Bạn đang đọc Thập Vạn Đại Sơn Vương – Chương 9: Đại Hội Biên Thùy (tiếp Theo)
Chàng tướng Thập Vạn Đại Sơn bừng tỉnh, mở choàng mắt ra, như vừa trải cơn ác mộng. Bên tai chàng tiếng cồng rền rĩ đổ hồi, ngừng bặt, dư âm u uẩn ngân dài trong buổi bình minh.
Từ từ chống tay cố nhỏm lên, chàng tướng giặc ngồi dựa lưng vào thành giường, thở mạnh, thấy trong mình đã tỉnh táo lạ lùng, chỉ còn hơi mệt. Cúi nhìn tấm chăn gấm, và chiếc nệm giường phủ da báo gấm, hếch mũi lên thấy phảng phất như có hương trầm thơm nhẹ, chàng tướng núi nhớ nhanh tới những căn nhà của các dòng quí tộc sơn cước, bất giác giơ tay vịn tấm màn thổ cẩm, nhích ra ngồi bên thành giường, cặp mắt bâng khuâng, lơ đãng nhìn khắp mấy gian sàn rộng.
– Phải chúng mình đã tới giang sơn Chúa Dao?
Sàn ghép gỗ quý bóng loáng, cột hàng người ôm chạm trổ tinh vi làm tủ đứng ghép gương, vách nhiều cửa sổ trông ra đồi núi điệp trùng, căn sàn trần thiết cực kỳ sang trọng với tất cả vẻ đẹp vương giả miền núi vừa lộng lẫy đài các, lại vừa huyền bí, uy nghi pha lẫn vẻ cổ kính Đông phương với vẻ phóng khoáng Tây phương… tổng hợp thật tài tình, trông rất lạ mắt. Tiếng cồng đột nhiên lại nổi lên, dồn dập, tiếp đến tiếng reo hò man dại, xa xa giữa muôn nghìn tiếng động chuyển như thác gầm, trong hơi gió sớm hiu hiu thoáng lạnh, chàng tướng giặc nghe như có tiếng “khèn” lau chìm nổi đâu đây, thanh âm nguyên thủy uốn éo giữa không gian, chờn vờn… mơ hồ lạ.
Chàng còn đang nheo mắt nghiêng đầu, lắng tai, đột nhiên, nghe tiếng báo gầm, rờn rợn ngay dưới cầu thang. Rồi có tiếng sột soạt như tiếng móng nhọn cào vào phên nứa, gai góc. Ngạc nhiên, chàng tuổi trẻ vội đặt chân xuống sàn, men theo thành giường, lần tới bên vách tiến ra lối cầu thang. Tiếng móng nhọn cào sột soạt nhanh thêm, rồi có bước chân giẫm thình thịch trên mặt sàn.
Chàng tướng núi vội đứng phắt lại, thở dốc. Hình thú rừng rú thình lình xuất hiện ngay giữa khung cửa trông ra cầu thang, lông lá xồm xoàm to lớn khác thường. Một con hổ xám thọt chân ngồi chống hai chân trước, không nhúc nhích, cặp mắt đỏ lừ nhìn chàng tướng núi chòng chọc trong cái thế mãnh thú rình mồi. Chàng tướng núi vùng đưa mắt nhìn quanh mình. Không một tấc sắt phòng thân. Vận hết gân cốt, chàng từ từ nắm chặt hai bàn tay lại, nhưng bàn tay chưa nắm đã buông rời, vì sứcc lực chưa hồi phục sau cơn bệnh trọng.
Không biết làm sao hơn, chàng dành đứng im, trừng nhìn hổ xám, khắc khoải đợi chờ một nhát quật đuôi. Nhưng con vật vẫn ngồi chồm chổm ngó chàng, và chẳng hiểu sao, đầu gật gật luôn mấy cái. Giữ lúc đó, chợt có tiếng vó ngựa từ ngoài phóng tới bên nhà, rồi có tiếng chân bước lên cầu thang liền với giọng nói quen thuộc trong trẻo :
– Quái! Nghiệt súc đâu rồi?
– Có lẽ nó chạy đâu đây?
Rồi bóng người xuất hiện ngay sau lưng hổ xám, tiếp theo tiếng cười khanh khách hồn nhiên của đóa hoa rừng xinh đẹp :
– Nghiệt súc! Mi ngồi đây định vồ khách quý của ta sao? Đại Sơn Vương! Ông thấy trong mình thế nào?
Chàng tướng núi thở phào, nhếnh miệng cười… hơi sửng sốt vì sự xuất hiện bất thần. Trước mắt chàng, Nữ Chúa Voòng Chí Plan đang nhẹ xoa đầu hổ xám, bên cạnh là thủ túc Voòng :
– Thầy… đã đỡ mệt chưa?
– Nghiệt súc! Hãy xuống mau! Phận sự mi phải trấn dưới cầu thang không cho kẻ lạ lên đây làm rộn, sao dám lên đây?
Chí Plan nhẹ vỗ vào đầu hổ, cho con vật trở xuống, đoạn cười bảo Đại Sơn Vương :
– Nó gật đầu có ý mới ông vào giường nghỉ đó. Tuy không nói được, nhưng nó linh cảm được tiếng người.
Hai người bước đến bên Đại Sơn Vương, dìu chàng ngồi xuống ghế. Chí Plan tha thướt trong bộ xiêm y miền núi. “Phá” lĩnh dài quét sàn, mặt tươi như hoa nở bên suối, miệng luôn mỉm cười, trong dáng dấp, y phục rực rỡ của thiếu nữ của dòng vua sơn cước, thoạt nhìn không ai lường tượng nổi là một cô gái bản lĩnh khác thường, từng xông pha giữa chốn ba quân với tất cả cái gan dạ, nhanh nhẹn cả quyết sắc đanh của một nữ tướng biên thùy.
