Bạn đang đọc Thất Hiệp Ngũ Nghĩa – Chương 98: Thấy Lạ Sinh Nghi, Theo Dò Thích Khách, Dọc Đường Khéo Gặp, Tra Hỏi Thư Đồng.
Ngại Hổ từ khi rời khỏi Ngọa Hổ Câu cố ý tới Tương Dương, nhưng vì mấy ngày ở nhà Sa Long không được uống rượu cho nhiều, nên ngày đầu vừa gặp quán nhậu uống say mèm đi không được, ngày thứ nhì cũng vậy, qua ngày thứ ba tỉnh ngộ rằng: “Nếu ta cứ như thế mãi, rồi đây e lỡ dở như lúc tới Ngọa Hổ Câu, vậy ta phải đi riết mới được!”. Nghĩ như vậy bèn đi suốt đêm. Tới sáng gặp kẻ đi đường hỏi thăm mới hay đi lạc năm sáu chục dặm. May có người thông thạo đường lối chỉ bảo giùm cho rành rẽ, Ngại Hổ mới theo lộ Tương Dương mà đi. Vì Ngại Hổ đi lạc nên mới không gặp bọn Bắc Hiệp về Ngọa Hổ Câu.
Ngại Hổ tới Tương Dương dò hỏi, thời không ai biết có Bắc Hiệp tới, vì Bắc Hiệp, Trí Hóa, Đinh Triệu Huệ tới đó, sợ người dò biết mà sinh nghi, nên cứ ở tạm trong đình, chùa còn Ngại Hổ thời cứ nhà trọ, quán, tiệm mà hỏi nên không ai biết được. Ngại Hổ tìm trót ngày không được, bèn mướn phòng ở trọ, đoạn thong thả đi dò la. Tới đâu cũng nghe người nói: “Thánh thượng mới phái một vị Tuần án xét việc Tương Dương, quan ấy họ Nhan người chính trực, lại là môn sinh của Bao thừa tướng, chừng nào tới đây, oan uổng của chúng ta mới được rõ tường”. Có một lần Ngại Hổ nghe hai người nói thầm, ngồi một bên mà nghe không rõ, bèn giả đò ngủ gục, hai người ấy không để ý, bèn nói tiếng hơi to lên, Ngại Hổ nghe rõ chúng nó đương bàn bạc về việc Tương Dương Vương lập Minh thư, cất lầu Xung Tiêu, lập trận Đồng Võng như thế nào, nghe không sót một lời.
Ngại Hổ dò la như thế, ước ba bốn ngày, song không có tin tức gì lạ hơn nữa, chỉ có mỗi ngày rình mò gần vương phủ, khi thời đi rảnh, khi thời lên tửu lầu uống rượu. Ngày nọ, lúc Ngại Hổ đương uống rượu trên tửu lầu để mắt ngó qua vương phủ, (phủ Tương Dương Vương Triệu Tước) bỗng thấy có hai người cưỡi ngựa tới trước phủ, buộc ngựa đi vào, một lát lâu cùng đi ra, mở ngựa so cương. Một người vừa nhảy lên ngựa, một người mới nắm hàm thiếc, trong phủ chạy ra một người giơ tay ngoắc, rồi chạy tới kề tai nói nhỏ bộ dạng rất hớt hải. Ngại Hổ thấy vậy sinh nghi, vội vàng tính tiền trả họ, rồi chạy xuống lầu, theo hai người nọ. Tới chỗ đường rẽ, chỉ nghe một người nói: “Chúng ta sẽ hội nhau tại trấn Thập Lý Bao ngoài cửa Trường Sa!”. Nói rồi quất ngựa, kẻ rẽ qua đông người rẽ qua tây mà đi.
