Bạn đang đọc Thất Hiệp Ngũ Nghĩa – Chương 30: Bởi Đấu Gươm, Nam Hiệp Gặp Duyên, Vì Đoạt Cá, Lư Phương Xin Lỗi.
Đinh Triệu Huệ vào tới phòng thêu thấy tiểu thư đương ngồi thêu trên ghế bèn hỏi: “Hiền muội thêu những gì đó vậy?”. Tiểu thư đáp: “Ngồi buồn mượn kim chỉ làm vui vậy thôi. Nghe ở trước có khách, sao anh lại vào trong này?”. Triệu Huệ giả ý hỏi rằng: “Sao em lại biết có khách?”. Đinh Nguyệt Hoa đáp: “Hồi nãy sai người lấy bửu kiếm, nói rằng khách muốn múa chơi, vì vậy mà biết”. Đinh Triệu Huệ nói: “À! à! Phải, vậy mà em có biết người ấy là ai không? Nguyên y là Triển Chiêu, người phủ Thường Châu, huyện Võ Tấn, thôn Ngộ Truật, biểu tự là Hùng Phi, người ta gọi là Nam Hiệp, đương làm quan tứ phẩm hộ vệ tại trào và được Hoàng gia ân tứ cho là Ngự miêu. Anh nghe tiếng người ấy đã lâu, nay gặp mặt thật danh chẳng hư truyền. Song le người tài cao hay ỷ, nghề giỏi hay phách, khi nãy anh khoe kiếm Tràm Lư và mời y múa chơi, y chê kiếm ấy là nhẹ, anh nói cho y biết kiếm của em, y lại nói em là khuê trung nữ tử tài nghệ bao nhiêu!”. Nguyệt Hoa nghe nói tới đó, mặt giận đỏ bừng quăng kim bứt chỉ. Triệu Huệ nghĩ thầm rằng: “Chắc được rồi, ta khích nó một chút nữa là xong “. Liền nói thêm rằng: “Anh nghe vậy mới nói đỡ rằng: “Lẽ nào trong của tướng chúng tôi lại không có hổ nữ hay sao?”. Y nói rằng: “Tuy biết vậy song hễ đàn bà thời còn giỏi hơn ai được”. Này em, nếu em có đảm lược thời nên đấu sức với y cho rõ mặt anh thư, còn như nhác nhúa thời anh ra chịu nhục với y cũng được. Bây giờ mẹ đương ở nhà ngoài, nên anh vào nói cho em hay”. Đinh Nguyệt Hoa nghe nói dứt lời lửa giận như thêm dầu, bèn nói với Triệu Huệ rằng: “Như vậy em còn nhịn sao được, thôi anh đi trước, em cũng ra sau”. Đinh Triệu Huệ cả mừng đi ra, một lát con hầu ra thưa có tiểu thư tới. Đinh thái thái liền kêu cho ra mắt Triển Chiêu. Triển Chiêu đáp lễ, liếc xem thấy người tề chỉnh, sắc nước hương trời, song trên mặt có lộ sắc giận, lại thấy Triệu Huệ ra sau lưng mình nói nhỏ rằng: “Đó là chủ của cây gươm Tràm Lư, khi nãy đại ca chê, bây giờ gặp mặt xin đừng có quên lời?”. Triển Chiêu đáp: “Có lẽ nào?”. Đinh Triệu Huệ lại đi sau lưng tiểu thư nói nhỏ rằng: “Triển ca muốn thử tài với em lắm”. Nguyệt Hoa tiểu thư gật đầu chịu. Triệu Huệ trở lại nói với Triển Chiêu rằng: “Em tôi xin đại ca dạy cho chút ít võ nghệ”. Triển Chiêu cũng gật đầu nhận đấu.
Bấy giờ ai nấy ngó lại đã thấy tiểu thư đã cởi áo ngoài ra trong mặc một cái áo gấm chẹt, dưới vận quần lụa trắng, rất là đẹp đẽ gọn gàng, xách bảo kiếm đứng ra mé bên đông. Triển Chiêu bất đắc dĩ cũng xăn áo xách kiếm ra đứng phía tây. Cả hai giữ thế rồi nói rằng: “Xin tự tiện”. Dứt tiếng đôi gươm nhoáng như chớp, Đinh Triệu Lang và Đinh Triệu Huệ đứng sau lưng Đinh mẫu xem không nháy mắt. Hai người đấu được ít hiệp, Đinh mẫu bảo ràng: “Thế đã biết tài nhau rồi, cần chi phải tranh thắng phụ e mũi gươm vô tình hoặc có điều bất tiện “. Triệu Huệ thưa rằng: “Gia mẫu yên lòng, có điều chi việc đó mà lo, cờ đã gặp tay, lễ nào có điều bất tiện”.
