Bạn đang đọc Thành phố trong mơ – Chương 11 phần 2
Vì chúng tôi đến nơi bằng một cách thức thần kỳ nên nhân viên phục vụ của quán đã nghênh đón ở cửa từ rất lâu. Họ nhìn Vương Siêu như nhìn thượng đế. Còn một bàn khách đang dùng bữa dưới ánh đèn chao đảo. Bà chủ quán đi một vòng quanh chiếc Santana, rồi trở lại đón tiếp chúng tôi.
Vương Siêu không quên lôi trong xe ra một con gà. Nét mặt người phục vụ tỏ ra khó chịu, chỉ cho Vương Siêu hàng chữ trên cửa quán: Không được tự mang bia rượu đồ uống. Không để cho Vương Siêu kịp lên tiếng, đại ca Kiện đã thể hiện tài ăn nói của mình, trách: “Không thấy đây là gà à, đồ uống của quán các anh hình dáng như thế này ấy hả.”
Bà chủ quán lịch sự mời Vương Siêu vào trong quán, có người mời một điếu thuốc và đưa thực đơn đến.
Vương Siêu liếc mấy cái rồi nói: “Ba cốc nước lọc.”
Bà chủ quán cười đon đả: “Nước lọc ở tiệm chúng tôi miễn phí.”
Vương Siêu nói: “Thế à, tốt, ột suất cải xanh xào.”
Bà chủ quán nói: “À, quán chúng tôi đang có hoạt động, chỉ cần ăn cơm ở quán, dù tiền ăn nhiều ít thế nào cũng đều tặng miễn phí một suất cải xanh xào.”
Vương Siêu bảo: “Hay quá, cho tôi ba bát cơm, mỗi người một bát. Rồi chị xem con gà này có thể giúp chúng tôi chế biến được không?”
Bà chủ quán ra mặt khó chịu.
Vương Siêu nói: “Không sao, chúng tôi có thể trả tiền công chế biến.”
Bà chủ quán vội xua tay nói không có ý như thế.
Vương Siêu hỏi: “Thế là có ý gì?”
Bà chủ quán đáp: “Chủ yếu là vì đầu bếp ở chỗ chúng tôi đang vội về, sợ là chế biến gấp quá vị sẽ không ngon, không thể làm cho ba vị hài lòng được.”
Lúc này, đại ca Kiện xen vào một câu: “Đại ca Siêu, cái thằng ôn lần trước bị em chém nói muốn tìm em tính sổ, anh xem làm thế nào, có cần hẹn nó không?”
Vương Siêu hiểu ý đáp: “Thôi, cậu lần trước tuy chém hai mấy thằng nhưng cũng bị dính đòn rồi, cũng nên để thằng đệ tử út thể hiện tí, cậu đi nhé.”
Tôi nói: “Đại ca Siêu, thế thịt luôn hay thế nào?”
Vương Siêu đáp: “Thôi, số người chúng ta thịt cũng nhiều quá rồi. Mấy tay xem bói bảo năm nay là năm bản mệnh của cậu, không được nhìn thấy máu, cậu cứ xin nó một cái chân là được rồi.”
Tôi đáp: “Vâng.”
Tôi quay người hỏi bà chủ quán: “Gà của chúng tôi rốt cuộc có chế biến được không?”
Bà chủ quán hoàn hồn, đáp: “Được, được chứ, để tôi đi hỏi đầu bếp.”
Tôi nói: “Nhanh lên.”
Bà chủ quán tất tưởi chạy mấy bước.
Lúc này Vương Siêu lại nói một câu: “Nhớ lấy, anh bảo chú xin của nó một cái chân, chứ không phải chỉ làm gẫy chân là được, phải mang cả cái chân về cho anh xem, hiểu chưa?”
Tôi vội đáp: “Em hiểu rồi, luật cũ mà.”
Một phút sau bà chủ quán từ trong bếp đi ra, nói: “Làm được, làm được. Mau đưa gà cho tôi. Anh xem còn cần gọi món gì khác nữa không?”
Vương Siêu đáp: “À, không cần, món nguội là mình gà, thêm cánh gà kho, những thứ khác đều nấu canh, món chính làm một bát mì xương gà.”
Bà chủ quán nghiến răng ghi lại, nói: “Tạm đủ rồi, có cần thêm phong vị gì khác không? Món trứng hấp của tiệm chúng tôi là món nổi tiếng ở đây đấy, gia vị đặc biệt, là bí quyết gia truyền.”
