Đọc truyện Thi Quan Kinh Niên – Chương 4: Núi hoang đạo gia
Edit: Yunchan
Lúc nhận được tiền công thì sắc trời đã hửng sáng, cả Lâm gia sáng rực đèn đuốc, chỉ chờ Thi quan về báo tin vui. Sau khi đã biết tin con trai cuối cùng cũng được hạ táng thuận lợi, Lâm lão gia không nói hai lời dâng ngay số tiền công còn lại, Lâm phu nhân thì trào nước mắt lôi lôi kéo kéo tay Kinh Niên, cám ơn cô rối rít, nói là rốt cuộc tiểu nhi cũng được yên nghỉ.
Chẳng qua theo Kinh Niên thấy, có lẽ thành phần thở phào thoát nạn vẫn chiếm đa số, bằng không lão gia cũng không năm lần bảy lượt giữ cô lại tham gia bữa tiệc tang ma gì đó. Nghe đâu thân bằng hảo hữu đều có phần, ngay cả hàng xóm láng giềng hơi quen tý cũng không lọt sổ. Nếu chẳng phải thành này giàu có không có nhà nghèo nào, thì khó đảm bảo lão gia không mở kho thóc ăn mừng.
Ăn mừng? Không sai, đích thực là ăn mừng! Tuy nói bên ngoài là tiệc tang ma, nhưng nhìn ý cười mập mờ trên mặt của lão gia, Kinh Niên thật là buồn thay cho Thi công tử, cũng may cuối cùng được ra đi thanh thản.
Dù sao chuyện này cũng chẳng thể trách lão gia và phu nhân, đương nhiên, Kinh Niên cũng không nhìn ra bữa tiệc này có gì vui vẻ, cho nên khéo léo từ chối ý tốt của Lâm lão gia, hơn nữa Thi Ngũ gia dính đầy máu thối còn chưa xử lý, cho nên vừa cầm bạc xong đã dắt Thi Ngũ gia ra cổng lớn ngay mà không nán lại một lát nào. Tất nhiên, cũng không định cho bất cứ ai biết chuyến đi này còn giải quyết thêm không ít phiền phức, có lẽ sư phụ thủ sơn cũng có thể an nhàn một lúc.
Gió sớm mai mát mẻ trong lành khác xa với không khí ẩm mốc ở bãi tha ma trên núi, dù luồn vào cổ hơi lạnh nhưng vẫn mang theo mùi của nắng. Kinh Niên sờ cái túi vải căng phồng, nụ cười phởn vẫn chưa héo đi chút nào từ khi ra khỏi cổng lớn của Lâm gia. Bạc nhiều tới độ hầu bao cũng không đựng nổi, sẽ có cảm giác gì? Nhìn cái vẻ hơn hớn của cô là biết liền thôi.
“Ngũ gia, ta muốn mua cho ngài một bộ đồ mới trước!” Kinh Niên xoay người vừa đi thụt lùi vừa cười tít mắt, sau đó híp mắt ngó nghiêng, bắt gặp một phường vải ở ven đường, lập tức quay gót chạy bổ về hướng đó.
Trong con ngõ nhỏ này có vài bố phường nằm liền kề nhau nối dài thành dãy, Kinh Niên chẳng buồn nghĩ ngợi mà vọt ngay vào một nhà lớn nhất, trông có vẻ là tiệm đứng đầu ở đây.
Thi Ngũ gia nhảy theo sau lưng cô, thật ra nếu nhìn cho kỹ thì y phục trên người Thi Ngũ gia, dù màu sắc đã hơi phai nhưng chất liệu lại rất tốt, người lành nghề chỉ liếc sơ là nhìn ra ngay đây tuyệt đối là chất vải thượng hạng. Bộ đồ trên người Kinh Niên thì ngược lại, váy vải trắng thắt đai đỏ, ướm lên vừa khít, cũng khá là bắt mắt, nhưng chất liệu thì hốt được cả nắm ở ven đường.
Tục ngữ có nói, người nhìn người, nhìn bề ngoài, người nhìn Thi quan, nhìn hành đầu. Nếu ngươi là thi quan mà không dắt theo được hành đầu nào, hứ! Mặc kệ ngươi ăn mặc lộng lẫy diêm dúa, châu ngọc la liệt đầy đầu, thì cũng chả ai thèm ngó ngàng tới ngươi, nhiều lắm là nhìn ngươi như coi xiếc khỉ.
Thời buổi này nghề Thi quan cũng là nghề thịnh hành, nên người làm chủ nào mà không nhượng bộ vài bước, dù sao cái người ta muốn coi cũng đâu phải là ngươi!