– Ông còn mệt, chưa nên đi lại cử động nhiều. Chịu khó uống mấy thang thuốc nữa cho lại sức đã!
– Đêm đó, bệnh bạo phát, thầy mê đi không còn biết gì nữa, làm ai cũng lo lắng quá. May đưa thầy về Hoàng Su Phì không gặp cản trở gì, nếu không, có lẽ…
– Ông mê man đã gần hai ngày đêm. Thầy mo thấy ông sảng trí, phải cho ông uống thuốc lá mới ngủ yên được. Thầy Mo này giỏi thuốc lắm, là thầy chữa riêng cho gia tộc chúng tôi đó! Ông nên vào giường nằm tĩnh dưỡng! A Voòng! Chú sắc thang này cho thầy dùng ngay đi.
– Dạ. Để tôi đi ngay.
– Không… tôi thấy tinh thần đã khá lắm. Chỉ còn mệt, tay còn run run thôi. Để ngồi cho quen đi! Thật cảm ơn cô… không biết lấy gì đền đáp nổi…
Chàng ngậm ngùi :
– Vì tôi mà bao nhiêu bạn phải gian nan, táng mệnh. Cô nương!
Thế Khách Giang Hồ cùng…
– À! Mọi người vẫn mạnh cả. Quân mã đóng ngoài biên, còn Khách Giang Hồ, cùng Nguyệt Tú cô nương hiện cũng ở đây ngoài bản!
Ngoài xa, tiếng cồng lại nổi lên, vang âm giữa vùng rừng núi thâm u, tiếp đến tiếng reo hò dậy đất. Đại Sơn Vương đưa mắt nhìn Nữ Chúa H mông như thầm hỏi. Cô gái quí tộc H mông mỉm cười :
– Quân bản địa đang dự hội đó. Hội mở từ hôm qua rồi. Vì đường đi hiểm trở, nên khách thương xa đến chưa đủ mặt. Vì đã tới ngày nên phải mở hội cho người bản địa các miền từ trước vậy.
Chợt nhớ ra, Nữ Chúa H mông thân mật :
– Thúc phụ tôi có tới thăm ông ngay khi quân mã Khách Giang Hồ đưa ông tới Hoàng Su Phì này. Chính thúc phụ tôi đã truyền đưa ông tới căn nhà hơi xa khuất này để phục thuốc, cho tĩnh mịch, đỡ hẳn những tiếng ồn àa ngày mở hội. Người có dặn chờ lúc nào ông khỏe hẳn, sẽ cho cận tướng đón ông vào hội kiến. Người rất tiếc… Ông thình lình lâm bệnh, nên những nghi lễ liếp rước phải bỏ cả, e làm khách thêm mệt mỏi.
Đại Sơn Vương nghiêng đầu, từ tốn :
– Xin cô nương cho tôi gửi lời kính chúc Voòng Chúa, và xin ghi tạc lượng rộng của người. Mong người thứ cho tôi đem thân bệnh tới quí đia, và cô nương nhớ nói giùm kẻ tầm thường miền Thập Vạn Đại Sơn này rất nóng lòng được vào yết kiến Chúa Tể Hoàng Su Phì để nghe lời dạy bảo.
– Dạ. Tôi xin chuyển lời ngaỵ Nhưng giờ ông hãy chịu khó tĩnh dưỡng cho lại sức… Tôi có việc phải về bản đô ngaỵ Chú Voòng hãy ở luôn bên săn sóc thầy, lát nữa sẽ có thầy Mo tới.
– Dạ.
Voòng Chí Plan nghiêng mình chào Đại Sơn Vương, rồi thoăn thoắt bước ra. Đại Sơn Vương chợt khẽ gọi :
– Cô nương!… Chà! Đẹp quá!
Và cặp mắt sáng hẳn lên, tâm hồn phóng khoáng mấy hôm khép chặt vì ngọa bệnh, vụt mở toang ra trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ của miền đất biên cương cheo leo lên đỉnh núi. Rạo rực, chàng tướng núi liền bước sang khung cửa sổ phía Đông Nam. Xa xa ẩn sau rừng lá, dựa lưng vào rừng, những rặng đồi tươi, thấp thoáng nhiều mái tranh nằm như bát úp, tuy đứng xa, vẫn lượng được cả sức rộng lớn uy nghi của mấy dãy trung tâm. Nhiều đường từ các ngả đổ tới, trên đường có nhiều bóng người di dộng, xa trông như những hình bóng đất nặn nhỏ bé trên ngọn dã sơn.Tù nẻo đó, chợt tiếng cồng nổi lên dồn dập, rồi đến tiếng âm đồng văng vẳng trong gió chiều, tiếng kèn Tây, trống Tây trang trọng nhịp nhàng hình như đang nổi khúc quân hành… Rồi… từng tràng súng nổ rền, vang âm khắp một vùng đồi núi đá, đã nghe cồng nổi vang động khắp rừng, tiếng hò dậy đất. Viên Tướng Thập Vạn Đại Sơn mắt long lanh nhìn về phía đang vang động thanh âm, vành môi mím lại, vẻ bâng khuâng chợt biến hằn, giữa vùng cảm xúc đột khởi thất thường.
– A Voòng!
Đang lúi húi sắc thuốc bên bếp lửa, người thủ túc nghe chủ gọi vội quay lại.
– Bẩm… thầy truyền?
Vẫn hướng về phía trước, tướng lạc thảo khẽ bảo :
– Thay y phục! Sửa soạn ngựa mau lên!
Tưởng mình nghe lầm, Voòng Lầu tiến ra đứng sau chủ tướng, khẽ hỏi lại :
– Bẩm… thầy truyền?
– Sửa soạn ngựa và thay y phục chỉnh tề! Mau lên!