Ba chúng tôi vẫn còn đang do dự thì bỗng nhiên con gà “cục tác” một tiếng và đẻ ra một quả trứng. Chúng tôi mừng rỡ nhìn qua, nói: “Được, ột quả trứng hấp.”
Bà chủ quán như muốn khóc, nhặt trứng lên và quay người đi.
Chúng tôi chọn một chỗ gần cửa ngồi xuống, mỗi người ủ trong tay một cốc nước nóng, hơi nóng bay lên không rồi nhanh chóng tan đi, nhiệt độ xung quanh dường như cũng vì thế mà tăng lên. Tấm lưới chắn bụi cũ trên cửa sổ kêu lách cách, chốc lát lại để lọt vào chút hơi lạnh. Cậu phục vụ bé con trong quán phàn nàn thời tiết quỷ quái của phương bắc, mùa thu chưa sang, mùa đông đã đến, mà lại còn có gió cát, vài năm nữa chắc ở đây hóa sa mạc. Đại ca Kiện ngồi thẫn thờ dựa vào cửa sổ, chắc lại nghĩ đến anh chàng phòng chống trái đất sa mạc hóa. Xem ra con gà của anh chàng đó thực tận tụy, trước lúc bị bỏ vào nồi, còn có biểu hiện sáng chói như vậy, thật là “Con tằm đến chết mới hết tơ, thường làm cho người anh hùng nước mắt đẫm ống tay áo” .
Con đường này rộng khác thường, không biết tại sao, xe cộ qua lại rất thưa thớt, đèn đường sáng yếu ớt, theo sự chuyển lạnh của thời tiết, cả vùng xung quanh toát ra vẻ không hề có sức sống. Bỗng nhiên tôi thấy lòng nghèn nghẹn, bước ra ngoài cửa quán, đi lên con đường rộng thênh thang. Trên đường bỗng nhiên xuất hiện một đám chó hoang, màu sắc to nhỏ khác nhau, đi tuần một cách buồn tẻ. Tôi quay đầu lại nhìn cái quán cơm Trùng Khánh với tấm biển hết sức cũ nát, bỗng nhiên thấy cuộc sống của những con người này tẻ nhạt đến nhường ấy, từ bà chủ quán đến cậu bồi bàn, hết bận rộn tất bật rồi nhàn rỗi thơ thẩn, kiếm miếng ăn ở cái chỗ chỉ có mười mấy mét vuông này, thật không hiểu nổi những con người này làm thế nào mà tự phát tập hợp lại một chỗ được.
Một chiếc máy bay ù ù bay qua, tôi ngước đầu lên nhìn, thấp thoáng cũng thấy các vì sao. Máy bay vụt sáng rồi biến mất trong màn đêm. Cái đám ôn đó không biết liệu có tỉnh ngộ ra tí nào chưa, tôi thầm nghĩ.
Vương Siêu gọi tôi vào, bảo món cải xanh xào miễn phí của chúng tôi đã được mang lên rồi. Cả ba chúng tôi đều chưa ăn cơm, vừa đói vừa rét, nhanh chóng ăn hết chỗ rau cải. Hai nhân viên phục vụ trong quán một nam một nữ nom ngố đặc, nhìn một cách chăm chú. Đại ca Kiện hỏi: “Này, ở đây có nói là tặng miễn phí mấy đĩa không?”
Cô gái vội lắc đầu.
Vương Siêu bảo: “Mau đi hỏi bà chủ quán xem, bình thường bọn này chém người mệt lắm, không thấy bọn này đã đói đến mức này rồi hả!”
Cô nàng phục vụ vội vã nấp vào phía sau cậu bồi bàn. Anh chàng lấy hết dũng khí, nghĩ bụng cô em đang trông cậy vào mình, nhất định phải dũng cảm một tí, thế là nói bằng giọng điệu nghe như cần ăn chém: “Chỗ chúng tôi quy định chỉ tặng một đĩa, nếu thiếu phải tự mua.”
Tôi gọi to: “Bà chủ.”
Bà chủ quán run rẩy bước ra, tôi định hỏi bao nhiêu tiền một đĩa, bà chủ đã lên tiếng chặn trước: “Anh bạn, chỗ chúng tôi rau cải đều tặng miễn phí, tôi bảo họ làm thêm một đĩa ngay đây.”
Nói dứt lời liền dẫm lên chân cậu bồi bàn, nói gắt: “Không biết gì thì đừng có nói liên thuyên.”
