Thiên Hạ Kỳ Duyên

Chương 167: Cố nhân (4)


Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 167: Cố nhân (4)


Thấy Trường Giang lưỡng lự nửa ở nửa đi, nàng ta bèn nâng chén lên ngang mặt, ngụ ý mời cậu một chén rượu tê hà. Trường Giang làu bàu gì đó nhưng sau chót vẫn kéo ghế ngồi xuống.
Ánh sáng cuối ngày đọng thành một vệt dài trên thềm cửa sổ. Người đến quán vãn dần.
Ngồi thì ngồi nhưng Trường Giang thực tình không có ý tiếp chuyện người con gái lạ mặt kia. Hoàng Lan không có ở đây, sự hiện diện của những kẻ khác đều là vô nghĩa. Trường Giang bằng lòng ngồi lại vì đối với cậu, đi hay ở cũng như nhau, chỉ đơn giản vậy thôi. Và người con gái kia cũng thèm để ý đến thái độ dửng dưng ấy. Nàng ta chủ động rót cho Trường Giang một chén rượu rồi đẩy về phía cậu. Trái với động tác thong dong uyển chuyển của đối phương, Trường Giang hậm hực nâng chén rượu lên, một hơi uống cạn.
Người trước mặt bụm miệng nén cười. Giờ thì Trường Giang không im lặng nổi nữa. Cậu cau có nhìn nàng ta:
“Trông tôi nực cười lắm à?”
Vì nàng ta đang cố nhịn cười nên lời đáp lại có chút méo mó:
“Người khác uống rượu thì sợ say, chỉ có anh cố uống cho say nhưng lại không say nổi, chẳng phải rất nực cười sao?”
Trường Giang cười lạnh, miễn cưỡng thừa nhận những lời ấy là đúng.
Ánh sáng hiếm hoi của ngày tàn rồi cũng biến mất. Quán rượu lác đác lên đèn.
Biết đối phương không muốn tiếp chuyện mình, người con gái kia không nói thêm gì nữa. Nàng ta nhấp một ngụm rượu nhỏ và cũng học theo Trường Giang, lơ đãng nhìn ra ngoài khoảng không màu tối sẫm. Không còn sự tự tin đầy vẻ giễu cợt như lúc mới xuất hiện, đáy mắt nàng ta hiện về nỗi ưu tư vô hình. Thậm chí Trường Giang còn nghĩ mình bị hoa mắt. Cậu vừa nhìn thấy đối phương lén thở dài.
Dù sao người đến cũng không có ác ý. Trường Giang nhíu mày rồi đột nhiên vươn tay ra, chặn lấy chén rượu còn chưa kịp chạm môi:
“Còn người không quen uống rượu như cô thì tốt nhất đừng nên uống loại rượu nặng như tê hà.” Cậu nhại lại giọng điệu của nàng ta: “Cô muốn tìm người cùng uống rượu giải sầu thì cứ nói thẳng ra, mất công rào trước đón sau làm gì!”
Bị Trường Giang nói trúng, người con gái kia lúng túng ậm ừ một tiếng, rốt cuộc cũng chịu đặt chén rượu xuống.