Hai người đấu sức đã lâu, song không phân được thắng phụ. Triển Chiêu ban đầu tưởng tiểu thư là bậc tầm thường, bây giờ thấy kiếm pháp sành sỏi thời khen thầm lắm, lại càng cao hứng lên, ra thế Thi Hoa nhảy vào đâm một nhát, tiểu thư tránh khỏi, song mũi kiếm chạm rớt một vật gì rơi xuống. Tiểu thư liền ra thế Phong Xuy Bại Nhự chém tới. Triển Chiêu cúi đầu né khỏi, tiểu thư lại đổi thế Suy Song Vọng Nguyệt, lưỡi kiếm vừa tới, Triển Chiêu né qua, thời cái khăn bịt trên đầu rớt xuống, liền nhảy ra nói rằng: “Tôi thua thế, tôi chịu thua thế”. Triệu Huệ liền bước tới lượm vuông khăn lên phủi bụi, còn Triệu Lang cũng kiếm vật rớt khi trước, té ra đó là ngọc hoàn của tiểu thư đeo ở tay. Triệu Lang đưa vật ấy cho Triển Chiêu coi và nói rằng: “Không phải đại ca thua, mà thật là tiểu muội thua vậy”. Triển Chiêu cũng khen ngợi kiếm pháp của tiểu thư ít lời, rồi lấy khăn bới tóc lại. Chờ tiểu thư vào nhà trong rồi, Đinh mẫu bèn nói với Triển Chiêu rằng: “Con nhỏ ấy là cháu của lão, từ lúc chú thím nó bất hạnh qua đời, lão đem về nuôi coi như con ruột. Bấy lâu nghe tiếng hiền điệt đã muốn cho đôi lứa liền nhà, nay dịp đâu may mắn, hiền điệt tới đây thật là tơ đỏ vấn chân, duyên lành gặp mặt. Nghĩ vì hiền điệt không có người thân quyến, bất tiện cho việc dắt nẻo đem đường, nên kiếm cớ gạt tiểu nữ ra đấu tài để cùng nhau kiến diện. Vậy hiền điệt chớ cười nhà thế phiệt trâm anh mà không giữ được gia phong lễ phạm”. Đinh Triệu Lang cũng xen vào nói: “Chuyện đó không phải ngu đệ biết mà không cản, song trước đã có bàn với mẹ tôi rồi”. Đinh Triệu Huệ cũng xin lỗi rằng: “Cả thảy đều lỗi ở tôi, vì muốn hai đàng kết thành duyên phận, nên giả lời dối kế, làm cho gặp gỡ với nhau, xin Triển huynh thứ tội”. Triển Chiêu nghe hết câu chuyện mới rõ đầu đuôi, không biết làm sao chối từ, liền tỏ lòng ưng chịu, bèn bước tới lạy Đinh mẫu và giao bái với anh em họ Đinh rồi đưa ngọn kiếm Cự Khuyết của mình ra đổi lấy ngọn kiếm Tràm Lư của Đinh Nguyệt Hoa tạm làm sính lễ.
Triệu Huệ cả mừng tay xách kiếm và cầm ngọc hoàn vào phòng, thấy tiểu thư đương ngồi buồn, bèn cả cười rằng: “Em chớ lo, ngọc hoàn em còn đây không mất đâu mà sợ “. Nói rồi trao cho tiểu thư vào tiếp rằng: “Còn ngọn kiếm Tràm Lư đã bị người ta lấy rồi. “. Tiểu thư hỏi: “Tại sao vậy?”. Đinh Triệu Huệ đáp: “Điều ấy là tại mẹ bày ra, lát nữa em cứ hỏi mẹ thời biết, mà chuyện ấy có lẽ em cũng vui lòng lắm”: Nói rồi để câu kiếm Cự Khuyết xuống ghế, cười khúc khích đi ra. Tiểu thư không rõ là gì, song cũng làm thinh không hỏi. Còn Đinh Triệu Huệ ra tới thính đường thời Đinh mẫu đã lui vào rồi, ba người cùng nhau chén tạc chén thù. Hai anh em họ Đinh vẫn kêu Triển Chiêu bằng anh như cũ, không câu nệ anh rể em vợ làm chi.
Triển Chiêu ở chơi tại thôn Mạc Hoa ba ngày rồi từ giã anh em họ Đinh. Anh em họ Đinh không nỡ chia lìa nhưng thấy Triển Chiêu cố quyết không thể lưu giữ, bèn tỏ ý rằng: “Nay đại ca tạ từ, chúng em không lẽ cản ngăn, vậy xin đại ca vui lòng ở lại một ngày nữa, mai chúng ta sẽ ra tại đài Vọng Hải cùng nhau chuốc chén tương tri tỏ lời đồng chí, rồi ngày sau sẽ chia tay, không rõ đại ca có vui lòng chăng?”. Triển Chiêu tỏ ý nhận lời.
