Thất Sơn Truyện

Chương 38: Hiểm nguy trùng trùng


Đọc truyện Thất Sơn Truyện – Chương 38: Hiểm nguy trùng trùng

Lâm Gia Thái Bảo

Giữa không gian im ắng, tiếng cười quỷ dị của con nít vang lên không khỏi làm đám bọn tôi có chút bất thần kinh hãi, như phản xạ, Sinh và anh Hùng lập tức bọc hai đầu, Thùy nấp sau Tú Linh còn tôi đứng kế Tùng. Khỏi phải nói cũng biết hai người mới gia nhập lục lâm một cách bất đắc dĩ kia đang sợ như thế nào, tuy nhiên nhìn Thùy có vẻ pha lẫn giữa sợ sệt và hứng thú khi cô liên tục nhìn Hùng và Sinh, xem họ sắp thi triển những pháp thuật gì nữa. Tùng thì lắp bắp niệm Phật, tôi phì cười trong bụng, dù có niệm gãy cả răng cũng chẳng tích sự gì, chừa sức mà đối phó có phải hay hơn không? Mọi việc nói thì có vẻ dài dòng, nhưng từ lúc tràng cười vang lên, chỉ độ vài giây thôi, tiếng động của sành sứ bể nát cứ đổ đến dồn dập, tạo thành một vòng vây âm thanh, chúng tôi muốn tập trung quan sát một hướng cũng khó vì phải căng não ra xung quanh. 

Đã quen với tính cách của anh Hùng và Sinh, tôi biết rằng họ đang án binh, chưa tung ra Ấn Chú gì âu cũng có nguyên do. Từ lúc bắt đầu cuộc hành trình này, thú thật ban đầu tôi vẫn cho rằng những Ấn Chú đó như một bài thuốc trị bách bệnh, công dụng thì đúng là có, đạo hạnh của hai người họ cũng không phải tầm thường, tuy nhiên những lục lâm lão làng, quan trọng hơn những thứ xăm vẽ lên người kia, còn một thứ khác, chính là cái đầu. Tôi cho rằng, tới thời điểm này, Thiên Đăng Ẩn Quang hay Phục Ma đúng là những bài Chú cứng tay, tuy nhiên không phải là thứ có thể tùy tiện lấy ra xài. Thứ nhất, việc đó dẫn dụ thêm nhiều miễu biết hát đến, không sợ một hai con mạnh, chỉ sợ cả ngàn cả vạn con yếu cùng lên một lúc, khi đó thì dù có ba đầu sáu tay cũng khó tránh khỏi què chột; thứ hai đập miễu nếu không ở thế chủ động, đang dồn toàn lực hàng yêu phục ma, tung đòn quyết định hoặc là trong cảnh cùng đường mạt lộ, tuyệt không nên sử dụng. Miễu biết hát trong thế giới của lục lâm nhiều vô số, những nơi lục lâm đi qua chẳng phải đều là rừng sâu núi thẳm, không thì cũng là hang không đáy, biển không thấy bờ hay sao, nếu cứ tùy tiện sử dụng Chú, pháp khí suy giảm, lỡ đâu lúc đó còn vài miễu biết hát sót lại ẩn nấp đâu đó lao đến thì chẳng phải chết một cách ngu ngốc? Giới lục lâm chỉ nghe lại những truyện về tiền bối đạo hạnh cao thâm như Lý Tổ sư cùng Thập đại đệ tử, với những người ấy thì cũng có thể gọi là muốn khai chú khu ma thì khai, muốt phát ấn diệt quỷ thì phát, vốn chẳng cần bận tâm, còn những người khác thì cứ khiêm tốn mà tự nhận mình còn non kém, chớ nên vọng động lạm dụng, mất sức thì chết bỏ xác oan uổng, dù gì trong tôn chỉ lục lâm cũng có nói: lan thì quý, nhưng mạng còn quý hơn lan!

Tiếng cười lúc này thoắt ẩn thoắt hiện, có khi cảm giác sát bên tai hoặc hơi lạnh phả vào gáy, nhưng quay sang thì không có gì cả, đó thực sự là một kiểu tra tấn tinh thần. Nhận thấy cứ thế này không ổn chút nào, anh Hùng quay ra nói với cả bọn: “Té lẹ, rút về hướng ánh sáng đỏ, nhanh lên!” Anh bảo Sinh dẫn đường, bản thân thì chốt đoàn, chúng tôi lập tức chạy về phía trước, địa hình khá dễ đi, bọn chúng tôi cứ thế mà chạy thôi chứ chẳng làm hành động anh hùng gì cả.