Không nén được kinh ngạc vì lời truyền quá đột ngột của chủ tướng, Voòng bật kêu lên :
– Thắng ngựa sao? Kìa! Thầy đã mạnh đâu mà…
Người thủ hạ vội ngừng bặt vì chủ tướng thình lình quay phắt lại, cặp mày, nét mắt sắc hơi nhíu lại, giọng hơi xẵng :
– Ta đã khỏi rồi! Mau sửa soạn theo ta có việc!
Nói xong, vẫn thấy cắp mắt thủ hạ mở to kinh ngạc, Đại Sơn Vương dịu giọng trỏ về phía xa :
– Voòng có nghe thấy gì không?
Không để thủ hạ kịp lên tiếng, chàng tướng giặc tiếp luôn :
– Hoàng Su Phì đang nghênh đón thượng khách? Hừ! Trong khi ta nằm bệnh tại có rừng này! Đến im lìm không ai biết, mai đây ra mắt… im lìm, giữa đám giặc cỏ biên thùy cùng những quan tướng Tây, Tàu ngạo mạn tới, không kèn trống, lén lút gặp vua H mông… Còn uy thế của Thập Vạn Đại Sơn Voòng của thầy trò ta! A Voòng! Mau lấy ngựa, sửa soạn các thứ theo ta!
Người thủ hạ hiểu ý chủ tướng lo lắng, vẫn đứng nguyên lưỡng lự suy nghĩ, mấy khắc, chợt tính kế trì hoãn :
– Bẩm… thế thầy hãy dùng nốt thang thuốc kia cho mạnh hẳn đã rồi hãy đi!
Đại Sơn Vương quay nhìn thủ hạ nói như quát :
– Lấy ngựa đây! Đă bảo ta khỏi rồi! Khỏi rồi!
Vừa nói lớn, viên tướng núi đã thở dồn, mồ hôi toát ra đầm đìa, tay run run vịn vào thành cột. Thấy chủ tướng vùng nổi giận, và đã thuộc nhẵn tính chủ, Voòng thủ túc đành vâng dạ rối rít, đi lấy y phục cho chủ thay, đoạn xuống dưới cầu thang thắng ngựa luôn.
Thoáng cái, hai thầy trò đã gọn gẽ trong bộ quần áo chàm xanh đậm, đầu chít khăn chữ “nhân”. Chân đi giày vải, đeo súng, giắt dao rừng, xuống thang. Voòng Lầu không quên đem theo sắc vật dụng thân thiết, theo thói quen “vật bất ly thân” của các tay giang hồ ngang dọc.
Xuống dưới thang, đã thấy đám người H mông phục kích từ nhà ngang lên, đứng nhìn tỏ vẻ ngạc nhiên và hổ xám phục sẵn nhìn chòng chọc, Voòng Lầu phải nói qua loa cho yên lòng họ, đoạn hai thầy trò lập tức nhảy lên lưng ngựa.
Thấy chủ tướng phải để chân vào bàn đạp trèo lên, Voòng Lầu lo lắng khẽ hỏi :
– Thầy có mệt lắm không – Không sao! Ta tỉnh táo lắm! Có lẽ nhờ thuốc hay? Vận động càng chóng lại sức!
Ngựa đi nước kiệu băm, xuống đồi. Đi được một quãng, chợt nghe có tiếng chân bước ngay sau lưng, hai thầy trò ngoảnh lại nhìn, mới hay con hùm xám thọt chân đang tập tễnh chạy vọt theo không rời nửa bước.
– Đuổi nó về đi!
– Nó được lệnh bảo vệ thầy, nên không dám rời đâu. Cho nó theo vậy thầy!
Hai thầy trò vượt khỏi một thung hẹp, cứ theo hướng kèn trống bập bùng phóng đi. Chỉ một hai phút sau, con đường rnòn đã chạy vào giữa khu có nhà cửa san sát khắp núi đồi, càng vào càng có vẻ sầm uất. Tiến ngựa lên một ngọn đồi thưa, đã trông thấy phía trước cờ xí rợp trời, người ngựa lố nhố đông như kiến, quần áo đủ màu sắc rực rỡ trong nắng chiều. Dưới đường, dân H mông, đứng chật ních một khu, mắt nhìn cả vào con đường chính dẫn tới đại sảnh. Hai bên đường quân H mông mặc đồng phục, dàn thành hai hàng dài kẹp lấy lối đi.
Giữa lối, có một toán nhân mã chừng trung đội đeo súng hộ tống mấy lên quan Tây, cạnh có mấy quan Ta tuy cỡi ngựa nhưng có mấy người mặc áo gấm, khăn xếp, ngực đeo bài ngà trịnh trọng. Mở đường có toán quân H mông cưỡi ngựa, phía sau là mấy con ngựa thồ trên lưng mấy chiếc rương lớn. Hai bên đường, đội lính kèn, cùng đội nhạc H mông thay nhau hòa tấu nhịp nhàng. Chợt Voòng Lầu định thần nhìn, trỏ xuống phía dưới, khẽ giật giọng :
– Thầy kìa, ai như bóng cô nương…
Đại Sơn Vương vội đưa viễn kín lên mắt và thốt giật mình, bồi hồi xúc động bất ngờ, run giọng. Vừa định thốt lời, chợt chàng buông thõng cánh tay cầm viễn kính, mắt vẫn trừng nhìn xuống chỗ quan binh, thở như nghẹn họng, mặt biến sắc khác thường. Voòng Lầu lấy làm lạ, vội đỡ lấy ống nhòm trong tay chủ tướng, chĩa xuống và thốt nhiên cũng buông viễn kính, kín đáo ngó sang chủ.
Dưới đồi, ngay bên cạnh ngựa Phượng Kiều, có một gã trẻ tuổi vận âu phục sang trọng, khổ người cao lớn béo tốt, kề ngựa sát người đẹp ra chiều thân mật “khác thường”. Và phía trên chút, sau mấy tên quan Tây, là một người đàn ông đứng tuổi, râu cá chốt, đeo bài ngớt, sánh bước bên cạnh Trần Tắc oan gia!