Đó là hai dũng sĩ trong quán Chiêu Hiền lúc trước, một người là Phương Thiều, lúc vào địa lao vác gái bị Bắc Hiệp chém đao phải bỏ chạy không dám trở lại quán Chiêu Hiền nên qua đầu thân bên Tương Dương. Còn một người là Tiêu gia các Trẩm Trọng Nguyên khi Bắc Hiệp bắt Mã Cường thời Trọng Nguyên giả bệnh không ra, kế thấy bọn du côn bàn việc qua đầu Tương Dương Vương thì nghĩ thầm rằng: “Nay ta đã biết Tương Dương Vương đem lòng bội phản, sẵn dạ bất thần, song ta cũng giả dại chôn mình vào chốn bùn nhơ, dò xét tình mưu. Nếu sau này triều đình ra binh chinh phạt, ta sẽ làm nội ứng ứng cứu nước cứu dân, há chẳng hay lắm sao?”. Nghĩ vậy nên đồng ý với chúng, qua đầu Tương Dương Vương.
Phàm kẻ hiệp khách nghĩa sĩ, thường hành động khác nhau: như Trẩm Trọng Nguyên thời thật là khó, tự mình đã phải chịu cái danh giúp giặc làm càn. Trước mặt Tương Dương Vương, Trọng Nguyên vẫn giả bộ phụ họa theo chúng, chứ không hề bàn mưu định kế gì, lại dùng cái thông minh của mình để dò xét nội tình chúng. Đến như Bắc Hiệp và Nam Hiệp kia, đi tới đâu đến cứu khốn phò nguy, ai chẳng gọi là người nghĩa hiệp thế mà sánh với Trọng Nguyên lại dễ dàng hơn, không thể bì kịp. Vì Trọng Nguyên thời phải tùy cơ ứng biến, quỷ trá đa đoan, đến lúc việc đã xong, rồi mới được đứng vào hàng nghĩa hiệp. Thế chẳng phải là việc khó khăn hay sao?
Trẩm Trọng Nguyên cùng đi với Phương Thiều chuyến này để lo việc trọng đại. Nhân bởi Lam Kiêu bị bắt, của cải bị phân phát cả cho lâu la, nên có một hai đứa vô lại chạy về Tương Dương bẩm báo. Gian vương nghe tin bèn tới Tập hiền đường thương nghị với đồ đảng rằng: “Nguyên cô gia có gửi cho Lam Kiêu một bức thư, sai bắt Kim Huy đem về sơn trại, tìm cách dụ dỗ cho về hàng, bằng không thời giết, làm vậy khỏi mất công về sau, ai dè nay Lam Kiêu bị Bắc Hiệp bắt, vậy các ngài nghĩ thế nào?”. Trong bọn đồ đảng có một vị minh công bẩm rằng: “Dù có giết được Kim Huy cũng chưa xong việc. Hiện nay Thánh thượng khâm phái Nhan Xuân Mẫn tuần án Tương Dương, lại đổi Thiệu Ban Kiệt làm Thái thú Trường Sa, mấy người đó chẳng phải là bậc tầm thường. Nay tôi có một kế hại cả ba người”. Gian vương nghe nói cả mừng hỏi: “Sao gọi là một kế hại cả ba?”. Minh Công bẩm: “Kim Huy ắt đi đường từ Trường Sa ngang qua Thập Lý Bao, chỗ đó là nơi nghênh tiếp quan viên, vậy nên phái người có võ nghệ giỏi tới thừa lúc canh khuya đâm chết Kim Huy đi, nếu việc thành thời Thiệu Ban Kiệt cũng khó đứng vững vì Kim Huy tới địa phận của Ban Kiệt mà bị thích khách, thời tài gì mà y không bị tội. Rồi ta đem tên thích khách về giấu kín trong vương phủ lại dâng sớ lên tâu rõ việc ấy, Nhan Xuân Mẫn là tuần án Tương Dương mà Thái thú Tương Dương bị thích khách, tất phải tìm hung thủ, tìm mãi không được ắt Thánh thượng gia tội chẳng sai. Chừng ấy chẳng những là học trò của Bao Công, mà dẫu là con của Bao Công không cũng khỏi tội”. Gian vương nghe nói cả mừng, cười ha hả rồi phái Phương Thiều đi làm việc ấy. Trẩm Trọng Nguyên thấy Minh Công dâng kế rồi tỏ ra tương đương đắc ý, thời trong bụng cười thầm, biết là kế đeo lạc èo không ra gì, song e nhỡ sự thành thời hại cho người trung liệt, bèn đứng dậy thưa rằng: “Bẩm thiên tuế, việc ấy là việc trọng, một mình Phương Thiều đi e không đủ sức, xin cho tôi theo phụ trợ một tay”. Gian vương ưng thuận, ban cho hai người một cặp ngựa mã. Hai người tới tàu ngựa bắt ngựa ra để ngoài phủ, gian vương còn sai kẻ tâm phúc chạy ra dặn rằng: “Việc dầu nên hay không cũng mau mau trở về”. Hai người gật đầu rồi cho ngựa về chỗ ở thâu góp hành lý, cho nên khi ra tới đường rẽ, hẹn hò nhau sẽ tới Thập Lý Bao tựu hội.