Hôm sau, ăn cơm sáng rồi anh em họ Đinh dắt Triển Chiêu ra khỏi cửa, đi vòng lên đỉnh núi, thấy nơi ấy đã có cất một cái đài cao và rộng rãi. Đứng trên ấy dòm ra sông, thấy thuyền qua lại dập dìu không dứt. Gia đồng bày rượu thịt ra, ba người ngồi lại ăn uống chuyện vãn. Đương lúc cao hứng, nhập rượu tỏ tình, bỗng thấy có một người đánh cá đi tới, lại gần Đinh Triệu Lang nói nhỏ ít tiếng. Đinh Triệu Lang dặn dò ít lời, rồi người ấy ra đi, một lát lại có một người khác tới nữa, cũng nói nhỏ với Triệu Lang. Triệu Huệ nghe nói liền bảo người ấy rằng. “Mi nói với nó rằng, ta hỏi lại đây cho ta xem”. Triển Chiêu thấy vậy mới hỏi anh em họ Đinh rằng: “Dám hỏi nhị vị hiền đệ, có chuyện chi như vậy?”. Triệu Huệ đáp: “Hai người ấy nguyên là bọn thuyền đánh cá ở Tòng Giang này. Vả chăng tại Tòng Giang chia ra làm hai khúc lấy Lư Hoa Thang làm ranh giới, mé nam có một chỗ là đảo Hãm Không, trong đảo có nhà họ Lư, lúc sinh thời Lư thái công, hiền từ ưa bố thí, nhà giàu có lớn, đến sau khi sinh con là Lư Phương, tính tình hiền hậu, hòa mục với xóm làng, lại có tài riêng về võ nghệ, nên còn có hiệu là Tản thiên thử, y lại kết bạn với bốn người khác nữa, xưng hiệu là ngũ nghĩa, y là người thứ nhất, còn người thứ nhì nguyên ở Hoàng Châu, tên là Hàng Chương, có tài địa lôi nên xưng hiệu là Triệt địa thử; người thứ ba nguyên ở Sơn Tây tên là Từ Khánh, vốn thợ rèn xuất thân, hay chũi thăm mười tám lỗ, trong núi, nên có hiệu là Xuyên sơn thử; đến như người thứ tư, hình vóc ốm o, xem như kẻ bệnh, mà mưu mô linh diệu, vốn là khách buôn xuất thân, nguyên ở Kim Lăng, họ Tưởng tên Bình hiệu Trạch Trường, giỏi lặn lội dưới nước, mở mắt xem được cá tôm dưới sông, nên có hiệu là Phiên giang thử, duy có người thứ năm tuổi nhỏ tướng đẹp, khí vũ bất phàm, tính rất trầm tĩnh, lại hay hào hiệp làm nghĩa, vốn là một tay võ sính người đất Kim Hoa, tên là Bạch Ngọc Đường, vì người ấy hình dung tất đẹp, văn võ gồm tài, nên người ta gọi là Cảm mao thử”. Triển Chiêu nghe nói Bạch Ngọc Đường liền gật đầu nói: “Người ấy tôi biết lắm, hiện đương tìm y đây”. Đinh Triệu Huệ hỏi: “Làm sao đại ca lại biết y?”. Triển Chiêu đáp: “Có chuyện ở Miêu gia tập”. Rồi thuật lại chuyện trộm bạc ở Miêu gia tập cho anh em họ Đinh nghe.
Đương lúc nói chuyện, thấy có một tốp người đánh cá đi tới, trong bọn có một người hình dung vạm vỡ giận hầm hầm, nói với anh em họ Đinh rằng: “Chúng nó không kể tới lời ước hẹn, làm ngang qua phần chúng ta mà đánh cá, bọn tôi cản lại, nó đã chẳng nghe còn đánh tôi mất bốn lóng tay… “. Đinh Triệu Lang nghe xong bảo bọn ấy rằng: “Việc đâu còn có đó, chúng bay đi kêu thuyền lại đây, ta ra đó xem sao”. Bọn ấy vâng dạ rồi kéo nhau đi. Triển Chiêu nói: “Nếu có chuyện như vậy, cũng nên cho tôi đi với cho vui “. Đinh Triệu Huệ đáp: “Được vậy càng tốt”. Nói rồi ba người xuống đài, thấy bọn gia đinh đã đem đủ khí giới chờ ở đó. Ba người đều mang bảo kiếm vào lưng rồi kéo nhau xuống bến, đã thấy hai chiếc thuyền lớn chờ ở đó. Đinh Triệu Huệ cùng với Triển Chiêu đi chung một chiếc, còn Đinh Triệu Lang một mình đi riêng một chiếc. Thuyền lớn kéo neo, các thuyền nhỏ ồn ào chèo theo, đông nghìn nghịt không biết bao nhiêu mà kể, đều nhắm Lư Hoa Thang chèo tới.