Lại nói về chuyện ma khóc quỷ cười, phàm là ma, tức là chỉ có phần vong, không hồn không phách, thường là những người khi chết còn có tâm sự chưa giãi bày được hoặc có điều oan khuất lúc còn sống, nên khi chết chưa được siêu thoát ngay, ngày qua ngày đều khóc than. Đi đêm qua đường vắng hoặc mồ mả mà nghe tiếng khóc lạnh lẽo âm u, đích thị là gặp ma, tốt nhất nên chạy lẹ, nếu nấn ná để ma thấy hợp vong thì nó sẽ đi theo mãi. Quỷ thì thiếu phần phách, không nơi trú ngụ, thường đi đây đó tìm phách mà nhập vào. Quỷ có thể là nhân quỷ hoặc thú quỷ, nhân quỷ là người bị chết oan, lúc chết có điều căm giận, chỉ có mong muốn trùng sinh trả thù, thù càng lớn càng dễ thành quỷ. Quỷ thì luôn mong muốn trả thù, cho nên thường xuất hiện cùng tràng cười ma quái, quỷ không hay ở gần nghĩa địa hoặc nơi có người chết, quỷ chỉ xuất hiện nơi âm u vắng vẻ, âm khí ngưng tụ, ở đó chúng mới gia tăng ma pháp được. Nói về trẻ con, lúc sống còn chưa hiểu được gì về cuộc đời, chết do bệnh hoặc tai nạn đột ngột quá thì chỉ cần nhờ thầy thỉnh vong về nhà, tụng kinh ngày ngày cho siêu thoát là được. Tuy nhiên có một số trường hợp, bọn chúng đón nhận cái chết từ từ và đau đớn, thiên bẩm trẻ con thù dai nhớ lâu thì khi đó làm sao chết thanh thản mà siêu thoát cho được? Dân đập miễu hay gọi bọn quỷ trẻ con mỹ miều là Hài Nhi Quỷ hoặc Vong con nít. Bọn này phá phách là nhiều, sát ý thì tùy nơi hoặc tùy cách chết. 


Tôi nhớ ngày xưa, nội tôi vẫn hay kể lại những năm 1955, ông chạy ghe chở gạo khắp vùng miền Nam, Đồng Nai Bình Dương cho đến Cà Mau Hậu Giang, vùng nào cũng từng đi qua. Thời ấy, kênh rạch miền Tây chằng chịt đan xen, mười phần sông chỉ có một phần có nhà cửa, còn lại chỉ toàn một màu xanh dây leo, cây rừng chằng chịt, đêm đêm chạy ngang sông Vàm Rau Răm (gần vùng Tiền Giang đổ về sông Hậu), cứ khoảng hai, ba giờ sáng là nghe tiếng nhảy sông ì đùng hai bên bờ cùng tiếng cười the thé, trăm lần như một. Những lần mới đi qua, ông tôi còn bán tín bán nghi, thò đầu ra khỏi cabin nhìn xuống làn nước sông đen đặc, thấy cả đám con nít khoảng bảy, tám tuổi đang tắm hết sức bình thường, bỗng một đứa quay mặt lên nhìn vào nội tôi làm ông một phen kinh hãi: cái đầu bị gặm nát mất phân nửa, không thấy mặt mũi, chỉ có cái quai hàm đung đưa, lúc ấy vang lên giọng nói trầm trầm trong không gian: “Ông ơi xuống tắm với con cho mát nè.” Khỏi phải nói cũng biết ông tôi chạy hết tốc lực, một mạch đâm thẳng cho đến khi trời sáng mới dám dừng lại. Sau này ông mới biết, vùng Vàm Rau Răm này khi xưa có con cá sấu lớn, nó cắn chết sáu đứa trẻ đang tắm sông, từ đó hễ cứ đêm về là người ta nghe bọn chúng lại bày trò nhảy sông ầm ầm. Người dân phải dựng miếu thờ mới bớt phá. 