Ngại Hổ nghe được mấy lời, lật đật trở lại nhà trọ trả tiền phòng, rồi đi riết ra Thập Lý Bao. Ngại Hổ định sẽ tới đó trước, yên nghỉ một đêm rồi sẽ đi dò la tin tức, nên không kể ngày đêm, cứ việc đi mãi. Tới nơi mướn phòng ở trọ, rồi đi tìm hai người kia. Tới một nơi, thấy có nhà tiếp quan, treo cờ kết hoa, dọn dẹp rất đẹp. Ngại Hổ hỏi thăm mới biết Kim Thái thú vâng chỉ ra nhậm Tương Dương, nay đi ngang qua đây, Thái thú Trường Sa là Thiệu Ban Kiệt dọn nghi lễ tiếp rước. Và mai Kim Thái thú sẽ tới công quán.
Ngại Hổ nghe rõ các việc, bỗng hiểu ngay rằng: “À, phải rồi, hai người đó có ý vào công quán làm gì đây, vậy ta phải tới rình đợi chúng nó”. Đương còn suy nghĩ, nghe có tiếng kêu rằng: “Nhị gia đi đâu đó?”. Ngại Hổ liền ngước mắt lên xem, thời là Cẩm Tiên, bèn hỏi: “Ngươi đi tới đây làm gì?”. Cẩm Tiên nói: “Câu chuyện rất dài, xin mời nhị gia lên lầu, tôi sẽ bẩm rõ”. Ngại Hổ bèn nhận lời, nắm tay Cẩm Tiên lên lầu, lựa chỗ vắng khuất mà ngồi. Cẩm Tiên lấy lễ chủ tớ nên cứ đứng ké né mãi. Ngại Hổ cho phép ngồi chung rồi kêu nhà hàng đem rượu thịt lên cùng nhau ăn uống.
Ngại Hổ hỏi thăm tới Thi Tuấn, Cẩm Tiên thưa rằng: “Chủ tôi nay đương ở trong nhà quan Thái thú Trường Sa đây”. Ngại Hổ hỏi: “Chủ tớ ngươi lên trên Kim lão gia ở Cửu Tiên Kiều, mà nay sao lại ở đây?”. Cẩm Tiên bèn thuật chuyện lúc còn ở lại nhà Kim Công thế nào, vì sao mà mình tự vẫn gặp Tưởng gia cho tiền, tới lúc vỡ án, ở tại nhà Thiệu Thái thú và cưới vợ thế nào. Ngại Hổ nghe nói vỗ tay cười rằng: “Thiệu lão gia tính việc hay quá, nay ta đã có chị dâu rồi”. Cẩm Tiên nói: “Nhị gia chưa rõ việc lạ trong đám cưới ấy” Ngại Hổ hỏi: “Thế nào là lạ?”. Cẩm Tiên bèn thuật việc cô dâu giả, và khi Đinh Hùng đem thư cho Kim Thái thú, Thái thú có viết thư đáp rằng: “Mẫu Đơn tiểu thư nhân bị bệnh tới huyện Đường uống thuốc, lúc đi thuyền ham xem trăng nên đã té xuống sông rồi, chớ còn có Mẫu Đơn nào nữa”. Ngại Hổ nghe nói chưng hửng hỏi: “Vậy việc ấy nguyên do thế nào?”. Cẩm Tiên liền kể chuyện mình và Giai Huệ giả tay ông Tơ, tưởng buộc hai người nên duyên, ai dè sinh họa, nói rõ cho Ngại Hổ nghe. Ngại Hổ nghe xong, hỏi: “Vậy nay Thiệu lão gia được thư của Kim Công, không tra hỏi việc đó sao?”.