Thất Sơn Truyện

Chương 15: Chuyện kể Hùng Bon-sai - Vách Ma Giấu


Đọc truyện Thất Sơn Truyện – Chương 15: Chuyện kể Hùng Bon-sai – Vách Ma Giấu

Lâm Gia Thái Bảo

Chín Danh trầm ngâm theo kiểu khó nghĩ, rồi ổng nhìn Hùng nói: “Chỗ mấy anh định đi, đúng là ngọc rết nhiều lắm, thực ra nó “nhìn” thì thấy gần đây thôi, nhưng vào được nói dễ không dễ nói khó không khó, quan trọng là bản lĩnh”. 

Thông lại hấp tấp: “Chú Chín à, hai anh em con xét về tiền bạc thì không có gì để khoe, nhưng bản lĩnh thì cũng một bụng, chú nói chỗ đó thế nào?”. Ai ngờ Chín Danh bước đến vừa cười bỗng cốc đầu Thông một cái, nghiêm giọng nói: “Chú mày còn nóng vội như vậy, có một trăm cái mạng cũng không cúng nổi cho cái đất Thất Sơn này đâu!”. 

Không hiểu sao Hùng cảm thấy chú Chín cốc đầu Thông như một vị sư phụ dạy dỗ đệ tử, chứ không hề có ý ghét bỏ. Thông chắc cũng nhận ra chuyện đó nên cậu ta bẽn lẽn hẳn. Hùng lên tiếng: “Thưa chú, kỳ thực mục đích đi chuyến này là để tìm ngọc rết, nhưng sau khi có cọc kỳ nam, con cũng định cứu thằng Sinh rồi cũng về Sài Gòn thôi. Nhưng… Nhưng chú biết đó, nghe một cái chỗ kỳ dị như vậy, con kìm lòng sao được!”. 

Chín Danh không nói không rằng, quay lưng trở lên gian nhà chính, Hùng và Thông đi theo sau. Lên đến nơi, ông ngồi xuống ghế đá, nhìn bọn họ rồi nói: “Tui đâu có cấm cản hai cậu, đêm hôm qua, lúc hai cậu cùng thằng Sinh diệt kumanthong, tui đứng trên núi, thấy sao dời, khí tượng thiên văn có biến đổi, điềm đó ứng vào hai người, cho nên cái gì đến rồi thì cũng đến, có thể nói đó như là số mạng hai cậu đã được định đoạt, giờ thì đi ngủ đi, sáng mai tui chỉ cho “nhìn” nó, tìm được hay không, còn phải coi có duyên hay không nữa!”. 

Hùng và Thông nghe theo, hai hôm nay quá nhiều chuyện xảy ra, họ có được nghỉ ngơi nghiêm túc đâu. Cả hai tắt đèn, Anh Vũ Sơn chìm trong bóng đêm huyền bí. 

Sáng hôm sau, Thông lọ mọ dậy thì đã 7h, lật đật chạy ra, thấy ông Chín và Hùng đang đứng ở khoảng sân trước (người ở đó gọi là sân tiên). Thông chạy đến, cảnh vật làm cậu phải dụi mắt mấy lần cho tỉnh hẳn: núi non trùng điệp, sương trắng phủ ở những sườn núi, thung lũng, xa xa là biên giới với Campuchia được ngăn cách với An Giang bằng con kênh Vĩnh Tế thẳng tắp. Chính giữa khung cảnh đẹp như tranh vẽ đó là hình ảnh một vách núi hình vòng cung đều đặn, xung quanh là một màu xanh cây rừng, tô điểm cho màu trắng của vách đá sừng sững, cũng phải cao đến 20m. Đó chính là nơi họ sẽ đi tìm Ngọc Rết, gọi là Vách Ma Giấu! 


Thông nghĩ trong đầu: “Mẹ bà, chú Chín chơi con hả? Nhìn sờ sờ vậy sao không đi tới được?”. 