Lần khác đi ngang miệt An Biên, lúc ấy tầm ba giờ sáng, ông tôi nghe tiếng kêu thất thanh, rồi từ bụi dừa nước bên sông có bóng hai ba đứa trẻ vừa kêu “Nóng quá, nóng quá!” Thân hình chúng đang bốc cháy ngùn ngụt, chúng gào lên re ré rồi lao thẳng xuống sông. Ông tôi cùng mấy người bạn bèn lái ghe đến gần, dùng đèn pin rọi xuống thì thấy mặt nước tĩnh lặng, làm gì có ai phóng xuống. Đang tìm xem có dấu vết gì không thì thấy đầu mũi ghe có hai ba bóng đen đang ngồi xổm, bạn của ông tôi soi đèn về hướng đó thì thấy ba đứa con nít cháy đen, lở cả thịt đỏ ối, mắt lòi ra ngoài đang nhe răng ra cười rồi phóng xuống sông mất dạng.

Con nít chết oan thường là do đuối nước hoặc nghịch lửa mà chết, chuyện tắm sông mắc vào cỏ nước chết thì lúc còn nhỏ tôi đã thấy. Năm ấy nghỉ hè, tôi theo ba mình đi đến một xã thuộc Minh Lương, cách Rạch Giá chừng hai mươi kilomet. Chúng tôi xây một cái bờ kè tại nơi là ụ ghe biển. Ụ ghe là nơi có rất nhiều sắt vụn, ngày ngày có đám con nít chừng bảy tám đứa đến tranh nhau nhặt về bán. Hôm ấy có một đứa nhặt sắt kế bên con mương thải nước từ ụ ghe ra sông, khi cả đám còn lại về sẵn quay sang gọi thằng bé ấy, ngặt cái gọi mãi không thấy nó đâu, tá hỏa, chúng tôi chạy đi gọi người lớn, họ mới đổ xô đi tìm. Mãi đến hơn 11h đêm, một thằng nhóc khác chung nhóm đi nhặt đồ nghe có tiếng gọi bên cửa sổ: “Ê mày ra nói với ba mẹ tao là tao kẹt chỗ cái mương á, muỗi với lạnh quá, mày ra nhanh nhanh nha!”, nghĩ là đứa bạn trêu mình, thằng nhỏ đó cũng chạy ra ụ ghe coi sao. Mọi người đang tìm từng ngóc ngách nhưng không thấy đâu, thằng này mới lại nói với ba mẹ của đứa mất tích, họ chạy đến cái mương mà lúc nãy kỳ thực cũng đã có tìm rồi thì thấy dưới đám lục bình, khuôn mặt trắng dã mắt trợn ngược của nó lồ lộ lên, nhìn hết sức đau đớn. Thì ra lúc ban sáng nó đi nhặt sắt, vô ý làm sao rớt xuống đó, nước sâu thực ra cũng chỉ ngang đầu con nít, ngoi lên là được, nhưng chân nó đạp phải dằm, đau quá nên kêu lên, nước tràn vào phổi làm tắc thở. Tuy nhiên khi kéo lên, dưới chân nó thấy có mấy đám rễ cây bần gấn đó đang quấn chặt như có tay ai đó nắm lấy, chặt đứt rễ cây ra thì bên dưới có một cái tiểu đựng cốt. Sau đợt đó, đêm đêm, thằng bé chết đuối cứ về gọi đám bạn nhặt sắt ra ụ ghe làm đám kia sợ đái ra quần, không dám bén mảng đến đó nữa làm hại ba mẹ tôi bắt tôi ở lì trong nhà không cho ra ụ ghe nữa.

Nói vậy để thấy, đối phó Quỷ Hài Nhi nói dễ không dễ nói khó không khó, đều phụ thuộc rất nhiều vào sát ý con quỷ đó tỏa ra mà thôi. Đám chúng tôi dù gì cũng có dân lục lâm cứng nghề, nhưng đứng giữa thành phố ma như vầy, thà là chúng cứ nhảy xổ ra mà hơn thua đủ thì còn dễ, đằng này quỷ khí tỏa ra cứ chập chờn lúc mạnh lúc nhẹ, tiếng cười thoắt ẩn thoắt hiện thật là không biết đường nào mà lần, đánh lại thì đánh làm sao? Ba mươi sáu kế, chỉ có chạy mà thôi. Đường càng vào sâu, nhà cửa càng san sát, đường đi ngang dọc như bàn cờ nhưng lại quanh co, thật rất khó phân biệt được đang chạy hướng nào, ánh đèn cầm trên tay Sinh cứ lia lung tung, xung quanh tối đen chỉ như chực chờ có cái quỷ hồn nào lao ra cắn vào cổ. Thục mạng chạy như thế tuy nhiên tiếng cười vẫn như ở sát sau gáy. 

