Thị Mầu

Chương 15: Tình Trong Như Đã


Bạn đang đọc Thị Mầu – Chương 15: Tình Trong Như Đã

Lùng tùng đường xá xa xôi, còn may không gặp phải mấy phường kỳ đà, thế mà cũng phải đến cuối canh giờ thìn Mầu và cô Hiền mới về đến.

Trong nhà, ngoài ngõ im ắng, chỉ có tiếng lũ gà đang được thả là lục cục, rộn rã. Mầu sợ cô Hiền ngại ngần liền dứt khoát đưa cô vào thẳng nhà chính. Có trở tay không kịp, cô mới thu lại được cái tính hay thẹn của mình.

Thầy Mầu đương nằm trên phản, đầu được kê cao, mắt nhắm hờ, đám râu rung nhè nhẹ theo nhịp thở. Mầu đuổi con gà mái chạy lạc vào nhà làm nó hoảng hốt, dồn kêu quang quác, cũng vì thế mà làm Phú ông tỉnh giấc.

Vừa tỉnh liền nghĩ đến đau đớn, Phú ông nhăn mày rên khẽ.

Mầu tận lực nhập vai, vồ vập nắm tay cha, miệng thời liến thoắng:

– Thầy còn đau nhiều không? Con mời cô Hiền về đây rồi, không cần lo gì nữa!

– Mời cô ấy uống nước – Thầy Mầu khẽ ra lệnh, trán không ngớt nhăn lại.


Khi nãy Mầu nhác đã thấy ông vén môi vẻ muốn mắng, hẳn là ngại mất mặt nên cố nín nhịn. Mầu nén cảm giác đắc ý, vâng lời nhanh nhẩu chuyển ghế kê ngay sát phản, mời cô Hiền ngồi đặng tiện bề xem bệnh.

– Để tôi xem chân cho ông đã – Cô Hiền lắc đầu từ chối ngồi, đi đến vén chăn mỏng đắp phần chân Phú ông lên. Mầu biết ý mở rộng mấy liếp cửa đón nhiều ánh sáng hơn cho cô dễ phần quan sát.

Lúc lại gần, chính Mầu cũng phải hít một hơi, gan ruột rần rần. Chân phải Phú ông bị nặng hơn cả, đã sưng vù, vết thương khá sâu, máu đọng đen, còn hơi rỉ máu tươi và nước vàng, lại vào ngay mặt ống quyển. Tưởng là nhẹ nhưng xem ra không dưỡng hết hai tuần Phú ông cũng còn khó mà đi lại bình thường.

– Thật may mắn chưa phạm đến xương – Sau một hồi tỉ mỉ, cô Hiền thở ra, đoạn nhanh chóng lấy ra chai rượu đặc chế nồng độ cao và vải sạch để rửa vết thương.

Mầu sợ cha đau sẽ vô thức co giật liền tới đỡ cha ngồi dậy, để sức nặng của ông tựa lên vai mình, cũng dụng tâm cho ông dễ dàng nhìn về phía cô Hiền.

Cô Hiền lúc lâm trận đã cởi bỏ dáng vẻ rụt rè, đôi mày thưa rướn lên chú mục, trán nhíu lại nghiêm túc. Không còn nụ cười xã giao thường trực, môi mỏng bặm chặt trắng nhợt. Quả thực ở tuổi của cô, những hương sắc, mặn mà đều đã không còn bóng dáng, làn da hơi cớm nắng càng khiến cô thêm thiếu sức sống, ủ rũ như bông hoa dâm bụt sau trận mưa rào.

Thế nhưng, tất cả đều không quan trọng. Chính thầy Mầu cũng đâu phải trẻ trung, tráng niên gì cho cam. Cái đáng quý ở đây là tính nết của cô. Thầy Mầu bản chất nóng nảy, còn cô Hiền vốn trầm tĩnh, dịu dàng, đôi người đôi tính cách tuy khác biệt nhưng sẽ hoàn hảo bổ trợ cho nhau. Vả lại, cô là người tốt tính, nhân hậu, sẽ không vì chữ tham mà tìm mọi cách bòn rút, vắt chanh bỏ vỏ, rồi ruồng rẫy Phú ông khi tuổi già sức yếu.

Đến lúc cô Hiền làm sạch vết thương mới thấy cô chốc chốc lại nhìn lên mặt Phú ông, động tác gượng nhẹ mà dứt khoát, còn tự nhiên mở lời hỏi chuyện ông gặp hồi sáng. Phú ông có vẻ ngượng, gương mặt phờ phạc khẽ dậy lên huyết sắc, trả lời được câu ngắn ngủi lại e hèm hắng giọng như thể người bị khàn tiếng kinh niên.

Giữa quầng nắng ấm, đôi người ở cái tuổi xế chiều mà lại toát ra cái cảm giác ăn ý kỳ lạ. Mầu tủm tỉm cười, lẳng lặng rút xuống bếp gầy nước. Nói văn vẻ là sao nhỉ, là “đôi người đôi ngọc, tình trong như đã” đấy!

