Thiền Của Tôi

Chương 5


Đọc truyện Thiền Của Tôi – Chương 5

Sinh nhật lần thứ 29 Thời gian trôi như nước chảy!

– Khổng Phu Tử –

Năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời là quãng thời gian từ 10 tuổi tới 70 tuổi

– Halen Hayes –

New York ngày mùng ba tháng Một, không có hát hò, không có nhạc Jazz bay trong không gian, không có Muju, không có tiệc sinh nhật bóng bẩy mừng hai mươi chín tuổi. Chỉ có tiếng gió rít như dao từ hồ Đông và hồ Hudson thổi tới, khiến làn da rúm lại những vết nhăn.

Hai mươi chín thực là độ tuổi khiến người ta phải ngại ngùng. Bạn không biết được mình vẫn là một cô gái, hay đã thành một người đàn bà. Từ đám quần bò cũ và váy xống trong tủ, ngửi chỉ tôi hấy một mùi thương cảm. Đó là mùi của thời thanh xuân dần trôi. Mặc dù ở tuổi hai mươi chín, bạn càng dễ dàng đạt được cao trào tình dục hơn tuổi mười chín, nhưng bạn không biết được bản thân mình lúc này thực sự vui hơn hay buồn hơn.

Năm hai mươi chín tuổi, mẹ tôi đã có một đứa con gái tám tuổi. Năm hai mươi chín tuổi, Marilyn Monroe đã chiếm được tình yêu của đàn ông cả thế giới. Sau khi Quan Thế Âm mà người phương Đông thường sùng bái quỳ lạy, từ công chúa biến thành ni cô, Phổ Đà Sơn hai mươi chín tuổi đã ở “Hải Thiên Phật Quốc” tu hành thành tiên.

Năm hai mươi chín tuổi, tôi rời xa tổ quốc, trôi dạt nơi xứ người. Cũng may mà tôi vẫn còn thích New York, đặc biệt là New York từ sau khi tôi có được Muju.

Sáng đó vừa thức giấc, tôi nhận được điện thoại của Muju gọi tới. Vừa nhấc lên, anh đã nói ngay: “Chào em, chúc mừng sinh nhật. Nhưng, bây giờ, đừng nói gì vội nhé”.

Tôi phá lên cười, anh vội vàng suỵt suỵt ngăn lại. Tôi dỏng tai lên, quả nhiên nghe thấy một thứ âm thanh rất vui tai, như tiếng chim kêu.


“Cái gì vậy? Chim phải không?”, tôi hỏi.

“Em thích không?”, anh chưa trả lời vội.

“Thích, có thể ngửi được cả mùi thơm mát lành của cánh rừng vừa mưa. Là loài chim gì vậy?”

“Không phải, là một loại ếch đặc biệt, chỉ ở vùng này mới có. Người bản xứ gọi nó là Coqui”, anh cười phá lên, xem ra có phần đắc ý tợn.

“Ếch mà cũng có thể kêu như chim vậy sao. Mang về một con cho em xem đi”, tôi cũng bật cười, thấy thật vui.

“Anh sẽ mang quà về cho em, nhưng không phải là Coqui”, anh nói.

Nghe nói người Nhật rất thích tặng quà, nhưng quả thực đây cũng không phải là nhược điểm gì.

Mở máy tính ra, có không ít thư từ của bạn bè gửi tới chúc mừng sinh nhật. Hỉ Nhĩ khoe cô vừa gửi tới cho tôi một chiếc váy ngủ bằng tơ màu trắng. Trên đó, cô đã dùng axit crilic vẽ một bông sen lớn màu đen.

“Hoa sen, màu đen, váy ngủ bằng tơ tằm, đều là thứ mà cậu thích đấy nhé. Theo luật lệ cũ, tất nhiên mình làm hai chiếc giống hệt nhau. Một chiếc tặng cậu, một cái cho mình. Tình bạn muôn năm!

Chúc cậu hai mươi chín tuổi trở thành một người đàn bà vui vẻ, viết được sách hay, hẹn hò được người đàn ông tốt.


