Đọc truyện Thất lạc cõi người – Chương 8(phần 2b)
Tôi nghe nói mình đã chết ba ngày ba đêm. Nghe nói bác sĩ xem đó là một tai nạn và trì hoãn việc báo cảnh sát cho tôi. Nghe nói câu đầu tiên mà tôi thì thầm sau khi tỉnh thức là “mình đã về nhà”. Cái gọi là nhà không biết là chỉ nơi nào nữa nhưng sau khi nói câu đó, nghe nói tôi đã khóc như mưa.
Cuối cùng khi mù sương đã tan, tôi mở mắt nhìn thấy ông cá bơn với vẻ mặt vô cùng khó coi đang ngồi bên cạnh.
“Lần trước cũng vào dịp cuối năm như thế này. Gã toàn chọn dịp cuối năm khi người ta công việc đầu tắt mặt tối. Thiệt tình bị mấy cái chuyện như vậy thì chắc mạng mình cũng đứt theo luôn ấy chứ”.
Người đang nói chuyện với ông cá bơn là madam ở quán bar khu Kyobashi.
“Madam”, tôi gọi.
“Sao, tỉnh lại rồi à?”
Madam tươi cười gần như ghé sát mặt tôi mà nói.
Tôi chảy nước mắt.
“Hãy cho tôi chia tay với Yoshiko”.
Tôi nói ra câu mà chính mình cũng không ngờ.
Madam đứng dậy, thở dài nhè nhẹ.
Rồi sau đó, tôi lỡ lời nói một câu thật khó mà diễn tả. Nó vừa có vẻ hoạt kê không ngờ vừa có vẻ ngu ngốc nữa.
“Tôi phải đến một nơi nào không có đàn bà nữa mới được”.
Ông cá bơn bật cười ha hả, madam cũng cười tủm tỉm còn tôi vừa chảy nước mắt vừa đỏ mặt mà cười khổ sở.
“Ừ, như vậy được đấy”.
Ông cá bơn vừa nói vừa tiếp tục phá ra cười.
“Đi đến chỗ nào không có đàn bà là tốt đấy. Cứ dính dáng đến đàn bà là hỏng bét cả. Ý thật hay đó”.
Một nơi không có đàn bà. Tuy nhiên, lời nói đùa ngu ngốc đó về sau lại đúng với tôi một cách u uất không ngờ.
Yoshiko dường như nghĩ rằng tôi đã thay nàng mà uống hết số độc dược đó nên càng rụt rè sợ hãi với tôi hơn. Dù tôi nói gì đi nữa nàng cũng chẳng bao giờ cười, miệng nàng có vẻ như khó mà mở lời lắm vậy. Bởi thế nên tôi ở nhà mà cảm thấy u uất nên lại ra ngoài và uống rượu rẻ tiền. Tuy nhiên sau vụ việc Dial, tôi trở nên hốc hác, gầy trơ xương ra, chân tay rời rã, trở nên lười biếng vẽ truyện tranh. Số tiền mà ông cá bơn mang đến cho tôi lúc thăm bệnh (ông cá bơn nói là “đây là chút lòng thành của Shibuda đây” như thể là tiền của chính ông ta vậy nhưng thực ra đó là số tiền mà anh tôi từ quê gửi lên. Tôi bây giờ đã khác với lúc bỏ nhà ông cá bơn ra đi, đã mơ hồ nhìn ra cái trò diễn kịch của ông ta. Thế là tôi cũng tà ma, giả vờ như chẳng biết gì, hướng về ông cá bơn mà nói những lời cảm tạ. Tôi cũng không lấy làm lạ là tại sao cùng lúc mình có vẻ như hiểu và không hiểu những trò xảo thuật của những loại người như ông cá bơn), tôi quyết ý dùng số tiền ấy để một mình đến khung phía nam Izu. Tuy nhiên, tôi không phải kiểu người đi du ngoạn nghỉ dưỡng thảnh thơi ở suối nước nóng. Cứ mỗi lần nhớ về Yoshiko, tôi lại thấy cô đơn vô hạn, không còn lòng dạ nào mà ngắm cảnh núi non từ căn phòng nơi lữ quán được. Tôi chẳng kịp thay áo dotera, cũng chẳng tắm suối nước nóng, cứ lang thang ở ngoài rồi vào một trà quán tối tăm mà nốc rượu mạnh như tắm trong men cay và kết quả là khi trở về Tokyo, sức khỏe tôi còn tệ hơn lúc trước nữa.