– Trần Tắc! Chỗ nào cũng hắn! Đang trị nhậm mạn Cao Bằng, sao hắn lại tới mãi miền Hà Giang này?
– Hôm qua thầy mệt, tôi có gặp Voòng Sềnh cùng một vài quan chức xứ H mông, được biết hình như hắn được Chính phủ Bảo Hộ Đông Dương mới trao thêm chức tri phủ miền biên giới và hình như…
Đang nói, người thủ túc chợt ngừng lại. Đại Sơn Vương thấy khác ý, hơi nhíu mày lại.
– A Voòng! Sao nữa?
– Bẩm…
Voòng thủ túc, mấy lần định nói, vẫn lưỡng lự, mãi mới hạ giọng, nói như chỉ để mình nghe :
– Hình như hắn sắp thông gia cùng viên quần phủ Hà Giang…
Chàng tướng Thập Vạn Đại Sơn như bị điện giật, quắc mắt dữ dội, vươn tay nắm lấy bả vai người thủ túc giật giọng :
– Sao? Hắn thông giả Nói rõ cho ta nghe! Sao?
Người thủ hạ đứng tuổi thấy mắt chủ tướng như bốc hỏa, giọng run hẳn lên, biết mũi tên đã bắn ra không thể thu về được liền chậm chậm đưa tay lên nắm lấy cổ tay chủ tướng, như muốn truyền sang chủ cả nỗi niềm ái ngại sâu xạ Mấy khắc sau, mới khẽ thở dài, giọng càng chìm hẳn đi :
– Người con trai tuần phủ Hà Giang vừa ở Tây về. Cha con hắn rất nhiều thủ đoạn, là chỗ chân tình với Trần Tắc. Tên đó có quen Phượng Kiều khi du học bên Tây.
Chàng tướng núi mín chặt vành môi, mãi mới thở một hơi dài, buông vai thủ hạ, nhìn xuống dưới đường, không nhúc nhích. Đám văn quan võ tướng Tây, Ta đã đi qua cổng chào, tiến tới gần đại sảnh.
Bất thần, Đại Sơn Vương hét lên :
– Xuống đồi cùng la!
Voòng Lầu chưa kịp động tay cương, thì Đại Sơn Vương đã giơ tay làm hiệu ngừng lại. Và ngay lúc đó, chợt có một đoàn kỵ sĩ H mông từ phía xa phi ngựa tới hàng rào quân lính, hô lớn :
– Hãy đứng nguyên chỗ! Các sơn vương quí khách từ đất Tàu đã tới!
Hô xong, đoàn ky sĩ lại phóng ngược lại, thoáng cái, đã dẫn một toán người ngựa nữa đến, chạy như bay tới gần đám đông mới hạ nước phóng, cho ngựa bước một. Thoạt nhìn tốp quân sau, thấy vẻ ngang tàng, dữ tợn quen thuộc của những đám thổ phỉ giết người như ngoé.
Có đến năm bảy tốp, mỗi tốp chừng bảy tám tên, cứ một viên tướng lại có mấy thủ hạ vừa đầu lĩnh, vừa vệ binh, súng gươm tua tủa, đặc biệt là lên nào cũng kè kè “pạc hoọc” bên mình, ngoài một vài món khí giới khác. Vừa nhác thấy viên tướng râu xồm, mắt diều hâu đi đầu, cựu tướng Bắc Hải đã bật lên khẽ :
– Giặc Thoòng! A thầy!
Đại Sơn Vương đỡ lấy ống nhòm, chiếu xem và gật đầu, mép hơi nhếch cười :
– Chà! Ra thằng Thoòng Mềnh này ngày nọ đã thoát tay quan binh Cao Bằng! Khá lắm!
Dưới kia, “Pạc Hoọc Đại Vương” ngồi lắc lư trên lưng ngựa ô, mắt diều hâu nhìn thẳng về phía trước, thỉnh thoảng giơ bàn tay lông lá vuốt bộ râu quai nón xồm xoàm, nhếch miệng cười rúm ró vì vết sẹo mới dài nhếch mép hằn lên, trắng bóng trên nước da đen sạm, trông càng thêm dữ dội. Tới giữa hàng lính dàn chào, cồng nổi đổ hồi vừa dứt, quân H mông bắn chỉ thiên vang rền, quân thổ phỉ cũng rút súng bắn lộp độp, đáp lại. Thoòng Mềnh qua ngang chỗ Đại Sơn Vương, cách cổng chào chừng mấy chục thước, Pạc Hoọc Đại Vương chợt rút cặp pạc hoọc tung lên trước đầu ngựa, và thúc ngựa chồm lên theo, tới tầm súng rơi, ngựa cất hẳn hai chán trước lên, vừa lúc tay Thoòng với lên bắt súng, và quàng lấy cổ ngựa, nã chéo lên mấy phát. Liền mấy cánh hoa rừng rụng xuống, giữa lúc ngựa khuỵu chân trước, giúi hẳn Thoòng xuống sát đất, như muốn hất tung qua đầu ngựa.
Nhưng mấy phát lại nổ rền, mấy đóa hoa tan tác rơi tả xuống đường đi, nhìn ra, tướng thổ phỉ đã ngồi ngay trên yên ngựa, tung súng lên, bắt cắm vào bao. Tiếng reo hò nổi dậy một vùng.
– Chà! Mới cách đó ít ngày mà thằng Thoòng bắn đã tiến bộ lắm!
Chắc nó muốn lấy lại tiếng vua Pạc Hoọc biên thùy đây!
Đại Sơn Vương vừa bật lời khen, chợt ngừng ngay, trỏ tay xuống, hỏi thủ hạ :
– Voòng có biết tên thổ phỉ kia không? Hình như nó là Lừng Đại Vương thì phải?
