Thiên Hạ Kỳ Duyên

Chương 110: Nhân tâm (1)


Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 110: Nhân tâm (1)

(Còn Mạc Viên Nhiên, người này có nhan sắc khuynh thành tuyệt diễm, lại mang trong mình khí chất thanh cao thoát tục, lẽ nào lại chấp nhận cảnh luồn cúi trước người Minh? Hoàng Lan không tin, có đánh chết nàng cũng không tin. Nhưng nếu Mạc Viên Nhiên không phải gian tế, vậy lý do cho việc nàng ta tình nguyện dấn thân kiếp phong trần, chịu cảnh đàn hát mua vui cho đủ mọi loại người là gì? Chẳng lẽ nàng ta không biết Thưởng Nguyệt lâu là cứ điểm của Đại Minh ư?)
….
Thanh Ngọc chọn ra một chiếc trâm đẹp nhất để cài lên tóc Lê Tuyên Kiều. Dưới ánh nắng mùa thu dìu dịu, đóa hoa mai bằng ngọc phỉ thúy càng khiến cho chủ nhân Diêu Tú viện thêm phần yêu kiều, duyên dáng.
“Bẩm lệnh bà, hôm qua có người nhìn thấy Nguyễn dung hoa đến Vĩnh Hà điện.”
“Nguyễn Nhã Liên?” Lê Tuyên Kiều đang bận rộn ngắm mình trong gương, nghe vậy chỉ hờ hững hỏi lại: “Cô ta đến chỗ của Phùng lương nhân làm gì?”
Rõ ràng Thanh Ngọc cũng không biết đáp án. Nàng ta nghĩ nghĩ một lúc rồi nói:
“Nô tì nghe nói Phùng lương nhân bị cảm lạnh, cung nữ của nàng ta tìm đến điện Bảo Quang cầu xin bệ hạ nhưng bị Đặng tổng quản từ chối, nửa đường trở về thì gặp Nguyễn dung hoa.”
“Có phải chính là cung nữ tên Hồng Hạnh đã tìm đến chỗ chúng ta tối qua?” Lê Tuyên Kiều hơi ngờ ngợ.
Thái Thanh Ngọc vâng dạ thưa phải.

“Phùng lương nhân cũng khéo dạy dỗ ra loại cung nữ to gan lớn mật. Ta không tiếp, nó liền chạy đến chỗ bệ hạ làm ầm lên. Chỉ là cảm lạnh thôi, có chết được đâu, con tiện tì ấy định rêu rao cho cả hậu cung này biết Phùng lương nhân của nó bị bệnh nặng chắc?”
Lê Tuyên Kiều là vậy, chuyện gì cũng có thể từ bụng ta suy ra bụng người. Thanh Ngọc vẫn đứng sau hầu nàng ta búi tóc chải đầu, động tác vừa thong dong vừa tỉ mỉ, thỉnh thoảng lại mỉm cười ý nhị.
“Nô tì đã hỏi qua thái y viện, xác thực Phùng lương nhân bị cảm lạnh không hề nhẹ.”
“Thanh Ngọc à, ngươi đừng có dễ tin người như vậy.” Lê Tuyên Kiều điềm nhiên ngắt lời Thanh Ngọc: “Bệnh tình đương nhiên không thể giả, nhưng lý do thì lại có vô vàn. Thường ngày Phùng lương nhân đều ở trong Vĩnh Hà điện tụng kinh niệm phật, tuần trước tự nhiên lại chạy ra ngoài để rồi bị nhiễm mưa. Ngươi cho rằng hậu cung này chật hẹp đến mức không có nổi một chỗ cho cô ta trú mưa hay sao? Trên đời này, có kẻ nào tình nguyện chuốc lấy thiệt thòi vào thân? Tự làm mình nhiễm mưa, rồi lại đi rêu rao khắp mọi nơi, xem ra Phùng lương nhân cũng giống như bao kẻ khác, muốn tự giày vò mình một chút để tranh thủ tình cảm của bệ hạ đây mà.” Nói đoạn, khóe môi Lê Tuyên Kiều nhếch lên đầy khinh bỉ: “Ấu trĩ! Tình cảm đến từ sự thương hại thì có gì tốt? Ta cứ tưởng Trịnh tu nghi nôn nóng, không ngờ có kẻ còn ngu ngốc hơn cả cô ta!”
Thái Thanh Ngọc xấu hổ cúi đầu:
“Lệnh bà tinh tế, nhìn thấu nhân tâm, nô tì có học mười năm nữa cũng không bằng một nửa của người.”
Thấy đối phương lại giở giọng nịnh nọt, Lê Tuyên Kiều ấn nhẹ vào trán nàng ta rồi trách móc vài câu, nhưng kì thực trong lòng lại vô cùng vui vẻ.