Vào một đêm tuyết rơi đầy Tokyo. Tôi say rượu, vừa đi vừa lẩm nhẩm hát đi hát lại câu “quê nhà xa lắc năm trăm dặm, ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”, mũi giày ngập sâu trong tuyết, và đột nhiên tôi khạc nhổ. Đây là lần đầu tiên tôi khạc ra một búng máu. Nó như hình lá cờ một mặt trời đỏ trên nền tuyết trắng. Tôi ngồi xuống một lúc lâu, lấy hai tay vốc chỗ tuyết sạch đưa lên rửa mặt rồi khóc.
Con đường nhỏ này đưa ta đi về đâu?
Con đường nhỏ này đưa ta đi về đâu?
Tôi nghe từ xa xăm vọng về một lời ca buồn của một cô bé như một huyễn ảnh. Bất hạnh. Cuộc đời này thật lắm người bất hạnh, không, nếu nói toàn là người bất hạnh thì cũng không quá lời. Tuy nhiên, nỗi bất hạnh của những người kia, đều có thể đường đường mà kháng nghị với thế gian và “thế gian” cũng có thể hiểu và đồng tình với kháng nghị của những con người đó. Còn nỗi bất hạnh của tôi tất cả đều do tội ác của tôi mà ra, nên không thể kháng nghị với ai được cả. Hễ ngập ngừng nói ra một lời nào có vẻ kháng nghị là không những ông cá bơn mà hết thảy nhân gian đều hét lên sửng sốt ô hô ai tai mà rằng “sao hắn dám nói những lời như thế”. Có thể người ta xem tôi là “kẻ ích kỷ” hay do tôi yếu ớt trước những lời phản kháng đó chăng? Tuy không hiểu rõ lý do lắm nhưng hình như do tội lỗi chất chồng nên tự nhiên đi đâu tôi cũng gặp toàn là bất hạnh và chẳng có sách lược cụ thể nào để phòng ngừa cả.
Tôi đứng đó một lúc lâu rồi thầm nghĩ trước tiên mình phải uống tạm vài viên thuốc đã và bước vào một tiệm thuốc gần đó. Ngay giây phút vừa bước vào, cô chủ ngước mặt lên nhìn tôi trân trối như thể đắm mình trong ánh sáng lóe của máy chụp hình vậy. Rồi người đàn bà đứng như trời trồng. Tuy nhiên trong ánh mắt của người đàn bà kia, tôi thấy không phải kinh ngạc hay hãi sợ gì cả mà tràn ngập một vẻ gái như thể đã tìm ra một sự cứu vớt vậy. A a, chắc chắn đây cũng là một con người bất hạnh. Người bất hạnh thường rất mẫn cảm với những nỗi bất hạnh của người khác. Ngay lúc nghĩ như vậy, tôi mới nhận ra người đàn bà đứng yên dựng vào cây nạng gỗ tùng diệp. Tôi cố nén ý muốn chạy lại gần người đàn bà này và chỉ đứng yên nhìn bà ta mà chảy nước mắt. Và lúc đó, tôi cũng nhận ra trên gương mặt người đàn bà kia trên má lệ cũng chan hòa.