Tái bút: Mình đã là kỹ hình bông sen, đừng lo khi giặt bị mất màu nhé”.

Tôi nhịn cười không nổi trước máy tính.

Trong số quà sinh nhật hàng năm, phần quà của Hỉ Nhĩ luôn khiến người ta phải kỳ vọng nhất. Cô ấy thích có những thứ giống hệt tôi. Thế rồi dần dần, việc mua hai món quà đã trở thành luật bất thành văn giữa chúng tôi. Một lần, tôi mua hai cái máy đo trứng rụng, một cái cho tôi, một cái tặng cô ấy. Sau khi nhận được quà, cô suýt nữa giết chết tôi. Tôi đã quên mất cô không cần dùng thứ này.

Bà chị họ Chu Sa lớn hơn tôi bốn tuổi và anh chồng họa sĩ D cùng vẽ một tấm e-card tặng tôi. Trên thiệp là gương mặt tươi cười của đứa con trai ba tuổi của họ.

Nụ cười tươi như hoa hồng của thằng nhóc khiến tôi không khỏi ngưỡng mộ và ghen tị. Từ nhỏ, tôi đã ghen tị với nhan sắc, trí thông minh và đức tính lương thiện của chị. Hồi còn đi học, tôi đã từng làm những việc thật đáng sợ như vảy mực tàu lên chiếc đầm trắng chị mặc biểu diễn trên sân khấu.

Chị không chỉ là một bà mẹ vui vẻ, mà còn là một nhà quản lý tài hoa của một công ty liên doanh có vốn đầu tư của Mỹ. Sự nghiệp và gia đình đề vẹn toàn, thuộc thành phần trung lưu đang được hình thành nhanh chóng ở Trung Quốc.

Quỹ đạo cuộc sống của chúng tôi hầu như không bao giờ đan xen với nhau. Nhưng chúng tôi cùng ngưỡng mộ nhau. Có lúc chúng tôi còn hướng về cuộc sống hoàn toàn khác nhau của đối phương. Chúng tôi đều hiểu cách trân trọng cơ hội, phát triển mình. Cơ hội của phụ nữ thời nay luôn nhiều hơn các bậc tiền bối.

Anh bạn cũ Jimmy Wong gọi điện tới. Chúng tôi đã hẹn tối nay đi ăn.

Mười ba năm trước, tôi và Jimmy Wong đã quen nhau. Lúc đó, anh là một nhà thơ trẻ nổi tiếng Trung Quốc nhưng rất kiêu ngạo và phóng túng. Đầu thập niên 90, anh đưa vợ – cũng là một nhà thơ – cùng đứa con gái mới sinh di dân sang New York. Sau đó, để nuôi sống mình trong cái thành phố đắt đỏ này, anh và vợ anh đồng thời cùng chấm dứt nghiệp thơ ca. Vợ anh đi làm thuê ở xưởng may và tiệm ăn trong khu phố Tàu. Anh đi học luật tại Đại học New York, khổ luyện thăng trầm mãi mới đến ngày cầm được giấy phép hành nghề luật sư. Anh trở thành luật sư di dân, chuyên phục vụ cho hàng nghìn người Trung Quốc muốn kiếm được tấm thẻ xanh. Rất nhanh chóng, anh lập được văn phòng riêng trong khu Hoàng hậu Flushing và Lower Manhattan. Nhưng rồi anh ly hôn. Vợ cũ của anh mở một công ty nhập khẩu đồ dùng giả cổ trong gia đình từ Trung Quốc đại lục, tới nay đã kiếm được lợi nhuận hàng trăm ngàn đô la Mỹ một năm.


Nghe nói 90% các nhà thơ đều có tài kiếm tiền, chỉ có điều họ có muốn hay không.

Sau khi tôi tới New York, hầu như tuần nào Jimmy Wong cũng gọi điện cho tôi một lần, và cứ cách hai tuần lại mời tôi đi ăn.