– À! Thằng Lừng đó, thầy. Nó chính là vua thòng lọng, trước đã làm đốc bàn miền Quảng Tây đó! Hay đi hái hoa trộm lắm, can án sát phu hiếp phụ nhiều, sợ Trần Tế Đường giết, nó đưa quân bản bộ vào núi làm giặc cỏ. Nó lợi hại lắm, đã hạ nhiều tay giặc dữ, nhờ sợi dây có quả gai sắt kia, quả sắt tẩm thuốc độc, thường có thể dùng như trùy dây, khi cần nó tung trói địch nhanh như cắt. Hồi ở Bắc Hải, chính tôi đã có lần bị nó quấn trúng cổ tay, nhờ sức ghìm được nếu không đã bị nguy về tay nó.
Sau tốp Lừng Đại Vương, tới một gã khác hẳn, từ y phục tới vẻ người. Tướng xạ phang này cưỡi một con ngựa khoang, dáng gầy trong chiếc áo hường xám lùng thùng, dài thượt, mặt choắt cheo, môi thâm, da xanh mướt, trạc gần bốn mươi. Gã này không thấy đeo khí giới chi bên mình. Ngay sau lưng là một gã cận tướng cũng gầy xanh thồ một cái rương lớn.
– Ta nghe miền giáp Lào Cai có thằng giặc cỏ lừng danh hút hàng ngàn điếu thuốc phiện không say, có đến mấy chục vợ, nhưng chỉ để đấm bóp thay phiên tiêm thuốc phiện, phải thằng này chăng?
– Dạ. Lầm Đại Vương đó. Giết người cũng như ngóe, tới Hồng Kông ưa chơi Nhất Dạ Vương Tần Thủy Hoàng, Kiệt, Trụ. Xưa nó làm bộ tướng Long Vân. Nó còn có tính lạ thích được gọi là Lầm Sáng. Nó đến đâu vừa làm giặc vừa làm thổ quan, nhưng nếu ai gặp nó đến lần thứ hai mà lỡ gọi nó là Lầm Đại Vương hay Lầm Tu Quang là bị cắt tai xẻo mép. Nó đi đâu cũng có một hộp tai, mép, ướp chơi như vỏ sò!
Bọn lục lâm sợ nó như rắn độc, vì nó rất mưu trí, lại có tài phóng ám khí như chớp, vào lúc bất ngờ nhất.
Voòng Lầu đưa mắt nhìn chàng chủ tướng trẻ.
– Nó thích nhất ai gọi mình là Dưỡng Do Cợ Vì… nó bắn cung rất nhanh, trăm phát như một.
– Còn những lên kia?
– Bọn đó chắc ở phương xa, coi lạ mắt!
Đám thổ phỉ đã đến gần sảnh đường. Ngó phía sau, không còn bóng ngựa, Đại Sơn Vương liền phất tay, bảo thuộc hạ :
– Xuống đồi! Vào đại sảnh!
Voòng Lầu lập tức rút phăng trong túi ra một cây cờ hiệu nhỏ tế ngựa thẳng xuống đường. Đội quân H mông cùng dân bản địa đang chạy về nẻo sảnh đường, chợt thấy một người cưỡi ngựa như bay tới, vội đứng giạt ra hai bên. Cựu tướng Bắc Hải tay phất cờ lia lịa, miệng hô to như sấm động :
– Thập Vạn Đại Sơn Vương đã tới!
Tới gần cổng chào, Voòng liếc mắt nhìn lên, vừa may thấy một đàn chim bay ngang, liền rút súng bắn chỉ thiên luôn mấy phát, đoạn dừng phắt ngựa lại. Liền có mấy con chim rừng xoè cánh rơi xuống, quân dân H mông reo hò ầm ầm, bắn rền đồi núi, cồng khua, kèn thúc vang lừng, khiến đám giặc cỏ đều ngoái cổ lại nhìn, không rõ chuyện chi.
Đại Sơn Vương Thần Xạ bay ngựa lên giữa tiếng reo hò như thác chuyển.
– Đại Sơn Vương!
– Thần Xạ!
Lời reo chưa dứt, ngựa truy phong đã tới bên thềm. Thầy trò chàng tướng Thập Vạn Đại Sơn ngang tàng dừng phắt ngay giữa khung cửa, sau lưng vang động tiếng reo hò. Sảnh đường rộng mênh mông, đầy quan khách. Có quân cung thủ canh gác bốn bề, thêm từng hàng lính mang súng, dựa lưng vào vách đứng như tượng sắt.
Quan khách đã an tọa, chợt nghe tiếng reo hò náo nhiệt, liền nhìn cả ra ngoài, thảy đều hơi ngạc nhiên vì thấy hai người ngồi sững trên lưng ngựa, nhìn vào, sau lưng thoáng hình thù hùm xám. Đại Sơn Vương, Voòng Lầu xuống ngựa, ném cương cho mã phu chực sẵn bên thềm. Viên quan H mông coi nghi lễ vừa tiến ra, chưa kịp ngỏ lời, đã thấy Voòng Chí Plan rời hàng ghế cuối sảnh chạy ra.
– Kìa! Đại Sơn Vương!
– Cô nương.
– Ông còn mệt, vội gượng dậy làm gì, lỡ yếu thì khốn! Thúc phụ tôi nóng lòng muốn gặp ông lắm. Nhưng… Ông còn mệt mà…
– Không sao! Tôi thấy tỉnh táo lắm!
Chí Plan đưa chàng qua mấy dãy quan khách vào thẳng cuối sảnh, chỗ có hàng ghế tay ngai kê theo hình cung. Nhiều tiếng lào xào nổi lên. Quan khách cùng đưa mắt nhìn chàng. Từng đám một ghé tai nhau thì thầm bàn tán. Đại Sơn Vương vẫn điềm nhiên bước đều, mắt nhìn thẳng. Gian hàng ghế cánh cung phủ da hổ, chợt một người đứng tuổi, quắc thước đứng phắt lên, tiến đến trước Đại Sơn Vương. Chí Plan khẽ bảo.
