lê Tuyên Kiều đã sai Mai Hoa bôi xạ hương lên chiếc đai cổ của con mèo ấy!
Vậy mà nay Phùng Diệm Quỳnh đã mang thai, Mai Hoa lại bị đẩy đi Thanh Phục khu, đối phương còn chu đáo ban tặng một chiếc vòng bạc. Chiếc vòng này là vật Lê Tuyên Kiều đã tặng cho Mai Hoa, ý tứ của Phùng Diệm Quỳnh, chẳng lẽ nàng ta còn không hiểu!
Lê Tuyên Kiều lặng lẽ thở dài. Người thắng làm vua, kẻ thua làm giặc, có điều tương lai vinh nhục ra sao, nói bây giờ phải chăng vẫn còn quá sớm?
…
Người con gái ấy đang ngắm nhìn chiếc hộp nhỏ làm bằng gỗ ngọc am. Hình long phụng uyên ương khảm mã não bên ngoài đã phai nhạt đi ít nhiều, nhưng chiếc hộp vẫn giữ nguyên cốt cách đẹp đẽ, tinh xảo vốn có của nó.
Một lúc sau, từng ngón tay thuôn dài như búp măng mở nắp hộp ra, run run chạm vào thứ đồ vật đặt ngay ngắn trên lớp nhung đỏ.
“Thục Giang, cây trâm này là ta làm riêng cho nàng. Sau này, mỗi khi không có ta ở bên, nàng hãy mang nó bên mình, trân trọng nó như đã từng trân trọng ta, được không?”
Đỗ Đình Huy nhẹ nhàng cài cây trâm ngà lên mái tóc mềm mại như sóng nước mùa thu của nàng, ánh mắt trầm ấm chờ đợi.
Ngày ấy nàng đã gật đầu.
Giờ đây, tín vật thề nguyền năm nào lại thành nhát dao đâm sâu vào trái tim người con gái ấy. Hoài niệm, kí ức, giờ chỉ là một vết thương khó lành.
Đóng nắp lại, nàng cười lạnh một tiếng. Thanh mai trúc mã? Ai nói thanh mai trúc mã thì sẽ hạnh phúc đến trọn đời?
…
Chú thích:
1. Diên Ninh: Niên hiệu của vua Lê Nhân Tông từ năm 1454 đến năm 1459.
2. Dục Khánh tự: Nơi vua Lê Thánh Tông được sinh ra và lớn lên, nay gọi là chùa Huy Văn, thuộc đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội. Trong chùa vẫn còn điện thờ vua Lê Thánh Tông cùng Trường Lạc hoàng hậu.
*****
Chương 15: Thiếu nữ hiến kế