Anh mập hơn nhiều so với trước, tóc cũng ít hơn nhiều. Trên gương mặt luôn có vẻ cảnh giác và chán ngán thường thấy của các luật sư. Suốt mấy năm sau khi ly hôn, anh vẫn sống độc thân, vẫn thích bia lạnh và phụ nữ nóng hổi. Nhưng số đàn bà ngủ với anh càng nhiều, anh lại càng cô đơn.

Anh từng nói tôi là ứng cử viên thích hợp nhất để cùng ăn tối. Có lúc tôi không thể đi ăn tối với anh hai tuần một lần, anh rất thất vọng, nhưng cũng chỉ diễn ra trong ba phút. Nói ra, tình hữu nghị giữa chúng tôi hầu như toàn mỹ, cùng ngưỡng mộ nhau, cùng quan tâm lẫn nhau, không hề cãi nhau (thật kỳ lạ), và cũng chưa bao giờ yêu nhau. Tới giờ, chúng tôi cũng chưa từng bị quấy rối bởi khát vọng tình dục, nhưng lại có thể bàn tán điên cuồng về cuộc sống tình dục của nhau.

Lần này, chúng tôi chọn được một tiệm ăn Thượng Hải có tên là “Lão Chính Hưng” gần phố Mott ở khu phố Tàu. Ở đó có đồ ăn Thượng Hải rất chuẩn.

Vừa gặp mặt, khuôn mặt luôn mất kiên nhẫn của Jimmy bỗng tươi cười rạng rỡ. Anh mở rộng cánh tay, ôm choàng lấy tôi. “Thật không ngờ chúng ta chơi với nhau được lâu đến vậy!”. Anh nói, rồi ngắm nghía tôi hết lượt. Tôi mặc một chiếc áo len cao cổ lông thỏ màu gạo và một áo jacket da dê màu đen. “Thời gian như không có tác dụng gì lên người cậu thì phải. Nhìn kìa, rõ ràng vẫn như cái hồi gặp cậu lần đầu ở Bắc Kinh. Vẫn gương mặt vô tội đó!”.

Tôi bật cười. Những lời chúc tụng vẫn luôn có tác dụng. Có điều tôi không được cao mấy, tóc dài, mặt tròn, rất dễ bị tưởng lầm là vô tội.

Anh rút từ trong túi ra một chiếc hộp thắt nơ bằng lụa đỏ, đẩy tới trước mặt tôi. “Cái gì thế?”, tôi tò mò cầm lên, lắc lắc bên tai, cố đoán xem là vật gì. Từ nhỏ tôi đã quen nhận đủ các loại quà tặng, khiến không chỉ một người cho rằng tôi quá mê quà cáp. Còn Muju trong một ngày sau đó lại trách tôi là “ngạo mạn không cần thiết”.

Dường như Jimmy rất thích cử chỉ trẻ con của tôi. “Nghe ra cái gì không?”, anh mỉm cười, “Là cái lắc ngọc, thông dụng lắm. Nếu như mười năm trước, nhất định mình sẽ tặng cậu một bài thơ”.

“May mà giờ đây đã là mười năm sau”, tôi cười. Có thể anh cho đây là câu nói đùa, nhưng sự thực là dù khi tôi điên rồ nhất, có vò đầu bứt tóc để viết, cũng chưa bao giờ coi nhẹ cái đẹp của mọi thứ vật chất. Tơ lụa rất đẹp, ngọc cũng rất đẹp, hàng hiệu Prada cũng rất đẹp, xe thể thao Ferrari cũng rất đẹp, tiền đô Mỹ có hình Franklin cũng rất đẹp.

Nhân viên trong tiệm Lão Chính Hưng đều nói được tiếng Thượng Hải chuẩn. Trang phục và đầu tóc của họ chỉnh tề hơn đám vượt biên làm thuê cho tiệm ăn Phúc Kiến. Một cậu Nhân viên mắt dài và hẹp mang thực đơn tới. Chúng tôi chọn món bánh bao nhân cua Thượng Hải, thịt lợn kho gia truyền, măng xào. Đặc biệt là món súp thịt lợn ướp tuyệt diệu. Nhưng đây là món ăn đặc sản Thượng Hải từ thời xa xưa, ngay cả ở Thượng Hải ngày nay cũng không tìm ra. Thật không ngờ vẫn được duy trì nguyên vẹn ở New York.