Quả thật, đúng như Thông nghĩ, nhìn vách đá đó chỉ cách chân núi Két cao lắm là tám cây số về hướng Tây Bắc, xung quanh có rất nhiều vật mốc có thể dẫn đường như cột ăng ten, nóc chùa, với kinh nghiệm tìm lan xưa nay, chuyện tìm được vách đá đó đối với Thông và Hùng chắc chỉ cần một phút ba mươi giây. Bỗng suy nghĩ của Thông bị ngắt bởi tiếng nói của Hùng: “Nếu quả thực như chú Chín nói, con với thằng đệ sẽ cẩn thận!”. Thông chẳng hiểu nãy giờ hai người kia trao đổi những gì, anh chêm vào: “Không tìm được cái vách đó, em quỳ gối từ đây về Sài Gòn!”. Vừa nói xong, Hùng quay sang lườm anh một cái khiến Thông phải sợ. Ánh mắt của Hùng nói lên phần nào thông tin mà Chín Danh cho Hùng biết, anh đang rất thận trọng. Máu phiêu lưu trong Hùng đang dâng cao hơn bao giờ hết, anh muốn nhân đợt này, khai quật hết những huyền bí vùng Bảy Núi u linh.

Cả hai ăn bữa sáng Chín Danh đã chuẩn bị sẵn rồi lên đường, lúc ấy đã 9h. Trước khi đi, Hùng không quên cảm ơn chú Chín đã cứu mạng anh và Sinh, việc khôi phục Ấn Chú Phục Ma đành nhờ ông cả. Chín Danh không nói gì, chỉ nhoẻn cười và khoát tay ra dấu cứ đi đi. 

Từ trên cao lúc nãy Hùng có để ý gần vách đá có con đường mòn (vì tán cây mọc thưa ra theo hàng), anh chạy xe về hướng Tịnh Biên, tìm con đường đó, phía trước nó có hẳn một cây ăng-ten đỏ chót làm dấu nên khá dễ tìm. Thông ngồi sau xe im lặng, anh đang rất hối lỗi, sau bao nhiêu chuyện mấy ngày nay Thông cảm thấy mình vô dụng đã đành, lại thêm chết nhát và nói nhiều nữa, nên cảm thấy muốn xin lỗi Hùng nhưng chưa mở lời được. Lát sau Hùng quay sang nói: “Mày đừng có để bụng chuyện hồi nãy, anh coi mày như thằng em ruột, chỉ là lúc nãy Chú Chín nói về những truyền thuyết của Vách Ma Giấu, anh tin là ổng nói thật nên đang lo cho hai thằng. Thiệt tình là hổm rày không có mày, anh chết chắc hai ba mạng rồi, nhưng chuyến này không có giỡn được, mày ráng giúp anh nghe!”

Thông nghe Hùng nói xong mà muốn rớt nước mắt, vỗ vai Hùng chửi một câu: “Mẹ nó, sao hôm nay anh như bê đê vậy, cái vách đó có cô hồn dã quỷ mẹ gì mà anh lo dữ vậy?”

“Hồ Ly, Hồ Ly của Bảy Núi, mày có nghe chưa?”


Thông im lặng, chính xác là anh lặng người đi. Hùng nói thêm: “Ban đầu tìm được cọc kỳ nam, anh nghĩ chuyến này anh em mình vớ bở, bán đi là sống nửa đời còn lại như tỷ phú, nhưng… Hổm rày mày thấy đó, báu vật như vậy, anh sẽ không bán đâu, mà không lẽ đi chuyến này công cốc cho nên vẫn phải lôi ngọc rết về. Mày biết hồi sáng chú Chín nói trong đó có ngọc rết đúng không?” 

“Đúng, em có nghe” 

Hùng nói tiếp: “Không phải ngọc thường đâu, cú này không chừng tìm được Ngô Công Kim Thân đó!”