Bởi thế, dù có tìm cho Thi Ngũ gia hàng xịn hơn nữa, Kinh Niên cũng không phàn nàn nửa tiếng. Cô bước phăm phăm tới trước mặt chưởng quỹ, phất tay chỉ ngay vào mấy chồng vải tốt nhất: “Chưởng quỹ, mấy loại vải này có bộ nào may sẵn không? Kiểu của nam, vừa với Ngũ gia nhà ta, từ trong ra ngoài từ trên xuống dưới đều cần hết!”
Chưởng quỹ đang gảy bàn tính chợt ngước mắt lên, vừa thấy cô thì đổi ngay sang cái mặt cười niềm nở, hai mắt phát sáng tới nỗi tưởng đâu chất vào đó cả đống vàng. Ông ta xoa xoa tay xít lại gần, nói: “A… chẳng phải vị này là Thi quan tiểu muội đưa Lâm đại công tử lên núi sao? Mời vào mời vào!!” Giọng kích động chưa từng thấy, cứ như chưa nghe thấy lời Kinh Niên mới nói xong.
Thái độ vồn vã của chưởng quỹ làm Kinh Niên cảm giác như mình là đại tướng quân vừa chiến thắng trở về, thật ra cùng lắm chỉ là chuyển xác một chuyến thôi. Nhưng Kinh Niên cũng không bài xích sự nhiệt tình của người ta, kiên nhẫn lặp lại câu vừa rồi lần nữa, còn cố ý nói to, đẩy Ngũ gia lên trước, để chưởng quỹ nhìn cho sướng mắt.
Chưởng quỹ đỡ cằm, dí sát mặt vào nhìn hồi lâu, ánh mắt như hận không thể lột sạch Thi Ngũ gia ra để ngắm cho trọn bộ. Giờ thì Kinh Niên có vẻ không vui rồi, thưởng thức với quấy rối là hai chuyện khác xa nhau nhé. Vì vậy cô ra sức ho khan hai tiếng, nhắc nhở chưởng quỹ nên chùi nước miếng.
“Ơ… à… mua y phục cho đây đúng không…” Chưởng quỹ ý thức được sự thất thố của mình, nét mặt già nua không nén nổi thẹn, lật đật nói mấy câu lấy lệ rồi quay người lật nhìn hàng mẫu may sẵn: “Quần và áo lót trong bằng lụa khá hợp với vị gia đây, nhưng áo khoác ngoài e là phải đặt rồi.”
“Phải đợi bao lâu?” Kinh Niên nhoài người lên mặt quầy, nâng hai chân đá tới đá lui, con ngươi đảo vòng qua lại giữa các ô đựng vải.
“Bây giờ đo người trước, đêm nay là có cho ngài.” Da mặt của chưởng quỹ cũng không mỏng manh gì, quay người lại đã cười tươi rói, khiến Kinh Niên không nhịn nổi thôi thúc muốn vén chỗ thịt nhăn ở hai bên mặt ông ta ra.
Chưởng quỹ dừng chốc lát, rồi hỏi tiếp: “Cô nương, cô thích màu sắc với kiểu dáng nào? Có cần ta chọn cho cô nương không?”
Kinh Niên nghiêng đầu qua, nhìn Thi Ngũ gia ngẫm nghĩ một hồi, chỉ vào một cuộn vải nói: “Màu thì chọn loại này, tốt nhất là nền lam thêu đen, còn chất liệu ấy à, cứ chọn loại tốt nhất là được, ta mua nội sam trước, ngoại sam thì phiền ngài làm nhanh giùm, sau bữa cơm tối có được không?”
Chưởng quỹ gật đầu tới tấp, thu tiền đặt cọc, đo người cho Thi Ngũ gia, gói kỹ nội sam bằng lụa trắng đã may sẵn, rồi đưa qua.
Kinh Niên nhận hàng, hỏi khách điếm tốt nhất trong thành ở đâu, sau đó hăm hở kéo Thi Ngũ gia đi tìm.
Lúc ông chủ béo ú trơn mỡ của khách điếm mặc áo gấm xa xỉ đích thân dẫn cô lên nhã phòng lầu hai, đồng thời sai người xách một thùng nước nóng lên trong thời gian ngắn nhất, Kinh Niên mới ngỡ ngàng nhận ra một chuyện ngoài ý muốn, đó là cô đã biến thành nhân vật được ưa chuộng nổi tiếng toàn thành, cũng là nhờ hưởng ké hào quang của Thi Ngũ gia.