Đang chạy băng băng bỗng vai tôi nhói lên, cảm giác như đang rỉ máu, lấy tay đưa lên xoa vài cái tôi cũng liếc mắt xuống xem sao thì bỗng va sầm vào tường nhà, té lăn ra đất. Ngộ cái là đâm vào tường nhưng lại không thấy đau, cảm giác như đâm vào một đám rau cải thì đúng hơn. Thấy tôi ngã lăn quay, bọn họ cũng ngừng lại, Tú Linh gần tôi nhất vội lao đến đỡ dậy. Đột nhiên mặt đấm như mềm oặt ra tựa hồ cả đám đang đứng trên một vũng bột nhão khổng lồ. Không chỉ mặt đất mà tất cả các ngôi nhà xung quanh đếu như thế, từ những thứ nhão nhão mềm mềm ấy đang có những đụn nhô lên rồi như có bàn tay vô hình nào đó nặn chúng thành những khuôn mặt trẻ con đang cười khóc đủ kiểu. Tình thế lúc ấy đã nguy hiểm thập phần nay lại như ngàn cân treo sợi tóc. Những khuôn mặt quái dị kia đều quay mắt nhìn trừng trừng vào cả đám, rồi cái đống nhão ấy như cố chui ra khỏi vách nhà, bò từng con từng con một, đều sứt mẻ tứ chi hoặc ngũ quan, lết từng bước đến, dồn chúng tôi vào góc.

Tôi chửi thầm trong bụng, cứ tưởng chuyến này thuận lợi, đi để mở mang tầm mắt, ai dè gặp toàn thứ yêu ma quỷ quái thiên cổ không rõ lai lịch, phải bỏ mạng nơi này. Đang chửi trời trách đất. đột nhiên vai tôi lại nhói lên dữ dội, cảm giác như da toác cả ra, máu chảy đầm đìa. Trong cơn đau, mắt tôi nhòe đi, hệt như lúc mới khai tạm cái Thiên Hổ Phù – vuốt hổ che mắt? Sực nhớ lại lần anh Hùng và Thông gặp ông kẹ, tôi liều mình quay sang Tú Linh, đưa tay lấy vài cây kim trong túi, lúc này cô còn đang bận tụ lại với anh Hùng và Sinh, che chắn cho tôi và Thùy cùng Tùng nên không thấy. Không hiểu động lực nào khiến tôi làm việc có vẻ điên rồ này, nhưng tôi cứ thế, cầm cả nắm kim, đâm mạnh vào đùi của Tú Linh, cô kêu đau rồi rút nhanh nắm kim ra, nhìn tôi một cách đầy khó hiểu, mắt tôi vẫn còn rất nhòe, đang nằm gục ra đất vì đau, tôi lấy hai tay chỉ vào mắt mình ra dấu, hy vọng cô hiểu được ý tôi. Tú Linh nhăn mặt, có vẻ tôi đâm hơi sâu, rất đau, chỉ thấy cô rút kim ra rồi nhìn xung quanh, kêu “Má nó!” một cái lập tức lấy mấy cây kim khác ghim vào đỉnh đầu và sau gáy tôi, bảo tôi cứ nằm ra đó, đừng đi đâu cả.

Sau khi được châm kim, mắt tôi đỡ nhòe hẳn, thấy Tú Linh cũng châm cho những người còn lại, ai cũng kêu lên những tiếng rất đau. Đến lúc này, chúng tôi nhốn nháo, thốt lên kinh hãi: trước mặt chúng tôi không hề có những đống bầy nhầy hình hài trẻ con nữa, mà cả bọn đang đứng dưới một rừng những cây nấm khổng lồ, đường kính phải đến năm sáu người ôm, cao hơn hai ba chục mét, thân màu da bò bóng nhẫy, trên đó mọc những vảy khô cứng đủ hình dạng. Anh Hùng cậc lưỡi nói: “Không lẽ đây là Nấm Cô Hồn? Anh nghe nhiều người kể về nó, mà chỉ nói nó to lắm cỡ con chó thôi…”


Sinh chưa từng nghe đến loại nấm kỳ lạ ma quái này, quay sang hỏi anh: “Loại đó anh nói nhỏ, cây này khổng lồ vậy, sao biết nó cùng loại?”