Tới nơi thấy một đoàn thuyền đậu tại đó, xem hiệu thời biết là bọn ở mé nam mới đi cướp cá khi nãy. Đinh Triệu Lang liền hối chèo lướt tới, đằng này thuyền của Triệu Huệ và Triển Chiêu cũng chèo theo, khi tới gần thấy thuyền bên kia có một người mặt mày hung dữ, nghênh ngang tay cầm xây xoa bảy răng. Đinh Triệu Lang bèn kêu người ấy mà rằng: “Tên kia! Sao mi không biết phải trái vậy? Trong con sông này ta đã lấy chỗ Lư Hoa Thang làm ranh giới; sao mi lại dám làm ngang qua phần của chúng ta mà cướp cá lại còn đánh người trong vạn có thương tích là cớ làm sao?”. Người đứng bên thuyền nọ trả lời rằng: “Chúng ta không biết ranh rập gì ráo, mé bên này ít có thời chúng ta cứ sang bên ấy mà đánh, không ai cản ta được “. Đinh Triệu Lang nghe rồi liền hỏi: “Vậy mi tên họ là gì đó?”. Người ấy trả lời rằng: “Ta tên Phân thủy thú Đặng Bưu đây, chúng bay hỏi ta làm gì?”. Triệu Lang hỏi tiếp: “Còn viên ngoại của mi có tại đây hay không?”. Đặng Bưu đáp: “Không có, chỉ có một mình ta quản lĩnh đoàn thuyền này mà thôi, chúng bay muốn nói chi thời cứ nói”. Nói dứt tiếng giơ xoa đâm tới, Đinh Triệu Lang đưa đao ra đỡ chợt thấy Đặng Bưu buông xoa nhào xuống nước. Các thợ đáy vây lại bắt Đặng Bưu đem lên thuyền của Đinh Triệu Huệ. Còn Triệu Huệ thời nhảy qua bên kia giúp sức cho anh. Nguyên Triệu Huệ thấy y ăn nói thô lỗ thời cả giận, nên chọi cho y một viên đạn. Phép chọi đạn ấy Triệu Huệ tập từ bé nên giỏi lắm.
Khi Đặng Bưu bị bắt, y cứ liền miệng nói rằng: “Giỏi gì thứ ám, tiễn thương nhân đó, ta không chịu phục đâu!”. Triển Chiêu nghe lời ấy, liền nhìn kỹ lại thấy trên chân mày Đặng Bưu có u lên một cục bằng ngón tay và đỏ rần, liền nói với y rằng: “Ngươi đã bị bắt rồi, sao còn nhiều lời như thế? Ta hỏi ngươi, vậy chớ Ngũ viên ngoại của ngươi có phải họ Bạch hay không?”. Đặng Bưu đáp: “Phải, nhưng mà bây giờ người đã đi khỏi rồi”. Triển Chiêu hỏi: “Ngươi có biết Ngũ viên ngoại đi đâu hay không?”. Đặng Bưu đáp: “Cách ít ngày trước đây, nghe nói người đi Đông kinh tìm Ngự miêu nào đó”. Triển Chiêu nghe xong trong bụng còn đương phân vân bỗng nghe có tiếng người kêu lớn rằng: “Bớ Đinh hiền đệ, có Lưu Phương tới đây, chuyện lôi thôi như vậy đều lỗi ở tôi, vì không khéo cai quản, xin hai em tha cho”. Ai nấy đều nhìn lên, thấy có một chiếc thuyền nhỏ chèo lại như bay, tiếng kêu ấy thủng thẳng gần lại. Triển Chiêu nhìn kỹ người ấy, mặt hồng, râu tốt, hình dáng khôi ngô, khí vũ hiên ngang. Anh em họ Đinh vừa thấy người ấy liền chắp tay chào rằng: “Lư huynh được mạnh giỏi?” Lư Phương nói: “Đặng Bưu là một tên đầu mục mới, nên không rõ điều ước, ấy là lỗi của tôi, vậy xin nhị vị hiền đệ phân xử thế nào cũng được”. Triệu Lang đáp: “Nó đã không biết lỗi, còn trách cứ làm chi “. Nói rồi bảo bọn thợ đáy thả Đặng Bưu ra, chúng nó nói rằng: “Bọn Đặng Bưu có đoạt của bọn tôi hết nhiều miệng đáy”. Đinh Triệu Lang nạt rằng: “Chuyện nhỏ nhặt như vậy còn nói làm chi”. Lư Phương nghe lời ấy, liền bắt bọn thợ đáy đã đoạt ấy đem trả, rồi cách chức đầu mục Đặng Bưu và sai người giải về phủ trừng trị. Các việc điều đình ổn thỏa, hai bên liền từ giã nhau, ai về phủ nấy.