“Ngũ gia ơi Ngũ gia, sao ngài luôn được hoan nghênh thế?”
Đợi mấy người sai vặt đi hết rồi, Kinh Niên bèn cài then cửa, đi tới trước Thi Ngũ gia với vẻ mặt rất ư cảm thán. Sau đó đổi chữ trên bùa cho hắn, cởi y phục bẩn ra, cởi luôn cả dây cột tóc. Đoạn chọc tay vào thùng nước thử độ ấm, rồi mới đỡ hắn vào trong bồn tắm ngồi, xắn cao ống tay áo, cầm chiếc khăn giắt ở mép bồn thả vào trong nước thấm ướt.
“Ngũ gia, nước này hơi nóng, nhưng thoải mái lắm đúng không? Hứng gió lạnh cả đêm cũng nên làm ấm cơ thể chút.” Kinh Niên cầm khăn chà lau thân thể của Thi Ngũ gia, nhẹ nhàng dịu dàng, lau kỹ càng từng tấc da, nụ cười nhàn nhạt trên gò má như đang làm chuyện vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất.
Lau người xong thì bắt đầu chuyển sang gội đầu, một tay đỡ sau cổ Thi Ngũ gia, để đầu của hắn ngửa ra sau, tay còn lại múc gáo nước, đổ từ trán xuống một cách cẩn thận, cố gắng không để ướt lá bùa.
Khi rửa tới mặt, Kinh Niên vắt khô cái khăn, nhấc lá bùa lên từ tốn chà lau, mắt mũi miệng, chỗ nào cũng không bỏ qua. Lúc lau tới cằm thì động tác của Kinh Niên hơi khựng lại, hai mắt nhìn thẳng vào mặt của Thi Ngũ gia, ngắm mê mẩn tới phát ngốc hồi lâu, cuối cùng mới lưu luyến thả lá bùa ra, than: “Ngũ gia… Thật tình không nỡ dán cái này lên mặt ngài tý nào, nhưng Kinh Niên quả thật không dám bóc ra, ngài thứ lỗi cho Kinh Niên nhé…”
Nói rồi bưng má thở dài, sau đó cô dìu Thi Ngũ gia ra khỏi thùng nước tắm, lau khô người rồi mặc nội sam vào cho hắn. Cột chắc đai lưng xong Kinh Niên mới giơ tay lên lau mồ hôi, ôm lấy eo của Thi Ngũ gia, đắc ý hỏi: “Ngũ gia, Kinh Niên hầu hạ chu đáo quá phải không? Ngũ gia ngài khoan khoái rồi ha ~ chờ tóc khô nữa ta sẽ chải suông cho ngài, ngài ngồi lên giường chờ ta lát nhé, không được nhìn qua đâu, Kinh Niên xấu hổ.”
Thi Ngũ gia ngoan ngoãn ngồi xuống mép giường, mặt đối mặt với cái cột giường, còn làm y như thật không quay qua quay lại.
Lúc này Kinh Niên mới đi tới trước thùng nước tắm cởi áo tháo thắt lưng —– rốt cuộc cũng được tắm nước nóng rồi!!!
Vào chạng vạng, ông chủ tiệm vải đích thân đưa bộ ngoại bào mới tinh tới, nửa dưới áo bào thêu hoa văn đen tuyền, vạt áo dưới còn thêu đường viền. Sau khi trả tiền tiễn người về xong, Kinh Niên không rời khỏi khách điếm ngay mà ở lại ăn cơm tối, vùi trong lòng Thi Ngũ gia ngủ say tới tận bình minh. Lúc lên đường tinh thần đã dạt dào phấn chấn, khác xa với lúc mới vào thành đi hết đường nọ tới đường kia tìm mối làm ăn.
Ra khỏi thành, lúc đi ngang con đường lên núi đêm qua thì Kinh Niên hơi dừng chân lại, ngửa đầu ngó lên trên một chút, vỗ bồm bộp vào túi hành lý căng phồng trên vai, toét miệng cười hí hửng, sau đó liếc qua khóe mắt nhìn bộ đồ mới toanh chất lượng cao của Thi Ngũ gia, cười tới nỗi hai mắt cong tít thành nửa vầng trăng.
“Tục ngữ dạy cấm sai, người cần ăn mặc, Phật cần kim trang, Ngũ gia ngài chẳng mặc gì đã đủ đẹp, mặc vào một phát lại càng anh tư hiên ngang khí thế bừng bừng, tới thần phật cũng phải nhường đường cho ngài!”