Anh Hùng đưa tay, chỉ vào thân cây rồi nói: “Mày nhìn kỹ thân cây thì thấy, trên đó như có mấy khuôn mặt đang lồi ra đúng không? Đặc trưng của nó đó. Loại này thường mọc vùng ranh giới giữa âm khí ngưng tụ và dương khí càn phá, tuy nhiên dưới địa động này thì anh không chắc có đúng vậy không.”

Lúc này Thuỳ bước lên trước, nhìn kỹ vào một thân cây nấm gần đó, quả thật trên đó có những khúc gồ lên, nhìn trông giống mặt người đang la hét. Cô quay sang hỏi anh Hùng: “Vậy tất cả những gì mình gặp nãy giờ, là do ảo giác từ cây nấm này gây ra?”

Tú Linh vừa nghiến răng, có lẽ đùi còn ê, cô nói: “Đúng rồi, hồi đó dạy về chữa độc, sư phụ chế có đưa ra một mẫu vật của cây này, to cỡ một người lớn, nghe nói lấy ở Trường Sơn về. Đặc thù của nó là toả ra xung quanh một loại phấn, dẫn dụ con mồi đến gần, tạo ảo giác làm con mồi gục chết từ từ rồi ăn thịt!”

Nghe đến đó, Tùng nổi da gà da cóc rần rần, nói: “Ăn thịt…nhưng…nhưng có thấy nó có răng gì đâu?”

Anh hùng vỗ vai Tùng rồi chỉ đến gốc của nó: chi chít những sợi nhỏ, màu đen, nhìn giống râu bắp, to hơn và dài hơn rất nhiều, đang quấn quanh một số xương cốt động vật, những con vật xấu số không hề nhỏ mà to cỡ con voi làm chúng tôi phát khiếp. Thì ra khi con mồi chìm trong ảo giác, sẽ bị tê liệt hệ thần kinh từ từ, nằm im bất động, khi đó những sợi kia sẽ bò đến, lôi xác con vật vào gốc, rồi ghim vào thân hút sạch xương cốt thịt mỡ. Nghe qua cũng thấy chết đau đớn đến như thế nào. Bọn Nấm Cô Hồn này nếu không dính phải mê phấn từ nó thì về cơ bản là chúng vô hại, Tú Linh bảo Thuỳ và Tùng lấy trong túi ra một số khăn vải dùng để quấn cổ vật, đưa cho cô, cô lại lấy trong túi của mình một ít bột màu vàng, trộn ít nước lên đó, đưa cho mỗi người một cái bảo đeo lên để ngăn ngừa mê hồn phấn từ đám nấm. Chúng tôi thấy vậy rút lẹ, không dám nấn ná lâu ở chốn quỷ quái này. Dọc đường đi, Tú Linh vỗ vai tôi, nói: “Nhờ cưng mà cả đám thoát chết, mà sao lúc nãy cưng phát hiện được mình đang bị ảo giác?” Tôi lắc đầu, ra ý không biết tại sao, có thể Thiên Hổ thực sự ngồi trên vai tôi, như một vị cứu tinh xuất hiện khi nguy hiểm cận kề? Tôi không biết được, chỉ thấy nhói ở vai, mắt nhoè đi, sự vật tuy mờ ảo nhưng tôi vẫn nhìn ra được khung cảnh xung quanh đã thay đổi, sừng sững hiện ra những cây cột cao – là lũ nấm. Những cây kim đó cũng may đâm vào vùng cơ mềm, làm Tú Linh đau đớn, phút chốc lấy lại thần trí, nhờ đó phát hiện mình bị ảo giác, lập tức dùng kim châm phong tỏa các huyệt vị cảm giác. Việc đó cũng na ná như việc anh Hùng dùng sả và tỏi để tỉnh táo khi đánh với ông kẹ vậy. Tuy nhiên cái nào cũng có nhược điểm, đối với loại mê hồn phấn mạnh như của nấm này, sả và tỏi lại không đủ đô, còn cách của Tú Linh thì phong tỏa huyệt vị cảm giác, “giết” nó rồi “hồi sinh” nó lại, như khởi động lại máy tính, nhược điểm của phương pháp này là dễ gây mất hẳn cảm giác, vô cùng nguy hiểm. Nói đến những thứ nguy hiểm trong lục lâm, tôi thấy rằng, những thứ ảo giác gây ra bởi ông kẹ hay cây nấm này còn đáng sợ hơn là miễu biết hát nữa, chúng làm ta xoay vòng vòng rồi chết một cách hoang mang, không minh bạch, quả là không cam tâm!