“Cổ nhân có câu: “Phụ nữ có tài thì vô đức”. Anh thấy câu này có đúng không?” Nàng ta không trả lời ngay mà chỉ hỏi lại:
Trường Giang thản nhiên lắc đầu. Đối với người hiện đại như cậu, phụ nữ có tài chẳng liên quan gì đến vô đức cả.
Sắc mặt của người con gái thoáng biến đổi. Từng đi khắp mọi nơi, gặp qua rất nhiều người nhưng nàng ta chưa thấy ai lắc đầu nhanh như Trường Giang. Băn khoăn biến mất. Nàng ta thích thú nhìn cậu và lựa chọn trải lòng mình:
“Triều đình sắp mở lại khoa thi, nhưng lệ xưa không đổi, vẫn chỉ có nam nhân các anh được phép vào kinh ứng thí, phụ nữ chúng tôi luôn phải tránh xa nghiệp khoa bảng, cả năm quanh quẩn nơi khuê phòng, dùng hiền thục làm gương soi, luận cầm kì thi họa để phân chia cao thấp, thật sự quá nhàm chán! Tôi đang tự hỏi đến khi nào thì bảng vàng trạng nguyên mới có phụ nữ ghi danh đây…”
Trường Giang suýt phun ra cả ngụm rượu trong miệng.
Phụ nữ Đại Việt thời phong kiến thường có tư tưởng an phận. Đến Mạc Viên Nhiên còn không dám phủ nhận cầm kì thi họa, thế nhưng người con gái trước mặt cậu lại dám?
Ngông cuồng, nhưng thực sự rất thú vị.
Từ lúc xuất hiện, phong tư của nàng ta đã khác hẳn những cô gái yểu điệu nhạt nhẽo xung quanh.
Sự bài xích ban đầu đã vơi đi quá nửa. Trường Giang nói với nàng ta:
“Nếu cô thích thì có thể cải trang thành nam giới để đi thi, biết đâu lại được ghi danh trên bảng vàng…”
Người con gái kia cười không nổi mà khóc cũng không xong. Đây gọi là khuyên bảo đấy hả? Là xui dại thì có!
“Anh nghĩ gì mà lại bảo tôi giả trai?” Nàng ta lắc đầu bất đắc dĩ: “Tội khi quân đấy, tôi gánh không nổi đâu.”
Trường Giang nhún vai.
Trường Giang là kẻ đến từ hiện đại, người con gái kia tuy thuộc dòng dõi thế gia quyền quý nhưng bản tính ưa phóng khoáng tự do, thành ra cả hai đều không để ý đến cách biệt nam nữ, cứ thế vô tư cùng nhau ngồi đối ẩm. Không hoàn toàn tin tưởng nhưng cũng không tuyệt đối né tránh, họ dần kể cho đối phương nghe câu chuyện của mình, đại khái người con gái kia biết lí do Trường Giang mượn rượu giải sầu, và Trường Giang cũng hiểu những bất mãn rất chi tầm cỡ của nàng ta. Hương rượu cay nồng quyện quấn, khiến tâm tư Trường Giang dần trở nên nhẹ bẫng. Có người đủ kiên nhẫn để nghe bạn kể lể là một chuyện tốt. Người ấy đủ tinh tế để an ủi bạn mà không gợi thêm nỗi đau trong lòng bạn càng là chuyện cầu còn không được. May mắn thay, Trường Giang và người con gái đều là những người như thế, và họ đã gặp nhau, giữa một nơi lạc lõng, xa lạ.

Đến khi chén rượu cuối cùng đã cạn, tiếng chày đêm điểm từng nhịp khô khốc, người con gái kia mới chậm rãi đứng dậy. Nàng ta từ biệt Trường Giang rồi rời khỏi quán rượu, chia tay tuy không lưu luyến nhưng cũng có chút gì đó chưa đành lòng.
Một chiếc xe ngựa sang trọng dừng trước cửa quán. Gã phu xe khom người vén rèm, cung kính đợi người con gái kia bước lên. Những cảnh tượng ấy đều lọt vào mắt Trường Giang. Dẫu chẳng bận tâm nhưng ngay từ đầu, cậu đã biết người bạn mới quen của mình xuất thân gia thế không tầm thường.
Bước lên xe được nửa bước, con gái kia đột nhiên dừng lại và gọi với theo Trường Giang:
“Nhớ tên tôi nhé, biết đâu sau này có duyên sẽ gặp lại, tôi họ Ngô, tên là Chi Lan.”
Trường Giang chỉ gật đầu qua loa rồi bước đi còn nhanh hơn, nhưng nào ai biết, đáy lòng vốn đã lặng sóng, giờ phút ấy lại trào dâng những xúc cảm mãnh liệt.
Hoàng Lan… Ngô Chi Lan… tên của hai người họ cùng có một chữ Lan!