Khói bếp chốc lát um đặc trên mái lá, mắt Mầu dụi mấy lần mà vẫn nhòe cay.

– Cô Mầu.

– À, anh Nô, tôi lại tưởng anh ra đồng rồi.


– Ấy chết, ông thế tôi nào dám đi, tôi chạy ra ao kiếm mớ cá chép để ông bồi bổ thôi. Cô xem cá chép đâu không thấy chỉ có vài con rô còm, may còn tóm được con chuối, gớm, nó lẩn nhanh như cắt, tôi suýt là vồ hụt…

– Cá chuối hả! – Mầu đã giấu xong cảm xúc, vội nhỉnh lên ngó vào cái giỏ Nô đang cầm. Phía trong, giữa mớ cá tạp là một con chuối lớn, sẫm màu, dễ phải to bằng cẳng tay cô, đang cuộn người nằm im. – Tốt quá rồi, càng hay hơn cá chép nhiều, để tôi nhờ cô Hiền bày cách nấu ám, ông đang mệt, được ăn bát ám nóng hổi thì còn gì bằng…

– Ồ – Nô dòm lên nhà trên gãi ót – Không phải cô vất vả đi tận thôn Nam mời ông lang Tần sao?

– Thế mới nói! – Mầu lườm Nô cái sắc lẻm, miệng nguýt dài – Để anh đi, hỏng cả việc của tôi.

Nô không hiểu được ý tứ của Mầu, chỉ cười hiền gãi ót cái nữa, dáng vẻ khuyềnh khoàng, lại lấm lem bùn đất, nhìn thế nào cũng thật tức cười.

Mầu đẩy Nô đi làm cá, mình thì xoay xở pha trà mới mang lên nhà trên.

Phú ông gặp cô Hiền, cũng có cái tự tôn đàn ông làm đầu nên dẫu đau cũng chỉ dám nuốt vào họng, không để bật ra miệng. Băng bó xong mà mồ hôi ông ướt nhẹp, mặt lại chuyển nhợt đi. Mầu giúp cha uống chén nước ấm, xong nhẹ tay giúp cha lau mặt, lau cổ. Miệng không quên liến thoắng hỏi han tình trạng của ông từ cô Hiền, rồi cách chăm sóc, bồi bổ cho ông chóng lành.

Cô Hiền tỉ mỉ lắm, nói thế nào thành ra dạy cả Mầu cách nấu ám nữa, xong nay Mầu thực tối dạ, nghe mười, nhớ có hai. Cuối cùng thành ra cô Hiền phải đích thân xắn tay xuống bếp.

Cha con tâm ý tương thông, lúc Mầu hớn hở ngó lại tính báo công đã thấy Phú ông nhắm mắt thở dài. Được thể Mầu càng lấy làm đắc ý.


Cô Hiền đã nấu, ai lại để cô bụng đói đi về lúc trưa nắng. Thế là Mầu uốn ba tấc lưỡi, vừa mời vừa áp cô ở lại dùng bữa cơm đạm bạc có nhõn cá rô kho khế với rau lang luộc chấm mắm tỏi.

Phú ông một mình trên phản, bát cháo cá còn ấm sực trong bụng, mắt dõi theo ba người đang ngồi ăn, cười nói vang góc sân ngoài kia, lại lạ lùng thấy cái ấm nó lan tràn đến tận cuống tim. Miệng chép chép, tưa lưỡi còn đọng lại vị cá ngọt thanh quyện cùng những hạt cháo mềm trơn, vị tiêu gừng ấm nóng, vị rau cần, rau cải thơm mát, vị thì là nồng nàn. Ông khẽ nhắm mắt, đã bao nhiêu năm ông chưa được ăn bữa cá ám ngon, đúng vị như thế! Mà bữa dãi khoai nấu dấm mẻ lần trước nghe đâu cũng là do cô Hiền bày Mầu nấu nên. Ông chép miệng lần nữa, quả là không tệ, thật không tệ chút nào!

Nhưng sao ông cứ có cảm giác kỳ cục như cá nằm trên thớt, mặc người chém ấy nhỉ!

Mà thôi kệ, dao sắc chẳng gọt được chuôi, xưa nay vẫn thế. Hơn nữa, ông cũng có chút tự hào mới chết. Con gái hoa ngọc của ông lớn thật rồi, có chủ ý lại có mắt nhìn, đủ lông đủ cánh rồi, ra đời cũng không dễ nhận phần thua thiệt. Nghĩ đó lại thấy ngậm ngùi, muốn uống chén trà áp xuống, mà sao toàn nước lã thế này.

Thế là Phú ông gân cổ gọi lớn “Con Mầu đâu!”


Vài lời: Thời gian qua, Yên mệt mỏi, đọc thấy các bạn hối truyện mà Yên cũng nóng hết cả lòng nhưng lực bất tòng tâm, không thể viết nổi. Nay đã tạm khỏe, sẽ viết theo khả năng. Cám ơn các bạn đã luôn yêu quý các nhân vật của Yên 😘


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.