Sau khi chờ mòn mỏi một hồi lâu, rốt cuộc món gà của chúng tôi cũng được đem lên. Đại ca Kiện đã phải trải qua muôn vàn gian khổ, nói dối không ít, diễn vô số màn kịch, chạy bao nhiêu quãng đường, đẩy xe rất xa, còn phá hỏng cả hình tượng của mình trong tim của cô gái mình thích, quá trình biến con gà thành thức ăn chín chứa đầy gian lao vất vả, tóm lại, cho đến giờ phút này có được miếng ăn thật không dễ dàng chút nào. Ba chúng tôi đột nhiên nước mắt tràn mi. Mà con người thay đổi quan niệm cũng nhanh chóng đến thế, trong sương khói tràn đầy vị thơm của món canh gà, thế giới huyền ảo bỗng nhiên trở nên đẹp đẽ, thời tiết cũng ấm áp theo, cái lạnh của đêm cũng đỡ buốt giá, cuộc sống của con người ta cũng tràn đầy ý nghĩa. Đây đúng là một bát “canh gà tâm hồn”.
Một bát canh gà đã có thể làm cho cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, điều này cho thấy cuộc sống đúng là chẳng có ý nghĩa gì sốt.
Rất nhanh, những món phụ khác cũng được mang lên, chúng tôi ăn cùng với cơm một cách ngon lành. Vương Siêu bỗng nói với chúng tôi một câu làm mọi người cụt hứng: “Ăn nhiều một tí, chốc nữa vẫn còn phải phiền các cậu đẩy xe về.”
Đại ca Kiện thẫn thờ bưng bát cơm, nói: “Đằng nào cậu cũng phải sửa thôi, nếu không đi đâu cũng thành đẩy.”
Vương Siêu nghĩ một lát rồi nói: “Cũng đúng, đẩy về rồi xe cũng vẫn là xe hỏng, để xem xem bên đường có chỗ nào chữa xe cấp tốc không. Cái xe chết tiệt này! Bố tớ vừa đổi Audi, hôm nào lái đến cho các cậu ngắm. Xe lãnh đạo quốc gia ngồi, các cậu trông thấy chưa?”
Tôi và đại ca Kiện gật đầu, nói: “Thấy rồi.”
Vương Siêu vỗ lên trán nói: “Quên mất, các cậu đến từ Thượng Hải.”
Bỗng nhiên, tôi sa vào cảm giác hư vô như thể bị rút chân không. Tôi và đại ca Kiện nhớ đến Từ Gia Hội, nhớ đến Bãi Ngoài và cái tháp truyền hình Minh Châu Đông Phương được xây dựng không hề có tí phong cách nào, rồi còn xe Mercedes đầy đường, lúc may mắn còn có thể trông thấy cả Ferrari. Thế mà lúc này chúng tôi lại đang ở quán cơm Trùng Khánh.
Tôi nghĩ, thôi vậy.
Vương Siêu hỏi: “Sao thế?”
Tôi đáp: “Không sao.”
Vương Siêu hỏi: “Muốn về rồi à?”
Tôi đáp: “Không về.”
Vương Siêu bỗng nói một câu: “Hai cậu, thôi cứ nhập đất cho bình an.”
Tôi và đại ca Kiện nghe mà toát cả mồ hôi hột.
Vương Siêu ngớ ra một lúc, vội nói: “Xin lỗi, tớ vốn định nói là ‘Nhập gia tùy tục’, sau lại muốn nói ‘Đã đến rồi, thì cứ an cơ lạc nghiệp’, cuối cùng chẳng biết sao lại nói thành ‘Nhập đất cho bình an’ .”
Đại ca Kiện bảo: “Cậu đúng là có văn hóa.”
Chúng tôi thong thả ăn hết, nhìn bàn ăn đầy bát đĩa và xương xẩu, lau miệng rồi gọi: “Chủ quán, tính tiền.”. Bà chủ quán bảo bốn bát cơm hai đồng, bát mì hai đồng, tất cả bốn đồng.
Vương Siêu móc túi lấy ra năm đồng, nói: “Không cần trả lại.”