Từng khu phố Tàu ở nước ngoài giống như một cỗ tàu hỏa cũ kĩ cứ rù rì chạy, khoác lên mình những kí ức về một đất nước Trung Hoa truyền thuyết và cổ kính. Còn Trung Quốc ngày nay lại y hệt một con tàu nhanh với cái đầu lao vun vút như viên đạn, chạy rất xa trên chặng đường phát triển kinh tế thương mại.


Đồ ăn ngon, rượu nồng, cuộc trò chuyện càng thêm tâm đắc.

Cảm giác thi ca của Jimmy dường như lại quay về. Chúng tôi thảo luận về quan điểm tôn giáo của Dostoyevsky và Hermann Hesse. Rồi tự nhiên lại nói tới chuyện nhà cửa, xe hơi, vườn hoa, rồi dần dần lại xoay về tình dục là đề tài mà anh thích bàn luận nhất.

“Hình như New York không gợi cảm bằng Thượng Hải”, tôi nói.

“Mình cũng nghĩ như vậy”, anh uống một ngụm bia to, “Tệ hơn là New York có thể khiến một người đàn ông lúc thì rừng rực lửa tình, như một kẻ chết đói chết khát, lúc lại như một gã bất lức, suốt năm không muốn làm tình”.

“Khi mình vừa tới đây được một tháng, mỗi lần đi ra ngoài đều cố tình ăn vận xấu xí hơn. Như vậy tỉ lệ bị cười và bị cưỡng hiếp cũng ít đi một chút”, tôi vừa nói xong, đã cùng Jimmy phá lên cười.

Mấy ngày trước, mẹ tôi ở Singapore xa xôi rất lo lắng gọi điện tới. Bà vừa đọc được một cái tin cho biết, gần đây trên một bến tàu điện ngầm ở New York có một gã đồng tính đã đẩy một cô gái nước ngoài xuống đường ray khi tàu vào ga. Bà lại dặn dò tôi khi đi ra ngoài phải cẩn thận, không nên ăn mặc quá khoa trương, khi tới ga tàu điện ngầm phải đứng lùi vào trong sân ga.

Ai bảo tôi sống trong cái thành phố nổi tiếng lưu manh nhất thế giới này?

Tình dục ở đây không đáng giá một đồng xu, có thể nhặt ở bất cứ chỗ nào. Nhưng con người ở đây thực ra đã đánh mất niềm vui thú cổ điển của tình dục, đã quên mất cái thú ngồi trong quán cà phê, trao nhau những ánh mắt đầy ẩn ý, nhẩn nha buồn lời, từ chối, rồi phối hợp, ngưng nghỉ, lại đùa giỡn, lại cự tuyệt, rồi lại ngưng nghỉ…

Cái kiểu thăm dò một tiến một lùi, cái kiểu chiến thuật kéo cưa đó cần có thời gian. Nhưng ở New York, thời gian lại quá đắt đỏ.

Còn Thượng Hải, mặc dù ngày càng giống New York, nhưng vĩnh viễn không bao giờ trở thành New York. Chí ít thì bầu không khí ở Thượng Hải mãi ẩm ướt như thế. Khí hậu đó khiến bạn liên tưởng tới một vườn hoa sau cơn mưa hoặc tới cơ thể người phụ nữ vừa tắm xong.

“Trong cuốn sách Anh em nhà Karamazov, Dostoyevsky đã mượn tôn giáo để lên giọng phán: Bí mật của con người không chỉ nằm ở phải sống, mà còn có cả lý do để tiếp tục sống”. Jimmy nâng cao ly rượu: “Nào, vì lý do phải sống tiếp của chúng ta, cạn chén”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.