Đọc truyện Thế Giới Mà Tôi Từng Đối Địch – Chương 4: Lá thư thứ ba: courage : dũng khí
Nơi mà mình muốn đến nhất, làm sao có thể mới đi nửa đười đã quay về điểm xuất phát?
From: CC, 18 tuổi, hiện đang sinh sống tại bang Texas, Mỹ
To: Tôi của mười năm sau:
Hôm nay vừa tròn một năm kể từ ngày tôi đặt chân lên đất Mỹ.
Sau bữa cơm tối, khi thu dọn bàn ăn, tôi ngẩng đầu nhìn ánh trăng ngoài cửa sổ, vừa tròn lại vừa lớn, tôi bỗng nhiên nhớ lại khoảng thời gian một năm về trước. Lúc tôi đang ở trong lớp, bố tôi gửi tin nhắn nói tài liệu tôi gửi lần hai đã được Đại sứ quán thông qua.
Thực lòng, chẳng thà bị từ chối còn tốt hơn. Cậu nói thử xem, nếu tôi không tới Mỹ, có phải mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với tôi không? Khi còn nhỏ bố mẹ đã ly hôn, nếu là người khác có lẽ sẽ cảm thấy như đất trời sụp đổ, còn tôi thậm chí chẳng có quyền khóc lóc ầm ĩ. Bố mẹ bỏ tôi ở lại nhà bà nội ở quê, mấy đứa trẻ ở đó đều không muốn chơi với tôi, chúng nói tôi là đứa nhóc được nhặt ở bên đường về.
Cô và dượng ngày ngày đều tỏ vẻ khinh thường tôi. Tất cả mọi thứ chỉ có chị hai mới được phép có, ngay cả bịch Cola Cao mà bố mua cho tôi cũng thuộc về chị hai, thế nên khi tôi tới Mỹ, việc đầu tiên tôi làm chính mua một hộp Cola Cao.
Ở trong nhà, tôi bị cấm không được nói chuyện lớn tiếng, chỉ cần tôi làm vỡ một cái thìa, dượng sẽ hung hăng đánh tôi ngay trước mặt mọi người. Họ luôn chỉ thẳng vào mặt tôi mà nói: “Bố mẹ mày đều không cần mày thì ai còn muốn quản mày nữa?” Nhưng tôi muốn, tôi muốn được tiếp tục sống thật tốt! Ngày sinh nhật 13 tuổi, tôi cầm chỗ tiền đã tích cóp từ lâu, lén trốn vào thành phố tìm gặp bố tôi. Bố tôi vẫn sống ở căn nhà cũ trước đây, mặt ngoài vách tường bám đầy dây thường xuân. Tôi không dám lên tầng tìm bố, đành ngồi trên ghế đá dưới tàn cây, tôi cũng không biết mình đã đợi bao lâu, cả người bị muỗi đốt chi chít.
Tôi không đứng lên, ngược lại còn ngồi sụp xuống trốn đi. Tôi cũng không biết vì sao mình lại phải trốn, tôi đâu có làm gì sai. Tối hôm đó, tôi bắt chuyến xe buýt đêm quay về nhà bà nội, tôi khóc suốt dọc đường, thật sự chưa từng nghĩ hoá ra mình có nhiều nước mắt đến vậy. Sau đó tôi lại bị cô và dượng mắng chửi một trận, bọn họ căn bản chẳng thèm quan tâm tới tôi, cả ngày hôm đó tôi còn chưa ăn gì. Tôi chưa từng nhắc đến chuyện này với bất kỳ ai nhưng tôi thực sự muốn gào khóc thật to, tôi rất muốn hỏi ông trời vì sao lại đối xử với tôi bất công như vậy? Tôi vẫn yêu quý bố mình như trước đây, ông ấy vẫn luôn là người tôi yêu thương nhất, thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều so với tình cảm của tôi dành cho mẹ tôi.
Nhưng mà tôi vĩnh viễn không thể quên được buổi hoàng hôn hôm đó, không quên được khung cảnh ông ấy từ trong bóng tối bước ra, bởi khung cảnh đó không ngừng nhắc nhở tôi rằng trên thế giới này, những tình cảm mà tôi có được có lẽ không chỉ thuộc về một mình tôi.