– Thúc phụ tôi đó!
Chàng tướng trẻ Thập Vạn Đại Sơn liền nghiêng mình, từ tốn :
– Kẻ tầm thường miền Đại Sơn xin có lời chào chúa tướng Hoàng Su Phì, kính chúc ngài mạnh giỏi.
Chúa tể Su Phì cũng nghiêng mình mỉm cười, nắm lấy bàn tay Đại Sơn Vương khiêm tốn :
– Không ngờ miền biên cương hẻo lánh này lại được tiếp đón tướng quân tuấn kiệt Vân Nam. Bấy lâu, vẫn thường được nghe danh Thần Xạ dọc ngang lừng lẫy. Voòng Chí Sinh này vẫn hằng mong ước được diện kiến tướng quân. Mời tướng quân an tọa.
Vừa nói, vua H mông vừa đưa tay mời Đại Sơn Vương ngồi vào ghế, và vui vẻ giới thiệu chàng cùng hàng quan khách. Voòng Lầu nhất định từ chối ngồi, chỉ đứng hầu sau chủ tướng theo đúng lễ thầy trò. Con hùm xám thọt chân lúc phục dưới bàn Đại Sơn Vương, lúc sang chỗ Chí Lan, vua H mông, chòng chọc nhìn quan khách như dõi theo từng cử chỉ một.
Tình cờ, Đại Sơn Vương ngồi lọt ngay vào giữa Voòng Chí Plan, Nguyệt Tú, cùng phía tay hữu vua H mông với viên tướng Tây già, Khách Giang Hồ… đối diện chênh chếch với Phượng Kiều. Cạnh Phượng Kiều là người con trai tuần phủ Hà Giang, ăn mặt rất bảnh bao, ngồi cùng dãy với cha, viên đại tá Tây, Trần Tắc, thanh tra mật thám Mai Trung cùng một số viên chức Tây, Kinh, H mông nữa. Còn đám tướng thổ phỉ Thoòng, Lầm, Lừng… ngồi xen lẫn với mấy người con trai vua H mông. Người con trai tuần phủ luôn luôn ghé sát vào Phượng Kiều chuyện trò to nhỏ, và Phượng Kiều cũng cười nói vui vẻ như không hề biết Đại Sơn Vương tại đây. Thái độ của Phượng Kiều khiến Chí Plan, Nguyệt Tú không khỏi kinh ngạc, luôn đưa mắt kín đáo nhìn Đại Sơn Vương. Chàng tướng núi cứ điềm nhiên nói chuyện, không ai rõ được cảm xúc trong lòng chàng ra sao. Riêng Khách Giang Hồ thỉnh thoảng mỉm cười bâng quơ, mỗi khi thấy mặt Trần Tắc sáng lên đầy đắc chí lúc nhìn thấy con gái cười nói vui vẻ với Robert Lợi, con trai tuần phủ.
Bên ngoài, hoàng hôn đã đổ xuống núi rừng, vùng sảnh đường lên đèn sáng rực như ban ngày. Nhã nhạc nổ vang lừng, dạ yến bày lên.
Vua H mông, Voòng Chí Sinh đứng lên, ngỏ lời cảm tạ quan khách và mời vào tiệc. Quan khách cũng đứng lên, lần lượt chúc tướng vua H mông. Rồi… các hàng quan khách, văn quan võ tướng Tây, Tàu, Kinh, các thủ lĩnh đảng phái, cùng các tướng lạc thảo ngang tàng sống ngoài vòng pháp luật, mấy phe thù nghịch cùng vua H mông nâng chén “Tam hòa”, bắt đầu vào dự tiệc biên thùy giữa tiếng nhã nhạc tưng bừng, trầm bổng… Mấy phe thù nghịch ngoài mặt vẫn cười cười nói nói, nhưng đều chứa cơ mưu, dạ tiệc chẳng khác một mặt biển sóng ngầm cuồn cuộn.
Giữa đám văn quan võ tướng nhà nước cùng đám lục lâm tứ chiếng suốt mấy dải biên thùy đổ lại, với những cánh quân bản bộ đóng sẵn ngoài bìa xứ H mông, chàng tướng lạc thảo Thập Vạn Đại Sơn chỉ vỏn vẹn có hai thầy trò, trước hàng ngàn địch thủ lợi hại.
Nếu không phải H mông Chúa Voòng Chí Sinh làm chủ đất, và mới thêm bạn mới Voòng Chí Plan, Chí Pliên, Khách Giang Hồ, Nguyệt Tú, thầy trò có thể tưởng đang hội ẩm Hồng Môn, hay Vân Trường đơn gia phó hội Giang Đông! Nhất là chàng đang yếu, mắt hoa, thân mỏi, tay còn run run, làm ly rượu sóng sánh muốn tràn.
– Đang yếu?
Ý nghĩ chua chát chợt dâng trong tâm tưởng. Đại Sơn Vương đưa mắt nhìn sang Phượng Kiều, thấy nàng vẫn vui vẻ truyện trò với Robert Lợi, chàng tướng núi liền nhếch miệng cười khan, ngửa cổ uống cạn ly rượu cay sè.
Tiệc tan, đến tuần rượu cần nhảy múa, quan khách vừa đứng lên, Voòng Chí Plan liền chạy đến trước Phượng Kiều khẽ trách :
– Cô nương! Sao lại… thế?
Vẫn tươi cười, Phượng Kiều đưa cao mày :
– Cô nương dạy sao? Tôi đã thất thố điều chi nhỉ?