Kinh Niên ngoảnh đầu đi tiếp, miệng còn huyên thuyên mấy câu ca tụng Ngũ gia, cái mặt đó cực kỳ giống lão Vương bán dưa ngoài chợ.
Càng đi tới đường càng vắng vẻ, cây cối xanh biếc chung quanh từ từ đổi thành đường đá gồ ghề san sát, người qua đường cũng ngày một ít đi, cuối cùng chỉ còn thỉnh thoảng gặp được vài người.
Đường thông tới thành trấn kế tiếp có ba bốn ngã rẽ, mặc kệ ngã nào thì nó cũng là đường, vậy mà Kinh Niên cứ khăng khăng muốn vượt qua núi đá không có đường, đúng là đi tắt, nhưng trừ Kinh Niên ra, sợ là mọi người đều thà đi vòng để tránh xa cái ngọn núi quỷ quái ấy.
Địa thế hiểm trở, núi non hoang vắng… Mấy thứ này đều không phải là vấn đề to tát gì, sợ là sợ trong ngọn núi này có thứ bất thường. Dù không ai nói được rõ ràng chính xác, nhưng không có lửa làm sao có khói, mạng treo trong tay mình đâu phải chuyện đùa. Thế mà Kinh Niên cứ không tin, không phải không tin trong núi có thứ kỳ dị, mà là không tin mình không vượt qua được. Làm Thi quan được một thời gian, gặp mấy chuyện kiểu này mãi thì cũng dần cứng cỏi hơn. Cũng chẳng phải mình Kinh Niên như thế, khi đụng phải loại núi có lời đồn kỳ quái kiểu này, mười Thi quan thì hết chín nhất định là muốn xông vào.
Leo men theo chân núi lên trên chưa đầy mấy dặm, Kinh Niên đã phát hiện ra ngọn núi này không gập ghềnh như tưởng tượng, chỉ có đất là cứng chắc, một tấc cỏ cũng khó mọc, những tảng đá xám trắng rắn chắc với nhiều loại kích cỡ cắm xiêng trên mặt đất như những nấm mồ nối liền nhau, nom cực kỳ u ám hoang vu.
Kinh Niên bám vào hố to hố nhỏ trên sườn núi leo mất cả buổi sáng, mắt thấy mặt trời ngày càng lên cao, cô bèn chọn một chỗ đất bằng, ngồi xuống một hòn đá nhô lên, ở đây không có cây cũng chẳng có sông, nhìn sao cũng là một vùng đất chết. Cô hết cách đành phải rút cái khăn khô ra phủi phủi bụi cho Thi Ngũ gia trước, sau đó chà chà cái mặt tròn lấm đất của mình, rồi moi nửa cái bánh bao khô hôm qua chưa ăn hết ra gặm, vừa gặm vừa ngẩng đầu nhìn mặt trời trên đỉnh.
Theo lý thì vừa sang xuân ít ngày, ánh mặt trời buổi trưa có hơi gay gắt cũng không phải chuyện lạ, chỉ cần đứng bất động một lát cũng đủ làm người ta miệng khô lưỡi khô. Vậy mà cô leo núi cũng khá lâu lại chẳng nhỏ được một giọt mồ hôi nào, trái lại còn thấy gió lạnh thổi vù vù, thái dương như họa vậy, thấy được chứ không dùng được, vả lại càng đi lên đỉnh núi cảm giác này càng mãnh liệt, theo tình hình này thì tám phần không liên quan gì tới khí hậu.
“Ngọn núi này có trò lạ.” Nuốt nốt miếng bánh bao cuối cùng vào bụng, Kinh Niên liếm liếm ngón tay, không vội đứng dậy đi tiếp, trái lại còn rảnh rỗi ngó nghiêng chung quanh.
Đương nhiên không phải cô đang thưởng thức phong cảnh, mà với kinh nghiệm quan sát của cô, gió núi lạnh thế này hơn phân nửa là do thi khí.
“Cơ mà, sao không thấy nửa cái bóng nào?” Chả lẽ còn phải lên nữa? Nhưng họ vào núi cũng lâu rồi, mà mũi của mấy thứ chết chóc đó rất thính, đáng lẽ đã lần theo mùi dương khí tìm tới đây từ lâu rồi chứ.
“Cũng đỡ, không tới là hay nhất, khỏi rắc rối.” Nếu đụng thật thì chỉ có thể trách số của mấy thứ kia quá đen.
Kinh Niên đứng lên phủi mông, xách túi vải đeo lên vai, quay đầu nói với Thi Ngũ gia một tiếng, rồi lại đi lên theo vách núi.