Trước kia mọi người vẫn cười nhạo tôi, nói rằng bố mẹ tôi đều không cần tôi nữa. Mỗi lần tôi nghe được những lời này đều cảm thấy cực kỳ tức giận, tôi hận không thể xé nát miệng họ, nói với họ rằng không phải như thế! Nhưng không biết từ bao giờ, tôi trở nên rất bình tĩnh bởi suy cho cùng thì những gì bọn họ nói cũng đúng mà, phải không? Tôi ở nhà bà nội suốt tám năm, đây là tám năm đen tối nhất, khổ sở nhất trong cuộc đời tôi. Mãi cho tới khi tôi 16 tuổi, mẹ tôi cưới một người ở Mỹ, xin được quốc tịch Mỹ rồi đột nhiên nhớ ra bà còn có một đứa con gái. Nghe mới nực cười làm sao!
Việc mẹ tôi muốn tôi theo bà sang Mỹ đã khơi dậy sóng gió trong nhà tôi. Những họ hàng thân thích thường ngày đều khinh miệt tôi, giờ đều đứng trước mặt tôi, chua ngoa mỉa mai: “Số mày cũng đỏ ghê nhỉ, nhà người ta đều là mẹ được hưởng nhờ con trai, còn mày thì thích rồi, chẳng cần làm gì cũng được sang Mỹ ăn sung mặc sướng.”
Ngày tôi đi, cô và dượng đều không đi tiễn tôi, chỉ nói với tôi rằng: “Ở Mỹ nếu thấy cái gì tốt thì nhớ để lại cho chị mày.”Tôi từng ngây thơ cho rằng tới Mỹ rồi thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Trường tôi theo học là một trường trung học cộng đồng, cả trường chỉ có mình tôi là người châu Á, tiếng Anh của tôi không tốt lắm, ngồi trong giờ những môn xã hội, tôi đều chẳng hiểu gì cả. Tôi ghét môn sinh học và lịch sử, ghét tới mức không cách nào chịu đựng nổi. Tôi không có bạn bè nhưng tôi cũng đã quen với việc này rồi. Mẹ cho tôi 20 đô la tiêu vặt mỗi tuần, bao gồm cả bữa trưa ở trường. Trong căn-tin trường, một phần hamburger có giá 7 đô la, trước đây có bán bánh mỳ nhỏ giá 1 đô la nhưng không hiểu sao giờ không còn bán nữa. Vì thế mỗi ngày tôi mua một túi có hai cái bánh quy nhỏ và ăn cùng với nước khoáng, kể cả thế cũng mất tới tầm 3 đô la. Mỗi ngày về nhà tôi đều phải nấu cơm, quét dọn vệ sinh, còn phải chăm sóc cho em gái mới sinh được mấy tháng tuổi. Tôi thực sự không thể chịu nổi mỗi khi con bé khóc, khóc mãi không thôi, mỗi lần tôi gần như muốn sụp đổ. Tôi chưa từng có ngày cuối tuần và ngày nghỉ nào, toàn bộ thời gian của tôi đều dùng để lo việc nhà và chăm sóc em gái, ngay cả chuyện em gái tiểu tiện đại tiện mẹ tôi cũng không thèm lo, tất cả mấy việc này đều đổ lên đầu tôi.
Em tôi lúc nào cũng khóc mãi không dứt, tôi thực sự muốn hỏi con bé vì sao lại khóc? Con bé đến với thế giới này vì tình yêu và hạnh phúc đó! Mẹ tôi cùng cha dượng còn cố tình sai tôi sơn phòng con bé thành màu tím thật đẹp đẽ đó, tại sao con bé còn muốn khóc lóc nữa?
Tôi còn chưa khóc đây này, nó khóc cái gì hả?
Tôi thật sự muốn biết tuổi 16 của những cô bạn khác trải qua như thế nào. Họ sẽ cùng bố mẹ dạo phố tản bộ sau bữa tối sao? Cuối tuần sẽ cùng bạn bè đi chơi sao? Sẽ lén lút viết thư tình cho bạn nam mà mình thầm thích sao? Sẽ diện những bộ váy xinh đẹp, tung tăng dưới ánh mặt trời và thưởng thức những ly kem à? Sẽ vừa xem tivi vừa ăn đồ ăn vặt à?
Là như thế sao? Tôi thực sự muốn biết, trên đời này có những cô gái sống cuộc sống giản đơn mà hạnh phúc như thế không?
