Thầy À! Sao Lại Đòi Làm Chồng Em

Chương 30: Trời Sẽ Tạnh Mưa!


Bạn đang đọc Thầy À! Sao Lại Đòi Làm Chồng Em – Chương 30: Trời Sẽ Tạnh Mưa!


Tôi giật mình tỉnh giấc, cả người nặng nhọc thở hổn hển.

Mặc dù trời đang 3 rưỡi sáng, tầm này ở trên cái đất Đà Lạt sẽ lạnh thấu xương đến thở ra cả khói.

Nhưng không hiểu sao cả người tôi lại đầm đìa mồ hôi và ướt sũng lưng áo.
Nén hương trên lư đã sắp tàn, tôi vội lật đật ngồi dậy và đốt thêm nén khác.

Người bỗng thấy lả mệt, nên tôi ra sau bếp đổ đại 1 gói mì tôm ăn cho qua cơn đói, nhưng cơ bản là nuốt không trôi.

Giờ tôi mới có dịp ngó xung quanh nhà mình, đã được lót gạch sạch sẽ hẳn hoi.

Và thầy cũng đã cho xây lại toilet lẫn nhà tắm tử tế đàng hoàng.

Từ nhà trên xuống nhà dưới, cũng đã được sơn phết lại mới cóng tinh tươm.

Nhiều chỗ trống huơ trống hoác trong nhà, nay đã có thêm tủ quần áo mới, máy giặt, máy lọc nước, máy sưởi ấm và tivi mới vô cùng to đẹp nữa chứ.
Tôi bỗng nhớ đến ông giáo già, nên vội lật đật tìm balo kiếm điện thoại của mình để xem thầy có gọi cho tôi không.

Nhưng chết thật, điện thoại tôi hết pin rồi, tôi lại không có đem theo cục sạc nữa mới đau.

Vì từ trên trường vừa hay tin nội mất, tôi vội vàng ra thẳng nhà xe luôn, chứ không ghé về chung cư lấy đồ.

Khều mấy đũa mì cho vào miệng nhưng tôi lại không cảm thấy chút mùi vị nào cả.

Cứ thế tôi ngồi thừ ở giữa nhà bếp để có thể hồi tưởng những kí ức về nội, chơi vơi 1 mình mình lúc 4 giờ sáng.
Đến khi trời chớm 5 rưỡi, tới giờ đã định, mọi người lại tụ tập đông đủ.

Sư chùa đến tụng kinh để chuẩn bị mang linh cửu của nội đến nhà hoả táng.

Khi quan tài được khiêng ra khỏi cửa, tôi muốn chết lặng mà khóc nấc lên sau bức rèm vì không muốn nội đi.

Đời người sao quá vô thường, mới hôm qua còn cười nói vui vẻ, nhưng nay lại trở thành 1 đống tro tàn.

Dẫu tôi từng nghĩ đến chuyện 1 ngày nào đó, nội cũng sẽ già và đến bờ vực cái chết.


Nhưng vì quá đột ngột thế này, nên tôi không thể chấp nhận được sự thật hết sức đau lòng này.
Bởi Thượng Đế sinh ra ai ai trên cõi đời này, cũng đều có số phận riêng biệt, với những mục đích, những ước định và tương lai hoàn toàn khác nhau.

Có kẻ quyền cao chức trọng, hưởng thụ trên những núi vàng núi bạc.

Có người lại phải sống nhơ nhớp dưới lớp đáy tận cùng của xã hội.

Nhưng tất cả đều có 1 điểm chung mấu chốt, là mỗi ngày, họ đang bước chân gần đến với phần mộ của mình, bởi “ai rồi cũng chết”.

Vì cái chết và số mệnh là thứ không thể né tránh của 1 con người.

Ngay cả Tần Thuỷ Hoàng, dù cho có tìm đủ mọi cách bắt quần thân của mình lên rừng xuống biển, cốt phải tìm cho ra bằng được loại thuốc giúp mình trường sinh bất tử.

Nhưng cũng đâu thể tránh được số kiếp và thoát khỏi ngôi mộ nơi sẽ chôn mình đâu.
Tôi nấc lên từng tiếng, đi theo chân quan tài và ngồi lên xe tang.

Trong nhà không có 1 ai nói chuyện hay để tâm đến tôi cả.

Mấy người anh chị em họ hàng cô bác với tôi, họ đang đội tang mà trên xe còn cười giỡn và có tinh thần chụp “seo phi” nữa chứ.

Tôi cũng thật hết nói nổi!
Khi quan tài đã được di chuyển đến lò hoả thiêu, trước khi linh cửu của nội được đem đi, mọi người có thắp cho bà vài nén nhang coi như lời tiễn biệt.

Bà vợ của ba tôi khi vừa trông thấy tôi, vội đưa cặp mắt dữ tợn của bà lườm nguýt khiến tôi muốn rùng cả mình.

Nhưng tôi cũng chỉ lễ phép cúi đầu chào bà, rồi lại đứng lặng lẽ ở trong góc tường.