Thấy thái độ Phượng Kiều khác hẳn, Chí Plan ngạc nhiên, im lặng mấy giây, thấp giọng :
– Cô nương làm như không biết gì tới Đại Sơn Vương! Hai người đã…
Thiếu nữ H mông ngưng nói, vì Robert Lợi đã tấn tới. Nhưng…
Phượng Kiều chợt cười khanh khách :
– À… Vâng, tôi đã tưởng yêu được chàng mãi. Nhưng xét ra, không còn gì nữa. Xin… cô nương hãy săn sóc cho chàng!
Dứt lời, nàng quay nhìn Robert Lợi cười vang. Trước lời nói, tiếng cười quái gở của người bạn mới hai ba hôm trước còn xả thân lăn vào tên đạn, sống thác với tình, cô gái miền núi mở to mắt kinh ngạc vô cùng :
– Kìa… cô nương.
Robert Lợi cười đắc chí, định góp vào mấy tiếng thì Phượng Kiều đã nghiêng mình lễ phép :
– Khi khác sẽ hầu chuyện cô nương, giờ xin mạn phép!
Nói xong, cùng Robert Lợi tiến về phía văn quan võ tướng nhà nước. Thiếu nữ H mông giận sôi lên, đứng sững ngó theo nghẹn họng :
– Hừ! Thay đổi chóng đến thế ư?
– Không sao! Cô nương! Chỉ phiền Đại Sơn Vương chưa khỏi hẳn thôi.
Chí Plan hơi giật mình ngoảnh lại. Khách Giang Hồ cùng Nguyệt Tú đứng sau lưng, cũng đang trông theo Phượng Kiều, Robert Lợi.
Nguyệt Tú hơi nhíu mày, trách anh :
– Đại Sơn Voòng chịu sao nổi chuyện này, mà anh lại bảo không sao? Nãy giờ anh có biết ông ấy uống bao nhiêu rượu không?
Khách Giang Hồ mỉm cười bí mật :
– Ai đếm mà biết được. Nhưng… mỗi ly rượu là một phát súng đó!
Chí Plan buột miệng :
– Mười lăm ly tất cả!
– Đúng! Nhưng… sao cô nương đếm kỹ thế?
Chí Plan đỏ bừng mặt, chớp hàng mi, như thẹn thùa chột dạ, còn đang lúng túng thì viên thủ lĩnh Cầu Mây đã nghiêm mặt, khẽ bảo :
– Cô nương mau gọi Voòng Sềnh nhớ theo sát đám tướng xạ phang cùng bọn Trần Tắc! Chúng đang mưu kế ngầm hại Đại Sơn Vương giữa lúc chàng còn mệt run tay súng đó!
– Tôi cũng đã nghĩ thế và đã căn dặn Voòng Sềnh.
– Nhưng… Còn Voòng Chúa? Chúng cũng không nể sao?
– Chúng sẽ tìm nhiều cách khiến Voòng Chúa, không thể phản đối được chứ!
– Như?
– Ám toán, thách dắu chiến ngay thẳng chẳng hạn…
– Vậy phải làm sao giữ chân được Đại Sơn Vương?
Mấy người đang bàn luận, chợt thấy Voòng Sềnh từ ngoài rảo bước vào.
– Bẩm… Voòng Chúa tôi muốn gặp rừng Khách Giang Hồ cùng Đại Sơn Vương! Chúa tôi hiện nằm đợi tại mật thất…
Khách Giang Hồ đưa mắt nhìn không thấy thầy trò Đại Sơn Vương đâu. Để ý trong đám quan khách đang say sưa nhảy múa với các sơn nữ, thấy vắng bóng Lầm, Lừng Đại Vương cùng Trần Tắc, tướng Tây… thủ lĩnh Cầu Mây hơi giật mình quay phắt lại thì Voòng Sềnh đã từ tốn :
– Quan khách mấy vị cũng vừa được mời sang “tạm nghỉ” nhà bên.
Dạ hội còn tiếp tục tới sáng.
Khách Giang Hồ theo Voòng Sềnh ra ngoài, còn Chí Plan, Nguyệt Tú hai nàng cùng dắt nhau lững thững vào đám đông… Thủ lĩnh Cầu Mây đưa mắt tìm kiếm Đại Sơn Vương ngoài nhà đại sảnh không thấy, hỏi vệ binh quanh đấy mới biết chàng đã ra ngoài suối. Hai người tới, quả nhiên thấy Đại Sơn Vương đang ngồi cúi đầu nhìn nước trôi, sau lưng có thủ túc Voòng Lầu cùng hùm thọt.
– Đại Sơn Vương! Bạn còn mệt, ngồi sương, e nhiễm độc khi núi về đêm! Ta vào thôi, Voòng Chúa đang chờ!
Viên tướng núi uể oải đứng lên, bước hơi lảo đảo vì say rượu, lặng lẽ theo mọi người, đi về phía sau căn nhà sảnh. Tới khu nhà lớn, đèn thắp sáng trưng, vệ binh lại canh phòng cẩn mật, mấy người nhìn lên thấy khu nhà kiến trúc rất lạ mắt, thoạt trông đã đoán ngay được chỗ ở của vua H mông. Khu dinh cơ chiếm cả một khoảng núi đồi rừng suối khá rộng, dựng theo thế liên thành.
Chính phủ nào cũng phải vuốt ve chiều chuộng vì từ thiên cổ người H mông ở miền đất thiên hiểm không kém Trùng Khánh (Ba Thhục), dân H mông xưa nay chỉ phục chúa H mông, hòa được chúa H mông là yên một cõi biên cương, nên các triều xưa vẫn chỉ mong dân H mông an phận tự trị núi cao, và Chính phủ Pháp ở Đông Dương cũng phải làm ngơ cho chính sách của chúa H mông.