Đợt trước, mẹ tôi và cha dượng bắt đầu bàn với tôi về việc học lên tiếp. Tôi thấp thỏm bày tỏ với họ rằng tôi muốn thi vào trường Đại học California, tôi muốn học ngành y, muốn trở thành một bác sĩ ngoại khoa. Sau khi nghe tôi nói như vậy, sắc mặt mẹ tôi lập tức tối sầm xuống. Bà nói cho tôi về những dự tính của hai người họ, họ hy vọng tôi có thể vào thẳng trường Đại học cộng đồng, thứ nhất là học phí ở đó rất rẻ, thứ hai là gần nhà, có thể tiết kiệm tiền thuê nhà. Hai năm sau tôi có thể thử chuyển sang một trường Đại học bình thường ở bang Texas xem sao. Tôi học vài năm ở trường đại học cộng đồng thì có thể tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn.
Nói về ngành học của tôi, mẹ tôi chỉ lạnh nhạt cười hỏi: “Mày có biết ở Mỹ nuôi một bác sĩ ngoại khoa khó như thế nào không? Bốn năm học Đại học bình thường, bốn năm học trường y, bốn năm học chuyên khoa và thực tập, tiền học y đắt kinh khủng, ai nuôi nổi mày hả? Chưa kể đến các kỳ thi mỗi năm, mày qua không nổi đâu.”
Đây là lời của mẹ ruột tôi nói ra khi biết về ước mơ của tôi. Tôi thực sự không nhịn nổi nữa, mới cãi một trận thật to với bà. Sau đó, bọn họ tới phòng tôi, nói là bọn họ có thể lui một bước, cho phép tôi chọn nghề dược sĩ mà chỉ cần học sáu năm, toàn bộ tiền học phí do tôi tự đi vay ngân hàng. Điều kiện để họ nhường tôi là tôi phải chịu trách nhiệm với toàn bộ học phí của em gái. Họ chưa từng hỏi tôi một câu, vì sao tôi lại muốn trở thành bác sĩ ngoại khoa. Đó là bởi tôi luôn ngây thơ hy vọng rằng, có một ngày nào đó, tôi có thể cứu được sinh mạng của những người thân của tôi, những người mà tôi yêu thương. Những thứ mà tôi có được trên thế giới này quả thực quá ít ỏi, ít đến nỗi tôi không muốn để mất một thứ gì.
Để lo học phí, tôi bắt đầu đi làm thêm. Công việc đầu tiên mà tôi làm là đi trực đêm ở siêu thị Walmart, từ 10 giờ tối tới 7 giờ sáng. Đồng nghiệp của tôi đều là những người Mexico cao lớn khoẻ mạnh, tôi không thể không làm công việc giống họ, từ khuân vác hàng hoá cho tới rà quét mã vạch.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi mệt đến mức muốn ngã sõng soài, đến giờ ăn cơm mới phát hiện ra mình đã quên không mang theo hộp cơm, trên người không đồng xu dính túi, ngay cả miếng bánh mỳ giảm giá còn 99 cent tôi cũng không mua nổi. 8 giờ sáng tôi mới đi bô về đến nhà, vì quá đói nên gục xuống bồn rửa nôn khan rất lâu. Ngày hôm sau, tôi tới kho lạnh để kiểm hàng. Mùi hải sản tanh nồng ngập mũi, máy lạnh trong kho mở quá lạnh làm đầu gối tôi đau nhức nhưng tôi vẫn không thể nghỉ ngơi, chỉ có thể cắn răng chịu đựng suốt chín tiếng đồng hồ. Tôi mang theo bánh sandwich nhưng cuối cùng không ăn nổi miếng nào, cả người tôi chỉ ám đầy mùi tanh tới mức buồn nôn. Cảm ơn những cực khổ mà tôi đã từng chịu đựng, cảm ơn tôi chưa từng trải qua một ngày an lành, những điều đó khiến tôi trở nên kiên cường và không biết sợ hãi. Tiền công của tôi là 8 đô la một giờ, ngay cả bản thân tôi cũng không biết rốt cuộc đến khi nào mới có thể gom góp lại đủ số tiền học phí đắt đỏ. Nhưng tôi chưa từng nghĩ tới chuyện từ bỏ. Bởi trong cuộc đời này, đây là lần tôi tiến đến gần với ước mơ của mình nhất. Tôi nhất định, nhất định phải nắm chắc cơ hội này! Mỗi khi cảm thấy không thể chịu đựng nổi, tuyệt vọng đến mức muốn buông xuôi, tôi đều tự nhủ với bản thân rằng: “Trong tương lai sẽ có một ngày, những việc mà mình làm sẽ có thể cứu được một sinh mệnh, sẽ giúp thế giới này có thêm một nụ cười.” Sau đó tôi lại cảm thấy hình như mình lại có thêm động lực để tiếp tục kiên trì.