Khu rừng nấm này cũng không quá rộng, đi thêm chừng trăm mét nữa, chúng tôi đến chân một tường thành cao, đã bị hư hỏng nặng, tuy nhiên vẫn leo qua được. Đứng trên đó về cơ bản thì nhìn xung quanh vẫn tối om om, không thấy gì khác ngoài cái vệt sáng màu vàng tạo bởi đèn pin và một ánh chớp đỏ trên cao. Tôi tự hỏi nếu hang động này sáng đủ, nó sẽ trông lộng lẫy đến nhường nào với những tường thành, nhà cửa, tháp canh, cung điện, thật hùng vĩ đến khó tưởng. Lò mò bước xuống, chúng tôi có vẻ tiến vào gần đến trung tâm. Dấu vết, tàn tích của nhà cửa xuất hiện dày đặc, về cơ bản cũng đã đổ nát từ lâu. Tôi lo sợ đây lại là ảo giác, Tú Linh vỗ vai tôi bảo không có đâu. Khu vực này nếu được phục chế, tôi tin sẽ rất hoành tráng: từ cổng chính thành có một con đường lát đá thẳng tắp, hai bên có hai bức tượng chim Ca Lâu La cao chừng ba mét, dang cánh giơ chân trông hết sức uy dũng mặc dù đã hư hại do thời gian. Dọc hai bên đường chính là nhà cửa san sát, nhìn đống đổ nát đã khiến ta choáng ngợp, thử hỏi nếu đứng ở đây trong những ngày Ca Lâu Thành còn thời hoàng kim thì sẽ thế nào nữa đây. Anh Hùng ngắm kỹ những tượng chim thần và tàn tích xung quanh, bảo là giống hệt với những gì anh thấy ở biển Hòn Sơn, nếu vậy thì giả thuyết về một Địa Nguyệt Sơn trải dài từ Hà Tiên, về Kiên Lương, Hòn Đất rồi cong ra Hòn Sơn hoàn toàn khả thi: một vòng cung dài khoảng 200 kilomet.

Mặc dù Tú Linh đã bảo rằng, với những kim châm và khăn đeo, khó có ảo giác xảy ra, cũng có thể không xảy ra ảo giác nữa, nhưng vai tôi vẫn còn nhói nhói âm ỉ. Nghĩa là nguy hiểm vẫn còn. Bước từ từ vào trong, chúng tôi hết sức bất ngờ khi thấy trên đống đổ nát, có một loài cây lạ xuất hiện. Chúng mọc rất dày, gần như là một cánh rừng nhỏ. Thân to chừng bắp đùi người lớn, cao nhưng khá ngoằn ngoèo, lá mọc tán dày, trông như bàn tay đang xòe, hết sức quái lạ. Đám bọn tôi không ai biết tên nó là gì, kể cả Tùng có lục lại trí nhớ cũng không có manh mối. Điểm kỳ lạ nữa ở đây đó là nhìn lên trên, phía sâu trong cánh rừng nhỏ ấy, chúng tôi thấy những vệt sáng dài màu xanh da trời, mờ ảo như lân tinh nhưng nhìn rất bắt mắt. Không ai dặn ai, cả bọn đều cẩn thận đi đến phía trước. Trong không gian tối om của địa động, những tán cây của loài cây kỳ lạ kia chụm lại vào nhau, tạo thành một mái vòm tự nhiên rất cao và rộng rãi, từ trên mái vòm rủ xuống cả ngàn sợi dây trông như đèn huỳnh quang, to cỡ ngón tay cái, phát ra ánh sáng lục lam, thỉnh thoảng lại chớp chớp, soi sáng một bãi đá sỏi nhỏ mọc đầy rêu xanh ở phía dưới. Chúng tôi cứ như ngây ra phải một lúc mới từ từ bước đến gần, anh Hùng nói: “Cái gì đẹp quá lại ẩn chứa nguy hiểm, huống hồ gì chúng ta đang ở kỳ động ma quái, tốt nhất nên đi nhanh lên thôi.”