Càng đi vào sâu hơn luồng khí trắng vốn dĩ rất mỏng lại ngày một nhiều lên, rất nhanh nó đã tụ thành một màn sương mù dầy đặc trước mắt Kinh Niên, dầy tới độ che khuất bầu trời. Tới khi Kinh Niên dừng lại lần nữa, nhìn quanh mới phát hiện cái lồng sương này đang quấn quanh thân, cả tầm mắt là một vùng trắng xóa.
“Đây là…” Tim Kinh Niên thót lên, nhảy mấy bước tới bên cạnh Thi Ngũ gia, nhìn về phía trước. Trước mặt nào còn thấy trời xanh mây trắng, cách tầng tầng lớp lớp sương mù, e là nửa tia nắng cũng không lọt vào được. Cương thi không sợ ngày đêm luân chuyển, nhưng quỷ hồn thì khác.
Ý thức được điều này Kinh Niên vội vàng thò tay vào lòng, nhưng đã quá trễ, ngay tích tắc bàn tay chạm tới bùa, cô đột nhiên cảm thấy sau lưng nóng lên, cánh tay cũng rút ra không nghe theo điều khiển.
“Toi rồi toi rồi…” Kinh Niên nhắm mắt lại, đống mồ hôi không ra nổi hồi nãy, bây giờ lại toát hết ra trên trán.
Cô biết tình huống này gọi là quỷ nhập, trước đây cũng từng bị một hai lần, nhưng lúc đó đều có người giúp đỡ, còn hiện tại, bên cạnh chỉ có một Ngũ gia… rõ là anh hùng không có đất dụng võ mà…
Thi quan chỉ biết cách đối phó với cương thi, dù chừng trăm cái thây ma xông lên cũng chỉ là chuyện vặt. Nhưng Thi quan không luyện mắt âm dương, không nhìn thấy Quỷ Hồn, cũng không biết cách đuổi tử hồn giúp người sống. Mà điểm chết người nhất chính là, bản thể Thi quan bị dựa thân, công lực lão đạo dù mạnh tới đâu cũng phải lao lực hao tâm tốn sức, tới khi dùng hết tinh khí thì cũng phải phó mạng cho số phận. Người có công lực kém thì chưa cần tới nửa khác đã mất quyền làm chủ, nhẹ thì đổ bệnh, nặng thì chết. Để tránh xảy ra chuyện này, Thi quan nào cũng có một lá bùa giữ hồn, dán ở mắt, hai vai, ngực, bụng và rốn để hộ dương thể, khiến tử hồn không tiếp cận được cơ thể. Đương nhiên trên người Kinh Niên cũng có, nhưng lúc cô vào núi lại lơ là không dán bùa vào đúng chỗ, đến nỗi vừa rồi mới nhớ tới chuyện lấy bùa dán vào.
Kinh Niên nhìn Thi Ngũ gia vẫn bất động bên cạnh, tuy mọi khi còn có thể tìm được vài cách, nhưng theo tình hình này, tay chân không nghe điều khiển, bùa chú cũng chẳng biết đổi cách nào, huống hồ cái hồn này…
“Cho ta ăn thêm chút nữa!!”
Vừa nói xong câu này, chân Kinh Niên tức khắc nhũn ra, quỳ phịch xuống đất, vì một thoáng phân tâm mà sức kháng cự vừa tích tụ lúc nãy đều mất sạch, chỉ thấy cô bổ nhào ra đất liều mạng đấm đất.
“Ta chỉ muốn ăn một cái nữa thôi!! Cho ta một cái bánh bao là đủ rồi!!! Tại sao tới một cái bánh bao cũng không cho ta…” Từ trong miệng Kinh Niên xổ ra khẩu âm phương Bắc tục tằng phối với giọng thiếu nữ non nớt, nghe vào hết sức kỳ dị.
