Đọc truyện Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con – Chương 39: Việc trong nhà em làm chủ
Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 39: Việc trong nhà em làm chủ
Một câu nói này của mẹ dễ dàng khiến Đại Oa ưỡn ngực ngẩng cao đầu, đẩy lùi tính xấu ham ăn của Nhị Oa. Bốn con mắt mắt sáng lấp lánh ngập ý cười.
Tuy nhiên Chu Thanh Bách vẫn chia xương sườn vào chén cho bốn mẹ con, anh chỉ uống nước canh.
Cha không nỡ ăn mà nhường cho tụi mình đó, hai nhóc quỷ xúc động dạt dào.
Lâm Thanh Hoà:……Thật đúng là biết cách khiến người ta cảm động nha. Xương sườn hầm canh thì phần nước mới là tinh tuý đó anh hai!
Nhưng dù sao thì Lâm Thanh Hoà cũng ghi nhận thành ý của người ta, cô ngước mắt lên nhìn Chu Thanh Bách một cái đúng lúc bắt gặp anh cũng đang nhìn mình.
Lâm Thanh Hoà lúng túng dời mắt qua chỗ khác, cô giả vờ như không thèm để ý: “Mau ăn đi, ăn xong rồi lên giường đất nằm, hôm nay lạnh quá nhỉ.”
Ăn cơm xong, Chu Thanh Bách liền đứng dậy thu dọn chén đũa, Lâm Thanh Hoà thấy vậy thì đưa Tam Oa cho anh ôm, cô đón lấy chén đũa đem đi rửa.
Vẫn là câu nói đó, công việc không bao giờ thiếu, ngày rộng tháng dài tha hồ mà làm không phải gấp gáp trong chốc lát.
Nhưng Chu Thanh Bách thuộc phe hành động, bắt anh nằm cả ngày trên giường như người tàn phế anh chịu không nổi, ngủ trưa dậy là anh lập tức đi dọn dẹp khu hậu viện.
Xem ra anh không muốn nằm nghỉ, đã vậy thì thôi Lâm Thanh Hoà không tiện ngăn cản nữa.
Buổi chiều, bà Chu lại tới nữa, những gì cần phát tác sáng nay cô đã phát tác đủ rồi, không nên làm khó bà già mãi, vì thế cô liền nói: “Muốn con ở lại cũng được, nhưng nếu để con nghe được có người ở sau lưng nói này nói nọ dù chỉ nửa câu thôi là con lập tức thu dọn quần áo về nhà mẹ đẻ ngay đấy.”
Cả ngày hôm nay, bà Chu buồn phiền, ông Chu sa sút nhưng đương nhiên dù có thế nào thì ông bà đều không muốn Lâm Thanh Hoà ra đi. Đúng là lúc đầu ông hơi thất vọng nhưng sau khi nghe bạn già nói trên người con trai mang thương tích thì sự thương xót cùng lo lắng đã lấn át hết thảy. Ông vội vàng kêu bà Chu mang chút tiền qua nhà thằng tư.
Bà Chu chưa kịp lấy tiền ra đã nghe con dâu nói vậy, bà gấp gáp nói: “Cái này con cứ yên tâm, bây giờ các con đã phân gia thành một hộ độc lập, chuyện nhà các con tuyệt đối Chu gia không can thiệp, con muốn quản thế nào đó là chuyện của con, không ai được phép đánh giá!”
“Trên người cha Đại Oa có thương tích, nếu không dưỡng thương cho tốt sẽ rất dễ để lại di chứng. Con không muốn khi trẻ thì sống như goá phụ tới lúc già lại phải nấu thuốc hầu hạ anh ấy. Mẹ để ý xem nhà nào quanh thôn bán gà không, con muốn mua hai con.”
Vẫn là bộ mặt ai oán, Lâm Thanh Hoà nói tiếp: “Cũng không biết kiếp trước tạo tội tạo nghiệp gì mà kiếp này lại lấy phải một người đàn ông như thế này. Hầu con chưa xong lại tới hầu chồng, sao số tôi lại khổ thế hả trời!”
Những lời này toàn là những lời oán giận nhưng lại khiến tảng đá đè nặng trong lòng bà Chu cuối cùng cũng được rơi xuống.
Chỉ cần nguyện ý mua gà bồi dưỡng cho con trai bà là vui rồi, con dâu muốn oán giận thế nào cũng được.
Lâm Thanh Hoà: “Nhưng con không lấy gà của Chu gia đâu. Chị ba sắp sinh rồi, tới lúc đó lại nói nhà con ăn tranh gà ở cữ của chị ấy, con không thích.”
Bà Chu đúng thật có ý định này. Thời buổi này gà được nuôi theo hạn mức, cứ hai đầu người được nuôi một con gà. Già trẻ lớn bé Chu gia tổng cộng hơn mười bảy đầu người, cho nên chỉ có thể nuôi tám con gà.
Chu gia nuôi tám con gà mái chuyên để đẻ trứng. Đừng nhìn tám con mà nghĩ là nhiều, chả đủ ăn đâu, trứng gà thu được còn phải đem đi bán kiếm mấy hào mua muối linh tinh, thế nên người Chu gia rất hiếm khi được ăn trứng gà.
Con dâu đã nói vậy rồi, bà cũng đành gạt ý định ban đầu. Với nhân duyên của bà Chu ở thôn này thì kiếm mua hai con gà là chuyện dễ như trở bàn tay, rất nhanh bà đã trói hai con gà mái già xách về cho Lâm Thanh Hoà.