Đám nhân viên phục vụ của quán tiễn chúng tôi đi ra bằng vẻ kính cẩn giả tạo. Chúng tôi trở lại với vấn đề đau đầu, không biết làm thế nào với cái xe. Tôi phát hiện ra mình luôn có hy vọng lạc quan trước mọi chuyện, tôi đề nghị Vương Siêu khởi động thêm lần nữa, xem liệu có thể xảy ra kỳ tích. Tôi nghĩ tính cách như thế này rất không phù hợp với nghề bác sĩ, nếu tôi là bác sĩ, chắc sẽ tiến hành cấp cứu vô số lần cho những bệnh nhân đã chết, cấp cứu mệt thì ngủ một giấc rồi dậy cứu tiếp. Vương Siêu cũng ôm hy vọng như thế về chiếc xe, vào trong xe, lục cục một hồi lâu rồi thất vọng xuống xe và nói: “Chẳng còn cách nào cả, chằng có động tĩnh gì.”
Đại ca Kiện bỗng phát hiện bên đường có một hàng chữa xe cấp tốc, trước cửa hàng còn đỗ một chiếc Xiary màu đỏ. Vương Siêu mừng rỡ hết sức, đi lên phía trước mời thợ sửa xe ra. Cậu thanh niên đó tay cầm mỏ lết, đi đến phía trước chiếc xe của Vương Siêu, thử khở động rồi bảo: “Động cơ hỏng rồi, phải lắp cái mới.”
Vương Siêu hỏi: “Không phải là máy phát điện cũng khá đắt à?”
Tay thợ nói: “Rất đắt.”
Vương Siêu nói: “Thế thì tạm thời tớ không sửa, để bố tớ sửa, đằng nào thì cũng được thanh toán.”
Đột nhiên, tay thợ giơ mỏ lết lên nói: “Hôm nay anh không sửa cũng phải sửa, hôm nay tôi chưa làm được vụ nào, thế nào cũng phải sửa được một cái xe.”
Vương Siêu lắp bắp nói: “Đại ca, anh xem không phải là chỗ anh có việc đây rồi hay sao?”
Tay thợ nói: “Đó là xe của tôi, đã sửa mấy hôm rồi, vẫn đang sửa.”
Vương Siêu nói: “Đại ca, thế anh xem xe của tôi sửa phải hết bao nhiêu tiền?”
Tay thợ trả lời: “Phải sửa xong rồi mới biết, vừa sửa vừa tính, có thể phải thay không ít thứ.”
Vương Siêu càng hoang mang, nói: “Thế thì tôi không sửa nữa đâu, thật sự không sửa nữa đâu.”
Tay thợ nói: “Không sửa không được. Không sửa, thằng nào cũng đừng có nghĩ đến chuyện đi khỏi đây.”
Vương Siêu nói: “Đại ca, anh nói thế là không có đẳng cấp rồi, chúng tôi dù sao cũng ba người.”
Lúc này tôi bước ra khỏi xe, đồng thời cố gắng hết sức để mình trông to cao lực lưỡng. Đại ca Kiện cũng nhấp nhổm muốn ra, nhưng tôi ấn anh lại cửa xe, nói: “Cậu chỉ cần thò đầu ra là được rồi.”
Thế là, Vương Siêu và tôi cùng với cái đầu của đại ca Kiện nhất loạt xuất hiện trước mặt tay chủ hàng. Thời gian này gió bụi cũng cao, xung quanh tĩnh lặng không bóng người, phía sau là một đám nhà cửa đổ nát.
Tay thợ nói: “Sửa xe là như thế, anh có đủ tiền mua xe đi thì cũng đừng ngại sửa xe đắt. Mà linh kiện của General Motor Thượng Hải rất đắt, không tin anh cứ hỏi bọn đồ đệ của tôi.”
Tay thợ vẫy một cái, năm cậu đồ đệ bước ra.
Vương Siêu bảo: “Được, anh nói rất đúng, sửa sớm hưởng sớm, nhưng tôi không mang nhiều tiền.”
Tay thợ hỏi: “Anh mang bao nhiêu tiền?”
Vương Siêu đáp: “Tất cả ba trăm.”
Tay thợ nói với đám đồ đệ: “Mau xem xem.”
Năm cậu đồ đệ mở nắp máy, cắm năm cái đầu vào nhòm ngó. Ánh mắt Vương Siêu đờ đẫn, tôi nghĩ lúc này chắc anh rất muốn cái khung đỡ nắp động cơ rạn gẫy, chụp lên năm cái đầu, sau đó mình sẽ nhảy lên trên nắp động cơ nhảy dẫm thỏa thích.
Năm thằng đồ đệ nghiêng ngó một hồi lâu rồi nói: “Bình điện hỏng rồi.”