Tiếng càu nhàu chồng lên nhau, lặp đi lặp lại câu “Cho ta một cái bánh bao”, trên cái trán kéo căng của Kinh Niên bỗng gồ lên một đường gân xanh hình chữ thập, mỗi lần thốt ra một câu thì nó lại lồi lên một chút, rốt cuộc bùng nổ —-
“Câm hết cho ta!!!” Kinh Niên bất ngờ nhảy vọt khỏi mặt đất, giẫm giẫm giẫm: “Con bà nó có phải ngươi ăn nhiều quá nên đột tử không hả? Còn ăn ăn ăn…”
Còn chưa nói hết lời, trên lưng đã đột nhiên mát lạnh, Kinh Niên tức khắc cảm thấy thân thể nhẹ đi không ít, biết là hồn tự động xuất ra khỏi cơ thể, bèn lật đật thò tay vào ngực định bới bùa. Ai ngờ tay còn chưa sờ được gì thì ngực lại nóng lên, cái tay đang thò vào vạt áo lập tức chuyển sang bưng mặt khóc thút thít —
“Hu hu hu… tiểu nữ đúng là số khổ … Nhà có mẹ già tám mươi, Lâm công tử không bằng cầm thú còn định cưỡng đoạt ta, mẹ già tức giận đến nỗi mất mạng, ta còn giữ lại làm gì, bị Lâm công tử vấy bẩn chi bằng chết mà giữ được trong sạch… Hu hu hu…”
“Nghe ta nói nè cô nương!! Lâm đại công tử đã bị người ta chém rồi!! Đầu mình hai nơi, chết muốn xấu bao nhiêu thì xấu bấy nhiêu!! Tuyệt đối thảm hơn cô!!” Kinh Niên ráng hết sức giật tay ra khỏi mặt, nắm chặt tay lại, hét lớn một tiếng: “Thi thể của tiểu gia đó là đích thân ta dẫn lên bãi tha ma!!”
Bất thình lình —- ngực mát lạnh, Kinh Niên không dám thở một hơi nào, lật đật lấy bùa ra, lần này còn ghê hơn, tay mới nhích khẽ thì trên đỉnh đầu, trước ngực, trên cổ rồi dăm ba chỗ khác đều nóng lên cùng một lúc… Xong đời…
“Ha ha ha ha ha ha ha!! Hú hú hú hú hú hú!! Hí hí hí…” Kinh Niên ôm bụng lăn lộn trên đất, mồm ngoác to đến mức toét lên tận mang tai.
Trong chốc lát lại đột nhiên nhảy dựng lên, bê một tảng đá mẻ cố sống cố chết nện xuống mặt đất, vừa nện vừa chửi ầm lên: “Con đàn bà thối!! Lão tử chỉ tát ngươi vài cái, ngươi đã cắm sừng lão tử! Đôi cẩu nam nữ này! Gian phu dâm phụ này! Mông không có ** này! Cởi quần không đánh nổi rắm này…”
Sau đó bất ngờ lạc điệu, biến thành tiếng tụng niệm bi ai: “Nhớ thuở xưa, ca vân mộng vũ, là ai, ném đá vào hồ tâm, khơi lên lớp lớp sóng lòng…”
Chỉ thấy Kinh Niên giang hai tay ra, trông điệu bộ như muốn moi tim móc phổi, ngửa đầu hét to: “Ôi ——– áng mây, ngươi là trái tim nhỏ của ta, ôi —— hoa sen, ngươi thật giống như tên nở rộ trong lòng ta, ôi —– Mỵ Nương, đến giờ ta vẫn không quên được đêm mây mưa hôm đó, nghe tiếng nàng e thẹn rên khẽ bên tai ta…”
Giỏi cho ngươi tên đại sắc quỷ!!! Bị người ta bắt gian tại trận đánh chết ngay tại chỗ, rõ là không đánh oan ngươi! Dám mò lên giường em vợ Huyện gia! Chẳng phải chán sống rồi sao?!
Kinh Niên thầm lý sự trong lòng. Chờ sau khi kêu hết tên của mười bảy cô nương, sắc quỷ rốt cuộc cũng tâm sự đủ, cổ mát lạnh lần nữa, linh hồn bé nhỏ bay mất. Kinh Niên đỡ cái cằm mỏi nhừ, vừa định lấy hơi đứng dậy, nào ngờ thân thể lại như bị định trụ không nhích được nửa phân, xem ra còn chưa xuất hết.
Thôi được, để coi vị này định làm gì. Kinh Niên dứt khoát không mất công chống cự nữa, đứng nghiêm một lát, đột nhiên, hai tay giơ lên tóm lấy vạt áo, kéo mạnh —-
“Vị gia kia ơi giúp ta một tay đi, ta nóng quá…”
Giọng õng ẹo uốn éo vừa vọt ra khỏi miệng, Kinh Niên đã đỏ phừng mặt —- đây đây đây… lẽ nào là…
“A… nóng quá đi… thật là khó chịu mà… ui… a…” Quả nhiên!! Quả nhiên không phải là nữ tử nhà lành mà, sao lại thành thế này, sao lại thành thế này, sao lại thành thế này hảaaa?!!! Không được, tôn nghiêm của cô không thể ném cho thứ này!!!!