Đến giờ, đội nhân viên mai táng đẩy quan tài của bà vào trong, lúc này, cả con tim lẫn tinh thần tôi cũng đã cháy thành đống tro tàn theo luôn rồi!
Xe tang chở họ hàng tôi và tôi trở về nhà, lúc này là dịp mọi người ăn uống tưng bừng vì cỗ đã dọn sẵn.

Tôi vẫn thui thủi ngồi trong phòng không dám ra ăn, vì tôi sợ người ta dè bỉu và khinh khi tôi lắm, và cũng có ai muốn mời tôi ra ngoài dùng bữa cơm này đâu.

Giờ nội mất rồi, không còn người bảo vệ tôi khỏi những lời dèm pha ấy nữa.


Tôi ngồi trên giường, cả người run lẩy bẩy vì vừa đói lại vừa mệt do khóc quá nhiều.

Rồi cửa phòng bật mở, cô chú tôi kêu tôi ra bên ngoài nói chuyện, mà mặt mày ai nấy cũng lạnh nhạt không có chút tình nghĩa.

Và tôi cũng biết rõ là họ muốn nói với tôi về việc gì.
Tôi bị đuổi ra khỏi nhà bà liền, vì bà chết rồi, nên căn nhà này sẽ bị chia năm xẻ bảy phân đều cho các người con, do đất đai và nhà cửa của bà rộng lắm.

Họ nói rằng tôi cũng đã đủ 18 tuổi, và bà đã cưu mang cho tôi ăn nhờ ở đậu đến bây giờ, là tôi đã quá phước đức rồi.

Và căn nhà này, rồi mai đây cũng sẽ treo bán, để chia của hồi môn cho các con cháu trong nhà.

Họ nhắc tôi hãy nhớ, tôi cũng chỉ là con của thứ bá dơ ngoài đường ngoài xá, nên đừng vọng tưởng mình sẽ có phần của cải gì ở trong đây hết.

Người lên tiếng gay gắt đuổi tôi đi nhất, đích xác là bà vợ của ba tôi.

Còn ba tôi, ông cứ ngồi đó giữ yên lặng, mặc cho hết người này đến người kia kể công bà nuôi tôi rồi trì triết tôi không ngừng.

Họ thẳng thắn nói rằng, nếu biết điều thì tôi lo mà dọn đi sớm, để họ còn tính toán cho tiện việc sau này.

Tôi không khóc, chỉ biết cúi đầu chịu trận, vì nước mắt của tôi chỉ đổ xuống vì bà thôi.

Nhưng tôi lại uất ức là tại sao, tro cốt của bà tôi còn chưa nguội ở lò hoả thiêu, mà con cháu bà lại tính toán xa quá!
Nếu họ có ý đuổi thì tôi nên hiểu chuyện mà dọn đi sớm cho khuất mắt họ.

Gom những đồ đạc còn sót lại trong phòng, rồi quay đầu lại nhìn chiếc giường đã từng ngủ với bà trong suốt 18 năm qua.

Quần áo và vật dụng của bà, con cháu bà đã hốt cho vào hòm đem đi thiêu hết rồi, có còn gì để cho tôi giữ làm kỉ niệm nữa đâu.

Xách giỏ đồ ra ngoài phòng khách, tôi đứng giữa nhà quỳ xuống, lạy thành tâm 3 cái trước di ảnh mới đem về của nội, cùng các vị Tổ Tiên trên bàn thờ, đã chiếu cố cho tôi sống bao nhiêu năm ở đây.
Khi tôi bước ra tới đầu hẻm, các cô chú trong xóm từ nhỏ đã gắn bó với tôi, họ chạy theo mỗi người dúi vào tay tôi vài trăm ngàn.


Nói rằng tôi hãy nhận lấy để tìm nơi nương náu tạm thời.

Mặc dù của ít nhưng mà lòng nhiều, nên cô chú mong tôi đừng nghĩ đó là tiền bố thí.

Tôi cười chua chát trong lòng, ồ hóa ra người dưng, họ còn có tình người hơn những người gọi là người thân của tôi nữa.

Tôi cúi đầu cám ơn họ nhưng từ chối không nhận tiền, và nói rằng tôi nhận tấm lòng của họ là được rồi.

Vì giờ tôi có công việc rất tốt ở trên Sài Gòn, nên họ không cần lo lắng cho tôi đâu.

Thật ra gia cảnh của họ cũng đâu có khá giả gì hơn nhà tôi, cũng phải lo chạy ăn từng bữa.

Nên tôi nào dám nhận những đồng tiền mồ hôi xương máu này của họ chứ.

Đưa mắt nhìn lại con hẻm dẫn đến nhà bà nội lần cuối, tôi quay lưng bước đi lầm lũi và trời đã đổ mưa….!
Cơn mưa không to lắm, chỉ lất phất nhưng cũng đủ làm ướt người.