Tay thợ bảo: “Thay.”
Vương Siêu hỏi: “Bao nhiêu tiền?”
Tay thợ đáp: “Ba trăm.”
Vật lộn hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng thay được cái bình điện. Vương Siêu chán chường lái xe, lúc mới chạy còn chết máy một lần. Trên đường anh về cứ nói đi nói lại: “Nếu chúng ta có ba người, hôm nay nhất định sẽ chơi.”
Đại ca Kiện rất không bằng lòng, bảo mình đã gần như hồi phục hoàn toàn rồi.
Vương Siêu nói: “Cậu có đánh cũng chẳng đánh được, chạy cũng chẳng chạy được xa. Mà thôi, hảo hán không chịu thiệt vì không nhịn những chuyện vặt trước mắt.”
Tôi kéo cửa kính xe xuống và nghĩ đây đúng là ý trời. Xem ra không thể ăn cơm miễn phí được, sớm muộn gì cũng phả trả, nhưng hình như lần này hiệu suất của ông trời hơi cao. Xe đi được mấy trăm mét, Vương Siêu bảo: “Cậu mau kéo cửa xe lên, phải bật điều hòa rồi, cậu không thấy mùa đông đến rồi hay sao.”
Tôi nằm co trong chỗ ngồi, hơi ấm từ từ thổi ra, cửa kính dần dần mờ ảo. Tôi khẽ lau tấm kính chắn gió, ngắm nhìn cảnh vật bị ngăn cách ngoài cửa và nghĩ về quang cảnh lúc cái mùa đáng ghét này đến vào năm trước nữa.
Đối với bản thân tôi, vào mùa đông tôi ghét mùa đông, nhưng vào các mùa khác tôi dường như lại rất nhớ mùa đông, vì các mùa khác chẳng thể mang lại cho tôi cảm giác được bước vào một nơi ấm áp giữa mùa đông. Tuy nói thế, nhưng mùa đông của tôi phần nhiều là phơi ra ở những nơi lạnh giá, nên cứ đến mùa đông, là tôi lại mất đi sức sống, làm tất cả mọi việc đều không theo được ý muốn của mình. Tôi còn nhớ lúc học đại học có mấy đợt lạnh ẩm, buốt đến mức côn đồ lưu manh cũng không muốn chui ra khỏi ổ làm việc bất lương.
Nhưng bất hạnh thay, tôi vẫn phải dậy sớm để đến cái lớp học hở gió. Lúc đó tôi vô cùng ngưỡng mộ cậu bạn cùng bàn, cậu này là người nông thôn chất phác, vì có năng khiếu nhảy xa nên được trường tuyển, nhưng thời gian đó nhà trường chưa có chế độ được ở ký túc xá, nên trường thuê cho cậu một căn phòng tầng mười ở khu tập thể công nhân của nhà máy cách một bức tường bên cạnh. Cậu bạn cùng bàn là đối tượng được nhà trường chú trọng đào tạo, cậu ta nói cũng chẳng mấy khi lưu loát, cho nên trong giờ học, các thầy cô giáo hầu như không gọi cậu trả lời câu hỏi, mà cho dù cậu học như thế nào, thì cuối cùng cũng được tốt nghiệp, điểm này làm các học sinh bình thường rất ngưỡng mộ. Chúng tôi mãi không hiểu nổi tại sao chỉ vì nhảy xa được hơn chúng tôi nửa mét mà cậu ta không cần chịu khổ.
Hầu hết mọi lúc, tôi đều khinh miệt cậu bàn cùng bàn, bởi vì người này ngoài nhảy xa ra thì chẳng có bất kỳ năng khiếu gì khác, cậu ta thậm chí không nhảy cao được. Trong khoảng thời gian đó, trông cậu ta rất lỗi mốt, rất không hài hước. Lúc đó tôi cảm thấy mình nhất định không thể trở thành một người như thế. Nhưng hễ mùa đông đến, tôi lại rất ngưỡng mộ cậu bạn cùng bàn, vì cậu ta ở quá gần. Tôi phải dậy sớm hơn cậu ta đến nửa tiếng đồng hồ, rồi lại còn phải khổ hạnh đạp xe một quãng đường ngược gió dài lê thê mới đến được trường. Và trong đầu tôi thường nghĩ, với khoảng cách giữa cậu ta và trường, cậu ta chỉ cần đứng trên ban công, nếu hứng lên buông mình nhảy xuống là có thể chết ở trên nóc của lớp học.