Ngô Công Kim Thân là ngọc được kết tinh bởi chính con rết, ít nhất phải dài ba tấc, khi chết phải nằm trong thân các giống cây quý, ngâm trong bùn hoặc nước suối, trải qua vài trăm năm tạo nên một viên ngọc hình tròn dẹp. Loại ngọc này chủ về dương khí, các nhà giàu cầu tự hay làm ăn đều rất muốn săn ngọc này, nhưng đâu dễ tìm được. 

Thông nói: “Đợt đó anh nói có cọc kỳ nam là có cọc kỳ nam, lần này em tin cũng vậy thôi”. Hùng trầm ngâm, nghĩ trong đầu: “Quan trọng là lấy được hay không thôi”. Thông hỏi thêm về những điều Chín Danh chia sẻ tuy nhiên Hùng không muốn gây áp lực lên Thông, nên đành để đó, định lát tìm được vách núi rồi nói sau. 

Xe chạy về hướng Tịnh Biên chừng mười phút, bên tay trái là cây cột ăng ten. Thấy đúng đường, cả hai sấn vào ngay. Đó là con đường đất hai bên đầy những cỏ hơn gối, sâu hơn chút là cây rừng. Rừng âm u tĩnh mịch đến đáng sợ. Kinh nghiệm bao năm lăn lộn cho Hùng một kinh nghiệm: rừng im lặng là có biến. Càng yên tĩnh thì càng nên lo lắng. Đảo mắt xung quanh, anh đoán được phần nào nguyên nhân, đây là núi mộ.


Bảy Núi, kỳ thực theo lời Chú Chín kể, là một thế trận yểm ma hết sức công phu của tự nhiên, rất lâu về trước không rõ cao nhân nào đã sắp đặt những chỗ chôn cất, một số ngôi chùa cổ, kênh đào. Vùng này ngày xa xưa còn rặt lam sơn chướng khí, tiền nhân đã tốn không ít công phu cải tạo, cả về tự nhiên lẫn tâm linh. Có một số khu, ví dụ như các đồi thấp mé Tri Tôn, Tịnh Biên thường có rất nhiều mồ mả vòng quanh núi, ngày nay chúng ta không chắc tại sao lại có tập tục đó, Chín Danh cho rằng đó là để giữ long mạch, các ngôi mộ như những bờ đê, ngăn nguồn dương khí chảy tràn lan. Hãy thử hình dung vùng này xưa kia, trên mặt đất rất nhiều âm khí, nhưng cây cối lại tốt tươi chứ không bị thối rữa hoặc có đầm lầy, lý do là bên dưới mặt đất có nguồn dương khí làm cân bằng âm khí bên trên. Sau này, dự đoán được con người sẽ khai làng lập ấp, làm âm khí bên trên suy giảm, điều đó làm mất cân bằng của tự nhiên, nếu không điều tiết thì dương càn làm mọi vật khô héo, hoặc lại trôi chảy đi hết. Từ đó, có một số khu có rất nhiều mồ mả, tựa như những con kênh phân phối dương khí ra đều khắp cả vùng, mà nguồn của nó khởi phát từ Núi Cấm. Hùng thắc mắc về những những điều như long mạch trấn yểm đó thì Chú Chín chỉ cười và lắc đầu, đoạn chỉ tay về cô bé quét sân, nói: “Cái gì cũng cần có duyên, khi số mệnh cậu phải biết được những chuyện này, tự khắc sẽ có người nói cho cậu biết những chuyện này thôi!”

Con đường mòn này nằm trên một triền núi nhỏ, thoải, phía sau các bụi cây rậm rạp là hằng hà sa số mộ phần. Anh lờ mờ đoán được anh đang đi đúng đường, vách núi như phần dương đan xen phần âm, vách núi nhỏ như vậy có thể cân bằng được với bao nhiêu mộ phần này, hẳn là viên Ngọc Rết nằm trong đó, và nó cũng phải to lắm! 

Họ đi lòng vòng trong con đường núi mộ đó được chừng nửa giờ, thấp thoáng cuối con đường hiện ra một mái ngói đỏ của ngôi chùa cổ. 