Trần trí của Phùng Diệm Quỳnh đã hoàn toàn lẫn lộn. Nàng ta không biết Hoàng Lan và Tư Thành là ai, cả ngày cứ ngây ngây ngốc ngốc trốn biệt trong phòng, thi thoảng phấn khích hét loạn hoặc bật cười khanh khách, có khi lại lảm nhảm điều gì đó không rõ nghĩa. Hại người lại bị người hại, cũng coi như ông trời có mắt, bắt Phùng Diệm Quỳnh trả giá cho những tội ác trước kia của mình. Hoàng Lan dù có cứng rắn đến đâu cũng không muốn tính toán với một kẻ điên như nàng ta nữa. Biết Tư Thành đặt nhiều kì vọng vào tiểu hoàng tử sắp chào đời nên cuối cùng, nàng lựa chọn ở lại biệt viện và trông chừng Phùng Diệm Quỳnh cho đến khi nàng ta bình an sinh nở. Ban đầu Tư Thành không đáp ứng, nhất quyết bắt nàng hồi cung, nhưng việc gì Hoàng Lan đã quyết thì đến ông trời cũng không cản nổi, Tư Thành đành phải nhượng bộ.
Nói một cách tàn nhẫn, chính bộ dáng điên dại này đã giúp Phùng Diệm Quỳnh vớt vát sự thương hại của Hoàng Lan.
Một cung nữ bưng cháo đến. Hoàng Lan cẩn trọng dùng trâm bạc kiểm độc, trâm bạc không chuyển màu, nàng mới dám cho Phùng Diệm Quỳnh ăn. Khu tư dinh này đã được Nguyễn Đức Trung an bài bí mật, người hầu kẻ hạ hết thảy đều là tâm phúc, nhưng Phùng Diệm Quỳnh sắp đến ngày lâm bồn, mọi việc nên cẩn thận một chút vẫn hơn.
Phùng Diệm Quỳnh ôm chăn ngồi trên giường, ngờ nghệch nhìn bát cháo trong tay cung nữ rồi lắc lắc đầu:
“Cháo nhạt lắm, không ăn đâu, ăn mứt cơ, Diệm Quỳnh thích ăn mứt dâu cơ.”
Thực ra Phùng Diệm Quỳnh vẫn không nhớ ra mình là ai. Vì nàng ta thấy Hoàng Lan gọi mình như thế nên cũng bắt chước tự xưng theo. Giả dụ có người gọi nàng ta là Hoàng Lan, dám chắc nàng ta cũng tự xưng tên Hoàng Lan ngay lập tức!

Đứng ở một bên xem cung nữ loay hoay với Phùng Diệm Quỳnh, Hoàng Lan khẽ nhíu mày. Việc phải dỗ dành Phùng Diệm Quỳnh khiến nàng thấy phát ớn. Cung nữ kia thì vẫn kiên trì đưa thìa cháo đến sát miệng nàng ta:
“Ngoan nào, ăn cháo xong rồi sẽ ăn mứt. Lệnh bà phải ăn hết bát cháo này thì mới có mứt ăn.”
Phùng Diệm Quỳnh vừa ôm chăn vừa lắc đầu nguây nguẩy. Cung nữ kia nhăn nhó mặt mày, xem ra đã hết cách. Nàng ta nhìn Hoàng Lan cầu cứu.
“Nếu ta nhớ không nhầm thì dạo này trong rừng xuất hiện một con hổ cao bằng đầu người, mà con hổ này lại rất thích ăn thịt mấy kẻ ương bướng thì phải?” Hoàng Lan hắng giọng, cố tình nói to cho Phùng Diệm Quỳnh nghe thấy: “Lát nữa ngươi dẫn nàng ta vào rừng, tìm xem con hổ…”
Chẳng đợi Hoàng Lan nói hết câu, Phùng Diệm Quỳnh đã tái mặt, cuống quýt gật đầu:
“Được, được, vậy ta ăn, ta ăn.”
Nàng ta rướn người về phía trước, há miệng thật to để cung nữ bón cháo cho mình, đồng thời len lén nhìn Hoàng Lan như trẻ con sợ người lớn phạt đòn. Vì thành kiến cũ nên mấy ngày nay, Hoàng Lan đối với Phùng Diệm Quỳnh có phần hơi nghiêm khắc, khiến Phùng Diệm Quỳnh sợ nàng như sợ cọp. Chỉ cần nàng trừng mắt hay dọa nạt vài câu, Phùng Diệm Quỳnh dù có ương bướng đến đâu đều sẽ ngoan ngoãn như mèo con, lắm khi còn chủ động nhích đến nịnh nọt nàng, khiến Hoàng Lan vừa chán ghét vừa buồn cười.