Không nói thêm rời nào nữa, tôi rời khỏi tiệm thuốc, lảo đảo quay trở về nhà, nhờ Yoshiko pha cho một ly nước muối mà uống, rồi nhắm mắt ngủ yên. Ngày hôm sau, tôi nói dối là mình có vẻ bị cảm rồi ngủ nguyên một ngày trời. Đến tối, không hiểu sao, tôi cảm thấy vô cùng bất an với cái chứng ho ra máu đang giấu kín của mình nên thức dậy và tìm đến tiệm thuốc kia. Lần này thì tôi vừa tươi cười vừa kể thật tình cho người đàn bà kia nghe về tình trạng sức khỏe của mình dạo gần đây.
“Cậu phải bỏ rượu đi thôi”.
Chúng tôi như hai người thân thiết.
“Có lẽ tôi bị nghiện rượu hay sao ấy? Bây giờ vẫn muốn uống”.
“Không được đâu. Chồng tôi cũng bị lao phổi, rồi nói rằng uống rượu vào có thể giết chết vi trùng lao nên uống rượu tối ngày, cuối cùng tự mình giết chết mình thôi”.
“Tôi thấy bất an lắm. Tôi sợ hãi nữa, cảm thấy mình chẳng ra gì”.
“Để tôi lấy thuốc cho cậu. Nhưng ít nhất thì cậu phải bỏ rượu đi”.
Cô chủ tiệm (là góa phụ, có một đứa con trai đã vào học đại học Y khoa ở Chiba hay đâu đó nhưng chẳng bao lâu thì cũng mắc bệnh lao giống cha mình, thế là nghỉ học nhập viện, trong nhà chỉ còn có cha chồng bị liệt đang ngủ, còn bản thân cô thì vào lúc năm tuổi, do chứng liệt cơ trẻ em mà một bên chân hoàn toàn không thể cử động được) chống nạng đi khập khiễng đến cái kệ này, rồi mở ngăn kéo kia lấy ra rất nhiều thuốc đưa cho tôi.
Cái này là thuốc tạo máu.
Cái này là thuốc tiêm vitamin dạng lỏng. Còn đây là ống tiêm.
Đây là thuốc viên canxi. Đây là thuốc chống rối loạn tiêu hóa.
Cô chủ giọng đầy trìu mến giải thích cho tôi năm sáu loại thuốc đây là thuốc gì, thuốc gì…và đối với tôi, cái thứ ái tình của người đàn bà bất hạnh này thấm sâu vào tôi quá đỗi. Cuối cùng, bà nói cái thứ thuốc này dùng để khi nào cậu cảm thấy vô cùng thèm rượu, muốn uống bằng bất cứ giá nào thì hãy sử dụng rồi bà nhanh chóng lấy ra một hộp nhỏ được gói lại bằng giấy.
Đó là morphine.
Cô chủ nói không có thứ nào tai hại như rượu cả và tôi tin điều đó. Bởi lẽ tôi vừa cảm thấy cơn say bét nhè thật là dơ bẩn thì đồng thời tôi cũng cảm thấy niềm vui khi có thể thoát ra khỏi tay con quỷ satan mang tên là “rượu” ấy. Không do dự gì cả, tôi tiêm morphine vào cánh tay mình. Bao nhiêu nỗi bất an, phiền muộn cùng với sự nhút nhạt bị tẩy sạch hết, tôi trở nên một nhà hùng biện vô cùng hoạt bát. Khi được tiêm thuốc vào, tự nhiên cơ thể tôi quên hết mệt mỏi, tập trung vẽ truyện tranh miệt mài, và một cảm giác vi diệu trào dâng khiến tôi có thể vừa vẽ tranh mà vừa phá ra mà cười nữa.
Tôi dự định vẽ một ngày một cảnh truyện nhưng rồi tôi vẽ được hai rồi ba. Và đến khi vẽ được đến bốn cảnh truyện trong một ngày thì tôi đã cảm thấy mình không thể nào làm việc nếu thiếu thuốc được.