Nhưng nghĩ thì cứ nghĩ mà làm thì cứ làm, tay Kinh Niên vẫn nỗ lực kiên trì, lột cái áo trắng bên ngoài xuống, để lộ nội sam xanh biếc.
“Ngũ gia!! Không được nhìn qua bên này!!” Kinh Niên vừa liều mạng cản hai cái tay đang làm bậy, vừa hét to về hướng Thi Ngũ gia.
Thi Ngũ gia nghiêng đầu đi như thật, mặt cũng ngoảnh sang hướng khác.
“A… Thật là khó chịu… Nóng quá… Câm miệng!! Mùa vụ qua lâu rồi!!! A… Ta không được… ngươi không được chỗ nào? A… Đừng mà….!! Ta cũng muốn!! Không muốn! Ngươi im miệng cho ta!!!”
Kinh Niên nghiến răng nghiến lợi chiến đấu với hai cái tay không an phận của mình, khổ nỗi sau một loạt hồn dựa thân thì sức lực cũng giảm đi, dù ý thức có kiên định cỡ nào cũng không thực hiện được, mắt thấy bạch sam sắp bị tuột tới thắt lưng.
Lẽ nào đường đường là Thi quan như ta lại diễn màn thoát y ngoạn mục vô song ngay tại vùng núi hoang vu này sao?
Ngay khi cô định vứt bỏ ý muốn chống cự, thì đúng lúc này kim quang vạn trượng bỗng bắn vào trong màn sương, lóa mắt như vậy chắc chắn không phải là ánh sáng mờ của đèn dầu.
Kinh Niên bị luồng ánh sáng đâm tới, khiến hai mắt không mở nổi, nhưng đầu vai bỗng mát lạnh, toàn thân nhất thời xụi lơ như bùn, lòng cô biết rõ bị thứ mạnh như vậy chiếu tới, hồn phách không muốn thăng thiên cũng khó.
Sương mù dầy đặc bị xua đi rất nhanh, mắt của Kinh Niên cũng lấy lại tác dụng. Cô thần tốc mặc y phục vào, ngồi xổm cạnh chân của Thi Ngũ gia, nhìn về hướng vừa phóng ra ánh sáng, thấy một bóng đen đi về phía này. Theo màn sương dần tan đi, bóng đen kia cũng dần rõ hơn, thân mặc thanh bào, đầu đội cao quan, gương mặt tuấn tú, hẳn là một đạo sĩ thiếu niên.
Đạo sĩ kia kẹp trong khuỷu tay một vật như đĩa bát quái, Kinh Niên nhận ra nó, đó là bát quái Thái Hư mà đạo sĩ chuyên dùng để xua hồn thu phách, ánh sáng vừa rồi nhất định cũng phát ra từ món đồ chơi này.
Đạo sĩ kia bước nhanh tới trước Kinh Niên, khom lưng hỏi: “Tiểu cô nương, cô không sao chứ?”
Kinh Niên có hơi bất mãn với thái độ nhìn từ trên cao xuống, nhưng lúc này tới đi cũng như nhũn ra, muốn đứng cũng đứng không nổi. Vì vậy đành cười tươi đáp: “Không sao hết không sao hết, đa tạ đạo gia cứu nguy.”
Đạo gia kia cũng cười, đứng thẳng người lên nhìn về phía Thi Ngũ gia, trừng mắt quan sát một lát, tấm tắc: “Thì ra tiểu cô nương đây là một Thi quan?”
Nói đoạn nhìn xuống chứng thực, thấy Kinh Niên gật đầu thì không nén nổi nét mặt kinh ngạc: “Thời buổi này Thi quan còn bị quỷ nhập thật là hiếm hoi, may mà gặp được bần đạo, chúc mừng chúc mừng!”
Đạo sĩ cười tươi như hoa, nhưng nói chuyện thì đâm người chưa từng thấy. Kinh Niên cười lơ đễnh, đạo sĩ coi thường Thi quan cũng chẳng phải chuyện đáng ngạc nhiên, theo lý thì họ là hai đường song song, bên lo quỷ bên quản thi, bên này không chọc bên kia. Nhưng Thi quan coi chuyện này là buôn bán, nên bị xem là thấp hèn, đạo sĩ coi nó là nghĩa vụ trách nhiệm, nên được xem là cao cả. Thế là lập tức phân cấp bậc, vả lại đạo sĩ nhà người ta có quan(*) có phái, mà Thi quan thì sao? Không phải tới nơi thôn dã kiếm tiền thì chính là bám quyền leo thế, làm chân chó theo đuôi người giàu, thảo nào mấy đạo sĩ thanh liêm cao quý không ưa. Đương nhiên, người làm Thi quan cũng có mấy ai ưa đạo sĩ đâu.