Cùng lúc ấy, bên trong Vĩnh Hà điện.
Rèm châu buông xuống, căn phòng tối hẳn đi. Phùng Thục Giang điềm nhiên bước tới bên chậu hoa cúc rồi đổ cả chén thuốc còn đang bốc khói nghi ngút vào đó. Nàng ta không giả bệnh, cũng không có ý nghi ngờ thái y Dương Viễn, chẳng qua thuốc này quá đắng, nàng ta không nuốt nổi mà thôi.
Lê Tuyên Kiều nói đúng: bệnh tật không thể giả, nhưng lý do thì lại có vô vàn.
Lần cảm lạnh này, là Phùng Thục Giang cố ý, bởi nàng ta muốn tìm ra một người…
Theo như lời dặn của Phùng Thục Giang, tối hôm trước, Hồng Hạnh đã đi đến tất cả các cung để thỉnh cầu, nhưng người nào người nấy khi nghe thấy tên Vĩnh Hà điện đều đóng cửa không tiếp, sợ rước xui xẻo vào thân, chỉ trừ một người là ngoại lệ…
Người đó là Nguyễn Nhã Liên.
Nguyễn Nhã Liên từng bị Phùng Diệm Quỳnh chèn ép, lại là người trực tiếp liên lụy trong chuyện hạ độc dạo trước. Cổ nhân có câu “ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”, về lý mà nói, cũng giống như Lê Tuyên Kiều, Nguyễn Hoàng Lan, nàng ta phải căm ghét chị em hai người Phùng Thục Giang đến tận xương tủy mới đúng.
Nhưng cuối cùng, người tìm đến Vĩnh Hà điện lại là Nguyễn Nhã Liên.

Có tật giật mình!
Một năm nay, để thuận lợi hạ bệ Phùng Diệm Quỳnh, Phùng Thục Giang chỉ để ý đến động tĩnh của Lê Tuyên Kiều và Nguyễn Hoàng Lan, hai người luôn ra mặt chống đối Phùng Diệm Quỳnh. Giờ nghĩ lại, mới biết nàng ta đã bỏ qua một người không kém phần thú vị rồi.

Cánh đồng màu xám không còn, ảo mộng biến mất, Hoàng Lan mệt nhọc hé mắt ra. Do đã ngủ một giấc quá dài nên phải mất một lúc, nàng mới quen được với thứ ánh sáng màu trắng đang ào ạt ùa vào qua ô cửa sổ. Một lúc sau, cảm giác có gì đó không thích hợp lắm, ánh mắt Hoàng Lan trượt sang bên cạnh, khi phát hiện ra kẻ đang nắm tay mình là ai thì nàng chợt phì cười.
Trên ghế, Trường Giang nửa nằm nửa ngồi, đầu ngoẹo hẳn sang một bên, vừa ngủ vừa ngáy o o, chỉ có điều ngay cả trong lúc ngủ, cậu vẫn nắm chặt tay Hoàng Lan. Trên vai Trường Giang vắt một chiếc khăn, bên cạnh còn đặt một bát thuốc đã cạn, bộ dạng của cậu lúc này vừa nhếch nhác vừa hài hước, chẳng khác một ông chồng đang chăm sóc vợ ốm là bao. Hoàng Lan thử ngọ nguậy để rút tay ra. Vô ích! Đối phương tuy đã ngủ say nhưng vẫn nắm chặt hơn nàng tưởng. Biết Trường Giang chăm sóc mình đã mệt, Hoàng Lan không nỡ đánh thức cậu dậy, và thế là nàng đành tiếp tục nằm yên trên giường, khoan khoái tận hưởng khoảnh khắc yên bình hiếm có này.
Căn phòng này khá đặc biệt. Mọi thứ đều làm bằng gỗ, từ bốn bức tường cho đến những vật dụng nhỏ bé như bình hoa, chân nến. Đồ đạc tuy ít ỏi nhưng tất cả đều vô cùng trang nhã, tinh tế. Căn phòng nhỏ, thoang thoảng mùi thơm nồng đặc trưng của trúc non, bên ngoài còn vọng vào tiếng lá gió rì rào, đem đến cho người ta cảm giác thư thái như đang ngả lưng giữa chốn bồng lai tiên cảnh.
Trí tò mò nổi lên, Hoàng Lan thực sự muốn biết đây là đâu, tại sao Trường Giang lại có thể đưa nàng đến một nơi đặc biệt như vậy?
Thêm một canh giờ nữa trôi qua, cuối cùng Trường Giang cũng tỉnh giấc. Vừa nhìn thấy Hoàng Lan, cậu ta cười đến sái cả quai hàm.