Lâm Thanh Hoà thản nhiên nhận gà, không trả một xu mà tuyệt nhiên bà Chu không nói một lời. Khổ lắm cô nào đâu muốn vậy nhưng phải cố tình ra vẻ hùng hổ không thôi bà Chu lại nghi ngờ nọ kia mệt lắm.
Bà biết hai con gà này sẽ vào bụng con trai và cháu nội, con dâu muốn ăn cũng chẳng ăn được bao nhiêu nên bà nhịn.
Bà âm thầm rút một xấp toàn tờ mười đồng mới tinh, tổng cộng hai trăm đồng từ trong túi ra đưa cho Lâm Thanh Hoà.
Lâm Thanh Hoà sửng sốt: “Mẹ làm gì vậy?”
“Đây là tiền trợ cấp trước đây thằng tư gửi về cha mẹ cất lên, sau khi dựng hai gian phòng ở cho anh cả và anh hai thì còn dư lại từng này. Giờ con cầm lấy giữ lên cho đám Đại Oa, sau này chúng trưởng thành ắt phải dùng tới.”
Bà Chu mặc dù luyến tiếc nhưng rất dứt khoát đưa hai trăm đồng cho Lâm Thanh Hoà.
Nhớ lại lúc nhà thằng tư phân gia, ba thằng con trai lớn có ý kiến này kia hai ông bà già phải lấy tiền của Chu Thanh Bách dựng cho mỗi đứa một phòng riêng thì mới xong chuyện.
Lúc ấy ngói tương đối rẻ, một mét vuông có giá bốn tới năm đồng, ba phòng đơn không lớn lắm, nhà Lâm Thanh Hoà hai phòng diện tích khoảng năm mươi mét vuông, nhân công thì là ông Chu kêu gọi anh em Chu gia lại đây giúp đỡ cho nên không mất tiền công.
Bây giờ giá cả gấp đôi, một mét vuông phải mười đồng, muốn dựng một căn nhà ngói thì trong tay phải có một khoản từ một ngàn tới hai ngàn đồng.
Khi ấy dùng tiền của Chu Thanh Bách xây phòng cho ba anh trai nên mới bịt miệng được chúng nó. Hiện tại còn dư lại từng này, hai ông bà già tính để dành tới lúc chết mới lấy ra mua quan tài.
Những cái khác Lâm Thanh Hoà có thể mặt dày mà nhận chứ hai trăm đồng này thì không được.
Lâm Thanh Hoà: “Tiền đã đưa cho hai ông bà thì hai ông bà cứ giữ lại đi. Nếu để cha Đại Oa biết được lại mắng con một trận cho mà xem.”
Bà Chu: “Chỗ tiền này vốn dĩ là do thằng tư kiếm về. Cha mẹ năm đó chỉ giữ giùm nó thôi, bây giờ nó về rồi tất nhiên phải trả lại cho nó chứ, ai dám nói gì. Hai con gà cũng là dùng tiền này để mua đó.”
Lâm Thanh Hoà không muốn cầm, nhưng bà Chu cứ ép cho bằng được, cô do dự một lúc rồi nhận lấy: “Con sẽ không mang về nhà mẹ đẻ đâu, tiền này để lo chi tiêu trong gia đình.”
Bà Chu vô cùng hài lòng vì con dâu thức thời, vốn định nói thêm vài câu đừng tiêu xài hoang phí, sống tiết kiệm này nọ nhưng lại thôi, nói ra chắc gì nó đã nghe mà lại còn làm đôi bên mất vui.
Sau này nếu mấy người con dâu khác có hỏi thì bà sẽ nói vợ thằng tư tự ra tiền mua gà. Việc bà đi trong thôn hỏi mua gà tất nhiên sớm muộn ai cũng biết, cứ nói vậy sẽ không có phiền phức.
Con dâu cả với con dâu ba sau khi nghe tin thì nhẹ nhàng thở phào một hơi, thầm cảm thấy may mắn. Hai người đang mang thai, chị ba Chu dự sinh tháng sau, chị cả Chu thì tháng ba năm sau, ai cũng có lòng riêng muốn giữ lại gà. Sau khi sinh mẹ chồng chỉ có thể cho mỗi người một con gà bồi dưỡng, nếu hôm nay bắt gà cho chú tư thì e rằng tới lúc ở cữ họ chỉ được ăn trứng gà thôi.
Ngược lại chị hai Chu bĩu môi, trong lòng thầm mắng không biết lão bà này trợ cấp cho thím tư bao nhiêu tiền đâu, còn giả vờ giả vịt! Bất quá có cho tiền thì cô ta cũng chẳng dám nói ra. Trong nhà này mẹ chồng chỉ chịu nhịn mỗi vợ chú tư thôi, đối với các nàng dâu khác bà Chu chính là một bà mẹ chồng lợi hại, ai dại mà đi khiêu chiến quyền uy của bà.
Sau khi bà Chu về, việc đầu tiên Lâm Thanh Hoà làm là đi ra hậu viện đem chuyện này nói lại với Chu Thanh Bách.
“Tôi không có ý định nhận tiền của mẹ nhưng bà nhất quyết bắt tôi phải cầm. Nếu không nhận sợ bà lại suy nghĩ lung tung. Ngày tháng còn dài, sau này còn nhiều cơ hội trả lại cho ông bà, nên hôm nay tôi cứ nhận lấy trước.”
Chu Thanh Bách đang dựng lều gà, nghe vậy liền hướng Lâm Thanh Hoà nói: “Mọi việc trong nhà em làm chủ.”