Đi bộ lên con đường đèo, tâm hồn tôi mông lung và vô định vì chẳng biết mình nên đi về đâu cả.

Mưa mỗi lúc nặng hạt hơn, nên tôi vội tấp vào mái hiên của 1 trạm xe bus để trú đỡ.

Áo khoác trên người đã ẩm vì dính không ít nước mưa rồi, và tôi bắt đầu cảm thấy lạnh lẽo tê tái.
Xung quanh quang cảnh lúc này vắng tanh, chỉ có tôi ở giữa núi rừng heo may.

Thỉnh thoảng trên đường, có vài ba chiếc xe máy hay xe du lịch đổ dốc đèo đi xuống lướt ngang qua tôi.

Những tán cây thông bên đường đung đưa rũ nước và trên mái hiên nơi tôi đang đứng nghe mưa rơi lộp độp.

Phong cảnh thế này, tâm trạng tôi đang cực kỳ tồi tệ, nay lại càng trở nên hoang tàn hơn.
Giờ tôi nên làm gì và đi đâu đây? Có nên lên Sài Gòn đi học tiếp không? Hay tìm đại công việc nào đó dưới đây để làm mà kiếm miếng ăn nhỉ? Vì dù gì mức sống dưới đây cũng thấp hơn và ít bon chen hơn như trên thành phố nhiều.

Bởi nội đã chết rồi, tôi không còn động lực hay ham muốn thực hiện ước mơ nào nữa đâu.

Lại chợt nghĩ đến thầy, tự hỏi, tôi có nên quay về với thầy không nhỉ? Nhưng rồi tôi lại sợ, sợ 1 ngày nào đó, thầy cũng sẽ bỏ rơi tôi nữa.

Lúc đó, tôi lại bơ vơ như 1 đứa trẻ mồ côi như thế này đây.

Hay tôi nên tập sống 1 mình cho quen đi ha, để không phải sợ ai bỏ rơi tôi thêm 1 lần nào nữa vậy!.

truyện teen hay

Quay đầu sau lưng nhìn, khi bên dưới là vực thẳm toàn cây cỏ hiu quạnh.

Tôi bỗng nghĩ quẩn, hay là tôi nhảy xuống vực để đi theo bà luôn đây.

Chết rồi là hết, chẳng phải lo nghĩ gì về ngày mai nữa.

Tôi chết mất xác bên dưới, chắc cũng chẳng có ai tìm thấy đâu.

Vì căn bản có ai quan tâm đến tôi đâu mà đi tìm.
”Ào ào”, trời bỗng đổ 1 cơn mưa lớn hơn ban nãy rất nhiều, càng làm cho buổi trưa vốn phải có nắng ấm, lại càng trở nên âm u thêm như 5 hay 6 giờ chiều vậy.

1 tia sét nổ “ầm ầm” ở phía xa xa trên nền trời xám xịt, như muốn cảnh báo tôi đừng nên có suy nghĩ dại dột nhất thời.

Tôi lạnh quá và sợ quá, nên kéo nón áo khoác trùm kín đầu mình hơn.

Sau đó tôi đành ngồi xổm xuống vì đã mỏi chân rồi.

Vòng hai cánh tay ôm lấy đầu gối mình vào người, để tôi có thể tự sưởi ấm cho chính bản thân mình.

Do môi tôi đã va vào nhau run cầm cập, và dưới chân cũng đã lạnh ngắt đến trắng bệch.

Cúi đầu và gục mặt xuống, tôi nhắm chặt 2 mắt của mình lại, môi miệng cắn chặt vào nhau để khỏi run rẩy nữa.

Trong lòng tôi tự an ủi bản thân phải thật mạnh mẽ như lời nội đã dạy.
Khi tôi duy trì tư thế ấy khoảng được 10 phút, mưa trên đầu tự nhiên bắt đầu nhẹ và vơi dần.

Rồi bỗng tôi nghe có tiếng bước chân đang tiến gần về phía mình.

Vội mở bừng mắt vì tôi sợ cướp đến thì tiêu tôi rồi, do nơi này hẻo lánh có mình tôi ngồi ở đây thôi chứ có ai đâu.
Bước chân dừng lại ở ngay trước mặt tôi, đập vào mắt tôi đầu tiên là đôi giày tây bóng loáng.

Theo tầm mắt, tôi ngó từ dưới lên trên và chợt giật mình, vì ông giáo già đang cầm dù, đứng sừng sững phía trên như những cây thông kia che mưa cho tôi.

Xe của thầy đậu cách tôi chừng 1 mét hơn mà tôi không hề hay biết, chắc là do trời mưa lớn quá nên tôi không nghe thấy tiếng xe.
Ông giáo nhìn xuống tôi, môi mím lại, ánh mắt lộ rõ vẻ xót xa không nói nên lời.

Thầy chìa bàn tay to lớn và rất đỗi ấm áp của mình ra vươn xuống tôi và trầm giọng nói:
– Về nhà với anh!.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.