“Không được đâu. Nếu cậu trở nên nghiện thì tai hại lắm đấy”.
Cho đến khi nghe cô chủ tiệm thuốc nói như vậy, tôi mới hay rằng mình đã trở thành một con nghiện khá nặng rồi. (Tôi vô cùng nhạy cảm với những câu ám thị của người khác. Chẳng hạn khnghe người ta nói “không được sử dụng số tiền này đâu nhé nhưng chắc là cậu…” thì bỗng nhiên tôi có một ảo tưởng kỳ lạ như muốn làm ngược lại cái kỳ vọng đó, như thể không sử dụng số tiền đó là xấu xa lắm vậy và tôi tiêu sạch số tiền đó ngay lập tức). Và nỗi sợ mình bị nghiện lại khiến tôi càng nài nỉ thuốc nhiều hơn nữa.
“Xin cô mà, chỉ một hộp nữa thôi. Cuối tháng này tôi chắc chắn sẽ trả hết tiền thuốc”.
“Tiền thuốc thì lúc nào trả cũng được nhưng nếu cảnh sát biết được thì phiền phức lắm”.
Aa, tôi cảm thấy xung quanh mình có kẻ nào đó khả nghi tăm tối ô trọc đang bám riết theo mình..
“Thì cô tìm cách nào lừa bọn họ đi, xin cô mà. Thôi để tôi hôn cô một cái nhé”.
Người đàn bà đỏ mặt.
Tôi càng lấn tới.
“Nếu không có thuốc thì tôi chẳng thể nào làm việc được chút gì hết. Đối với tôi, đó như một dạng năng lượng tinh thần vậy”.
“Nếu vậy sao cậu không tiêm kích thích tố?”
“Đừng có ngớ ngẩn nữa. Một là rượu, nếu như không có rượu thì chỉ có thứ thuốc đó tôi mới làm việc được thôi”.
“Rượu thì không thể rồi”.
“Vậy à? Từ sau khi sử dụng loại thuốc đó, tôi không đụng đến một giọt rượu nữa. Nhờ vậy mà cơ thể tôi đã khá hơn nhiều. Tôi không muốn vẽ những truyện tranh nhảm nhí ba xu nữa mà từ giờ trở đi, tôi bỏ rượu, chăm lo sức khỏe mình và sẽ vẽ những bức tranh vĩ đại cho cô xem. Đây là giai đoạn quan trọng lắm đấy. Vì vậy, tôi van cô mà. Cho tôi hôn cô một cái nhé”.
Người đàn bà bật cười.
“Phiền quá đi mất. Cậu có nghiện tôi cũng không biết đâu đấy”.
Người đàn bà lại lê cái nạng gỗ tùng diệp về phía tủ, lấy ra loại thuốc kia và nói.
“Không thể đưa cậu nguyên hộp được vì cậu sẽ sử dụng hết ngay. Nửa hộp thôi nhé”.
“Trời sao bủn xỉn vậy, nhưng thôi, cũng chẳng còn cách nào khác”.
Tôi trở về nhà, lập tức tiêm ngay một ống.
“Không đau sao anh?”
Yoshiko rụt rè hỏi tôi.
“Đau chứ. Nhưng vì thuốc này nâng cao hiệu suất làm việc nên dù ghét anh cũng phải tiêm thôi. Thấy anh dạo này khỏe đấy chứ nhỉ? Giờ thì làm việc thôi, làm việc, làm việc”, tôi hưng phấn nói.
Đêm khuya, tôi đến gõ cửa tiệm thuốc. Ngay khi cô chủ mặc bộ quần áo ngủ chống gậy lọc cọc bước ra, tôi liềm ôm ngay lấy mà hôn, giả vờ khóc lóc.
Không nói một lời, người đàn bà đưa cho tôi hộp thuốc.