Thuỳ quay sang Tú Linh, vẻ mặt như nghĩ ngợi gì đó, rồi nói: “Nhìn mấy sợi dây này quen quen… hình như em thấy ở đâu rồi thì phải…”

Tùng đi ngang qua, bước đến gần rồi nói: “Trông cứ như làm từ silicon ấy… kiểu như là nước bọt của con gì đó”, vừa nói gã đưa tay ra tính chạm thử, bỗng Thuỳ vô thức hét lên: “Coi chừng, hang Sâu Đóm đó!” 

Tùng quay ra ngơ ngác nhìn Thuỳ, bảo: “Sâu đóm đúng là có tiết ra mấy sợi silicon nhưng rất nhỏ, mấy con sâu đó…”, nói đến đây, có lẽ gã cũng nhớ lại kích thước của những thứ gã gặp từ lúc vào hang đến giờ, bất thần quay đầu bỏ chạy. 

Lúc này trên cao vang lên tiếng rào rào như có con gì đang bò xuống, từ trên vòm cây, một thứ hình thù như tấm thảm cuộn tròn, to bằng hai bao lúa đang lao xuống, một lỗ hổng đỏ lòm há rộng, tựa như cái miệng một con trăn chực chờ săn mồi, chỉ nghe Sinh hét lên: “Mẹ nó, sâu đóm thật!” Tùng cống cuồng phóng tới trước, may mắn né được cú đớp của con sâu. Miệng con sâu đóm khổng lồ có hình tròn, răng mọc vòng quanh nhọn hoắc. Anh Hùng bảo Sinh đốt đuốc lên, còn anh lao đến chỗ Tùng, một tay cầm dao găm chém thẳng vào đầu còn sâu, tay còn lại lật ngược đầu búa dọng vào miệng nó gãy đến mấy cây răng, tạo thời cơ cho Tùng chạy đi. Gã vừa bò dưới đất vừa la lên: “Đừng chạm vào sợi dây đèn, có độc đó.” Sinh ra ứng cứu tiếp anh Hùng, tôi cùng Thuỳ và Tú Linh chia nhau quấn vải liệm đốt đuốc, dù gì bọn này vẫn kỵ lửa, cứ tìm được đường ra khỏi đây trước cái đã hẳn lo đến miễu biết hát. Lúc này trên mái vòm, những âm thanh ào ào như cả đoàn quân đang di chuyển, rồi cả trăm, cả ngàn con sâu đóm lông tua tủa màu vàng đầy dịch độc rớt xuống như bần rụng. Chúng bò rất nhanh tiến đến chỗ chúng tôi, may mà lúc đó vừa đốt đuốc lên kịp, chia cho mỗi người một cây xua đuổi làm chậm bước tiến của bọn sâu quỷ dị này.

Hết cửa chết này đến cửa chết khác liên tục ập đến, bọn chúng tôi chưa kịp nghỉ chân đã phải chạy tiếp. Lúc này, ánh sáng màu đỏ vẫn chớp trên cao, dẫn đường cho cả bọn chạy một hơi. Mỗi nơi vừa chạy qua, sâu rớt xuống tạo nên những âm thanh “bịch bịch” rợn người, có vài lần tưởng chừng sẽ bị nó rớt trúng người nhưng đều thoát chết trong gang tấc. Khu rừng lúc này, cũng nhờ có ánh sáng từ mấy sợi dây quái dị kia mà hiện rõ dần, cảm giác dễ chạy hơn tuy phải liên tục né những sợi dây phát sáng mà theo lời Tùng là có độc, những ngọn đuốc trên tay huơ qua lại không ngừng để cản lũ sâu quái vật. Sau lưng chúng tôi, tiếng “sệt sệt” tạo thành do lũ sâu di chuyển càng lúc càng lớn, tưởng chừng như có cả ngàn con đang bò theo sát nút. Cắm đầu chạy một lúc cũng thoát khỏi cánh rừng mọc loại cây kỳ quái đó. Chúng tôi tiến đến chỗ trông giống với quảng trường của toà thành, xung quanh rộng rãi, cao thoáng hơn rất nhiều, bốn phía có những cửa động rất to dẫn đi đâu không biết. Lúc này, âm thanh của lũ sâu sau lưng nhỏ lại dần, tôi quay ra sau nhìn thì thấy chúng dừng ở mép rừng, không dám tiến lên, chần chừ như sợ sệt lắm. Có vẻ mọi người cũng thấy chuyện đó, nhận thấy khoảng cách đủ xa và an toàn, chúng tôi dừng lại thở lấy hơi. 