Hùng dựng xe bên ngoài, không quên dặn Thông chớ có bộp chộp, khéo lại gặp cao nhân ở ẩn thì khổ. Ngôi chùa nhỏ nhưng rất trang nghiêm ấm cúng, bên trong sân có chú tiểu độ mười lăm tuổi đang quét sân, Hùng thi lễ rồi hỏi về tung tích vách đá, anh mô tả rất kỹ nhưng chú tiểu chỉ lắc đầu nói không biết, thậm chí còn không ngẩng đầu lên nhìn anh lấy một cái. Hùng nghĩ có lẽ cậu ta không biết thật, bỗng từ ngoài cổng Thông kêu lên: “Tìm thấy rồi anh ơi!”. 

Hùng vội chạy ra thấy Thông đang leo lên một thân cây, chỉ về hướng sau chùa. Nhìn theo hướng đó, sau các tán cây cao rậm rạp đan kín, đúng là có một vật thể sừng sững màu trắng. Đoan chắc là Vách Ma Giấu, Hùng xin chú tiểu gửi xe ở chùa, chú ta vẫn quét sân, khẽ gật đầu bảo: “Mô phật, thí chủ đừng để chấp niệm cố tìm ra làm gì”. Nghe thật lạ.

Hai người họ chuẩn bị hành lý nai nịt gọn gàng, vòng ra sau chùa theo con đường mòn. Chùa nằm ở gần đỉnh đồi thấp, nên con dốc dẫn xuống cũng khá cao, đường lại trơn trượt và rậm rạp nên cả hai di chuyển khá mệt nhọc. Vừa xuống hết đường, trước mặt họ là một cánh rừng, chuối và các cây khác mọc đan xen không thấy đường đi, nhìn chẳng thấy vách núi đâu nữa. Đang chưa biết đi hướng nào, Thông chỉ Hùng nhìn về bên trái họ, sau rặng tre rừng là ba căn nhà tranh, từ trong đó vọng ra tiếng chó sủa inh ỏi. Thông định lại đó hỏi thăm, bất giác Hùng đưa tay cản lại: “Đừng, Nhà Cô Hồn đó, mày muốn bị ám hay gì?”. 

“Nhà Cô Hồn? Đó giờ em chỉ thấy nó to cỡ cái miểu thôi, này là cả một xóm rồi?” – Thông hỏi lại. Hùng bước tới trước, ngó sang khu nhà, rồi quay lại nói: “Xà ngang treo xương chó, vách nhà dựng quan tài, cửa sổ quấn vải liệm, chái nhà rủ cờ tang, đây là Nhà Vong. Mày có thấy cả con đường mình vô bao nhiêu là mộ, mà không có cái miếu ông địa nào không? Vong ở đây không có chỗ trú, nếu gặp ngày trời mưa có sấm sét thì dễ bay ra nhà dân phá quấy, cho nên người ta lập ra mấy cái nhà này cho nó trú!”

Xung quanh Nhà Vong trong khoảng chín bước chân là ma địa, vào đó nếu yếu vía sẽ bị lạc trong cái nhà đó, chạy mãi không ra được nhưng kỳ thực chỉ bò xung quanh cửa. Những Nhà Vong trước giờ Hùng chỉ nghe bạn anh ta đi săn trầm kể lại, hôm nay thấy tận mắt ở chốn Bảy Núi u linh này, quả thật cũng làm anh có phần e sợ. 


Thông rợn tóc gáy, mới hỏi là giờ nên làm sao, Hùng ướm chừng lại hướng mình thấy vách đá lúc nãy, rồi bảo Thông đi vòng ra phía sau ba căn nhà đó, Hùng còn dặn kỹ chớ đi gần mấy cái nhà. Họ lần bước theo mé rừng, vòng ra sau nhà, dĩ nhiên sau nhà vẫn là một cánh rừng khác. Tuy nhiên, cây ở đây không dày đặc bằng, tán thưa hơn dù chỉ một chút, cũng đủ để lộ ra hình ảnh vật thể sừng sững màu trắng muốt phía sau. Hai người bọn họ như được tiêm doping, xốc lại tinh thần hăng hái tiến về trước.