Cái thứ thuốc này cũng như rượu mạnh vậy, ây dà, không nó còn hơn nữa, là một thứ dơ bẩn vô cùng. Đến chừng tôi nhận ra thì thấy mình đã trở thành một con nghiện mất rồi. Thực sự tôi đã trở thành kẻ vô liêm sỉ đến cùng cực. Để lấy được thứ thuốc kia, tôi lại bắt đầu sao chép các bức tranh xuân tình mà đem bán lén lút, lại còn bắt đầu mối quan hệ vụng trộm bẩn thỉu với người đàn bà tàn tật ở tiệm thuốc theo đúng nghĩa đen.
Tôi muốn chết, càng ngày càng muốn chết. Không thể nào quay trở lại được nữa. Cho dù có làm gì và làm cách nào đi nữa thì cũng vô dụng mà thôi. Lại càng nhục nhã. Những giấc mơ hai đứa mình đạp xe đi ngắm thác nước dưới tàn cây xanh không còn mong cầu gì được nữa. Tội lỗi bẩn thỉu ngày càng chồng chất, nỗi khổ não càng tăng lên cường liệt, tôi muốn chết, tôi phải chết thôi, sống là căn nguyên của mọi tội lỗi mà… Những suy nghĩ như vậy chỉ càng làm gia tăng mức độ con thoi đi lại giữa nhà tôi với tiệm thuốc trong dáng vẻ loạn cuồng mà thôi.
Cho dù tôi làm việc bao nhiêu đi nữa, nhưng vì lượng thuốc sử dụng ngày một tăng lên nên số tiền nợ thuốc ngày một nhiều đến mức kinh ngạc. Cô chủ tiệm thuốc cứ nhìn thấy tôi lại chảy nước mắt. Còn tôi thì cũng nước mắt ngắn nước mắt dài.
Địa ngục.
Cái cách cuối cùng để có thể thoát khỏi cái địa ngục này (mà nếu như thất bại thì chỉ còn nước treo cổ tự sát) là quyết ý cá cược với thần linh, tôi viết một bức thư dài gửi cho cha tôi dưới quê kể lể hết sự tình của tôi bây giờ (tất nhiên những chuyện liên quan đến đàn bà thì không thể viết ra được).
Nhưng kết quả càng tệ hại. Tôi chờ dài cổ mà không thấy gì hết. Vì bất an và nôn nóng mà tôi lại càng sử dụng nhiều thuốc hơn.
Vào cái buổi chiều ngày mà tôi dự định đến tối sẽ tiêm một lần mười mũi rồi ra sông trầm mình thì ông cá bơn dẫn theo Horiki xuất hiện trước nhà tôi như thể đã đánh hơi ra cái việc đó bằng giác quan của loài ác quỷ.
“Này, cậu ho ra máu phải không?”
Horiki trước mặt tôi, nói và cười hiền lành mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây. Tôi quá vui và cảm động trước nụ cười trìu mến đó nên đã quay mặt đi mà chảy nước mắt. Tôi hoàn toàn bị vỡ tan ra và chìm trong nụ cười trìu mến ấy.
Tôi được đưa lên xe hơi. Ông cá bơn cũng thủ thỉ khuyên nhủ tôi mà rằng đầu tiên cứ phải nhập viên cái đã, mọi chuyện sau đó đã có chúng tôi lo cho (giọng điệu dịu êm nghe ra của một người có lòng từ ái sâu đậm). Tôi thì như một kẻ chẳng còn ý thức hay phán đoán gì nữa, cứ khóc mê mải và ngơ ngơ ngác làm theo lời nói của hai người. Cùng với Yoshiko nữa, bốn người chúng tôi ngồi trên một chiếc xe rung lắc đi thật là lâu cuối cùng đến trước cổng một bệnh viện lớn nằm sâu trong rừng, xung quanh phủ đầy cây lá thâm u.
Tôi nghĩ thầm chắc đây là viện điều dưỡng.