Tôi của mười năm sau à, nếu cậu có thể đọc được bức thư này, cậu có thể nói cho tôi biết, tôi có thành công chưa? Tôi đã làm được chưa? Tôi được thế giới này cần đến chưa?Reply from: Tôi của mười năm sau:
Cả ngày hôm nay tôi làm việc trong phòng thí nghiệm, sau giờ làm thì một mình tới một nhà hàng Michelin ăn món bò bít tết, sau khi về đến nhà gọi thì gọi điện thoại cho bố, bố bảo tôi là tiền tôi gửi bố đã nhận được rồi.
Cuối tuần trước tôi đã về Dallas một chuyến, sức khoẻ của cha dượng ngày một yếu dần. Cậu biết đấy, ở nước Mỹ này, cảnh sát cũng không được coi là một nghề nghiệp khấm khá, thời gian làm việc kéo dài, cường độ lớn, tiền lương lại thấp. Cả gia đình tôi cùng nhau ăn bữa cơm tối, đồ ăn vẫn là món sườn kho tàu sở trường của tôi.
Tôi mua cho em gái mình một bộ trang phục thể thao bằng nhung của nhãn hiệu JC (một nhãn hiệu thời trang nữ), con bé rất thích. Chắc cậu không thể nào tưởng tượng nổi, con nhóc chỉ biết khóc làm người ta bực mình ngày xưa giờ đã lén lút học cách trang điểm, còn ầm ĩ đòi lái xe của cha dượng ra ngoài hóng gió nữa.
Con bé còn học đòi ra vẻ bà cụ non, vẻ mặt cực kỳ nghiêm túc hỏi tôi: “Chị, có anh chàng nào theo đuổi chị không?”
Tôi chỉ cười, nói với con bé rằng một mình tôi vẫn rất ổn.
Đúng đấy, cậu không đoán sai, ba năm trước tôi đã tốt nghiệp trường y, đã thi đậu và trở thành một dược sĩ.
Công việc này rất được người ta kính trọng, rất có thể diện, mỗi khi chế thuốc, tôi đều thấy rất vui vẻ bởi tôi biết sẽ luôn có ai đó, nhờ vào liều thuốc này mà dịu bớt cảm giác đau đớn.
Do tính chất công việc, địa điểm làm việc của tôi không được cố định nhưng tôi nhận ra mình rất yêu sự thay đổi này, giờ tôi đã không có cách nào quen với việc ở lì một chỗ trong thời gian dài.
Tiền tiêu vặt của tôi trong một tuần cũng không còn là 20 đô la nữa, thậm chí còn có thể thêm vào hai chữ số không đằng sau, tiền vay ngân hàng tôi cũng đã trả hết.
Dịp lễ Giáng sinh năm ngoái, tôi đón bố sang Mỹ chơi. Tóc bố tôi đã bạc hơn phân nửa, tôi nhìn ông sợ sệt rụt rè đứng trên con phố lớn của Mỹ, dáng vẻ vừa tò mò nhưng lại không dám nhìn nhiều, tôi bỗng cảm thấy cực kỳ xót xa.
Tôi nói với bố: “Bố, con đã lớn rồi, có thể tự kiếm tiền, bố muốn gì, con mua cho bố.”
Ông cúi đầu im lặng hồi lâu rồi mới nói: “CC, bố thật có lỗi với con.”
Lần trước tôi về nước, lúc cả nhà tụ họp lại tôi có chạm mặt chị hai, chị ấy cầm theo một cái túi xách giống hệt cái của tôi, chỉ có điều cái tôi cầm trong tay là đồ thật, giá 2000 đô la Mỹ, từng đồng từng xu đều do tôi tự tay mình kiếm ra còn sắc mặt chị hai tôi lại cực kỳ khó coi.
Thực ra mấy năm qua, tôi cũng có rất nhiều lúc không được như ý, những lúc phiền muộn, những lúc không được thấu hiểu, những lúc mất đi sự tự tin, những lúc đó, tôi đều lái xe trong đêm tới siêu thị Walmart, ở đó, tôi dường như lại nhìn thấy hình bóng của một cô gái nhỏ, mặc bộ đồng phục làm việc màu xanh đậm cùng với dáng vẻ cắm cúi nỗ lực làm việc.
Cảm ơn cậu trong những đêm đó chưa từng dừng lại nghỉ ngơi, chính cậu đã hun đúc tôi được như ngày hôm nay. Cậu là cô gái tài giỏi nhất tôi từng gặp, là ánh sáng của tôi.
Mười năm tiếp theo, chúng ta đồng hành với nhau.