(*) Đạo quán
Mối quan hệ căng thẳng này nhắc tới cũng rất buồn cười, dù sao hơn ba trăm năm trước cũng là người một nhà, chẳng biết từ khi nào đã mỗi người đi mỗi ngả?
Kinh Niên thở dài, thấy đạo gia kia che tay lên chân mày nhìn chung quanh, bèn khách sáo nói: “Đạo gia cũng muốn tới trấn Mai Lĩnh sao?”
Đạo gia cúi đầu nhìn hai mắt cô, nghe giọng điệu cô hiền lành, nên cũng không nỡ châm chọc tiếp, đáp: “Đúng vậy, núi này là đường dẫn tới trấn Mai Lĩnh nhanh nhất.”
“Kinh Niên cũng leo lên núi này vì biết nó là đường gần nhất.”
Môi đạo sĩ thiếu niên giật giật, muốn nói nếu không nhờ bát quái Thái Hư cảm ứng được trong núi này có Quỷ Hồn quần tụ, thì cô còn phải lăn thêm một trận ở đây rồi. Những linh hồn lúc nãy đều là oan hồn, oán khí quá nặng nên không thể được ánh mặt trời siêu độ, tất cả đều trốn hết vào đây. Ý niệm trước khi chết của chúng quá nặng, nên dù không phải ác linh, nhưng khi nhập vào người cũng rất phiền toái. Nếu y không tới, thì tiểu Thi quan này tính đối phó thế nào đây? Y thật tình rất tò mò.
“Cô nương, nếu chúng ta cùng đường thì chi bằng đi chung với nhau, cũng hay có thêm người làm bạn.”
Sợ cô bị quỷ nhập nữa đây mà. Kinh Niên thừa nhận là bản thân sơ suất, nhưng một lỗi sai ai lại mắc hai lần? Nếu đi con đường nhỏ này, thì cô nhất định sẽ dán bùa giữ hồn trước. Có điều nếu người ta đã mở lời, không ngại đồng hành cùng một Thi quan như cô, thì cô đương nhiên không tiện cự tuyệt rồi. Do đó đành gật đầu: “Đạo gia nói phải.”
Đạo sĩ nghe cô cứ mở miệng là đạo gia, chân mày cau lại, hình như không quen lắm với kiểu xưng hô này, nói: “Bần đạo họ kép Gia Cát, tên một chữ Thủ, cô nương gọi thẳng tên bần đạo là được, chẳng hay bần đạo phải xưng hô với cô nương thế nào?”
“Đạo gia cứ gọi Kinh Niên là được rồi.” Nào giờ cô luôn nói với người khác như vậy, kiểu như rất tự hào với cái tên của mình.
Gia Cát Thủ thấy cô vẫn chưa chịu đổi cách xưng hô, môi mím lại, nhưng không phàn nàn nữa, chỉ đáp: “Chúng ta nên lên đường nhanh đi, tốt nhất là tới trấn trước khi trời tối.” Nếu không thì phải ngủ ngoài đồng.
Kinh Niên ừ một tiếng, vịn Thi Ngũ gia đứng lên từ từ, hai chân còn nhũn tới nỗi run cầm cập. Gia Cát Thủ nghĩ cô vừa bị hồn nhập thân, trong chốc lát âm khí trong cơ thể chưa tan hết, đưa tay định dìu cô, nói: “Lại đây, bần đạo dìu cô.”
Kinh Niên khoát khoát tay: “Đa tạ lòng tốt của đạo gia, Kinh Niên chỉ nhận tấm lòng.” Ngay cả vấn đề bé xíu này cũng không đối phó nổi thì cô lăn lộn cách nào đây!
Gia Cát Thủ thu tay lại, thấy cô moi cây bút đỏ vẽ vài nét trên lá bùa của Thi Ngũ gia, rồi ghé vào người hắn nói: “Ngũ gia, Kinh Niên đi không nổi, làm phiền ngài bế một đoạn nhé.”
Chợt thấy hai tay của Thi Ngũ gia nâng lên, bế bổng cô lên, nhảy nhảy tới trước. Kinh Niên vòng một cánh tay qua cổ Thi Ngũ gia, vẫy vẫy tay qua vai hắn: “Đạo gia, đi thôi.”
Gia Cát Thủ sững sờ cả buổi trời mới tỉnh hồn lại, bước nhanh đuổi theo, lúc này, hắn khó lòng mà phủ nhận rằng làm Thi quan quả thật… tiện lợi hơn làm đạo sĩ…