Tôi được một bác sĩ trẻ khám xét thận trọng, kỹ càng và rồi vị bác sĩ mỉm cười nói như e thẹn.
“Cậu phải tĩnh dưỡng ở đây một thời gian”.
Khi ông cá bơn, Horiki và Yoshiko chuẩn bị ra về, để tôi lại bệnh viện một mình thì Yoshiko đưa cho tôi một túi đựng quần áo để thay rồi nàng lẳng lặng lấy từ trong chiếc dây lưng một cái ống tiêm với số thuốc còn lại đưa cho tôi. Chắc nàng thực tình tin rằng đó là thuốc năng lượng tinh thần chăng?
“Không, anh không còn cần đến nó nữa”.
Đây là một chuyện vô cùng hiếm thấy. Bị người ta đề nghị và từ chối lời đề nghị đó đối với tôi mà nói thì đây gần như là lần duy nhất trong đời. Sự bất hạnh của tôi là sự bất hạnh của một người không có khả năng từ chối. Vì tôi vô cùng sợ hãi việc làm đổ vỡ không thể nào hàn gắn được tâm tư tôi và tâm tư của người nữa khi từ chối lời đề nghị của người ta. Tuy nhiên lúc đó, tôi lại thản nhiên chối từ cái thứ morphine đã làm tôi điên dại đến vậy. Có lẽ bởi vì tôi bị lay động bởi thứ “vô tri gần như là thần linh” của Yoshiko chăng? Phải chăng khoảnh khắc đó tôi đã thấy mình hết nghiện ngập?
Tuy vậy, ngay lập tức sau đó, tôi được vị bác sĩ trẻ có nụ cười ngượng ngập ấy hướng dẫn, đưa tôi vào một căn phòng bệnh rồi khóa chặt cửa lại. Đây là bệnh viện tâm thần.
Thế là lời nói đùa ngu dại của tôi sau khi uống thuốc Dial là sẽ đến một nơi không có đàn bà nữa đã trở thành hiện thực một cách kỳ diệu. Trong bệnh viện này, toàn bệnh nhân nam, bác sĩ y tá cũng là nam, không có lấy bóng dáng một người đàn bà nào cả.
Bây giờ tôi không phải là một tội nhân nữa là là một cuồng nhân. Nhưng chắc chắn là tôi không điên loạn một tí nào. Trong một khoảnh khắc cũng không. Tuy nhiên tôi nghe nói người điên nào cũng nói như vậy cả. Có nghĩa là, người được vào trong bệnh viện này đều là tâm thần, còn những người không được đưa vào đây là người bình thường.
Hỡi thần linh, không có sức phản kháng phải chăng là tội lỗi?
Tôi bật khóc trước nụ cười hiền hậu không ngờ của Horiki, quên hết phán đoán và đề kháng, cứ thế mà ngồi lên xe rồi được đưa đến đây và trở thành người điên. Cho dù bây giờ có rời khỏi đây đi nữa thì trên trán tôi cũng đã in dấu là “cuồng nhân”, không, là “phế nhân” chứ.
Mất tư cách làm người.
Tôi hoàn toàn không còn là con người nữa.
Tôi đến đây vào đầu mùa hạ. Từ song sắt cửa sổ, tôi nhìn thấy hoa súng nở đỏ trong chiếc ao nhỏ nơi sân vườn bệnh viện. Ba mùa trăng trôi qua, khi hoa bướm (cosmos) bắt đầu nở trong sân vườn, thì bất chợt người anh cả từ quê lên, dẫn theo ông cá bơn đến đón tôi về và nói rằng cuối tháng trước, cha đã mất vì chứng loét ruột, bây giờ chúng ta không ai để ý đến chuyện quá khứ của em nữa và em cũng không cần lo lắng về việc sinh kế, em không cần làm gì nữa cũng được. Thay vào đó, cho dù còn nhiều lưu luyến nhưng em phải rời xa Tokyo ngay, bắt đầu bệnh ở quê. Những chuyện em cần làm ở Tokyo thì chắc chắn ông Shibuda đây sẽ làm hộ cho nên không cần để ý. Anh tôi nói bằng một giọng điệu khẩn trương và nghiêm trang như thường thấy.