Mười tám năm sống ở thủ đô phồn hoa, từng đi không ít nơi, gặp qua không ít công trình kiến trúc độc đáo, đây là lần đầu tiên Hoàng Lan được chiêm ngưỡng một cảnh sắc đẹp đẽ đến vậy.
Ngôi nhà ấy làm hoàn toàn bằng gỗ và tre nứa, thanh nhã mà tinh xảo, nằm ẩn hiện giữa rừng trúc bạt ngàn, phía trước cửa còn trồng một hàng râm bụt nở hoa đỏ chói. Đứng ở hiên nhà, phóng tầm mắt mà trông ra bốn phương tám hướng, cũng chỉ trông thấy một màu xanh đến ngút ngàn của trúc và dòng sông Vân chảy hiền hòa phía xa. Giữa trúc có nhà. Quanh nhà có trúc. Nửa vô tình, nửa hữu ý, ngôi nhà và rừng trúc cứ thế tồn tại, giúp nhau thêm phần hoàn mỹ.
Thanh sơ, mộc mạc, lại đẹp đẽ, tinh tế vô cùng.
Lần theo tiếng đàn sáo, Trường Giang dìu Hoàng Lan tìm đến khoảng đất trống phía sau Viên Diệp cư. Khoảng đất này không rộng lắm, có trúc xanh khiêm nhường vây quanh, ở chính giữa còn kê vài tảng đá để làm thành ghế ngồi.
Người đầu tiên Hoàng Lan nhận ra là Phạm Anh Vũ.
Ngồi trên một tảng đá lớn, Phạm Anh Vũ đang nhàn nhã thổi sáo, thần thái vừa thong dong vừa ngạo nghễ. Ánh trúc xanh hắt lên người y, in thành một bóng hình đẹp đẽ trên mặt đất. Nếu không từng chứng kiến cảnh y cầm kiếm xông vào tư dinh nhà họ Lê, thẳng tay đoạt mạng Lê Thụ, Hoàng Lan sẽ tưởng y là một ẩn sĩ nào đó, nhàn nhã vô ưu, hoàn toàn tách khỏi ân oán giang hồ.
Bên cạnh y, một người con gái mặc váy trắng đang cùng y hợp tấu nguyệt cầm. Tầm mắt vừa chạm đến người ấy, Hoàng Lan chợt ngây người.
Một năm sống trong hậu cung, tiếp xúc với đám phi tần hoa nhường nguyệt thẹn đã thành quen, Hoàng Lan cứ ngỡ những nhan sắc mình nhìn thấy đã là yêu kiều, xinh đẹp nhất. Cổ nhân có câu: núi cao còn có núi khác cao hơn. Cho đến ngày hôm nay, Hoàng Lan mới xấu hổ nhận ra rằng quan niệm thẩm mỹ của mình vốn hạn hẹp và thiển cận đến mức nào.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.