Cận tướng Voòng Sềnh đưa ba người tiến tới cổng tiền, vượt lên cầu vòng hào dinh, qua vùng cây cỏ tốt tươi, đến thẳng căn nhà chính giữa. Một viên quan già y phục chỉnh tề bước ra cúi đầu chào, đưa mấy người vào phòng khách. Khung cảnh vụt trở nên âm u, huyền hoặc. Giữa vùng ánh sáng xanh mờ, le lói nhiều tia đỏ chập chờn biến hiện, mấy người đàn ông giang hồ có cảm giác như vừa vào một động phủ dệt bằng xà cừ vân sắc. Những cây cột khổng lồ đựng thẳng vút, các đồ vật quanh phòng rực lên những nét chạm trổ tinh vi, dưới những tia sáng xà cừ. Lại thêm, không gian mờ mờ như hương khói, từng bóng người câm nín rón rén qua lại như trôi lên mặt sàn, khiến khung cảnh càng thêm huyền hoặc. Liếc mắt nhìn lên vách, thấy nhiều gươm súng treo la liệt, mấy người liền lặng lặng tháo dây súng đặt trên mặt bàn. Viên quan già cung kính :
– Xin rước nhị quan khách vào trong này, chúa tôi đang đợi.
– Còn bạn Voòng Lầu đi cùng tôi sang bên này. Chúng ta cùng ngả lưng trong khi chờ đợi.
Đại Sơn Vương, Khách Giang Hồ tháo viên quan già vào thẳm sâu: qua mấy buồng nữa. Càng vào, ánh sáng càng mơ hồ, không khí phòng phết một thứ hương thơm kỳ dị, thoáng như tràm, lẫn hoa ngàn, quyện mùi thuốc phiện.
Dừng lại trước một gian phòng lớn, viên quan hầu già vừa đặt tay vào, đã thấy cánh cửa hé mở, rèm loa lay động rồi một khuôn mặt liền ló ra, vừa thấy hai chàng tướng núi, thiếu nữ đã cúi đầu chào cung kính :
– Xin mời nhị vị tướng quân…
Vừa nói, vừa mở rộng cửa ra, đứng nép một bên. Viên quan già cũng cáo lui, để hai chàng vào. Hai chàng tướng núi đưa mắt nhìn nhau, nhẹ bước qua rèm. Cánh cửa vừa khép lại phía sau, hai chàng vụt thấy mình bước vào một thế giới lạ lùng cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài: Thế giới riêng của Chúa H mông.
Hai chàng cùng chung một ý nghĩ, dừng lại mấy khắc, bỡ ngỡ ban đầu. Khí lạnh miền núi cao Hoàng Su Phì đã bị đẩy lui, hai chàng thấy ấm hẳn người lên, đưa mắt một vòng. Ánh sáng mờ mờ hư ảo chập chờn, vách căng da hổ vàng rực, khói thuốc phiện thơm sực cả phòng. Bốn ngọn đèn dầu lạc thắp bốn góc phòng, mỗi bên một ngọn đèn, một nàng sơn nữ đang nằm tiêm thuốc, nàng nào cũng đẹp hư ảo và lặng lẽ như ngọn đèn dầu. Chính giữa lại một ngọn đèn, Vua H mông nằm một bên, bên kia có một sơn nữ bồi thuốc. Từ phía đèn, dây chuyền vàng chạy xéo hình chữ X, tới trên ngọn chính giữa. Bốn cô nàng vẫn thoăn thoắt tiêm, cánh tay cầm dọc, đều có móc vàng đỡ cho khỏi mỏi, điếu thuốc vừa chín, tay dọc lập tức đẩy nhẹ một cái, dọc tẩu chạy trên dây vàng vừa tới giữa, đã có một cô túc trực bắt lấy, đặt nhẹ một đầu dọc vào miệng Chúa H mông. Gian phòng im lặng, đều đều nổi lên những tiếng vo vo đơn điệu, nhịp nhàng và tiếng dọc chạy trên dây chuyền kêu lách cách. Hết điệu, cô gái bồi thuốc lại đẩy tẩu trả về đèn cũ, bắt dọc khác, cứ thế, vua H mông nằm lim dim kéo hết điếu nọ tới điếu kia, không ngừng. Quanh mình lại còn mấy sơn nữ khác phục dịch việc vặt khác.
Cô gái hơi đưa mắt làm hiệu, mời vào. Hai chàng tướng núi tháo giày bên cửa, tiến vào. Các cô sơn nữ thấy khách, vẫn tiếp tục lăn thuốc trên nhĩ tẩu, chỉ hơi ngóc đầu lên chào. Hai chàng lặng lẽ đến thẳng bên bàn đèn. Ông vua thuốc phiện vẫn nhắm mắt kéo thuốc, trên mình đắp hờ một chiếc chăn gấm. Mấy cô gái hầu xúm lại mời ngồi, kẻ cởi áo ngoài, người tháo tất, pha trà, dâng rượu khai vị cùng hoa quả, lặng lẽ như những cái bóng. Hai chàng tướng núi chỉ còn biết đưa mắt nhìn nhau, nằm xuống một bên đèn, mặc các nàng săn sóc.
Thần Xạ Đại Sơn Vương tuy là tay giang hồ khét tiếng miền Hoa Nam, nhưng bản tính khác hẳn đám tướng lục lâm đương thời, thường sống giản dị, nên chưa hề từng trải lối ăn chơi xa hoa kiểu cách khác đời của các bực chúa tể rừng xanh. Thấy các cô nàng xúm lại săn sóc, chàng thấy ngượng ngập lúng túng, bứt rứt như mất hết tự do, nếu không có Khách Giang Hồ mấy lần đưa mắt làm hiệu, chàng đã gạt mấy nàng ra, không cho vuốt ve hầu hạ rồi. Thấy người bạn mới cứ điềm nhiên cho các nàng săn sóc, chàng cũng đành nằm im chịu trận, chợt thấy nhạt miệng, chàng liền hơi nhỏm dậy, vừa vỗ vào túi áo định tìm gói thuốc “sừng bò” thì một nàng tinh ý cầm bao thuốc Ăng Lê cung kính “dâng” trước mặt, rồi nàng khác đánh diêm thắp hầu.