Thuỳ vừa thở vừa nói: “Lúc trước thầy em có nói về loài sâu đóm cổ đại, tiết ra chất như nước bọt, kết tinh lại như silicon, phát sáng dẫn dụ con mồi, hễ chạm vào sợi dây sẽ bị độc ngấm qua da, gây tê liệt, lúc này lũ sâu từ trên lao xuống hút dịch não. Hồi nãy mình gặp chắc là nó…”. Cũng may, nếu không thì sau Tùng, có thể tôi cũng vì mê hoặc vẻ đẹp của nó mà chạm vào, lũ sâu bị bỏ đói quanh năm, ăn cho bằng sạch. Anh Hùng rọi đuốc xung quanh, vẫn chỉ là những phế tích và tượng chim thần, tuyệt nhiên không thấy dấu vết gì của những người từng sống ở đây, kể cả một mảnh xương. Bỗng anh đi đến chỗ một bệ chữ nhật bằng đá, cao hơn mặt đất chừng một mét, rộng chừng năm sáu mét, dài thì gấp đôi, trông rất giống với sân khấu biểu diễn cải lương ở những quảng trường lớn. Bệ lát đá tảng, vẫn còn khá nguyên vẹn hình dáng, phía sau nó có một cái cửa động rộng rãi sâu hun hút, bên ngoài có một số dây leo kỳ quặc. Bỗng anh kêu Thuỳ lại, bảo: “Bạn em có ai mang đôi giày màu nâu không?” Thuỳ vội chạy đến, ngạc nhiên làm sao anh Hùng hỏi câu đó, anh giơ đuốc ra phía trước, trong vầng sáng lập loè đó hiện ra đôi giày màu nâu, một cái quần jeans rách rưới và một đống bầy nhầy màu đỏ ối như máu. Thuỳ kêu lên, trong tiếng nấc, cô bảo số đồ này chính xác là của Dũng và Châu, xong thì cô gục mặt vào vai của Tú Linh, chế đẹp thấy vậy liền ôm cô chặt hơn, gã Tùng đứng gục mặt, không nói không rằng, tôi nghe tiếng gã thút thít.


Thuỳ nức nở nói: “Sống thấy người, chết thấy xác, em vẫn phải tìm cho ra tung tích của bạn em!” 

Thấy dấu vết nằm gần cửa động, cô định vào đó xem thử nhưng anh Hùng cản lại, anh nói đầy lo ngại: “Dấu vết kéo lê, ngắt quãng, đi qua bọn bạch tuộc, đám nấm với lũ sâu như chơi, anh đoán chỉ có loài có cánh, to mới đủ sức tha được hai người họ. Em nghĩ cái hang này có phải là ổ của nó không, liều làm gì vậy?”

Tùng quay sang hỏi: “Anh đoán là con gì? Dơi….dơi…khổng lồ hay sao?”

Sinh vừa nhấp xong ngụm rượu, khà ra, nói: “Ông anh to đầu mà chậm hiểu quá, ở đằng kia có cái ổ sâu khổng lồ, chỗ nào có sâu thì có con gì có cánh?”

Tôi chỉ kịp nghĩ thoáng trong đầu: là bướm, tức thì, từ trong động vang lên những tiếng phành phạch khiến gió thổi dữ dội, lạnh ngắt. Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đuốc, trong cửa động tối om xuất hiện một khuôn mặt người khổng lồ, hai hốc mắt nó đen ngòm, miệng há to tới vành tai, phía sau gáy thấp thoáng vật gì đó bay phấp phới trong như lá cờ màu đỏ thẫm. Rồi bên trái và bên phải nó, lần lượt xuất hiện thêm nhiều khuôn mặt y hệt, chúng mở toác mồm quay sang hét vào nhau, âm thanh như lợn bị chọc tiết, đoạn gồng cả cơ thể, những lá cờ bung rộng ra thành đôi cánh, chúng bay về phía bọn tôi với tốc độ kinh hồn, miệng vẫn không ngừng la lên ren réc.

Ảnh minh hoạ (khá là có liên quan): trong ảnh là loại sâu có những sợi phát sáng. Nguồn: google.

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.