Bỗng Hùng khựng lại, lúc nãy lo để ý bìa rừng, anh không thấy ở đây có một cái giếng. Cái giếng nằm cách ba căn nhà đó khá xa với lại đó giờ anh chưa nghe ai đào giếng cho nhà vong bao giờ. Sự xuất hiện của nó ở đây làm một cảm giác lo ngại khó tả dâng lên trong anh. Thông cất tiếng giục Hùng đi, quay ra sau thì thấy Hùng đang đến cái giếng, anh vội chạy lại theo. Họ vừa đến gần giếng, chỉ cần ngẩng cổ sang là đã thấy bên trong, nhưng thình lình trời đất tối sầm lại, mây đen che kín – nãy giờ chuyển mưa mà họ không để ý. Hùng vội xem đồng hồ, 12h trưa! Anh bắt đầu thấy bất an vì giờ này âm khí đang lên, không nhanh ra khỏi đây có khi gặp miểu biết hát cũng không chừng! Hai người ngay lập tức cầm sẵn đèn pin trong tay. Lúc này, từ phía cánh rừng thổi tới một luồng âm phong lạnh ngắt, cát bụi bay mù trời làm Thông đau rát cả mắt, loay hoay thế nào thì hụt chân làm anh chới với rớt cây đèn pin xuống giếng. Giếng khô và nông nên chỉ nghe tiếng đèn rớt xuống khá nhanh. Họ đến miệng giếng nhìn xuống, Thông chỉ kịp kêu lên một tiếng khi dưới giếng là một khuôn mặt trắng bệch đang há miệng nhìn thẳng vào anh! 

“Mày bị gì vậy, chỉ có tấm gương thôi mà!” – Hùng vừa nói vừa níu vai Thông lại. Sau một thoáng hồn vía lên mây, Thông cũng định thần lại nhìn xuống giếng. Đúng là bên dưới cạn khô, có một cái gương soi đặt ngay ngắn bên dưới, trông không giống như ai đó vứt bừa xuống mà là để đó có chủ đích. Thông cảm thấy thật xấu hổ, một phần cũng vì không gian lúc đó quá u ám. Hùng đảo mắt nhìn xuống đáy giếng một hồi, anh có linh cảm cái gương có một vai trò hết sức quan trọng, nhưng nhìn tới nhìn lui cũng không đoán được. 

Thông xung phong xuống dưới lấy cây đèn, Hùng bảo lỗi của ai thì người đó đi lấy, còn bày đặt xung phong. Đáy giếng nông nên thoắt cái Thông đã leo lên. Hùng buột miệng hỏi: “Dưới đó có gì khác không mày?”, Thông đơ ra rồi lắc đầu. Thực ra lúc leo xuống, Thông chỉ lo nhắm mắt chộp lẹ cây đèn rồi đu lên ngay, có kịp nhìn thấy gì khác đâu. Cả hai bỏ qua cái giếng và đi tiếp, nhưng khi vừa quay đi bỗng đâu có một âm thanh chói tai vang lên trong đầu khiến họ ngồi xuống. Nhận thấy có điều không ổn, Hùng mở mắt ra, chộp ngay cọc kỳ nam trong tay, Thông cũng cầm sẵn rựa, tuy nhiên xung quanh vẫn là khu rừng âm u như nãy. Hình như không giống “như nãy” lắm. Hùng quay sang hỏi Thông: “Ê mày có thấy khác không?”

“Có anh, mà không biết có cái gì khác!” – Thông vừa xăm soi khu rừng vừa nói. 

Họ nhẹ nhàng đứng dậy và tiến về trước, theo hướng họ nghĩ là chỗ vách núi


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.