Tôi cảm thấy núi sông nơi quê nhà hiện ra trước mắt và khẽ gật đầu.
Quả thật là phế nhân.
Sau khi biết tin cha mình đã chết, tôi cảm thấy mình hụt hẫng. Cha không còn nữa. Cái sự tồn tại đáng sợ kia lúc nào cũng phập phồng trong ngực tôi đã mất và tôi cảm giác như cái bình chứa đau khổ của tôi đã trở nên trống rỗng. Thậm chí tôi đã nghĩ rằng cái bình khổ đau của tôi sở dĩ nặng như thế là bởi vì cha tôi chăng? Quả thật tôi thấy trống trải. Và rồi thậm chí tôi mất đi luôn khả năng đau khổ.
Anh cả tôi thực hiện đúng như những lời anh đã hứa. Từ thành phố nơi tôi đã sinh ra và lớn lên đi xe lửa xuôi về hướng nam chừng khoảng bốn năm giờ đồng hồ là đến một vùng suối nước nóng ấm áp nằm ven biển về phía đông bắc. Anh tôi đã mua một căn nhà tranh gồm năm phòng cũ kỹ, tường nứt nẻ, cột nhà mối mọt hầu như chưa được tu sửa nằm ngoài rìa làng cho tôi ở, kèm theo là một bà già xấu xí, tóc tai đỏ quạch chăm sóc cho tôi.
Từ đó đến giờ đã gần ba năm. Trong thời gian đó, tôi đã bị bà già tên là Tetsu đó lên cơn động dục mà hãm hiếp nhiều lần. Đôi khi tôi lại còn cãi nhau với bà ta như vợ chồng vậy. Cơn đau ngực của tôi lúc tăng lúc giảm, tôi lúc gầy đi lúc mập ra rồi lại ho ra máu. Hôm qua, tôi nhờ Tetsu đi mua giùm tôi vài viên thuốc ngủ. Bà ta đến tiệm thuốc của làng, mua về một hộp thuốc khác hình dạng với hộp thuốc tôi thường dùng. Tôi cũng chẳng để ý, trước khi ngủ uống một lúc mười viên mà chẳng chợp mắt được tí nào và thấy vô cùng quái lạ. Bỗng nhiên cảm thấy bụng nằng nặng, tôi đi vệ sinh và ỉa chảy cuồng liệt. Sau đó tôi còn đi thêm ba lần nữa. Đến khi nhìn kỹ lại hộp thuốc thì mới hay đó là thuốc nhuận tràng.
Tôi nằm ngửa người ra mà ngủ, trên bụng chườm túi nước ấm, vừa nghĩ bụng phải mắng cho bà Tetsu này một trận.
“Này không phải thuốc ngủ mà là thuốc nhuận tràng đấy có biết không”.
Vừa nói đến đó tôi đã phá ra cười hăng hắc. “Phế nhân” có lẽ đó dù sao cũng là một danh từ hài kịch. Muốn ngủ mà uống thuốc nhuận tràng, hơn nữa tên thuốc nhuận trường đó là Henomochin.
Tôi bây giờ không hạnh phúc cũng chẳng bất hạnh.
Tất cả rồi sẽ trôi qua.
Cho đến bây giờ, trong cái địa ngục A tỳ gọi là thế giới “con người” mà tôi đã sống, thì đây là một điều duy nhất mà tôi nghĩ có vẻ là chân lý.
Đó chỉ là “tất cả đều sẽ trôi qua”.
Tôi năm nay hai mươi bảy tuổi. Nhưng vì tóc bạc trắng đầu nên mọi người đều tưởng lầm là trên bốn mươi.