Phùng Diệm Quỳnh tuy thần trí lúc tỉnh lúc mê nhưng lại rất thích nghe chuyện cổ tích. Cứ mỗi buổi tối, dưới bầu trời đầy sao, bên cạnh ngọn nến sắp tàn, Hoàng Lan lại cố đè nén sự chán ghét để ngồi kể chuyện cổ tích cho nàng ta nghe.
“Cô Tấm ở hiền thì gặp lành, mẹ con Cám độc ác nên bị trừng trị, vua đón Tấm về cung, phong nàng làm hoàng hậu và yêu thương nàng suốt đời…”
Những câu chuyện của nàng quá đỗi quen thuộc, nào là chuyện Thạch Sanh vào hang cứu công chúa, nào là Thánh Gióng bẻ tre đánh giặc ngoại xâm, rồi chuyện chàng Chử Đồng Tử cùng công chúa Tiên Dung nên duyên vợ chồng… Phùng Diệm Quỳnh thích nghe kể chuyện, nhưng người vô lo vô nghĩ, nằm nghe được một lúc là thiếp đi ngủ.
Đợi cung nữ an trí cho Phùng Diệm Quỳnh xong xuôi, Hoàng Lan mới an tâm trở ra. Tư Thành đang đứng đợi nàng ngoài sân lớn. Ban ngày hắn nghị sự với các đại thần, lúc rảnh rỗi mới đến đây thăm nàng và Phùng Diệm Quỳnh. Dưới ánh sao bàng bạc, hắn đứng đó, áo bào thêu hình rồng, quạt tía cầm trên tay, cốt cách đường uy vương giả cứ vô tình hữu ý mà toát lên như thế. Thấy Hoàng Lan lững thững trở ra, hắn lo lắng hỏi:
“Khuya rồi mà nàng vẫn chưa ngủ?”
“Phùng Diệm Quỳnh phải nghe truyện cổ tích rồi mới ngủ được, thiếp cũng không còn cách nào khác.”
“Việc ấy để đám cung nhân làm là được rồi.”
“Chàng không hiểu đâu.” Hoàng Lan nhún vai đáp: “Ai cũng thuộc một câu truyện cổ tích, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để ngồi kể truyện cổ tích cho một kẻ điên nghe. Mà này, chẳng lẽ do thiếp ở cạnh Phùng Diệm Quỳnh nhiều quá nên giờ đến lượt chàng ghen với nàng ta ư?”

Tư Thành nhếch miệng coi thường, không thèm giải thích.
Nơi hai người họ bước tới là cây cầu đá bắc ngang hồ sen. Gió từ lòng hồ thổi vào mát lạnh, mang theo cả hương sen thanh khiết, ngọt ngào.
“Trẫm bận rộn chính sự, để nàng phải chăm sóc Phùng tài nhân, thiệt thòi cho nàng rồi.”
Hoàng Lan hướng ánh mắt về phía xa xa, nơi dãy đèn lồng đỏ treo thành hàng dài dọc đình viện.
“Chàng quên thiếp đã nói gì rồi sao? Vì chàng, thiếp sẵn lòng thay đổi, cao thượng hơn cũng được, ích kỷ hơn cũng được. Hơn nữa, không phải thiếp độ lượng với Phùng Diệm Quỳnh, thiếp làm tất cả những điều này đều là vì cốt nhục của chàng mà thôi.”
Nàng cũng giống hắn, không thể yêu quý Phùng Diệm Quỳnh, nhưng còn đứa trẻ kia, nàng có muốn làm người ích kỉ cũng không làm nổi.
Tư Thành cảm kích ôm lấy Hoàng Lan, để cho đầu nàng vùi sâu trong ngực hắn:
“Gắng chịu đựng một chút, đợi chuyện này qua đi, trẫm sẽ bù đắp cho nàng.”
Hắn dịu giọng an ủi. Hoàng Lan không nói gì nữa. Trong thời khắc này, giữa nàng và hắn, mọi lời thề thốt đều trở nên dư thừa. Nép mình trong vòng tay ấm áp của hắn, nàng cảm thấy mọi thứ thật bình yên.
Sương rơi xuống. Đêm càng sâu…

(Mời các bạn đón đọc Chương 49: Hoa tàn, ngọc vỡ.)

Mọi người còn nhớ bạn Lan này không ạ?
Kim Hoa nữ học sĩ Ngô Chi Lan, người từng được Tư Thành mời đến dạy chữ cho Hoàng Lan sạu vụ án yêu xà. Bà là một nhân vật lịch sử có thật, bị sử sách coi là “người tình bí mật của vua Lê Thánh Tông”. Nhưng trong Thiên hạ kỳ duyên thì… *ba chấm*


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.